Cập nhật dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất? Căn cứ nào được sử dụng để xác định loại đất theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất đã được Quốc hội cập nhật như thế nào?
Vừa qua Quốc hội vừa ban hành Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cụ thể Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có 236 Điều và XVI Chương bao gồm:
Chương I. Quy định chung
Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai
Chương III. Địa giới hành chính và Điều tra cơ bản về đất đai
Chương IV. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Chương V. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đấ
Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Chương VIII. Phát triển quỹ đất
Chương IX. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Chương X. Tài chính đất đai, giá đất
Chương XI. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai
Chương XII. Chế độ sử dụng các loại đất
Chương XIII. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai
Chương XV. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Chương XVI. Điều khoản thi hành
Đã có Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, căn cứ để xác định loại đất theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi? (Hình từ Internet)
Căn cứ nào được sử dụng để xác định loại đất theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?
Tại Điều 10 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về phân loại đất như sau:
Phân loại đất
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất chuyên trồng lúa, đất trồng lúa còn lại và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Đất chăn nuôi tập trung;
đ) Đất nuôi trồng thủy sản;
e) Đất làm ruộng muối (sau đây gọi là đất làm muối);
g) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp và đất công trình khác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không nhằm mục đích phi nông nghiệp.
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, đất an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, đường sắt, đường bộ và công trình giao thông khác); công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tôn giáo, đất tín ngưỡng);
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; bảo quản lưu trữ tro cốt.
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
3. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa giao, chưa cho thuê gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi, núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây; đất có mặt nước nội địa; đất có mặt nước ven biển; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối chưa sử dụng và các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Theo đó, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 3 loại là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng
Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?
Tại Điều 12 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm:
- Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
- Thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
- Không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích.
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
- Nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
- Làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai.
- Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
- Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
- Sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;