Cảnh sát cơ động có được xử lý vi phạm khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ?
Cảnh sát cơ động có được xử lý vi phạm khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ?
Căn cứ tại Chương IV Thông tư 32/2023/TT-BCA thì Cảnh sát giao thông huy động lực lượng cảnh sát khác phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định như sau:
Lực lượng được huy động và điều kiện của cán bộ, chiến sĩ được huy động
1. Lực lượng được huy động: Các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân.
2. Điều kiện đối với cán bộ, chiến sĩ được huy động
Cán bộ, chiến sĩ được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được quán triệt, nắm vững các quy định của pháp luật giao thông đường bộ, quy định về xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quy định về tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Căn cứ theo Điều 3 Luật Cảnh sát cơ động 2022 có quy định như sau:
Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động
Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định trên có thể hiểu Cảnh sát cơ động là một lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, Cảnh sát cơ động được huy động phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết khi thực hiện tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông được xử lý vi phạm giao thông theo thẩm quyền.
Cảnh sát cơ động có được xử lý vi phạm khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ? (Hình từ Internet)
Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy định về 4 trường hợp cán bộ cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát gồm có như sau:
(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quy trình tiến hành kiểm soát của cảnh sát giao thông như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quy trình tiến hành kiểm soát của cảnh sát giao thông được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện.
Bước 2: Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.
Bước 3: Thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử.
Bước 4: Thực hiện kiểm soát các nội dung tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông
- Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ
- Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.
Bước 5: Kết thúc kiểm soát
Cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.
*Lưu ý:
- Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;