Doanh nghiệp không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm có được rút tiền ký quỹ đã nộp không?
- Tại sao doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm lại bắt buộc phải ký quỹ?
- Trường hợp ký quỹ trước nhưng lại không được cấp giấy phép hoạt động thì có được rút lại tiền đã ký quỹ không?
- Khi đề nghị rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?
- Thủ tục rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm được thực hiện như thế nào?
Tại sao doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm lại bắt buộc phải ký quỹ?
Căn cứ vào Điều 23 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 23. Ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ
1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ theo mức quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ).
2. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ việc làm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày rút tiền ký quỹ để thanh toán đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 Nghị định này, doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền ký quỹ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.
4. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ thì ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của ngân hàng nhận ký quỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép của doanh nghiệp theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 21 Nghị định này.”
Như vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm bắt buộc phải ký quỹ là để có được nguồn tài chính dùng trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ việc làm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Doanh nghiệp không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm có được rút tiền ký quỹ đã nộp không?
Trường hợp ký quỹ trước nhưng lại không được cấp giấy phép hoạt động thì có được rút lại tiền đã ký quỹ không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định về trường hợp được rút tiền ký quỹ như sau:
“Điều 26. Rút tiền ký quỹ
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;
b) Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;
c) Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng nhận ký quỹ khác;
d) Doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do vi phạm quy định về dịch vụ việc làm sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm thì có quyền yêu cầu rút tiền ký quỹ đã nộp trước đó. Ngoài ra, những trường hợp khác được rút tiền ký quỹ sẽ thực hiện theo quy định trên.
Khi đề nghị rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 26. Rút tiền ký quỹ
…
2. Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:
a) Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp;
b) Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm tại ngân hàng nhận ký quỹ khác đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Báo cáo việc hoàn thành nghĩa vụ và văn bản chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ gồm lý do, mục đích rút tiền ký quỹ; danh sách người lao động, người sử dụng lao động, số tiền, thời gian, phương thức thanh toán đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ rút tiền ký quỹ gửi ngân hàng nhận ký quỹ, gồm:
a) Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).”
Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị thành phần hồ sơ theo quy định nêu trên để gửi đến cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 26. Rút tiền ký quỹ
…
4. Trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ như sau:
a) Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác thực hồ sơ, việc hoàn thành các nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ, phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có), gửi doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ. Trường hợp không đồng ý về việc rút tiền ký quỹ thì có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do;
c) Sau khi có văn bản đồng ý về việc rút tiền ký quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này tại ngân hàng nhận ký quỹ;
d) Ngân hàng nhận ký quỹ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, nếu đúng quy định thì ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ rút tiền ký quỹ.
Trường hợp rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này thì việc thanh toán, bồi thường cho người lao động, người sử dụng lao động do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.”
Như vậy, doanh nghiệp thực hiện thủ tục rút tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ theo nội dung của quy định trên.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;