Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm pháp luật? Bên mua bảo hiểm được thực hiện những quyền nào?
Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm vi phạm pháp luật?
Ngay sau khi có văn bản gửi Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, chiều ngày 10/4/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có Công văn 453/QLBH-NT năm 2023 gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhằm tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Tại Công văn 453/QLBH-NT năm 2023 nêu rõ, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận được thông tin phản ánh về chất lượng tư vấn, hỗ trợ giao kết hợp đồng bảo hiểm của các đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm.
- Yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm.
- Nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi quy định pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các doanh nghiệp này rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
- Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng; trường hợp khách hàng có phản ánh qua các cơ quan thông tấn báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí.
Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm nhân thọ vi phạm pháp luật? Bên mua bảo hiểm được thực hiện những quyền nào?
Bên mua bảo hiểm được thực hiện những quyền nào theo quy định pháp luật hiện hành?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
1. Bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
c) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật này;
d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 22 và Điều 35 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật này;
e) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
g) Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bên mua bảo hiểm sẽ có đầy đủ các quyền theo quy định nêu trên.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được giao kết và thực hiện trên nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
- Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này;
- Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;
- Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
- Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;