Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư?
Hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư?
Ngày 7/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 3539/VPCP-CN năm 2022 về việc hướng dẫn xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến như sau:
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.
Như vậy, Bộ Tài Chính sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư trong thời gian chờ đợi phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Văn phòng Chính phủ: Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn?
Những tài sản nào là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 4. Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm cả đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được chia làm hai loại: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.
2. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu là công trình, hạng mục công trình đường sắt quốc gia hoặc công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa, gồm:
a) Đường sắt quốc gia, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, đường ngang, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt quốc gia và đường bộ;
b) Ga (đường sắt trong ga, đường bộ trong ga phục vụ tác nghiệp chạy tàu, phòng đợi tàu, kho và bãi chứa hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu, phòng chỉ huy chạy tàu, phòng đặt thiết bị thông tin tín hiệu, ke ga, mái che ke ga, giao ke, cầu vượt dành cho hành khách trong ga, chòi gác ghi);
c) Đepo (nơi tập kết tàu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu, thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật khác);
d) Phòng chỉ huy chạy tàu tại các trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia;
đ) Hệ thống cấp, thoát nước; thông tin tín hiệu; cấp điện liên quan trực tiếp đến chạy tàu;
e) Nhà cung cầu, cung đường, cung thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà đặt các thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà gác cầu, nhà gác hầm, nhà gác chắn đường ngang.
3. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không trực tiếp liên quan đến chạy tàu là công trình, hạng mục công trình đường sắt quốc gia hoặc công trình phụ trợ khác không thuộc tài sản quy định tại khoản 2 Điều này, gồm:
a) Đường bộ trong ga không phục vụ tác nghiệp chạy tàu;
b) Quảng trường ga;
c) Kho, bãi chứa hàng hóa không trực tiếp liên quan đến chạy tàu;
d) Các công trình dịch vụ, thương mại (bán hàng, nghỉ trọ, dịch vụ khác) tại các ga đường sắt quốc gia;
đ) Nhà làm việc của cơ quan nhà nước tại khu vực ga;
e) Các công trình, hạng mục công trình khác không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.
4. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
5. Trong quá trình hoạt động, trường hợp cần phải điều chỉnh việc phân loại tài sản giữa các nhóm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Tài chính.”
Như vây, các loại tài sản thuộc các trường hợp theo quy định nêu trên thì chính là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sẽ được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Mọi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
2. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của xã hội để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
4. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phải công khai, minh bạch; bảo đảm điều hành giao thông vận tải đường sắt thống nhất, tập trung; bảo đảm hoạt động vận tải đường sắt quốc gia thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sẽ được thực hiện theo nguyên tắc quy định như trên.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;