Bệnh giun lươn đường ruột: Có thể dẫn tới viêm não, viêm phổi và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì?

Nghe nó dạo gần đây có loại bệnh là bệnh giun lươn đường ruột khá nguy hiểm, tôi có thắc mắc bệnh đó lây truyền như thế nào? Triệu chứng của bệnh ra sao, có nguy hiểm không? Mong được giải đáp thắc mắc!

Bệnh giun lươn đường ruột là gì? Nguồn bệnh từ đâu? Lây truyền như thế nào?

Căn cứ theo Quyết định 1384/QĐ-BYT năm 2022 quy định về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh giun lươn đường ruột như sau:

Bệnh giun lươn đường ruột (Strongyloidiasis) thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, với khoảng 30-100 triệu người nhiễm bệnh. Người bị nhiễm bệnh do ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da đi vào cơ thể khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm. Ngoài ra, người có thể nhiễm bệnh qua cơ chế tự nhiễm do giun lươn cái đẻ trứng, sau đó trứng phát triển thành ấu trùng hoặc đẻ ấu trùng và thành giun trưởng thành ngay trong ruột. Hay gặp ở người có suy giảm miễn dịch. Bệnh có biểu hiện các triệu chứng về tiêu hoá, hô hấp, thần kinh..., trong trường hợp bị nhiễm nặng bệnh nhân có thể tử vong.

- Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh giun lươn đường ruột thường gặp là do Strongyloides stercoralis, ngoài ra có loài Strongyloides fuelleborni thường gây bệnh ở khỉ, vượn, chó nhưng đôi khi gây bệnh ở người.

- Nguồn truyền bệnh giun lươn

Người là vật chủ chính, ngoài ra có thể có ở một số động vật khác như khỉ, vượn, chó...

- Phương thức lây truyền

+ Qua đường da: Ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, niêm mạc vào trong cơ thể.

+ Tự nhiễm: Do giun cái đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng hoặc đẻ ấu trùng và phát triển thành giun trưởng thành ngay trong ruột gây bệnh cho người.

- Tính cảm nhiễm và miễn dịch

+ Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi có tiếp xúc với đất, cát có ấu trùng giun lươn.

+ Miễn dịch với giun lươn là cao nhất trong các loài giun truyền qua đất nhưng không có miễn dịch lâu dài nên có thể dễ dàng tái nhiễm.

- Chu kỳ phát triển của giun lươn

+ Chu kỳ giun lươn gồm: chu kỳ ký sinh và chu kỳ tự do.

Chu kỳ phát triển của giun lương:

(1) Ấu trùng giun lươn có thực quản dạng ụ phình (L1) theo phân của người nhiễm giun lươn ra ngoài môi trường.

(2) Ở môi trường, ấu trùng có thực quản dạng ụ phình có thể phát triển thành giun trưởng thành sống tự do hoặc trở thành ấu trùng có thực quản dạng hình chỉ (L3-là giai đoạn ấu trùng có khả năng lây nhiễm) xâm nhập vào da người (6).

(3) Giun trưởng thành giao phối, và con cái đẻ trứng.

(4) Trứng nở ra ấu trùng có thực quản dạng ụ phình ngoài môi trường.

(5) Những ấu trùng này có thể phát triển thành những con trưởng thành sống tự do (2) hoặc phát triển thành ấu trùng có thực quản dạng hình ống (L3) có khả năng lây nhiễm (6).

(6) Ấu trùng có thực quản hình ống (L3) xâm nhập từ đất qua da tiếp xúc.

(7) Ấu trùng di chuyển qua dòng máu đến phổi, xuyên qua các mao mạch phổi, tới cây phế quản đến hầu họng, được nuốt xuống đường tiêu hóa, sau đó đến ruột non, nơi chúng trưởng thành.

(8) Trong ruột non, giun cái trưởng thành đẻ trứng.

(9) Trứng nở thành ấu trùng có thực quản dạng ụ phình. Hầu hết ấu trùng được bài tiết qua phân.

(10) Một số ấu trùng có thực quản dạng ụ phình (L1) trong ruột già phát triển thành ấu trùng có thực quản hình ống, xâm nhập qua niêm mạc ruột (tự nhiễm bên trong) hoặc da xung quanh hậu môn (tự nhiễm bên ngoài) và di chuyển tự do tới các cơ quan khác theo chu kỳ lây nhiễm bình thường.

Bệnh giun lươn đường ruột có thể dẫn tới viêm não, viêm phổi và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì?

Bệnh giun lươn đường ruột có thể dẫn tới viêm não, viêm phổi và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì?

Triệu chứng lâm sàng của bệnh giun lươn đường ruột là gì?

Căn cứ theo Quyết định 1384/QĐ-BYT năm 2022 quy định về triệu chứng lâm sàng của bệnh giun lươn đường ruột như sau:

a) Thể bệnh thông thường

Triệu chứng thường gặp:

- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy là triệu chứng thường gặp nhất, có thể kéo dài trên 2 tuần và xen kẽ đợt táo bón.

- Đau bụng: thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải kèm theo buồn nôn và nôn.

- Dị ứng: ngứa, nổi mẩn đỏ tại vị trí xâm nhập qua da hoặc dạng ban dát sẩn nổi mề đay kéo dài rải rác toàn thân.

Ngoài ra có thể có các triệu chứng như: Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút cân, thiếu máu, viêm ruột, viêm loét tá tràng, đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, viêm khớp, rối loạn nhịp tim, hội chứng thận hư và ho/ hen phế quản.

b) Thể bệnh nặng

- Thể bệnh nặng bao gồm hội chứng tăng nhiễm giun lươn và nhiễm giun lươn lan toả thường gặp ở bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, dùng corticosteroid kéo dài hay thuốc ức chế miễn dịch và thường đi kèm với các bệnh khác như: Nhiễm khuẩn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn, bệnh ác tính, tiểu đường, suy dinh dưỡng.

- Bệnh giun lươn lan tỏa ấu trùng xâm nhập vào nhiều cơ quan như phổi, gan, tim, thận, các cơ quan nội tiết và hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh thường nặng và dẫn đến tử vong cao.

- Ấu trùng giun lươn gây viêm ruột, xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng ruột dẫn đến viêm phúc mạc.

- Về thần kinh: Bệnh nhân dễ bị kích thích, suy nhược thần kinh, có thể bị viêm não - màng não, áp xe não, động kinh, rối loạn tri giác.

- Giun lươn lạc chỗ có thể gây những triệu chứng viêm phổi, áp xe phổi, hen phế quản, gây viêm phổi mô kẽ, xuất huyết nhu mô, chấm xuất huyết tại các phế nang, suy hô hấp.

- Ấu trùng giun lươn gây phì đại hạch, viêm nội tâm mạc, viêm tụy, suy gan, suy thận, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, phù toàn thân.

c) Cận lâm sàng

- Xét nghiệm

+ Xét nghiệm phân bằng phương pháp: soi tươi, hay phương pháp Baermann

+ Xét nghiệm dịch tá tràng, dịch rửa phế quản hoặc đờm: tìm ấu trùng giun lươn.

+ Xét nghiệm ELISA: phát hiện kháng thể kháng giun lươn Strongyloides stercoralis trong huyết thanh rất có giá trị chẩn đoán.

+ Xét nghiệm IgE toàn phần: có thể tăng.

+ Công thức máu: chỉ số bạch cầu ái toan thường tăng, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi có thể tăng.

+ Sinh hóa máu: có thể tăng men gan.

+ Xét nghiệm sinh học phân tử: xác định loài giun lươn.

d) Chẩn đoán hình ảnh

+ Siêu âm ổ bụng: có dầy thành quai ruột non, dầy đều.

+ Chụp Xquang ngực: có thể cho thấy sự thâm nhiễm kẽ, đông đặc, hoặc áp xe.

+ Chụp CT, MRI: khi có tổn thương thần kinh.

Chẩn đoán đối với bệnh giun lươn đường ruột như thế nào?

Căn cứ theo Quyết định 1384/QĐ-BYT năm 2022 quy định về chẩn đoán đối với bệnh giun lươn đường ruột như sau:

- Trường hợp bệnh nghi ngờ

+ Yếu tố dịch tễ: Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc sống trong vùng có dịch lưu hành.

+ Bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng hướng tới bệnh giun lươn.

- Trường hợp bệnh xác định: Trường hợp bệnh nghi ngờ và có một trong hai các xét nghiệm sau:

+ Xét nghiệm phân tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân, dịch tá tràng, trong dịch rửa phế quản hoặc đờm hoặc

+ Xét nghiệm ELISA kháng thể kháng giun lươn: dương tính.

- Chẩn đoán phân biệt

+ Viêm loét dạ dày tá tràng: bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày, dựa vào kết quả nội soi dạ dày để chẩn đoán xác định.

+ Chẩn đoán phân biệt với ấu trùng giun móc: bằng hình thái học.

+ Bệnh ấu trùng giun đầu gai: tổn thương là những u cục to nhỏ không đều có tính di chuyển, ngứa. Xét nghiệm ELISA kháng thể kháng giun đầu gai: dương tính.

Lê Nguyễn Cẩm Nhung

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

33 lượt xem
Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}