Ban hành quy trình khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục tại nơi làm việc lồng ghép trong nội quy, quy chế của doanh nghiệp?
- Gạ gẫm bằng lời nói, hành động tại nơi làm việc có bị xem là quấy rối tình dục không?
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy trình khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục tại nơi làm việc không?
- Người lao động được quyền báo cáo về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay không?
Gạ gẫm bằng lời nói, hành động tại nơi làm việc có bị xem là quấy rối tình dục không?
Tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:
"9. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động."
Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc năm 2015 cũng có quy định cụ thể về hành vi quấy rối tình dục nói chung và những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng cụ thể như sau:
“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục.
Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
a) Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tìnhđộng chạm khôngmong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét khôngphù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
c) Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Như vậy, việc bạn bị gạ gẫm cả về lời nói lẫn hành động tại nơi làm việc bởi một nhân viên nam có thể xem là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định trên.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy trình khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục tại nơi làm việc không?
Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc năm 2015 đưa ra những khuyến nghị về việc ban hành các nội quy, quy chế về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp cụ thể như sau:
"Quy định của doanh nghiệp về quấy rối tình dục nên là văn bản độc lập, thể hiện thành nội quy, quy chế về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, đối với trường hợp các doanh nghiệp nhỏ, có thể kết hợp việc xây dựng và ban hành quy định này với những quy định khác của doanh nghiệp về bình đẳng và không phân biệt đối xử. Quy định này nên được thể hiện với ngôn ngữ đơn giản, và trình bày dễ hiểu, để tất cả người lao động, bao gồm cả
người lao động không biết chữ. Nội quy, quy chế của doanh nghiệp cần thiết phải bao gồm nội dung cơ bản sau:
- Cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Đưa ra khái niệm rõ ràng về quấy rối tình dục;
- Quy trình khiếu nại/tố cáo rõ ràng, dễ hiểu;
- Quy định việc áp dụng kỷ luật đối với người thực hiện hành vi quấy rối và đối với bất kể người nào đưa ra quy kết sai;
- Những biện pháp bảo vệ và khắc phục cho nạn nhân..."
Có thể thấy, một trong những nội quy, quy chế mà doanh nghiệp cần thiết phải ban hành trong chính nội bộ doanh nghiệp mình là việc ban hành quy trình khiếu nại/tố cáo một cách rõ ràng, dễ hiểu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhằm đảm bảo người lao động được bảo vệ một cách tốt nhất.
Người lao động được quyền báo cáo về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay không?
Theo quy định tại Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc năm 2015, tất cả người lao động, không phân biệt giới tính, tuổi tác, vị trí, hình thức ký hợp đồng lao động hay tình trạng công việc, đều có quyền và trách nhiệm đảm bảo nơi làm việc không có quấy rối tình dục, ngăn cản và báo cáo mọi hành vi không được chấp nhận theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể về quấy rối tình dục của doanh nghiệp
Như vậy, có thể thấy người lao động có quyền báo cáo lên các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền về hành vi quấy rối tình dục nhằm ngăn cản, xử lý kịp thời các hành vi này.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;