5 mẫu đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về cảnh đẹp của đất nước Việt Nam? Đổi mới đánh giá học sinh trong môn Văn ra sao?
5 mẫu đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về cảnh đẹp của đất nước Việt Nam?
5 mẫu đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về cảnh đẹp của đất nước Việt Nam như sau:
Mẫu số 1
Mỗi năm vào dịp nghỉ hè, gia đình em thường đi nghỉ mát. Một trong những nơi mà em thích đến đó là Đà Lạt. Cảnh vật nơi đó rất đẹp, không khí mát mẻ, trong lành và có những cơn mưa phùn bay lất phất. Buổi chiều tối tiết trời se lạnh. Đà Lạt có rất nhiều hoa đẹp và hồ rất nên thơ. Xung quanh là những thảm cỏ bát ngát với hàng thông xanh rì rào. Những con đường uốn lượn quanh co đồi dốc trập trùng trông thật tuyệt làm sao! Đà Lạt là xứ sở của ngàn hoa, hai bên đường hoa đua nhau khoe sắc rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Thỉnh thoảng có những chú ngựa đứng gặm cỏ bên bờ hồ làm cảnh cho mọi người chụp ảnh lưu niệm mỗi khi đến đây. Em rất thích cảnh quang Đà Lạt, nó hiền hòa, êm đềm như một bức tranh. Mỗi lần đến với nơi đây, em cảm thấy mình thật thoải mái, dễ chịu hẳn lên.
Mẫu số 2
Vào kì nghỉ hè, gia đình em đã được đến thăm thành phố Huế. Khung cảnh ở nơi đây đẹp như một bức tranh. Em đã được đi thăm rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Vườn quốc gia Bạch Mã, Chợ Đông Ba, Suối nước khoáng Thanh Tân, Chùa Thiên Mụ,... Em ấn tượng nhất là Chùa Thiên Mụ. Với không gian tôn giáo linh thiêng, sự yên bình của chốn Phật pháp, chùa Thiên Mụ là nơi đáng để đến trải nghiệm nền Phật giáo lâu đời của Việt Nam.
Nơi đây tuyệt đẹp còn có sự góp mặt của con sông Hương thơ mộng. Cùng với cây cầu Tràng Tiền đã rất nổi tiếng bắc qua con sông này. Bố mẹ em nói với em rằng con người Huế mang vẻ thâm trầm, kín đáo. Còn em cảm thấy con người ở đây rất lãng mạn, ôn hòa. Em mong rằng có thể quay trở lại nơi đây một lần nữa. Em cũng hy vọng có cơ hội được đi nhiều nơi, khám phá nhiều cảnh đẹp hơn nữa của đất nước Việt Nam.
Mẫu số 3
Quê hương em có bãi biển Sầm Sơn vô cùng nổi tiếng. Hè năm nào cũng vậy, bố mẹ lại đưa em đi tham quan và du lịch ở bãi biển Sầm Sơn. Khung cảnh thiên nhiên ở nơi đây mới đẹp làm sao! Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống khắp nơi. Bãi cát vàng trong nắng càng trở nên lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Nước biển xanh và trong.
Đứng gần biển em có thể nhìn thấy từng đợt sóng đánh vào bờ. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Khi em đứng trước bờ biển lắng tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Tất cả giống như một bức tranh được vẽ bởi họa sĩ tài ba vậy. Em cảm thấy vô cùng tự hào về những nét đẹp của quê hương mình. Em còn vô cùng yêu mến người dân nơi đây, họ thân thiện và dễ mến.
Mẫu số 4
Nghỉ hè, em được đến thăm biển Vũng Tàu. Vũng Tàu là một thành phố lớn, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Nước biển ở đây thật trong xanh. Những con sóng đánh rì rào. Ở gần bãi biển có nhiều điểm nghỉ ngơi, vui chơi. Bờ biển trải dài ngút tầm mắt. Một không gian mênh mông, ngút ngàn là nước, nước xanh trong. Buổi sáng nước biển xanh lơ. Đến trưa dường như biển không hiền hòa như buổi bình minh, nước biển xanh thẳm. Còn khi hoàng hôn buông xuống nước biển đổi màu tím biếc. Vì cảnh sắc và không khí đều tuyệt đẹp, nên du khách kéo đến đây rất đông. Em mong nghỉ hè năm nào cũng được đến đây vui chơi.
Mẫu số 5
Cát Bà là một bãi biển nhỏ xinh mà em đã được bố mẹ dẫn đi vào dịp hè vừa rồi. Cát Bà còn có tên là đảo ngọc, là hòn đảo xinh đẹp và thơ mộng. Cát Bà có 3 bãi tắm Cát Cò. Có thể nói đây là 3 bãi biển Cát Bà Hải Phòng rất nổi tiếng. Từ bãi tắm này sang bãi tắm kia được nối với nhau bằng một chiếc cầu gỗ nhỏ men theo sườn núi tuyệt đẹp. Bãi biển rộng và cát mịn nên nơi này rất thu hút khách du lịch. Vào mùa hè, Cát Bà rất đông đúc, bãi tắm đầy ắp người, gió biển ào ào thổi. Tuy đến với biển Cát Bà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nhưng em rất ấn tượng với bãi biển này.
5 mẫu đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về cảnh đẹp của đất nước Việt Nam tham khảo như trên.
5 mẫu đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về cảnh đẹp của đất nước Việt Nam? Đổi mới đánh giá học sinh trong môn Văn ra sao? (Hình từ Internet)
Đổi mới đánh giá học sinh trong môn Văn ra sao?
Căn cứ theo Mục 2 Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH năm 2022 quy định việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn như sau:
- Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
- Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
- Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
- Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.
Đánh giá định kì học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ra sao?
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông như sau:
(1) Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.
(2) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.
(3) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 01 (một) điểm đánh giá giữa kì (sau đây viết tắt là ĐĐGgk) và 01 (một) điểm đánh giá cuối kì (sau đây viết tắt là ĐĐGck).
(4) Những học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định tại (2), (3) nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng học kì.
(5) Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định tại (4) thì được đánh giá mức Chưa đạt hoặc nhận 0 (không) điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail [email protected];