18/07/2022 16:03

Xả thải chăn nuôi ra môi trường bị xử phạt như thế nào?

Xả thải chăn nuôi ra môi trường bị xử phạt như thế nào?

Chất thải từ chuồng, trại chăn nuôi không qua xử lý thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sống xung quanh đó. Vậy pháp luật Việt Nam có quy định về vấn đề này như thế nào và hành vi xả thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường sẽ bị xử phạt ra sao?

1. Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi

Theo Luật Chăn nuôi 2018 của Việt Nam, quy mô chăn nuôi cơ bản được chia thành hai loại:

- Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ. Đây là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.

-  Chăn nuôi nông hộ: hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình.

Theo đó, với mỗi loại sẽ có quy định về xử lý chất thải khác nhau.

1.1. Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại

Điều 59 Luật Chăn nuôi quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại như sau:

- Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ:

+ Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;

+ Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;

+ Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

- Xử lý nước thải chăn nuôi:

+ Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;

+ Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

- Xử lý khí thải chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

- Đối với các chất thải khác: việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

1.2. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ                 

Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau:

Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;

Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

2. Mức xử phạt vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi

Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 14/2021/NĐ-CP.

Điều 30 Nghị định này quy định mức phạt vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại như sau:

“1. Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.”

Như vậy, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi có thể bị xử phạt đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm về xử lý khí thải, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với hình thức chăn nuôi nông hộ, mức phạt được quy định tại Điều 31 Nghị định này như sau:

Hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
452


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;