Nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ cơ bản của bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng, đủ như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật trong trường hợp không có thỏa thuận.
Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam quy định cụ thể về nghĩa vụ thanh toán như sau:
“Điều 50. Thanh toán
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận
Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.”
Bộ luật Dân sự của Việt Nam cũng quy định về nghĩa vụ thanh toán tại Điều 280 và 440:
Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận và bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
Như vậy, bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán như thỏa thuận. Thông thường, các nội dung trong điều khoản thanh toán sẽ được các bên thỏa thuận và quy định cụ thể trong hợp đồng như phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, lãi chậm trả,… Trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể từng nội dung thì thực hiện theo quy định của pháp luật như sau:
Về địa điểm thanh toán: Điều 54 Luật Thương mại 2005 quy định trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:
- Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;
- Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Về thời hạn thanh toán: Điều 55 Luật Thương mại 2005 quy định trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn thanh toán được quy định như sau:
- Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;
- Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.
Về xác định giá:
Vấn đề này được quy định tại Điều 52, 53 Luật Thương mại, theo đó giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về giá hàng hóa và phương pháp xác định giá.
Nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Về chuyển rủi ro cụ thể từng trường hợp được quy định từ Điều 57 đến Điều 61 Luật Thương mại.
Trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bên bán có thể áp dụng các chế tài được quy định trong Luật Thương mại.
Chế tài Buộc thực hiện đúng hợp đồng theo Điều 297: Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.
Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.
Bên bán có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên mua thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Chế tài phạt vi phạm:
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại.
Mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266.
Bên cạnh đó, Điều 306 cũng quy định trong trường hợp có bên vi phạm về chậm thanh toán, bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Mời bạn đọc tham khảo bản án thực tế về hướng xử lý khi có vi phạm nghĩa vụ thanh toán
Công ty T và Công ty V có ký kết hai hợp đồng bán gạch. Công ty V còn nợ tiền hàng Công ty T. Nay Công ty Cổ phần T yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đông A Thành phố Hà Nội tuyên buộc Công ty TNHH Vận tải V còn nợ với số tiền nợ gốc là 1.956.232.282 đồng và tiền lãi chậm trả tạm tính đến ngày 30/09/2021 là 1.503.203.057 đồng. Tổng số tiền cả gốc và lãi chậm trả là: 3.459.435.339 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ bốn trăm năm mươi chín triệu bốn trăm ba mươi lăm ngàn ba trăm ba mươi chín đồng).
Tòa án nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội nhận định: Đây là nghĩa vụ trả tiền mua hàng hoá, phát sinh trong quá trình hoạt động thương mại của hai pháp nhân, giữa các bên không có tranh chấp về nội dung hay điều khoản trong hợp đồng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nợ tiền mua gạch. Đây là hoạt động thương mại giữa các pháp nhân nhưng không quy định trong Luật Thương mại, nên căn cứ vào khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết về nợ gốc, nên áp dụng quy định tại điều 280 Bộ luật Dân sự 2015 để buộc Bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn khoản tiền nợ gốc là: 1.956.232.282 đồng
Do đó Tòa án nhân dân huyện Đông Anh quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Buộc Công ty TNHH Vận tải V phải thanh toán (trả nợ) cho Công ty Cổ phần T 1.956.232.282 đồng
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về