14/06/2022 10:14

Tiền án, tiền sự là gì? Sự khác biệt giữa tiền án, tiền sự?

Tiền án, tiền sự là gì? Sự khác biệt giữa tiền án, tiền sự?

Tiền án, tiền sự là cụm từ không ai muốn xuất hiện trên lý lịch của mình, nó như một vết đen ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Chúng ta thường bắt gặp hai từ này rất nhiều trong các văn bản pháp luật và ngoài đời sống, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ được cũng như phân biệt giữa tiền án và tiền sự.

1. Tiền án là gì? Tiền sự là gì?

Pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể về hai khái niệm này. Tuy nhiên trước đây, Nghị quyết 01-HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đã hết hiệu lực) có đề cập đến vấn đề này như sau:

“Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là tiền sự nữa.”

Như vậy thông qua quy định trên, có thể hiểu:

“Tiền sự” là tình trạng một người bị xử lý kỷ luật, đã bị xử phạt hành chính, chưa được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa đáp ứng điều kiện về thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Nói cách khác, tiền sự được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hành chính.

Tương tự vậy, “Tiền án” là tình trạng một người có hành vi vi phạm pháp luật, được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hình sự, đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích. Tiền án được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hình sự.

2. Thời hạn xóa tiền án, tiền sự

Người phạm tội đã bị kết án, đã được xóa án tích thì sẽ được coi như là không có tiền án, chưa từng bị kết án.

03 trường hợp được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam bao gồm:

- Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70 BLHS)

- Xóa án tích theo quyết định của tòa án (Điều 71 BLHS)

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72 BLHS)

Về cách tính thời hạn xóa án tích, Điều 73 BLHS quy định như sau:

- Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

- Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

- Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.

- Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

Một người khi được coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính thì sẽ được coi là không có tiền sự.

Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức như sau:

- 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm;

- 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác mà không tái phạm;

- Từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

Ngoài ra đối với Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử ký hành chính như sau:

- 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm;

- 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm.

3. Một số điểm khác biệt giữa tiền án, tiền sự

Trên thực tế có không ít trường hợp nhầm lẫn giữa hai khái niệm tiền án và tiền sự. Dưới đây là bảng phân tích lại một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm này như sau:

Tiêu chí

Tiền án

Tiền sự

Mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật

Nghiêm trọng, trở thành Tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự

Ít nghiêm trọng hơn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự

Trách nhiệm pháp lý

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự

Bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp được xóa bỏ

- Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70 Bộ luật Hình sự).

- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 Bộ luật Hình sự).

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72 Bộ luật Hình sự).

- Đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

+ Hết 06 tháng đối với hình thức cảnh cáo;

+ Hết 01 năm đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt

- Hết 02 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính.

(Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Hậu quả sau khi được xóa bỏ

Coi như chưa bị kết án.

Coi như chưa từng bị xử phạt hành chính.

Trên đây là một số chia sẻ liên quan đến tiền án, tiền sự dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, hy vọng bài viết mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
482


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;