Bảo kê được hiểu là hành vi sử dụng vũ lực hoặc lợi dụng vị thế, quyền lực để bảo trợ cho hoạt động kinh doanh, làm ăn hoặc đảm bảo quyền lợi bất hợp pháp của một người, một nhóm người, với động cơ và mục đích vụ lợi. Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả những hoạt động kinh doanh hợp pháp đôi khi cũng bị thu phí bảo kê.
Các đối tượng đi bảo kê thường trong giới giang hồ, chuyên đi đâm thuê chém mướn,… nên khiến các nạn nhân sợ hãi mà chịu đựng, không dám phản kháng.
Hành vi thu phí bảo kê sẽ phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam.
Điều luật quy định:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng vũ lực để ép buộc nộp phí bảo kê dẫn đến gây thương tích, người phạm tội còn có thể bị truy cứu thêm về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Bản án về tội cưỡng đoạt tài sản số 271/2020/HS-ST có nội dung như sau:
“Tại khu vực trước cổng trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng từ 20 đến 30 nam thanh niên (đã phẫu thuật chuyển giới sang nữ) tụ tập thực hiện việc mua bán dâm. Để được tập trung tại khu vực này mời đón khách mua dâm, những người chuyển giới bán dâm buộc phải nộp tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/người/ngày cho vợ chồng Lê Văn D, Đào Thị C cùng 02 đồng phạm là H, K (chưa rõ lai lịch) là các đối tượng “bảo kê”, nếu không sẽ bị hăm dọa, đánh đuổi. Tổng số tiền mà Lê Văn D hưởng lợi khoảng 45.000.000 đồng”
Tòa án tuyên bố xử phạt bị cáo Lê Văn D 07 (Bảy) năm tù về tội “ Cưỡng đoạt tài sản
Một trường hợp khác tại Bản án 141/2020/HSPT ngày 15/05/2020 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
Do có mục đích chiếm đoạt tiền của các chủ đại lý thu mua sò, các đối tượng Nguyễn Sỹ C, Vương Quốc Th, Nguyễn Sỹ L, Nguyễn Hữu H đi đến khu vực bến thuyền thuộc khu phố Châu G., Phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn để chặn không cho các đại lý thu mua sò được bốc sò lên xe ô tô buộc các nạn nhân đến gặp Nguyễn Sỹ C. để đóng tiền bảo kê, đồng thời có hành vi bạo lực với các nạn nhân khi bị chống đối.
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Như vậy, hành vi thu phí bảo kê trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương và xã hội. Tùy từng trường hợp, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý theo tội “Cưỡng đoạt tài sản” với mức phạt tiền từ 10-100 triệu đồng và phạt từ từ 01-20 năm. Nếu hành vi bảo kê đi kèm với bạo lực đối với nạn nhân còn có thể bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với mức phạt tù cao nhất là Chung thân.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về