07/06/2024 10:06

Loại vaccine nào sắp được tiêm miễn phí cho trẻ em ở Việt Nam đến năm 2030?

Loại vaccine nào sắp được tiêm miễn phí cho trẻ em ở Việt Nam đến năm 2030?

Loại vaccine nào sắp được tiêm miễn phí cho trẻ em? Việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được quy định như thế nào?

1. Loại vaccine nào sắp được tiêm miễn phí cho trẻ em ở Việt Nam đến năm 2030?

Vừa qua, Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ Việt Nam ban hành về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 sẽ có các loại vaccine được bổ sung vào tiêm chủng mở rộng gồm:

Hiện nay, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã miễn phí 10 loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc bổ sung thêm 4 loại vaccine mới sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

Cụ thể, 4 loại vaccine sắp được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm:

- Vaccine phòng bệnh do virus Rota: Bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy rotavirus, nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ em. Tiêm 2-3 liều cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vaccine rota đang được triển khai thí điểm một số tỉnh và dự kiến triển khai trên cả nước đến hết năm 2024.

- Vaccine phòng bệnh do phế cầu (PCV): Ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu. Lịch tiêm tùy theo loại vaccine và độ tuổi. Vaccine phòng bệnh do phế cầu dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thí điểm tại năm tỉnh/thành phố trong năm 2025 và mở rộng triển khai ở các tỉnh thành phố vào năm 2030.

- Vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung (HPV): Giúp bảo vệ phụ nữ khỏi virus HPV, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Vaccine HPV dự kiến bắt đầu triển khai trong tiêm chủng mở rộng năm 2026 miễn phí cho trẻ em gái độ tuổi 11.

- Vaccine phòng bệnh cúm mùa (Influenza): Giảm nguy cơ mắc cúm, biến chứng cúm và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng cho trẻ từ 6 tháng tuổi, tiêm nhắc hàng năm. Vaccine phòng cúm mùa dự kiến triển khai từ năm 2030 tại 20 tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, theo Bộ y tế chỉ định, đối với vaccine HPV, hiện tại, Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vaccine Gardasil 9 ngừa HPV cho người 27-45 tuổi, áp dụng từ ngày 10/5. Theo đó, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người từ 27 đến 45 tuổi có thể tiêm vaccine HPV, không bắt buộc phải có sự tham vấn y khoa.

Bộ Y tế có có giải thích rõ về vaccine Gardasil 9 là vaccine được chỉ định cho bé gái và phụ nữ từ 9 đến 45 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và hậu môn; các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản; mụn cóc sinh dục gây ra bởi Human Papilomavirus (HPV). Vaccine này cũng được chỉ định cho bé trai và nam giới từ 9 đến 45 tuổi để phòng ngừa ung thư hậu môn, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản hậu môn; các tổn thương bộ phận sinh dục ngoài (bao gồm cả mụn cóc sinh dục) gây ra bởi HPV.

Như vậy, chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 sẽ có các loại vaccine được bổ sung vào tiêm chủng mở rộng gồm: vaccine phòng Rota virus (vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota), năm 2025 sẽ thêm vaccine phế cầu, sau đó là vaccine HPV vào năm 2026 và vaccine cúm mùa vào năm 2030 sẽ được sử dụng miễn phí cho trẻ theo hướng dẫn. Trong số vaccine này, Rota sẽ được bổ sung để triển khai sớm nhất.

2. Việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 34/2018/TT-BYT, việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được quy định như sau:

- Liều lượng, đường dùng của từng loại vắc xin phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn sử dụng vắc xin kèm theo.

- Vắc xin đông khô phải pha hồi chỉnh theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BYT.

- Vắc xin được sử dụng theo nguyên tắc: hạn ngắn phải được sử dụng trước, tiếp nhận trước phải sử dụng trước hoặc chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin cần phải sử dụng trước theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc vắc xin từ buổi tiêm chủng trước chưa sử dụng hết được bảo quản theo đúng quy định và sử dụng trước.

- Vắc xin dạng dung dịch sau khi mở bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C và được sử dụng trong buổi tiêm chủng.

- Dung môi của vắc xin nào chỉ được sử dụng cho vắc xin đó. Vắc xin đông khô sau khi pha hồi chỉnh chỉ được phép sử dụng trong vòng 6 giờ hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Thực hiện tiêm chủng phải kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm.Bơm tiêm, kim tiêm và vật sắc, nhọn sau khi sử dụng phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, không đậy nắp kim.

- Kết thúc buổi tiêm chủng phải bảo quản vắc xin, dung môi còn nguyên lọ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BYT, bơm kim tiêm chưa sử dụng phải được bảo quản theo quy định để dùng lần sau. Các lọ vắc xin nhiều liều đã mở nhưng chưa sử dụng hết và các lọ đã sử dụng hết sau buổi tiêm chủng thì xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng phải sắp xếp tiêm bù ngay trong tháng.

3. Theo dõi sau tiêm chủng được hướng dẫn ra sao?

Căn cứ tai Điều 12 Thông tư 34/2018/TT-BYT có quy định cơ sở tiêm chủng phải theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng sẽ tiếp tục thực hiện theo dõi tại nhà như sau:

- Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường;

- Đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.

Lưu ý: Việc ghi chép tiêm chủng phải đảm bảo yêu cầu dưới đây:

- Ghi đầy đủ thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và hẹn lần tiêm chủng sau.

- Ghi ngày tiêm chủng đối với từng loại vắc xin đã tiêm chủng cho đối tượng tiêm chủng và ghi chép các phản ứng sau tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Lê Thị Hồng Mai
55


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;