31/05/2024 17:33

Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh

Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh

Tôi muốn tìm nội dung Công văn do Bộ Y tế banh hành gần đây về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng - an toàn người bệnh. Thanh Hùng – TP.HCM.

Ngày 24/4/2024, Bộ Y tế banh hành Công văn 2100/BYT-KCB về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng - an toàn người bệnh, khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa.

1. Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh

Thời gian gần đây, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra một vài sự cố y khoa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và hình ảnh người thầy thuốc. Trong các đợt đi kiểm tra, giám sát cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh năm 2023 và năm 2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phát hiện các vấn đề còn tồn tại.

Theo đó, để giảm thiểu sự cố y khoa và nguy cơ xảy ra sự cố y khoa, nâng cao sự an toàn và hài lòng người bệnh, tại Công văn 2100/BYT-KCB 2024 Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa cụ thể như sau:

- Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai, thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng, nâng cao an toàn người bệnh, phòng tránh các nguy cơ, sự cố y khoa. Đôn đốc, khuyến khích chủ động phát hiện, báo cáo phân loại sự cố và thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất đúng như hướng dẫn tại Thông tư 43/2018/TT-BYT.

- Rà soát các nguy cơ gây mất an toàn, phân loại nguy cơ, ưu tiên xử lý, khắc phục ngay các nguy cơ gây mất an toàn cao, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và nhân viên y tế.

- Định kỳ rà soát các quy trình chuyên môn kỹ thuật, chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đặc biệt là các quy trình không còn phù hợp, chú trọng các quy trình như phân loại người bệnh Cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại khoa cấp cứu, Hồi sức tích cực và các phòng phẫu thuật thủ thuật... để xác định được cụ thể danh mục sự cố bắt buộc phải báo cáo của từng đơn vị, phát hiện các nguy cơ mất an toàn, có thể xảy ra sự cố theo đặc thù từng quy trình, từng chức năng của khoa/phòng, từng chuyên khoa của bệnh viện.

- Tăng cường tập huấn về bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế (kể cả nhân viên mới, nhân viên thực tập trong việc phát hiện và tự nguyện báo cáo sự cố y khoa; khuyến khích báo cáo nguy cơ, không chấp nhận hành vi cản trở báo cáo sự cố y khoa tại các vị trí quản lý (trưởng khoa/phòng, trưởng ca trực...); hướng dẫn phổ biến cho người bệnh và người nhà người bệnh hợp tác trong việc nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ việc thực hiện các quy định hướng dẫn về phòng ngừa sự cố y khoa, bảo đảm an toàn người bệnh, phòng chống, hạn chế tối đa nhầm lẫn tại đơn vị (danh mục cụ thể tại Phụ lục kèm theo). Người kiểm tra, giám sát chịu trách nhiệm về kết quả được báo cáo về cấp quản lý (trưởng đoàn giám sát của bệnh viện, Sở Y tế, Bộ Y tế).

Tóm lại, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn cho người bệnh để giảm thiểu sự cố y khoa và nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Một số giải pháp chính như:

- Triển khai các biện pháp cải tiến chất lượng, nâng cao an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa theo đúng quy định.

- Rà soát, phân loại và xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt những nguy cơ cao ảnh hưởng tính mạng…

2. Bộ Y tế ban hành danh mục các vấn đề cần giám sát, phòng chống nhầm lẫn

Tại mục 1 Phụ lục ban hành kèm Công văn 2100/BYT-KCB 2024, Bộ Y tế đã đề ra danh mục các vấn đề cần giám sát, phòng chống nhầm lẫn như sau:

- Xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ.

- Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi, truyền đạt thông tin; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường chất lượng thực hiện hồ sơ bệnh án; triển khai các quy trình hội chẩn chuyên môn theo quy định.

- Tuân thủ các quy định về an toàn phẫu thuật, thủ thuật, thực hiện nghiêm túc bảng kiếm an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật ban hành tại Quyết định 7482/QĐ-BYT 2018.

- Thực hiện đúng quy trình, quy định về việc triển khai, áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới tại đơn vị.

- Đảm bảo an toàn trong sử dụng thiết bị y tế. Định kỳ rà soát, đánh giá chất lượng các thiết bị, dụng cụ y tế, đề xuất thay thế, sửa chữa, bổ sung để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự, các sự cố liên quan đến môi trường tại bệnh viện.

- Nhận diện và phòng ngừa nguy cơ người bệnh bị té ngã.

- Đảm bảo thuốc, thiết bị thiết yếu, phương tiện vận chuyển, cấp cứu người bệnh kịp thời, hiệu quả.

- Triển khai kê đơn thuốc điện tử, số hóa đơn thuốc, hạn chế tối đa việc kê đơn thuốc viết tay, tiến tới hoàn toàn kê đơn trên phần mềm điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn khuyến cáo về xử lý khi xảy ra sự cố:

- Ngay sau khi nhận được báo cáo sự cố y khoa, thủ trưởng đơn vị cần phân công nhân sự liên hệ, trấn an người bệnh, thân nhân và có phương án giải quyết xử lý phù hợp.

- Chủ động liên hệ hỗ trợ, trấn an nhân viên y tế, người hành nghề có liên quan đến tình huống sự cố, tránh những ghi nhận cảm tính, kết luận vội vàng đổ lỗi cá nhân mà bỏ sót lỗi hệ thống.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Ngọc Trầm
117


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;