Chào chị Linh, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của chị như sau:
Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình của Việt Nam, việc kết hôn khi có một bên hoặc cả hai bên vợ, chồng chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật được gọi là tảo hôn.
Cả người kết hôn với người chưa đủ tuổi và người tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi đều bị xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.”
Đối với trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn mà vẫn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Như vậy, người nào có hành vi tảo hôn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Còn đối với hành vi tổ chức tảo hôn, nặng nhất là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Có thể thấy tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Việc người chưa đủ tuổi kết hôn có thể ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là ở bé gái. Đồng thời cũng làm dân số tăng nhanh nhưng chất lượng dân số lại giảm. Tảo hôn hiện nay là một trong những tập quán lạc hậu và đang được nhà nước ta vận động xóa bỏ.
Vậy ai có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái phải luật?
Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình quy định người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật bao gồm:
- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau:
+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 10 Luật HNGĐ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:
- Khi bị Tòa án tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
Trân trọng!
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về