Theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 của Việt Nam thì “căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.”
Như vậy, có thể hiểu khái niệm đất 5% là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, đất công ích sẽ không được cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn sử dụng đất công ích mà địa phương không thu hồi lại đất; hộ gia đình, cá nhân vẫn sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì có thể nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật đất đai 2013.
Tại Điều 76 Luật Đất đai 2013, khi thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì người quản lý, sử dụng đất không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về