Căn cứ tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:
“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”
Theo đó, việc trả tiền công đối với hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định tại Điều 561 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Bên gửi phải trả đủ tiền công khi lấy lại tài sản gửi giữ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp các bên không thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công.
- Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đồng thời, trường hợp bên giữ chậm giao tài sản thì không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản. (Điều 560 Bộ luật Dân sự 2015)
Như vậy, trong hợp đồng gửi giữ tài sản, bên giữ chậm giao tài sản không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao.
Dưới đây là một số bản án liên quan về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản được Tòa án tại Việt Nam giải quyết:
Bản án 12/2021/DS-PT ngày 29/12/2020 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh
- Nội dung tóm tắt: Tháng 9/2018, ông Dương Viết C mua khoai tây giống của HTX thôn L. Sau khi trồng và thu hoạch, ông mang 284kg khoai tây giống đến gửi kho lạnh nhà ông Nguyễn Kim T với giá gửi 2.400 đồng/kg. Đến ngày 20/9/2019 ông C ra kho nhà ông T lấy khoai giống về trồng và trả tiền phí gửi cho ông T. Ông C phát hiện toàn bộ số khoai của ông bị hỏng, củ khoai rắn cứng và đen bên trong không thể trồng được. Ông bảo với ông T nhưng ông T không giải quyết. Ông T khởi kiện yêu cầu ông T, bà D bồi thường cho ông giá trị 284kg khoai giống đã làm hỏng theo giá ông đã mua là 4.544.000 đồng và phí kho lạnh là 616.000 đồng.
Bản án 73/2021/DS-PT ngày 17/06/2021 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh An Giang
- Nội dung tóm tắt: Ngày 27/3/2020 ông Nguyễn Văn Đ đi đồng và gửi cho bà Nguyễn Thị X số tiền 50.000.000 đồng. Khoảng 10 giờ 20 phút cùng ngày, Công an huyện C bắt tụ điểm đá gà, chơi tài xỉu tại nhà bà X. Ông Đ có hỏi bà X lấy lại số tiền 50.000.000 đồng thì bà X bảo là Công an vào bắt xòng tài xỉu nhà bà nên bà không biết ai lấy. Ông Đ khởi kiện yêu cầu bà X trả lại cho ông số tiền 50.000.000 đồng và không yêu cầu gì khác.
Bản án 391/2020/DS-PT ngày 25/05/2020 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Nội dung tóm tắt: Ngày 07/01/2017 ông Hoàng Trần P mượn của ông Vũ Đức T1 chiếc xe gắn máy hiệu Yamaha Exciter đến tiệm Internet do Công ty TNHH Công nghệ thông tin NT là chủ sở hữu để chơi game. Ông P gửi xe cho nhân viên gửi xe của tiệm Internet là ông N1 và nhận vé giữ xe số 0073967. Khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, ông ra về đưa thẻ xe cho bảo vệ lấy xe. Lúc này không phải là ông N1 mà là một bảo vệ khác nhưng không tìm thấy xe. Không giải quyết được nên ông P khởi kiện yêu cầu Công ty NT bồi thường giá trị chiếc xe bị mất số tiền 40.000.000 đồng và hoàn trả lại cho ông chi phí địnhh giá tài sản là 1.500.000 đồng.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về