30/07/2022 17:22

Cấp Căn cước công dân có thu lại chứng minh nhân dân hay không?

Cấp Căn cước công dân có thu lại chứng minh nhân dân hay không?

Hiện nay, không ít người thắc mắc khi đi làm Căn cước công dân thì có bị thu lại Chứng minh nhân dân cũ hay không? Có được sử dụng đồng thời cả Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân không?

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA của Việt Nam (có hiệu lực ngày 01/7/2021) về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì: Cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân hoặc đổi thẻ Căn cước công dân.

Tuy nhiên, có nhiều người đi làm Căn cước công dân nhưng không nộp lại Chứng minh nhân dân cũ do khai báo mất, thất lạc. Vậy có được sử dụng đồng thời cả Căn cước công dân gắn chip và Chứng minh nhân dân cũ không?

Theo quy định cũ tại Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân, đối với những Chứng minh nhân dân còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó.

Tuy nhiên, Thông tư mới đã bỏ quy định cắt góc mà thay vào đó là sẽ thu lại Chứng minh nhân dân cũ. Việc một người sử dụng các lí do gian dối để không nộp lại Chứng minh nhân dân khi được cấp Căn cước công dân là không đúng theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, theo nguyên tắc khi được cấp Căn cước công dân mới, Chứng minh nhân dân sẽ hết hiệu lực và công dân phải sử dụng CCCD mới được cấp. Do đó cho dù Chứng minh nhân dân cũ chưa bị thu lại thì pháp luật cũng không công nhận giá trị sử dụng của thẻ này.

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng Chứng minh nhân dân cũ khi đã được cấp Căn cước công dân mà không gặp khó khăn gì, đó là đối với những trường hợp phải xuất trình giấy tờ để đối chiếu, nhân dạng khi kiểm tra hành chính. Còn đối với các giao dịch dân sự, người dân nên sử dụng Căn cước công dân mới để tránh sau này phải làm các thủ tục sửa đổi, đính chính và các rủi ro pháp lý khác.

Ngoài ra, cần lưu ý việc sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực sau khi làm Căn cước công dân.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

…”

Như vậy, khi sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực sau khi đã làm Căn cước công dân, người dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000đ – 500.000đ với lỗi không thực hiện đúng quy định pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
296


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;