20/02/2023 10:38

05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát

05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát

Tôi muốn tìm hiểu thêm về nghề kiểm sát viên và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát? “Hoàng Minh-Đà Nẵng”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc như sau:

Ngày 07/02/2023, Viện trưởng VKSND tối cao của Việt Nam ban hành Quyết định 21/QĐ-VKSTC về Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.

1. Yêu cầu chung đối với người cán bộ Kiểm sát

Theo đó, yêu cầu chung đối với người cán bộ Kiểm sát như sau:

- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

- Luôn nói, viết và làm theo đúng cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân trong thi hành công vụ; tận tụy, chuyên nghiệp trong xử lý công việc.

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, không né tránh trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh với vi phạm, tội phạm và với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và sự công bằng.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, nghiêm túc, đúng mực và nhân văn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân và tập thể lên trên lợi ích của cá nhân mình.

- Chuyên tâm tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thường xuyên cảnh giác, kiên định lý tưởng, ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hành lối sống lành mạnh.

2. 05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát

Ngoài ra, quy định 05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát bao gồm:

2.1. Tính Công minh

Tính Công minh là phẩm chất đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phải luôn công tâm, công bằng, sáng suốt, minh bạch, nghiêm minh, nhân văn trong xử lý công việc.

- Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc phải luôn bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.

- Phải luôn nhận thức các vấn đề một cách đúng đắn, không vì động cơ cá nhân, tư lợi, vụ lợi mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.

- Không bị tác động, chi phối bởi bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào; không sợ quyền uy, không thể mua chuộc.

2.2. Tính Chính trực

Tính chính trực là phẩm chất đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phải luôn trung thực, thẳng thắn, chân thành, theo đúng lẽ phải, luôn coi trọng công việc, có quan điểm rõ ràng trong giải quyết công việc.

- Có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao; dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng.

- Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; mạnh dạn, quyết đoán đề xuất các hình thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong giải quyết công việc.

2.3. Tính Khách quan

Tính khách quan là phương pháp làm việc của người cán bộ Kiểm sát; theo đó, cán bộ Kiểm sát phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phải chí công vô tư, luôn tôn trọng sự thật khách quan; giải quyết công việc theo đúng pháp luật và quy định của Ngành; không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không thiên vị hoặc áp đặt định kiến cá nhân chủ quan bất cứ bên nào trong giải quyết vụ án, vụ việc.

- Không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thực thi công vụ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát.

2.4. Tính Thận trọng

Tính Thận trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Khi giải quyết công việc phải cân nhắc, đi sâu tìm hiểu, phân tích làm rõ bản chất sự việc để tránh sai sót khi đưa ra quyết định.

- Xác định đầy đủ yêu cầu chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để giải quyết vụ án, vụ việc đúng pháp luật, bảo đảm nghiêm minh, kịp thời; đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của trung ương và địa phương.

- Kiên quyết chống lại “căn bệnh” qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm.

- Thận trọng nhưng không được do dự, chần chừ; kiên quyết nhưng không được chủ quan, nóng vội dẫn đến giải quyết vụ, việc thiếu chính xác.

2.5. Tính Khiêm tốn

Khiêm tốn là tác phong, thái độ ứng xử của người cán bộ Kiểm sát, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải đáp ứng yêu cầu sau:

- Luôn có ý thức, thái độ đúng mực trong nhìn nhận, đánh giá bản thân, cầu thị, nêu gương, giản dị, hòa đồng, có ý thức giữ gìn hình ảnh của ngành Kiểm sát nhân dân.

- Không quan liêu, cửa quyền, hách dịch; không tự mãn, tự cao, tự đại, coi thường người khác; luôn tôn trọng và phục vụ nhân dân.

Trân trọng!

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Bùi Thị Như Ý
411


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;