TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 98/2018/DS-PT NGÀY 09/08/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE
Ngày 09 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 64/2018/TLPT-DS ngày 20 tháng 6 năm 2018, về việc: “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST, ngày 11 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 102/2018/QĐ-PT ngày 05 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1962. Địa chỉ: ấp A, xã A1, huyện K, tỉnh S. Chỗ ở hiện nay: ấp P, thị trấn A, huyện K, tỉnh S. (vắng mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Chị Trương Thị Mỹ L, sinh năm 1987; địa chỉ: Số * đường D, khóm x, phường y, thành phố S, tỉnh S. (có mặt)
- Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1973. (có mặt)
2. Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1992. (vắng mặt) Địa chỉ: ấp H, xã X, huyện K, tỉnh S.
3. Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1990. (vắng mặt) Địa chỉ: ấp C, xã X, huyện K, tỉnh S.
Người đại diện theo ủy quyền của anh Nguyễn Văn T và anh Nguyễn Văn
C: Ông Nguyễn Văn K (là bị đơn, có địa chỉ nêu trên).
- Người làm chứng:
1. Bà Lê Thị H; (vắng mặt)
2. Bà Võ Thị Thu H1; (vắng mặt)
3. Bà Võ Thị Thu H2; (vắng mặt)
4. Bà Huỳnh Thị Yến L1; (vắng mặt)
Cùng địa chỉ: ấp P, thị trấn A, huyện K, tỉnh S.
5. Ông Nguyễn Văn L2; (vắng mặt) Địa chỉ: ấp H, xã X, huyện K, tỉnh S.
- Người kháng cáo: Chị Trương Thị Mỹ L, là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau:
1. Nguyên đơn Trần Văn Đ trình bày:
Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 08/12/2016, ông cùng vợ là bà Võ Thị Thu H2 đang vét hồ tráng bậc tam cấp nhà thì ông K đang say rượu đến trước cửa nhà mắng chửi ông nhưng ông không đối đáp. Sau đó ông K xông vào nhà đánh ông nhưng được mọi người can ngăn, ông K chạy vào nhà vợ ông K là bà Võ Thị Thu X tìm dao để đâm ông nên ông bỏ chạy và báo Công an thị trấn A, huyện K đến để can thiệp, khoảng 10 phút sau khi Công an ra về thì ông K tiếp tục chửi ông và điện thoại cho các con là Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn C đến đánh ông, anh C xông vào dùng len xúc hồ đánh ông trước, đánh vào người ông ba cái, trúng tay, bên sườn, khi đánh cái thứ ba thì ông lấy tay đỡ làm len bị gãy, sau đó anh T dùng ống tuýp loại 27 đánh vào bên hông của ông một cái, rồi anh C tiếp tục dùng ống tuýp đánh trúng vào trán ông, ông bỏ chạy được một đoạn thì anh C dùng ống tuýp đánh vào mông của ông làm ông ngã xuống đường, ông K dùng chân đạp mạnh vào ngực ông làm ông ngất xỉu và được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện K, sau đó chuyển ông lên Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ tại thành phố Cần Thơ để điều trị đến ngày 12/12/2016 thì xuất viện.
Sau khi sự việc xảy ra ông đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện K truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông K, anh T và anh C thì cơ quan này mới tiến hành các thủ tục giám định tỷ lệ thương tích vào ngày 13/01/2017. Theo kết quả giám định thì tổng tỷ lệ tổn thương của ông là 3%.
Nay ông yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn T và anh Nguyễn Văn C liên đới bồi thường thiệt hại cho ông các khoản sau:
- Tiền xe chở ông đi cấp cứu 600.000 đồng và tiền xe chở về nhà 200.000 đồng = 800.000 đồng
- Tiền thuốc điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ 4.180.149 đồng.
- Tiền tái khám tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ 518.000 đồng;
- Tiền xe đi tái khám 200.000 đồng;
- Tiền giám định tỷ lệ thương tích 2.300.000 đồng.
- Tiền xe đi giám định 200.000 đồng.
- Tiền thu nhập bị mất 300.000 đồng/ ngày x 5 ngày = 1.500.000 đồng.
- Tiền công cho người chăm sóc bệnh 150.000 đồng/ ngày x 5 ngày = 750.000 đồng.
- Tiền bồi dưỡng hồi phục sức khỏe 5.000.000 đồng.
- Tiền tổn thất về tinh thần 15.000.000 đồng. Tổng cộng là 30.448.149 đồng.
2. Bị đơn ông Nguyễn Văn K trình bày:
Ngày 08/12/2016 ông đến ấp P, thị trấn A, huyện K để ruớc con trai của ông và có uống rượu với em vợ. Do có mâu thuẫn chuyện gia đình giữa ông và bên vợ và ông Đ có nói với cha vợ ông là không cho ông đến nhà vợ, ông có lời qua tiếng lại với vợ ông, khi đó bà H (chị vợ ông) dùng bay vét hồ xông đến đánh ông tới tấp, ông thấy ông Đ bước ra nên hỏi tại sao ông Đ nói ông kêu cha vợ ông đuổi vợ ông không cho ở đây nữa làm cha vợ ông rượt đánh ông, lúc đó ông Đ chạy đến xô ông té xấp ra lộ, lúc đó ông vẫn chưa say. Sau khi bị ông Đ xô té thì con ông là Nguyễn Văn C gọi điện thoại để nói về việc nhà của ông, lúc đó ông mới nói với C là bị ông Đ đánh. Một lát sau thì cả hai con ông là T và C mới chạy đến nhà ông Đ, vì trời tối nên ông không biết T và C có đi chung với ai nữa không.
Ông khẳng định ông không đánh ông Đ và cũng không gọi điện thoại cho C, T đến đánh ông Đ. Ông và các con chỉ đồng ý bồi thường cho ông Đ các khoản thiệt hại phù hợp với quy định pháp luật.
3. Bị đơn anh Nguyễn Văn C trình bày:
Vào hôm xảy ra sự việc thì anh đến nhà cha anh (ông K) để thăm ông nội, khi đến nơi không thấy cha ở nhà nên mới gọi điện hỏi cha đang ở đâu, cha anh nói đang ở bên nhà dì năm của anh là bà Võ Thị Thu H2 và bị dượng là ông Đ đánh, vì vậy anh và T mới chạy xe đến nhà bà H, ngoài hai anh em anh thì không có ai đi chung nữa. Khi đến nơi thì anh thấy ông Đ đang cầm khúc cây tràm, anh mới hỏi ông Đ tại sao lại đánh cha anh thì ông Đ nói “Tao đánh cha mày đó rồi mày làm gì tao” nên anh cầm len trộn hồ gần đó chạy đến gần ông Đ định đánh ông Đ nhưng ông Đ đã đánh anh trước, trúng vào vai phải của anh sau đó anh mới đánh lại, anh đánh hai cái trúng vào tay trái và hông trái của ông Đ, cái thứ ba thì trúng vào cây tràm và gãy len. Khi thấy anh và ông Đ đánh nhau thì T có xông vào nhưng ông Đ bỏ chạy nên T không có đánh ông Đ, chạy được khoảng 10m thì ông Đ tự té xuống lộ nhựa Nam Sông Hậu, người nhà chạy đến rất đông và hô công an đến, anh và T bỏ về nhà, còn cha anh cũng về theo sau. Anh không có dùng ống tuýp đánh ông Đ. Anh không đồng ý bồi thường theo yêu cầu củaông Đ do mức ông Đ yêu cầu bồi thường không tương xứng với thương tích mà anh gây ra, anh chỉ đồng ý bồi thường các khoản thiệt hại mà ông Đ nộp bản chính chứng từ cho Tòa án, còn các bản sao anh không đồng ý bồi thường.
4. Bị đơn anh Nguyễn Văn T trình bày:
Anh thống nhất với lời trình bày của cha và anh C. Khi anh thấy anh C và ông Đ đánh nhau thì anh có chạy đến đánh ông Đ, lúc đó ông Đ bỏ chạy, anh đánh trúng ông Đ một cái, anh dùng khúc cây tràm mà ông Đ dùng đánh anh C để đánh ông Đ, anh đánh trúng vào tay trái ông Đ, ông Đ bỏ chạy khoảng 10m thì sụp ổ gà rồi tự té, sau đó thì ông Đ bị gì thì anh không rõ. Anh không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông Đ vì mức bồi thường là quá cao, không phù hợp với mức độ thương tích do anh đánh ông Đ.
* Sự việc được Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số: 23/2018/DS-ST ngày 11 tháng 5 năm 2018, đã quyết định: Áp dụng khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 2 Điều 229, Điều 147, Điều 266, Điều 271, Điều 273, Điều 278, Điều 280, khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 584, 585, 587, 588, Điều 590 và Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; hướng dẫn tại mục 1, 4, 6 phần I, mục 1 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và khoản 4 Điều 26, điểm d khoản Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Tuyên xử:
Chấp nhận việc thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn Đ, về việc yêu cầu các bị đơn ông Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn C và anh Nguyễn Văn T bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông.
Buộc ông Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn C và anh Nguyễn Văn T có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Trần Văn Đ với số tiền 12.279.357 đồng (Mười hai triệu hai trăm bảy mươi chín ngàn ba trăm năm mươi bảy đồng). Mỗi người bồi thường bằng nhau là 4.093.119 đồng (Bốn triệu chín mươi ba ngàn một trăm mười chín đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông K, anh C, anh T chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng ông K, anh C, anh T còn phải trả lãi cho ông Đ đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
* Ngày 22/5/2018, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trần Văn Đ là chị Trương Thị Mỹ L có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc các bị đơn phải bồi thường thiệt hại đối với các khoản: Tiền tái khám 518.000 đồng; tiền xe đi tái khám 200.000 đồng; tiền giám định tỷ lệ thương tích 2.300.000 đồng; tiền xe đi giám định 200.000 đồng; tiền tổn thất về tinh thần 15.000.000 đồng.
* Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trần Văn Đ là chị Trương Thị Mỹ L không rút đơn khởi kiện và rút lại yêu cầu kháng cáo đối với số tiền tái khám 518.000 đồng; thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo đối với tiền giám định tỷ lệ thương tích là 2.077.000 đồng. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
* Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm; đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng, người có quyền kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị đơn Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn C nhưng anh T và anh C đã có văn bản ủy quyền cho ông Nguyễn Văn K tham gia phiên tòa; những người làm chứng đều vắng mặt nhưng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn T, C và những người làm chứng.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu kháng cáo đối với số tiền tái khám 518.000 đồng. Việc rút một phần yêu cầu kháng cáo nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289 và khoản 3, Điều 298 của Bộ luật tố tụng dân sự để chấp nhận việc rút một phần kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần vụ án đối với yêu cầu về số tiền tái khám 518.000 đồng.
[3] Về nội dung vụ án: Nguyên đơn ông Trần Văn Đ và bị đơn ông Nguyễn Văn K là anh em bạn rễ với nhau. Vào khoảng 18 giờ ngày 8/12/2016, sau khi đã uống rượu thì ông K đến nhà vợ ở ấp P, thị trấn A, huyện K để rước con và gặp ông Đ. Vì mâu thuẫn và bất đồng với nhau mà hai bên đã cự cãi, lời qua tiếng lại, mặc dù đã được mọi người can ngăn nhưng không từ bỏ. Sau khi các con của ông K là anh C và anh T đến thì ông K lại hô hào, kích động các con đánh ông Đ; còn anh C và anh T không tìm hiểu lý do, khuyên can hai bên mà anh C lại lấy cây len trộn hồ đánh ông Đ, anh T thì cầm ống tuýp sắt đánh trúng bên hông sườn trái ông Đ một cái. Thương tích của ông Đ là do ông K, anh C và anh T gây nên; ông K và anh C, anh T là những người có lỗi gây thiệt hại về sức khỏe nên phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại các Điều 584, 585, 587, 588, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[4] Đối với các khoản bồi thường thiệt hại về chi phí điều trị thương tích; chi phí thuê xe cấp cứu; thu nhập thực tế bị mất của ông Đ và của người nuôi bệnh; chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của ông Đ đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết. Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự không có kháng cáo, Viện kiểm sát không có kháng nghị về phần này nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét và đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật.
[5] Xét kháng cáo của bị đơn yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần với số tiền 15.000.000 đồng, thấy rằng: Thiệt hại về tinh thần của cá nhân do sức khỏe bị xâm phạm là thiệt hại thực tế xảy ra; do sức khỏe bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm... và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Tuy nhiên, khi xem xét số tiền bồi thường cần phải căn cứ vào mức độ tổn thất thực tế mà người bị thiệt hại phải chịu. Trong trường hợp này, nguyên đơn Trần Văn Đ bị xâm phạm về sức khỏe với tỷ lệ thương tổn là 3%; việc sức khỏe bị xâm phạm không ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, quan hệ giao tiếp, sinh hoạt thường ngày của ông Đ. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định buộc các bị đơn bồi thường cho ông Đ số tiền tổn thất về tinh thần 3.000.000 đồng là hợp lý. Yêu cầu của ông Đ đối với số tiền 15.000.000 đồng là quá cao mà lại không dựa trên cơ sở hay tiêu chí nào cụ thể nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[6] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về khoản tiền xe đi tái khám 200.000 đồng, nguyên đơn không đưa ra được chứng từ hay biên nhận hợp lệ nào để chứng minh đây là chi phí thực tế đã bỏ ra. Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì sau khi điều trị, ông Đ ông có mua thuốc uống thêm vào ngày 21/12/2016 là 299.208 đồng thì Hội đồng xét xử đã cộng vào chi phí chữa trị; còn đối với hóa đơn bán hàng có số tiền 132.000 đồng ngày 11/01/2017 của Bệnh viện chuyên khoa sản - nhi tỉnh S là không phù hợp, vì thương tích của ông không liên quan đến việc điều trị tại chuyên khoa này. Mặt khác, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng trình bày đây là chi phí chụp hình phục vụ cho giám định thương tích. Vì vậy, không có căn cứ để xác định ông Đ có đi tái khám và phát sinh tiền xe đi lại nên yêu cầu của ông về khoản tiền xe đi tái khám 200.000 đồng là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.
7] Về số tiền giám định thương tích 2.077.000 đồng và tiền xe đi giám định 200.000 đồng, gọi chung là chi phí giám định thương tích. Đây không phải là chi phí hợp lý hoặc chi phí thực tế mà người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với khoản tiền này, theo quy định tại Điều 36 của Luật Giám định tư pháp thì: “Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp”. Theo đó, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Luật Giám định tư pháp quy định rất rõ “người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”. Như vậy, trong trường hợp này người trưng cầu giám định là cơ quan tiến hành tố tụng xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng không cung cấp chứng cứ gì khác để chứng minh nên yêu cầu của nguyên đơn đối với khoản tiền này không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[8] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, nhận thấy kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[9] Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ, nên được chấp nhận.
[10] Do kháng cáo không được chấp nhận và bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm nhưng được miễn nộp toàn bộ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148, điểm b khoản 1 Điều 289 và khoản 3, Điều 298 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản1 Điều 12 và khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trần Văn Đ về số tiền tái khám 518.000 đồng.
2. Không chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trần Văn Đ.
3. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 23/2018/DS-ST, ngày 11 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, như sau:
Buộc ông Nguyễn Văn K, anh Nguyễn Văn C và anh Nguyễn Văn T có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Trần Văn Đ với số tiền 12.279.357 đồng (Mười hai triệu hai trăm bảy mươi chín ngàn ba trăm năm mươi bảy đồng). Mỗi người bồi thường bằng nhau là 4.093.119 đồng (Bốn triệu chín mươi ba ngàn một trăm mười chín đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông K, anh C, anh T chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng ông K, anh C, anh T còn phải trả lãi cho ông Đ đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán
4. Các phần khác được nêu trong phần quyết định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Văn Đ được miễn nộp toàn bộ.
6. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 98/2018/DS-PT ngày 09/08/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe
Số hiệu: | 98/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/08/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về