TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 92/2018/DS-PT NGÀY 13/04/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE
Trong ngày 13 tháng 4 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 27/2018/TLPT - DS ngày 12 tháng 02 năm 2018 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 83/2017/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố CL bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 88/2018/QĐ-PT ngày 08 tháng 3 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lê Thị Đ, sinh năm 1964. Địa chỉ cư trú: Số 180, Tổ 5, ấp TĐ, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng
Tháp.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lê Thị Đ: Luật sư Phan Duy V - Văn phòng luật sư TL thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.
- Bị đơn: Ông Trần Văn P, sinh năm 1959. Địa chỉ cư trú: Số 179, Tổ 5, ấp TĐ, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp.
- Người kháng cáo: Bà Lê Thị Đ là nguyên đơn; ông Trần Văn P là bị đơn.
Các đương sự, Luật sư có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn bà Lê Thị Đ trình bày:
Ngày 07-6-2017, ông Trần Văn P có kêu Kober đào đất lên liếp, khi Kober tiến hành đào đất thì lấn sang ranh đất của bà Đ, bà Đ có kêu Kober dừng lại chờ cắm ranh xong thì đào tiếp. Khi ông P đi nhậu về thấy Kober ngưng đào ông P không hỏi rõ sự việc và có những lời lẽ thô tục, chửi mắng, hăm dọa bà Đ. Sau đó ông P còn đi đến chỗ bà Đ đá trúng cạnh hàm của bà làm bà Đ té xuống đất, không dừng lại đó ông P tiếp tục dùng chân đá vào người bà nhiều cái thì được người chủ Kober ôm ông P lại thì bà mới vùng dậy chạy thoát thân. Sau đó bà được đưa đi điều trị tại Bệnh viện TH 10 ngày, tiếp tục đến Bệnh viện HN điều trị thêm 16 ngày nữa mới xuất hiện. Hiện nay sức khỏe của bà Đ vẫn chưa bình phục hẳn. Vì ông P và chồng bà Đ là anh em ruột với nhau nên bà không yêu cầu xử lý hình sự mà yêu cầu bồi thường tiền thuốc, công lao động, tiền 600 kg xoài không thu hoạch được và các khoản khác theo qui định. Nay bà Lê Thị Đ yêu cầu ông P bồi thường tổng cộng các khoản là 41.739.636 đồng gồm:
+ Tiền thuốc theo hóa đơn hợp lệ tại 02 Bệnh viện là 12.402.036 đồng.
+ Tiền tái khám: 257.000 đồng.
+ Tiền công không lao động 26 ngày: 26 x 150.000 đồng/ngày = 3.900.000 đồng.
+ Tiền thất thu 600kg xoài là 5.500.000 đồng.
+ Tiền xe đi về mỗi ngày của người nuôi bệnh: 780.000 đồng.
+ Tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh: 26 x 150.000 đồng/ngày = 3.900.000 đồng.
+ Tiền tổn thất tinh thần: 15.000.000 đồng.
Tại phiên hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm bà Đ yêu cầu bị đơn ông Trần Văn P bồi thường tổng số tiền là 41.739.636 đồng.
- Bị đơn ông Trần Văn P trình bày:
Trong lúc Kober đang múc đất của ông thì bà Đ ra cản không cho ra múc và chửi ông P, do tức giận, nên ông P (lúc đó đang đứng dưới ruộng của ông P) có dùng tay phải nắm một chân của bà Đ (lúc đó đang đứng ở trên liếp của bà Đ) lôi xuống ruộng thì bà Đ bị té xuống gò má phải đập trúng nhánh cây xoài. Lúc này ông chủ Kober đến và đưa ông P vào nhà. Do đó ông P không thừa nhận việc có những lời lẽ thô tục, chửi mắng, hăm dọa bà Đ, không có đi đến chỗ bà Đ đá trúng cạnh hàm của bà Đ làm bà Đ té xuống đất và cũng không có dùng chân đá vào người bà Đ nhiều cái.
Tại phiên hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm ông P chỉ chấp nhận bồi thường cho bà Đ 8.000.000 đồng là chi phí về điều trị, thuốc men hợp lý của Bệnh viện, còn những khoản khác mà bà Đ yêu cầu ông P không đồng ý.
Tại Quyết định bản án dân sự sơ thẩm số: 83/2017/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố CL đã xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị Đ về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
- Buộc ông Trần Văn P có nghĩa vụ bồi thường cho bà Lê Thị Đ số tiền là 25.459.000 đồng (Hai mươi lăm triệu bốn trăm năm mươi chín ngàn đồng).
- Bác yêu cầu của bà Lê Thị Đ về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.
* Về lãi suất chậm trả: Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi cho số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
* Về án phí:
- Ông Trần Văn P phải chịu 1.273.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
- Bà Lê Thị Đ phải chịu số tiền 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng, bà Đ đã nộp theo biên lai số 0000187 ngày 26/12/2017. Bà Đ không phải nộp thêm.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên thời hạn, quyền kháng cáo và quyền, nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 26/12/2017, bà Lê Thị Đ kháng cáo yêu cầu buộc ông P phải trả: Tiền thất thu 600kg xoài là 5.500.000 đồng; Tiền xe đi về mỗi ngày của người nuôi bệnh là 780.000 đồng; Tiền tổn thất tinh thần là 15.000.000 đồng.
Ngày 09/01/2018, ông Trần Văn P kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm giải quyết: Không đồng ý tiền công lao động 26 ngày: 26 x 150.000 đồng = 3.900.000 đồng; Không đồng ý tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh: 26 x 150.000 đồng = 3.900.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, được kiểm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Xuất phát từ việc ông Trần Văn P thuê xe kober đào đất lên liếp, bà Đ không đồng ý yêu cầu dừng lại chờ xác định ranh đất xong thì xe kober mới được tiếp tục đào, thì giữa ông P và bà Đ có những lời nói xúc phạm lẫn nhau.
Theo bà Đ, ông P dùng chân đá trúng cạnh hàm làm bà Đ té xuống đất và tiếp dùng chân đá liên tiếp vào người được mọi người can ngăn. Ông P không thừa nhận là có dùng chân đá vào người bà Đ, mà ông P thừa nhận là ông P có dùng tay nắm lấy chân bà Đ kéo xuống ruộng (khi đó bà Đ đang đứng trên bờ liếp) thì bà Đ bị té xuống gò má phải trúng nhánh xoài gây thương tích cho bà Đ. Bà Đ phải điều trị thương tích tại bệnh viện tổng cộng là 26 ngày. Như vậy, ông P là người hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà Đ, nên ông P là người có lỗi, ông P phải chịu trách nhiệm bồi thường theo qui định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự.
Án sơ thẩm xử buộc ông P bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Đ tổng cộng là 25.459.000 đồng, (gồm tiền thuốc, viện phí 12.402.036 đồng; tiền tái khám 257.000 đồng; tiền công lao động 3.900.000 đồng, tiền thu nhập người nuôi bệnh 3.900.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 5.000.000 đồng). Bà Đ và ông P không đồng ý có đơn kháng cáo.
[2] Xét kháng cáo của bà Đ yêu cầu bồi thường tiền thất thu 600kg xoài là 5.500.000 đồng. Xét thấy, về phía bà Đ có điều trị tại Bệnh viện tổng cộng 26 ngày, nhưng bà Đ không có chứng cứ chứng minh trong thời gian điều trị bệnh thì xoài của bà Đ bị thất thu 600kg. Mặt khác, bà Đ vừa yêu cầu ông P bồi thường tiền công lao động trong thời gian nằm viện, nhưng đồng thời lại tiếp tục yêu cầu bồi thường tiền thất thu 600kg xoài là hoàn toàn mâu thuẫn bởi vì, khi ông P bồi thường tiền công lao động thì bà Đỡ có thể tự mình hoặc thuê để chăm sóc xoài, nên không dẫn đến việc thất thu xoài, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Đ yêu cầu bồi thường tiền thất thu 600kg xoài là 5.500.000 đồng.
[3] Xét kháng cáo của bà Đ yêu cầu ông P bồi thường tiền xe đi về mỗi ngày của người nuôi bệnh là 780.000 đồng. Xét thấy, bà Đ không có chứng cứ chứng minh tiền xe đi về của người nuôi bệnh là 780.000 đồng, nhưng thực tế người nuôi bệnh phải tốn chi phí tiền xăng, tiền gửi xe…đi lại từ nhà tại xã TT thành phố CL đến Bệnh viện, nên yêu cầu bồi thường mỗi ngày là 30.000 đồng (30.000 đồng x 26 ngày = 780.000 đồng), đây là chi phí thực tế, phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Xét kháng cáo của bà Đ yêu cầu ông P bồi thường tiền tổn thất tinh thần 15.000.000 đồng. Xét thấy, ông P có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà Đ, bà Đ phải điều trị tại bệnh viện tổng cộng 26 ngày, nên ít nhiều cũng gây lo sợ, tổn hại về sức khỏe và ảnh hưởng đến tinh thần của bà Đ.
Khoản 2, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm thì phải bồi thường thiệt hại theo khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn hại về tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Căn cứ vào Điều luật trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của bà Đ về yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần, buộc ông P bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Đ số tiền 10.000.000 đồng.
[5] Xét kháng cáo của ông P không đồng ý tiền công lao động 26 ngày: 26 x 150.000 đồng = 3.900.000 đồng, không đồng ý tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh: 26 x 150.000 đồng = 3.900.000 đồng. Xét thấy, cũng như phần nhận định trên ông P có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bà Đ, thì ông P phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngoài các khoản tiền thuốc, viện phí, tiền tàu xe, tổn thất tinh thần...thì ông P còn phải bồi thường công lao động, thu nhập bị mất của người bệnh và người nuôi bệnh.
Khoản 1, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy dịnh:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc ngưởi bị thiệt hại;
Xét thấy, việc bà Đ yêu cầu ông P bồi thường tiền công lao động cho bà Đ là 150.000 đ x 26 ngày = 3.900.000 đồng và tiền thu nhập bị mất của người nuôi bệnh 150.000 đ x 26 ngày = 3.900.000 đồng là phù hợp với mức lao động phổ thông tại địa phương, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông P.
[6] Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày nội dung vụ án, xác định lỗi thuộc về phía ông P và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Xét thấy, cũng như phần nhận định đề nghị của Luật sư là có căn cứ một phần, nên Hội đồng xét xử một phần chấp nhận đề nghị của Luật sư.
[7] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát Tỉnh, phát biểu việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng chấp hành tốt quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là chấp nhận một phần kháng cáo của bà Đ, không chấp nhận kháng cáo của ông P. Xét thấy, cũng như phần nhận định trên đề nghị của Viện kiểm sát có căn cứ một phần, nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần đề nghị của Viện kiểm sát.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bà Đ, không chấp nhận kháng cáo của ông P sửa bản án sơ thẩm.
Các phần còn lại của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Do sửa bản án sơ thẩm, nên bà Đ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; ông P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 584, 589, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về án phí, lệ phí Tòa án;
- Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Lê Thị Đ.
- Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn P.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 83/2017/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố CL.
- Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị Đ về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
- Buộc ông Trần Văn P có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Lê Thị Đ số tiền là 31.239.000 đồng (Ba mươi một triệu hai trăm ba mươi chín ngàn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, mà người phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền chưa thi hành, tại thời điểm thi hành án cho đến khi thi hành án xong.
* Về án phí:
- Ông Trần Văn P phải chịu 1.562.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, ông P phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của ông P theo biên lai số 04814 ngày 16/01/2018 là 300.000 đồng được trừ vào tiền án phí. Ông P còn phải nộp 1.562.000 đồng tiền án phí, tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố CL.
- Bà Lê Thị Đ phải chịu số tiền 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Đ không phải chịu tiền án phí phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của bà Đ đã nộp theo biên lai số 0000187 ngày 26/12/2017 là 300.000 đồng; Biên lai số 04820 ngày 19/01/2018 là 300.000 đồng, tổng cộng 600.000 được trừ vào số tiền vào tiền án phí. Bà Đ được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí, tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố CL.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 92/2018/DS-PT ngày 13/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe
Số hiệu: | 92/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về