Bản án 31/2018/HSST ngày 18/06/2018 về tội chiếm đoạt trẻ em

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 31/2018/HSST NGÀY 18/06/2018 VỀ TỘI CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM

Ngày 18/6/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 11/2018/ TLST-HS ngày 28 tháng 02 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 33/2018/QĐXXST-HS ngày 10/5/2018 đối với bị cáo:

CỔ VĂN H (tên gọi khác: Cư Vần H ) sinh năm 1988, tại huyện M, tỉnh V, Trung Quốc. Nơi cư trú: Thôn S, Hương Giàng V, huyện M, tỉnh V, Trung Quốc; chỗ ở hiện nay: Số nhà 30, xóm G, thôn S, Hương Giàng V, huyện M, tỉnh V, Trung Quốc; Trình độ học vấn: Lớp 7/12; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch:Trung Quốc; con ông: Cổ Tờ M, sinh năm 1968và bà: Giàng Pó M, sinh năm 1970; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt giam từ ngày 14/7/2017, hiện đang bị tạm giam tại trại giam thuộc Công an tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Sải Nhật T, Văn phòng Luật sư Minh Giang thuộc đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Bị hại: Thào Thị P, sinh ngày 21 tháng 01 năm 2014; Nơi cư trú: thôn S, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang.

Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Ông Thào Chờ G, sinh năm 1980; Nơi cư trú: thôn S, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Cộng tác viên do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang cử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Cao Xuân B

Người làm chứng:

1. Nguyễn Văn L. Nơi cư trú: Thôn N II, xã B, huyện Y, tỉnh Hà Giang. Vắng mặt.

2. Nguyễn Văn V. Nơi cư trú: Thôn N II, xã B, huyện Y, tỉnh Hà Giang.Vắng mặt.

Người phiên dịch tiếng Trung Quốc: Bà Nguyễn Thị Thanh H. Địa chỉ: Số nhà 421, đường T, phường T1, thành phố H, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 15 giờ, ngày 14/7/2017 Cổ Văn H, sinh ngày 31/12/1988, trú tại số nhà 30, xóm G, thôn S, Hương Giàng V, huyện M, Châu Vân S, tỉnh V,Trung

Quốc vượt biên giới trái phép qua mốc 359 thuộc thôn X, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang vào Việt Nam.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, H cùng Hầu Vản S, Hầu Vản G (tức G1),Sùng Mí M, Sùng Phái S cùng trú tại thôn X, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang vào quán của anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1997, trú tại thôn N II, xã B, huyện Y, để ăn thắng cố bò. Trong lúc đang ăn có L, Thào Chờ G cùng cháu Thào Thị P, sinh ngày 21 tháng 01 năm 2014 (con anh G) là người mổ bò bán thắng cố với L.

Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày thì S, G, M, S đi về nhà trước, còn L, H,Gcùng cháu P tiếp tục ngồi lại ăn thắng cố và uống bia, lúc này H thấy cháu P không ăn được thắng cố nên H bế P đi qua rào chắn (barie) biên giới sang Trung Quốc vào một quán bán hàng tạp hóa (cách quán thắng cố của L khoảng 20m) mua 04 hộp sữa, 06 viên kẹo cho cháu P và 01 bao thuốc lá, rồi lại bế cháu P quay về Việt Nam vào quán của L tiếp tục uống bia. Sau đó anh L và anh G cùng nhau chia tiền lãi mổ bò, nấu thắng cố bán, Hngồi chơi với cháu P. Chia tiền xong thì anh G nhờ L trông hộ cháu P rồi sang quán của anh Vàng Thìn S (cách quán anh L khoảng 50 m) để mua thẻ điện thoại, đến nơi, G thấy gia đình anh S mời anh G ngồi ăn cơm cùng gia đình, anh G đồng ý và ngồi ăn cơm cùng gia đình anh S.

Sau khi G đi, H ngồi lại quán chơi với cháu P, thấy anh L dọn dẹp hàng quán, H cũng đứng dậy đi về, khi H vừa ra khỏi quán được khoảng 10m thì nhìn thấy cháu P đi theo ra trước cửa quán, H đi tiếp được khoảng 06m nữa thì nghe thấy tiếng cháu P giẫm vào vũng nước nên H quay lại, thấy cháu P khóc, H tiến đến rồi bế cháu P qua vũng nước và đi được khoảng 20m thì đặt cháu P xuống, rồi H tiếp tục đi thêm khoảng 05 đến 06m thấy cháu P vẫn đi theo. Lúc này H nảy sinh ý định chiếm đoạt cháu P đưa về Trung Quốc nuôi, do vậy H lập tức quay lại bế cháu P đi bộ theo đường liên xã hướng đi UBND xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang, cách quán của anh L 224,74 m thì thấy có ánh đèn pha xe máy đuổi theo sau, H bế cháu P nấp xuống ta luy âm cạnh đường, để tránh phát hiện.

Về phía anh G ngồi tại nhà anh S khoảng 15 phút thì quay lại quán của anh L, thấy anh L chạy ra cửa và nói “chú G, con chú đi đâu rồi”, G nhìn xung quanh không thấy cháu P đâu liền nói với L “mày trông con tao thế này á”, L nói “chắc thằng H (người Trung Quốc) lấy đi rồi”, thấy L nói vậy anh G đi sang khu vực chợ mốc 358 (thuộc địa phận bên Trung Quốc) tìm con gái, còn L thì hô hoán mọi người đi tìm giúp. Thấy anh L hô hoán mọi người đi tìm cháu P, lúc này Nguyễn Văn V, (là em trai ruột của L) và mọi người đi tìm cháu P, khi anh V điều khiển xe máy đi về hướng thôn X, xã P, huyện Y, cách quán của anh L 224,74 m phát hiện thấy bóng người nấp ở ta luy âm cạnh đường nên anh V quay đầu xe lại và dùng đèn pha xe máy soi thì nhìn thấy H đang ngồi xổm, mặt cúi xuống đường, còn cháu P đang ngồi trên lưng của H, tay phải của H vòng về phía sau giữ cháu P, anh V yêu cầu H lên xe máy quay về quán của anh L, lúc này H thả cháu P xuống thì cháu P khóc và tự đi bộ lên chỗ V, còn H đi theo sau, khi cháu P đến gần V, V bế cháu P ngồi lên xe máy và yêu cầu H cùng ngồi lên xe máy đi về quán của anh L để làm việc. Khi thấy V đưa cháu P và H về đến quán thì mọi người bắt giữ H lại, rồi trình báo Đồn Biên phòng Bạch Đích huyện Y đến lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, đối với H về hành vi chiếm đoạt trẻ em.

Cáo trạng số 06 /KSĐT ngày 26/02/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã truy tố bị cáo Cổ Văn H về tội Chiếm đoạt trẻ em, theo điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo H như cáo trạng đã nêu và kết luận: tại phiên tòa bị cáo chưa thành khẩn khai báo, lời khai của bị cáo có lúc mâu thuẫn nhưng trong suốt quá trình điều tra, truy tố bị cáo đã thành khẩn khai báo nên đề nghị HĐXX áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46

BLHS cho bị cáo. Bên cạnh đó căn cứ vào khung hình phạt về tội chiếm đoạt trẻ

em quy định tại điểm e khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 có mức hình phạt cao hơn so với khung hình phạt về tội chiếm đoạt trẻ em dưới 16 tuổi, quy định tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015. Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 2 - Nghị Quyết số: 41/2017/QH14 của Quốc Hội; khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi phạm tội của bị can Cổ Văn H sẽ được xem xét theo hướng có lợi cho bị can khi Quyết định hình phạt theo tội chiếm đoạt trẻ em dưới 16 tuổi, quy định tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 và đề nghị HĐXX:

1. Tuyên bố bị cáo Cổ Văn H phạm tội: Chiếm đoạt trẻ em.

2. Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 120, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm b, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 153 BLHS năm 2015. Xử phạt bị cáo Cổ Văn H từ 3 đến 4 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ bị cáo ngày 14/7/2017.

Về bồi thường trách nhiệm dân sự: Không có

Vật chứng vụ án: Không có.

Án phí Căn cứ Điều 136 BLTTHS bị cáo H phải chịu án phí là 200.000đ theo quy định của pháp luật.

Ý kiến tranh luận của Luật sư bào chữa cho bị cáo: Căn cứ vào lời khai của bị cáo tại phiên tòa và bản luận tội của Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa Luật sư hoàn toàn nhất trí với tội danh, mức hình phạt mà Đại diệnViện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã đề nghị là xử phạt bị cáo Cổ Văn H từ 3 đến 4 năm tù.

Ý kiến trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Đồng quan điểm với Đại diệnViện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang về tội danh và mức hình phạt đối với bị cáo H. Về phần dân sự đại diện bị hại đã tìm thấy con ngay sau đó nên không có thiệt hại xảy ra, đại diện bị hại không có đề nghị gì, do đó, Luật sư bản vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại không có ý kiến nào khác.

Lời trình bày của bị cáo: Bị cáo xác nhận từ Trung Quốc sang Việt Nam qua mốc 359 không theo con đường xuất nhập cảnh. Bị cáo sang để đưa tiền hộ người anh họ cho vợ của anh họ do anh họ đang làm thuê bên Trung Quốc không về được. Sau khi đưa tiền xong bị cáo định về thì có gặp Hầu Vản S và S rủ bị cáo đi uống rượu và bị cáo đã đồng ý. Việc uống rượu diễn ra tại quán của một anh người tày bị cáo không biết tên, lúc uống có khoảng 6 đến 7 người, bị cáo có thấy anh Thào Chờ G và cháu bé, bị cáo thừa nhận thấy cháu bé dễ thương nên lúc đi mua thuốc lá ở mốc 358 bị cáo có bế cháu bé đi theo và mua sữa và bim bim cho cháu bé và không xin phép bố cháu bé, thời gian uống rượu khoảng từ 6h chiều đến 8h tối ngày 14/7/2017 thì xong và mọi người giải tán và bị cáo đi về. Bị cáo không thừa nhận mục đích bế cháu P về Trung Quốc làm con nuôi, việc bế cháu bé là do sau khi uống rượu bị cáo say rượu nên không ý thức được hành vi của mình về việc bế cháu P nhưng bị cáo lại trình bày cụ thể bị cáo ra khỏi quán như thế nào? Trời lúc đó đang mưa, bị cáo đứng cách quán khoảng 4 mét và bị cáo thấy cháu bé đi theo bị cáo nên bị cáo đã bế cháu đi được một đoạn khoảng 4 đến 5 m thì bị cáo đặt cháu bé xuống cạnh lề đường và lúc đó có ánh đèn xe máy đến, khoảng cách giữa bị cáo và cháu bé khoảng 30 đến 40cm và người đi xe máy cho cháu bé lên xe và bắt bị cáo về cùng đến quán chỗ bị cáo uống rượu và sau đó đưa bị cáo lên đồn biên phòng. Bị cáo cho rằng tại đồn biên phòng bị cáo bị đánh và bị ép viết bản tự khai. Tại cơ quan Điều tra công an huyện Y do cán bộ bảo bị cáo khai như ở đồn biên phòng nên bị cáo mới khai mục đích muốn bắt cháu bé về làm con nuôi bên Trung Quốc.

Bị cáo cho rằng do bị cáo say rượu nên không nhận thức được hành vi của mình nên đã phạm lỗi. Đề nghị HĐXX xem xét mức hình phạt nhẹ nhất cho bị cáo.

Đại diện bị hại anh Thào Chờ G trình bày: Khoảng 20h ngày 14/7/2017 anh G có đến nhà anh Nguyễn Văn L để chia tiền về việc mở bò chung nhau để bán. Khi đến quán có thấy 4, 5 người ở quán. Anh có ăn cơm ở nhà anh L, trong lúc ăn cơm thì H người Trung Quốc có bế con anh đi ra chợ mốc 358 anh có đuổi theo đến đấy thấy H mua sữa và bim bim cho cháu P con anh và đang quay về, việc H dắt con anh đi không hỏi anh. sau đấy anh có đi mua thẻ điện thoại vì điện thoại hết pin nạp thẻ xong anh G có gọi điện về nhờ anh L trông con hộ và anh G có ngồi lại nhà bố V uống rượu khoảng 20 đến 30 phút thì quay về lúc đó anh L nói với G là con mày đi đâu mất rồi và lúc đó hô mọi người đi tìm. G đi theo hướng mốc 358 sang Trung Quốc nhưng không thấy thì nghe được điện thoại nói là tìm được con gái rồi, khi G quay về quán anh L thì thấy V em trai Lâm trở con gái G và người Trung quốc đang ở quán rồi, thời gian từ lúc đi mua thẻ điện thoại và tìm thấy con gái khoản 20 đến 30 phút và thời gian tìm con gái khoảng từ 3 đến 4 phút. Anh G trình bày có nói với bị cáo nếu xin lỗi thì tha cho, còn bồi thường dân sự thì không đề nghị vì con anh đã được tìm thấy ngay sau đó. Còn về hình pháp đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Điều tra tỉnh Hà Giang, Điều tra viên, Kiểm sát viên tỉnh Hà Giang trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình Điều tra và tại phiên tòa Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo thực hiện đúng quy định của BLTTHS. Đại diện bị hại không có khiếu nại đối với hành vi, quyết định của cơ quan, người tiến hành tố tụng.

[2] Tại phiên tòa bị cáo Cổ Văn H đã không thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai nhận vào khoảng 15h ngày 21/7/2017 Bị cáo có vượt biên giới trái phép qua mốc 359 thuộc thôn X, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang, vào Việt Nam chơi. Có được ăn thắng cố cùng với Hầu Vản S và một số người khác bị cáo không nhớ tên. Bị cáo thừa nhận sau khi uống rượu xong mọi người giải tán đi về và bị cáo đi về nhà và lúc ra khỏi quán đi khoảng được 4 mét thì bị ngã và bị cáo nhìn thấy cháu bé, bị cáo không biết cháu bé đi theo bị cáo lúc nào, thấy cháu bé khóc bị cáo bế cháu bé đi thêm khoảng từ 5 đến 6 mét nữa thì bị cáo đặt cháu bé xuống lề đường, lúc đặt cháu bé xuống bị cáo có bị trượt ngã xuống tả luy và khi bị cáo đang bò lên thì bị cáo thấy ánh đèn xe máy, bị cáo cho rằng bịcáo say rượu nên không ý thức được hành vi của mình nên cứ bế cháu  bé đi hướng về phía bên Trung Quốc, việc xảy ra như vậy bị cáo chỉ có lỗi một phần phần còn lại là của bố cháu bé ( anh Thào Chờ G) và anh chủ quán người tày ( anh Nguyễn Văn L) và bị cáo chưa hề có ý định đưa cháu bé về Trung Quốc làm con nuôi.

Mặc dù bị cáo không thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình nhưng căn cứ vào các lời khai của bị cáo tại biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 14/7/2017 của Đồn Biên Phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên Phòng tỉnh Hà Giang, bản tự khai ngày 01/8 và ngày 07/8/2017; Biên bản ghi lời khai ngày 14,15,16 /8/2017 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Minh; Biên bản hỏi cung bị can các ngày 23/8; ngày 19/9/2017; ngày 27/9/2017 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang, Cổ Văn H đã khai nhận hành có hành vi chiếm đoạt cháu P đưa về nhà ở Trung Quốc làm con nuôi. Hành vi phạm tội nêu trên của bị can còn được chứng minh bằng lời khai của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại ông Thào Chờ G (BL 166 đến 180); Lời khai của người làm chứng anh

Nguyễn Văn L và Nguyễn Văn V (BL 192 đến 206 và BL 208 đến 219), cùng các tại liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Biên bản xác minh của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang ngày 31/10/2017 về việc bị cáo H cho rằng bị cáo bị đánh đập, ép cung và mớm cung. Căn cứ vào kết quả điều tra xác minh, thấy không có cơ sở để kết luận bị can Cổ Văn H bị Đồn biên phòng đánh đập, ép cung và mớm cung (BL số 250). Căn cứ lời trình bày của người đại diện bị hại tại phiên tòa cũng như lời trình bày của bị cáo đã có đủ cơ sở kết luận:

Khoảng 15h ngày 21/7/2017 Hòa có vượt biên giới trái phép qua mốc 359 thuộc thôn X, xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang, vào Việt Nam chơi. Có được ăn thắng cố cùng với Hầu Vản S, Hầu Vản G (tức G), Sùng Mí M, Sùng Phái S và anh L, anh Thào Chờ G, cháu Thào Thị P (con anh G) tại quán nhà anh L. Sau khi ăn xong mọi người giải tán thì H cũng đi về. Khi ra khỏi quán được khoảng 10 m thì nhìn thấy cháu P đi theo ra trước cửa quán, H đi tiếp được khoảng 06m nữa thì nghe thấy tiếng cháu P giẫm vào vũng nước nên Hòa quay lại, thấy cháu P khóc, H tiến đến rồi bế cháu P qua vũng nước và đi được khoảng 20m thì đặt cháu P xuống, H tiếp tục đi thêm khoảng 05 đến 06m thấy cháu P vẫn đi theo. Lúc này H nảy sinh ý định chiếm đoạt cháu P đưa về Trung Quốc nuôi nên H quay lại bế cháu P đi bộ theo đường liên xã hướng đi UBND xã P, huyện Y, tỉnh Hà Giang, cách quán của anh L 224,74 m thì H thấy có ánh đèn pha xe máy đuổi theo sau, H bế cháu P nấp xuống ta luy âm cạnh đường ( là ánh đèn xe máy của anh Nguyễn Văn V, (em trai ruột của L) là người đi tìm cháu P, khi anh V điều khiển xe máy đi về hướng thôn X, xã P, huyện Y, cách quán của anh Lâm 224,74 m phát hiện thấy bóng người nấp ở ta luy âm cạnh đường nên anh V quay đầu xe lại và dùng đèn pha xe máy soi thì nhìn thấy H đang ngồi xổm, mặt cúi xuống đường, còn cháu P đang ngồi trên lưng của H, tay phải của H vòng về phía sau giữ cháu P, anh V yêu cầu H lên xe máy quay về quán của anh L, lúc này H thả cháu P xuống thì cháu P khóc và tự đi bộ lên chỗ V, còn H đi theo sau, khi cháu P đến gần V, V bế cháu P ngồi lên xe máy và yêu cầu H cùng ngồi lên xe máy đi về quán của anh L để làm việc. Khi thấy V đưa cháu P và H về đến quán thì mọi người bắt giữ Hlại, rồi trình báo Đồn Biên phòng Bạch Đích huyện Y đến lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với H.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để khẳng định vào khoảng thời gian từ 6h chiều đến 8h tối ngày 14/7/2017 Cổ Văn H có mặt tại quán anh Nguyễn Văn L uống rượu và sau khi uống rượu đã có hành vi chiếm đoạt cháu P thể hiện ở hành vi khi cháu P khóc đi theo đã bế cháu P thoát ra khỏi sự quản lý của anh L ( người anh G nhờ trông hộ con) và anh G (bố đẻ của cháu P) theo hướng từ quán của anh L hướng về phía biên giới Trung Quốc mà không được sự đồng ý của anh L hay anh G, mục đích đưa cháu P về làm con nuôi. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố bị cáo về tội “Chiếm đoạt trẻ em” theo điểm e khoản 2 Điều 120 BLHS 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được chăm sóc, bảo vệ, quyền được sống trong môi trường bình yên, hạnh phúc, được phát triển lành mạnh của cháu P là đối tượng được quan tâm, bảo vệ đặc biệt của xã hội. Bên cạnh đó còn gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang cho nhân dân sống tại vùng giáp biên giới. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp để trấn áp loại tội phạm này, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy cần xử lý bị cáo với mức án nghiêm minh để cải tạo giáo dục bị cáo, đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương.

Tuy nhiên khi xem xét mức hình phạt đối với bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999 là tù chung thân và mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 153 của BLHS năm 2015 là 07 năm tù. Như vậy quy định tại khoản 1 Điều 153 BLHS năm 2015 là quy định có lợi đối cho người phạm tội. Do đó cần áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 153 BLHS năm 2015 để xem xét mức hình phạt đối với bị cáo Cổ Văn H. HĐXX xét thấy, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo có thành khẩn khai báo đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự qui định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Bên cạnh đó bị cáo là người không có tiền án, tiền sự, là dân tộc thiểu số sống ở vùng núi ít người là vùng giáp biên giới với Việt Nam, có trình độ văn hóa thấp, hành vi phạm tội của bị cáo không có sự chuẩn bị sắp đặt từ trước. Do vậy, cần áp dụng điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 BLHS 1999 bị cáo H còn có thể bị phạt tiên từ 5 triệu đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên quá trình điều tra xác định được gia đình bị cáo sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, kinh tế chủ yếu là trồng trọt nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Cháu P đã được tìm thấy ngay sau khi bị cáo H bế cháu P đi về phía đường biên giới, chưa có thiệt hại gì xảy ra. Trong quá trình điều tra, đại diện bị hại không có yêu cầu bồi thường dân sự nên HĐXX không đề cập xem xét.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến Luật sư bào chữa cho bị cáo và ý kiến Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại về việc giải quyết vụ án phù hợp với quy định của pháp luật được HĐXX chấp nhận.

[4] Án phí: Bị cáo Cổ Văn H phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Cổ Văn H (tên gọi khác Cư Vần H) phạm tội: Chiếm đoạt trẻ em.

2. Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 120, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 153 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Cổ Văn H 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ bị cáo ngày 14/7/2017.

3. Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Áp dụng Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cao Cổ Văn H phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bị cáo, đại diện bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp vắng mặt thì có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án, hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

526
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 31/2018/HSST ngày 18/06/2018 về tội chiếm đoạt trẻ em

Số hiệu:31/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hà Giang - Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;