Khi nào luận án tiến sĩ bị thẩm định?

Luận án tiến sĩ bị thẩm định chất lượng khi nào? Việc xử lý kết quả thẩm định luận án diễn ra như thế nào?

Khi nào luận án tiến sĩ bị thẩm định?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 20 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định như sau:

Nguyên tắc chọn kiểm tra, thẩm định và quy trình thực hiện
1. Việc kiểm tra hồ sơ quá trình đào tạo, thẩm định chất lượng luận án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong những trường hợp sau:
a) Kiểm tra, thẩm định ngẫu nhiên theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và những quy định có liên quan;
b) Kiểm tra, thẩm định đối với những trường hợp cụ thể khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo.
...

Như vậy, luận án tiến sĩ bị thẩm định chất lượng khi thuộc các trường hợp sau:

- Thẩm định ngẫu nhiên theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát;

- Khi có phản ánh khiếu nại hoặc tố cáo.

Khi nào luận án tiến sĩ bị thẩm định?

Khi nào luận án tiến sĩ bị thẩm định? (Hình từ Internet)

Quy trình thẩm định luận án tiến sĩ ra sao?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 20 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT thì quy trình thẩm định luận án tiến sĩ như sau:

Bước 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản danh sách những trường hợp cần thẩm định chất lượng luận án trên cơ sở báo cáo định kỳ của cơ sở đào tạo;

Bước 2: Cơ sở đào tạo gửi 03 bộ hồ sơ thẩm định chất lượng luận án về Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Bước 3: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định và có văn bản thông báo kết quả với cơ sở đào tạo trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Hồ sơ gồm:

- Luận án tiến sĩ;

- Tóm tắt luận án tiến sĩ;

- Bản sao các công bố kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

Xử lý kết quả thẩm định luận án tiến sĩ?

Theo Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT thì việc xử lý kết quả thẩm định luận án tiến sĩ như sau:

* Kết quả thẩm định đạt yêu cầu trong những trường hợp sau:

- Hồ sơ quá trình đào tạo do cơ sở đào tạo cung cấp đủ minh chứng bảo đảm việc tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và quy trình tổ chức đánh giá luận án đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo được áp dụng cho nghiên cứu sinh theo quy định;

- Chất lượng luận án được tối thiểu 02 trong 03 nhà khoa học có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ, với chuyên môn phù hợp, am hiểu đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh thẩm định và có ý kiến đồng ý về chuyên môn.

* Kết quả thẩm định không đạt yêu cầu trong những trường hợp sau:

- Hồ sơ quá trình đào tạo do cơ sở đào tạo cung cấp không đủ minh chứng đáp ứng những quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, quy trình tổ chức đánh giá luận án theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT và quy chế của cơ sở đào tạo được áp dụng cho nghiên cứu sinh;

- Chất lượng luận án không được 02 trong 03 nhà khoa học thẩm định đồng ý về chuyên môn.

* Đối với những trường hợp chất lượng luận án không đạt yêu cầu (i):

- Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận án để xem xét, đánh giá và quyết nghị về chất lượng luận án; ủy quyền cơ sở đào tạo tổ chức họp Hội đồng thẩm định luận án có sự giám sát của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Hội đồng thẩm định có 07 thành viên, trong đó có tối thiểu 03 thành viên không là phản biện độc lập hoặc thành viên Hội đồng đánh giá luận án; những nhà khoa học thẩm định không tán thành luận án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT là thành viên đương nhiên của Hội đồng;

- Tiêu chuẩn và nhiệm vụ của thành viên Hội đồng thẩm định luận án như tiêu chuẩn và nhiệm vụ của thành viên Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT;

- Hội đồng thẩm định luận án chỉ họp khi có mặt tối thiểu 06 thành viên bao gồm chủ tịch, thư ký và các thành viên hội đồng có ý kiến không tán thành luận án;

- Luận án không đạt yêu cầu thẩm định khi có từ 02 thành viên Hội đồng thẩm định luận án có mặt trở lên không thông qua.

Trong trường hợp này, cơ sở đào tạo tổ chức và chủ trì đối thoại giữa Hội đồng thẩm định luận án và Hội đồng đánh giá luận án có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số lượng thành viên của hai Hội đồng dự họp tối thiểu là 09 người, trong đó chủ tịch, phản biện, thư ký và các thành viên có ý kiến không tán thành của cả hai Hội đồng phải có mặt.

Luận án không được thông qua nếu có từ 03 thành viên có mặt tại buổi đối thoại trở lên không tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về chất lượng luận án.

* Trường hợp chất lượng luận án sau khi thực hiện quy định tại (i) vẫn không đạt yêu cầu, cơ sở đào tạo xem xét, quyết định thực hiện theo các phương án sau:

- Nếu nghiên cứu sinh chưa được cấp bằng tiến sĩ, cơ sở đào tạo đánh giá lại luận án nếu chưa đánh giá lần thứ hai trong thời hạn tối đa 06 tháng;

- Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp:

+ Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo;

+ Sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT;

+ Luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT.

* Trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả kiểm tra, thẩm định cuối cùng hoặc ngày có kết quả cuộc họp đối thoại, cơ sở đào tạo có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý kết quả thẩm định kèm theo minh chứng.

Luận án tiến sĩ
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Đánh giá luận án tiến sĩ khi người học chưa hoàn thành chương trình học được xử phạt ra sao?
Hỏi đáp Pháp luật
Khi nào luận án tiến sĩ bị thẩm định?
Hỏi đáp Pháp luật
Người hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có tiêu chuẩn như thế nào?
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;