Hóa đơn khống là gì? Mức phạt hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn khống là bao nhiêu?
Hóa đơn khống là gì?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ như sau:
Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ
...
2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:
a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;
b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;
c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;
đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;
e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Như vậy, căn cứ theo như quy định nêu trên thì hóa đơn khống là hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ và hành vi sử dụng hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Hóa đơn khống là gì? Mức phạt hành chính hành vi sử dụng hóa đơn khống là gì? (Hình từ Internet)
Mức phạt hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn khống là bao nhiêu?
Tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ, trong đó có hành vi sử dụng hóa đơn khống như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Lưu ý: mức phạt trên là mức phạt áp tiền áp dụng đối với tổ chức, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 5 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Sử dụng hóa đơn khống có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
....
Từ quy định trên, có thể thấy nếu các cá nhân, tổ chức sử dụng hóa đơn khống nhằm thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, nếu cá nhân có hành vi trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tiền đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.
Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân xuất hóa đơn khống nhằm mục đích trốn thuế thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 7 năm.
- Doanh nghiệp chậm đăng ký thuế cho nhân viên bị phạt bao nhiêu tiền?
- Cách điều chỉnh giá trị trên hóa đơn sai sót như thế nào? Thông tư 78 xử lý hóa đơn sai sót áp dụng cho ai?
- Khoản chi tài trợ cho y tế có được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp?
- Mã chương nộp thuế môn bài 2025 như thế nào?
- Hướng dẫn điền mẫu 05-ĐK-TCT Tờ khai đăng ký thuế dùng cho cá nhân không kinh doanh trực tiếp đăng ký thuế mới nhất 2025?
- Hướng dẫn điền mẫu 04-ĐK-TCT Tờ khai đăng ký thuế dùng cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài áp dụng từ 06/02/2025?
- Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký thuế mới nhất 2025 theo Thông tư 86 như thế nào?
- Link tải mẫu hóa đơn bán lẻ file word, excel, pdf mới nhất 2025?
- Mẫu Tờ khai thuế TNDN áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo từng lần phát sinh là mẫu nào?
- Từ 1/1/2026, hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra có chịu thuế giá trị gia tăng không?