209092

Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật

209092
LawNet .vn

Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật

Số hiệu: 113/2013/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 02/10/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 16/10/2013 Số công báo: 661-662
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 113/2013/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 02/10/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 16/10/2013
Số công báo: 661-662
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản ngày 29 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động mỹ thuật, bao gồm: Thi sáng tác và triển lãm mỹ thuật; trưng bày, mua bán, sao chép, đấu giá, giám định tác phẩm mỹ thuật; tượng đài, tranh hoành tráng; trại sáng tác điêu khắc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;

b) Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;

c) Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;

d) Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác.

2. Triển lãm mỹ thuật là việc trưng bày, công bố, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật đến công chúng, bao gồm triển lãm quy mô toàn quốc, khu vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển lãm do các tổ chức, cơ quan, nhóm, cá nhân thực hiện; triển lãm của Việt Nam tại nước ngoài và triển lãm của nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

3. Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng.

4. Mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng là bản gốc để thể hiện và hoàn chỉnh tác phẩm.

5. Nghệ thuật sắp đặt là loại hình nghệ thuật sắp xếp các vật thể, hình thể, hình ảnh tĩnh hoặc động có nội dung và tính thẩm mỹ.

6. Giám định tác phẩm mỹ thuật là xác định giá trị nghệ thuật, nguồn gốc, tác giả và chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật.

7. Sao chép tác phẩm mỹ thuật là việc làm ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật

1. Phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.

2. Bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống.

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mỹ thuật theo quy định của pháp luật.

4. Hỗ trợ, đặt hàng, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, tác động tốt đến đời sống xã hội.

5. Tặng giải thưởng, phổ biến, giới thiệu và quảng bá các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao.

6. Đào tạo tài năng mỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ và mỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân.

7. Tài trợ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực mỹ thuật theo định hướng của Nhà nước.

8. Đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới bảo tàng mỹ thuật, nhà triển lãm mỹ thuật ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về mỹ thuật

1. Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về hoạt động mỹ thuật; phổ biến, giáo dục pháp luật về mỹ thuật.

2. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý mỹ thuật.

3. Cấp, thu hồi giấy phép trong hoạt động mỹ thuật.

4. Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động mỹ thuật; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với cá nhân và tác phẩm mỹ thuật.

5. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động mỹ thuật.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động mỹ thuật.

Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về mỹ thuật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về mỹ thuật.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về mỹ thuật theo thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về mỹ thuật tại địa phương.

Điều 7. Kinh phí mỹ thuật trong các công trình văn hóa, thể thao và du lịch

1. Kinh phí dành cho mỹ thuật của công trình văn hóa, thể thao và du lịch nằm trong tổng dự toán của công trình.

2. Các chi phí xây dựng dành cho mỹ thuật trong công trình thực hiện theo định mức ngành mỹ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các hành vi sau đây trong hoạt động mỹ thuật:

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục và hủy hoại môi trường.

3. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

4. Sao chép, trưng bày, mua, bán, chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chương 2.

THI SÁNG TÁC TÁC PHẨM MỸ THUẬT VÀ TRIỂN LÃM MỸ THUẬT

MỤC 1. THI SÁNG TÁC TÁC PHẨM MỸ THUẬT

Điều 9. Đối tượng tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có chức năng hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam phải phối hợp với cơ quan, tổ chức của Việt Nam có chức năng quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 10. Quản lý tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy mô toàn quốc hoặc khu vực.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy mô cấp tỉnh.

Điều 11. Thủ tục thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức thi, sáng tác tác phẩm mỹ thuật phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này.

2. Hồ sơ thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đề án tổ chức, thể lệ cuộc thi;

b) Trường hợp phối hợp với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế phải kèm theo văn bản thỏa thuận giữa các bên.

3. Tổ chức, cá nhân tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức cuộc thi.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật

1. Thực hiện đúng đề án tổ chức.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thi, phải gửi báo cáo kết quả cuộc thi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trường hợp tổ chức triển lãm, trưng bày các tác phẩm dự thi sáng tác phải thực hiện các quy định về triển lãm tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

4. Mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng của dự án tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; dự án tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng ở trung tâm hành chính cấp tỉnh, phải tổ chức thi và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

MỤC 2. TRIỂN LÃM MỸ THUẬT

Điều 13. Địa điểm tổ chức triển lãm

Địa điểm tổ chức triển lãm phải có diện tích, trang thiết bị đáp ứng với quy mô của triển lãm; đảm bảo các điều kiện về trật tự an toàn xã hội, văn minh công cộng, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ.

Điều 14. Thẩm quyền cấp giấy phép triển lãm

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với:

a) Triển lãm mỹ thuật có quy mô toàn quốc, khu vực do các cơ quan Trung ương tổ chức;

b) Triển lãm mỹ thuật Việt Nam do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tổ chức;

c) Triển lãm mỹ thuật nước ngoài tại Việt Nam do tổ chức Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tổ chức;

d) Đưa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài triển lãm mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với:

a) Triển lãm mỹ thuật tại địa phương do cơ quan, tổ chức thuộc địa phương, cá nhân, nhóm cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài tổ chức;

b) Đưa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài triển lãm không mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép triển lãm quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này chịu trách nhiệm về nội dung triển lãm và kiểm tra, giám sát triển lãm.

Điều 15. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép triển lãm

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép triển lãm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 1);

b) Danh sách tác giả, tác phẩm, chất liệu, kích thước tác phẩm, năm sáng tác;

c) Mỗi tác phẩm một ảnh màu kích thước 10x15 cm. Riêng đối với triển lãm nghệ thuật sắp đặt phải có ảnh chính diện, bên phải và bên trái tác phẩm, kèm theo văn bản trình bày ý tưởng nội dung tác phẩm. Trường hợp tác phẩm có chữ nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch;

d) Đối với triển lãm ngoài trời được tổ chức tại Việt Nam phải có văn bản của chủ địa điểm triển lãm cam kết đảm bảo các điều kiện về trật tự, an toàn xã hội, văn minh công cộng, vệ sinh, môi trường và phòng chống cháy nổ;

đ) Đối với trường hợp đưa tác phẩm mỹ thuật ra nước ngoài triển lãm, ngoài đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 2) và hồ sơ quy định tại các Điểm b và c Khoản này phải kèm theo giấy mời hoặc văn bản thỏa thuận của đối tác nước ngoài và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định này xem xét cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

4. Sau khi được cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật (mẫu số 3) nếu có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm, thiết kế trưng bày triển lãm thì tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép.

5. Giấy phép cấp cho triển lãm mỹ thuật đưa ra trưng bày ở nước ngoài (mẫu số 4) là căn cứ để làm thủ tục hải quan.

Chương 3.

TRƯNG BÀY, MUA BÁN, SAO CHÉP, ĐẤU GIÁ, GIÁM ĐỊNH TÁC PHẨM MỸ THUẬT

Điều 16. Trưng bày, mua bán tác phẩm mỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân trưng bày, mua bán, sao chép tác phẩm mỹ thuật phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và các quy định tại Nghị định này.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện hoạt động trưng bày, mua bán, sao chép tác phẩm mỹ thuật theo nội dung đăng ký quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 17. Sao chép tác phẩm mỹ thuật

1. Việc sao chép tác phẩm mỹ thuật thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Việc sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, ngoài việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Đối với sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc đặt ở nơi công cộng phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép, trừ trường hợp xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng quy định tại Chương IV Nghị định này;

b) Tổ chức, cá nhân hành nghề sao chép, trưng bày tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ phải bảo đảm sự tôn kính.

3. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ:

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở tại. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 5);

b) Ảnh màu kích thước 18x24 cm chụp bản mẫu và bản sao;

c) Bản sao chứng thực hợp đồng sử dụng tác phẩm hoặc văn bản đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm mẫu.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cấp giấy phép (mẫu số 6); trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 18. Đấu giá tác phẩm mỹ thuật

1. Việc đấu giá tác phẩm mỹ thuật thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, trừ những tác phẩm mỹ thuật không được phép mua bán.

2. Tác phẩm mỹ thuật trước khi đấu giá ở trong nước hoặc đưa ra đấu giá ở nước ngoài phải được giám định.

Điều 19. Giám định tác phẩm mỹ thuật

1. Việc giám định tác phẩm mỹ thuật quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức, cá nhân đề nghị giám định phải trả phí giám định theo hợp đồng.

Chương 4.

TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG

Điều 20. Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng

1. Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng là căn cứ để xây dựng kế hoạch, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.

2. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch:

a) Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành liên quan;

b) Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Nội dung cơ bản quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng:

a) Sự cần thiết lập quy hoạch;

b) Căn cứ lập quy hoạch;

c) Quan điểm và nguyên tắc;

d) Mục tiêu quy hoạch;

đ) Các tiêu chí nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật, kiến trúc, quy mô quy hoạch;

e) Giải pháp thực hiện quy hoạch;

g) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

4. Hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Khoản 2 Điều này bao gồm:

a) Tờ trình;

b) Thuyết minh nội dung quy hoạch và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch;

c) Bản sao ý kiến đồng ý của các Bộ, ngành có liên quan (đối với quy hoạch cấp quốc gia), ý kiến đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với quy hoạch cấp tỉnh).

5. Thời gian phê duyệt quy hoạch:

Trong thời hạn 30 ngày đối với quy hoạch cấp quốc gia, 15 ngày đối với quy hoạch cấp tỉnh, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt quy hoạch.

Trường hợp đặc biệt phải kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch thì thời hạn tối đa là 60 ngày đối với quy hoạch cấp quốc gia và 30 ngày đối với quy hoạch cấp tỉnh.

6. Điều chỉnh quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng:

a) Việc điều chỉnh quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng được thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 5 Điều này.

b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch gồm:

- Tờ trình;

- Đề cương đề án công trình bao gồm: Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, nội dung tượng đài, tranh hoành tráng, địa điểm xây dựng, dự kiến quy mô, chất liệu, hình thức đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thời gian thực hiện.

7. Xây dựng công trình tượng đài, tranh hoành tráng chưa có quy hoạch:

a) Trường hợp cần xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh khi chưa có trong quy hoạch đã được phê duyệt, thì phải thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Khoản 6 Điều này trước khi lập dự án đầu tư;

b) Trường hợp cần xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh khi chưa có quy hoạch thì chủ đầu tư làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng.

Điều 21. Chủ đầu tư công trình tượng đài, tranh hoành tráng

Ngoài việc thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư công trình tượng đài, tranh hoành tráng còn có quyền và trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức thực hiện đầu tư theo quy định tại các Điều 25 và 26 Nghị định này;

2. Tổ chức sáng tác mẫu phác thảo;

3. Thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật và dự toán công trình;

4. Hoàn thiện hồ sơ xây dựng, đề nghị cấp phép xây dựng phần mỹ thuật công trình;

5. Lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với cá nhân, đơn vị thi công;

6. Lựa chọn người giám sát thi công phần mỹ thuật, chỉ đạo nghệ thuật.

Điều 22. Tác giả tượng đài, tranh hoành tráng

1. Tác giả tượng đài, tranh hoành tráng là người trực tiếp sáng tác ra mẫu phác thảo được duyệt để xây dựng thông qua dự thi hoặc được chỉ định.

2. Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo phải đáp ứng điều kiện sau: Có trình độ đại học mỹ thuật trở lên; có ít nhất 02 công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A có xác nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Tác giả có mẫu phác thảo được chọn thông qua dự thi, không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của tác giả:

a) Chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật công trình từ khâu sáng tác mẫu phác thảo đến các bước thể hiện và hoàn thiện;

b) Giám sát hoặc giới thiệu người khác có đủ năng lực giám sát quá trình thi công thực hiện phần mỹ thuật công trình;

c) Được tham gia giới thiệu nhà thầu cho chủ đầu tư để lựa chọn thể hiện phần mỹ thuật công trình;

d) Được chỉ đạo nghệ thuật công trình;

đ) Được ghi danh vào công trình và các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Điều 23. Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng

1. Thành lập Hội đồng nghệ thuật:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án phải thành lập Hội đồng nghệ thuật ngay khi triển khai dự án để tư vấn về nghệ thuật;

b) Số lượng thành viên Hội đồng nghệ thuật là số lẻ từ 07 đến 13 thành viên trong đó có chủ tịch và phó chủ tịch;

c) Hội đồng nghệ thuật phải có trên 2/3 số thành viên là các nhà điêu khắc, họa sỹ có trình độ từ đại học trở lên, có uy tín, có kinh nghiệm xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, trong đó có 01 thành viên là kiến trúc sư; số thành viên còn lại là đại diện chủ đầu tư, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và cơ quan khác có liên quan;

d) Tác giả, nhà thầu thi công không được tham gia Hội đồng nghệ thuật;

đ) Trước khi quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phải có văn bản xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về danh sách thành viên Hội đồng nghệ thuật.

Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản trả lời.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nghệ thuật:

a) Tư vấn cho chủ đầu tư:

- Xét chọn mẫu phác thảo bước một và bước hai;

- Góp ý kiến hồ sơ quy hoạch và thiết kế cơ sở mặt bằng, không gian tổng thể công trình;

- Nghiệm thu các bước thi công mỹ thuật và nghiệm thu toàn bộ phần mỹ thuật công trình.

b) Tư vấn cho nhà thầu trong quá trình thi công thể hiện phần mỹ thuật công trình.

3. Phương thức làm việc của Hội đồng nghệ thuật:

a) Hội đồng nghệ thuật làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng, quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín; thực hiện theo quy chế, tiêu chí do chủ đầu tư ban hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Phiên họp của Hội đồng nghệ thuật phải có trên 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự mới hợp lệ; quyết định của Hội đồng có giá trị khi được trên 1/2 tổng số thành viên Hội đồng đồng ý;

c) Các thành viên Hội đồng nghệ thuật có quyền bảo lưu ý kiến nhưng phải chấp hành quyết định của Hội đồng.

4. Chi phí hoạt động của Hội đồng nghệ thuật do chủ đầu tư bố trí trong tổng dự toán công trình theo quy định.

Điều 24. Chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng

1. Lập đề cương dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng:

a) Các dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng phải lập đề cương dự án đầu tư xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền;

b) Đề cương dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng gồm: Nội dung chủ đề, hình thức nghệ thuật, quy mô, khối lượng các hạng mục, chất liệu và địa điểm xây dựng; hình thức đầu tư, dự kiến mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện.

2. Sáng tác và xét chọn mẫu phác thảo:

a) Căn cứ đề cương dự án quy định tại Khoản 1 Điều này, chủ đầu tư xây dựng quy chế và thể lệ sáng tác mẫu phác thảo, việc sáng tác mẫu phác thảo được thực hiện theo hai bước:

- Bước một: Mẫu phác thảo tượng đài có chiều cao từ 70 cm trở lên; mẫu phác thảo phù điêu, tranh hoành tráng có kích thước, tỷ lệ tương ứng với phần tượng; đối với tranh hoành tráng hoặc phù điêu không gắn với tượng (độc lập) thì phác thảo có diện tích 80 cm2 có thể thực hiện bằng chất liệu dự kiến xây dựng; kèm theo thuyết minh ý tưởng nghệ thuật và bản thiết kế cơ sở quy hoạch tổng thể.

- Bước hai: Mẫu phác thảo tượng đài được thể hiện nâng cao từ mẫu phác thảo được chọn ở bước một, có kích thước từ 130 cm trở lên; mẫu phác thảo phù điêu, tranh hoành tráng có kích thước, tỷ lệ tương ứng với phần tượng; đối với tranh hoành tráng hoặc phù điêu không gắn với tượng (độc lập) thì phác thảo có diện tích 120 cm2; kèm theo thuyết minh ý tưởng nghệ thuật và bản thiết kế cơ sở quy hoạch tổng thể;

b) Mẫu phác thảo bước một và bước hai phải được Hội đồng nghệ thuật xét chọn;

c) Chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt mẫu phác thảo bước hai đã được Hội đồng nghệ thuật chọn, làm căn cứ xây dựng dự án, dự toán, thiết kế thi công công trình;

d) Hồ sơ đề nghị phê duyệt mẫu phác thảo bước hai (02 bộ), gồm:

- Tờ trình;

- Ảnh mẫu phác thảo bước hai được chọn chụp bốn chiều, kích thước 18x24 cm;

- Biên bản làm việc của Hội đồng nghệ thuật.

đ) Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt mẫu phác thảo sau 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

Điều 25. Dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng

1. Dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng phải có thiết kế cơ sở và thuyết minh theo các nội dung quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Nghị định này.

2. Hồ sơ thiết kế cơ sở dự án bao gồm:

a) Bản thiết kế tổng thể mặt bằng, không gian và các hạng mục xây dựng phải tương ứng với tổng mức đầu tư và có tính khả thi;

b) Bản thiết kế tượng đài, tranh hoành tráng và ảnh chụp mẫu phác thảo bước hai đã được phê duyệt, đảm bảo xác định được khối lượng, trọng lượng, kích thước các chiều, diện tích bề mặt đủ điều kiện lập dự toán và triển khai các bước tiếp theo;

c) Thuyết minh thiết kế cơ sở để xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

3. Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

4. Kinh phí chuẩn bị đầu tư và sáng tác phác thảo được tính vào tổng mức đầu tư công trình.

Điều 26. Lập dự toán công trình tượng đài, tranh hoành tráng

1. Căn cứ lập dự toán: Theo yêu cầu nhiệm vụ thực hiện khối lượng, chất lượng, chất liệu và bố cục mẫu phác thảo bước hai được duyệt; quy trình công nghệ, giải pháp thi công, đơn giá, định mức ngành mỹ thuật và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan. Các hạng mục công việc không có tính chất mỹ thuật như đào, lấp, làm nền móng, trụ, áp dụng định mức theo quy định của pháp luật về xây dựng. Các hạng mục liên quan tới mỹ thuật thì áp dụng theo định mức ngành mỹ thuật.

2. Nội dung dự toán thể hiện các chi phí để sáng tác, thi công phần mỹ thuật bao gồm chi phí vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công, nhuận bút, chi phí vận chuyển lắp đặt, thuế, phí dự phòng và các chi phí khác theo quy định.

3. Dự toán phải thể hiện rõ quy mô, kích thước, diện tích, khối lượng, trọng lượng, chất liệu của từng hạng mục mỹ thuật; biểu tổng hợp được thể hiện tại trang đầu có xác nhận của chủ đầu tư.

4. Giá đề nghị chỉ định thầu của nhà thầu là căn cứ để ký kết hợp đồng, thanh quyết toán công trình.

5. Tổng dự toán công trình tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm dự toán phần mỹ thuật, dự toán phần đầu tư xây dựng khác. Việc phê duyệt tổng dự toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

6. Việc điều chỉnh dự toán phần mỹ thuật không làm thay đổi dự án đã được phê duyệt và không được vượt tổng vốn đầu tư và chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Công trình hư hỏng bất khả kháng;

b) Thay đổi về giá vật liệu, tiền lương;

c) Thay đổi bố cục chất liệu tác phẩm do yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật được chủ đầu tư chấp thuận.

7. Việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

8. Việc thẩm định dự toán tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện theo pháp luật về đầu tư xây dựng.

Điều 27. Cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi cấp phép xây dựng đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng sau đây:

a) Công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia;

b) Công trình tượng đài, tranh hoành tráng về Chủ tịch Hồ Chí Minh;

c) Công trình tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng trong khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép (02 bộ) gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 7);

b) Quyết định chọn mẫu phác thảo bước hai của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, kèm theo ảnh, phác thảo chụp bốn mặt cỡ ảnh 18x24 cm có kèm chú thích;

c) Các thành phần hồ sơ khác theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

4. Thời gian cấp giấy phép:

a) Thời hạn cấp giấy phép (mẫu số 8) không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;

b) Đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng quy định tại Khoản 2 Điều này, thời hạn cấp giấy phép không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

5. Việc xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tại Khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 02 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị;

- Tóm tắt Đề án.

b) Trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản trả lời.

Điều 28. Chỉ định thầu thi công tượng đài, tranh hoành tráng

1. Việc chỉ định thầu thi công tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Nhà thầu được chỉ định thi công tượng đài, tranh hoành tráng phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có các nhà điêu khắc, họa sỹ đủ năng lực, trong đó ít nhất 01 người đã chủ trì thi công từ 02 công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp tỉnh trở lên;

b) Đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhà xưởng để thi công;

c) Đủ năng lực tài chính;

d) Được sự thỏa thuận bằng văn bản của tác giả.

3. Công trình tượng đài, tranh hoành tráng quy mô nhỏ, giá trị tương đương 30% nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì tác giả được quyền trực tiếp nhận thầu nhưng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điểm b và c Khoản 2 Điều này.

4. Đơn vị được chỉ định thầu thi công tượng đài, tranh hoành tráng phải ký hợp đồng với chủ đầu tư. Nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của đơn vị được chỉ định thầu phần mỹ thuật được thực hiện theo pháp luật về đầu tư xây dựng.

Điều 29. Giám sát, chỉ đạo nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng

1. Giám sát thi công:

a) Giám sát thi công phần mỹ thuật do tác giả trực tiếp hoặc thuê người khác là nhà điêu khắc có trình độ đại học mỹ thuật trở lên có kinh nghiệm xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng thực hiện;

b) Giám sát thi công thực hiện chất liệu do người có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hoặc là nghệ nhân có đủ điều kiện và năng lực giám sát thực hiện;

c) Giám sát thi công phần xây dựng do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thực hiện.

2. Nội dung giám sát:

Theo dõi, kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ phần mỹ thuật công trình.

3. Chỉ đạo nghệ thuật:

a) Công trình tượng đài, tranh hoành tráng trong quá trình thi công phần mỹ thuật phải có người chỉ đạo nghệ thuật;

b) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của người chỉ đạo nghệ thuật:

- Là tác giả, nhà điêu khắc, họa sỹ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, có kinh nghiệm xây dựng từ 02 công trình tượng đài, tranh hoành tráng trở lên;

- Kiểm tra, hướng dẫn, góp ý về quy trình, biện pháp, giải pháp nghệ thuật, đảm bảo các bước thể hiện đúng với mẫu phác thảo được duyệt và những góp ý chỉnh sửa nâng cao của Hội đồng nghệ thuật.

Điều 30. Thi công và nghiệm thu, bàn giao tượng đài, tranh hoành tráng

1. Thi công thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng được thực hiện theo các bước cơ bản sau: Thể hiện mẫu tỷ lệ 1/1; làm khuôn, tạo mẫu; thi công chất liệu; dàn dựng, lắp đặt.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư có trách nhiệm nghiệm thu công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao công trình sau khi được nghiệm thu.

Điều 31. Bảo hành, bảo quản và quản lý công trình tượng đài, tranh hoành tráng

1. Việc bảo hành thực hiện theo quy định sau:

a) Nhà thầu thi công phần xây lắp cung ứng thiết bị, có trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng;

b) Nhà thầu thi công phần mỹ thuật có trách nhiệm bảo hành phần mỹ thuật bao gồm: Khắc phục, thay thế, sửa chữa, điều chỉnh những khiếm khuyết về kỹ thuật và nghệ thuật trong thời gian bảo hành. Thi công bảo hành phải có sự tư vấn của Hội đồng nghệ thuật theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.

2. Cơ quan, tổ chức sở hữu hoặc được giao quản lý công trình tượng đài, tranh hoành tráng có nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng định kỳ.

3. Cơ quan, tổ chức sở hữu hoặc được giao quản lý công trình tượng đài, tranh hoành tráng có nhiệm vụ quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả công trình tượng đài, tranh hoành tráng và không gian tượng đài.

Điều 32. Dỡ bỏ, di dời địa điểm, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng

1. Việc dỡ bỏ, di dời địa điểm, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng phải có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt và phải có giấy phép theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Loại công trình phải dỡ bỏ:

a) Công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng; quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển nông thôn;

b) Công trình tượng đài, tranh hoành tráng không còn đáp ứng được yêu cầu về nội dung, hình thức nghệ thuật và chất liệu xây dựng.

3. Yêu cầu di đời, chuyển chất liệu:

a) Công trình di dời đến địa điểm mới hoặc chuyển chất liệu không được thay đổi về nội dung tác phẩm, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật;

b) Phải có tư vấn về nghệ thuật của Hội đồng nghệ thuật theo quy định tại Điều 23 Nghị định này;

c) Trường hợp di dời, chuyển chất liệu công trình có chỉnh sửa về bố cục tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả.

Chương 5.

TRẠI SÁNG TÁC ĐIÊU KHẮC

Điều 33. Điều kiện tổ chức trại sáng tác điêu khắc

Cơ quan, tổ chức Việt Nam được cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc, phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật;

2. Có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Có thể lệ tổ chức trại sáng tác điêu khắc.

Điều 34. Đề án tổ chức trại sáng tác điêu khắc

1. Nội dung đề án bao gồm:

- Tên đề án, đơn vị tổ chức;

- Mục đích, ý nghĩa của đề án;

- Thời gian, địa điểm tổ chức trại;

- Địa điểm kèm theo bản vẽ thiết kế mặt bằng trưng bày tác phẩm;

- Kinh phí tổ chức;

- Quy mô tổ chức trại: số lượng tác giả, tác phẩm;

- Chất liệu, giải pháp thi công, nhân công thực hiện tác phẩm;

- Cơ chế quản lý, phương án bảo vệ, bảo quản, tu bổ và khai thác sử dụng tác phẩm;

- Trách nhiệm và quyền lợi của tác giả.

2. Hồ sơ đề án bao gồm:

a) Tờ trình;

b) Dự thảo đề án và thể lệ tổ chức trại sáng tác.

3. Thủ tục và trình tự phê duyệt đề án trại sáng tác điêu khắc thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Điều 35. Thể lệ tổ chức trại sáng tác điêu khắc

Thể lệ tổ chức trại sáng tác điêu khắc do chủ đầu tư ban hành bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Đơn vị tổ chức;

2. Mục đích, ý nghĩa;

3. Hình thức tổ chức trại sáng tác điêu khắc, địa điểm, quy mô, số lượng trại viên, nội dung, chất liệu, kích thước phác thảo, tác phẩm; kế hoạch, thời gian thực hiện;

4. Hội đồng nghệ thuật;

5. Tiêu chí tác giả và phương thức tổ chức sáng tác tuyển chọn mẫu phác thảo;

6. Quyền lợi, trách nhiệm tác giả;

7. Quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tác tại trại.

Điều 36. Cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc

1. Thẩm quyền cấp giấy phép:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc có sự tham gia của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc không có sự tham gia của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 9);

b) Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thể lệ.

3. Thời hạn cấp giấy phép:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b) Giấy phép (mẫu số 10) có hiệu lực trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký; quá thời hạn trên mà không tổ chức trại sáng tác, chủ đầu tư có nhu cầu tổ chức trại sáng tác phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép;

c) Sau khi được cấp giấy phép, muốn thay đổi nội dung giấy phép phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nghiệm thu tác phẩm của trại sáng tác, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện đề án cho cơ quan cấp giấy phép.

Điều 37. Hội đồng nghệ thuật trại sáng tác điêu khắc

1. Thành lập Hội đồng nghệ thuật:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phải thành lập Hội đồng nghệ thuật;

b) Trước khi quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về danh sách thành viên Hội đồng nghệ thuật.

Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản trả lời.

c) Số lượng thành viên Hội đồng nghệ thuật là số lẻ từ 05 đến 09 thành viên trong đó có chủ tịch và phó chủ tịch;

d) Hội đồng nghệ thuật:

Hội đồng nghệ thuật phải có trên 2/3 số thành viên là các nhà điêu khắc, họa sỹ, có trình độ từ đại học trở lên, có uy tín, trong đó có 01 thành viên là kiến trúc sư; số thành viên còn lại là đại diện chủ đầu tư, đại diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch và cơ quan khác có liên quan.

2. Hội đồng nghệ thuật làm tư vấn cho chủ đầu tư trong việc duyệt mẫu phác thảo, quá trình thể hiện, thiết kế trưng bày tác phẩm, nghiệm thu tác phẩm và chấm giải thưởng.

3. Hội đồng nghệ thuật làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng; quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết luận của Hội đồng nghệ thuật phải được trên 1/2 tổng số thành viên đồng ý.

Điều 38. Trại viên trại sáng tác điêu khắc

1. Trại viên trại sáng tác điêu khắc là người Việt Nam hoặc người nước ngoài có mẫu phác thảo được Hội đồng duyệt chọn.

2. Trại viên có nhiệm vụ thực hiện các quy định của thể lệ tổ chức trại sáng tác điêu khắc.

Điều 39. Nghiệm thu, bảo quản tác phẩm

1. Chủ đầu tư căn cứ ý kiến tư vấn của Hội đồng nghệ thuật để tiến hành nghiệm thu tác phẩm.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm có nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm theo định kỳ.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.

2. Nghị định này bãi bỏ các văn bản sau đây:

a) Chương IV Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

b) Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng phần mỹ thuật ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin;

c) Quy chế hoạt động Triển lãm Mỹ thuật và Gallery ban hành kèm theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 5 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin;

d) Quy chế trại sáng tác điêu khắc ban hành kèm theo Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

đ) Các Điểm 1, 3 và 4 Mục III Điều 1, các Điểm 1, 3 và 4 Mục III Điều 2 Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 41. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thi hành các Điều 4, 9, 11, 12, 26, 29, 30 và 31 Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC BIỂU MẪU VỀ HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT
(Ban hành kèm theo Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ)

1. Mẫu số 1: Đơn đề nghị cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam.

2. Mẫu số 2: Đơn đề nghị cấp giấy phép đưa triển lãm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài.

3. Mẫu số 3: Giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam.

4. Mẫu số 4: Giấy phép đưa triển lãm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài.

5. Mẫu số 5: Đơn đề nghị cấp giấy phép sao chép tranh, tượng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ.

6. Mẫu số 6: Giấy phép sao chép tranh, tượng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ.

7. Mẫu số 7: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.

8. Mẫu số 8: Giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.

9. Mẫu số 9: Đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc.

10. Mẫu số 10: Giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc.

 

Mẫu số 1

TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TẠI VIỆT NAM

Kính gửi ………………………………..

Tên cá nhân, tổ chức đề nghị: …………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………..

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………

Điện thoại ……………………………………. Fax: ……………………………………

Đề nghị được cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam:

- Tiêu đề của triển lãm: …………………………………………………………………

- Địa điểm trưng bày: ……………………………………………………………………

- Thời gian trưng bày từ …………………………………… đến: ……………………

- Số lượng tác phẩm: ……………………………………………………………………

- Số lượng tác giả: ………………………………………………………………………

Cam kết:

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về triển lãm mỹ thuật và các quy định liên quan khi tổ chức triển lãm.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam.

 

 

…….., ngày ….. tháng.....năm ...
CÁ NHÂN/ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC ĐỂ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức)
(Ký, ghi rõ họ tên, nếu là cá nhân)

 

Mẫu số 2

TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
ĐƯA TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TỪ VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: ………………………………..

Tên cá nhân/ tổ chức đề nghị: ……………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………………………………………..

Đề nghị được cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài

Tiêu đề triển lãm: ……………………………………………………………………………

Địa điểm trưng bày: …………………………………………………………………………

Quốc gia: ……………………………………………………………………………………

Thời gian trưng bày từ: …………………………………… đến …………………………

Số lượng tác phẩm: …………………………………………………………………………

Số lượng tác giả: ……………………………………………………………………………

Cam kết:

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về triển lãm mỹ thuật và các quy định liên quan khi tổ chức triển lãm và pháp luật của nước sở tại.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài.

 

 

…….., ngày ….. tháng.....năm ...
CÁ NHÂN/ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC ĐỂ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức)
(Ký, ghi rõ họ tên, nếu là cá nhân)

 

Mẫu số 3

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP1
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /GP

……., ngày … tháng … năm …

 

GIẤY PHÉP

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số …………./NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Xét đề nghị của: …………………………………………………………………………

(văn bản đề nghị ngày: …………………………………………………………………)

(1) ……………………………………………….....cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam

- Tiêu đề triển lãm: ………………………………………………………………………

- Đơn vị tổ chức: …………………………………………………………………………

- Địa điểm trưng bày: ……………………………………………………………………

- Thời gian trưng bày: ……………………………………………………………………

- Số lượng tác phẩm: ……………………………………………………………………

- Số lượng tác giả: ………………………………………………………………………

- Giấy phép có giá trị trong thời gian 06 tháng kể từ ngày cấp.

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

____________

1 Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Mẫu số 4

TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP1
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /GP

……., ngày … tháng … năm …

 

GIẤY PHÉP

ĐƯA TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TỪ VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số …………./NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Xét đề nghị của: ……………………………………………………………………………

(1) ……………………………………………….....cấp giấy phép đưa triển lãm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài

- Tiêu đề triển lãm: …………………………………………………………………………

- Đơn vị tổ chức: ……………………………………………………………………………

- Địa điểm trưng bày: ………………………………………………………………………

- Quốc gia: ………………………………………………………………………………….

- Thời gian trưng bày: ……………………………………………………………………..

- Số lượng tác phẩm gửi đi: ………………………………………………………………

- Số lượng tác giả: …………………………………………………………………………

- Giấy phép có giá trị trong thời gian 06 tháng kể từ ngày cấp.

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

____________

1 Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Mẫu số 5

TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
SAO CHÉP TRANH, TƯỢNG DANH NHÂN VĂN HÓA, ANH HÙNG DÂN TỘC, LÃNH TỤ

Kính gửi: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố...

Tên cá nhân/tổ chức đề nghị ……………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………….

Điện thoại: …………………………………………………………………………………

Đề nghị được cấp giấy phép sao chép tranh, tượng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ:

Tên tác phẩm (bản mẫu) …………………………………………………………………

Tên tác giả (bản mẫu) ……………………………………………………………………

Khuôn khổ bản sao chép: ……………………………………………………………….

Chất liệu bản sao chép:  …………………………………………………………………

Số lượng bản sao chép: …………………………………………………………………

Tên cá nhân/tổ chức sao chép: …………………………………………………………

Địa chỉ cá nhân/tổ chức sao chép: ………………………………………………………

Mục đích sử dụng: …………………………………………………………………………

Địa điểm sử dụng: …………………………………………………………………………

Cam kết:

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sao chép tác phẩm mỹ thuật và các quy định liên quan.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ.

 

 

...., ngày ….. tháng.....năm ...
CÁ NHÂN/ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức)
(Ký, ghi rõ họ tên, nếu là cá nhân)

 

Mẫu số 6

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ
SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số ……../GP-SC/…..

….., ngày ….. tháng ….. năm …….

 

GIẤY PHÉP

SAO CHÉP TRANH, TƯỢNG DANH NHÂN VĂN HÓA, ANH HÙNG DÂN TỘC, LÃNH TỤ

Căn cứ Nghị định số ……../NĐ-CP ngày   tháng    năm ….. của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Xét đề nghị của: ……………………………………………………………………………

(Văn bản đề nghị ngày …………………………………………………………………….)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ....cấp giấy phép sao chép tranh, tượng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ:

Tên tác phẩm (bản mẫu): …………………………………………………………………

Tên tác giả (bản mẫu): ……………………………………………………………………

Khuôn khổ bản sao chép: …………………………………………………………………

Chất liệu bản sao chép:  ……………………………………………………………………

Số lượng bản sao chép: ……………………………………………………………………

Tên cá nhân/tổ chức sao chép: ……………………………………………………………

Địa chỉ cá nhân/tổ chức sao chép: …………………………………………………………

Đơn vị sử dụng: ………………………………………………………………………………

Mục đích sử dụng: ……………………………………………………………………………

Địa điểm sử dụng: ……………………………………………………………………………

 

 

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 7

TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

- Chủ đầu tư: ……………..

+ Người đại diện: …………….                Chức vụ: ………………

+ Địa chỉ: ……………………...                Điện thoại: ……………..

Đề nghị cấp giấy phép xây dựng

Công trình: …………………………………………………………………………………

- Đề tài, nội dung: …………………………………………………………………………

- Khối lượng: ………………………………………………………………………………

- Tượng: (kích thước) …………….                      Chất liệu: ………………

- Phù điêu: (kích thước) ……………..                  Chất liệu: ………………

- Tranh hoành tráng: (kích thước) ……….            Chất liệu: ………………

- Nguồn vốn: ………………………………………………………………………………

- Dự toán kinh phí được thẩm định theo văn bản số: ………………….

- Dự kiến thời gian khởi công và hoàn thành công trình: ……………………………

- Địa điểm xây dựng: ……………………………………………………………………

- Diện tích mặt bằng: ……………………………………………………………………

- Hướng chính của tượng đài: …………………..

- Tác giả: …………………

+ Địa chỉ: ………………………………….. Điện thoại: …………………………………

- Mẫu phác thảo được Hội đồng Nghệ thuật duyệt chọn theo văn bản số: …………

- Đơn vị thể hiện phần mỹ thuật: ……………………………………………………..

Lời cam kết:

- Xin cam đoan thực hiện đúng giấy phép được cấp, nếu sai phạm xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và chịu xử lý theo quy định của pháp luật.

- Xin gửi kèm theo: bản sao công chứng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

 

…, ngày ... tháng ... năm ...
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 8

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …../GP-MT/....

…….., ngày … tháng … năm …..

 

GIẤY PHÉP XÂY DỰNG
TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG

- Căn cứ Nghị định số ………/NĐ-CP ngày ... tháng … năm ….. của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

- Căn cứ công văn số: …../…. ngày ….. tháng... năm ….. của... về việc đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình …………………………

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ ……………

- Cấp giấy phép cho: ………………..

Xây dựng công trình …………………

- Đề tài, nội dung: ……………………………………

- Tượng: (kích thước) ……………                       Chất liệu: ……………….

- Phù điêu: (kích thước)…………                        Chất liệu: ………………..

- Tranh hoành tráng: (kích thước)……..                Chất liệu: ……………….

- Nguồn vốn: ……………………………………

- Dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền thẩm định theo văn bản số: ……………

- Diện tích mặt bằng: ……………………………………………………………………….

- Tác giả: …………………………………………………………………………………….

- Địa chỉ: ……………………………………. Điện thoại: …………………………………

- Mẫu phác thảo được Hội đồng Nghệ thuật duyệt chọn theo văn bản số:   …………

- Đơn vị thể hiện phần mỹ thuật:  …………………………………………………………

Những điều cần lưu ý:

- Chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số ………../NĐ-CP ngày .... tháng ... năm .... của Chính phủ.

- Giấy phép này có hiệu lực trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký; quá thời hạn trên mà chưa khởi công công trình phải có công văn đề nghị gia hạn giấy phép.

 

 

Nơi nhận:
- Các bên liên quan;
- Lưu VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 9

TÊN CƠ QUAN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
TỔ CHỨC TRẠI SÁNG TÁC ĐIÊU KHẮC

Kính gửi: ………………………………………

- Tên cơ quan, tổ chức đề nghị: ………………………………………………………

- Người đại diện: ……………………                     Chức vụ: ……………………….

- Địa chỉ: ……………………………..                    Điện thoại: ……………………..

Đề nghị được cấp giấy phép tổ chức Trại sáng tác điêu khắc (tên trại sáng tác điêu khắc)  ……..

- Chủ đề: ……………………

- Số lượng tác giả:

+ Quốc tịch Việt Nam: ……………………

+ Quốc tịch nước ngoài: …………………

- Số lượng tác phẩm: …………………….

- Chất liệu: ………………………………… Kích thước tác phẩm: ……………………

- Nguồn vốn: ……………………………………….

- Thời gian từ: ……………………………………. đến ………………………………….

- Địa điểm tổ chức trại sáng tác: …………………………………………………………

- Chủ sở hữu tác phẩm: ………………………………………………………………….

Lời cam kết:

Xin cam đoan thực hiện đúng nội dung giấy phép được cấp; nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm và chịu xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

…, ngày ... tháng ... năm ...
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
CỦA TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 10

TÊN CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /GP-TSTĐK

….., ngày … tháng … năm …..

 

GIẤY PHÉP

TỔ CHỨC TRẠI SÁNG TÁC ĐIÊU KHẮC

- Căn cứ Nghị định số ……../NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

- Xét đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức Trại sáng tác điêu khắc   ….. ngày ... tháng... năm .... của .... (cơ quan/tổ chức đề nghị cấp giấy phép) ……………..

(TÊN CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP)

- Cấp cho: ………………………………………

Được phép tổ chức Trại sáng tác điêu khắc ……………………………………………

- Chủ đề: ……………………………………………………………………………………

- Số lượng tác giả: …………………………………………………………………………

- Số lượng tác phẩm: ………………………………………………………………………

- Chất liệu: ………………………………………………………………………………….

- Nguồn vốn: ……………………………………………………………………………….

- Thời gian: …………………………………………………………………………………

- Địa điểm tổ chức trại: ……………………………………………………………………

- Chủ sở hữu tác phẩm: ………………………………………………………………….

Những điều cần lưu ý:

- Cơ quan, đơn vị tổ chức trại sáng tác điêu khắc phải thực hiện đúng nội dung giấy phép và các quy định tại Nghị định số …../NĐ-CP ngày ... tháng … năm ... của Chính phủ.

- Giấy phép này có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Quá thời hạn trên mà không tổ chức trại sáng tác điêu khắc, phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép.

 

 

Nơi nhận:
- Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép;
- Lưu:

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác