199611

Văn bản hợp nhất 4618/VBHN-BTP hợp nhất Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế do Bộ Tư pháp ban hành

199611
LawNet .vn

Văn bản hợp nhất 4618/VBHN-BTP hợp nhất Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu: 4618/VBHN-BTP Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Hà Hùng Cường
Ngày ban hành: 12/06/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 27/06/2013 Số công báo: 363-364
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 4618/VBHN-BTP
Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
Người ký: Hà Hùng Cường
Ngày ban hành: 12/06/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 27/06/2013
Số công báo: 363-364
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4618/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,[1]

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Điều 2. Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế

1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chương trình khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật dài hạn, hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

c) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

d) Chủ trì thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ký ban hành;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi xin ý kiến;

g) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo kế hoạch sau khi được phê duyệt;

c) Định kỳ 6 tháng, hàng năm trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp;

d) Xây dựng báo cáo về kết quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ;

đ) Chủ trì thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

3a[2]. Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chủ trì lập chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý; hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

d) Định kỳ 6 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

5. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

6. Về công tác bồi thường của Nhà nước

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

7. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

8. Về công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; có ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

9. Về hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế

Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp mà Bộ, cơ quan ngang Bộ là đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

10. Về thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế

Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khen thưởng hoặc để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

11. Về hợp tác với nước ngoài về pháp luật

Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ

1. Giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 3 Nghị định này, trừ các nhiệm vụ quy định tại điểm d khoản 1, điểm đ khoản 2 và khoản 3.

2. Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

3. Phối hợp với tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và các đơn vị liên quan của cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu;

b) Giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

c) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Tổng cục trưởng, Cục trưởng;

d) Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng xem xét, quyết định việc đề nghị Vụ Pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Vụ Pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định;

e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu; định kỳ 6 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng gửi Vụ Pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ tổng hợp trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp;

b) Thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu theo quy định của pháp luật.

3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Chủ trì giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

3a[3]. Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Chủ trì giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, dài hạn trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo Vụ Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

5. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật;

c) Chủ trì xây dựng, báo cáo, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu trình Tổng cục trưởng, Cục trưởng gửi Vụ Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

6. Về công tác bồi thường của Nhà nước

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu theo quy định của pháp luật.

7. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Chủ trì giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

8. Về công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Tổng cục trưởng, Cục trưởng; có ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Tổng cục trưởng, Cục trưởng;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Tổng cục trưởng, Cục trưởng.

9. Về thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế

Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất với Tổng cục trưởng, Cục trưởng khen thưởng hoặc để Tổng cục trưởng, Cục trưởng đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng, Cục trưởng giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương trình Thủ trưởng cơ quan đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan;

đ) Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định việc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định;

e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương;

b) Định kỳ 6 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo trình Thủ trưởng cơ quan gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.

3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan để gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3a[4]. Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính

a) Chủ trì giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, trình Thủ trưởng cơ quan để gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương trình Thủ trưởng cơ quan và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các đơn vị thuộc cơ quan;

c) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật tại cơ quan;

d) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan định kỳ 6 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; báo cáo Sở Tư pháp về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp.

5. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật;

c) Chủ trì xây dựng báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương trình Thủ trưởng cơ quan chuyên môn gửi Sở Tư pháp.

6. Về công tác bồi thường của Nhà nước

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

7. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Chủ trì giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

8. Về công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Thủ trưởng cơ quan;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan.

9. Về thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế

Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất với Thủ trưởng cơ quan khen thưởng hoặc để Thủ trưởng cơ quan đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý và thẩm định dự thảo hợp đồng do các bộ phận khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng.

3. Chủ trì, phối hợp các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức đoàn thể của doanh nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động.

5. Chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tổng kết, đánh giá thực trạng hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.

6. Tư vấn hoặc tham mưu việc thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức, quản lý của doanh nghiệp.

7. Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ phận liên quan giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người lao động; tham gia tố tụng hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao.

Chương III

TỔ CHỨC PHÁP CHẾ VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

Điều 8. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế.

Vụ Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chịu sự quản lý, hướng dẫn kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

2. Cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng.

Tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

3. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập và cơ cấu tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách quy định mối quan hệ công tác pháp chế trong hệ thống lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Điều 9. Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phòng Pháp chế được thành lập ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau đây:

a) Sở Nội vụ;

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư;

c) Sở Tài chính;

d) Sở Công Thương;

đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Sở Giao thông vận tải;

g) Sở Xây dựng;

h) Sở Tài nguyên và Môi trường;

i) Sở Thông tin và Truyền thông;

k) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

l) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

m) Sở Khoa học và Công nghệ;

n) Sở Giáo dục và Đào tạo;

o) Sở Y tế.

2. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài các cơ quan chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn chịu sự quản lý, kiểm tra về công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Điều 10. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước

1. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.

2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang

Bộ và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

Tổ chức pháp chế các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Sở Tư pháp.

Điều 11. Người làm công tác pháp chế

Người làm công tác pháp chế bao gồm:

1. Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Điều 12. Tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế

1. Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế

a) Công chức pháp chế quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên.

Viên chức pháp chế quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên;

b) Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm trực tiếp làm công tác pháp luật;

c) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tiêu chuẩn của công chức, viên chức pháp chế quy định tại điểm a và điểm b khoản này, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ pháp chế trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

2. Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định này được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

3. Doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN[5]

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

1. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước.

2. Trong phạm vi chức năng của mình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác pháp chế;

b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác pháp chế;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch triển khai công tác pháp chế;

d) Phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác pháp chế;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế; định kỳ hàng quý tổ chức sinh hoạt pháp chế;

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra công tác pháp chế trong phạm vi ngành lĩnh vực quản lý;

g) Định kỳ hàng năm tổng kết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác pháp chế;

h) Phối hợp thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện công tác pháp chế.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

a) Xây dựng, củng cố các tổ chức pháp chế;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác pháp chế;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế;

d) Bảo đảm biên chế, kinh phí và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức pháp chế;

đ) Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo về công tác pháp chế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Trong phạm vi quản lý nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế;

d) Bảo đảm biên chế kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của tổ chức pháp chế;

đ) Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế trong phạm vi quản lý nhà nước ở địa phương.

Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý công tác pháp chế ở địa phương.

Điều 16. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước

1. Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

2. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

3. Bố trí đủ nhân viên pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

4. Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp và gửi Bộ Tư pháp.

Điều 17. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành việc kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức.

Sau năm năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2013

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

 


[1] Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.”

[2] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

[3] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

[5] Điều 5 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 quy định như sau:

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác