192643

Báo cáo 1107/QPAN12 năm 2010 về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban quốc phòng an ninh ban hành

192643
LawNet .vn

Báo cáo 1107/QPAN12 năm 2010 về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban quốc phòng an ninh ban hành

Số hiệu: 1107/QPAN12 Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Ủy ban quốc phòng an ninh Người ký: Lê Quang Bình
Ngày ban hành: 27/05/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 1107/QPAN12
Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Ủy ban quốc phòng an ninh
Người ký: Lê Quang Bình
Ngày ban hành: 27/05/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI KHÓA XII
ỦY BAN QUỐC PHÒNG
VÀ AN NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1107/QPAN12

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2010

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT([1])

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội

Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2010 và Kế hoạch số 922/KH-QPAN12 ngày 08/01/2010 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thường trực Ủy ban đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát, đối chiếu, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật giao thông đường bộ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng; đồng thời tổ chức cuộc họp mở rộng để nghe đại diện các bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải báo cáo kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trên.

Ngày 18/5/2010 Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật (có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các bộ trên) tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 9; xin báo cáo kết quả như sau:

I. TÌNH HÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Luật Công an nhân dân

Luật Công an nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Theo quy định của Luật, có 15 nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ 12 nội dung; Bộ trưởng Bộ Công an 03 nội dung).

Ngoài ra, các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 09 nội dung.

1.1. Số lượng văn bản đã ban hành

- Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ ban hành 17 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định, 01 chỉ thị.

- Bộ trưởng Bộ Công an đã phối hợp ban hành 09 thông tư liên tịch, trực tiếp ban hành 18 quyết định, 24 thông tư.

(xem phụ lục số 01)

1.2. Số nội dung chưa được ban hành

- Đối chiếu quy định tại Luật Công an nhân dân, còn 03 nội dung chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm:

+ Chính phủ 03 nội dung([2]): Quy chế phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân (khoản 2 Điều 12); chế độ tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân (khoản 1 Điều 35); chế độ, chính sách cụ thể đối với công nhân, viên chức Công an nhân dân (khoản 2 Điều 39).

+ Bộ trưởng Bộ Công an 01 nội dung: Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu mà có đủ 15 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên thì khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế của Công an nhân dân (điểm c khoản 3 Điều 38).

- Đối chiếu quy định tại Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân, còn 03 nội dung do Nghị định ủy quyền chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm: Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc tuyển chọn sĩ quan, hạ sĩ quan được đào tạo các chuyên ngành phù hợp tại các trường của Quân đội nhân dân vào Công an nhân dân (khoản 3 Điều 5); Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan hữu quan quy định cụ thể về thủ tục chọn cử học sinh, sinh viên và cán bộ Công an nhân dân đến đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngoài Công an nhân dân (khoản 2 Điều 7); Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy chế bảo vệ, giữ bí mật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, tham gia, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (Điều 15).

2. Luật giao thông đường bộ

Luật giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Theo quy định của Luật, có 52 nội dung giao Chính phủ và các bộ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ 16 nội dung; các bộ chức năng 36 nội dung).

2.1. Số lượng văn bản đã ban hành

- Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ ban hành 07 nghị định, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo giúp Chính phủ ban hành 02 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 15 nội dung Luật giao.

- Bộ Giao thông vận tải đã ban hành theo thẩm quyền 13 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 12 nội dung Luật giao (có 01 nội dung đã hướng dẫn 1/5 vấn đề); 03 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đường sắt, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có điều chỉnh 03 nội dung Luật giao.

- Bộ Công an đã ban hành theo thẩm quyền 09 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 06 nội dung Luật giao.

- Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 05 nội dung Luật giao.

(xem phụ lục số 02)

2.2. Số nội dung chưa được ban hành

Đối chiếu quy định tại Luật giao thông đường bộ, còn 12 nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm:

+ Chính phủ 01 nội dung: quy định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương (khoản 3 Điều 49).

+ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải 06 nội dung: Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ (điểm c khoản 4 Điều 44); quy chuẩn kỹ thuật bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định về tổ chức, hoạt động của trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe (khoản 5 Điều 51)([3]); tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô (khoản 2 Điều 68); hành khách có các quyền được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé (điểm c khoản 1 Điều 71); tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (khoản 3 Điều 72); dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (khoản 2 Điều 82).

+ Bộ trưởng Bộ Công an 02 nội dung: hướng dẫn lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền (điểm b khoản 4 Điều 52); việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng Công an (điểm c khoản 2 Điều 86);

+ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 01 nội dung: ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các cấp đường (điểm b khoản 3 Điều 41).

+ Bộ trưởng Bộ Y tế 01 nội dung([4]): chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe (khoản 2 Điều 60).

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính 01 nội dung: chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách (khoản 3 Điều 69).

3. Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước

Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000. Theo quy định của Pháp lệnh, có 09 nội dung giao Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành .

Ngoài ra, Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 01 nội dung.

Các nội dung Pháp lệnh giao Chính phủ, các bộ chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đến nay đã được ban hành đầy đủ. Cụ thể:

- Chính phủ đã ban hành 01 nghị định (Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 06 nội dung Pháp lệnh giao; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 46 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 nội dung Pháp lệnh giao; còn 01 nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật về tổ chức và hoạt động tình báo đã có Pháp lệnh tình báo điều chỉnh.

- Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 01 thông tư do Chính phủ ủy quyền tại Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ; 06 thông tư, 62 quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của các bộ, ngành trung ương.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành 54 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thuộc thẩm quyền.

(xem phụ lục số 03)

4. Pháp lệnh Công an xã

Pháp lệnh Công an xã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21/01/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Theo quy định của Pháp lệnh có 16 nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ 07 nội dung, Bộ trưởng Bộ Công an 09 nội dung).

Ngoài ra, Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 04 nội dung.

4.1. Số lượng văn bản đã ban hành

- Chính phủ đã ban hành 01 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 07 nội dung Pháp lệnh giao;

- Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 02 thông tư và một số văn bản áp dụng pháp luật khác quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 08 nội dung do Pháp lệnh giao và 03 nội dung do Chính phủ ủy quyền([5]) tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ.

(xem phụ lục số 04)

4.2. Số nội dung chưa được ban hành

- Đối chiếu quy định tại Pháp lệnh Công an xã, còn 01 nội dung Pháp lệnh giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định, nhưng đến nay chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành: việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã (khoản 2 Điều 21).

- Đối chiếu quy định tại Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, còn 02 nội dung do Nghị định ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công an quy định([6]), nhưng đến nay chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm: mẫu trang phục, phù hiệu của Công an xã (khoản 5 Điều 6); trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần, mức trợ cấp do Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể (điểm b khoản 7 Điều 7).

5. Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26/01/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Theo quy định của Pháp lệnh, có 06 nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ 05 nội dung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 01 nội dung).

Ngoài ra, Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có 07 nội dung ủy quyền tiếp (Thủ tướng Chính phủ 02 nội dung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 05 nội dung) ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

5.1. Số lượng văn bản đã ban hành

- Chính phủ đã ban hành 01 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 nội dung Pháp lệnh giao.

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 01 nội dung Pháp lệnh giao.

(xem phụ lục số 05)

5.2. Số nội dung chưa được ban hành

- Đối chiếu quy định tại Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, còn 03 nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm:

+ Chính phủ 02 nội dung([7]): Quy chế phối hợp hoạt động, trách nhiệm cụ thể của các lực lượng (Điều 3); Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 5 Điều 23).

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 01 nội dung([8]): Biên chế, trang bị cụ thể của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 17).

- Đối chiếu quy định tại Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, còn 07 nội dung do Nghị định ủy quyền Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, nhưng chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm:

+ Thủ tướng Chính phủ 02 nội dung: Quy chế hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 17); Chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo và chế độ phụ cấp đặc thù đi biển thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn của lực lượng Cảnh sát biển (Điều 18).

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 05 nội dung: biên chế, trang bị và nhiệm vụ cụ thể các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển (khoản 3 Điều 5); tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh pháp lý thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 8); quy trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 14); việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 16); chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 21).

6. Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26/01/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Theo quy định tại Pháp lệnh, có 17 nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ 11 nội dung, Thủ tướng Chính phủ 05 nội dung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 01 nội dung).

Ngoài ra, Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 nội dung.

6.1. Số lượng văn bản đã ban hành

- Chính phủ đã ban hành 01 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 08 nội dung Pháp lệnh giao.

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 01 nội dung Pháp lệnh giao.

(xem phụ lục số 06)

6.2. Số nội dung chưa được ban hành

- Đối chiếu quy định tại Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, còn 06 nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm:

+ Chính phủ 02 nội dung: lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng. (khoản 5 Điều 8); phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng (khoản 1 Điều 19).

+ Thủ tướng Chính phủ 03 nội dung: quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán phục vụ quốc phòng và an ninh (khoản 1 Điều 11); quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng (khoản 2 Điều 7); quyết định phê duyệt Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng (khoản 2 Điều 18).

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 01 nội dung: hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục, điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Điều 7, Điều 10).

- Đối chiếu quy định tại Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, còn 02 nội dung do Nghị định ủy quyền quy định, nhưng chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm: Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng([9]) (khoản 7 Điều 2); Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (khoản 3 Điều 8).

II. ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT

Trong điều kiện thời gian hạn hẹp và chưa được tiếp cận đầy đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhất là những văn bản có yêu cầu bảo mật; qua xem xét tình hình ban hành văn bản và tổ chức nghiên cứu các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với các luật, pháp lệnh trên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy nổi lên một số ưu điểm và một số hạn chế, yếu kém như sau:

1. Ưu điểm

Sau khi những luật, pháp lệnh trên có hiệu lực, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, các bộ tích cực nghiên cứu, soạn thảo văn bản để tham mưu cho Chính phủ ban hành, đồng thời trực tiếp soạn thảo, ban hành hoặc phối hợp các cơ quan chức năng soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền. Hầu hết các văn bản đã ban hành cơ bản phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền ban hành, thủ tục, trình tự và hình thức văn bản; nội dung văn bản quy định nhìn chung đã cụ thể hóa được những yêu cầu trong các luật, pháp lệnh; cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự phù hợp giữa hình thức văn bản với nội dung văn bản và thẩm quyền ban hành văn bản.

Thông qua hoạt động ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đã sớm đưa các quy định của luật, pháp lệnh trên đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao được hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với các lực lượng vũ trang nhân dân, lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những tiến bộ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh là đã lồng ghép nhiều nội dung cần quy định vào một văn bản để giảm số lượng văn bản phải ban hành. Điển hình là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ, Luật Công an nhân dân.

Ngoài việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung luật, pháp lệnh giao, các bộ còn tích cực nghiên cứu, chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề phát sinh, những yêu cầu đòi hỏi trong thực tiễn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành chức năng([10]).

2. Một số hạn chế, yếu kém

2.1. Về tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trên nhìn chung chưa bảo đảm được về mặt thời gian theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật([11]).

- Khoảng thời gian từ thời điểm luật, pháp lệnh được thông qua cho đến thời điểm có hiệu lực tương đối dài để cơ quan chức năng soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhưng đến nay còn nhiều nội dung (Luật Công an nhân dân còn 03 nội dung, Luật giao thông đường bộ còn 12 nội dung, Pháp lệnh Công an xã còn 01 nội dung, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn 03 nội dung, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng còn 06 nội dung) vẫn chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành([12]).

- Một số nội dung tuy đã được ban hành văn bản hướng dẫn nhưng theo quy định thì vẫn chậm so với thời điểm các luật, pháp lệnh trên có hiệu lực. Cụ thể:

+ Luật Công an nhân dân có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006; sau 15 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân; sau 22 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 về Giấy chứng minh Công an nhân dân; sau 21 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; sau 38 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

+ Luật giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009; sau 09 tháng Bộ Quốc phòng mới ban hành Thông tư số 32/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010, Thông tư số 33/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010 và Thông tư số 34/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 05 nội dung Luật giao (thay thế các quyết định ban hành trước khi Luật có hiệu lực).

+ Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2001; sau 11 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; sau 17 tháng Bộ trưởng Bộ Công an mới ban hành Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13/9/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên; sau 41 tháng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 06/9/2004 quy định về việc xác định khu vực, địa điểm cấm. Đến nay còn 02 ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa xây dựng xong danh mục bí mật nhà nước.

+ Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/07/2008; sau 15 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh; sau 13 tháng Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 109/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn một số nội dung do Pháp lệnh giao và Nghị định ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng chưa ban hành, đến nay chậm hơn 22 tháng so với thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực. Đặc biệt, có những nội dung thực tế đòi hỏi rất cấp thiết nhưng cũng chưa được ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như quy chế phối hợp hoạt động và trách nhiệm cụ thể của các lực lượng theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh.

+ Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng có hiệu lực từ ngày 01/7/2008; sau 10 tháng Chính phủ mới ban hành Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh; còn 10 nội dung giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhưng chưa ban hành, đến nay chậm hơn 22 tháng so với thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực.

- Một số nội dung luật, pháp lệnh giao Chính phủ, các bộ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, nhưng vẫn áp dụng các văn bản ban hành trước khi ban hành luật, pháp lệnh đó. Cụ thể:

+ Hướng dẫn thực hiện Luật Công an nhân dân: vẫn áp dụng Quyết định 107/2003/QĐ-TTg ngày 02/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

+ Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam: có 02 nội dung giao Chính phủ quy định nhưng đến nay, để điều chỉnh các quan hệ này vẫn phải áp dụng văn bản trước khi Pháp lệnh có hiệu lực (xem phụ lục số 05).

+ Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng: có 01 nội dung giao Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản quy định, nhưng đến nay vẫn áp dụng Quyết định số 84/2007/QĐ-BQP ngày 18/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực (xem phụ lục số 06).

- Đặc biệt, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính được Luật giao thông đường bộ giao chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung, nhưng sau khi Luật có hiệu lực đến nay hơn 10 tháng vẫn chưa ban hành văn bản nào (xem phụ lục số 02).

2.2. Về thẩm quyền ban hành, thủ tục, trình tự và hình thức văn bản quy phạm pháp luật

- Có văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ban hành chưa đúng thẩm quyền theo quy định của luật, pháp lệnh, như Quyết định số 109/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành áp dụng cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bởi vì theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, nội dung này giao Chính phủ quy định, không phải là Thủ tướng Chính phủ.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 quy định: “…Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp” (khoản 1 Điều 8) và “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể…” (khoản 2 Điều 8). Nhưng nội dung ở một số văn bản quy định chi tiết ban hành sau ngày 01/01/2009 vẫn quy định chung chung và ủy quyền tiếp cho cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành. Cụ thể:

+ Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 04 nội dung (xem mục 3 phụ lục số 04).

+ Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 nội dung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 06 nội dung (xem mục 3 phụ lục số 05).

+ Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 15/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng ủy quyền cho Bộ trưởng các bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 nội dung (xem mục 4 phụ lục số 06).

Mặc dù được Chính phủ ủy quyền tiếp, nhưng có nhiều nội dung các bộ, ngành vẫn chưa ban hành được văn bản.

2.3. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp giữa nội dung và hình thức của các văn bản quy phạm pháp luật

- Một số quy định trong một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định liên quan trong luật, pháp lệnh đó. Cụ thể:

+ Tại khoản 2 Điều 36 Luật Công an nhân dân quy định: “Bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ, vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác không có chế độ bảo hiểm y tế thì được khám bệnh, chữa bệnh và được miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế theo quy định của Chính phủ”. Nhưng Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (trong đó có việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của họ) lại không giới hạn tuổi của con dưới 18 tuổi là chưa phù hợp với quy định của Luật Công an nhân dân, dễ dẫn đến vận dụng tràn lan.

+ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, khoản 3 điều 10 quy định “Mọi trường hợp vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thông qua các đơn vị giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong” và khoản 4 Điều 10 quy định “Khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển” nhưng Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13/9/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên, tại điểm a Điều 3 lại quy định “Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước khi vận chuyển phải được đựng trong bao bì chắc chắn bằng vật liệu phù hợp; khi cần thiết phải niêm phong theo quy định; có phương tiện vận chuyển bảo đảm an toàn trong mọi tình huống; trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người bảo vệ việc vận chuyển các tài liệu, vật đó” là chưa phù hợp với quy định của Nghị định trên.

+ Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, điểm b khoản 2 Điều 3 quy định: “Mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 01 Công an viên…”, nhưng Nghị định không giải thích và cũng không quy định tiêu chí xác định đơn vị dân cư tương đương, như vậy là chưa phù hợp với quy định ở khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Công an xã “…Công an viên được bố trí tại thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc”, không quy định có đơn vị dân cư tương đương([13]).

+ Tại Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, theo quy định ở khoản 2 Điều 3 về giải thích từ ngữ và khoản 2 Điều 6 về điều kiện tham gia thì cá nhân, tổ chức khi đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; dịch vụ, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm, dự trữ, bảo quản vật tư, kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng”.

2.4. Công tác kiểm tra việc ban hành, gửi và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

- Công tác kiểm tra, đôn đốc của Chính phủ đối với các bộ, ngành trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và việc xử lý đối với những văn bản có nội dung vi phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức.

- Việc gửi văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (sau khi được ban hành) đến các cơ quan có thẩm quyền (giám sát, kiểm tra) chưa thực hiện thường xuyên theo quy định([14]).

III. NGUYÊN NHÂN CỦA HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

1.1. Nguyên nhân khách quan

- Ảnh hưởng của tình trạng chung là hệ thống pháp luật của Nhà nước ta vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng pháp luật trên các lĩnh vực rất lớn cả về số lượng văn bản và yêu cầu cụ thể hóa.

- Luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực Quốc phòng và An ninh nói chung, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng nói riêng là những văn bản pháp luật về các lĩnh vực có đặc thù, có nhiều yếu tố bí mật, nhạy cảm, mỗi quy định liên quan đến nhiều bộ ngành hoặc mang tính xã hội rộng lớn, phức tạp. Do đó, có một số nội dung rất khó, chưa thể quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ngay trong luật, pháp lệnh mà phải giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ở nhiều văn bản dưới luật.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa rõ thời hiệu sử dụng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có cùng một nội dung hướng dẫn thực hiện đã được ban hành trước khi luật, pháp lệnh có hiệu lực, dẫn đến nhận thức chưa thống nhất([15]) hoặc quy định “cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp” chưa thực tế, tính khả thi chưa cao([16]).

- Cơ chế tài chính, định mức chi kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, theo quy định hiện hành còn nhiều bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tính chất phức tạp của công tác này.

- Một số bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải biên chế của đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng khối lượng công việc thuộc lĩnh vực phụ trách([17]).

1.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo và một bộ phận cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật trong các bộ, ngành hữu quan về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất, đơn giản, đặc biệt là vấn đề ủy quyền tiếp và vấn đề áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi luật, pháp lệnh có hiệu lực. Nhiều ý kiến cho rằng việc ủy quyền tiếp là cần thiết; việc áp dụng các văn bản dưới luật ban hành trước đây có nội dung phù hợp với quy định mà luật, pháp lệnh hiện hành yêu cầu phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành là vẫn bảo đảm tính khả thi, không nhất thiết phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mới.

- Một số bộ, ngành được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo còn chưa tuân thủ triệt để các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiến độ thời gian trình văn bản, hồ sơ kèm theo (nhiều dự án luật, pháp lệnh khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thiếu dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành kèm theo).

- Một số bộ, ngành hữu quan khi tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa bảo đảm yêu cầu về thời gian, nội dung tham gia thiếu cụ thể, có nhiều ý kiến không thống nhất với nhau hoặc không trả lời cơ quan chủ trì soạn thảo, gây khó khăn trong việc tiếp thu và ảnh hưởng đến tiến độ ban hành, nhất là đối với một số văn bản quy phạm pháp luật liên ngành.

- Cá biệt có bộ, ngành khi giao cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa thực hiện nghiêm túc khoản 3 Điều 68 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc gửi văn bản cho Vụ Pháp chế của bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành thẩm định theo thẩm quyền; vẫn xảy ra tình trạng “bỏ qua” cơ quan “gác cổng” là đơn vị pháp chế (đơn vị chức năng giúp lãnh đạo bộ thực hiện việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) dẫn đến tình trạng đơn vị này không nắm được nội dung văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã ban hành, nên công tác rà soát, kiểm tra các nội dung có dấu hiệu không phù hợp luật, pháp lệnh chưa được kịp thời.

- Việc đôn đốc các bộ soạn thảo, trình các văn bản quy phạm pháp luật chưa được Chính phủ quan tâm thường xuyên và chưa có cơ chế mạnh để đẩy nhanh tiến độ thông qua các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khi được các bộ trình lên.

- Các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định, giám sát chưa thật sự chủ động trong việc xem xét, phát hiện và xử lý đối với những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có nội dung chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là vấn đề ban hành không đúng thẩm quyền, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật, quy định còn chung chung, nhắc lại nguyên văn quy định của văn bản khác hoặc có những nội dung còn ủy quyền tiếp...

- Thời gian thẩm định của Bộ Tư pháp và việc xử lý của Văn phòng Chính phủ còn chậm.

2. Một số kiến nghị

2.1. Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội

- Cần kiên quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi trình dự án luật, pháp lệnh phải thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nội dung quy định phải chi tiết, cụ thể, tránh tình trạng quy định chung chung và để lại quá nhiều vấn đề cho văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, những nội dung cần quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành phải có dự thảo văn bản kèm theo. Trường hợp dự án, dự thảo văn bản nào không bảo đảm chất lượng, có quá nhiều nội dung chung chung phải chờ hướng dẫn thì đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa thông qua. Đối với những vấn đề chưa thể quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ngay trong luật, pháp lệnh, phải để văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thì kiên quyết yêu cầu cơ quan soạn thảo đồng thời phải trình dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành kèm theo dự án luật, pháp lệnh.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích rõ vấn đề cho phép hay không cho phép áp dụng các văn bản dưới luật ban hành trước khi luật, pháp lệnh hiện hành có hiệu lực có nội dung trùng với nội dung mà luật, pháp lệnh hiện hành giao ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, các quy định về thời hiệu sử dụng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ban hành trước khi luật, pháp lệnh có hiệu lực và các quy định về vấn đề “ủy quyền tiếp”.

- Trong quá trình xem xét, thông qua luật, pháp lệnh, không nên sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “cấp có thẩm quyền” đối với những nội dung chưa rõ văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh, dẫn đến việc vận dụng tùy tiện trong thực tiễn hoặc khó xác định được cơ quan nào có thẩm quyền ban hành văn bản để hướng dẫn.

- Tăng cường công tác giám sát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, coi đây là công việc thường xuyên, quan trọng.

2.2. Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

- Sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được các luật, pháp lệnh giao mà chưa ban hành; đồng thời chỉ đạo các bộ có liên quan khẩn trương ban hành văn bản còn thiếu, kịp thời sửa đổi các quy định không phù hợp, hoàn thành từ nay đến hết Quý II năm 2011 (xem phụ lục số 07).

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các bộ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ, bảo đảm thời gian và chất lượng; kịp thời xử lý đối với những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không bảo đảm các yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là không quy định chung chung, lặp lại quy định của luật, pháp lệnh, hoặc ủy quyền tiếp cho cơ quan cấp dưới ban hành.

- Đổi mới và cải tiến tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong thẩm định, xem xét, thông qua văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, khắc phục tình trạng “phó mặc” cho cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc do dự khi một số ít ý kiến chưa thống nhất mà để văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được thông qua làm cho các quy định của pháp luật có liên quan chậm đi vào cuộc sống.

- Nâng định mức kinh phí chi cho việc xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

- Chỉ đạo nghiên cứu, nâng Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lên thành luật, đề xuất sửa đổi Luật Công an nhân dân (trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII); nên nghiên cứu xây dựng Luật về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp thay thế Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng và một số quy định trong Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên để bảo đảm tính thống nhất và hiệu lực pháp lý cao.

2.3. Kiến nghị với các bộ

- Tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo, khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được các luật, pháp lệnh hiện còn thiếu hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp (xem phụ lục số 07).

- Chỉ đạo các đơn vị, cơ quan được giao chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo văn bản giúp bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm hơn nữa việc tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật, tính khả thi của các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hiện hành, nhất là những nội dung có liên quan đến văn bản đang dự thảo dự kiến ban hành; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của văn bản đang dự thảo.

- Tăng cường trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ trong phối hợp soạn thảo, xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành liên ngành.

- Thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản đến cơ quan giám sát theo quy định của pháp luật. Đối với những văn bản có độ mật, cần có cơ chế gửi văn bản nhằm khắc phục tình trạng cơ quan giám sát không nhận được các văn bản như trong thời gian vừa qua.

- Chỉ đạo các Vụ Pháp chế đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc bộ, ngành ban hành.

- Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải quan tâm tăng cường biên chế cho lực lượng làm công tác pháp chế trực thuộc bộ và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ này hoàn thành nhiệm vụ.

Trên đây là Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật giao thông đường bộ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh./.

 

 

Nơi nhận
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c Thủ tướng Chính phủ);
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp;
- Lưu VT, Vụ QP&AN.

TM. UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
CHỦ NHIỆM




Lê Quang Bình

 

PHỤ LỤC SỐ 01

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung luật, nghị định giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung luật, nghị định giao; phần chữ in nghiêng là văn bản ban hành trước khi luật có hiệu lực, vẫn đang áp dụng, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Luật giao Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 9 nghị định)

TT

Nội dung Luật giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Số lượng, tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn cụ thể đối với công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 7)

- Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân đã quy định về tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn cụ thể đối với công dân phục vụ có thời hạn trong CAND (Điều 4, 5, 6).

- Số lượng công dân phục vụ có thời hạn trong CAND do Thủ tướng Chính phủ duyệt hàng năm trong tổng biên chế của lực lượng CAND.

 

2.

Quy chế phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 12)

- Quyết định 107/2003/QĐ-TTg ngày 02/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, trật tự ATXH trong tình hình mới.

- Nghị định số 06/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

 

3.

Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (khoản 1 Điều 18)

Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (thay thế Nghị định số 136/2003/ NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an).

 

4.

Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân do Chính phủ quy định (điểm b khoản 3 Điều 22).

- Nghị định số 42/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân.

- Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân (Điều 8)

- Nghị định số 57/2009/NĐ-CP ngày 08/7/2009 về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

 

5.

Trong trường hợp đơn vị Công an nhân dân có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khoẻ tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ cụ thể do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 28)

Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (Điều 8,9,10)

 

6.

Trang phục, Công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân do Chính phủ quy định (Điều 33)

- Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ quy định cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân

- Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 của Chính phủ về Giấy chứng minh Công an nhân dân

 

7.

Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 35)

Áp dụng Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang.

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

8.

Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn xét thăng cấp bậc hàm nhưng đã có cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm hoặc đã có cấp bậc hàm Đại tá bốn năm trở lên mà chưa được thăng cấp bậc hàm cấp tướng thì được xét nâng lương theo quy định của Chính phủ (khoản 2 Điều 35)

- Nghị định số 42/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân.

- Quyết định số 1629/2007/QĐ-BCA(X13) ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Quy định cấp bậc hàm của sĩ quan đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân

 

9.

Bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ, vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác không có chế độ bảo hiểm y tế thì được khám bệnh, chữa bệnh và được miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế theo quy định của Chính phủ (khoản 2 Điều 36)

Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (Khoản 1 Điều 2);

 

10.

Sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu được trợ cấp tạo việc làm và trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ (điểm a khoản 3 Điều 38)

Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (Điều 19)

 

11.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân khi hết thời hạn phục vụ được trợ cấp học nghề hoặc trợ cấp tạo việc làm và được hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của Chính phủ (khoản 4 Điều 38)

- Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân (Khoản 4 Điều 8).

- Nghị định số 122/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005 về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ (Điều 4, Điều 5).

 

12.

Chính phủ quy định chế độ, chính sách cụ thể đối với công nhân, viên chức Công an nhân dân (khoản 2 Điều 39)

Áp dụng Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (điểm c khoản 1 Điều 5)

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

 

2. Các nội dung Luật giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định (Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 04 quyết định)

TT

Nội dung Luật giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị thuộc tổng cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân (khoản 2 Điều 18).

- Quyết định số 104/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 07/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Quyết định số 105/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 07/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Quyết định số 106/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 07/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an huyện;

- Quyết định số 862/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 20/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an phường.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế của Bộ Công an: Bộ Công an đã có văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị thuộc tổng cục. Nhưng chưa cung cấp văn bản.

2.

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác được nghỉ những ngày lễ theo quy định của Bộ luật lao động và nghỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an (Điều 37)

Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công an có thông báo các ngày lễ được nghỉ trong năm đó.

 

3.

Sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu: Trường hợp có đủ 15 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên thì khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế của Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an (điểm c khoản 3 Điều 38)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3. Các nội dung do Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định

3.1. Các nội dung tại Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân giao (Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 03 thông tư và 01 quyết định)

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân đối với từng lực lượng, từng vùng miền và từng thời kỳ cụ thể (khoản 2 Điều 4)

Thông tư số 30/2009/TT-BCA ngày 20/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tuyển chọn vào Công an nhân dân

 

2.

Việc tuyển chọn sĩ quan, hạ sĩ quan được đào tạo các chuyên ngành phù hợp tại các trường của Quân đội nhân dân vào Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định (khoản 3 Điều 5)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan quy định cụ thể về thủ tục chọn cử học sinh, sinh viên và cán bộ Công an nhân dân đến đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngoài Công an nhân dân (khoản 2 Điều 7)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

4.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc sĩ quan Công an nhân dân được nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ (khoản 3 Điều 11)

- Thông tư số 05/2007/TT-BCA(X13) ngày 13/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân

- Thông tư số 11/2008/TT-BCA(13) ngày 06/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, công nhân, viên chức Công an nhân dân nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí

 

5.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự và thủ tục biệt phái sĩ quan Công an nhân dân đến công tác tại các cơ quan Đảng và Nhà nước (khoản 2 Điều 12)

Quyết định số 1464/2008/QĐ-BCA (X13) ngày 01/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định biệt phái sĩ quan Công an nhân dân đến công tác tại cơ quan Đảng và Nhà nước

 

6.

Điều 15

1. Nhà nước bảo vệ, giữ bí mật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, tham gia, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

2. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy chế bảo vệ, giữ bí mật đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3.2. Các nội dung tại Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân giao (Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 01 thông tư)

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đơn vị sử dụng và yêu cầu tuyển chọn của lực lượng Công an nhân dân (khoản 1 Điều 2)

Thông tư số 21/2007/TT-BCA(X13) ngày 09/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

 

2.

Tiêu chuẩn, tỷ lệ hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn được xét thi tuyển vào các Trường Công an nhân dân và chuyển sang chế độ phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định (khoản 2 Điều 8)

3.

Điều kiện và thủ tục xuất ngũ trước thời hạn do Bộ trưởng Bộ Công an quy định (khoản 4 Điều 8)

4. Một số văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này

4.1. Văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành

1.

Nghị định số 164/2005/NĐ-CP ngày 30/12/2005 về biệt phái cán bộ Công an sang các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

2.

Nghị định số 16/2006/NĐ-CP ngày 25/01/2006 quy định về khôi phục danh dự, đền bù, trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia

3.

Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10/3/2006 quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lĩnh vực Công an nhân dân

4.

Nghị định số 63/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân

5.

Nghị định số 127/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

6.

Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

7.

Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an

8.

Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 về Giấy chứng minh Công an nhân dân

9.

Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan

10.

Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông

11.

Quyết định số 151/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế áp dụng biện pháp công tác nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát nhân dân

12.

Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg ngày 10/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân

13.

Chỉ thị số 20/2006/CT-TTg ngày 15/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Công an nhân dân

4.1. Văn bản do các bộ ban hành

1.

Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

2.

Thông tư liên tịch số 15/2007/TTLT-BCA-BTC-BKH&ĐT ngày 24/9/2007 của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dân thực hiện Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10/3/2006 quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lĩnh vực Công an nhân dân

3.

Thông tư liên tịch số 2478/2007/TTLT-TTCP-BNV-BTC-BCA ngày 22/11/2007 của Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra đối với Thanh tra viên Công an nhân dân

4.

Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTB&XH-BTC-BNV ngày 15/01/2008 của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân

5.

Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BCA-BKHCN-BTC ngày 14/11/2008 của Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an

6.

Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BQP-BCA-BLĐTB&XH ngày 12/01/2009 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân

7.

Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BCA- BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 09/4/2009 của Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an

8.

Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BCA-BTC ngày 14/4/2009 của Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

9.

Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BCA-BYT ngày 03/11/2009 của Bộ Công an, Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe để tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

10.

Quyết định số 963/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 17/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc sửa đổi tuổi bổ nhiệm lần đầu quy định tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng Công an nhân dân ban hành theo Quyết định số 1303/2004/QĐ-BCA(X13) ngày 11/11/2004 (hết hiệu lực, Thông tư số 28/2008/TT-BCA bãi bỏ)

11.

Quyết định số 1008/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 05/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Bản danh mục số 1 các chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân viên của lực lượng Công an nhân dân

12.

Quyết định số 1561/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 12/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Công an phụ trách xã về an ninh trật tự

13.

Quyết định số 1562/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 13/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh

14.

Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA(X18) ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

15.

Quyết định số 1358/2007/QĐ-BCA(X13) ngày 02/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy công an các cấp trong lực lượng Công an nhân dân

16.

Quyết định số 1402/2007/QĐ-BCA(X13) ngày 14/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định về bố trí, sử dụng và quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

17.

Quyết định số 1425/2007/QĐ-BCA(X13) ngày 16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật tương ứng với bậc, ngạch lương

18.

Quyết định số 1629/2007/QĐ-BCA(X13) ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Quy định cấp bậc hàm của sĩ quan đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân

19.

Quyết định số 70/2008/QĐ-BCA(X13) ngày 21/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Quy định phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an nhân dân

20.

Quyết định số 215/2008/QĐ-BCA(X13) ngày 03/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức danh cấp Phó của chức danh sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng Công an nhân dân

21.

Quyết định số 994/2008/QĐ-BCA(X13) ngày 30/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Đội (Tổ) kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp huyện

22.

Quyết định số 1448/2008/QĐ-BCA(X13) ngày 28/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí trong Công an nhân dân

23.

Thông tư số 02/2006/TT-BCA ngày 08/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình lập hồ sơ, cấp thẻ BHYT cho thân nhân sĩ quan nghiệp vụ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân

24.

Thông tư số 13/2006/TT-BCA(X13) ngày 01/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 164/2005/NĐ-CP ngày 30/12/2005 về biệt phái cán bộ công an sang các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

25.

Thông tư số 02/2007/TT-BCA(X13) ngày 03/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện phụ cấp chức vụ đối với cấp Đội trong lực lượng Công an nhân dân (khoản 1 mục II đã được điều chỉnh theo CV số 2778/BCA-X11 ngày 24/11/2009)

26.

Thông tư số 10/2007/TT-BCA(X13) ngày 02/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ thăng cấp, nâng bậc lương hàng năm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân

27.

Thông tư số 24/2007/TT-BCA(X13) ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an bổ sung một số quy định của Thông tư số 05/2007/TT-BCA(X13) ngày 13/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân

28.

Thông tư số 04/2008/TT-BCA(H11) ngày 17/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ thanh toán tiền khám, chữa bệnh trong lực lượng Công an nhân dân

29.

Thông tư số 09/2008/TT-BCA ngày 11/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

30.

Thông tư số 13/2008/TT-BCA ngày 29/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 về Giấy chứng minh Công an nhân dân

31.

Thông tư số 14/2008/TT-BCA ngày 01/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề trong Công an nhân dân

32.

Thông tư số 15/2008/TT-BCA ngày 01/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trình tự giải quyết chế độ hưu trí đối với cán bộ Công an nhân dân

33.

Thông tư số 17/2008/TT-BCA(X13) ngày 19/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội trong Công an nhân dân

34.

Thông tư số 21/2008/TT-BCA ngày 01/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Công hướng dẫn bổ sung một số điểm trong chế độ thăng cấp, nâng bậc lương hàng năm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân

35.

Thông tư số 27/2008/TT-BCA ngày 30/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân

36.

Thông tư số 28/2008/TT-BCA ngày 30/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân

37.

Thông tư số 30/2008/TT-BCA(X11) ngày 03/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân

38.

Thông tư số 31/2008/TT-BCA(X11) ngày 03/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc và cán bộ khoa học - kỹ thuật trong Công an nhân dân

39.

Thông tư số 35/2008/TT-BCA ngày 09/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Công an nhân dân

40.

Thông tư số 11/2009/TT-BCA ngày 25/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục đơn vị, bộ phận trọng yếu, cơ mật trong lực lượng Công an nhân dân

41.

Thông tư số 26/2009/TT-BCA ngày 04/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn việc chuyển xếp lương, xác định thời hạn thăng cấp, nâng bậc lương tiếp theo đối với các trường hợp chuyển loại cán bộ trong Công an nhân dân

42.

Thông tư số 34/2009/TT-BCA ngày 05/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định yêu cầu chất lượng trang phục Công an nhân dân

 

PHỤ LỤC SỐ 02

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung luật giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung luật giao; phần chữ in nghiêng là văn bản ban hành trước khi luật có hiệu lực, vẫn đang áp dụng, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Luật giao Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 08 nghị định)

TT

Nội dung Luật giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (Điều 22)

Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

 

2.

Chính phủ quy định cụ thể việc đặt tên, số hiệu đường bộ (khoản 3 Điều 40)

Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

 

3.

Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất phù hợp với loại đô thị (khoản 2 Điều 42)

4.

Chính phủ quy định cụ thể phạm vi đất dành cho đường bộ, việc sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ (khoản 5 Điều 43)

5.

Khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác phải có hệ thống đường gom được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm khoảng cách với quốc lộ theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 44)

6.

Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (điểm đ khoản 4 Điều 52)

7.

Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương (khoản 3 Điều 49)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

8.

Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ (điểm c khoản 1 Điều 53)

Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 1/10/2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải tham gia giao thông Việt Nam.

 

9.

Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới (khoản 4 Điều 53)

Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người

 

10.

Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (khoản 3 Điều 66)

Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

 

11.

Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ (điểm b khoản 1 Điều 67)

12.

Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (khoản 4 Điều 67)

13.

Chính phủ quy định giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa (khoản 3 Điều 73)

14.

Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (khoản 3 Điều 78)

Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 9/11/2009 của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ.

 

15.

Chính phủ quy định cụ thể về vận tải đa phương thức (khoản 2 Điều 81)

Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 06/10/2009 của Chính phủ quy định về vận tải đa phương thức.

 

16.

Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết (khoản 3 Điều 87)

Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

 

2. Các nội dung Luật giao các Bộ trưởng quy định (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 12 thông tư, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 09 thông tư)

TT

Nội dung Luật giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ (khoản 8 Điều 10)

22 TCVN 237-01

Tiêu chuẩn Việt Nam

Tiêu chuẩn có liên quan (còn hiệu lực)

2.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ (khoản 2 Điều 12)

Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

 

3.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ (khoản 3 Điều 20)

Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện GTĐB khi tham gia giao thông trên đường bộ.

 

4.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường (khoản 3 Điều 28)

 

 

5.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường (điểm a khoản 3 Điều 41)

TCVN 4054 năm 2005

Tiêu chuẩn có liên quan (còn hiệu lực)

6.

Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (điểm c khoản 4 Điều 44)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

7.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc quản lý, bảo trì đường bộ (khoản 4 Điều 48)

Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ

 

8.

Việc xây dựng đoạn đường giao nhau cùng mức giữa đường bộ với đường sắt phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; có thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Điều 50)

Điều lệ đường ngang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BGTVT ngày 30/3/2006 hướng dẫn Luật đường sắt

Tiêu chuẩn có liên quan (còn hiệu lực)

9.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quy chuẩn kỹ thuật bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định về tổ chức, hoạt động của trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe (khoản 5 Điều 51)

Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT ngày 09/02/2010 quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm thu phí sử dụng đường bộ

Còn 4/5 vấn đề chưa ban hành văn bản theo quy định.

10.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (khoản 5 Điều 53)

- Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Thông tư số 22/2009/TT-BGTVT ngày 06/10/2009 quy định về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

11.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới… (khoản 6 Điều 55)

Thông tư số 11/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 quy định điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

12.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cấp, thu hồi đăng ký, biển số; quy định danh mục xe máy chuyên dùng phải kiểm định và tổ chức việc kiểm định (khoản 6 Điều 57)

- Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng.

- Thông tư số 24/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 quy định về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ.

 

13.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo; quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe (khoản 10 Điều 61)

Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

 

 

14.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô (khoản 2 Điều 68)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

15.

Hành khách có các quyền được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (điểm c khoản 1 Điều 71)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

16.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (khoản 3 Điều 72)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

17.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (khoản 4 Điều 76)

Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện GTĐB khi tham gia giao thông trên đường bộ.

 

18.

1. Việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải theo đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thực hiện khoản 1 Điều này (Điều 80)

Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23/6/2009 hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô ba hánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

 

19.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (khoản 2 Điều 82)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

20.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ (khoản 3 Điều 86)

Thông tư số 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ.

 

21.

Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 38)

Thông tư số 58/2009/TT-BCA (C11) ngày 28/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ.

 

22.

Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền (điểm b khoản 4 Điều 52)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

23.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới (khoản 2 Điều 54)

- Thông tư số 06/2009/TT-BCA(C11) ngày 11/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

- Thông tư số 31/2009/TT-BCA(C11) ngày 25/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký phương tiện và quy trình cấp, đăng ký, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

 

24.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của công an sử dụng vào mục đích an ninh (khoản 6 Điều 55)

Thông tư số 16/2009/TT-BCA(C11) ngày 31/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân.

 

25.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số và kiểm định xe máy chuyên dùng của công an sử dụng vào mục đích an ninh (khoản 6 Điều 57)

- Thông tư số 12/2009/TT-BCA(C11) ngày 31/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân.

- Thông tư số 16/2009/TT-BCA(C11) ngày 31/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân.

 

26.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng công an làm nhiệm vụ an ninh (khoản 10 Điều 61)

Thông tư số 15/2009/TT-BCA(C11) ngày 31/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân.

 

27.

Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng công an do Bộ trưởng Bộ Công an quy định (điểm c khoản 2 Điều 86)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

28.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ (khoản 2 Điều 87)

- Thông tư số 27/2009/TT-BCA(C11) ngày 25/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ.

- Thông tư số 60/2009/TT-BCA(C11) ngày 29/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ’.

 

29.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng (khoản 2 Điều 54)

Thông tư số 33/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về đăng ký và quản lý xe cơ giới của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng (thay thế Quyết định số 82/2004/QĐ-BQP ngày 14/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy định đăng ký và quản lý xe cơ giới của Quân đội phục vụ nhiệm vụ quân sự)

 

30.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng (khoản 6 Điều 55)

Thông tư số 34/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và môi trường ô tô quân sự (thay thế Quyết định số 70/2004/QĐ-BQP ngày 21/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc kiểm định an toàn kỹ thuật, dán tem kiểm định và cấp giấy phép lưu hành cho xe máy quân sự)

 

31.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và tổ chức việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số và kiểm định xe máy chuyên dùng của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng (khoản 6 Điều 57)

 

 

32.

Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định (điểm c khoản 2 Điều 86)

 

 

33.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng (khoản 10 Điều 61)

Thông tư số 32/2010/TT-BQP ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về đào tạo, sát hạch lái xe quân sự, cấp, đổi giấy phép lái xe quân sự (thay thế Quyết định số 33/2004/QĐ-BQP ngày 24/3/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy định về tổ chức, quản lý đào tạo lái xe quân sự và quản lý cấp, đổi giấy phép lái xe quân sự)

 

34.

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các cấp đường (điểm b khoản 3 Điều 41)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

35.

Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe (khoản 2 Điều 60)

Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 04/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

36.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách (khoản 3 Điều 69)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3. Một số văn bản đã được Chính phủ và các bộ chức năng ban hành hướng dẫn những nội dung cần thiết của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông đường bộ

1. Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

2. Thông tư số 09/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 quy định về bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

3. Thông tư số 61/2009/TT-BCA(C11) ngày 6/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định dẫn đường các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ 03

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung pháp lệnh, nghị định giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung pháp lệnh, nghị định giao.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Pháp lệnh giao cho Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 01 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 46 quyết định)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật Nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ (Điều 3)

Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 18, 19, 20, 21)

 

2

Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián do Chính phủ quy định (khoản 3 Điều 5)

Thực hiện theo pháp luật về tổ chức và hoạt động tình báo.

 

3

Khu vực, địa điểm cấm; tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật (khoản 6 Điều 5)

- Quyết định 160/2004/QD-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm.

- Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật (xem mục 4)

 

4

Tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật (khoản 8 Điều 6)

Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật (xem mục 4)

 

5

Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ (khoản 2 điều 12)

Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.

 

6

Bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ (khoản 4 điều 12 )

7

Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ (khoản 6 điều 12)

8

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của Chính phủ (Điều 13)

9

Chính phủ quy định việc bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác (Điều 14)

 

 

2. Các nội dung do Nghị định 33/2002 ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

1

Quy định mẫu con dấu các độ mật (khoản 4 Điều 7)

Thông tư 12/2002/TT-BCA ngày 13/9/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.

 

3. Một số văn bản của các bộ, ngành ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước

1. Quyết định số 23/2005/QĐ-BGTVT ngày 30/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

2. Quyết định số 33/2008/QĐ-BCT ngày 29/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban ngành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Công thương. (Thay thế Quyết định số 26/2005/QĐ-BCN, ngày 1/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Công nghiệp và Quyết định 0161/2005/QĐ-BTM, ngày 1/2/2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Thương mại)

3. Quyết định số 995/2008/QĐ-BKH ngày 5/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, đầu tư ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Kế hoạch, đầu tư.

4. Quyết định số 196/2003/QĐ-BTC ngày 2/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Tài chính.

5. Quyết định số 316/2004/QĐ-NHNN ngày 31/3/2004 của Thống đốc ngân hành nhà nước ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng. (Bổ sung quyết định 1078/2003/QĐ-NHNN).

6. Quyết định số 1078/2003/QĐ-NH ngày 17/9/2003 của Thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng

7. Quyết định số 1028/2009/QĐ-BNV ngày 6/7/2009 của Bộ trưởng Bộ nội vụ ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong Bộ Nội vụ.

8. Quyết định số 06/2006/QĐ-BLDTBXH của ngày 5/12/2006 Bộ trưởng Bộ lao động thương binh xã hội ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong Bộ lao động thương binh - xã hội

9. Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 6/9/2005 của Tổng thanh tra ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra.

10. Quyết định số 14/2005/QĐ-BYT ngày 12/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Y tế.

11. Quyết định số 39/2004/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2004 của Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Khoa học và công nghệ.

12. Quyết định số 40/2006/QĐ-BBCVT của Bộ trưởng Bộ bưu chính viễn thông ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Bưu chính viễn thông.

13. Quyết định số 19/2005/QĐ-BXD ngày 29/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Xây dựng.

14. Quyết định số 53/2004/QĐ-BNNPTNT ngày 21/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

15. Quyết định số 02/2005/QĐ-VPCP ngày 17/1/2005 của Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Cơ yếu.

4. Danh mục các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật

1.

Quyết định số 124/2009/QĐ-TTg ngày 19/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của ngành Tài chính. (thay thế Quyết định số 237/2003/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Tài chính.)

2.

Quyết định số 128/2009/QĐ-TTg ngày 27/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (thay thế các Quyết định số 110/2003/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của ngành Thủy sản; số 22/2004/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.)

3.

Quyết định số 182/2006/QĐ-TTg ngày 9/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ tối mật trong ngành Bưu chính, viễn thông và Công nghệ thông tin.

4.

Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 7/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ Tối mật trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

5.

Quyết định số 64/2004/QĐ-TTg ngày 19/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ

6.

Quyết định số 91/2004/QĐ-TTg ngày 24/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ Tối mật của ngành Lao động, thương binh và xã hội.

7.

Quyết định số 210/2005/QĐ-TTg ngày 25/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ Tối mật của Bộ nội vụ.

8.

Quyết định số 77/2009/QĐ-TTg ngày 13/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của ngành Ngoại giao.

9.

Quyết định số 41/2003/QĐ-TTg ngày 26/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi Quốc phòng.

10.

Quyết định số 18/2004/QĐ-TTg ngày 12/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

11.

Quyết định số 212/2003/QĐ-TTg ngày 21/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.

12.

Quyết định số 203/2004/QĐ-TTg ngày 7/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong lĩnh vực Văn hóa, thông tin.

13.

Quyết định số 27/2005/QĐ-TTg ngày 31/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành Xây dựng.

14.

Quyết định số 168/2004/QĐ-TTg ngày 22/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Y tế.

15.

Quyết định số 220/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

16.

Quyết định số 130/2008/QĐ-TTg ngày 25/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Dân vận TW.

17.

Quyết định số 56/2004/QĐ-TTg ngày 6/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Khoa giáo TW.

18.

Quyết định số 202/2004/QĐ-TTg ngày 6/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Kinh tế TW.

19.

Quyết định số 71/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Nội chính TW.

20.

Quyết định số 306/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

21.

Quyết định số 128/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Tài chính Quản trị TW.

22.

Quyết định số 45/2004/QĐ-TTg ngày 7/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Tổ chức Trung ương.

23.

Quyết định số 662/2004/QĐ-TTg ngày 15/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Ban Tôn giáo Chính phủ.

24.

Quyết định số 167/2004/QĐ-TTg ngày 22/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

25.

Quyết định số 89/2004/QĐ-TTg ngày 21/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Cơ yếu.

26.

Quyết định số 123/2004/QĐ-TTg ngày 7/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

27.

Quyết định số 193/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Đài tiếng nói Việt Nam.

28.

Quyết định số 71/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Kiểm toán nhà nước.

29.

Quyết định số 83/2005/QĐ-TTg ngày 19/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

30.

Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg, ngày 20/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Ngân hàng.

31.

Quyết định số 156/2004/QĐ-TTg, ngày 25/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật.

32.

Quyết định số 154/2004/QĐ-TTg ngày 19/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

33.

Quyết định số 21/2004/QĐ-TTg ngày 25/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật của Thông tấn xã Việt Nam.

34.

Quyết định số 01/2004/QĐ-TTg ngày 5/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Tòa án nhân dân.

35.

Quyết định số 18/2004/QĐ-TTg ngày 15/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan, tổ chức liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

36.

Quyết định số 90/2009/QĐ-TTg, ngày 2/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Trung ương Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng.

37.

Quyết định số 170/2004/QĐ-TTg, ngày 27/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng.

38.

Quyết định số 211/2005/QĐ-TTg, ngày 25/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của Văn phòng Chủ tịch nước.

39.

Quyết định số 88/2004/QĐ-TTg ngày 21/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Kiểm sát.

40.

Quyết định số 21/2006/QĐ-TTg ngày 23/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

41.

Quyết định số 143/2006/QĐ-TTg, ngày 19/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

42.

Quyết định số số 106/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Công thương. (thay thế các Quyết định: số 31/2005/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật trong ngành Công nghiệp, số 160/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Thương mại, số 392/TTg ngày 02 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Dầu khí)

43.

Quyết định số 168/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

44.

Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong lực lượng Công an nhân dân (thay thế Quyết định số 200/2003/QĐ-TTg, ngày 29/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về độ tối mật và tuyệt mật trong ngành công an nhân dân

45.

Quyết định số 73/2009/QĐ-TTg ngày 4/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ban Tuyên giáo Trung ương

5. Danh mục các quyết định của các bộ về danh mục tài liệu thuộc độ Mật

5.1. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

1

Quyết định số 160/2005/QĐ-BCA, ngày 23/2/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Giáo dục - Đào tạo.

2

Quyết định số 1485/2004/QĐ-BCA, ngày 20/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Giao thông vận tải.

3

Quyết định số 409/2004/QĐ-BCA, ngày 5/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ

4

Quyết định số 410/2004/QĐ-BCA, ngày 5/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Lao động – Thương binh và xã hội.

5

Quyết định số 1255/2005/QĐ-BCA, ngày 8/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Nội vụ.

6

Quyết định số 985/2003/QĐ-BCA ngày 11/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Ngoại giao.

7

Quyết định số 168/2004/QĐ-BCA, ngày 24/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

8

Quyết định số 940/2003/QĐ-BCA, ngày 28/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Tài chính.

9

Quyết định số 919/2003/QĐ-BCA ngày 21/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực Tài nguyên và môi trường.

10

Quyết định số 1485/2004/QĐ-BCA ngày 20/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Giao thông vận tải.

11

Quyết định số 1262/2004/QĐ-BCA, ngày 8/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực Văn hóa thông tin.

12

Quyết định số 981/2004/QĐ-BCA, ngày 28/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Y tế.

13

Quyết định số 191/2004/QĐ-BCA, ngày 5/3/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của báo Nhân dân.

14

Quyết định số 109/2005/QĐ-BCA, ngày 1/2/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Bảo hiểm xã hội.

15

Quyết định số 1657/2006/QĐ-BCA, ngày 9/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

16

Quyết định số 918/2003/QĐ-BCA, ngày 21/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Đối ngoại Trung ương.

17

Quyết định số 917/2003/QĐ-BCA, ngày 21/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Cán sự Đảng nước ngoài.

18

Quyết định số 1856/2008/QĐ-BCA(A11) ngày 5/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Dân vận Trung ương và hệ thống công tác dân vận của Đảng.

19

Quyết định số 411/2004/QĐ-BCA, ngày 5/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Khoa giáo Trung ương.

20

Quyết định số 1306/2004/QĐ-BCA, ngày 12/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ban Kinh tế Trung ương.

21

Quyết định số 290/2003/QĐ-BCA, ngày 7/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Nội chính Trung ương.

22

Quyết định số 1811/2005/QĐ-BCA, ngày 8/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

23

Quyết định số 617/2004/QĐ-BCA ngày 1/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Tài chính quản trị Trung ương

24

Quyết định số 31/2004/QĐ-BCA, ngày 8/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Tổ chức Trung ương.

25

Quyết định số 493/2004/QĐ-BCA, ngày 1/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Tôn giáo Chính phủ.

26

Quyết định số 1039/2004/QĐ-BCA, ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

27

Quyết định số 482/2004/QĐ-BCA, ngày 27/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành cơ yếu.

28

Quyết định số 1857/2008/QĐ-BCA ngày 5/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

29

Quyết định số 1307/2004/QĐ-BCA, ngày 12/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Đài tiếng nói Việt Nam.

30

Quyết định số 485/2004/QĐ-BCA ngày 28/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật Đài truyền hình Việt Nam.

31

Quyết định số 1261/2004/QĐ-BCA, ngày 8/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

32

Quyết định số 52/2004/QĐ-BCA, ngày 15/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

33

Quyết định số 1305/2004/QĐ-BCA, ngày 12/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Hội Nông dân Việt Nam.

34

Quyết định số 269/2006/QĐ-BCA, ngày 17/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Kiểm toán Nhà nước

35

Quyết định số 479/2005/QĐ-BCA, ngày 25/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

36

Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA, ngày 11/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Ngân hàng.

37

Quyết định số 749/2004/QĐ-BCA, ngày 6/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật

38

Quyết định số 486/2004/QĐ-BCA, ngày 28/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

39

Quyết định số 322/2004/QĐ-BCA, ngày 7/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Tạp chí cộng sản.

40

Quyết định số 1205/2005/QĐ-BCA ngày 1/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Du lịch.

41

Quyết định số 660/2006/QĐ-BCA ngày 1/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

42

Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA ngày 25/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thanh tra

43

Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA, ngày 8/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Tòa án.

44

Quyết định số 1279/2004/QĐ-BCA ngày 10/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan, tổ chức liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

45

Thông tư số 48/2009/TT-BCA(A11) ngày 28/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Trung ương Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng.

46

Quyết định số 637/2003/QĐ-BCA ngày 12/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

47

Quyết định số 214/2006/QĐ-BCA ngày 24/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

48

Quyết định số 329/2006/QĐ-BCA, ngày 11/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân tộc

49

Quyết định số 1040/2004/QĐ-BCA, ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng

50

Quyết định số 146/2004/QĐ-BCA, ngày 10/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thể dục thể thao.

51

Quyết định số 1245/2005/QĐ-BCA, ngày 8/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Văn phòng Chủ tịch nước.

52

Quyết định số 481/2004/QĐ-BCA, ngày 27/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Kiểm sát.

53

Quyết định số 144/2006/QĐ-BCA, ngày 24/2/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

54

Quyết định số 801/2006/QĐ-BCA, ngày 28/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Viện khoa học xã hội Việt Nam.

55

Thông tư 73/2009/TT-BCA(A11) ngày 24/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thay thế Quyết định số 174/2004/QĐ-BCA(A11), ngày 26 tháng 02 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về Danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 418/2003/QĐ-BCA(A11), ngày 03 tháng 7 năm 2003 của Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thuỷ sản.)

56

Quyết định số 2039/2008/QĐ-BCA(A11) ngày 3/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Cồn an về Danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Xây dựng. (thay thế Quyết định số 1486/2004/QĐ-BCA, ngày 20/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành Xây dựng)

57

Thông tư số 68/2009/TT-BCA ngày 30/11/2009 của Bộ trưởng Bộ công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh do Bộ Công an

58

Quyết định số 650/2007/QĐ-BCA(A11) ngày 13/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Kế hoạch và Đầu tư

59

Quyết định số 1534/2008/QĐ-BCA ngày 18/9/2008 của Bộ trưởng Bộ công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Công thương (thay thế Quyết định số 584/2003/QĐ-BCA ngày 25 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về Danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành Thương mại; Quyết định số 1487/2004/QĐ-BCA(A11) ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về Danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của ngành Công nghiệp)

60

Quyết định số 1858/2008/QĐ-BCA(A11) ngày 5/11/2008 của Bộ trưởng Bộ công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Thông tấn xã Việt Nam (thay thế Quyết định số 82/2004/QĐ-BCA, ngày 2/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của Thông tấn xã Việt Nam)

61

Thông tư số 39/2009/TT-BCA (A11) ngày 18/6/2009của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Ban Tuyên giáo Trung ương.

62

Thông tư số 67/2009/TT-BCA(A11) ngày 30/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của Bộ Tài chính.

63

Thông tư số 11/2010/TT-BCA ngày 25/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lực lượng Công an nhân dân

2.2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

1

Quyết định số 48/2003/QĐ-BQP ngày 8/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật nhà nước độ Mật thuộc phạm vi Quốc phòng

2

Quyết định 144/2004/QĐ-BQPngày 30/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định các khu vực cấm bay trong vùng trời Việt Nam

3

Quyết định số 1602/2000/QĐ-BQP ngày 4/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về ban hành Quy chế Bảo vệ tài liệu mật

4

Chỉ thị số 725/2001/CT-BQP ngày 24/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước trong Quân đội

5

Quyết định số 119/2002/QĐ-BQP ngày 9/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường quản lý tài liệu tác chiến

6

Quyết định số 06/2003/QĐ-BQP ngày 17/1/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành quy chế sử dụng Internet trong quân đội

7

Quyết định số 46/2004/QĐ-BQP ngày 13/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tổng cục kỹ thuật

8

Quyết định số 75/2004/QĐ-BQP ngày 1/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tổng cục II

9

Quyết định số 81/2004/QĐ-BQP ngày 14/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

10

Quyết định số 98/2004/QĐ-BQP ngày 14/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tổng cục Hậu cần

11

Quyết định số 103/2004/QĐ-BQP ngày 28/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tài chính

12

Quyết định số 105/2004/QĐ-BQP ngày 2/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục Kế hoạch, đầu tư

13

Quyết định số 106/2004/QĐ-BQP ngày 2/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục Kinh tế

14

Quyết định số 119/2004/QĐ-BQP ngày 7/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu

15

Quyết định số 143/2004/QĐ-BQP ngày 22/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục khoa học công nghệ và môi trường

16

Quyết định số 145/2004/QĐ-BQP ngày 2/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục đối ngoại

17

Quyết định số 149/2004/QĐ-BQP ngày 10/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tổng cục Chính trị

18

Quyết định số 17/2005/QĐ-BQP ngày 26/1/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục điều tra hình sự

19

Quyết định số 29/2005/QĐ-BQP ngày 10/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Trung tâm khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự

20

Quyết định số 57/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng Công binh

21

Quyết định số 59/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng Pháo binh

22

Quyết định số 60/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng đặc công

23

Quyết định số 61/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng hóa học

24

Quyết định số 62/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng Tăng thiết giáp

25

Quyết định số 63/2005/QĐ-BQP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc

26

Quyết định số 80/2005/QĐ-BQP ngày 15/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc các quân đoàn

27

Quyết định số 81/2005/QĐ-BQP ngày 15/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc các quân khu

28

Quyết định số 141/2005/QĐ-BQP ngày 28/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Quân chủng Hải quân

29

Quyết định số 142/2005/QĐ-BQP ngày 28/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không Không quân

30

Quyết định số 143/2005/QĐ-BQP ngày 28/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Bộ đội biên phòng

31

Quyết định số 160/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh đoàn 12

32

Quyết định số 161/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Binh đoàn 16

33

Quyết định số 162/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

34

Quyết định số 163/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Thanh tra Bộ Quốc phòng

35

Quyết định số 164/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Viên kiểm sát quân sự Trung ương

36

Quyết định số 165/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Tòa án quân sự Trung ương

37

Quyết định số 166/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Cục thi hành án

38

Quyết định số 167/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

39

Quyết định số 168/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Bệnh viện Quân đội 175

40

Quyết định số 169/2005/QĐ-BQP ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Viện y học cổ truyền Quân đội

41

Quyết định số 192/2005/QĐ-BQP ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện quốc phòng

42

Quyết định số 195/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Chính trị Quân sự

43

Quyết định số 196/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Lục quân

44

Quyết định số 197/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Hậu cần

45

Quyết định số 198/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Quân y

46

Quyết định số 199/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự

47

Quyết định số 200/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Trường sỹ quan lục quân I

48

Quyết định số 201/2005/QĐ-BQP ngày 09/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Trường sỹ quan lục quân II

49

Quyết định số 215/2005/QĐ-BQP ngày 31/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Viện chiến lược quân sự

50

Quyết định số 216/2005/QĐ-BQP ngày 31/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Viện lịch sử quân sự Việt Nam

51

Quyết định số 217/2005/QĐ-BQP ngày 31/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Công ty xuất nhập khẩu Vạn Xuân

52

Quyết định số 218/2005/QĐ-BQP ngày 31/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Trung tâm thông tin khoa học – Công nghệ và môi trường

53

Quyết định số 24/2006/QĐ-BQP ngày 20/1//2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga

54

Quyết định số 165/2006/QĐ-BQP ngày 28/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về danh mục bí mật quốc phòng thuộc Học viện Chính trị Quân sự

 

PHỤ LỤC SỐ 04

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung pháp lệnh, nghị định giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung pháp lệnh, nghị định giao; phần chữ in nghiêng là văn bản ban hành trước khi pháp lệnh có hiệu lực, vẫn đang áp dụng, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Pháp lệnh giao Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 01 nghị định)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe theo quy định của Chính phủ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì được xem xét, tuyển chọn vào Công an xã. (khoản 1 Điều 5)

Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã (đã quy định đầy đủ các nội dung do Pháp lệnh giao Chính phủ quy định)

 

2

Chính phủ quy định khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên (khoản 2 Điều 10)

3

Chính phủ quy định cụ thể về chi ngân sách bảo đảm hoạt động của Công an xã. (khoản 3 Điều 14)

4

Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được trang bị, sử dụng trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã theo quy định của Chính phủ (Điều 16)

5

Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã phải được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Chính phủ. (khoản 1 Điều 17)

6

Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng. Chính phủ quy định khung mức phụ cấp đối với Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ và thực tế ở địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phụ cấp cụ thể. (khoản 2 Điều 18)

7

Điều 19. Chế độ chính sách đối với Công an xã

1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần.

3. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần.

4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ công tác phí.

5. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng chế độ theo quy định.

6. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Phó trưởng Công an xã, Công an viên trong thời gian công tác nếu ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và được xem xét hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương.

Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

2. Những nội dung Pháp lệnh giao cho Bộ trưởng Bộ công an quy định (Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 02 thông tư)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

 

(01)

(02)

(03)

(04)

 

1

Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 5 Điều 9)

Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

 

2

Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 6 Điều 9)

Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

 

3

Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an. (khoản 8 Điều 9)

4

Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. (khoản 11 Điều 9)

5

Vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị của Công an xã phải được đăng ký, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 2 Điều 15)

6

Hàng năm, Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. (khoản 2 Điều 17)

Thông tư số 32/2009/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ công an quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với công an xã

 

7

Trách nhiệm của Bộ Công an:

… Quy định cụ thể và chỉ đạo thực hiện việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã. (khoản 2 Điều 21)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

8

Quy định chương trình, nội dung, thời gian và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho Công an xã. (khoản 3 Điều 21)

Thông tư số 32/2009/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ công an quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với công an xã.

 

9

… quy định số lượng, chủng loại và hướng dẫn quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị cho Công an xã (khoản 4 Điều 21)

Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

 

 

 

 

 

 

 

3. Các nội dung tại Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định (Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 02 thông tư)

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thời gian, chương trình, nội dung đào tạo Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã. (khoản 2 Điều 5)

Thông tư số 32/2009/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ công an quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với công an xã

 

2

Việc tuyển chọn người tham gia Công an xã phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Công an (khoản 2 Điều 4)

Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

Mẫu trang phục, phù hiệu của Công an xã chưa được quy định chi tiết.

3

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết mẫu trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã; quy định việc cấp, đổi, thu hồi và xử lý vi phạm đối với trường hợp làm mất Giấy chứng nhận Công an xã. (khoản 5 Điều 6)

4

Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần, mức trợ cấp do Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể (điểm b khoản 7 Điều 7)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

 

 

 

 

 

4. Một số văn bản đã được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực Công an xã

1

Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04/5/2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện

2

Thông tư số 06/2007/BCA - C11 ngày 1/7/2007 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú.

 

PHỤ LỤC SỐ 05

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung pháp lệnh, nghị định giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung pháp lệnh, nghị định giao; phần chữ in nghiêng là văn bản ban hành trước khi pháp lệnh có hiệu lực, vẫn đang áp dụng, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Pháp lệnh giao Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 01 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 quyết định)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Quy chế phối hợp hoạt động, trách nhiệm cụ thể của các lực lượng do Chính phủ quy định (Điều 3)

Hiện vẫn áp dụng Nghị định số 41/2001/NĐ-CP ngày 24/7/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCNVN

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

2.

Tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Chính phủ quy định (Điều 17).

Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

3.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có cờ hiệu, phù hiệu và trang phục riêng do Chính phủ quy định (Điều 21)

Quyết định số 109/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của QĐND Việt Nam.

 

4.

Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 5 Điều 23)

Hiện vẫn áp dụng Nghị định số 41/2001/NĐ-CP ngày 24/7/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCNVN

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

5.

Chính phủ quy định cụ thể chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 25)

Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Quy định chung, ủy quyền tiếp cho Thủ tướng quy định chi tiết

2. Các nội dung Pháp lệnh giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1.

Biên chế, trang bị cụ thể của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định (Điều 17)

Hiện vẫn áp dụng theo Nghị định số 53/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3. Các nội dung tại Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giao

3.1. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều này (khoản 3 Điều 17).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định..

2

Chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo và chế độ phụ cấp đặc thù đi biển thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn của lực lượng Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ quy định (Điều 18).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3.2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định biên chế, trang bị và nhiệm vụ cụ thể các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển (khoản 3 Điều 5).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

2

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh pháp lý thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 8).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 14).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

4

Trong khi thực hiện nhiệm vụ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định (Điều 16).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

5

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 21).

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

 

PHỤ LỤC SỐ 06

ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Ghi chú: Cột số 02, 03 và 04 trong các bảng phụ lục dưới đây giải thích như sau:

- Cột số 02: Nội dung pháp lệnh, nghị định giao, yêu cầu cấp có thẩm quyền ban hành ban hành VBQPPL.

- Cột số 03: Văn bản đã được ban hành theo nội dung pháp lệnh, nghị định giao; phần chữ in nghiêng là văn bản ban hành trước khi pháp lệnh có hiệu lực, vẫn đang áp dụng, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

- Cột số 04: Văn bản chưa được ban hành theo quy định.

1. Các nội dung Pháp lệnh giao cho Chính phủ quy định (Chính phủ đã ban hành 01 nghị định)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Về xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng. (điểm d khoản 1 Điều 5)

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

 

2

Về lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng. (khoản 2 Điều 7)

3

Về hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. (khoản 4 Điều 8)

4

Về Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh. (khoản 2 Điều 10)

5

Về nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng. (Điều 18)

6

Về nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng. (Điều 20)

7

Về chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. (điểm b khoản 1 Điều 21)

8

Về chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. (Điều 23 )

9

Về việc quy định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng. (khoản 5 Điều 8 )

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

10

Về việc phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. (khoản 1 Điều 13)

Đã có Quyết định số 166/2006/ QĐ-TTg ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020

 

11

Quyết định phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng (khoản 1 Điều 19)

 

Chưa ban hành văn bản.

2. Các nội dung Pháp lệnh giao Thủ tướng Chính phủ quy định (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 quyết định)

TT

Nội dung Pháp lệnh giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. (khoản 3 Điều 10)

Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

 

2

Quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán phục vụ quốc phòng và an ninh. (khoản 1 Điều 11)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

3

Quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng. (khoản 2 Điều 7)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

4

Quyết định phê duyệt Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng. (khoản 2 Điều 18)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

5

Quyết định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công nghiệp quốc phòng. (Điều 14)

Đã có Quyết định số 166/2006/QĐ-TTg ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020

 

3. Các nội dung Pháp lệnh giao các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định

TT

(01)

Nội dung Pháp lệnh giao

(02)

Văn bản ban hành

(03)

Ghi chú

(04)

1

Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục, điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. (Điều 7, Điều 10)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

4. Các nội dung do Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ quy định

TT

Nội dung Nghị định giao

Văn bản ban hành

Ghi chú

(01)

(02)

(03)

(04)

1

Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng (khoản 7 Điều 2)

Áp dụng Quyết định số 84/2007/QĐ-BQP ngày 18/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

2

Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. (khoản 3 Điều 8)

 

Chưa ban hành văn bản theo quy định.

 

PHỤ LỤC SỐ 07

NHỮNG NỘI DUNG KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG CÁC BỘ CHỨC NĂNG BAN HÀNH MỚI, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT

1. Chính phủ

1.1. Ban hành mới

TT

Luật, Pháp lệnh

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật Công an nhân dân

(1) Quy chế phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân (khoản 2 Điều 12)

(2) Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân (khoản 1 Điều 35)

(3) Chế độ, chính sách cụ thể đối với công nhân, viên chức Công an nhân dân (khoản 2 Điều 39)

Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Luật có hiệu lực

2.

Luật giao thông đường bộ

Quy định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương (khoản 3 Điều 49)

 

3.

Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

(1) Quy chế phối hợp hoạt động, trách nhiệm cụ thể của các lực lượng (Điều 3)

(2) Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 5 Điều 23)

Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực

4.

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

(1) Lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng. (khoản 5 Điều 8)

(2) Phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng (khoản 1 Điều 19)

 

1.2. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

TT

Tên văn bản cần sửa đổi, bổ sung

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Căn cứ

1.

Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (không giới hạn tuổi của con dưới 18 tuổi)

Tại khoản 2 Điều 36 Luật Công an nhân dân: “Bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ, vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác không có chế độ bảo hiểm y tế thì được khám bệnh, chữa bệnh và được miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế theo quy định của Chính phủ”.

2.

Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

Điểm b khoản 2 Điều 3 quy định: “Mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 01 Công an viên…

Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Công an xã “…Công an viên được bố trí tại thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc”, không quy định có đơn vị dân cư tương đương

2. Thủ tướng Chính phủ

2.1. Ban hành mới

TT

Pháp lệnh, Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

(1) Quy chế hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 17)

(2) Chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo và chế độ phụ cấp đặc thù đi biển thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn của lực lượng Cảnh sát biển (Điều 18)

 

2.

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

(1) Quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán phục vụ quốc phòng và an ninh (khoản 1 Điều 11)

(2) Quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng (khoản 2 Điều 7)

(3) Quyết định phê duyệt Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng (khoản 2 Điều 18)

 

2.2. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

TT

Tên văn bản cần sửa đổi, bổ sung

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Căn cứ

1.

Quyết định số 111/2009/QĐ-TTg ngày 01/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

Khoản 2 Điều 3 về giải thích từ ngữ và khoản 2 Điều 6 về điều kiện tham gia thì cá nhân, tổ chức khi đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; dịch vụ, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm, dự trữ, bảo quản vật tư, kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.

Khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng quy định: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng”.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

TT

Luật, Pháp lệnh, Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

Biên chế, trang bị cụ thể của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 17)

Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực

2.

Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

(1) Biên chế, trang bị và nhiệm vụ cụ thể các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển (khoản 3 Điều 5)

(2) Tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh pháp lý thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 8)

(3) Quy trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 14)

(4) Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 16)

(5) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2 Điều 21)

 

3.

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

Hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục, điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng (Điều 7, Điều 10)

 

4.

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

(1) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng (khoản 7 Điều 2)

(2) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (khoản 3 Điều 8)

(1) Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực

4. Bộ trưởng Bộ Công an

4.1. Ban hành mới

TT

Luật, Pháp lệnh, Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật Công an nhân dân

Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu mà có đủ 15 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên thì khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở y tế của Công an nhân dân (điểm c khoản 3 Điều 38)

 

2.

Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân

(1) Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc tuyển chọn sĩ quan, hạ sĩ quan được đào tạo các chuyên ngành phù hợp tại các trường của Quân đội nhân dân vào Công an nhân dân (khoản 3 Điều 5)

(2) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan hữu quan quy định cụ thể về thủ tục chọn cử học sinh, sinh viên và cán bộ Công an nhân dân đến đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngoài Công an nhân dân (khoản 2 Điều 7)

(3) Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy chế bảo vệ, giữ bí mật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, tham gia, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (Điều 15)

 

3.

Luật giao thông đường bộ

(1) Hướng dẫn lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền (điểm b khoản 4 Điều 52)

(2) Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng Công an (điểm c khoản 2 Điều 86);

 

4.

Pháp lệnh Công an xã

Việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã. (khoản 2 Điều 21)

 

5.

Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã

(1) Mẫu trang phục, phù hiệu của Công an xã (khoản 5 Điều 6)

(2) Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần, mức trợ cấp do Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể (điểm b khoản 7 Điều 7)

 

4.2. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

TT

Tên văn bản cần sửa đổi, bổ sung

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Căn cứ

1.

Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13 tháng 9 năm 2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước

Điểm a Điều 3: “Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước khi vận chuyển phải được đựng trong bao bì chắc chắn bằng vật liệu phù hợp; khi cần thiết phải niêm phong theo quy định; có phương tiện vận chuyển bảo đảm an toàn trong mọi tình huống; trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người bảo vệ việc vận chuyển các tài liệu, vật đó”.

Khoản 3 điều 10 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP quy định: “Mọi trường hợp vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thông qua các đơn vị giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong” và khoản 4 Điều 10 quy định “Khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

TT

Luật

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật giao thông đường bộ

(1) Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ (điểm c khoản 4 Điều 44)

 

(2) Quy chuẩn kỹ thuật bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định về tổ chức, hoạt động của trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe (khoản 5 Điều 51)

(2) Còn 4/5 vấn đề chưa được ban hành văn bản quy định

(3) Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô (khoản 2 Điều 68)

 

(4) Hành khách có các quyền được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé (điểm c khoản 1 Điều 71)

 

(5) Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (khoản 3 Điều 72)

 

(6) Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (khoản 2 Điều 82)

 

6. Bộ trưởng Bộ Y tế

TT

Luật

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật giao thông đường bộ

Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe (khoản 2 Điều 60)

Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Luật có hiệu lực

7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

TT

Luật

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật giao thông đường bộ

Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các cấp đường (điểm b khoản 3 Điều 41)

 

8. Bộ trưởng Bộ Tài chính

TT

Luật, Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Luật giao thông đường bộ

Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách (khoản 3 Điều 69).

 

2.

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

(1) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng (khoản 7 Điều 2)

(1) Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực

(2) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (khoản 3 Điều 8).

 

9. Bộ trưởng Bộ Công thương

TT

Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

(1) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng (khoản 7 Điều 2)

(1) Đang áp dụng văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực

(2) Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (khoản 3 Điều 8).

 

10. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

TT

Nghị định

Nội dung ban hành mới

Ghi chú

1.

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng

Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (khoản 3 Điều 8)

 

 


([1]) Văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật giao thông đường bộ, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.

([2]) Các nội dung này vẫn đang được điều chỉnh bởi văn bản ban hành trước khi các luật trên có hiệu lực.

([3]) Còn 4/5 vấn đề chưa được ban hành văn bản quy định

([4]) Nội dung này vẫn đang được điều chỉnh bởi các văn bản ban hành trước khi các luật trên có hiệu lực.

([5]) Trong đó, có 01 nội dung còn 2 vấn đề chưa được quy định chi tiết.

([6]) Trong đó, có 01 nội dung còn 2 vấn đề chưa được quy định chi tiết.

([7]) Các nội dung này vẫn đang được điều chỉnh bởi các văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực.

([8]) Nội dung này vẫn đang được điều chỉnh bởi văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực.

([9]) Nội dung này vẫn áp dụng theo văn bản ban hành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực.

([10]) Xem mục 4 phụ lục số 01, mục 3 phụ lục số 02, mục 3 phụ lục số 03, mục 4 phụ lục số 04.

([11]) Khoản 1 Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi năm 2002 quy định: “Luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác phải được quy định cụ thể để khi các văn bản đó có hiệu lực thì được thi hành ngay”; khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể… và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm”.

([12]) Xem chi tiết tại các tiểu mục 1.2, 2.2, 4.2, 5.2, 6.2 của mục I.

([13]) Đây là một trong các vấn đề được nhận xét tại Báo cáo số 1813/BC-UBPL12 ngày 22/12/2009 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 giám sát việc ban hành văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, VKSNDTC.

([14]) Khoản 1 Điều 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra”.

([15]) Khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể… và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm”

([16]) Chẳng hạn những vấn đề thuộc về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp công tác mang tính chi tiết, kỹ thuật của các ngành thì Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ không phù hợp.

([17]) Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng có 09 biên chế, Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải có 13 biên chế. Trong khi đó, Vụ Pháp chế Bộ Công an có hơn 60 biên chế.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác