Quyết định 946/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” do tỉnh Kiên Giang ban hành
Quyết định 946/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” do tỉnh Kiên Giang ban hành
Số hiệu: | 946/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kiên Giang | Người ký: | Lê Quốc Anh |
Ngày ban hành: | 08/04/2022 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 946/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký: | Lê Quốc Anh |
Ngày ban hành: | 08/04/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 946/QĐ-UBND |
Kiên Giang, ngày 08 tháng 4 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Chương trình số 09-CTr/TU ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Tổ nghiên cứu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 2275/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”;
Căn cứ Thông báo số 467-TB/TU ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Tỉnh ủy về Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 187/TTr-STNMT ngày 18 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, XỬ LÝ RÁC THẢI, NƯỚC THẢI Ở CÁC ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ
GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
(Kèm theo Quyết định số 946/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 4 năm
2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
PHẦN MỞ ĐẦU
I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ môi trường được tăng cường; các ngành và địa phương ngoài thực hiện đúng quy định về phân cấp quản lý còn có sự phối hợp khá tốt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được chú trọng về chất lượng và đã dần trở thành công cụ quản lý hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từng bước được nâng lên; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư các công trình xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, xử lý; tình trạng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 74,5% (trong đó khu vực đô thị đạt 91,27%); chất thải y tế được thu gom xử lý đúng quy định 100%1.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước những thách thức cần được tập trung giải quyết. Các sức ép từ quá trình phát triển kinh tế xã hội với quy mô và nhịp độ tăng trưởng kinh tế xã hội cao dẫn đến các nguồn khí thải, nước thải và chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động phát triển dân số đô thị và nông thôn; công nghiệp; giao thông vận tải; nông - lâm ngư nghiệp; y tế và dịch vụ, du lịch, thương mại gây tác động đến môi trường tự nhiên. Thêm vào đó là sự xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới như sức ép từ tác động của biến đổi khí hậu; sức ép do dịch bệnh phát sinh ở người và vật nuôi (dịch COVID 19, dịch tả heo Châu Phi...). Hiện trạng công tác quản lý chất thải rắn là mối quan tâm hiện nay.
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp (35%); vẫn còn tồn tại các bãi chôn lấp rác trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi nguồn kinh phí để đầu tư xử lý triệt để còn thiếu; số lượng các nhà máy xử lý rác hoạt động còn rất ít, chưa có nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, phần lớn các khu dân cư tập trung hiện nay chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một phần nước thải sinh hoạt được xử lý qua hầm tự hoại, còn lại phần lớn lượng nước thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch và cống thoát nước chung gây ô nhiễm môi trường. Ước tính lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 71.632 m3/ngày và khu dân cư nông thôn phát sinh khoảng 61.746 m3/ngày.
Trong thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng và được xác định là một trong ba trụ cột trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của nước ta. Ngày 25 tháng 6 năm 1998, lần đầu tiên Đảng ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó có nội dung “Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên”. Tiếp theo, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát trong công tác bảo vệ môi trường. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện và ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và định hướng phát triển giai đoạn tới của Đảng đã thể hiện định hướng chủ yếu về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới là tiếp tục quán triệt quan điểm: “Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, tiếp tục thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TƯ đã nêu: “Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%, tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tải sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%”. Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, một lần nữa khẳng định: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Trước các sức ép môi trường thực tiễn đặt ra, thực hiện định hướng phát triển giai đoạn tới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, việc xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” là rất cần thiết.
- Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
- Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”,
- Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Chương trình số 09-CTr/TU ngày 15/4/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;
- Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
- Luật Quy hoạch năm 2020;
- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
- Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Luật Xây dựng của Quốc hội khóa 13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
- Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
- Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Xây dựng do Văn phòng Quốc hội ban hành, ngày 04 tháng 7 năm 2019 Văn phòng Quốc hội ban hành về hợp nhất Luật Xây dựng từ Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14;
- Quyết định số 2066/2010/QĐ-TTg ngày 12/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thoát nước vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
- Quyết định số 589/2016/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
- Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Bộ Xây dựng về thoát nước và xử lý thải;
- Quyết định số 988/2017/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025;
- Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Quyết định số 2892/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày 16/12/2020 phê duyệt Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
III. YÊU CẦU, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với nguồn lực của địa phương.
- Tạo bước chuyển biến trong quản lý và xử lý rác thải, nước thải phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải, nước thải hiện nay.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các quy định về quản lý, xử lý quản lý rác thải, nước thải và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, đề xuất lộ trình và giải pháp xử lý rác thải phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%.
IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
Đối tượng của đề án là công tác quản lý, xử lý rác thải, nước thải phát sinh từ các đô thị, khu dân cư tập trung (khái niệm rác thải, nước thải trong đề án này được hiểu là rác thải sinh hoạt và nước thải sinh hoạt).
Phạm vi thời gian khảo sát đánh giá từ năm 2015 đến năm 2020; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Phạm vi không gian của đề án là 14 đô thị gồm: thành phố Rạch Giá (đô thị loại 2); thành phố Phú Quốc (đô thị loại 2); thành phố Hà Tiên (đô thị loại 3); thị trấn Kiên Lương (đô thị loại 4) và 10 đô thị loại 5 bao gồm: thị trấn Hòn Đất, Sóc Sơn, Tân Hiệp, Minh Lương, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, Thứ 3, Thứ 11, Hòn Tre. Tổng dân số đô thị là 488.774 người và tổng dân số nông thôn là 1.234.921 người, với 117 khu dân cư tập trung2 . Đến năm 2025, dự kiến sẽ có thêm 9 đô thị hình thành theo Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 28/04/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2025, cụ thể gồm: Đô thị Đầm Chít, Đô thị Thứ Bảy, Đô thị U Minh Thượng, Đô thị Tắc Cậu, Đô thị Thổ Chu, Đô thị Thuận Hưng, Đô thị An Sơn (Nam Du cũ).
TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ, XỬ LÝ RÁC THẢI, NƯỚC THẢI Ở CÁC ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HIỆN NAY
I. TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ, XỬ LÝ RÁC THẢI, NƯỚC THẢI Ở CÁC ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ
1. Tổng quan về quản lý, rác thải ở các đô thị, khu dân cư
a) Tình hình phát sinh rác thải
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020, ước tính khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị, nông thôn năm 2019 như bảng dưới đây:
Bảng 1. Khối lượng rác thải sinh hoạt dân cư tỉnh Kiên Giang năm 2019
Stt |
Huyện/thành phố |
Khối lượng rác thải sinh hoạt dân cư (tấn/ngày) |
||
Đô thị |
Nông thôn |
Tổng |
||
1 |
Thành phố Rạch Giá |
211,7 |
11,0 |
222,7 |
2 |
Thành phố Phú Quốc |
75,9 |
48,0 |
123,9 |
3 |
Thành phố Hà Tiên |
35,5 |
6,0 |
41,5 |
4 |
Huyện Kiên Lương |
27,6 |
33,0 |
60,6 |
5 |
Huyện Hòn Đất |
23,4 |
88,0 |
111,4 |
6 |
Huyện Giang Thành |
- |
20,0 |
20,0 |
7 |
Huyện Tân Hiệp |
14,0 |
74,0 |
88,0 |
8 |
Huyện Châu Thành |
17,5 |
94,0 |
111,5 |
9 |
Huyện Giồng Riềng |
16,4 |
140,0 |
156,4 |
10 |
Huyện Gò Quao |
8,2 |
84,0 |
92,2 |
11 |
Huyện An Biên |
9,3 |
71,0 |
80,3 |
12 |
Huyện An Minh |
5,8 |
75,0 |
80,8 |
13 |
Huyện Vĩnh Thuận |
10,5 |
48,0 |
58,5 |
14 |
Huyện U Minh Thượng |
- |
31,4 |
31,4 |
15 |
Huyện Kiên Hải |
- |
12,0 |
12,0 |
|
Tổng cộng: |
455,8 |
835,4 |
1.291,2 |
(Nguồn: Trung tâm CESAT tính toán, tháng 12/2020)
Trong những năm gần đây, vấn đề quản lý chất thải rắn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại tỉnh Kiên Giang nói riêng luôn được Đảng bộ và Chính quyền các cấp, các ban ngành và mọi tầng lớp Nhân dân quan tâm. Thực tế có thể thấy rằng: cùng với phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội, thì chất thải rắn cũng phát sinh và gia tăng nhanh và phức tạp hơn (đa dạng hơn về thành phần và tăng nhanh hơn về khối lượng); thành phần chất thải rắn/rác thải đô thị (chất thải rắn thương mại, chất thải rắn xây dựng (xà bần), chất thải rắn công nghiệp...) trong những năm gần đây diễn biến gia tăng nhanh về khối lượng và tăng tỷ trọng trong thành thành phần chất thải rắn.
Nguồn phát sinh Chất thải rắn/rác thải đô thị và các khu dân cư tập trung có thể phân thành 6 nguồn chính, bao gồm:
(1) Rác thải từ các hộ dân cư: phát sinh từ các hộ gia đình, thành phần rác thải bao gồm:
- Thực phẩm dư thừa; rác vườn, tro...
- Giấy, các tông, plastic, gỗ, thủy tinh, bao bì nylon, cao su vỏ xe,... đồ gia dụng phế thải các loại, các kim loại phế thải khác, phế thải xây dựng mới và sửa chữa công trình (xà bần)...
(2) Rác thải từ đường, phố: phát sinh từ hoạt động vệ sinh đường phố, các khu công cộng, các công trình công ích, vui chơi giải trí. Nguồn rác này do cư dân hàng ngày lưu thông trên đường, làm việc và sinh hoạt, khai thác các công trình công cộng, các công trình công ích, các hộ dân sống dọc hai bên đường xả ra đường phố, thành phần rác thải chính bao gồm:
- Thức ăn nhanh, cành cây và lá cây, xác động vật chết...
- Giấy vụn, bao bì nylon, chai lọ nhựa tổng hợp...
(3) Rác thải từ các khu thương mại: phát sinh từ các hoạt động buôn bán của những cửa hàng buôn bán bách hóa, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, văn phòng giao dịch, cửa hàng sửa chữa... Các chất thải từ các khu thương mại rất đa dạng bao gồm:
- Lương thực, thực phẩm, thức ăn nhanh ...
- Giấy, các tông, plastic, gỗ, thủy tinh, bao bì nylon, cao su vỏ xe...đồ văn phòng phế thải các loại, các kim loại phế thải khác, phế thải xây dựng mới và sửa chữa công trình (xà bần)...
* Nguồn rác sinh hoạt từ các cửa hàng hớt tóc, làm đầu, làm đẹp, rửa xe, cửa hàng phục vụ ăn uống còn có thành phần khó phân hủy như tóc, râu, dầu thải ... và các hóa chất được sử dụng khó phân hủy và có độc tố... thường ít được chú ý.
(4) Rác thải từ cơ quan, công sở: Phát sinh từ các cơ quan, xí nghiệp, trường học, văn phòng làm việc.
Thành phần rác thải tương tự như khu thương mại.
(5) Rác thải từ chợ: Phát sinh từ các hoạt động mua bán từ các chợ. Thành phần chủ yếu bao gồm: Rau, củ, quả thừa và hư hỏng, lông gia cầm, phế phẩm từ sơ chế thực phẩm, thực phẩm ăn nhanh tại chợ... Thành phần thứ yếu: bao bì ny lon, các loại bao bì khác...
(6) Rác thải từ các công trình xây dựng: Phát sinh từ các hoạt động xây dựng và tháo gỡ và xây dựng các công trình xây dựng, công trình giao thông.
Các loại chất thải chủ yếu bao gồm: xà bần (gỗ, thép, bê tông, gạch, thạch cao, cát đá ...) và hóa chất xây dựng (sơn, màu pha sơn, các hoạt chất tẩy rửa...)
Nguồn rác thải do hoạt động xây dựng là hoạt động phổ biến thường xuyên trong cộng đồng, phát sinh thường xuyên trong đời sống cộng đồng. Theo khoản 8 điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước”. Quy định sẽ sớm được soạn thảo và ban hành khi các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường được ban hành.
Theo số liệu thống kê thu gom chất thải rắn toàn tỉnh, thành phần rác chủ yếu là rác hữu cơ, với độ ẩm cao, có thể phân loại chung chất thải rắn tại tỉnh Kiên Giang như sau:
Bảng 2: Các loại thành phần trong rác thải
THÀNH PHẦN RÁC SINH HOẠT |
||
STT |
Thành phần |
Tỷ lệ % |
1 |
Rác hữu cơ |
70-80 |
2 |
Plastic |
10-15 |
3 |
Giấy, bao bì |
7-10 |
4 |
Các loại khác |
3-5 |
100 |
Bảng 3: Tỷ lệ các nguồn phát sinh rác đô thị
CÁC NGUỒN PHÁT SINH RÁC |
||
STT |
Nguồn phát sinh |
Tỷ lệ % |
1 |
Hộ dân |
57,9 |
2 |
Đường phố |
14,3 |
3 |
Công sở |
2,80 |
4 |
Chợ |
13,0 |
5 |
Thương nghiệp |
12,0 |
|
100 |
(Nguồn: theo Báo cáo Thuyết minh quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025)
b) Quản lý rác thải
* Cơ chế, chính sách
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý tổng hợp chất thải rắn nói chung, quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, nhiều cơ chế, chính sách, văn bản ở trung ương đã được hoàn thiện và ban hành. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn3.
Theo Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 56 trạm trung chuyển chất thải rắn (10 trạm đô thị và 46 trạm nông thôn), 07 khu xử lý CTR liên huyện (phụ lục I); 07 bãi chôn lấp khu vực đô thị; 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn và 10 lò đốt xã đảo. Nội dung chính của quy hoạch đã đưa ra được các dự báo về khối lượng phát sinh, xác định phương thức và phân vùng thu gom, vận chuyển, xác định được vị trí, số lượng và quy mô công suất xử lý của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa tập trung vào các vấn đề liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, phương án thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý đáp ứng yêu cầu sau khi rác thải đã được phân loại.
* Tổ chức bộ máy quản lý và phân công trách nhiệm
Theo quy định tại khoản 6 Điều 78 và khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; hình thức và mức phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 2 năm 2019 trong đó giao Bộ TNMT là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Tiếp theo, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cũng có nội dung quy định Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về chất thải rắn.
Ở cấp huyện, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do UBND huyện, thành phố thực hiện quản lý chung. Tùy thực tế địa phương, UBND huyện, thành phố giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt cho Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Công Thương hay BQL công trình công cộng.
c) Công tác phân loại và phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý
Về phân loại rác thải tại nguồn, trên địa bàn tỉnh việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ được triển khai thông qua các mô hình thí điểm, chưa áp dụng nhân rộng chương trình phân loại rác thải tại nguồn.
Về cơ sở vật chất, theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 46 xe chuyên dụng do đơn vị thực hiện công tác thu gom cấp huyện quản lý; gần 950 xe cải tiến, đẩy tay để thu gom rác thải đến điểm tập trung. Tuy nhiên, số lượng xe vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu phương tiện, thời gian thu gom chưa phù hợp dẫn đến tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư (chi tiết hiện trạng phương tiện đính kèm tại phụ lục II).
Về công tác thu gom, tần suất và tỷ lệ thu gom rác thải phụ thuộc vào các yếu tố vị trí, thành phần và khối lượng chất thải, nguồn nhân lực và chính sách quản lý chất thải đặc thù của từng khu vực. Ở khu vực đô thị tần suất thu gom rác sinh hoạt thông thường là 1 ngày/lần. Một trong những vấn đề bức xúc các đô thị hiện nay trong công tác thu gom rác thải là thiếu các điểm tập kết và trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị. Ở khu vực nông thôn, hầu hết các tuyến thu gom ở xã vùng sâu chỉ tổ chức thu gom với tần suất từ 2-3 ngày/lần hoặc 4-5 ngày/lần. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt thường bố trí ở đầu xóm, trên trục đường giao thông chính của xã, không che chắn kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Về phương thức thu gom, rác thường được thu gom thủ công bằng xe đẩy tay hoặc các phương tiện vận chuyển có tải trọng nhỏ tại các vị trí công cộng, trên vỉa hè, đường phố, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình... Sau đó tập trung tại điểm tập kết và chuyển đến nhà máy xử lý bằng phương tiện vận chuyển có tải trọng lớn.
Về xử lý rác thải, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 01 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang vận hành chính thức, với công suất xử lý 200 tấn/ngày, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Rạch Giá và một số huyện lân cận; khu xử lý rác thải thành phố Hà Tiên, huyện Châu Thành, Vĩnh Thuận đang hoạt động; nâng tỷ lệ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 44 %; 03 khu xử lý tại huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Kiên Lương đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục.
Về triển khai thực hiện quy hoạch, việc triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh còn chậm tiến độ và chưa đạt mục tiêu. Do chậm triển khai thực hiện quy hoạch nên một số địa phương phát sinh những bãi rác tạm thời gây ô nhiễm môi trường như: các xã đảo huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương (Quy hoạch là đầu tư lò đốt). Do chậm tiến độ đầu tư 07 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh và vùng huyện nên công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương phải tổ chức thực hiện trong tình trạng rất bị động. Hiện tại, còn rất nhiều địa phương đang thu gom, vận chuyển đến các bãi rác lộ thiên, không đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh có 46 bãi rác (trong đó, có 33 bãi rác lộ thiên đang hoạt động với quy mô khác nhau và 13 bãi rác đã được Quy hoạch nhưng chưa hoạt động) (hiện trạng các bãi rác lộ thiên được trình bày tại phụ lục III). Hiện có 02 huyện đã được giao kinh phí đầu tư lò đốt rác (Châu Thành, Vĩnh Thuận) và đang hoạt động (đặt tại vị trí bãi rác hiện hữu của huyện) để xử lý tạm thời lượng rác phát sinh trong thời gian chờ các nhà máy xử lý rác quy hoạch theo vùng đi vào hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 1/7 cơ sở xử lý CTR vùng tỉnh và vùng huyện đã đưa vào hoạt động (Nhà máy xử lý rác thải thành phố Rạch Giá), 03 cơ sở đang tiến hành đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ (Giồng Riềng, Giang Thành, Kiên Lương), 01 cơ sở đã thu hồi chủ trương đầu tư (Phú Quốc) và hiện dự án đang được cải tạo để hoạt động trở lại, 01 cơ sở đang trong quá trình làm hồ sơ thủ tục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Phú Quốc). Còn 1 cơ sở (U Minh Thượng) chưa có nhà đầu tư.
Toàn tỉnh không có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh vận hành theo quy hoạch (trừ thành phố Hà Tiên được Chính phủ Úc tài trợ thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh nhưng vận hành chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật). Đến nay, các bãi rác chưa được chuyển đổi công năng thành trạm trung chuyển, chưa hình thành trạm trung chuyển chất thải theo quy hoạch.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các nội dung trong Quy hoạch chưa được triển khai thực hiện, ngoại trừ có 3 bãi rác được bố trí mới tại các vị trí theo quy hoạch, gồm: Tân Hiệp, An Minh, Giang Thành.
Đối với các xã đảo, theo quy hoạch sẽ bố trí lò đốt tại các xã đảo, bao gồm: Tiên Hải (Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương); xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du (2 điểm) (Kiên Hải); xã Thổ Châu và xã Hòn Thơm (Phú Quốc). Hiện nay, đã có 4/9 (do giảm 01 xã - Hòn Thơm) lò đốt gồm: Tiên Hải, Lại Sơn, Nam Du, Sơn Hải, Hòn Nghệ...
2. Tổng quan về tình hình quản lý, xử lý nước thải ở các đô thị, khu dân cư
a) Tình hình phát sinh nước thải sinh hoạt
Trong năm 2019, ước tính lưu lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 48.260 m3/ngày và nông thôn là khoảng 55.572 m3/ngày. Hiện nay các khu đô thị và khu dân cư nông thôn vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và phi tập trung. Một phần nước thải sinh hoạt (nước từ bồn cầu, âu tiểu) được xử lý bằng hầm tự hoại, phần lớn lượng nước thải còn lại của người dân được thải trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch và cống thoát nước chung, gây ô nhiễm môi trường.
Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020, ước tính lưu lượng nước thải sinh hoạt dân cư phát sinh bình quân trong ngày như trong bảng dưới đây:
Bảng 2.1. Ước tính lưu lượng nước thải sinh hoạt dân cư năm 2019
Stt |
Huyện/ thành phố |
Lưu lượng nước thải (m3/ngày) |
||
Đô thị |
Nông thôn |
Tổng |
||
1 |
TP. Rạch Giá (117,5 và 50 l/người/ngày) |
22.370,6 |
728,6 |
23.099,2 |
2 |
TP. Phú Quốc (117,5 và 50 l/người/ngày) |
8.081,5 |
3.140,9 |
11.222,4 |
3 |
TP Hà Tiên (117,5 và 50 l/người/ngày) |
4.227,4 |
383,7 |
4.611,1 |
4 |
H. Kiên Lương (110 và 50 l/người/ngày) |
3.041,4 |
2.195,0 |
5.236,4 |
5 |
H. Hòn Đất (90 và 50 l/người/ngày) |
2.308,5 |
5.751,1 |
8.059,6 |
6 |
H. Giang Thành (50 l/người/ngày) |
- |
1.315,0 |
1.315,0 |
7 |
H. Tân Hiệp (90 và 50 l/người/ngày) |
1.457,4 |
4.837,1 |
6.294,4 |
8 |
H. Châu Thành (90 và 50 l/người/ngày) |
1.831,5 |
6.166,1 |
7.997,6 |
9 |
H. Giồng Riềng (90 và 50 l/người/ngày) |
1.610,8 |
9.216,4 |
10.827,2 |
10 |
H. Gò Quao (90 và 50 l/người/ngày) |
810,3 |
5.513,8 |
6.324,0 |
11 |
H. An Biên (90 và 50 l/người/ngày) |
964,5 |
4.649,9 |
5.614,4 |
12 |
H. An Minh (90 và 50 l/người/ngày) |
545,0 |
4.905,5 |
5.450,6 |
13 |
H. Vĩnh Thuận (90 và 50 l/người/ngày) |
1.011,3 |
3.123,2 |
4.134,5 |
14 |
H. U Minh Thượng (50 l/người/ngày) |
- |
2.854,2 |
2.854,2 |
15 |
H. Kiên Hải (50 l/người/ngày) (*) |
- |
791,6 |
791,6 |
|
Tổng cộng: |
48.260,2 |
55.571,9 |
103.832,0 |
(Nguồn: Trung tâm CESAT tính toán, tháng 12/2020 )(*); Chưa tính đô thị Hòn Tre)
Hiên tại, các đô thị và khu dân cư nông thôn đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong khi tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 74,70% nên nguy cơ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt dân cư là rất cao4
b) Quản lý, xử lý nước thải
* Cơ chế, chính sách
Nhiều cơ chế, chính sách, văn bản ở trung ương đã được ban hành, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung để phù hợp khi áp dụng trong thực tế. Nhằm góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, ngày 27 tháng 4 năm 2020, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BXD Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải; hợp nhất nội dung Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020. Nghị định này quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định đưa ra các quy định cụ thể về Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước; Giá dịch vụ thoát nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải...
Để cụ thể hóa quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, ngày 18/01/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 01/2018/QĐ-UBND về quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Quy định cụ thể về Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; Quy định Đấu nối; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải... Tuy nhiên, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải, cải tạo phục hồi môi trường nước còn chưa được quan tâm đúng mức; chưa có giải pháp, tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường trong thực hiện những về quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang của quyết định này.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa nội dung Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 589/2016/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/12/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2892/QĐ-UBND Phê duyệt Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
* Tổ chức bộ máy và phân công trách nhiệm
Việc phân công trách nhiệm quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ cấp tỉnh đến cấp xã được quy định cụ thể tại điều 22, điều 23 và điều 24 của Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/1/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh được quy định tại Điều 22, Sở Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm Quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, kiểm soát ô nhiễm trong lĩnh vực thoát nước, xả nước thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, điều 22 cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành liên quan trong quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh...
Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định gồm: Tổ chức lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải (bao gồm mạng lưới thu gom và chuyển tải từ hố kiểm tra đến mạng lưới thoát nước cấp 3, cấp 2 và cấp 1) và là chủ sở hữu công trình thoát nước đô thị được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn theo phân cấp; Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước và xử lý nước thải do mình làm chủ sở hữu; Tập hợp, lưu trữ hồ sơ quản lý thoát nước; báo cáo công tác quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn theo định kỳ và đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm cho công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước đảm bảo vận hành có hiệu quả hệ thống thoát nước và các yêu cầu về an toàn, cảnh quan và môi trường...
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, được quy định gồm: quản lý hệ thống thoát nước khu dân cư, điểm dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Tổ chức kiểm tra, xử lý hoặc đề nghị xử lý các vi phạm về quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn mình quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Tuyên truyền, vận động sự tham gia của cộng đồng trong việc sử dụng, bảo vệ và khai thác hiệu quả, đúng mục đích của hệ thống thoát nước, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường; Tổ chức quản lý hệ thống thoát nước mưa do mình làm chủ sở hữu, gồm: Xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa hàng năm, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện về kế hoạch phát triển và khắc phục trong quản lý thoát nước trên địa bàn do mình phụ trách...
c) Thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị
Hệ thống thoát nước phổ biến ở các đô thị của tỉnh là hệ thống thoát nước chung (thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt kết hợp). Nhìn chung, hạ tầng thoát nước đã cũ, xuống cấp, kết nối thiếu đồng bộ gây khó khăn trong công tác vận hành bảo dưỡng; chưa đáp ứng tốt yêu cầu thoát nước cho đô thị trong điều kiện mưa với cường độ lớn và liên tục.
Việc đấu nối nước thải của các hộ dân chưa được quan tâm, không kiểm soát được số lượng đấu nối cũng như kỹ thuật đấu nối chưa phù hợp. Tình trạng này dẫn đến việc thu gom nước thải không triệt để, nước thải bị phát tán ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo các báo cáo gần đây và phiếu thu thập thông tin, phần lớn các đô thị chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Việc xả thải tại các đô thị chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của nguồn tiếp nhận, hiện nay đa phần là thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch... mà chưa qua xử lý.
Về quản lý rác thải, công tác thu gom, xử lý rác được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Nhân dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình, ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp trong xã hội đã từng bước được nâng cao, từ đó tạo nên những chuyển biến đáng kể. Xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt các khu dân cư nông thôn đã từng bước đi vào nề nếp; các công trình xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã, xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp sử dụng lò đốt trước mắt đã giảm thiểu được tình trạng xả rác thải bừa bãi ra sông, kênh, mương, khu vực công cộng; cảnh quan môi trường nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.
Về quản lý nước thải, nhìn chung các đô thị, các điểm dân cư đã có quy hoạch xây dựng được thực hiện xây dựng theo đúng cao độ khống chế, vì vậy các điểm đô thị, các thị trấn ít bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm. Vấn đề thoát nước và ngập úng đô thị được các cấp chính quyền quan tâm, coi trọng và chỉ đạo giải quyết có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng và ban hành quy định văn bản hướng dẫn về quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên/ địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.
Về quản lý, xử lý rác thải:
Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu rác thải trong sinh hoạt.
Việc quy hoạch, đầu tư, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác thải chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu là bãi chứa tạm thời.
Phương tiện, trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển chất thải hiện tại còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phù hợp và đồng bộ với việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Là cơ quan chuyên môn duy nhất giúp việc cho UBND cấp tỉnh trong vấn đề quản lý chất thải rắn, nhân lực chuyên trách cho lĩnh vực này là chưa đủ để Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về quản lý, xử lý nước thải:
Hiện trạng thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải đô thị vẫn chưa đáp ứng các chỉ tiêu trong Quyết định 589/QĐ-TTg Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp (chi tiết tại phụ lục số VI, VII).
Những nơi đô thị hóa cao, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa bề mặt lớn làm giảm khả năng thấm tự nhiên dễ gây ngập lụt cục bộ. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ tăng dân số và đô thị hoá gây ô nhiễm môi trường, suy thoái chất lượng nguồn nước.
Kết cấu hạ tầng thoát nước đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu liên kết chưa đáp ứng tốt khả năng thoát nước mặt trong mùa mưa bão.
Công tác đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu vốn để thực hiện thoát nước và xử lý nước thải là rất lớn trong khi đó nguồn lực địa phương hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các đô thị.
Việc không tuân thủ quy hoạch, xây dựng nhà lấn chiếm dòng chảy của các kênh, rạch trong khu vực đã làm tắc nghẽn đường thoát nước mặt tự nhiên gây ra tình trạng ngập úng cục bộ và mất vệ sinh đô thị.
Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, tình trạng người dân bỏ rác không đúng nơi quy định, thậm chí còn đổ rác xuống các cống (tại những chỗ nắp hố bị bể) gây nghẹt cống, nước thải không thoát đi được khi mưa lớn gây tràn và ngập cục bộ.
Tần suất và cường độ mưa diễn biến bất thường, kết hợp triều cường dâng cao làm ngập các miệng xả tạo ra áp lực ngược ngăn cản dòng xả thải của các tuyến cống tại các miệng xả làm cho việc xả thải diễn ra rất chậm gây ngập úng cục bộ.
Phần lớn các đô thị chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Việc xả thải tại các đô thị hiện nay đa phần là thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch... mà chưa qua xử lý.5
* Các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quản lý, xử lý rác thải gồm:
Về công tác quản lý: thời gian qua cơ chế phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong thời gian qua có sự giao thoa, chồng chéo giữa các cơ quan chuyên môn, chưa phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn; Chưa bố trí đầy đủ nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải; nguồn kinh phí và năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải còn nhiều bất cập; Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách còn khó khăn. Quy định về đơn giá xử lý hiện nay chưa thu hút được các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn cũng như nguồn lực thực hiện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực.
Về cơ sở hạ tầng: việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập công tác kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng với tình hình thực tế; Việc triển khai thực hiện các quy hoạch khu xử lý chất thải rắn còn chậm. Các dự án xử lý chất thải rắn tuy đã có chủ trương chậm triển khai theo cam kết thỏa thuận. Tại một số địa phương, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Về ý thức, nhận thức: nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải tuy đã được nâng lên nhưng chưa chuyển biến đến mức thành hành động và thói quen trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ ở mức thí điểm, chưa được tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình.
* Các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quản lý, xử lý nước thải:
Về công tác quản lý: công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; công tác xã hội hóa về thoát nước và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Công tác duy tu bảo dưỡng chưa thường xuyên gây bồi lắng làm cho hệ thống đường ống dẫn nước thải bị nghẹt. Sự thiếu đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành. Tiến độ triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập úng tại các đô thị còn chậm nên chưa đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị. Qua phiếu thu thập thông tin cho thấy do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc tổ chức thực hiện hết các quy định và trách nhiệm được giao theo Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang.
Về cơ sở hạ tầng: hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn thiện. Tại một số đô thị cũ hệ thống thoát nước được hình thành và sử dụng thời gian khá dài, nhiều nơi bị xuống cấp. Hệ thống thoát nước tại các đô thị cũ như Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá có một số đoạn thiếu liên kết, đường kính nhỏ không đáp ứng nhu cầu thoát nước trong mùa mưa bão hiện nay. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng đô thị không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Hệ thống thoát nước được mở rộng nâng cấp, cải tạo qua các thời kỳ dẫn đến thiếu đồng bộ gây ra những điểm nghẽn. Nhiều khu đô thị mới hình thành theo cao độ quy hoạch nên có nền cao hơn các khu đô thị cũ làm thay đổi hướng thoát nước và đường phân thủy, gây ngập úng cục bộ tại những chỗ trũng, nơi tiếp giáp giữa 2 khu. Quá trình đô thị hóa làm tăng diện tích bê tông hóa, nhựa hóa bề mặt dẫn đến giảm bề mặt thấm tự nhiên của khu vực cùng với hệ thống thoát nước mưa chưa được đầu tư phù hợp gây ra tình trạng ngập úng đô thị là điều không thể tránh khỏi.
Về điều kiện tự nhiên: ảnh hưởng của mưa lớn bất thường (tần suất, lượng mưa...) kết hợp với giai đoạn thủy triều cao, xâm nhập qua hệ thống sông, dẫn đến đỉnh triều cao hơn các mức tính toán cũ, gây khó khăn cho việc tiêu nước. Cao độ nền thấp và vấn đề sụt lún nền đô thị dẫn đến cốt nền xây dựng đô thị thấp không đủ để tạo độ dốc phù hợp cho việc thoát nước và nhiều khu vực còn thấp hơn mức nước sông khi có triều cường lên cao, nên không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài. Tỉnh Kiên Giang có vị trí ven biển nên chịu nhiều tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, triều cường nước biển dâng là một trong những tác nhân cộng hưởng chính gây nên sự ngập úng đô thị trong thời gian qua.
Về nhận thức: nhận thức của người dân còn hạn chế nên nhiều nơi người dân lấn chiếm, san lấp trái phép, nhiều miệng thu bị người dân bịt kín để ngăn mùi hôi bốc lên, tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả vẫn còn tồn tại làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga, cửa xả. Hệ thống điều hòa nước tự nhiên bị san lấp, lấn chiếm để xây dựng nhà ở không theo quy hoạch, nước không có đường thoát là nguyên nhân gây ngập úng cho các đô thị.
Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, xử lý chất rác thải, nước thải hiện nay.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 trong đó chỉ tiêu về môi trường có chỉ tiêu Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025, trong đó có các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2025, có tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường,... Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, có nội dung chỉ thị: Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới. Các tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.
Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trên cơ sở tiêu chuẩn thải rác và chỉ tiêu thu gom đã lựa chọn, cùng với quy mô dân số đến năm 2025 đã được dự báo và mục tiêu của chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 phát sinh hàng ngày là 3.344 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 1.727 tấn/ngày; nông thôn là 1.617 tấn/ngày. Song song đó, dự báo chất thải rắn du lịch phát sinh đến năm 2025 là 198,18 tấn/ngày.
Về nước thải, cần phấn đấu để phù hợp với loại đô thị theo chỉ tiêu thoát nước thải đô thị. theo định hướng Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (chi tiết tại phụ lục số VI, VII).
Quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng nước thải, rác thải phát sinh ngày càng tạo áp lực lên môi trường sống. Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đô thị, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách nhằm đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.
a) Quan điểm
- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương.
- Đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải đồng bộ, bao gồm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công tác thu gom, vận chuyển trên cơ sở công nghệ phù hợp. Thực hiện đầu tư cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên cho từng giai đoạn cụ thể, tránh dàn trải, kém hiệu quả.
- Việc đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế thấp nhất lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp.
- Việc tăng cường nguồn lực cho các địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải đi kèm với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện.
- Xác định công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Nước thải phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn theo quy định mới được xả thải ra môi trường.
b) Mục tiêu chung
- Cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế bền vững.
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, nước thải đô thị và các khu dân cư nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.
- Xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
- Tăng tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, về quản lý nước thải hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt và quản lý nước thải.
- Tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
c) Mục tiêu cụ thể
* Mục tiêu đến năm 2025:
- Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung:
90 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 85 % tổng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 35 % tổng số hộ trong khu vực đô thị và 25 % số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20 %.
- Đối với nước thải:
* Đô thị loại II trở lên:
+ Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 80% diện tích bao phủ dịch vụ.
+ 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
+ 30% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng tưới cây, rửa đường đô thị và các nhu cầu khác.
* Đô thị loại III và IV:
+ Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ.
+ 20% tổng lượng nước thải đối với đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
* Đô thị loại V và đô thị hình thành mới:
+ Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ.
+ 15% tổng lượng nước thải đối với đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
* Tầm nhìn đến năm 2050:
Phấn đấu tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế, hạn chế khối lượng chất thải rắn chôn lấp đến mức thấp nhất.
Các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Có kế hoạch giải quyết thoát nước ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tổ chức triển khai quy định về quản lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn. Nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch quy định về quản lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh đã được ban hành. 6
- Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành. Xây dựng và ban hành các quy định về quản lý, xử lý nước thải, rác thải theo danh mục văn bản đã được ban hành tại Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 14/4/2021 của UBND tỉnh Ban hành danh mục Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, cụ thể là:
+ Quy định lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại điểm b, khoản 5 điều 86 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
+ Quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại điểm c, khoản 5, điều 86 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
+ Quy định lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, tại các khu dân cư không tập trung trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại điểm d, khoản 5, điều 86 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
+ Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại khoản 6 điều 64 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
+ Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định tại điều 79 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020.
+ Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
- Rà soát quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt để có phương án điều chỉnh, bổ sung theo hướng xử lý chất thải cho cả vùng đô thị và nông thôn, ưu tiên quy hoạch khu xử lý ở các khu vực biển, hải đảo; khảo sát, rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp cho từng địa phương.
- Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương, ưu tiên tập trung triển khai tại thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.
+ Căn cứ điều kiện thực tế và định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2892/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, UBND các huyện/thành phố xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý đảm bảo tính khả thi, chú trọng công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, năng lực đầu tư, khả năng chi trả cho chi phí quản lý, vận hành của địa phương.
+ Từng bước triển khai công tác phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo lộ trình quy định tại Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.
+ Quan tâm đồng bộ hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công tác thu gom, vận chuyển trên cơ sở công nghệ phù hợp. Hoàn thiện hệ thống các trạm trung chuyển rác thải tại khu vực đô thị và bố trí xe chuyên dùng vận chuyển về cơ sở xử lý tập trung;
Đối với khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa: xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng khu vực.
- Đóng cửa các bãi chôn lấp đã hết công suất; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc quản lý, xử lý rác thải, nước thải đô thị và khu dân cư tập trung ở các địa phương; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương báo cáo UBND tỉnh.
- Nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải, nước thải về các vấn đề kỹ thuật kỹ năng quản lý...
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải, nước thải hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung tổ chức thực hiện tốt Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được ban hành tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang.
- Xây dựng lộ trình tăng giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
4. Các nhiệm vụ, dự án ưu tiên:
- Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo danh mục ban hành tại Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 14/4/2021 Ban hành danh mục Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.
- Hoàn thành khắc phục ô nhiễm môi trường, xóa tên các bãi rác ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cải tạo, phục hồi môi trường các bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh (chi tiết đính kèm phụ lục IV, phụ lục V)
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai các định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (chi tiết tại phụ lục VIII)
a) Giải pháp về thể chế và nguồn nhân lực
- Quan tâm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực về chất thải rắn, nước thải trên địa bàn tỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về chất thải rắn và, nước thải ở địa phương
- Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý, xử lý nước thải, rác thải cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện việc thu giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và lộ trình tăng giá phù hợp, giảm dần bù đắp từ ngân sách nhà nước đối với những chi phí liên quan đến thoát nước, thu gom và xử lý nước thải.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn, ưu tiên cho những công trình trọng điểm, công trình cấp bách trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Lồng ghép các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn của tỉnh theo từng giai đoạn hiện nay đến 2025 và giai đoạn từ 2025-2050.
Thường xuyên cập nhật thông tin về các chương trình mục tiêu của các Bộ, ngành trung ương có liên quan đến lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải, xây dựng kế hoạch tiếp cận các nguồn vốn phục vụ đầu tư xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn tỉnh.
b) Giải pháp về chỉ đạo điều hành, quản lý, phối hợp
- Tiến hành rà soát để lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành thoát nước và quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang.
- Tăng cường quản lý nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch. Tiếp tục rà soát các quy hoạch có liên quan đến vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn để đảm bảo tính đồng bộ trong việc lập và thực hiện quy hoạch.
- Rà soát, điều chỉnh các quy trình cơ chế đầu tư các dự án xử lý rác thải, nước thải nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tiến hành việc kiểm tra, giám sát và đánh giá theo định kỳ về việc thực hiện Đề án từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc thực hiện Đề án được hiệu quả.
c) Giải pháp về ứng dụng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý thoát nước (chung, riêng hoặc nửa riêng) phải phù hợp với trình độ năng lực và điều kiện phát triển của từng đô thị. Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, năng lực đầu tư, khả năng chi trả cho chi phí quản lý, vận hành và tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai. Ưu tiên sử dụng các công nghệ xử lý nước thải phân tán, chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành thấp cho khu vực đô thị nhỏ, dân cư ven đô. Khuyến khích áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên trong chống ngập úng đô thị.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến về tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn, nước thải đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ thu hồi năng lượng, phát điện từ chất thải rắn; Khuyến khích đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại các hộ gia đình và khu vực nông thôn.
d) Giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong quản lý, xử lý nước thải, rác thải và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền về bảo vệ môi trường, các quy định về nước thải, chất thải rắn sinh hoạt. Giúp người dân hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, xử lý rác thải, nước thải, ủng hộ các chính sách của nhà nước, góp phần tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là về công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng trong quản lý và xử lý chất thải rắn; chú trọng nêu gương điển hình các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng. Từng bước lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nội dung quản lý tổng hợp chất thải rắn, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; các quy định về nước thải sinh hoạt.
e) Giải pháp hợp tác quốc tế
Tranh thủ các cơ hội trao đổi, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức trong và ngoài nước, tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong lĩnh vực quản lý và xử lý nước thải, rác thải.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2022, trong đó:
Giai đoạn 2022-2023: các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án.
Giai đoạn 2023-2025: đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung Đề án nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giai đoạn sau năm 2025: tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn.
Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án, bao gồm:
Nguồn ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển) theo phân cấp hiện hành, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác: vốn vay từ các chương trình mục tiêu của Bộ ngành trung ương, vốn ODA, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp; nguồn thu phí dịch vụ xử lý nước thải, rác thải...
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đối với nội dung quản lý, xử lý rác thải.
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các quy định về lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải trên địa tỉnh; xây dựng và ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hỗ trợ, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, lộ trình đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu xử lý rác tạm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các khu xử lý rác trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, xử lý rác thải trên địa tỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm do hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Tham gia phối hợp với Sở Xây dựng triển khai kế hoạch phát triển thoát nước trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đối với nội dung quản lý, xử lý nước thải.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện định hướng chiến lược thoát nước, thu gom xử lý nước thải; xác định nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị theo từng giai đoạn; đề xuất các dự án ưu tiên lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị.
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành phương án giá dịch vụ thoát nước cho các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về thoát nước và xử lý nước thải.
Tổ chức nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tiến hành rà soát vị trí quy hoạch khu xử lý rác thải quy mô vùng trên địa bàn toàn tỉnh.
Nghiên cứu, góp ý phương án phát triển các khu xử lý chất thải liên huyện theo Luật Quy hoạch đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy hoạch tỉnh.
Chủ trì xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục, rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án xử lý rác thải, nước thải để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh, nước thải sinh hoạt hoạt theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan thẩm định kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Làm đầu mối đăng ký với các Bộ, ngành Trung ương kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan cân đối, bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đảm bảo cho hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý rác thải và hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trình UBND tỉnh phê duyệt;
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bảo đảm cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh theo đúng chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích huy động các nguồn vốn cho công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các dự án xử lý nước thải, rác thải.
Đề xuất ưu tiên cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của tỉnh, của địa phương hỗ trợ cho các hoạt động phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý rác tạm, xử lý các khu xử lý rác tự phát; hoạt động thoát nước và xử lý nước đô thị phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Phối hợp với Sở Xây dựng trong xây dựng phương án, thẩm định giá dịch vụ thoát nước cho các đô thị trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì thực hiện tốt công tác thẩm định công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư về xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh lựa chọn, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương.
Phối hợp với Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng chuyển giao các công trình khoa học và công nghệ về về xử lý rác thải, nước thải hiệu quả.
Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về về xử lý rác thải, nước thải.
Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thân thiện với môi trường trong về xử lý rác thải, nước thải. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại các hộ gia đình và khu vực nông thôn.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập phương án và tổ chức nạo vét kênh mương (thủy lợi) nhằm tăng khả năng tiếp nhận nước mưa và nước thải từ các đô thị.
Hướng dẫn thực hiện tốt các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, lựa chọn, hướng dẫn áp dụng công nghệ xử lý rác thải, nước thải đối với các khu dân cư tập trung vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương góp phần bảo vệ môi trường.
Lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, đặc biệt là nội dung về tái sử dụng, quản lý, xử lý nước thải; quản lý tổng hợp chất thải rắn, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.
Chỉ đạo các đơn vị, trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm góp phần thực hiện tốt nội dung Đề án.
Rà soát, xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế đối với các đơn vị còn thiếu nguồn nhân lực làm công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý nước thải, rác thải nói riêng theo đề xuất của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Tổ chức thực hiện lồng ghép nhiệm vụ về thu gom, xử lý rác thải, quản lý nước thải vào nội dung thi đua của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; đồng thời cũng có biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân có tồn tại, vi phạm trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang thực hiện thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh,
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy định về thoát nước và xử lý nước thải, các quy định về chất thải rắn sinh hoạt và công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng trong quản lý và xử lý chất thải rắn; tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng nêu gương điển hình các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.
Tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là đối với cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân xả chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang
Thường xuyên xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin về các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình cơ sở kịp thời phản ánh, động viên những nơi làm tốt.
Phối hợp bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải trên địa bàn quản lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xây dựng kế hoạch để làm cơ sở cho việc bố trí nguồn lực cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch triển khai định hướng phát triển thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đô thị thuộc trách nhiệm quản lý.
Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm để thực hiện công tác quản lý, xử lý nước thải, rác thải theo quy định, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nội dung của đề án và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương.
Từng bước đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại hộ gia đình để triển khai thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo lộ trình theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tăng cường xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi xử lý theo đúng quy định.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý và các tổ chức, cá nhân có phát sinh lượng chất thải lớn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiểu biết, tầm quan trọng của việc bảo vệ bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quản lý, xử lý nước thải, rác thải. Phổ biến các chế tài khen thưởng và xử phạt trong việc quản lý, xử lý rác thải, nước thải ra môi trường; khuyến khích người dân tham gia giám sát tại địa phương. Hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn hình thành lối sống thân thiện với môi trường.
Báo cáo kết quả thực hiện đề án (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nội dung quản lý rác thải và Sở Xây dựng đối với nội dung quản lý nước thải) theo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
13. UBND các xã, phường, thị trấn
Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường khu công cộng và khu dân cư.
Phối hợp thực hiện kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm cấp xã và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa bãi rác tạm.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang và các tổ chức thành viên
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý nước thải, rác thải. Vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng; tuân thủ các quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải.
Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện vận động phát huy sức mạnh cộng đồng trong thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải, nước thải gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng các mô hình khu dân cư, cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để nhân rộng.
Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị chủ động tham gia, giám sát hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải trên địa bàn tỉnh.
IV. DỰ KIẾN HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Thuận lợi, khó khăn khi thực hiện đề án
* Về thuận lợi:
Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã ban hành theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang và danh mục các quy định cụ thể về quản lý, xử lý chất thải rắn tại địa phương đã được xác định và sẽ sớm được xây dựng và ban hành (theo Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 14/4/2021 Ban hành danh mục Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10) sẽ là cơ sở vững chắc cho việc tăng cường quản lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh.
Thêm vào đó, các quy định mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Luật BVMT năm 2020 cũng tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai Đề án. Quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn (do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao hơn). Bằng quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 03 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác sẽ giảm được khối lượng rác thải cần phải thu gom và xử lý. Từ đó khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải còn cao và khó khăn trong xử lý do rác thải chưa được phân loại.
Việc xây dựng ban hành giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải giá dịch vụ thu gom xử lý rác thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, sẽ đóng góp nguồn vốn để cải thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải tại các đô thị trong tương lai.
* Về khó khăn, hạn chế:
Việc quy hoạch phát triển đô thị ít quan tâm đến xử lý thoát nước mặt, chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Hiện nay có một số ít đô thị trong tỉnh có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, nạo vét hệ thống thoát nước hàng năm, tuy nhiên đa phần các đô thị chưa có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm, chỉ xử lý mang tính chất cục bộ khi có sự cố xảy ra.
Mạng lưới thu gom nước mưa và nước thải của các đô thị xây dựng qua nhiều thời kỳ, thường không đồng bộ, một số đã quá tải và xuống cấp. Mạng lưới hệ thống thoát nước tại các đô thị chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, còn mang tính chất chắp vá, xử lý cục bộ.
Các đô thị hiện trạng, còn thiếu rất nhiều về hệ thống thu gom xử lý nước thải, thiếu vốn đầu tư để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hiện có.
Việc đầu tư các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải hiện nay là rất khó khăn do thiếu nguồn kinh phí đầu tư. Nguồn ngân sách chỉ đảm bảo một phần, còn chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải, rác thải.
Chính sách kêu gọi, xã hội hóa lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Biến đổi khí hậu là một thách thức làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng đô thị. Tần suất và lưu lượng mưa thất thường, kết hợp với triều cường gây khó khăn trong thoát nước nhất là các khu vực đô thị ven biển.
2. Ý nghĩa thực tiễn của đề án
Đề án góp phần thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Cụ thể là góp phần thực hiện nhiệm vụ về hạ tầng đô thị: tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án các công trình đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giảm đáng kể tình trạng ngập nước tại các đô thị lớn.
Đề án góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu, làm tốt công tác quy hoạch; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo chất lượng môi trường, hạn chế tối đa rác thải nhựa. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung; khắc phục ô nhiễm cải thiện vệ sinh môi trường.
3. Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường
Thực hiện tốt nội dung Đề án với việc thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải là tài nguyên sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Quan điểm khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - hội của từng địa phương; quản lý, tái chế, tái sử dụng, xử lý tốt rác thải, nước thải sẽ giải quyết tốt vấn đề môi trường sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ đó, góp phần đạt được hiệu quả cả kinh tế - xã hội - môi trường, đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững và có chiều sâu.
Đề án Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với định hướng, quy hoạch về quản lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải của tỉnh, nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Để đề án được triển khai hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh kính đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có chỉ đạo và quán triệt Đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện nghiêm túc các nội dung đề án; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm thiểu phát sinh rác thải sinh hoạt, thực hiện trách nhiệm theo đúng quy định.
Để giải quyết vấn đề xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư tại Kiên Giang không thể sử dụng một giải pháp đơn lẻ mà phải tổng hợp các giải pháp mang tính liên vùng, theo toàn vùng đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết cho từng dự án phát triển đô thị, từng khu vực đô thị, từng công trình cụ thể, từ các giải pháp cứng gồm kỹ thuật công trình đến các giải pháp mềm như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân... Đây là nhiệm vụ cần thực hiện liên tục và cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm phù hợp để duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo yêu cầu...Đồng thời, tạo mọi điều kiện để có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Trên đây là toàn bộ nội dung Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị quý cơ quan có liên quan triển khai thực hiện./.
DANH SÁCH QUY HOẠCH CƠ SỞ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước
thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
STT |
Cơ sở/dự án xử lý CTR |
Tên chủ cơ sở/ dự án |
Công suất (tấn/ngày) |
Quy mô (ha) |
Hiện trạng hoạt động/ đầu tư |
01 |
Nhà máy xử lý rác thành phố Rạch Giá (Hòn Đất) |
Công ty CP ĐT - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa |
200 |
25 |
Bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2011. Đang lập ĐTM tăng công suất lên 500 tấn/ngày |
02 |
Nhà máy xử lý rác Long Thạnh (Giồng Riềng) |
Công ty TNHH Mai Trần II |
245 |
10 ha |
Đã chạy thử nghiệm |
03 |
Nhà máy xử lý rác Tâm Hằng (Giang Thành) |
Công ty TNHH Tâm Hằng |
100 |
14,7 |
Đã được phê duyệt ĐTM |
04 |
Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Kiên Lương |
Công ty TNHH xử lý rác thải Môi trường Xanh Kiên Lương |
100 |
17,55 |
Đã được phê duyệt ĐTM từ năm 2015. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng và chuẩn bị vận hành thử nghiệm |
05 |
U Minh Thượng |
Chưa có nhà đầu tư |
|||
06 |
Nhà máy xử lý rác Bãi Bổn |
Công ty CP năng lượng tái tạo Toàn Cầu |
200 |
10,4 ha |
Đã thu hồi chủ trương đầu tư. Hiện dự án đang được cải tạo để hoạt động trở lại |
07 |
Nhà máy xử lý rác Phú Quốc |
(đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) |
300 |
khoảng 14 ha |
Đã xong bước sơ tuyển |
Nguồn: Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
HIỆN TRẠNG PHƯƠNG TIỆN THU GOM CỦA CÁC
HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải
ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
Stt |
Huyện, thành |
Số lượng |
Tên thiết bị |
Công suất /trọng tải |
Năm sản xuất |
Ghi chú |
1 |
TP Rạch Giá |
|
|
|
|
|
2 |
TP Hà Tiên |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
15 tấn |
2013 |
Hoạt động ít do hư hỏng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
16 tấn |
2021 |
Xe mới |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấn |
2000 |
Đã hỏng |
||
3 |
TP Phú Quốc |
5 |
Xe ép rác SAMCO |
6,5 tấn |
2005 |
Hoạt động bình thường |
4 |
Xe ép rác HINO |
10,45 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
||
2 |
Xe ép rác HINO |
3,8 tấn |
2009 |
Hoạt động bình thường |
||
1 |
Xe ép rác HINO |
7,5 tấn |
2016 |
Hoạt động bình thường |
||
100 |
Xe đẩy tay |
0,66 m3 |
2020 |
Hoạt động bình thường |
||
2 |
Xuồng composite YAMAR 4JHYE |
3,25 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
||
4 |
Huyện Châu Thành |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
9 tấn |
2016 |
Hư hỏng nặng, đang sửa chữa lớn |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6,5 tấn |
2007 |
Hư hỏng thường xuyên |
||
5 |
Huyện Giồng Riềng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6 tấn |
2020 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
8 tấn |
2008 |
Hoạt động bình thường |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
8 tấn |
2014 |
Hoạt động bình thường |
||
09 |
Xe thu gom rác tự chế |
1,5 tấn |
2018 |
Thường xuyên bị hư |
||
05 |
Xe thu gom rác tự chế |
1,5 tấn |
2020 |
Thường xuyên bị hư |
||
6 |
Huyện Gò Quao |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,3 tấn |
2005 |
Đang hoạt động (65%) |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3 tấn |
2009 |
Đang hoạt động (85%) |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4 tấn |
2016 |
Đang hoạt động (95%) |
||
7 |
Huyện Tân Hiệp |
01 |
Xe ép rác thải HINO |
1,5 tấn |
2011 |
Hư hỏng nặng, ngưng hoạt động |
01 |
Xe ép rác thải ISUZU |
3,4 tấn |
2013 |
Đang hoạt động |
||
01 |
Xe ép rác thải HINO |
3,5 tấn |
2017 |
Đang hoạt động |
||
8 |
Huyện Hòn Đất |
|
|
|
|
|
9 |
Huyện Kiên Lương |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,3 tấn |
2005 |
Thường xuyên bị hư hỏng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3 tấn |
2009 |
Hiện đang hoạt động, cần đại tu sửa chữa thiết bị |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3,5 tấn |
2016 |
Hoạt động tốt |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấn |
2017 |
Hoạt động tốt |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấn |
2013 |
Hoạt động tốt |
||
10 |
Huyện Giang Thành |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng (Mitsubishi) |
2,4 tấn |
2012 |
Xe đang hỏng không hoạt động |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng (HINO) |
3,4 tấn |
2021 |
Xe mới đang hoạt động |
||
11 |
Huyện An Biên |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3,05 tấn |
2015 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6,1 tấn |
2016 |
Hoạt động bình thường |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,4 tấn |
2008 |
Hoạt động bình thường |
||
12 |
Huyện An Minh |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng MITSUBISHI |
2,5 tấn |
2012 |
Còn hoạt động nhưng đã cũ |
13 |
Huyện U Minh Thượng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
7.3 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
16 tấn |
2021 |
Hoạt động bình thường |
||
14 |
Huyện Vĩnh Thuận |
01 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
3 tấn |
2013 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
3 tấn |
2018 |
Bị hư (chưa sửa chữa được) |
||
15 |
Huyện Kiên Hải |
03 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
1.15 tấn |
2016 |
Vẫn còn hoạt động |
Nguồn: Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
HIỆN TRẠNG CÁC BÃI RÁC LỘ THIÊN TẠI CÁC
HUYỆN TRONG TỈNH KIÊN GIANG
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025
và những năm tiếp theo”)
TT |
Huyện/ thành phố |
Số lượng |
Tên bãi rác |
Vị trí |
Diện tích (m2) |
Năm đưa vào sử dụng |
Ước diện tích đã lấp đầy |
Ghi chú |
1 |
Tân Hiệp |
02 |
Khu xử lý rác tập trung huyện Tân Hiệp |
Ấp kinh 9, TT Tân Hiệp |
25.000 |
2013 |
34% |
Có trong QH (PL2) Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND tỉnh |
Bãi rác xã Tân Hiệp A |
Ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, KG |
560 |
2021 |
11% |
Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh |
|||
2 |
Giồng Riềng |
11 |
Bãi rác huyện Giồng Riềng |
ấp Xử lý Chác, xã Long Thạnh |
8.060 |
2007 |
- |
Có trong QH (PL1) |
Bãi rác xã Bàn Thạch |
ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, GR |
3.656 |
2008 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Bàn Tân Định |
ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định, GR |
4.495 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Vĩnh Thạnh |
ấp Nguyễn Hưởng, xã Vĩnh Thạnh, GR |
3.958 |
2013 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Chúc |
ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, GR |
4.913 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Hòa |
ấp Chín Gì, xã Ngọc Hòa, GR |
5.626 |
2007 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Thuận |
ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận, GR |
3.907 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Thành |
ấp Ngã Năm, xã Ngọc Thành, GR |
3.870 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Bình |
ấp Trà Rào, xã Thạnh Bình, GR |
3.657 |
2011 |
45% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Phước |
ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Phước, GR |
4.822 |
2007 |
46% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Lộc |
ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc |
4.548 |
2009 |
46% |
|
|||
Bãi rác Kinh Ranh-xã Thạnh Lộc |
ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc, GR |
3.498 |
2011 |
48% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa An |
ấp Cây Huệ, xã Hòa An, GR |
4.402 |
2011 |
48% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa Hưng |
ấp Hòa Mỹ, xã Hòa Hưng, GR |
6.826 |
2006 |
47% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa Lợi |
ấp Hòa B, xã Hòa Lợi, GR |
4.665 |
2006 |
47% |
|
|||
3 |
Gò Quao |
01 |
Bãi rác Lục Phi |
Ấp 6, xã VHH Nam |
14.100 |
2003 |
70% |
Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND huyện Gò Quao |
4 |
Phú Quốc |
03 |
Bãi rác Đồng Cây Sao |
Xã Cửa Dương |
20.000 |
2019 |
143% |
Đang hoạt động |
Bãi rác xã Hàm Ninh |
Xã Hàm Ninh |
2.000 |
2009 |
100% |
Ngưng hoạt động |
|||
Bãi rác xã Thổ Châu |
Thổ Châu |
3.000 |
2007 |
100% |
Đang hoạt động |
|||
5 |
Kiên Hải |
08 |
Hòn Tre (bãi tạm) |
Xã Hòn Tre |
1.000 |
2016 |
50% |
Không có trong QH, phát sinh do chưa xây dựng lò đốt. Xã Lại Sơn, An Sơn đã được đầu tư lò đốt năm 2019 |
Lại Sơn (bãi tạm) |
Xã Lại Sơn |
518,6 |
2017 |
90% |
||||
An Sơn (bãi tạm) |
Xã An Sơn |
1.538,3 |
2017 |
90% |
||||
Bãi rác Hòn Tre |
ấp III, xã Hòn Tre |
34.000 |
Chưa hoạt động |
|
Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 01/7/2015 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Bãi rác Lại Sơn |
ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn |
30.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi rác An Sơn |
ấp Bãi Ngự, xã An Sơn |
10.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Lò đốt rác Hòn Ngang |
ấp An Phú, xã Nam Du |
600 |
Chưa hoạt động |
|
Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Lò đốt Hòn Mấu |
ấp Hòn Mấu, xã Nam Du |
300 |
Chưa hoạt động |
|
||||
6 |
Châu Thành |
01 |
Bãi rác huyện Châu Thành |
ấp Gò Đất, xã Bình An |
22.270 |
1990 |
60% - 70% |
Đã được đầu tư 1 lò đốt công suất 6.4 tấn/ngày |
7 |
An Biên |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
|
8 |
An Minh |
06 |
Bãi rác tập trung huyện An Minh |
ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh |
75.000 |
2015 |
6.67% |
Theo QĐ số 2508/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh Kiên Giang |
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Xèo Đôi |
ấp Xèo Đôi xã Đông Hưng A |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
Theo QĐ số 677/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Vàm Xáng |
ấp Vàm Xáng xã Đông Hưng B |
3.100 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Xử lý Nhàu |
ấp Xử lý Nhàu, xã Tân Thạnh |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp |
ấp Mương Đào B xã Vân Khánh |
1.980 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR xã Đông Hưng |
xã Đông Hưng |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
9 |
U Minh Thượng |
01 |
Bãi xử lý rác SH huyện |
ấp Đặng Văn Do, xã Thanh Yên |
34.000 |
Chưa sử dụng |
|
Có trong QH (PL1) |
10 |
Vĩnh Thuận |
01 |
Bãi rác Kênh Năm Trăm |
ấp Bời Lời, xã Bình Minh |
9.412 |
2006 |
65% |
Đã được đầu tư 1 lò đốt |
11 |
Rạch Giá |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
|
12 |
Hà Tiên |
02 |
Bãi rác Mương Đào |
KP 3, P. Đông Hồ |
100.000 |
2010 |
97,5% |
Có trong QH, đến 2020 chuyển thành trạm trung chuyển |
Bãi rác xã Tiên Hải |
ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải |
1.271 |
2017 |
30,11% |
Đã đầu tư được 1 lò đốt |
|||
13 |
Giang Thành |
01 |
Bãi rác huyện Giang Thành |
ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ |
157.000 |
2013 |
2,6% |
Có trong QH (PL1) |
14 |
Kiên Lương |
01 |
Bãi rác huyện Kiên Lương |
KP Tám Thước, TT Kiên Lương |
175.500 |
1999 |
11,4% |
Vị trí trùng với QH (PL1) |
15 |
Hòn Đất |
08 |
Bãi rác Hòn Đất |
Thị trấn Sóc Sơn |
250.000 |
2011 |
30% |
Vị trí trùng với QH (PL1) |
Bãi rác xã Bình Giang |
ấp kinh 4, xã Bình Giang |
5.035 |
2009 |
14% |
|
|||
Bãi rác xã Bình Sơn |
ấp Thuận Hòa, xã Bình Sơn |
5.000 |
2009 |
24,6% |
|
|||
Bãi rác kênh 6 - xã Mỹ Phước |
ấp Phước Tân, xã Mỹ Phước |
5.000 |
2003 |
10% |
|
|||
Bãi rác kênh 2.5- xã Mỹ Phước |
ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước |
3.800 |
Chưa sử dụng |
0 |
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Thái |
ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái |
6.669 |
Chưa sử dụng |
|
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Hiệp Sơn |
ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn |
3.000 |
2008 |
16,67% |
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Thuận |
ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận |
7.000 |
Chưa sử dụng |
|
|
Nguồn: Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
LỘ TRÌNH XÓA TÊN CÁC BÃI RÁC RA KHỎI DANH SÁCH CƠ SỞ Ô
NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước
thải ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp
theo”)
STT |
Tên cơ sở |
Quyết định cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Biện pháp xử lý triệt để |
Tiến độ thực hiện |
Đơn vị thực hiện xử lý triệt để |
Thời gian hoàn thành |
Kinh phí thực hiện (tỷ đồng) |
1 |
Bãi rác thành phố Hà Tiên |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Xử lý nước thải, nước rỉ rác - Xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đạt chuẩn |
2022-2025 |
UBND Tp Hà Tiên |
2025 |
ngân sách |
2 |
Bãi rác huyện Châu Thành |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Xử lý nước thải, nước rỉ rác - Xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đạt chuẩn |
2022-2024 |
UBND huyện Châu Thành |
2024 |
ngân sách |
3 |
Bãi rác huyện Tân Hiệp |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Cải tạo thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để vận chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. |
2022-2023 |
UBND huyện Tân Hiệp |
2023 |
ngân sách |
4 |
Bãi rác huyện An Biên |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Cải tạo thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để vận chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. |
2022-2023 |
UBND huyện An Biên |
2023 |
ngân sách |
5 |
Bãi rác huyện Kiên Lương |
2028/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 |
- Đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2021-2022 |
Công ty TNHH xử lý rác thải Môi Trường Xanh Kiên Lương |
2022 |
ngân sách |
6 |
Bãi rác Thị trấn An Thơi, thành phố Phú Quốc |
49/QĐ-UBND ngày 10/01/2014 |
- Đào, xúc, ép, đốt, xử lý mùi hôi, thu dọn sạch bãi rác và xử lý đạt chuẩn môi trường. Cải tạo và tái sử dụng đất theo quy hoạch |
2021-2022 |
Công ty CP ĐTXD DL và Kinh doanh bất động sản Hưng Phát Phú Quốc |
2022 |
ngân sách |
Nguồn: Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
LỘ TRÌNH CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG CÁC
BÃI RÁC TẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải
ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
STT |
Tên Bãi rác |
Hiện trạng |
Giải pháp xử lý |
Thời gian hoàn thành |
Nguồn kinh phí (tỷ đồng) |
Đơn vị thực hiện |
1 |
Tân Hiệp |
|||||
Khu xử lý rác tập trung huyện Tân Hiệp |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Tân Hiệp |
|
2 |
Giồng Riềng |
|||||
Bãi rác huyện Giồng Riềng |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Rà soát, điều chỉnh việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hạ tầng và các thủ tục pháp lý khác sớm đưa nhà máy xử lý rác huyện Giồng Riềng đi vào hoạt động. - Cải tạo phần đất của bãi rác cũ thành trạm tập trung, trung chuyển rác vào nhà máy và dãy vành đai cây xanh cách ly giữa nhà máy rác với dân cư xung quanh. |
2022 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Giồng Riềng |
|
Bãi rác xã Bàn Thạch |
- Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm trung chuyển rác để chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện Giồng Riềng để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Giồng Riềng |
|
Bãi rác xã Bàn Tân Định |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Vĩnh Thạnh |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Ngọc Chúc |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Ngọc Hòa |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Ngọc Thuận |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Ngọc Thành |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Thạnh Bình |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Thạnh Phước |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Thạnh Lộc |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác Kinh Ranh, xã Thạnh Lộc |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Hòa An |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Hòa Hưng |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Hòa Lợi |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
3 |
Gò Quao |
|||||
|
Bãi rác Lục Phi- huyện Gò Quao |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy, có vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Giồng Riềng tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Gò Quao |
4 |
Phú Quốc |
|||||
|
Bãi rác Đồng Cây Sao |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy, có vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại Bãi Bổn- Hàm Ninh tiếp tục xử lý bằng phương pháp đốt. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND thành phố Phú Quốc |
Bãi rác xã Thổ Châu |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND thành phố Phú Quốc |
|
5 |
Kiên Hải |
|||||
|
Hòn Tre (bãi tạm) |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Kiên Hải |
Lại Sơn (bãi tạm) |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Kiên Hải |
|
An Sơn (bãi tạm) |
Đã đầu tư 1 lò đốt và nhà che chứa rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Vận hành lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Kiên Hải |
|
6 |
Châu Thành |
|||||
|
Bãi rác huyện Châu Thành |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Hiện đã đầu tư 01 lò đốt công suất 450kg/giờ |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện Giồng Riềng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2023-2025 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Châu Thành |
7 |
An Biên |
|||||
|
Bãi rác huyện An Biên |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Hiện đang đóng cửa |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.. |
2022-2023 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện An Biên |
8 |
An Minh |
|||||
|
Bãi rác tập trung xã Đông Hưng B |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Xây dựng phương án chôn lấp rác thải của huyện để đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định. - Tiếp tục tiếp nhận và xử lý theo phương pháp chôn lấp cho đến khi nhà máy xử lý rác thải huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động. - Định kỳ giám sát chất lượng các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.. |
|
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện An Minh |
9 |
U Minh Thượng |
|||||
|
Bãi rác huyện U Minh Thượng |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Định kỳ giám sát chất lượng các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024-2025 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện U Minh Thượng |
10 |
Vĩnh Thuận |
|||||
|
Bãi rác Kênh Năm Trăm |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Hiện đã đầu tư 01 lò đốt công suất 650kg/giờ |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024-2025 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Vĩnh Thuận |
11 |
Hà Tiên |
|||||
|
Bãi rác Mương Đào |
Bãi lộ thiên một phần lộ thiên, một phần được chôn lấp nhưng chưa đảm bảo chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện Giang Thành đi vào hoạt động thi thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024-2025 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND thành phố Hà Tiên |
12 |
Hòn Đất |
|||||
|
Bãi rác xã Bình Giang |
- Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm trung chuyển rác để chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện Giồng Riềng để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
UBND huyện Hòn Đất |
Bãi rác xã Bình Sơn |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác kênh 6 - xã Mỹ Phước |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
||||
Bãi rác xã Mỹ Hiệp Sơn |
2022-2024 |
Theo dự toán được duyệt |
Nguồn: Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
BẢNG SO SÁNH HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
MƯA VÀ CHỐNG NGẬP ÚNG ĐÔ THỊ VỚI CÁC CHỈ TIÊU TRONG QUYẾT ĐỊNH 589/QĐ-TTg ĐIỀU
CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải
ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
STT |
Tên đô thị |
Chỉ tiêu thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị giai đoạn 2020-2025 (theo QĐ 589/QĐ-TTg điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp) |
Hiện trạng thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị năm 2020 (so sánh hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị với các chỉ tiêu trong QĐ 589/QĐ-TTg) |
||||||
Loại đô thị hiện hữu |
Phạm vi phục vụ (%) |
Đô thị có giải pháp thu gom xử lý tái sử dụng nước |
Đô thị không ngập úng (%) |
Phạm vi phục vụ (%) |
So với 589/QĐ-TTg |
Đô thị có giải pháp thu gom xử lý tái sử dụng nước |
Tình trạng ngập úng |
||
* Các đô thị hiện trạng: |
|||||||||
1 |
Đô thị Rạch Giá |
II |
>80 |
có giải pháp |
100 |
44,6 % |
thiếu 35,4 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
2 |
Đô thị Phú Quốc |
II |
>80 |
có giải pháp |
100 |
52,4 % |
thiếu 27,6 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
3 |
Đô thị Hà Tiên |
III |
>80 |
có giải pháp |
100 |
26,1 % |
thiếu 53,9 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
4 |
Đô thị Kiên Lương |
IV |
>80 |
có giải pháp |
100 |
16,9 % |
thiếu 63,1 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
5 |
Đô thị Hòn Đất |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
24,9 % |
thiếu 55,1 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
6 |
Đô thị Sóc Sơn |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
60,6 % |
thiếu 19,4 % |
có quy hoạch |
không ngập |
7 |
Đô thị Minh Lương |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
22,1 % |
thiếu 57,9 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
8 |
Đô thị Giồng Riềng |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
19,4 % |
thiếu 60,6 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
9 |
Đô thị Tân Hiệp |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
9,2 % |
thiếu 70,8 % |
có quy hoạch |
không ngập |
10 |
Đô thị Gò Quao |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
60,3 % |
thiếu 19,7 % |
có quy hoạch |
không ngập |
11 |
Đô thị Thứ Ba |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
21,3 % |
thiếu 58,7 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
12 |
Đô thị Thứ Mười Một |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
34,6 % |
thiếu 45,4 % |
có quy hoạch |
không ngập |
13 |
Đô thị Vĩnh Thuận |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
31,8 % |
thiếu 41,9 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
14 |
Đô thị Hòn Tre |
V |
>80 |
có giải pháp |
100 |
2,5 % |
thiếu 77,5 % |
có quy hoạch |
không ngập |
* Các đô thị hình thành mới: |
|||||||||
1 |
Đô thị Đầm Chít |
- |
>80 |
có giải pháp |
100 |
30,0 % |
thiếu 50,0 % |
có quy hoạch |
ngập cục bộ |
2 |
Đô thị Tắc Cậu |
- |
- |
- |
- |
- |
- |
- |
|
3 |
Đô thị Thứ Bảy |
- |
>80 |
có giải pháp |
100 |
42,5 % |
thiếu 37,5 % |
có quy hoạch |
không ngập |
4 |
Đô thị U Minh Thượng |
- |
>80 |
có giải pháp |
100 |
41,8 % |
thiếu 38,2 % |
có quy hoạch |
không ngập |
Nguồn: Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050
BẢNG SO SÁNH HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
THẢI ĐÔ THỊ VỚI CÁC CHỈ TIÊU TRONG QUYẾT ĐỊNH 589/QĐ-TTg ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG
THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải
ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
STT |
Tên đô thị |
Loại đô thị |
Chỉ tiêu thoát nước thải đô thị giai đoạn 2020-2025 (theo 589/QĐ-TTg điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp) |
Hiện trạng thoát nước thải đô thị năm 2020 (so sánh hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị với các chỉ tiêu trong QĐ 589/QĐ-TTg) |
|||||||
Nước thải được thu gom và xử lý (%) |
Phạm vi phục vụ (%) |
Nước thải được thu gom và xử lý đạt chuẩn (%) |
Nước thải sau xử lý được tái sử dụng (%) |
Nước thải được thu gom và xử lý (%) |
Phạm vi phục vụ (%) |
So sánh với QĐ 589/QĐ-TTg |
Nước thải được thu gom và xử lý đạt chuẩn (%) |
Nước thải sau xử lý được tái sử dụng (%) |
|||
* Các đô thị hiện hữu: |
|||||||||||
1 |
Đô thị Rạch Giá |
II |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
44,60% |
thiếu 35,4 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
2 |
Đô thị Phú Quốc |
II |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
52,40% |
thiếu 27,6 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
3 |
Đô thị Hà Tiên |
III |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
26,10% |
thiếu 53,9 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
4 |
Đô thị Kiên Lương |
IV |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
16,90% |
thiếu 63,1 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
5 |
Đô thị Hòn Đất |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
24,90% |
thiếu 55,1 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
6 |
Đô thị Sóc Sơn |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
60,60% |
thiếu 19,4 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
7 |
Đô thị Minh Lương |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
22,10% |
thiếu 57,9 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
8 |
Đô thị Giồng Riềng |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
19,40% |
thiếu 60,6 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
9 |
Đô thị Tân Hiệp |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
9,20% |
thiếu 70,8 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
10 |
Đô thị Gò Quao |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
60,30% |
thiếu 19,7 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
11 |
Đô thị Thứ Ba |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
21,30% |
thiếu 58,7 % |
chưa được xử lý |
chua tái sử dụng |
12 |
Đô thị Thứ Mười Một |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
34,60% |
thiếu 45,4 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
13 |
Đô thị Vĩnh Thuận |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
31,80% |
thiếu 41,9 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
14 |
Đô thị Hòn Tre |
V |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
2,50% |
thiếu 77,5 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
* Các đô thị hình thành mới: |
|||||||||||
1 |
Đô thị Đầm Chít |
- |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
13,8 % |
thiếu 66,2 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
2 |
Đô thị Tắc Cậu |
- |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
- |
- |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
3 |
Đô thị Thứ Bảy |
- |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
42,5 % |
thiếu 37,5 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
4 |
Đô thị U Minh Thượng |
- |
20 |
>80 |
80 |
20-30 |
không đạt |
41,8 % |
thiếu 38,2 % |
chưa được xử lý |
chưa tái sử dụng |
Nguồn: Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
TỔNG HỢP ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THOÁT NƯỚC
VÀ CHỐNG NGẬP ÚNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN
ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý rác thải, nước thải
ở các đô thị, khu dân cư giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”)
STT |
Tên đô thị |
Hiện trạng thoát nước năm 2020 |
Định hướng Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị |
Vị trí |
Quy mô |
I |
Đô thị hiện trạng |
||||
|
Đô thị loại II |
||||
1 |
Rạch Giá |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có hệ thống thu gom nước mưa, nhưng hiệu suất chưa cao |
Thực hiện Dự án quy hoạch thoát nước thành phố Rạch Giá (theo QĐ 1669/QĐ-UBND tỉnh Kiên Giang ngày 17/7/2020) |
tại 11 lưu vực theo quy hoạch |
5.934,67 ha |
Hệ thống xử lý nước thải |
Đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu 3 Đô thị Phú Cường công suất 2.250 m3/ng.đêm |
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại 4 phường Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc (theo QĐ 1888/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 24/8/2018) |
Phường Vĩnh Thanh P. Vĩnh Thanh Vân Phường Vĩnh Bảo Phường Vĩnh Lạc |
57.000 (m3/ng.đêm) |
|
2 |
Phú Quốc |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có hệ thống thu gom nước mưa, một số đã xuống cấp |
+ Xây dựng tuyến đường ven biển Bãi Trường. + Xây dựng công viên bờ biển ở khu vực Bãi Trường. + Xây dựng hồ điều tiết nước cho khu vực thị trấn Dương Đông. + Xây dựng kè chống lấn chiếm rạch Ông Trì, rạch Somaco và sông Dương Đông. |
+ xã Dương Tơ + Bãi Trường. + thị trấn Dương Đông. + thị trấn Dương Đông. |
+ 10,68 km. + theo hồ sơ thiết kế được duyệt. + theo hồ sơ thiết kế được duyệt. + theo hồ sơ thiết kế được duyệt. |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải cho đô thị |
Theo quy hoạch vùng tỉnh Kiên Giang. (Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/05/2010 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030) |
+ Dương Đông + Bãi Dài + Hàm Ninh + An Thới + Mũi Đất Đỏ |
+ Dương Đông: Q= 30.000 m3/ng.đêm. + Bãi Dài: Q= 4.000 m3/ng.đêm. + Hàm Ninh: Q= 3.000 m3/ng.đêm. + An Thới: Q= 25.000 m3/ng.đêm. + Mũi Đất Đỏ: Q= 4.000 m3/ng.đêm. |
|
Dự án kêu gọi đầu tư: Dự án xử lý nước thải Phú Quốc: Chiều dài tuyến 59.412m (theo QĐ 1888/QĐ- UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 24/8/2018) |
Dương Đông |
Q= 20.000 (m3/ng.đêm) |
|||
Đô thị loại III |
|||||
3 |
Hà Tiên |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp, một số chưa kết nối với đường cống chính. |
+ Cải tạo khôi phục hệ thống thoát nước đường Ông Ích Đường nối dài. + Cải tạo mở rộng kênh Rạch Vượt - kênh 1000 + Cải tạo hệ thống thoát nước phường Mỹ Đức. + Cải tạo mở rộng kênh Đồn Tả + Cải tạo mở rộng kênh Rạch Ụ (Bình San). + Khôi phục các miệng xả trên địa bàn thành phố Hà Tiên. |
+ Đường Ông Ích nối dài. + Tại kênh Rạch Vượt - kênh 1000. + Phường Mỹ Đức. + Kênh Đồn Tả. + Kênh Rạch Ụ (Bình San). + Các miệng xả trong thành phố Hà Tiên. |
theo hồ sơ thiết kế được duyệt |
|
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải cho đô thị |
Dự án kêu gọi đầu tư: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải (theo QĐ 1888/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 24/8/2018) |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 11.500 (m3/ng.đêm) |
|
Đô thị loại IV |
||||
4 |
Kiên Lương |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp |
Cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước chung, xây dựng mới hệ thống cống cho khu vực Kiên Lương |
vị trí cụ thể xác định theo hồ sơ khảo sát |
theo hồ sơ được duyệt |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải cho đô thị |
Xây dựng 4 trạm xử lý nước thải (theo QĐ 483/QĐ-UBND tỉnh Kiên Giang ngày 11/2/2010) |
khu đô thị mới Khu công nghiệp khu vực Hòn Chông |
Q= 83.600 (m3/ng.đêm) |
|
|
Đô thị loại V |
||||
5 |
Minh Lương |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp |
Cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước chung cho thị trấn (theo kế hoạch hàng năm của thị trấn) |
vị trí cụ thể xác định theo hồ sơ khảo sát |
theo hồ sơ được duyệt |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải đô thị. Riêng tại Cảng cá Tắc Cậu thuộc xã Bình An đã có TXLNT có công suất 400m3/ngày.đêm |
Xây dựng trạm xử lý nước thải theo quy hoạch đô thị (đang tiến hành lập) |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
theo quy hoạch được duyệt |
|
6 |
Giồng Riềng |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu tâm thị trấn (theo QĐ 212/QĐ-UBND tỉnh ngày 25/01/2016) |
thị trấn Giồng Riềng |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 51.371 m, đường kính từ D600-2000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Xây dựng 4 trạm xử lý nước thải cho toàn đô thị |
Tại các khu: Khu 1, khu 3, khu 4, khu 5 thị trấn Giồng Riềng |
Q= 3.890 (m3/ng.đêm) |
|
Xây dựng Hệ thống thu gom và xử lý nước thải (theo quyết định 1019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 03 tháng 5 năm 2019 phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2019) |
thị trấn Giồng Riềng |
Theo hồ sơ được duyệt |
|||
7 |
Tân Hiệp |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu tâm thị trấn Tân Hiệp (theo QĐ 288/QĐ-UBND tỉnh ngày 7/4/2010) |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 95.332 m, đường kính từ D400-1400 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến (3 ha) |
thị trấn Tân Hiệp |
Q= 3.200 (m3/ng.đêm) |
|
8 |
Vĩnh Thuận |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn, một số đã xuống cấp |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu trung tâm thị trấn, (theo QĐ 1272/QĐ-UBND tỉnh ngày 22/6/2015) |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 17.572 m, đường kính từ D1000-1200 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải thị trấn Vĩnh Thuận (theo quyết định 1888/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 24/8/2018 kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và QĐ 1272/QĐ-UBND tỉnh ngày 22/6/2015) |
Lưu vực 1: khu C,D,E Lưu vực 2: khu A,B,F |
Q= 4.560 (m3/ng.đêm) |
|
9 |
Hòn Đất |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu khu tâm thị trấn theo QĐ 2557/QĐ-UBND huyện Hòn Đất ngày 22/7/2009 |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 55.668m, đường kính từ D400-1000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Xây dựng 3 trạm xử lý nước thải |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 4.400 (m3/ng.đêm) |
|
|
Sóc Sơn |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu khu tâm thị trấn theo QĐ 2396/QĐ-UBND huyện Hòn Đất ngày 16/8/2007 |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 32.784m, đường kính từ D400-1000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Nước thải sinh hoạt xử lý cục bộ tại các hộ gia đình và các công trình công cộng |
tại các hộ gia đình và các công trình công cộng |
theo lượng nước thải thực tế tại công trình |
|
1 |
Gò Quao |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu khu tâm thị trấn theo QĐ 2857/QĐ-UBND tỉnh ngày 15/12/2016) |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 48.853m, đường kính từ D200-2000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải |
Khu vực 1: khu D và E Khu vực 2: khu A, B, C |
Q= 1.973 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
Thứ Ba |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu khu tâm thị trấn theo QĐ 2856/QĐ-UBND tỉnh ngày 15/12/2016 |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 52.474m, đường kính từ D400-2000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (theo QĐ 2856/QĐ-UBND tỉnh ngày 15/12/2016) |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 1.880 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
Thứ Mười Một |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm thị trấn |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu tâm thị trấn theo QĐ 1935/QĐ-UBND tỉnh 12/3/2010 |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 46.825m, đường kính từ D800-1500 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 2.800 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
Hòn Tre |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa theo QĐ 1008/QĐ-UBND huyện Kiên Hải ngày 26/11/2019 |
theo quy hoạch được duyệt |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 8.794m, đường kính từ D400-1000 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 500 (m3/ng.đêm) |
|
I |
Các đô thị thành lập mới |
|
|
|
|
1 |
Đầm Chít |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa theo QĐ 2999/QĐ-UBND tỉnh Kiên Giang 24/12/2008 |
theo quy hoạch được duyệt |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 38.786m, đường kính từ D400-1500 |
Đầu tư tuyến cống khu dân cư Đầm Chít |
đã xuống cấp |
Đầu tư tuyến cống khu dân cư Đầm Chít |
khu dân cư Đầm Chít |
Theo hồ sơ thiết kế được duyệt |
|
Đầu tư tuyến thoát nước quốc lộ N1 đoạn từ trung tâm hành chính huyện đến chợ Đầm Chít |
đã xuống cấp |
Đầu tư tuyến thoát nước quốc lộ N1 đoạn từ trung tâm hành chính huyện đến chợ Đầm Chít |
quốc lộ N1 đoạn từ trung tâm hành chính huyện đến chợ Đầm Chít |
Theo hồ sơ thiết kế được duyệt |
|
Đầu tư tuyến cống đô thị Đầm Chít - Tân Khánh Hòa |
đã xuống cấp |
Đầu tư tuyến cống đô thị Đầm Chít - Tân Khánh Hòa |
Đầm Chít - Tân Khánh Hòa |
Theo hồ sơ thiết kế được duyệt |
|
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước |
|
|
|
16 |
ĐTM Thứ Bảy |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu đô thị thứ 7 (theo QĐ 2417/QĐ-UBND tỉnh ngày 14/11/2011) |
vị trí cụ thể xác định theo quy hoạch |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 25.864m, đường kính từ D600-1200 |
Đầu tư rãnh dọc khu B thuộc đô thị Thứ 7 theo đề xuất của địa phương |
Rãnh đã xuống cấp |
Đầu tư rãnh dọc khu B thuộc đô thị Thứ 7 |
khu B |
Theo hồ sơ thiết kế được duyệt |
|
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 2.246 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
U Minh Thượng |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có các tuyến thu gom nước mưa trong khu trung tâm |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu đô thị U Minh Thượng theo quy hoạch chung thị trấn |
thị trấn U Minh Thượng |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 72.115m, đường kính từ D600-1200 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải |
theo quy hoạch được duyệt |
Q= 1.440 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
ĐTM Thuận Hưng |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
chưa có hệ thống thu gom nước mưa |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu đô thị Thuận Hưng theo quy hoạch đô thị được duyệt |
Đô thị Thuận Hưng |
Hệ thống thoát nước mưa tổng chiều dài 30.210m, đường kính từ D800-1200 |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đầu tư xây dựng 2 trạm xử lý nước thải |
theo quy hoạch được duyệt |
Q1= 1.650 Q2= 1.650 (m3/ng.đêm) |
|
1 |
Lại Sơn |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Đã có rãnh thu gom nước mưa tại Bãi Nhà và Bãi Thiên Tuế |
Xây dựng hệ thống thoát nước mưa theo quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới. |
Đô thị Lại Sơn |
Rãnh và cống thoát nước đường kính từ D600 tổng chiều dài cống và rãnh 16.712m |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống xử lý nước thải |
Đề xuất đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 80% lượng nước cấp. |
tại Bãi Nhà và Bãi Thiên Tuế |
Tổng công suất Q= 1.000 (m3/ng.đêm) |
|
2 |
An Sơn |
|
|
|
|
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Chưa có rãnh thu gom nước mưa |
Đề xuất đầu tư xây các tuyến cống, rãnh thu gom nước mưa |
Củ Tron, Bãi Ngự |
Rãnh và cống thoát nước đường kính từ D600 tổng chiều dài cống và rãnh 12.050 m |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải |
Đề xuất đầu tư xây dựng 2 trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 80% lượng nước cấp. |
Củ Tron, Bãi Ngự |
Tổng công suất Q= 1.000 (m3/ng.đêm) |
|
2 |
Đô thị Tân Khánh Hòa và Vĩnh Phú (thuộc huyện Giang Thành); ĐTM Tắc Cậu (thuộc huyện Châu Thành); ĐTM xẻo Nhàu (thuộc huyện An Minh); Đô thị Thổ Sơn và Mỹ Lâm (thuộc huyện Hòn Đất); Đô thị Thổ Chu (thuộc huyện Phú Quốc); Đô thị Thạnh Đông, Thạnh Đông A và Cây Dương (thuộc huyện Tân Hiệp); Đô thị Định An (thuộc huyện Gò Quao); Đô thị Long Thạnh (thuộc huyện Giồng Riềng); Đô thị Bình Minh (thuộc huyện Vĩnh Thuận); Đô thị Nhà Ngang (thuộc huyện U Minh Thượng). |
||||
|
Hệ thống thoát nước mưa |
Chưa có rãnh thu gom nước mưa |
Tỷ lệ bao phủ hệ thống thoát nước mưa 70-80% đô thị. |
theo quy hoạch |
Theo quy hoạch được duyệt |
Hệ thống xử lý nước thải |
chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải |
Tỷ lệ bao phủ hệ thống thoát nước thải 70-80% đô thị. Tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 10% (theo chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trong chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Kiên Giang) |
Nguồn: theo Quyết định số 2892/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày 16/12/2020 Phê duyệt Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
1 Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020
2 Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Kiên Giang năm 2019
3 Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025; Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
4 Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020
5 Theo Định hướng phát triển thoát nước và chống ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050
6 Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 01/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Hành động về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang về Quy định quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây