Quyết định 555/QĐ-BNN-TT năm 2021 về Phê duyệt \"Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030\" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 555/QĐ-BNN-TT năm 2021 về Phê duyệt \"Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030\" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 555/QĐ-BNN-TT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Lê Quốc Doanh |
Ngày ban hành: | 26/01/2021 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 555/QĐ-BNN-TT |
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Lê Quốc Doanh |
Ngày ban hành: | 26/01/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 555/QĐ-BNN-TT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VA 2030”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/QĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-BNN-KH ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo”;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng vụ Kế hoạch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và 2030”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Quyết định này thay thế Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VÀ 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BNN-TT ngày
tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Quan điểm
Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của số đông nông dân, an sinh và ổn định xã hội và là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng đồng bằng sản xuất lúa trọng điểm. Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, ngành lúa gạo cần được tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2025 và 2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu (i) đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (ii) nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (iii) hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo (iv) thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (v) sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái (vi) nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng (vii) xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
b) Một số chỉ tiêu cụ thể
i) Chỉ tiêu đến năm 2025
- Giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7,0-7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn.
- Xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15%, sản phẩm chế biến từ gạo 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%; sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) trên 60%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 10%.
- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.
- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%.
- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 70%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 90%.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%.
- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.
- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.
ii) Chỉ tiêu đến năm 2030
- Giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm.
- Xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 45%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%, giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.
- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%.
- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 5%.
- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 80%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 100%.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất - tiêu thụ khoảng 50%.
- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.
- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 10%.
II. GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO
a) Chuyển đổi diện tích đất lúa và diện tích gieo trồng lúa
- Chuyển đổi đất lúa ưu tiên nơi sản xuất lúa hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, hạn, ngập úng sang các mục đích nông nghiệp khác có hiệu quả cao. Hạn chế việc chuyển đổi đất lúa có độ phì cao, năng suất cao, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất lúa.
- Diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi linh hoạt theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa luân canh (với rau màu, thủy sản) đáp ứng nhu cầu thị trường.
b) Định hướng sản xuất lúa theo vùng
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, đây là vùng có lợi thế trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và có khối lượng lúa dư thừa lớn để cung cấp cho thị trường ngoài vùng và 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, đây lại là vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất; trong đó xâm nhập mặn và hạn gia tăng, đồng thời với sự thiếu hụt nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long do việc xây dựng thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông. Ngoài ra, hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo lúa thấp là một trở ngại cho sự phát triển bền vững của vùng lúa trọng điểm của cả nước. Vì vậy, định hướng cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng lúa gạo; mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ; chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản và tăng diện tích lúa luân canh với thủy sản (tôm - lúa, lúa - cá) hoặc rau, màu.
- Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa của phía Bắc, là vùng sản xuất lúa có trình độ thâm canh cao, năng suất cao, đảm bảo nguồn nước tưới với hệ thống thủy lợi khá tốt. Cơ cấu hai vụ lúa (vụ xuân - vụ mùa) ổn định, với các trà lúa chủ lực là xuân muộn và mùa sớm, trong đó một phần diện tích được luân canh với cây trồng vụ đông. Sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa, bao gồm thị trường lớn là Hà Nội và các đô thị trong vùng, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Hạn chế sản xuất lúa của vùng là mức độ cơ giới hóa thấp, năng suất lao động thấp. Định hướng cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng là sản xuất lúa chất lượng cao theo thị hiếu tiêu dùng trong vùng, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica; tăng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao.
- Vùng đồng bằng ven biển miền Trung (Bắc Trung Bộ - Nam Trung Bộ), ổn định sản xuất lúa 2 vụ ở các vùng chủ động được nguồn nước tưới và chuyển đổi diện tích lúa ở các nơi khó khăn về nguồn nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng khác ngô (bao gồm ngô sinh khối), đậu, mè, cỏ chăn nuôi,... Hạn chế của sản xuất lúa của vùng là ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan (bão, lũ, ngập, hạn) gia tăng. Định hướng sản xuất cho vùng là thích ứng với các điều kiện bất lợi, nâng cao năng suất lúa vùng có tưới, sử dụng giống lúa có chất lượng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng địa phương, giống phục vụ nhu cầu chế biến, ở một số địa bàn có thể sản xuất lúa đặc sản phục vụ cho khách du lịch. Chuyển đổi vụ lúa bấp bênh sang cây trồng khác như rau, đậu, ngô (bao gồm ngô sinh khối, cỏ chăn nuôi),...
- Các vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên, cần tập trung thâm canh tăng năng suất lúa ở nơi có điều kiện nước tưới, phát triển lúa đặc sản, lúa nếp, lúa japonica và tăng tính đa dạng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Gìn giữ các di sản vùng lúa như ruộng bậc thang, vùng lúa đặc sản địa phương,... gắn với phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.
c) Phát triển giống lúa
i) Định hướng cơ cấu giống
Cơ cấu giống lúa được xây dựng cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái trồng lúa. Ngành nông nghiệp ở các vùng, tiểu vùng xác định giống lúa chủ lực, giống lúa bổ sung theo nhu cầu thị trường để hướng dẫn nông dân sử dụng, chấm dứt tình trạng sử dụng quá nhiều giống lúa ở mỗi địa phương.
Đối với đồng bằng sông Cửu Long, định hướng cơ cấu giống phục vụ cho xuất khẩu giá trị cao và thị hiếu tiêu dùng gạo ngon trong nước gia tăng. Theo đó cơ cấu giống có tỷ lệ diện tích gieo trồng như sau: giống lúa thơm, lúa đặc sản 35%, lúa chất lượng cao (gạo trắng thon, dài, cơm mềm) 40%, lúa nếp, lúa japonica 15%, lúa chất lượng trung bình 10%. Ngoài đặc tính về chất lượng gạo, các giống lúa cần có tính thích nghi với từng tiểu vùng (mặn, hạn, ngập) và kháng các loại sâu bệnh hại chủ yếu (rầy nâu, đạo ôn).
Đối với đồng bằng sông Hồng, định hướng cơ cấu giống phục vụ cho thị trường nội địa với các giống lúa thơm, chất lượng gạo, cơm ngon. Tỷ lệ diện tích gieo trồng giống chất lượng cao; bao gồm, giống đặc sản địa phương, lúa thơm, lúa nếp và lúa japonica chiếm khoảng 60%, giống năng suất cao khoảng 40%. Giống lúa có thời gian sinh trưởng ngăn, phù hợp cho cả vụ xuân muộn và mùa sớm và kháng các loại sâu bệnh hại chủ yếu (rầy nâu, bạc lá, đạo ôn).
Đối với các vùng khác, chủ yếu sử dụng giống năng suất cao, kháng sâu bệnh, giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày (để né hạn, lũ) và tùy theo sinh thái các tiểu vùng có thể bố trí các giống chất lượng cao, giống đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica.
ii) Sản xuất, kinh doanh giống
Khuyến khích các doanh nghiệp hiện đại hóa sản xuất - chế biến hạt giống lúa đảm bảo cung cấp đủ hạt giống xác nhận cho sản xuất. Phát triển hệ thống sản xuất giống lúa 4 cấp hoàn chỉnh (giống tác giả, siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận) nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong sản xuất lúa. Đối với một số giống đặc biệt cho xuất khẩu hoặc an ninh lương thực, nhà nước có thể thương lượng mua bản quyền tác giả để mọi doanh nghiệp đều có thể sản xuất giống cung cấp cho sản xuất.
d) Ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt
Hệ thống các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...); ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Hệ thống các quy trình này giúp tiết kiệm đầu vào gồm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn hóa học, lượng lúa giống, nước tưới, nhưng tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái vùng lúa và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt cần được nhân rộng, tùy điều kiện địa phương có thể lựa chọn hoặc kết hợp các biện pháp kỹ thuật trong quy trình.
Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa, cánh đồng lớn 4.0, theo hướng canh tác chính xác, trước nhất cho vùng lúa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Lựa chọn những vùng sinh thái đặc thù để phát triển lúa hữu cơ như vùng sản xuất lúa - tôm ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long hoặc các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương.
đ) Cơ giới hóa sản xuất lúa
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, nhất là ở những vùng có mức độ cơ giới hóa thấp như miền núi phía Bắc và Tây nguyên; trong các khâu có mức độ ứng dụng cơ giới thấp như cấy/gieo sạ và chăm sóc (bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật). Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức cơ giới hóa cao cần tiến đến đạt cơ giới hóa đồng bộ, trong đó một số khâu có thể từng bước tự động hóa ví dụ sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học hoặc ứng dụng công nghệ cao như san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, điều khiển tự động nước tưới, ……….
- Hoàn thiện chính sách về tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa và các chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn vay với điều kiện dễ dàng cho nông dân để kiến thiết đồng ruộng, mua máy móc thiết bị, hỗ trợ tập huấn cho nông dân và công nhân kỹ thuật, phát triển dịch vụ cơ giới và sửa chữa máy móc ở nông thôn và hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp để kinh doanh, chế tạo máy nông nghiệp và đổi mới công nghệ. Nhà nước có chính sách đặc biệt hỗ trợ phát triển những cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ liên kết với tiêu thụ và phát triển trên diện rộng các mô hình tự động hóa trong sản xuất lúa.
e) Sau thu hoạch, bảo quản và chế biến lúa gạo
- Tăng cường ứng dụng máy sấy 2 giai đoạn (sấy tầng sôi ở giai đoạn 1 và sấy tháp ở giai đoạn 2) nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi gạo trắng và chất lượng gạo.
- Rà soát tích lượng kho chứa lúa gạo cả nước, thu hẹp chênh lệch tích lượng kho chứa lúa và chứa gạo ở các vùng sản xuất trọng điểm theo hướng xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa lúa có hệ thống đồng bộ sấy, làm sạch, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vận hành để nâng cao chất lượng bảo quản; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tồn trữ lúa khô bằng silo.
- Thực hiện quy trình “xay xát một giai đoạn duy nhất” từ lúa khô ẩm độ khoảng 14% trực tiếp ra gạo thay cho quy trình “ngược” xay bóc vỏ lúa còn ẩm độ cao ra gạo lức, sau đó vận chuyển, tồn trữ gạo lức ở nơi khác để xay xát, đánh bóng gạo, sấy gạo, gây ra tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng gạo thấp. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu làm sạch, phân loại và tách màu để cải thiện hơn nữa chất lượng của gạo sau khi xay xát; ứng dụng dây chuyền đóng gói gạo tự động. Nâng trình độ chế biến gạo đạt mức tiên tiến của thế giới.
- Khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị. Từ cám gạo và gạo có thể chế biến sâu thành nhiều loại sản phẩm có giá trị cao cho ngành thực phẩm, dược và mỹ phẩm như dầu ăn cao cấp, sáp cám gạo, sữa gạo lứt, sản phẩm từ bột gạo, tinh chất oryzanol,... Rơm rạ có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất giấy hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Trấu được tái chế thành củi trấu, sản xuất gas sinh học (khí hóa trấu), làm nguyên liệu xây dựng sạch, than hoạt tính,...
- Nhà nước tiếp tục bổ sung các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ, đồng thời hình thành các cụm chế biến công nghệ cao liên kết với vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến và thị trường.
e) Kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm
- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên vật tư đầu vào cho sản xuất lúa chủ yếu gồm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, sử dụng trong sản xuất; chấm dứt tình trạng nông dân sử dụng vật tư giả hoặc kém chất lượng. Tăng kiểm tra lấy mẫu phân tích hậu kiểm các tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong gạo. Chủ động cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho người sản xuất lúa và doanh nghiệp tiêu thụ.
- Mở rộng ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt để giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng các quy trình tiên tiến trong bảo quản, chế biến lúa, gạo. Khuyến khích sản xuất lúa có chứng nhận (trong nước hoặc quốc tế) ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bền vững và truy xuất nguồn gốc, trong đó có hỗ trợ cho chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ.
- Khuyến khích sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân bón nano cho sản xuất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân bón hóa học, đồng thời nâng cao chất lượng lúa, gạo.
- Hỗ trợ các dịch vụ phân tích kiểm tra tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gạo phục vụ cho thương mại trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích đầu tư phòng kiểm định chất lượng lúa, gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhận thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo; quảng bá về chất lượng và tính an toàn của gạo Việt Nam trên thế giới.
- Tiếp tục nhân rộng phương thức nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là trụ cột của chuỗi giá trị lúa gạo. Mục tiêu phát triển ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị không thể đạt được nếu thiếu mối liên kết này.
- Để mở rộng diện tích sản xuất lúa có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện tốt các chủ trương của nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã ban hành gồm: hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.
- Thực tiễn cho thấy trở ngại lớn nhất cho liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện kinh doanh có liên kết (đòi hỏi vốn lớn, thời gian vay dài) và nông dân thiếu điều kiện sản xuất như kiến thiết đồng ruộng, cơ giới hóa, vật tư đầu tư đầu vào. Vì vậy, sự tham gia của ngành ngân hàng trong cung cấp thuận lợi vốn cho doanh nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước trong nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng sản xuất là hai trụ cột cho sự phát triển mối liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Bên ngoài các thể chế, văn hóa đối tác như niềm tin, sự tin cậy, sự quý trọng chữ tín giữa nông dân và doanh nghiệp cần được đề cao và phát huy.
a) Thị trường trong nước
- Sản xuất lúa trừ đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng nội địa. Vì vậy, phát triển thị trường gạo trong nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của ngành lúa gạo. Hiện nay và trong tương lai về số lượng nguồn cung gạo cho thị trường nội địa được bảo đảm, nhưng về tính hiệu quả cần tiếp tục nâng cao theo các hướng (i) phát triển chuỗi cung ứng gạo đến các trung tâm tiêu thụ lớn (ii) phát triển hệ thống bán lẻ ở khu vực nông thôn, đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn cung mọi thời điểm (iii) mọi loại gạo đều phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (iv) đa dạng hóa chủng loại gạo phù hợp với các phân khúc thị trường.
- Xu hướng chung trong tiêu thụ gạo nội địa là nhu cầu các loại gạo đặc sản, gạo thơm, chất lượng cao và gạo hữu cơ gia tăng, đồng thời là nhu cầu gạo cho chế biến gia tăng. Vì vậy, các vùng sản xuất cho tiêu thụ nội địa cần có cơ cấu giống phù hợp, trong đó ngoài các giống chủ lực cần khai thác các giống đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
b) Xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu
- Tiếp tục thực hiện Chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 03/7/2017) và Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015).
- Tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu, trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (MRL), truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng, hương vị gạo.
- Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
- Hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, lồng ghép với quảng bá du lịch và các mục tiêu khác.
4. Nâng cao tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và điều kiện bất lợi, rủi ro
a) Chống chịu đối với biến đổi khí hậu
- Biện pháp thích nghi: sử dụng giống lúa có tính chống chịu cao với điều kiện ngoại cảnh bất lợi (chống chịu mặn, hạn, nóng, ngập) và kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn để né mặn, hạn, lũ; điều chỉnh thời vụ gieo cấy dựa trên cảnh báo sớm về điều kiện thủy văn, thay đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa như áp dụng cơ cấu tôm - lúa cho vùng nhiễm mặn, luân canh lúa - cây trồng cạn ngắn ngày cho vùng hạn; phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển. Hoàn thiện, bổ sung hệ thống bản đồ cảnh báo xâm nhập mặn, hạn, ngập lụt cho các vùng lúa trọng điểm làm cơ sở để chỉ đạo linh hoạt thời vụ và các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa bền vững.
- Biện pháp giảm nhẹ: chủ yếu thông qua giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa: giảm lượng phân đạm, bón vùi phân, sử dụng phân chậm tan; sử dụng, tái chế hết rơm rạ sau thu hoạch, chấm dứt việc đốt rơm rạ; giảm lượng nước tưới (san bằng mặt ruộng, tưới ướt khô xen kẽ).
- Tùy theo điều kiện cụ thể, các thành phần trong biện pháp thích ứng hoặc giảm nhẹ trên có thể được lựa chọn để tổng hợp thành quy trình sản xuất lúa thông minh đối với biến đổi khí hậu hoặc lồng ghép trong các quy trình sản xuất thực hành tốt như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, SRI, SRP,... Ngoài ra, một số biện pháp công nghệ cao, công nghệ số phù hợp cho hiện đại hóa, tự động hóa sản xuất lúa cần được khuyến khích thử nghiệm để tổng kết nhân rộng.
- Xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận canh tác lúa các - bon thấp, lúa thông minh với biến đổi khí hậu để làm cơ sở tích hợp giá trị ứng phó biến đổi khí hậu vào giá trị lúa gạo, tiến tới bán chứng chỉ cacbon trong sản xuất lúa gạo
b) Quản lý rủi ro
- Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác cảnh báo sớm (cảnh báo lũ, mặn, sạt lở), dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; triển khai chương trình bảo hiểm sản xuất nông nghiệp cho lúa gạo (hỗ trợ và khuyến khích nông dân mua bảo hiểm, khuyến khích các công ty bảo hiểm tham gia thị trường).
- Hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật cho nông dân trồng lúa khôi phục sản xuất và ổn định sinh kế trong trường hợp có thiên tai lớn; hỗ trợ kịp thời gạo cho người dân vùng bị ảnh hưởng từ nguồn gạo dự trữ quốc gia và đảm bảo dự trữ quốc gia lúa giống để hỗ trợ kịp thời cho nông dân tái sản xuất.
- Áp dụng các quy trình sản xuất lúa thích nghi tốt với điều kiện bất lợi, đa dạng hóa sản xuất trên đất lúa và thu nhập nông dân; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
- Quản lý rủi ro là hoạt động mang tính xã hội cao, vì vậy cần nâng cao nhận thức của nông dân sản xuất lúa và huy động sự vào cuộc của cộng đồng cùng chung sức trong quản lý rủi ro.
5. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa của lúa gạo
a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên
(i) Tài nguyên nước
- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để hoàn thành nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng trên toàn bộ diện tích canh tác lúa, đồng bộ với kiến thiết đồng ruộng, mở rộng quy mô lô thửa, sử dụng hệ thống bơm điện và cơ giới hóa sản xuất. Nâng cao năng lực quản lý nước cộng đồng ở các cánh đồng lớn, hợp tác xã,... Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa tiết kiệm nước như san bằng mặt ruộng, tưới ướt khô xen kẽ, chuyển đổi hệ thống sản xuất trên đất lúa theo hướng luân canh như cơ cấu tôm - lúa hoặc lúa - cây trồng cạn, sử dụng giống lúa chịu hạn và điều chỉnh thời vụ gieo cấy lúa để thích ứng với điều kiện sử dụng nước tối thiểu và né được xâm nhập mặn hoặc hạn cuối vụ.
- Quy hoạch hợp lý và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn để điều tiết, chia sẻ nguồn nước và tăng hiệu quả sử dụng nước một cách hài hòa, giảm nước thải từ sản xuất lúa vào môi trường.
- Đối với đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi để điều tiết hợp lý việc sử dụng nguồn nước giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn; xây dựng các hồ trữ và chứa nước ngọt có dung tích vừa phải, kết hợp nuôi trồng thủy sản ở các vùng có nguy cơ thiếu nước trầm trọng do hạn, xâm nhập mặn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng và hài hòa giữa các mục tiêu sử dụng nước, đặc biệt giữa sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Công đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân ở hạ nguồn.
- Đối với đồng bằng sông Hồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hệ thống trạm bơm để đảm bảo tưới, tiêu chủ động; điều tiết hợp lý việc xả nước từ các công trình thủy điện phục vụ cho sản xuất lúa.
- Đối với các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, tiến hành rà soát các vùng sản xuất thiếu nước và vùng cần dự trữ nước cho mùa khô. Tại các vùng này, trên cơ sở cân đối quỹ nước tưới lúa với các cây trồng khác, bố trí hợp lý diện tích gieo trồng lúa với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác; ưu tiên nâng cấp, xây dựng mới hệ thống hồ đập để chứa ngọt trong mùa mưa; phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ ở các cánh đồng nhỏ, cánh đồng thung lũng, ruộng bậc thang.
- Áp dụng phí sử dụng nước để tăng ý thức sử dụng nước tiết kiệm; chuyển kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí sang kinh phí xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi.
- Hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học để giảm áp lực ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất lúa.
- Đảm bảo việc trồng và bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật để giữ nguồn nước.
(ii) Tài nguyên đất
- Thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh lương thực lương thực quốc gia. Việc chuyển đổi đất lúa thực hiện theo các quy định pháp luật.
- Áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng, độ phì của đất lúa, ngăn chặn sự suy thoái chất lượng đất, xói mòn rửa trôi, sa mạ hóa, chua hóa gồm (i) xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng đất lúa ở các vùng sinh thái để định hướng nâng cao hiệu quả sử dụng (ii) bổ sung chất hữu cơ cho đất để giảm lượng phân bón hóa học và sử dụng cân đối nguồn dinh dưỡng cung cấp từ chất hữu cơ và phân bón vô cơ phù hợp với từng loại đất lúa, chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ (iii) giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học bằng áp dụng IPM và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học để tăng đa dạng sinh học, nhất là tăng các vi sinh vật có lợi (iv) áp dụng các tiến bộ mới về phân bón cho lúa như các loại phân chậm tan, bón phân theo nhu cầu cây, bón phân chính xác,....
- Ở những vùng đất dốc, đồi núi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất lúa, giảm xói mòn, rửa trôi (giữ rừng đầu nguồn, xây dựng ruộng bậc thang, xây dựng cây bờ chắn...) và bảo tồn đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan, ở vùng ven biển, hạn chế đất lúa bị mặn hóa bằng các giải pháp công trình và phi công trình (trồng rừng phòng hộ ven biển).
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học đối với sức khỏe đất lúa và tăng cường khuyến nông về sử dụng phân bón cho sản xuất lúa.
(iii) Các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học
- Bảo vệ tính đa dạng của nguồn gen giống lúa thông qua việc thu thập, đánh giá và bảo tồn quỹ gen giống lúa tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia để khai thác, sử dụng lâu dài và gia tăng tính đa dạng di truyền của các giống lúa sử dụng trong sản xuất thông qua chọn tạo giống, chọn thuần và sản xuất các giống lúa đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao. Xây dựng một số vùng bảo tồn nguồn gen tự nhiên và hệ thống cảnh quan ở một số vùng sinh thái trồng lúa đặc thù (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc,...).
- Bảo vệ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái lúa nước thông qua các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của thâm canh lúa đến các loài sinh vật có lợi trong ruộng lúa, áp dụng các giải pháp thu hút tăng quần thể thiên địch ở ruộng lúa, khai thác giá trị của nguồn động, thực vật trong ruộng lúa nước.
b) Bảo vệ môi trường
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đồng thời áp dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt (IPM, 3G3T, 1P5G, SRI, SRP, VietGAP,...) để giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng lượng phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất lúa, tránh các xu hướng lạm dụng hóa chất trong sản xuất hoặc quảng cáo, kinh doanh vật tư đầu vào không đúng quy định về sử dụng.
- Xây dựng cảnh quan bền vững ở vùng lúa trên các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên.
- Xây dựng và giám sát các quy định về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa gạo; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng vật tư độc hại, không rõ nguồn gốc nằm ngoài danh mục được phép; ngăn chặn các chất thải công nghiệp xâm nhập vào ruộng lúa ở những vùng sản xuất gần đô thị, khu công nghiệp.
c) Di sản và giá trị văn hóa
- Duy trì và phát huy giá trị cảnh quan của các vùng sản xuất lúa gạo mang tính đặc thù; khai thác, phát triển các giá trị tinh thần trong sản xuất lúa gạo, gồm các giá trị vật thể gắn liền với sản xuất lúa như các công trình kiến trúc, công cụ canh tác lúa..., các giá trị phi vật thể như ẩm thực, âm nhạc, lễ hội,....
- Xây dựng các điểm du lịch gắn với di sản lúa gạo như ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, vùng lúa hoang (lúa ma) Đồng Tháp Mười, vùng tôm - lúa hữu cơ Cà Mau, vùng sản xuất giống lúa bản địa đặc sản và các sản phẩm địa phương chế biến từ gạo; phát huy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong bảo tồn các di sản lúa gạo.
- Quảng bá các sản phẩm địa phương từ lúa gạo, đồng thời phát triển du lịch sinh thái để tăng nguồn thu nhập cho cộng đồng; xây dựng bảo tàng lúa gạo ở các điểm du lịch nông nghiệp, ở các trung tâm nghiên cứu lúa.
- Chú trọng đào tạo nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông về công nghệ mới trong sản xuất lúa và các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thị trường. Hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề cho nông dân trẻ đặc biệt về ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, hướng đến hình thành một thế hệ nông dân trẻ chuyên nghiệp, có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành lúa gạo.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chuyên gia khuyến nông, đặc biệt khuyến nông cấp cơ sở và khuyến nông trong doanh nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành lúa gạo cho thanh niên; tăng đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ khoa học chuyên sâu về lúa gạo trong và ngoài nước và sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ đã đào tạo ở các đơn vị công lập.
- Thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp tại chỗ cho nông dân để tạo cơ hội việc làm giúp nông dân trồng lúa tăng thêm thu nhập.
7. Vấn đề giới trong sản xuất lúa
Đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm nhẹ lao động nặng nhọc của phụ nữ trong sản xuất lúa nhất là ở các khâu gieo cấy, thu hoạch, phơi lúa. Tạo điều kiện nâng cao vai trò phụ nữ trong đưa việc ra các quyết định về sản xuất, vay vốn, tiêu thụ lúa gạo cho gia đình và lựa chọn các kỹ thuật như chọn giống; phát huy vai trò phụ nữ trong đa dạng hóa sản xuất gắn với an ninh dinh dưỡng gia đình và tăng nguồn thu nhập. Khuyến khích phụ nữ tham dự các lớp tập huấn khuyến nông, tham gia xây dựng các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật, tham gia các chương trình dạy nghề phi nông nghiệp tại địa phương để có cơ hội thêm việc làm ngoài sản xuất lúa, tăng thu nhập.
- Thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, trong đó tận dụng khả năng gạo xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thâm nhập các phân khúc gạo cao cấp, giá trị cao; hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam, tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài, tham gia các diễn đàn quốc tế về lúa gạo.
- Hợp tác với các nước trong lĩnh vực lúa gạo như chia sẻ thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi quỹ gen, đào tạo và phát triển thương mại; hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Kông và sông Hồng trong bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước chung của lưu vực. Nâng cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN về xây dựng quỹ dự trữ gạo khẩn cấp cho khu vực.
- Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ với các tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc tế. Chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ về sản xuất và chế biến lúa gạo cho các quốc gia khác, nhất là khu vực châu Phi trong khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương Nam - Nam.
9. Quản lý nhà nước trong ngành lúa gạo
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lúa gạo, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; quy định việc cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, trong đó ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về tích tụ đất đai, liên kết sản xuất - thụ, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế.
- Định hướng và huy động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lúa gạo; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phát minh sáng kiến, chọn tạo giống lúa mới,... phục vụ cho phát triển ngành lúa gạo.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất lúa, ngăn chặn sản xuất, kinh doanh, sử dụng các vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo.
- Minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh theo cơ chế thị trường.
- Đảm bảo dự trữ quốc gia về gạo và lúa giống để trợ cấp kịp thời cho người dân trong trường hợp thiên tai, rủi ro.
1. Thực hiện, hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách
a) Cơ chế, chính sách đối với đất lúa
- Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, theo đó tạo điều kiện tích tụ đất lúa, tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa quy mô lớn.
- Đánh giá, rà soát kết quả thực hiện chính sách chuyển đổi đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Do mức độ cân đối cung cầu lúa khác nhau ở từng vùng sinh thái, trong đó nhiều vùng chưa đảm bảo cân bằng cung cầu vững chắc, cần bổ sung chính sách định hướng việc chuyển đổi đất lúa trên phạm vi cả nước để tránh nguy cơ mất cân đối lớn cung cầu ở các vùng mà sản lượng lúa không dư thừa. Đối với các địa bàn sản xuất lúa trọng điểm (tính hàng hóa cao, đất phì nhiêu, thủy lợi hoàn chỉnh,...) để khuyến khích nông dân giữ đất lúa làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực; Nhà nước có chính sách đặc thù như ưu tiên tích tụ đất lúa, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo và thu nhập nông dân; chuyển đổi hỗ trợ cho các địa phương theo diện tích trồng lúa sang hỗ trợ cho các vùng sản xuất lúa trọng điểm và vùng lúa có luân canh với rau màu hoặc thủy sản.
b) Một số cơ chế, chính sách chủ yếu liên quan đến ngành lúa gạo
i) Liên kết sản xuất - tiêu thụ
Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Đối với ngành lúa gạo, ngoài các hỗ trợ trên cần bổ sung hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đủ lớn và kéo dài thời hạn vay để doanh nghiệp có điều kiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân và dự trữ lúa, gạo với sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng trong cho vay theo chuỗi giá trị.
ii) Cơ giới hóa nông nghiệp
Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa trong nông nghiệp đến năm 2025 và 2030, cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đổi mới chính sách cơ giới hóa, ngành lúa gạo có điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa không những khâu sản xuất mà toàn bộ chuỗi giá trị.
iii) Tín dụng nông nghiệp
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Trong chính sách tín dụng nông nghiệp, chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo cần được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy tích tụ đất đai, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu có thương hiệu và kết hợp chặt chẽ giữa chương trình cho vay và bảo hiểm theo chuỗi giá trị lúa gạo.
iv) Bảo hiểm nông nghiệp
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (trong đó lúa là đối tượng cây trồng được hỗ trợ bảo hiểm tại 07 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đối với cây lúa mở rộng chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho các địa bàn sản xuất lúa tập trung, phát triển loại hình sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số năng suất có ứng dụng công nghệ viễn thám giúp giảm thiểu chi phí, thời gian và tăng tính minh bạch, chính xác.
v) Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp
Thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh lúa gạo theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 (Nghị định số 57) của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu gạo có thương hiệu, chế biến sâu. Thúc đẩy sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện triển khai Nghị định số 57 đối với ngành lúa gạo nhất là cơ chế tích tụ đất đai, danh mục các dự án sản xuất - chế biến lúa gạo khuyến khích đầu tư tại địa phương.
vi) Phát triển hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt
Hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt là điểm khởi đầu cho ngành lúa gạo phát triển bền vững và hiệu quả và là cốt lõi để hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần thiết có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt.
vii) Xuất khẩu gạo
- Thực hiện hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 (Nghị định số 107) của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; xây dựng và ban hành một số chính sách cụ thể theo tinh thần Nghị định số 107 gồm (i) cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thương nhân đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo có chất lượng, giá trị gia tăng cao hoặc chế biến phế phẩm, phụ phẩm từ lúa gạo (ii) chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; nâng cao năng lực tổ chức đại diện của nông dân.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo và Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu.
viii) Đảm bảo an ninh lương thực
- Lúa gạo có vai trò làm nòng cốt cho an ninh lương thực. Vì vậy, chính sách an ninh lương thực trước nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo an tâm sản xuất, đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả cao và thu nhập cao.
- Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách để đảm bảo sản xuất lúa gạo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của toàn dân trong mọi tình huống; đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối gạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng chuyên canh lâm nghiệp để người dân có thể tiếp cận nguồn cung gạo vào mọi thời điểm; phân bố kho dự trữ gạo quốc gia ở một số địa bàn nhạy cảm thiếu lương thực cục bộ. Trường hợp những vùng khó khăn vào thời điểm giáp hạt hoặc gặp thiên tai, nhà nước hỗ trợ cung cấp gạo cứu đói kịp thời.
- Khuyến khích đa dạng hóa sản xuất và nguồn thu nhập của nông dân để giảm lượng gạo tiêu thụ trên đầu người và tăng tiêu thụ nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
- Phát triển hệ thống giám sát an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng quốc gia, dự báo về tình hình sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, dự báo các nguy cơ mất an ninh lương thực trong nước và trên thế giới để có biện pháp ứng phó sớm, từ xa.
- Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt động dự trữ gạo lưu thông và dự trữ gạo quốc gia để đảm bảo nguồn cung gạo trong trường hợp khẩn cấp.
2. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
a) Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu lúa gạo quốc gia giai đoạn 2021-2030 với các trọng tâm sau:
i) Chọn tạo, phát triển giống lúa
- Tăng cường công tác thu thập, bảo tồn và sử dụng nguồn gen giống lúa để làm nguồn vật liệu di truyền lâu dài; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bảo tồn quỹ gen cây trồng quốc gia và số hóa dữ liệu quỹ gen giống lúa; xây dựng quy định thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng nguồn gen phục vụ cho nghiên cứu và phát triển giống lúa của các tổ chức nghiên cứu nhà nước và doanh nghiệp trong nước.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó ưu tiên chọn tạo các giống lúa thơm, đặc sản, giống lúa có giá trị dinh dưỡng, lúa dược liệu; kết hợp đặc tính về chất lượng cao với tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại chính. Ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ sinh học, tin học) trong chọn tạo giống lúa. Nghiên cứu cơ bản về di truyền và hệ gen cây lúa làm cơ sở cho chọn tạo giống. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện chứng nhận bảo hộ giống lúa mới.
- Thực hiện công tác bảo tồn, chọn lọc dòng thuần (phục tráng) và duy trì sản xuất các giống lúa địa phương đặc sản ở các vùng sinh thái gắn với chỉ dẫn địa lý.
ii) Nghiên cứu và phát triển hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu
Nghiên cứu và phát triển hệ thống các biện pháp sản xuất lúa bền vững, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, ngoài việc hoàn thiện những biện pháp đã xác định, cần nghiên cứu các biện pháp mới ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, tự động hóa để đưa vào hệ thống, tiến đến phát triển hệ thống canh tác lúa chính xác.
iii) Nghiên cứu cơ giới hóa và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo
Tập trung nghiên cứu cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa phù hợp cho từng vùng, cơ giới hóa đồng bộ hệ thống dây chuyền sấy, bảo quản, chế biến; tiến đến hiện đại hóa toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó, ưu tiên đối với các vùng trồng lúa trọng điểm. Nghiên cứu chế tạo các thiết bị trong nước có công nghệ tương thích với công nghệ nhập khẩu. Phát triển và ứng dụng các công nghệ chế biến sâu sản phẩm lúa gạo.
iv) Nghiên cứu sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên tự nhiên
- Tài nguyên tự nhiên mang tính nền tảng cho sản xuất lúa gồm đất, nước và đa dạng sinh học. Từ hiện trạng các nguồn tài nguyên này ngày càng trở nên suy giảm về lượng và chất, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất, nước, bảo vệ đa dạng sinh học; đồng thời khôi phục, nâng cao, độ phì của đất lúa, bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và bảo vệ nâng cao đa dạng sinh học (động vật, thực vật, vi sinh vật) của hệ sinh thái vùng lúa. Nghiên cứu hệ thống tổng hợp sử dụng tài nguyên tự nhiên để phát triển cảnh quan vùng lúa phì nhiêu và bền vững lâu dài.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong nghiên cứu sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên trong sản xuất lúa.
v) Nghiên cứu về thể chế và chính sách, thị trường và thương mại lúa gạo
Nghiên cứu phân tích tác động của các chính sách liên quan đến ngành lúa gạo và đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách; nghiên cứu dự báo thị trường và thương mại lúa gạo, nhất là dự báo về thị trường gạo thế giới trung hạn và dài hạn.
b) Ứng dụng khoa học công nghệ
- Đổi mới hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ theo chuỗi giá trị lúa gạo, xây dựng các điển hình liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả cao, đẩy mạnh khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất lúa gạo, khuyến nông về tổ chức, quản lý sản xuất. Gắn kết các hoạt động khuyến nông với đào tạo, phát triển lớp nông dân sản xuất lúa chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao.
- Phát triển các dịch vụ tư vấn khuyến nông ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin về kỹ thuật, thị trường, dự báo khí hậu, thời tiết cho nông dân.
c) Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
- Phát triển liên kết trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về lúa gạo giữa các tổ chức trong nước (viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở địa phương). Khuyến khích sự tham gia của xã hội, nhất là các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông phát triển lúa gạo.
- Phát triển hợp tác với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) trong nghiên cứu và phát triển lúa gạo, đặc biệt trong nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực khoa học có trình độ cao.
- Khuyến khích phát triển liên kết công tư, kể cả các tổ chức tư nhân nước ngoài trong nghiên cứu và phát triển lúa gạo.
d) Tăng đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
- Tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông từ ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lúa gạo.
- Đầu tư nâng cấp Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt trình độ quốc tế, nâng cấp Trung tâm Tài nguyên thực vật và các Viện có thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lúa cho các vùng sinh thái. Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức khuyến nông nhà nước từ trung ương đến địa phương và trong doanh nghiệp.
- Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực lúa gạo; hỗ trợ nguồn lực cho nông dân phát huy các sáng kiến của mình trong sản xuất lúa để hoàn thiện, phát triển công nghệ, phát huy kinh nghiệm bản địa trong sản xuất lúa bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Đầu tư đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lúa gạo trong nước và ở nước ngoài.
- Tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ; tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước; các công trình chống lũ, giảm lũ, ngăn mặn, trữ nước ngọt, chống sạt lở; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Phát triển, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng kết hợp với kiến thiết đồng ruộng.
- Phát triển đồng bộ hệ thống kết nối giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, cảng nội địa, cảng xuất khẩu), đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long nơi cung cấp sản lượng gạo lớn cho thị trường nội địa ngoài vùng và xuất khẩu.
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất cho các vùng sản xuất lúa tập trung. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và chế biến lúa gạo.
- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lúa khô đảm bảo chất lượng lúa lưu kho ở các vùng sản xuất lúa tập trung; xây dựng phát triển kho ngoại quan tại một số thị trường trọng điểm.
- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển hệ thống thông tin về thị trường, bệnh dịch, thời tiết, kỹ thuật sản xuất,... để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
- Hỗ trợ nâng cấp giao thông, thủy lợi và kiến thiết đồng ruộng cho các vùng sản xuất lúa mang tính di sản văn hóa, đặc thù kết hợp phục vụ du lịch.
- Áp dụng công nghệ số trong vận hành các dịch vụ hậu cần. Rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hải quan. Minh bạch hóa thông tin kinh doanh - xuất khẩu lúa gạo. Xây dựng hệ thống thông tin tự động về tình hình xuất nhập khẩu lúa gạo của thị trường Việt Nam và thế giới, kết nối các tổ chức liên quan.
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cục Trồng trọt
- Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các giải pháp triển khai Đề án đến năm 2025 và 2030, định kỳ báo cáo Bộ về tiến độ và kết quả thực hiện hàng năm; đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
- Chủ trì và phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phục vụ Đề án, trình cấp thẩm quyền ban hành.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
b) Tổng cục Thủy lợi
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo rà soát, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, ưu tiên đối với vùng sản xuất lúa 2 vụ; xây dựng hệ thống thủy lợi phù hợp với đối tượng cây trồng chuyển đổi trên đất trồng lúa.
- Nghiên cứu và phổ biến các mô hình tưới tiết kiệm trong sản xuất lúa.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và hài hòa giữa các mục tiêu sử dụng nước.
c) Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam trình cấp thẩm quyền ban hành.
d) Vụ Kế hoạch
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và lựa chọn danh mục dự án đầu tư đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030 phục vụ Đề án; cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án theo danh mục được lựa chọn.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện Đề án.
đ) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lúa gạo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
- Hướng dẫn các tổ chức cá nhân đề xuất danh mục các đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới, các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo theo Đề án.
đ) Các đơn vị khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
2. Các Bộ, Ngành Trung ương
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai Đề án.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
4. Hiệp hội lương thực Việt Nam
Hướng dẫn thành viên Hiệp hội thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh lúa gạo; phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Đề án./.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây