Quyết định 521/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định 521/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: | 521/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum | Người ký: | Lê Ngọc Tuấn |
Ngày ban hành: | 12/08/2022 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 521/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Kon Tum |
Người ký: | Lê Ngọc Tuấn |
Ngày ban hành: | 12/08/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 521/QĐ-UBND |
Kon Tum, ngày 12 tháng 8 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;
Căn cứ Công văn số 595-CV/TU ngày 14 tháng 7 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chủ trương thực hiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2131/SKHĐT-TH ngày 24 tháng 7 năm 2022 về việc đề nghị phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
a) Mục đích
- Triển khai cụ thể Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Kon Tum; xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) cho tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Khai thác lợi thế tiềm năng để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm; góp phần làm tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách; phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, kể cả ban đêm và ban ngày.
b) Yêu cầu
- Bảo đảm mục tiêu phát triển KTBĐ phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, địa phương và các quy hoạch có liên quan; lựa chọn địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ để định hướng tập trung triển khai thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân tích các tiềm năng và nội lực tác động đến thực trạng tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
- Tạo được các căn cứ thực tiễn, khoa học cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KTBĐ trong ngắn hạn, dài hạn và khai thác các cơ hội hợp tác đầu tư để thúc đẩy phát triển KTBĐ đạt hiệu quả cao, ổn định và bền vững với xu thế hội nhập.
- Giúp chính quyền các cấp, nhân dân và các nhà đầu tư nắm bắt rõ mục tiêu, yêu cầu phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh, thu hút và khuyến khích mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư, phát triển KTBĐ.
- Việc phát triển KTBĐ của tỉnh Kon Tum phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
- KTBĐ không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế; các hoạt động kinh tế đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh không chịu ảnh hưởng bởi nội dung của Đề án mà vẫn diễn ra theo quy luật cung - cầu của thị trường và theo đúng quy định pháp luật có liên quan. Cần gắn kết hài hòa, liền mạch giữa phát triển KTBĐ với các hoạt động kinh tế diễn ra ban ngày; đồng thời đảm bảo hài hòa với lợi ích của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, tăng cường chất lượng cuộc sống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho tất cả người dân và du khách, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn các địa phương triển khai thực hiện các mô hình phát triển KTBĐ.
- Phát triển KTBĐ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, thông qua tập trung phát triển 04 lĩnh vực: (1) Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, thể dục thể thao,... ); (2) Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar, café...); (3) Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm, trung tâm thương mại,...) và (4) Du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc,...) tại các khu vực có tiềm năng về phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh; trong đó trọng tâm là thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Tùy thuộc vào định hướng, nhu cầu và khả năng phát triển, các địa phương (bao gồm cả 10 huyện, thành phố) chủ động nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình/kế hoạch cũng như các giải pháp thúc đẩy KTBĐ trên địa bàn theo thẩm quyền.
- Không khuyến khích phát triển hoạt động KTBĐ một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và quy định pháp luật có liên quan.
- Xây dựng phương án, lộ trình phát triển KTBĐ phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn; tận dụng tiềm năng, thế mạnh và các đặc trưng của các địa phương để phát triển KTBĐ mang bản sắc riêng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.
a) Mục tiêu tổng quát: Định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn có tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành thương mại dịch vụ nói chung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24 giờ; nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 42-43% GRDP của tỉnh.
+ Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 205 cơ sở lưu trú với 2.890 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên.
+ Triển khai thí điểm các mô hình KTBĐ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương; trong đó tập trung quy hoạch, triển khai các khu, điểm phát triển KTBĐ với phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
- Giai đoạn 2026-2030:
+ Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt trên 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43-45% GRDP của tỉnh.
+ Đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 255 cơ sở lưu trú với 3.640 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu có ít nhất 09-10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn hạng từ 4 đến 5 sao. Phấn đấu nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 2,5 ngày trở lên. Thu hút thành lập mới ít nhất 01 công ty chuyên kinh doanh dịch vụ lữ hành về đêm trên địa bàn tỉnh.
+ Triển khai chính thức các mô hình KTBĐ như phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm; đồng thời bổ sung loại hình dịch vụ du lịch, thể dục thể thao tại các địa phương với trọng tâm là tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
+ Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển KTBĐ như phố đi bộ, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, cấp thoát nước,… Thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển KTBĐ như trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; dịch vụ vận chuyển về đêm như xe buýt, xe điện, xe đạp, tàu thuyền…
- Giai đoạn 2031-2050:
+ Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 47-50% GRDP của tỉnh.
+ Phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng các quần thể cơ sở lưu trú du lịch cao cấp tiêu chuẩn 5 sao; nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 3 ngày trở lên.
+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình KTBĐ truyền thống. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư các mô hình KTBĐ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển như công viên vui chơi, giải trí quy mô lớn; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội, sự kiện quy mô mang tầm khu vực; các khu vui chơi giải trí cao cấp, có thưởng;... Từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ đến 06 giờ sáng hôm sau tại các địa bàn trọng điểm phát triển KTBĐ, hướng đến nền kinh tế 24 giờ.
+ Đẩy mạnh triển khai áp dụng, phát triển các mô hình KTBĐ tại địa bàn các huyện, thành phố gắn với thế mạnh, nét đặc trưng và điều kiện thực tế để từng bước đưa KTBĐ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
4. Định hướng và giải pháp thực hiện: Các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động, nghiêm túc nghiên cứu, xem xét các định hướng và giải pháp của Đề án (cụ thể tại Mục III Phần thứ hai và Mục I Phần thứ ba của Đề án kèm theo) để triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu, thực tiễn phát triển của địa từng phương.
1. Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định (cụ thể tại Phần thứ tư của Đề án kèm theo). Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện Đề án gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch/Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tương ứng với từng giai đoạn cụ thể; trong đó đảm bảo phân công công việc cụ thể tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương và lộ trình triển khai phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Đề án.
- Là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hằng năm (trước ngày 10 tháng 12) hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Đề án để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Điều 3. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TỈNH KON TUM GIAI
ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm
theo Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 12/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
II. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Các văn bản của Trung ương
2. Các văn bản của tỉnh Kon Tum
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU; ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục đích, yêu cầu
a) Mục đích
b) Yêu cầu
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
a) Đối tượng nghiên cứu
b) Phạm vi nghiên cứu
PHẦN THỨ NHẤT ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KINH TẾ-XÃ HỘI, CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TỈNH KON TUM
1. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên du lịch, văn hóa
a) Khái quát chung
b) Tài nguyên du lịch tự nhiên chủ yếu
c) Tài nguyên văn hóa
2. Nguồn lực phát triển KTBĐ
a) Nguồn lực kinh tế
b) Dân số và nguồn nhân lực
c) Du lịch
d) Nguồn lực kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị
đ) Các nguồn lực khác
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Đánh giá thực trạng chung về phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
2. Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
a) Thuận lợi
b) Hạn chế, khó khăn
3. Cơ hội và thách thức trong phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
a) Cơ hội
b) Thách thức
III. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRONG NƯỚC VÀ TRÊN THẾ GIỚI
1. Kinh nghiệm phát triển KTBĐ trong nước và trên thế giới
a) Trong nước
b) Trên thế giới
2. Đánh giá chung các mô hình phát triển KTBĐ tại các địa phương
3. Bài học kinh nghiệm trong phát triển KTBĐ ở tỉnh Kon Tum
PHẦN THỨ HAI QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
I. QUAN ĐIỂM
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021-2025:
b) Giai đoạn 2026-2030:
c) Giai đoạn 2031-2050:
III. ĐỊNH HƯỚNG
1. Xác định tính đặc trưng trong phát triển KTBĐ của tỉnh
2. Định hướng chung phát triển các ngành, lĩnh vực trong KTBĐ
a) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2021-2025
b) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2026-2030
c) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2031-2050
3. Định hướng phát triển không gian và thời gian hoạt động KTBĐ
a) Về không gian
b) Về thời gian hoạt động
4. Định hướng phát triển các loại hình dịch vụ trong KTBĐ
a) Dịch vụ lưu trú
b) Dịch vụ ăn uống
c) Dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao
d) Dịch vụ mua sắm
đ) Dịch vụ tham quan du lịch về đêm
e) Dịch vụ văn hóa nghệ thuật
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
PHẦN THỨ BA GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nâng cao nhận thức về phát triển KTBĐ
2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTBĐ
3. Xây dựng cơ chế và chính sách phát triển KTBĐ
4. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầu tư
5. Đảm bảo, phát triển nguồn nhân lực
6. Xúc tiến, quảng bá và truyền thông
7. Đảm bảo gìn giữ bản sắc văn hóa, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ
8. Đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng
II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ BAN ĐÊM ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH
1. Về kinh tế
2. Về văn hóa - xã hội - môi trường - an ninh trật tự
a) Tác động tích cực
b) Tác động tiêu cực
PHẦN THỨ TƯ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
2. Sở Tài chính
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
4. Sở Công thương
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
6. Sở Xây dựng
7. Sở Giao thông vận tải
8. Sở Nội vụ
9. Sở Y tế
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
11. Sở Tài nguyên và Môi trường
12. Sở Thông tin và Truyền thông
13. Sở Khoa học và Công nghệ
14. Sở Ngoại vụ
15. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
16. Công an tỉnh
17. Cục Thuế tỉnh
18. Cục Thống kê tỉnh
19. Cục Quản lý thị trường tỉnh
20. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
21. Hiệp hội Du lịch tỉnh
22. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
23. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
24. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Kon Tum
25. Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum, Báo Kon Tum
26. Trường Cao đẳng Cộng đồng; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
27. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; các hội quần chúng
PHỤ LỤC 01 ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ĐẦU TƯ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
PHỤ LỤC 02 CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN KTBĐ
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bảng 1: So sánh kinh tế tỉnh Kon Tum với các tỉnh, thành phố lớn nơi có đông lượng khách du lịch
Bảng 2: Thống kê dân số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Bảng 3: Quy mô dân số theo nhóm tuổi năm 2019
Bảng 4: Thống kê lao động tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Bảng 5: Số liệu lĩnh vực du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Bảng 6: Tình hình thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020
Bảng 7: Danh mục các mô hình, dự án ưu tiên và lộ trình thực hiện
Hình 1. Định hướng không gian phát triển KTBĐ thành phố Kon Tum
Hình 2. Định hướng không gian phát triển KTBĐ huyện Kon Plông
Hình 3. Hình ảnh minh họa - Tổ hợp cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp và phối cảnh tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Hình 4. Hình ảnh minh họa - Phố đi bộ Bùi Viện, thành phố Hồ Chí Minh và Công viên Châu Á, thành phố Đà Nẵng
Hình 5. Hình ảnh minh họa - Chợ đêm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Chợ đêm Helio, thành phố Đà Nẵng
Hình 6. Hình ảnh minh họa - Dịch vụ du lịch bằng xe điện và du thuyền tại thành phố Đà Nẵng
Hình 7. Hình ảnh minh họa - Lễ hội Cồng chiêng, tỉnh Kon Tum và Hoa đăng trên sông Hương, thành phố Huế
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Hiện nay, kinh tế ban đêm (KTBĐ) được xác định là xu thế phát triển của nhiều nước trên thế giới bởi sức ảnh hưởng và những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn. KTBĐ không chỉ kéo dài thời gian của các hoạt động thương mại, nâng cao năng suất hoạt động của những cơ sở liên quan mà còn giúp kích thích nhu cầu và mở rộng không gian tiêu dùng cho khách du lịch. Có thể nói, KTBĐ là một phần quan trọng của nền kinh tế đô thị hiện đại và sự phát triển lớn mạnh của nó cũng phản ánh sự cởi mở và tính năng động của kinh tế địa phương.
Theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, KTBĐ đóng vai trò là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế và được định nghĩa là các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
Tại những quốc gia đã và đang thực hiện đầu tư trọng điểm phát triển tiềm năng KTBĐ, sau một thời gian thí điểm và đi vào hoạt động, mô hình KTBĐ được đánh giá là điểm sáng cho ngành du lịch với việc tạo ra cơ hội việc làm cho hàng triệu người, gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận của ngành, giúp ngành du lịch luôn được ưu tiên trong các chính sách đầu tư và phát triển. Hiện lượng khách du lịch đến Việt Nam đã đạt trên 18 triệu lượt khách/năm. Khách du lịch khi đến Việt Nam có xu hướng xem thời gian ban đêm là khoảng thời gian thú vị nhất khi ít lưu lượng giao thông, có thể tận hưởng cuộc sống đêm tĩnh lặng hoặc trải nghiệm những dịch vụ vui chơi, giải trí náo nhiệt… Mặt khác, rất nhiều khách du lịch nước ngoài không thích nghi được với múi giờ thì việc phát triển các hoạt động ban đêm giải quyết được nhu cầu thưởng thức và mang đến trải nghiệm đầy đủ về văn hóa bản địa cho khách du lịch.
Trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng được sự quan tâm của các cấp các ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã tích cực phấn đấu, khai thác những tiềm năng, lợi thế và huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, phát triển KTXH và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh hằng năm khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 9,13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; tổng thu ngân sách năm 2020 đạt trên 3.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng từ 29,81 triệu đồng năm 2015 lên 46,58 triệu đồng năm 2020. Bên cạnh đó, kết cấu cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng; bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc. Thành phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; đô thị huyện Ngọc Hồi được tích cực đầu tư, nâng cấp và đủ điều kiện trở thành thị xã...
Tuy nhiên, hiện nay khái niệm về phát triển KTBĐ ở tỉnh Kon Tum còn khá mới mẻ. Các hoạt động của nền kinh tế về đêm trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ phục vụ cho nhu cầu mua sắm, ẩm thực cơ bản và đều đóng cửa trước 10-11 giờ tối. Việc phát triển KTBĐ tại tỉnh Kon Tum chưa được quy hoạch, triển khai một cách bài bản, tổng thể, đồng bộ; chưa có các mô hình phát triển KTBĐ đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy tiêu dùng và thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là cần thiết để có những định hướng, chính sách phát triển phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn của địa phương, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
II. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009.
- Luật Đất đai ngày 29/11/2013.
- Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23/06/2014.
- Luật Xây dựng ngày 18/06/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020.
- Luật Du lịch ngày 19/6/2017.
- Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019.
- Luật Đầu tư ngày 17/6/2020.
- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
- Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
- Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
- Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
2. Các văn bản của tỉnh Kon Tum
- Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Chương trình 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 14/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
- Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum.
- Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
- Quyết định số 1353/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án “Phát triển nguồn tài lực và vật lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
- Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.
- Kế hoạch số 4375/KH-UBND ngày 23/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
- Công văn số 595-CV/TU ngày 14/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chủ trương thực hiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
- Các quy hoạch, đề án liên quan.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU; ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN
a) Mục đích
- Triển khai cụ thể Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Kon Tum; xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển KTBĐ cho tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Khai thác lợi thế tiềm năng để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm; góp phần làm tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách; phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, kể cả ban đêm và ban ngày.
b) Yêu cầu
- Bảo đảm mục tiêu phát triển KTBĐ phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, địa phương và các quy hoạch có liên quan; lựa chọn địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ để định hướng tập trung triển khai thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân tích các tiềm năng và nội lực tác động đến thực trạng tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
- Tạo được các căn cứ thực tiễn, khoa học cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KTBĐ trong ngắn hạn, dài hạn và khai thác các cơ hội hợp tác đầu tư để thúc đẩy phát triển KTBĐ đạt hiệu quả cao, ổn định và bền vững với xu thế hội nhập.
- Giúp chính quyền các cấp, nhân dân và các nhà đầu tư nắm bắt rõ mục tiêu, yêu cầu phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh, thu hút và khuyến khích mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho đầu tư, phát triển KTBĐ.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
a) Đối tượng nghiên cứu
Tập trung vào các hoạt động thương mại và dịch vụ chính trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng và khách du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau; chính sách, mô hình tổ chức quản lý và điều hành đối với hoạt động KTBĐ.
b) Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó tập trung nghiên cứu, định hướng phát triển ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông.
- Về thời gian: Nghiên cứu thực trạng, chính sách phát triển KTBĐ trong giai đoạn 2016-2020 và đề ra định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển KTBĐ trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH KON TUM
1. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên du lịch, văn hóa
a) Khái quát chung
Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới của Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 967.729,81 ha(1); phía Tây giáp Lào và Campuchia với 292,522 km đường biên giới (trong đó: giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3 km), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện(2), 102 đơn vị hành chính cấp xã(3) với 756 thôn, tổ dân phố. Phần lớn lãnh thổ Kon Tum có địa hình đồi núi và khí hậu có hai mùa mưa - nắng rõ rệt.
b) Tài nguyên du lịch tự nhiên chủ yếu
- Các điều kiện tự nhiên của Kon Tum, đặc biệt là địa hình đa dạng đã tạo cho Kon Tum một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Măng Đen - Kon Plông; Khu vực lòng hồ Ya Ly; vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), rừng đặc dụng Đắc Uy (huyện Đăk Hà), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), … thích hợp phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm và khám phá (chèo thuyền, đu dây, dù lượn, ...). Tuy nhiên, những tài nguyên này còn đang ở dạng tiềm năng, để có thể trở thành các điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch và mang lại doanh thu cao cho ngành du lịch của tỉnh thì cần phải có sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.
- Thành phố Kon Tum nổi tiếng với dòng sông Đăk Bla “chảy ngược” là điểm nhấn, mang tính kết nối các địa điểm du lịch nổi tiếng hiện có trên địa bàn (như Cầu treo Kon Klor; Nhà rông Kon Klor; Làng du lịch cộng đồng Kon Klor; Ngục Kon Tum, Nhà thờ chính tòa Kon Tum (Nhà Thờ gỗ); Tòa Giám mục; Chùa Huệ Chiếu, Tổ đình Bác Ái; Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu; …) và là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, kinh tế mới trong tương lai. Bên cạnh đó, huyện Kon Plông nổi tiếng có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, có rừng nguyên sinh bao bọc và có nhiều hồ thác, suối đá, danh lam thắng cảnh và cảnh quan thiên nhiên độc đáo; đây là tiềm năng thuận lợi để phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cấp quốc gia.
c) Tài nguyên văn hóa
- Tài nguyên văn hóa vật thể
Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, trong đó: có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm đầu tư nhiều kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.
- Tài nguyên văn hóa phi vật thể
Theo kết quả điều tra, tỉnh Kon Tum có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn làng trên địa bàn các thôn, làng, thành phố(4); đã có 43 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ Nhất năm 2015 vì những đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể hiện đang nắm giữ.
+ Nghệ thuật trình diễn dân gian: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Kon Tum nói riêng. Hiện toàn tỉnh có 379 đội cồng chiêng, hàng năm các địa phương đều mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, vì vậy số lượng người biết đánh cồng chiêng ngày càng tăng.
+ Hệ thống nghi lễ - lễ hội truyền thống: Tỉnh Kon Tum có trên 23 lễ hội truyền thống của 6 thành phần dân tộc thiểu số trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện để vừa khôi phục lại môi trường văn hóa dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể. Nhiều nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng(5) và được đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp vào hoàn cảnh và điều kiện.
+ Văn hóa ẩm thực: Ẩm thực Kon Tum tương đối đa dạng với những món ăn hấp dẫn, độc đáo mang đậm bản sắc núi rừng như: gỏi lá, xôi măng, gà nướng cơm lam, cá tầm Măng Đen, gỏi kiến chua, cá niên;… Bên cạnh đó, Kon Tum cũng là địa danh của những món quà đặc sản nổi tiếng như: Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chiết xuất từ Sâm Ngọc Linh, rượu sim Măng Đen, rượu ghè, cà phê, tiêu,… Thời gian gần đây, chính quyền, hợp tác xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, qua đó nhiều đặc sản truyền thống địa phương đã được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hóa ứng dụng công nghệ cao, cho ra thị trường các sản phẩm với mẫu mã, bao bì đẹp mắt, chất lượng ổn định và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, điển hình như các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, DakMark Coffee của Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng, Sữa 3 con dê của Công ty Cổ phần VINGIN,…
+ Các giá trị văn hóa đặc sắc khác: Cồng chiêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum, bất cứ một lễ hội nào đều không thể thiếu cồng chiêng. Tỉnh đã sưu tầm, ghi chép được 145 bài cồng chiêng của các dân tộc; có 2.134 bộ cồng chiêng, tăng 218 bộ so với thời điểm năm 2015; 74 nghệ nhân có những đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được chủ tịch nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.
a) Nguồn lực kinh tế
- Kinh tế tỉnh Kon Tum đã có những phát triển đáng kể trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh hằng năm khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 9,13%/năm, trong đó: Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tăng 5,10%/năm; Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,50%/năm; Nhóm ngành Dịch vụ tăng 8,50%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ(6). GRDP bình quân đầu người tăng từ 29,81 triệu đồng năm 2015 lên 46,58 triệu đồng năm 2020. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 3.031 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 8,08%/năm, bằng 11,61% GRDP, đảm bảo 38,25% tổng chi ngân sách và 56,62% chi thường xuyên. Tổng chi ngân sách nhà nước bình quân hàng năm 6.739,4 tỷ đồng, tăng 10,1%/năm(7). Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh Kon Tum còn kém xa so với các tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hút du lịch của Việt Nam, cụ thể:
Bảng 1: So sánh kinh tế tỉnh Kon Tum với các tỉnh, thành phố lớn nơi có đông lượng khách du lịch
Chỉ tiêu năm 2020 |
Kon Tum |
Đà Nẵng |
Thừa Thiên Huế |
Quảng Nam |
Bình Định |
Lâm Đồng |
Hà Nội |
Hồ Chí Minh |
1. GRDP (giá hiện hành) (Nghìn tỷ đồng) |
25,85 |
100 |
54,8 |
94 |
90 |
82,3 |
1.016 |
1.372 |
2. Thu nhập bình quân đầu người (Triệu đồng) |
46,58 |
85,6 |
48,3 |
62,5 |
60,6 |
63 |
122,8 |
148,6 |
3. Thu ngân sách (Nghìn tỷ đồng) |
3,03 |
23,9 |
9,12 |
23,6 |
12,2 |
9,4 |
284,5 |
371,4 |
4. Chi ngân sách (Nghìn tỷ đồng) |
8,17 |
27,3 |
11,4 |
17,6 |
18 |
14,3 |
111,5 |
84,3 |
(Nguồn: Tổng hợp)
- Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về các vùng nông thôn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11,9%/năm. Thành phố Kon Tum có hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại phát triển mạnh hơn các địa phương khác, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã có mặt như: Trung tâm thương mại Vincom Plaza Kon Tum, Siêu thị Co.opmart Kon Tum, Vinmart Kon Tum,... Các sản phẩm OCOP của tỉnh được chú trọng phát triển, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 88 sản phẩm OCOP đạt công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm Cà phê rang xay Đăk Mar). Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển nhanh, nhiều chi nhánh được thành lập, mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên.
b) Dân số và nguồn nhân lực
- Dân số: Dân số trung bình năm 2020 của tỉnh Kon Tum là 555.645 người, mật độ dân số đạt 57 người/km². Giai đoạn 2016-2020, dân số tỉnh Kon Tum tăng khoảng 47.820 người, bình quân mỗi năm tăng trên 9.500 người. Dân số Kon Tum chủ yếu vẫn là dân nông thôn với tỷ lệ 67,25%, dân cư thành thị chỉ chiếm 32,75% và có sự tăng trưởng không cao trong các năm vừa qua (giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ dân thành thị trên tổng dân số chỉ tăng 0,31%).
Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, có 07 dân tộc thiểu số tại chỗ(8), trên 42% dân số theo các tôn giáo. Đây vừa là cơ hội trong việc phát triển KTBĐ của tỉnh với sự đa dạng về dân tộc, tập quán nhưng cũng là thách thức khi hầu hết người dân tộc thiểu số có thu nhập, mức sống còn thấp và phong tục, tập quán chưa thật sự gắn kết với các hoạt động KTBĐ hiện đại.
Bảng 2: Thống kê dân số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Đơn vị tính: Người, %
Chỉ tiêu |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Dân số trung bình |
507.818 |
520.048 |
535.000 |
543.452 |
555.645 |
I. Phân theo khu vực |
|
|
|
|
|
1. Thành thị |
164.664 |
167.835 |
170.998 |
173.739 |
181.937 |
- Tỷ lệ so với tổng dân số |
32,43% |
32,27% |
32,12% |
31,97% |
32,74% |
2. Nông thôn |
343.154 |
352.213 |
361.360 |
369.713 |
373.708 |
- Tỷ lệ so với tổng dân số |
67,57% |
67,73% |
67,88% |
68,03% |
67,26% |
II. Dân số trung bình tại thành phố Kon Tum |
164.794 |
164.464 |
166.922 |
169.128 |
171.575 |
Trong đó: Khu vực thành thị |
104.389 |
99.521 |
101.125 |
102.465 |
103.927 |
III. Dân số trung bình tại huyện Kon Plông |
24.966 |
25.318 |
25.752 |
26.182 |
26.704 |
Trong đó: Khu vực thành thị |
0 |
0 |
0 |
0 |
5.219 |
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh)
Nhìn chung, tỉnh Kon Tum có cơ cấu dân số trẻ, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Kon Tum năm 2019 thì dân số trong độ tuổi từ 18 đến 59 là khoảng 295.060 người, chiếm khoảng 54,6% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó khu vực thành thị khoảng 100.565 người, chiếm 34%), đây được xem là thành phần chính tham gia vào KTBĐ; trong đó, dân số ở độ tuổi từ 18 đến 59 tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông cũng chiếm tỷ lệ khá cao so với dân số tại mỗi địa phương, với trên 56%. Còn lại các nhóm tuổi từ 0 đến 17 (chiếm khoảng 38,5% dân số) và trên 60 tuổi (chiếm khoảng 6,9% dân số) ít có sự tham gia vào các hoạt động KTBĐ hoặc tham gia không đáng kể. Do đó, bên cạnh khách du lịch ngoại tỉnh thì việc phát triển KTBĐ cần phải hướng đến nhóm dân số độ tuổi từ 18 đến 59; đây là đối tượng khách hàng tiềm năng và xuyên suốt của địa phương, nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19.
Bảng 3: Quy mô dân số theo nhóm tuổi năm 2019
Đơn vị tính: Người, %
Nhóm tuổi Địa bàn |
Từ 0 đến 17 |
Từ 18 đến 59 |
Trên 60 |
|||
Dân số |
Tỷ lệ |
Dân số |
Tỷ lệ |
Dân số |
Tỷ lệ |
|
Toàn tỉnh |
208.162 |
38,5% |
295.058 |
54,6% |
37.218 |
6,9% |
Thành phố Kon Tum |
58.757 |
34,9% |
96.326 |
57,2% |
13.181 |
7,8% |
Huyện Kon Plông |
9.845 |
37,8% |
14.620 |
56,2% |
1.560 |
6% |
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê)
- Lao động: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 319.750 người, trong đó: khu vực nông thôn chiếm đa số với khoảng 222.520 người, chiếm 69,6%; lực lượng lao động có việc làm chiếm khoảng 97,5% tổng lao động trong độ tuổi. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang công nghiệp và xây dựng, dịch vụ nhưng tốc độ không đáng kể; dân số trong độ tuổi lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn chiếm đa số với 63,4%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 23,9% trong khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 12,7%.
Bảng 4: Thống kê lao động tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
Đơn vị tính: Người, %
Chỉ tiêu |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
I. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên - Tổng số |
300.890 |
304.117 |
307.603 |
316.074 |
319.750 |
- Khu vực thành thị |
104.034 |
95.076 |
95.779 |
96.161 |
97.230 |
- Khu vực nông thôn |
196.856 |
209.041 |
211.824 |
219.913 |
222.520 |
II. Có việc làm |
292.484 |
300.528 |
306.754 |
312.909 |
311.762 |
Cơ cấu lao động (%) |
|
|
|
|
|
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản |
66,10% |
65,40% |
64,57% |
63,86% |
63,40% |
2. Công nghiệp và xây dựng |
11,50% |
11,80% |
12,25% |
12,50% |
12,70% |
3. Dịch vụ |
22,40% |
22,80% |
23,18% |
23,60% |
23,90% |
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh)
Mặc dù ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng các hoạt động du lịch chưa thực sự rõ nét và tạo được nhiều việc làm cho người dân lao động trên địa bàn. Hiện nay việc điều tra, thống kê lực lượng lao động chỉ thực hiện dựa trên tiêu chí việc làm mà chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với số lượng lao động trong từng khung giờ. Ngoài ra, lao động làm việc vào ban đêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lực lượng lao động thanh niên tham gia phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí... và tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Kon Tum.
c) Du lịch
Tổng lượt khách du lịch giai đoạn 2016-2020 đạt trên 1,8 triệu lượt người (trong đó: khách quốc tế đạt khoảng 0,64 triệu lượt người, khách nội địa đạt khoảng 1,16 triệu lượt người), tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015. Hoạt động kinh doanh du lịch có sự phát triển, doanh thu từ khách du lịch cả giai đoạn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2019, tổng lượt khách du lịch tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Tuy nhiên đến năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên tổng lượt khách giảm khoảng 50% so với các năm trước; dẫn đến tổng doanh thu chỉ đạt khoảng 60% so với các năm trước.
Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 149 cơ sở lưu trú với sức chứa 2.140 phòng (tăng 23 cơ sở so với năm 2016); trong đó có 02 đơn vị xếp hạng 3 sao; 09 đơn vị xếp hạng 2 sao; 47 đơn vị 01 sao; 04 đơn vị không xếp hạng; 87 đơn vị nhà nghỉ du lịch. Có 07 công ty kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh; trong đó 02 công ty lữ hành quốc tế, 05 công ty lữ hành nội địa. Tỉnh đã công nhận 9 điểm du lịch đạt điều kiện để thu hút đón khách phát triển du lịch trên địa bàn(9). Nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác(10) và thu hút lượng khách đến ngày một tăng như: Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen(11), du lịch sinh thái (tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học) tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đăk Uy. Mô hình lưu trú homestay, căn hộ cho thuê đang được giới trẻ nhiều nơi ưa chuộng và đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện Kon Plông; theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 39 cơ sở lưu trú với 462 phòng ở, trong đó loại hình lưu trú homestay, căn hộ cho thuê chiếm trên 60% cơ sở. Thành phố Kon Tum và Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông luôn là điểm đến hấp dẫn nhất đối với khách du lịch khi đến tỉnh Kon Tum. Trong những năm gần đây, tổng lượng khách đến 02 địa phương này đã chiếm khoảng 90% tổng lượng khách toàn tỉnh.
Tính đến năm 2020, số lao động làm việc trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lưu trú lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.780 người, trong đó lực lượng làm việc tại khu vực thành thị chiếm 73,6%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong ngành du lịch tăng đáng kể, từ 28,9% năm 2016 lên 42,4% năm 2020; tuy nhiên nhìn chung tỷ lệ này là còn thấp, lực lượng lao động chưa qua đào tạo trong lĩnh vực du lịch còn chiếm trên 57,5%.
Bảng 5: Số liệu lĩnh vực du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020
TT |
Chỉ tiêu |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
1 |
Tổng lượt khách |
303.707 |
343.850 |
448.304 |
461.992 |
250.500 |
- |
Khách quốc tế |
98.201 |
124.854 |
181.672 |
196.843 |
43.560 |
- |
Khách nội địa |
205.506 |
218.996 |
266.632 |
265.149 |
206.940 |
2 |
Tổng doanh thu (Tỷ đồng) |
181 |
213 |
253 |
297 |
184 |
3 |
Công suất sử dụng phòng |
71% |
65% |
79% |
80% |
35% |
4 |
Số ngày lưu trú bình quân (ngày/đêm) |
1,46 |
|
|
|
1,58 |
5 |
Lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch |
1.592 |
1.667 |
1.747 |
1.767 |
1.779 |
- |
Tỷ lệ đã qua đào tạo |
71,1% |
56,8% |
57,9% |
57,6% |
57,5% |
- |
Tỷ lệ chưa qua đào tạo |
28,9% |
43,2% |
42,1% |
42,4% |
42,5% |
6 |
Số cơ sở lưu trú |
126 |
127 |
145 |
147 |
149 |
- |
4 sao |
1 |
0 |
0 |
0 |
0 |
- |
3 sao |
1 |
1 |
1 |
2 |
2 |
- |
2 sao |
7 |
6 |
8 |
7 |
9 |
- |
1 sao |
46 |
49 |
54 |
55 |
47 |
- |
Nhà nghỉ du lịch |
71 |
70 |
81 |
82 |
87 |
- |
Khách sạn không xếp hạng |
0 |
1 |
1 |
1 |
4 |
7 |
Tổng số buồng |
1.876 |
1.880 |
2.108 |
2.160 |
2.140 |
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Nhìn chung hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh nói chung và tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh nói riêng như thành phố Kon Tum, thị trấn Măng Đen còn tương đối thiếu hụt; đặc biệt là các cơ sở lưu trú chất lượng cao phục vụ nhu cầu khách quốc tế và khách nội địa cao cấp (hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở lưu trú đạt chất lượng 4 sao trở lên); đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có các mô hình thu hút hoạt động thương mại gắn với du lịch về đêm phổ biến như chợ đêm, phố đi bộ kết hợp ẩm thực, khu vui chơi, giải trí về đêm…
Thực tế hiện nay lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ phát triển ở các hoạt động, dịch vụ diễn ra vào ban ngày mà chưa có các mô hình, khu, điểm du lịch đủ sức hút du khách vào ban đêm để có thể “giữ chân” du khách ở lại và trải nghiệm lâu hơn. Do đó, số ngày lưu trú bình quân giai đoạn 2016-2020 chỉ tăng từ 1,46 ngày/đêm lên 1,58 ngày/đêm, đây là số liệu còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.
d) Nguồn lực kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị
- Giao thông
+ Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở mới qua đó tăng cường khả năng kết nối giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, các nước bạn Lào, Campuchia. Thông qua các tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 24, các tỉnh lân cận có thể dễ dàng đi đến thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ được đầu tư nâng cấp với việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh như dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24 đoạn qua địa phận tỉnh Kon Tum; dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai;…
+ Ngoài hạ tầng giao thông đường bộ thì các loại hình giao thông khác như hàng không, đường thủy chưa xuất hiện tại tỉnh Kon Tum. Hiện nay, người dân di chuyển bằng đường hàng không thông qua Cảng hàng không Pleiku, tỉnh Gia Lai và cần thêm khoảng 01 giờ đi xe để đến trung tâm thành phố Kon Tum và thêm khoảng 02 giờ để đến các địa điểm du lịch tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
+ Hạ tầng giao thông đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ; tại thành phố Kon Tum hiện có khoảng 304 km đường đô thị (tính từ đường khu vực trở lên) với tỷ lệ đường được chiếu sáng đạt khoảng 70%; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông có khoảng 45,5 km đường đô thị (tính từ đường khu vực trở lên) với tỷ lệ đường được chiếu sáng đạt khoảng 55%.
- Điện: Hệ thống, mạng lưới điện của tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân, nhất là tại các đô thị, khu du lịch - dịch vụ tập trung đông người. Ngoài ra, đã cấp điện đến 10 thôn, làng trắng điện thuộc khu vực gần biên giới, vùng sâu, vùng xa cần tăng cường về an ninh, quốc phòng(12), nâng tỷ lệ số thôn, làng, tổ dân phố có lưới điện quốc gia lên 100% vào năm 2020 (năm 2015 là 97,35%). Tỷ lệ hộ được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt 99,5%, tỷ lệ số thôn có điện đạt 99,88%, xã có điện 100%. Do đó, hạ tầng điện tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen luôn đảm bảo, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển KTBĐ trong tương lai.
- Cấp, thoát nước và thu gom xử lý chất thải rắn
+ Tại thành phố Kon Tum hiện có 01 nhà máy cấp nước với tổng công suất thiết kế và khai thác cấp nước đô thị đạt 19.000 m3/ngày.đêm; tại thị trấn Măng Đen cũng có 01 nhà máy cấp nước với tổng công suất thiết kế là 3.000 m3/ngày.đêm và hiện đang khai thác khoảng 2.400 m3/ngày.đêm. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen lần lượt là 96,2% và 100%. Hệ thống thoát nước dọc theo các tuyến đường trong đô thị được cải tạo, xây dựng đồng thời với xây dựng nền, mặt đường theo quy hoạch; đã tập trung giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Kon Tum.
+ Cùng với đó, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng được quan tâm đầu tư, một số nhà máy xử lý rác đã đi vào hoạt động, góp phần nâng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn tăng từ 66,29% năm 2016 lên 85% năm 2020. Nhìn chung, tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 90%; đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Thương mại
+ Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Hiện nay toàn tỉnh có 30 chợ (gồm: 17 chợ thành thị, 13 chợ xã; trong đó có 4 chợ hạng II, 17 chợ hạng III và 9 chợ tạm). Đối với địa bàn thành phố Kon Tum hiện có: 01 Trung tâm thương mại (Vincom Plaza), 04 siêu thị (02 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 02 siêu thị chuyên doanh); 08 chợ đang hoạt động (gồm 01 chợ hạng II, 04 chợ hạng 3 còn lại 03 chợ tạm). Tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông hiện có 01 chợ, chưa có siêu thị, trung tâm thương mại. Hầu hết thời gian hoạt động của các chợ đến 06 giờ tối và tại các siêu thị, trung tâm thương mại là đến 09 giờ tối hằng ngày.
+ Rạp chiếu phim: Tại thành phố Kon Tum còn có 02 rạp chiếu phim với thời gian hoạt động hằng ngày đến khoảng 11 - 12 giờ đêm; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông hiện chưa có rạp chiếu phim.
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar: Tại thành phố Kon Tum có khoảng 13 cơ sở karaoke và 02 quán bar với thời gian hoạt động hằng ngày đến khoảng 12 giờ đêm; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông có khoảng 04 cơ sở karaoke nhưng hiện chưa có quán bar.
+ Các cơ sở khác như nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều phổ biến tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, thời gian hoạt động của các cơ sở này đều kết thúc sớm vào khoảng 9 - 10 giờ đêm. Ngoài ra, tại các địa phương đều chưa có các cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 giờ, hình thức kinh doanh rất phổ biến tại các địa phương có nền KTBĐ phát triển.
- Văn hóa: Thị trấn Măng Đen không có nhiều các công trình văn hóa tiêu biểu; trong khi hạ tầng về văn hóa đô thị hiện rất phát triển tại thành phố Kon Tum. Theo thống kê, tại thành phố có đến 66 công trình văn hóa cấp đô thị bao, 06 không gian công cộng của đô thị (bao gồm: Quảng trường 16/3, Công viên 2/9, Công viên Giọt Nước Đăk Bla, Sân vận động Tỉnh, khu vực bờ Nam sông Đăk Bla và khu vực bờ sông phía Bắc sông Đăk Bla) và nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu khác (như Nhà rông Kon Klor; Cầu treo Kon Klor; Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum; Tòa Giám mục Kon Tum;…). Việc khai thác tốt tiềm năng của các công trình văn hóa này thông qua các tour du lịch về đêm sẽ tạo điểm nhấn trong KTBĐ của thành phố Kon Tum.
- Thể dục thể thao: Hiện toàn tỉnh có 26 sân vận động (trong đó có 06 sân vận động có khán đài), 16 nhà thi đấu đa năng, 04 nhà thi đấu đơn môn, 454 sân bóng đá (trong đó có 124 sân bóng đá mini, 32 sân cỏ nhân tạo), 531 sân bóng chuyền, 279 sân cầu lông (trong đó có 68 sân có thể tổ chức cái giải cấp huyện, thành phố), 50 sân quần vợt, 03 sân bóng rổ, 127 bàn bóng bàn, 14 phòng tập thể hình, hơn 1.000 bàn bida, 21 bể bơi các loại (trong đó có 18 bể bơi có chiều dài dưới 25m, 03 bể bơi khác)... Tuy nhiên, hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh chủ yếu diễn ra vào ban ngày, các cơ sở thể dục thể thao hầu hết đều kết thúc vào khoảng 7 - 8 giờ đêm.
đ) Các nguồn lực khác
- Vận tải
+ Toàn tỉnh có 06/10 huyện, thành phố đã có bến xe khách tại trung tâm huyện cơ bản phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngoài ra còn có 05 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi(13) với tổng số 233 phương tiện. Các đơn vị đã bố trí phương tiện kinh doanh vận tải hầu hết tại trung tâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; phương án kinh doanh của các đơn vị thực hiện 24/24 giờ, đảm bảo kết nối vận chuyển và phục vụ phát triển các ngành KTBĐ.
+ Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Hiện có 03 đơn vị khai thác gồm Công ty TNHH MTV vận tải Phú Hòa, Công ty TNHH vận tải Anh Thạch và Hợp tác xã vận tải cơ giới hàng hóa và hành khách Tây Nguyên khai thác trên các tuyến Kon Tum đi Sa Thầy, Kon Tum đi Kon Plông, Kon Tum đi Ngọc Hồi, Kon Tum đi Gia Lai, Ia H’Drai đi PleiKu (Gia Lai) với tổng số 32 phương tiện. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện nay đang hoạt động theo khung giờ ban ngày, chưa phục vụ về ban đêm.
- Hoạt động của các thành phần kinh tế
+ Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2020 có 3.444 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 63.742 tỷ đồng; trong đó, thành lập mới trong năm 2020 là 375 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 3.115 tỷ đồng. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại - du lịch với tổng số 1.902 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký là 25.732 tỷ đồng; kết quả và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ; sức cạnh tranh kém.
+ Hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua đạt nhiều thành quả rất nổi bật. Giai đoạn 2016-2020, đã có 237 dự án (ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp) được cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh, năm 2020 có số dự án được cấp phép tăng 6,4 lần và tổng vốn đăng ký tăng tới 12 lần so với năm 2016. Thông qua nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh, một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đã đến đầu tư tại tỉnh, điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn TH True Milk,… sẽ là động lực phát triển mới của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn ít, chủ yếu tập trung tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông.
Bảng 6: Tình hình thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020
TT |
Tiêu chí |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
1 |
Số dự án được cấp phép còn hiệu lực |
26 |
45 |
52 |
48 |
166 |
- |
Công nghiệp - Xây dựng |
14 |
30 |
36 |
26 |
132 |
- |
Thương mại - Dịch vụ |
5 |
3 |
2 |
5 |
15 |
- |
Nông lâm nghiệp |
7 |
12 |
14 |
17 |
79 |
2 |
Tổng vốn đăng ký (Tỷ đồng) |
1.908 |
984 |
9.784 |
3.308 |
23.200 |
3 |
Diện tích chiếm đất (Ha) |
917,9 |
239,2 |
8.400 |
2.000 |
12.823 |
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư)
- Hệ thống tài chính - ngân hàng
+ Trên địa bàn tỉnh có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng, trong đó có 10 chi nhánh ngân hàng thương mại (với mạng lưới 18 chi nhánh, 28 phòng giao dịch), 01 chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội (gồm 09 phòng giao dịch và 102 điểm giao dịch tại 102/102 xã) và 05 quỹ tín dụng nhân dân. So với năm 2016 tăng thêm 01 chi nhánh tổ chức tín dụng và 12 phòng giao dịch. Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã trang bị, lắp đặt và vận hành 241 máy POS và 80 máy ATM. Hoạt động luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả và xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng.
+ Tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân trong giai đoạn 2016-2020 là 15,5%/năm. Tính đến cuối năm 2020, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 16.550 tỷ đồng, tăng 143% so với năm 2016 và đáp ứng được 53% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đạt 34.396 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2016; trong đó, cho cho vay các thành phần doanh nghiệp bình quân đạt 30%/năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3% tổng dư nợ, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ thấp.
- Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe
+ Toàn tỉnh có 114 cơ sở khám, chữa bệnh công lập (03 bệnh viện tuyến tỉnh, 08 bệnh viện huyện, 03 phòng khám đa khoa khu vực, 99 Trạm Y tế và 01 cơ sở khám và điều trị bệnh tâm thần) và 190 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (trong đó có 01 Bệnh viện đa khoa Vạn Gia An). Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập toàn tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân đều đáp ứng công tác trực cấp cứu ban đêm, nhất là tại thành phố Kon Tum.
+ Cơ bản các cơ sở y tế công lập cùng với lực lượng y tế ngoài công lập đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn thành phố cũng như các huyện. Ngành y tế Kon Tum đã triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; đảm bảo y tế trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, các lễ hội và các sự kiện được triển khai thực hiện đảm bảo an toàn. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai tích cực, có hiệu quả.
- Công tác đảm bảo an ninh trật tự
+ Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các đô thị trong thời gian qua được giữ vững ổn định. Lực lượng Công an đã làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của ngành, đề xuất báo cáo chủ trương, giải pháp, đối sách giải quyết các yếu tố gây mất ổn định chính trị, nhất là trong lĩnh vực an ninh tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn.
+ Công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có hiệu quả. Lực lượng Cảnh sát 113 luôn đảm bảo quân số, ứng trực 24/24 giờ, tiếp nhận, xử lý tốt các vụ việc xảy ra; Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Cùng với đó, Cảnh sát cơ động luôn đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Đánh giá thực trạng chung về phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
Tỉnh Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, là cầu nối giao lưu kinh tế quốc tế với các nước Lào, Campuchia. Ngành thương mại - dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển nhanh, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển ở tất cả các thành phần kinh tế, thị trường mở rộng, lưu thông hàng hóa thông suốt, đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày một cao đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh; tiêu dùng của nhân dân và du khách đến với tỉnh ngày một tăng.
Hiện nay Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc điều tra, thống kê các chỉ tiêu hoạt động KTBĐ cũng như đánh giá tác động của KTBĐ đối với sự phát triển của cả nước nói chung và địa phương nói riêng(14). Thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông là 2 địa phương thu hút chủ yếu lượng khách du lịch khi đến với tỉnh Kon Tum; tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn sản phẩm, sức hút du lịch chỉ tập trung từ 07 giờ sáng đến 18 giờ tối. Nhiều sản phẩm có thể thu được lợi nhuận cao được giao dịch từ 18 giờ tối trở đi tại các địa phương vẫn chưa được khai thác và phát triển vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu đến từ mức sống của người dân còn thấp; cơ cấu dân số; phong tục tập quán; các hoạt động KTBĐ còn hạn chế và việc lo ngại các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thu hút du lịch của tỉnh và đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, tiêu dùng của người dân khi phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Nhìn chung, cuộc sống về đêm ở Kon Tum nói chung; thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông nói riêng được đánh giá là khá buồn tẻ; các hoạt động của nền kinh tế về đêm hầu hết chỉ phục vụ cho nhu cầu mua sắm, ẩm thực cơ bản và đều đóng cửa trước 10-11 giờ tối. Việc phát triển KTBĐ tại các địa phương chưa được quy hoạch, triển khai một cách bài bản, tổng thể, đồng bộ; chưa có các mô hình phát triển KTBĐ đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy tiêu dùng và thu hút du khách trong và ngoài tỉnh; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch về đêm và các sản phẩm KTBĐ tại các địa phương vẫn còn rất hạn chế, chưa được nghiên cứu, xây dựng và đầu tư.
2. Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
a) Thuận lợi
- Kon Tum có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng an ninh, là trung tâm của tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ…
- Bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng, giàu truyền thống; nhiều giá trị văn hóa nổi tiếng như Không gian văn hóa Cồng chiêng sẽ là nét độc đáo, mới lạ để phát triển KTBĐ. Công tác lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương được thực hiện tốt.
- Nguồn lực lao động tương đối dồi dào, cơ cấu dân số trẻ, tập trung đông tại các khu vực đô thị; hành vi tiêu dùng, du lịch của bộ phận giới trẻ ngày nay có xu hướng ra ngoài tham gia và tiêu dùng các sản phẩm KTBĐ nhiều hơn trước đây.
- Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có sự phát triển đáng kể, thị trường mở rộng, lưu thông hàng hóa thông suốt, chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày một cao đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch đến với tỉnh Kon Tum.
- Cơ sở hạ tầng cơ bản để phát triển kinh tế, trong đó có KTBĐ như các khu khu đô thị mới, khu chức năng thương mại, dịch vụ, nhà ở, tài chính - ngân hàng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội như giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên, cây xanh, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông,… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.
b) Hạn chế, khó khăn
- Về dân số và mức sống: Dân số Kon Tum chủ yếu là dân nông thôn (chiếm 67,25%); người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 54% tổng dân số; nhu cầu và mức chi tiêu dùng còn thấp, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ có giá trị kinh tế cao.
- Về cơ chế chính sách: Trung ương và địa phương chưa có cơ chế chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực, khuyến khích phát triển KTBĐ.
- Về địa hình, quy hoạch không gian: Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới; địa hình rộng, chia cắt, dân cư thưa. Tỉnh cũng chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển KTBĐ, các dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
- Về cơ sở hạ tầng: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông công cộng chưa thật sự thuận lợi vào khung giờ ban đêm; hạ tầng hỗ trợ cho phát triển KTBĐ còn thiếu (phố đi bộ; chợ đêm; khu vực tập trung mua sắm, tiêu dùng; hệ thống chiếu sáng; hệ thống bãi đỗ xe đêm…); hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu vận hành trong KTBĐ (còn thiếu nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ cao cấp, có sức hút vào ban đêm; chưa có các mô hình phát triển du lịch về đêm;…).
- Về phát triển sản phẩm, dịch vụ: Các dự án tạo sản phẩm KTBĐ chưa được hình thành. Cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng còn hạn chế, cung cấp sản phẩm đơn lẻ, thiếu phong phú và sức hút. Các sản phẩm KTBĐ chỉ giới hạn trong các sản phẩm phục vụ ăn uống và mua sắm, thiếu các khu vui chơi giải trí, du lịch mang tính mới, hiện đại…
- Về nguồn nhân lực: Tay nghề, chất lượng lao động còn hạn chế; lực lượng lao động trong lĩnh vực thương mại, du lịch còn ít. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại ngữ tốt, có kỹ năng chuyên môn trong phục vụ và quản lý một số hoạt động KTBĐ.
- Về quản lý nhà nước: Chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động KTBĐ.
- Về nhận thức: Nhận thức và tư duy về phát triển KTBĐ của lãnh đạo các cấp và người dân địa phương còn chưa đồng bộ. Việc vui chơi, giải trí, mua sắm, tiêu dùng về đêm tập trung chủ yếu ở tầng lớp thanh niên trong tỉnh và khách du lịch.
- Về sức hút của KTBĐ: Hiện nay trên phạm vi cả nước, KTBĐ chỉ thực sự có sức hút mạnh mẽ đối với du khách tại các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm về du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc,… Tỉnh Kon Tum chỉ mới thu hút khách du lịch ở một vài lĩnh vực như: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; di tích lịch sử, văn hóa; còn KTBĐ hiện chưa phát triển nên chưa thu hút được đông đảo khách du lịch.
3. Cơ hội và thách thức trong phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum
a) Cơ hội
- Kon Tum nói chung vốn là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, với sự đa dạng về hệ thống sinh thái, cảnh quan, văn hóa truyền thống. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã xác định phát triển du lịch của tỉnh theo hướng “Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú; tăng cường quảng bá , xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế. Hình thành các tour du lịch cộng đồng tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy gắn với tour du lịch chinh phục núi Ngọc Linh, Cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam -Lào- Campuchia, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; nâng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người vào năm 2025”.
- Theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum thì đến năm 2025 sẽ thu hút được 2,5 triệu lượt khách thông qua việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, giải trí... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân; phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ du lịch và chú trọng đầu tư, khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề và du lịch cộng đồng. Thời gian gần đây, các cấp chính quyền đang khẩn trương, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án thương mại - dịch vụ quy mô lớn như Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; Tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố tại thành phố Kon Tum; Khu đô thị mới Nam sông Đăk Bla, Khu đô thị du lịch Nam sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum; Dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và đô thị Măng Đen, huyện Kon Plông; … Thông qua đó sẽ góp phần thay đổi diện mạo các đô thị lớn của tỉnh, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, giải trình và đẩy mạnh thu hút du lịch.
- Vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030 với quan điểm phát triển thành phố Kon Tum với định hướng hiện đại, sôi động và bền vững theo mô hình “Thành phố xanh mới - New Green city”; có bản sắc riêng và là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên; xứng tầm là Trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị, khoa học kỹ thuật và vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đồng thời, thành phố Kon Tum cũng đang hoàn thiện Đề án đề nghị công nhận Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum là đô thị loại II. Bên cạnh đó, Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt(15). Vì vậy, nếu quy hoạch tốt thì việc phát triển KTBĐ sẽ là cơ hội rất lớn trong việc giúp thu hút khách du lịch đến và quay trở lại với tỉnh Kon Tum, tăng chi tiêu của du khách, doanh thu du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững.
b) Thách thức
- Với xu hướng phát triển KTBĐ ở thời điểm hiện nay, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại các địa điểm thiên nhiên kỳ thú hiện có của tỉnh Kon Tum không đi cùng với thế mạnh du lịch KTBĐ. Thực tế cho thấy các mô hình KTBĐ nổi tiếng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch của đất nước chủ yếu đến từ các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực gắn liền tại các khu đô thị lớn của các tỉnh, thành phố đó như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố đi bộ Bùi viện tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; Phố đi bộ Hồ Gươm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Chợ Đêm, thành phố Đà Lạt; Hội An, tỉnh Quảng Nam;...
- Phát triển KTBĐ phải dựa vào nhu cầu thực tế, kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Không phải tất cả người dân đều thích không khí ồn ào náo nhiệt về đêm. Chính vì vậy, phát triển KTBĐ cần đảm bảo được sự cân bằng giữa nhu cầu những người sống về đêm và những người thích sự yên tĩnh. Trong khi đó, thực tế cho thấy phần lớn người dân tại tỉnh Kon Tum, thậm chí tại các địa bàn phát triển du lịch như thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông còn ít sinh hoạt về đêm; do đó việc vận động được cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển KTBĐ đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp, ngành, địa phương. Ngoài ra, ý thức tự giác, văn minh đô thị của một bộ phận người dân còn chưa cao nên cần phải có chiến lược để tuyên truyền, quảng bá cho văn hóa kinh doanh, hoạt động giải trí về đêm để thay đổi cách nhìn nhận và tạo thiện cảm cho người dân về KTBĐ.
- Tầng lớp trẻ nội tỉnh và khách du lịch là người tiêu dùng chính của nền KTBĐ, các phương pháp quảng cáo truyền thống rất khó đạt được hiệu quả. Với tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống, các lo ngại về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động KTBĐ sẽ dẫn đến những rào cản, quy định hạn chế sự phát triển các loại hình kinh doanh ban đêm.
- Phát triển KTBĐ phải đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra các tình trạng cướp giật, trộm cắp, móc túi, các tình huống gây rối, gây mất trật tự công cộng; đảm bảo không tồn tại, hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu bia… do đó đòi hỏi phải tăng cường quản lý và nâng cấp các hệ thống an ninh công cộng đô thị.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là nền tảng quan trọng để phát triển KTBĐ. Do đó cần phải cải thiện cảnh quan đô thị vào ban đêm phù hợp với quy hoạch và thiết kế tổng thể, cần xem xét đánh giá các yếu tố con người - môi trường, chức năng - thẩm mỹ, ánh sáng - kiến trúc, giải trí - tiêu dùng, truyền thống - hiện đại, khu vực - tổng thể, kết hợp cùng công nghệ và nghệ thuật để tạo ra một môi trường sinh thái, cảnh quan thị giác và không gian tiêu dùng ban đêm mang đến cảm giác thân thuộc và thỏa mãn cho cư dân và toàn thể khách du lịch.
- Đầu tư các dự án phục vụ KTBĐ đúng theo yêu cầu và định hướng sẽ gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, con người và mang tính chất phức tạp, dài hạn. Trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh còn rất hạn chế.
- Bên cạnh đó, dịch COVID-19 hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát một cách triệt để trên phạm vi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 không chỉ tác động trực tiếp tới nền kinh tế thông qua sự kiềm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch mà còn làm thay đổi thói quen tiêu dùng khi người dân. Đây được xem rào cản lớn trong việc phát triển du lịch, phát triển KTBĐ của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần.
III. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRONG NƯỚC VÀ TRÊN THẾ GIỚI
1. Kinh nghiệm phát triển KTBĐ trong nước và trên thế giới
a) Trong nước
- Hà Nội
+ Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước. Không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội về đêm cũng sở hữu nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển KTBĐ. Từ tháng 9/2016, thành phố Hà Nội chính thức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; thông qua đó đã mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 02 giờ sáng cho 3 ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7 và chủ nhật) đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khu vực [1]. Năm 2018, thành phố đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 25/05/2018 về Quy chế tạm thời tổ chức sự kiện tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, trong đó có quy định thời gian tổ chức không quá 23 giờ. Thành phố còn thành lập Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin miễn phí các chương trình tour tham quan trên địa bàn, lắp đặt và vận hành hệ thống wifi miễn phí ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm; lên phương án bố trí 78 điểm gửi xe xung quanh các phố đi bộ [2]. Cuối năm 2020, UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm triển khai mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, phạm vi mở rộng gồm 8 tuyến phố [3].
+ Đặc biệt, phố Tạ Hiện là địa điểm nổi tiếng về ăn nhậu đối với khách du lịch và giới trẻ nội thành với những cốc bia hơi mát lạnh, giá rẻ; phố Hàng Bạc với những cửa hàng bán đồ trang sức thu hút rất đông khách. So với các khu phố khác, điểm thu hút của Tạ Hiện đến từ không gian mở ngay trong trung tâm phố cổ, hội tụ văn hóa của Hà Nội xưa và nay. Vào các tối cuối tuần, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân thu hút đông khách tham quan mua sắm. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang xây dựng các tour du lịch vào buổi tối, song song với việc mở cửa ban ngày các địa điểm thăm quan quen thuộc như Nhà tù Hỏa Lò mang tên “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, Đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long… [4].
- Thành phố Hồ Chí Minh
+ Các hoạt động KTBĐ tại thành phố Hồ Chí Minh có đôi nét tương đồng với KTBĐ tại Hà Nội. Khách du lịch khi tới đây thường tập trung ở các con đường trung tâm, nhiều nhất là ở các trung tâm thương mại được thiết kế theo mô hình: mua bán hàng hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí, bar,… Hệ thống các nhà hàng, quán cà phê,… ở đây cũng rất phong phú và thường hoạt động khá muộn.
+ Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng có Chợ đêm Bến Thành với hơn 1.400 sạp hàng bao gồm các đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, món ăn truyền thống, ... thu hút hơn 15.000 lượt khách trong và ngoài nước mỗi ngày/đêm. Du khách đến đây quá nửa là người nước ngoài với mục đích tìm hiểu và khám phá về nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Tại đây, ngoài việc mua sắm những món quà lưu niệm mang đậm chất Việt Nam, du khách còn có thể thưởng thức ẩm thực truyền thống của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam [5].
+ Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Phố đi bộ Bùi Viện, Quận 1 là những địa điểm phát triển KTBĐ nổi bật nhất của thành phố, thu hút đông đảo sự tham gia của người dân bản địa lẫn khách quốc tế. Khác với Phố đi bộ Bùi Viện nổi tiếng là thiên đường ẩm thực, vũ trường, bar, beerclub, pub; Phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút người dân tham gia với sự đa dạng loại hình dịch vụ như tạo không gian chụp ảnh, trình diễn nghệ thuật, café, âm nhạc, đọc sách; ngoài ra, vào các dịp lễ, sự kiện lớn, đường Nguyễn Huệ được sử dụng để phục vụ các mục đích khác như làm đường hoa vào dịp Tết; trình chiếu bóng đá ngoài trời,… Để phục vụ cho một lượng khách tham quan và vui chơi rất lớn vào các dịp cuối tuần hay lễ, Tết, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã lập ra 26 địa điểm gửi xe và các điểm này do lực lượng Thanh niên xung phong phụ trách (chủ yếu là tận dụng vỉa hè trống và một số điểm giữ xe tại các tòa nhà lân cận) [6]. Thành phố còn đang có kế hoạch phát triển phố chuyên kinh doanh ẩm thực về đêm một cách bài bản như: phố Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), khu Phan Xích Long, phố người Hoa (quận 5), khu Phú Mỹ Hưng (quận 7),... [7].
- Đà Nẵng
+ Mặc dù không nổi tiếng về phát triển KTBĐ như Thủ đô Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế trong phát triển KTBĐ. Đà Nẵng có sân bay quốc tế lớn nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là một trong 3 sân bay lớn nhất ở Việt Nam; bên cạnh đó, giao thông đường thủy cũng rất phát triển. Nhiều điểm tham quan, du lịch tại đây cũng rất nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước như Sun World Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn… Thành phố luôn được gắn với hình ảnh là “thành phố đáng sống” của cả nước; nổi tiếng là năng động, an toàn, thân thiện, văn minh, đồng thời phát triển kinh tế gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
+ Các hoạt động thu hút phát triển KTBĐ ở Đà Nẵng cũng rất đa dạng, điển hình như: Các khu vui chơi giải trí quy mô lớn là Sunworld Đà Nẵng Wonders (Công viên châu Á) và Khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài tổ chức hoạt động vào ban đêm; 02 sân golf Bà Nà Hills Golf Club và BRG Danang Golf Resort tổ chức hoạt động đánh golf cho khách vào ban đêm; Các show diễn như Charming Đà Nẵng, Áo dài show, Hồn Việt, Trầm tích Sông Hàn, các hoạt động sự kiện lễ hội 02 bên bờ Sông Hàn,… hoạt động đến 10 giờ đêm; Các khu vui chơi giải trí có thưởng (casino) dành cho người nước ngoài tại Crowne Plaza, Furama Resort, One Opera… hoạt động 24/24 giờ.
+ Hiện nay, Đà Nẵng đang hình thành khu phố du lịch tại An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) với các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... hoạt động đến khoảng 12 giờ đêm. Ngoài ra, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã thông qua Đề án phát triển KTBĐ với mục tiêu xây dựng thương hiệu “Đêm Đà Nẵng” (Danang by Night), thông qua đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai đầu tư, kinh doanh các dịch vụ, hoạt động về đêm lung linh, nhiều màu sắc; các hoạt động dọc sông Hàn xen lẫn nét thơ mộng, hiện đại và các bờ biển dài của Đà Nẵng; hình thành các loại hình tàu lưu trú hạng sang 4-5 sao… [8].
- Thừa Thiên Huế
+ Từ năm 2010, thành phố Huế đã mở ra khu chợ đêm bên bờ Nam sông Hương, bao gồm 2 phần chính là khu ẩm thực và khu bán đồ lưu niệm. Khu ẩm thực với những món ăn đặc trưng của Huế và nhiều món ăn tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam đã góp phần mang lại những cảm nhận đa dạng cho du khách về văn hóa Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
+ Tuy nhiên, nhận thấy du lịch về đêm tại Huế không có nhiều các hoạt động khác và chưa đủ sức thu hút khách du lịch; gần đây, chuỗi dự án “Sáng và sống” do Công ty du lịch Vietravel đầu tư và phối hợp thực hiện cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm phát triển không gian văn hóa nghệ thuật, khơi dậy sức sống về đêm của cố đô Huế. Thông qua đó, thành phố đã đưa vào hoạt động hệ thống chiếu sáng Kỳ Đài (còn gọi là Cột cờ, nằm ở Kinh thành Huế, là di tích kiến trúc có từ thời nhà Nguyễn) và các phố đi bộ. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đang xây dựng hình ảnh thành phố “Xanh - Sạch - Sáng” và triển khai các hoạt động gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa - nghệ thuật, các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm... như dịch vụ ca Huế trên sông Hương, Đại Nội về đêm, phố đi bộ trục đường Nguyễn Đình Chiểu; thành phố cũng đã thí điểm xây dựng các tuyến đường đi bộ hai bên bờ sông Hương và phần sân khấu biểu diễn ngoài trời,… [9].
- Một số địa phương khác
Tại một số tỉnh, thành phố trong nước cũng đã và đang phát triển một số mô hình KTBĐ với các chương trình, sản phẩm, hoạt động đêm hấp dẫn, mang nét đặc trưng riêng như:
+ Thành phố Hội An nổi tiếng với với ánh sáng của đèn lồng cùng với lễ hội hoa đăng trên sông Hoài, chợ đêm Hội An… cùng với các show trình diễn nghệ thuật quảng bá văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng với quy mô lớn, ngang tầm quốc tế như Công viên chủ đề - Show diễn Ký ức Hội An.
+ Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt nổi tiếng với chợ đêm Đà Lạt, là khu đi bộ hội tụ vô số gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm,… do Ban Quản lý chợ Đà Lạt đầu tư và quản lý.
+ Phú Quốc cũng có nhiều mô hình KTBĐ độc đáo nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia mua sắm, tiêu dùng của khách du lịch; đặc biệt vừa qua UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 03/8/2021 về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc tại xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc với quy mô 104,14 ha. Dự kiến đây sẽ là một trong những địa điểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch cao cấp đến Phú Quốc trong thời gian tới.
+ Để phát triển KTBĐ, giai đoạn 2021-2022 tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai thí điểm nhiều mô hình như liên hoan xiếc, festival âm nhạc, các show diễn âm nhạc đường phố, lễ hội ẩm thực quốc tế, mô hình tour du lịch theo giờ đối với tàu đêm dạo trên bờ Vịnh Hạ Long theo tuyến cầu Bãi Cháy - Tuần Châu; kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ, bán hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị đến 11 giờ đêm hằng ngày. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành một khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại đảo Tuần Châu [10]. Bên cạnh đó, với sự phát triển của loại hình casino tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh hiện cũng đang thu hút đầu tư Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 50.365 tỷ đồng, trong đó có khu phức hợp dịch vụ, casino, sân golf, thương mại kết hợp nghỉ dưỡng hiện đại, đồng bộ… [11].
b) Trên thế giới
- Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc
+ Kể từ năm 2018, Bắc Kinh liên tục đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển KTBĐ. Chính phủ thành phố Bắc Kinh đưa ra báo cáo đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển KTBĐ khuyến khích các cửa hàng, trung tâm thương mại kéo dài thời gian kinh doanh. Tháng 7/2019, Cục thương mại thành phố Bắc Kinh chính thức thực hiện “Chính sách của thành phố Bắc Kinh liên quan đến việc làm cho “kinh tế ban đêm” phát triển mạnh để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng”. Mục tiêu của chính sách này là đến cuối năm 2021 sẽ hình thành khu sinh hoạt, khu thương mại, địa điểm mang tính biểu tượng của “thủ đô ban đêm” với bố cục hợp lí, quản lý theo tiêu chuẩn, mang đầy đủ nét đặc sắc với chức năng hoàn thiện [12].
+ Để thực hiện hiệu quả Chính sách, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã xây dựng 13 biện pháp cụ thể, trong đó có nhiều nội dung độc đáo, mới lạ như: Thiết lập cơ chế phối hợp điều phối kinh tế vào ban đêm (bầu ra “người thắp đèn” cho nền KTBĐ theo ba cấp khu phố (hương, trấn), quận, thành phố do lãnh đạo cơ quan chủ quản các cấp chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp nắm giữ, phụ trách quản lý, điều phối sự phát triển KTBĐ); Lên kế hoạch “thắp sáng thủ đô ban đêm” để thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng (tổ chức triển khai các hoạt động về đêm như Lễ hội ẩm thực đêm khuya, lễ hội ánh sáng, các show diễn văn nghệ…); Tạo nên “văn hóa IP” (văn hóa sở hữu trí tuệ) tiêu dùng đêm (tổ chức các hoạt động văn hóa và giải trí như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, ... Khuyến khích các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật kéo dài giờ mở cửa; tổ chức các hoạt động văn hóa, các lễ hội truyền thống); Phát triển địa điểm du lịch đêm (kéo dài thời gian mở cửa các thắng cảnh; tổ chức các hoạt động du lịch đêm tại Cung điện mùa hè, Công viên Triều Dương và những nơi khác); Nếp sống tiêu dùng mới - các hoạt động thể dục về đêm (hỗ trợ các đơn vị kinh doanh về thể dục vận động mở cửa đến 10 giờ tối, tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế); Khuyến khích hoạt động kinh doanh kéo dài vào ban đêm (hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; khuyến khích các trung tâm mua sắm kéo dài thời gian làm việc, thực hiện các chương trình khuyến mãi vào các ngày lễ)… [12].
- Thủ đô Bangkok, Thái Lan
+ Năm 2016, Bangkok vượt qua cả London và New York để đứng đầu danh sách “Thành phố đáng tham quan nhất” theo đánh giá của Euromonitor với gần 35 triệu lượt khách và 71,4 tỷ USD doanh thu. Bangkok cũng đạt 2 năm liên tiếp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng “Điểm đến toàn cầu”. Theo Bloomberg, trung bình mỗi khách du lịch sẽ ở lại Bangkok 4,8 ngày và chi tiêu 184 USD/ngày, cao hơn cả ở New York (Mỹ), London (Anh). Để làm được điều đó, Bangkok đã được biến thành một thành phố không ngủ với hàng loạt các hoạt động về đêm như ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm; đặc biệt là các tuyến phố thương mại, ẩm thực bên dòng sông Chao Phraya - địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bangkok [13].
+ Tuy nhiên, một trong những mô hình góp phần đưa nền KTBĐ ở Bangkok phát triển vượt bậc là nhờ các “khu phố đèn đỏ”. Mặc dù mại dâm bất hợp pháp và bị luật pháp Thái Lan nghiêm cấm; nhưng các “khu phố đèn đỏ” tại đây (nổi tiếng nhất tại Bangkok là khu phố Patpong) vẫn ngang nhiên hoạt động khiến ta lầm tưởng rằng nó được hợp pháp hóa, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch khắp thế giới khi tới Thái Lan và được coi như là một loại hình du lịch về đêm không thể thiếu tại đây. Tuy mang lại nguồn doanh thu khổng lồ, thu nhập cho người dân và giải quyết nhiều việc làm; việc hoạt động ngoài vòng pháp luật này vẫn mang lại nhiều ý kiến trái chiều của người dân bản địa [14].
- Bali, Indonesia
+ Được xem là một trong những thiên đường du lịch ở châu Á với những bãi biển tuyệt đẹp, ruộng lúa bậc thang và thời tiết lý tưởng; các hoạt động đêm ở các khu phố trung tâm Bali cũng khá sầm uất với các dịch vụ ca nhạc, nhà hàng, quán bar, trên đường phố có hình thức các xe uống bia, ngắm cảnh phù hợp với nhu cầu của khách châu Âu.
+ Tại bãi biển Jimbaran, chính quyền địa phương đã xây dựng hình thức du lịch cộng đồng cho phép người dân địa phương vận hành một chuỗi các nhà hàng trên biển vào ban đêm với không gian trang trí lãng mạn, có biểu diễn múa truyền thống Indonesia. Nhiều hộ gia đình có thể cùng vận hành 01 nhà hàng, sau khi kết thúc, người dân sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh và trả lại mặt bằng khu vực biển như ban đầu vào ban ngày. Dọc các nhà hàng là các cụm âm nhạc truyền thống, các nhóm nhạc du mục đăng ký biểu diễn phục vụ du khách [15].
- Một số địa phương khác
Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền KTBĐ phát triển, đặc biệt là những thành phố được du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Lyon, London, Manchester, Belfort, Amsterdam, Berlin,… EU không có chính sách chung về phát triển KTBĐ. Chính phủ các nước thành viên cũng phân quyền lĩnh vực này cho chính quyền các thành phố. Tùy theo tiềm năng và chiến lược phát triển, mỗi thành phố có thể thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy nhằm khuyến khích KTBĐ gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình. Ví dụ, London có “Sa hoàng đêm - London’s night Czar”; Amsterdam có “Thị trưởng đêm - The Night Mayor’’; Helsinki có “Đêm nghệ thuật - The Night of the Arts”; Munich có “Đêm bảo tàng - Long Night of Museums”…. Bên cạnh đó, rất nhiều Hội chợ triển lãm, khai trương cửa hàng/cơ sở mới hoặc các show diễn được tổ chức vào ban đêm, và việc giảm giá bán vào ban đêm cũng đã thu hút được nhiều người tham gia hoạt động đêm. Các trung tâm thể thao cũng ngày càng phát triển vào ban đêm và kéo theo dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khung giờ ban đêm [12].
2. Đánh giá chung các mô hình phát triển KTBĐ tại các địa phương
- Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của các nước phát triển KTBĐ trên thế giới là việc quy hoạch đồng bộ và riêng biệt các khu dịch vụ với khu dân cư. Xây dựng được các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với các mục tiêu rõ ràng, cụ thể.
- Việc phát triển KTBĐ phải gắn kết liền mạch với kinh tế ban ngày, nhất là đối với khách du lịch; các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch vào ban ngày phải đủ sức hấp dẫn thì khách du lịch mới đến với địa phương và trải nghiệm các hoạt động về đêm.
- Quy hoạch không gian, đầu tư hạ tầng công cộng phù hợp, thuận lợi để phục vụ phát triển KTBĐ. Tăng cường các tuyến phố đi bộ, có bãi giữ xe, hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, tăng cường phương tiện công cộng để từng bước giảm bớt mật độ phương tiện cá nhân.
- Mô hình phân cấp quản lý với sự chủ động của chính quyền địa phương và sự tham gia phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của khu vực tư nhân là chủ yếu.
- Việc phát triển KTBĐ phải gắn với một đặc trưng, hình ảnh cụ thể của địa phương để tạo sự khác biệt, từ đó định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, hoạt động, dịch vụ trên nền tảng xây dựng thương hiệu đặc trưng của địa phương cùng với việc kéo dài khung giờ hoạt động linh hoạt với từng khu vực.
- Xây dựng khung nguyên tắc chung để quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn việc phát triển KTBĐ...
3. Bài học kinh nghiệm trong phát triển KTBĐ ở tỉnh Kon Tum
* Từ những kinh nghiệm trên, để phát triển KTBĐ một cách hiệu quả, gắn với phát triển KTXH nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng thì chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum cần chú trọng:
- Việc phát triển KTBĐ phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động kinh tế diễn ra vào ban ngày để tạo ra nền kinh tế hoạt động một cách xuyên suốt, đồng bộ.
- Xây dựng lộ trình phát triển KTBĐ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; lựa chọn địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ, xác định các giai đoạn phát triển phù hợp; thực hiện quy hoạch và xây dựng các khu, cụm KTBĐ trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với yếu tố địa lý, kinh tế, văn hóa, tập quán.
- Định hình rõ các đặc điểm của nền KTBĐ của từng địa phương để tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn của KTBĐ tương ứng với từng địa phương; trong đó chú trọng đến các giá trị văn hóa - nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của tỉnh Kon Tum và gắn kết chặt chẽ với hình ảnh, định hướng du lịch của tỉnh.
- Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống thì cũng cần phải thúc đẩy hội nhập và đổi mới văn hóa thông qua việc lồng ghép, phối hợp với nghệ thuật hiện đại, yếu tố công nghệ; tạo ra một không gian trải nghiệm văn hóa phong phú và tăng cường các hoạt động kinh tế, du lịch về đêm.
- Lựa chọn khung thời gian thích hợp tương ứng với mỗi loại hình, khu, điểm KTBĐ, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế tối đa và phù hợp với các yếu tố văn hóa - xã hội - môi trường - an ninh.
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cùng thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch về đêm chất lượng cao để kích thích sự phát triển, liên kết giữa các ngành thương mại, giao thông vận tải, ăn uống, du lịch và giải trí. Tăng cường quảng bá, xúc tiến cho thương hiệu KTBĐ tại các địa phương.
- Cải thiện các tiện ích và dịch vụ công cộng để cân bằng an toàn và phát triển đô thị như: Cải thiện hạ tầng, ánh sáng ban đêm; Kéo dài thời gian hoạt động ban đêm; Tăng cường đào tạo cho nhân viên; Hỗ trợ chính sách và hỗ trợ tài chính; Sử dụng đầy đủ các phương tiện hiện đại để tiếp thị KTBĐ…
- Thiết lập hệ thống quản trị KTBĐ có hệ thống của Nhà nước để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến từ KTBĐ, làm tốt công tác phòng chống ô nhiễm, phòng cháy chữa cháy và giữ gìn trật tự xã hội; phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận và tăng cường sự phối hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.
- Việc phát triển KTBĐ của tỉnh Kon Tum phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
- KTBĐ không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế; các hoạt động kinh tế đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh không chịu ảnh hưởng bởi nội dung của Đề án mà vẫn diễn ra theo quy luật cung - cầu của thị trường và theo đúng quy định pháp luật có liên quan. Cần gắn kết hài hòa, liền mạch giữa phát triển KTBĐ với các hoạt động kinh tế diễn ra ban ngày; đồng thời đảm bảo hài hòa với lợi ích của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, tăng cường chất lượng cuộc sống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho tất cả người dân và du khách, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn các địa phương triển khai thực hiện các mô hình phát triển KTBĐ.
- Phát triển KTBĐ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, thông qua tập trung phát triển 04 lĩnh vực: (1) Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, thể dục thể thao,...); (2) Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar, café...); (3) Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm, trung tâm thương mại,...) và (4) Du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc,...) tại các khu vực có tiềm năng về phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh; trong đó trọng tâm là thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Tùy thuộc vào định hướng, nhu cầu và khả năng phát triển, các địa phương (bao gồm cả 10 huyện, thành phố) chủ động nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình/kế hoạch cũng như các giải pháp thúc đẩy KTBĐ trên địa bàn theo thẩm quyền.
- Không khuyến khích phát triển hoạt động KTBĐ một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và quy định pháp luật có liên quan.
- Xây dựng phương án, lộ trình phát triển KTBĐ phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn; tận dụng tiềm năng, thế mạnh và các đặc trưng của các địa phương để phát triển KTBĐ mang bản sắc riêng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.
1. Mục tiêu tổng quát
Định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn có tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành thương mại dịch vụ nói chung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24 giờ; nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường trên địa bàn.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021-2025:
- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 42-43% GRDP của tỉnh.
- Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 205 cơ sở lưu trú với 2.890 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên.
- Triển khai thí điểm các mô hình KTBĐ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương; trong đó tập trung quy hoạch, triển khai các khu, điểm phát triển KTBĐ với phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
b) Giai đoạn 2026-2030:
- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt trên 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43-45% GRDP của tỉnh.
- Đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 255 cơ sở lưu trú với 3.640 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu có ít nhất 09-10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn hạng từ 4 đến 5 sao. Phấn đấu nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 2,5 ngày trở lên. Thu hút thành lập mới ít nhất 01 công ty chuyên kinh doanh dịch vụ lữ hành về đêm trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai chính thức các mô hình KTBĐ như phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm; đồng thời bổ sung loại hình dịch vụ du lịch, thể dục thể thao tại các địa phương với trọng tâm là tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển KTBĐ như phố đi bộ, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, cấp thoát nước,… Thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển KTBĐ như trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; dịch vụ vận chuyển về đêm như xe buýt, xe điện, xe đạp, tàu thuyền…
c) Giai đoạn 2031-2050:
- Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 47-50% GRDP của tỉnh.
- Phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng các quần thể cơ sở lưu trú du lịch cao cấp tiêu chuẩn 5 sao; nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 3 ngày trở lên.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình KTBĐ truyền thống. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư các mô hình KTBĐ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển như công viên vui chơi, giải trí quy mô lớn; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội, sự kiện quy mô mang tầm khu vực; các khu vui chơi giải trí cao cấp, có thưởng;... Từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ đến 06 giờ sáng hôm sau tại các địa bàn trọng điểm phát triển KTBĐ, hướng đến nền kinh tế 24 giờ.
- Đẩy mạnh triển khai áp dụng, phát triển các mô hình KTBĐ tại địa bàn các huyện, thành phố gắn với thế mạnh, nét đặc trưng và điều kiện thực tế để từng bước đưa KTBĐ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
* Phạm vi nghiên cứu của Đề án chỉ đề ra những định hướng bao quát, tập trung tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông để làm cơ sở nghiên cứu, tham khảo và vận dụng. Ngoài các định hướng chung về không gian phát triển KTBĐ và các loại hình dịch vụ được nêu tại Đề án, chính quyền các địa phương (bao gồm cả 10 huyện, thành phố) cần triển khai công tác khảo sát, đánh giá chi tiết để có quy hoạch, đề án, kế hoạch hoặc chương trình cụ thể triển khai tại từng địa phương trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tiễn của từng giai đoạn. Các hoạt động kinh tế đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh không chịu ảnh hưởng bởi nội dung của Đề án mà vẫn diễn ra theo quy luật cung - cầu của thị trường và theo đúng quy định pháp luật có liên quan.
1. Xác định tính đặc trưng trong phát triển KTBĐ của tỉnh
- Đối tượng tham gia KTBĐ: Đối với dân số thường trú trên địa bàn tỉnh, hoạt động KTBĐ chủ yếu thu hút sự tham gia của người dân có độ tuổi từ 18 đến 59, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18 đến 39 và phù hợp với cơ cấu dân số trẻ của tỉnh. Ngoài ra, khách du lịch ngoại tỉnh cũng là nhóm đối tượng chính tham gia các hoạt động KTBĐ.
- Yếu tố dân tộc: Các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có không gian mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, điển hình như:
+ Văn hóa ẩm thực: Nhiều món ăn đặc sắc, độc đáo, mang bản chất riêng của núi rừng như gỏi lá, cơm lam, xôi măng, gà nướng, rượu ghè, rượu sim Măng Đen, các loại thực phẩm chế biến từ dược liệu…
+ Văn hóa văn nghệ: Lễ hội Cồng chiêng, múa xoang, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới;… Trong đó, Không gian văn hóa Cồng chiêng là một nét đặc trưng, lợi thế vốn có mà tỉnh cần tận dụng hiệu quả để KTBĐ ở Kon Tum có bản sắc riêng.
- Yếu tố tâm linh, tín ngưỡng: Những ngôi đền, chùa và các công trình tôn giáo cổ kính là nét đẹp tạo nên sự ấn tượng cho văn hóa Kon Tum, thu hút lượng lớn du khách.
- Với cảnh quan thiên nhiên mang tính biểu tượng, KTBĐ của tỉnh có thể khai thác từ hình ảnh đặc trưng du lịch của từng địa phương như “Kon Tum - Không gian văn hóa Cồng chiêng”, “Đăk Bla - Dòng sông chảy ngược” hay “Măng Đen - Xứ sở hoa anh đào”… để lồng vào khung cảnh sống, tạo nên hình ảnh riêng cho KTBĐ.
KTBĐ trên địa bàn tỉnh sẽ tích hợp sâu sắc với bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tại từng địa phương; đồng thời kết hợp với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng để tạo ra một không gian sinh hoạt ban đêm văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; tạo nên nét đặc trưng riêng về phát triển KTBĐ của tỉnh Kon Tum.
2. Định hướng chung phát triển các ngành, lĩnh vực trong KTBĐ
a) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2021-2025
Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum trước mắt là hoàn thiện công tác lập quy hoạch, mở rộng chuỗi tiêu dùng về mặt thời gian và cách thức, cung cấp các dịch vụ tương ứng với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khác nhau để kích thích tiêu dùng, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn phát triển tại từng địa phương, trong đó tập trung thí điểm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
- Làm tốt công tác thí điểm các mô hình KTBĐ như tuyến phố đi bộ, chợ đêm; thành lập các đơn vị quản lý, vận hành và xây dựng kế hoạch, quy chế quản lý hoàn thiện, hiệu quả. Tập trung xây dựng hoạt động vào cuối tuần hoặc ngày lễ gắn với các chủ đề văn hóa, du lịch, mua sắm, ăn uống kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tăng mức độ thu hút và đa dạng hóa hoạt động giải trí ban đêm.
- Không khuyến khích phát triển hoạt động KTBĐ một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và quy định pháp luật có liên quan.
- Khuyến khích các doanh nghiệp kéo dài thời gian kinh doanh và tạo ra các không gian phát triển KTBĐ phù hợp cho việc tiêu dùng vào ban đêm, đáp ứng trải nghiệm của người dân và du khách: Xây dựng các khu phố ẩm thực, chợ đêm đặc sản, trung tâm thương mại lớn. Cố gắng tích hợp các dịch vụ ẩm thực, lưu trú, phương tiện đi lại, du lịch, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe và các chức năng khác tại cùng một địa điểm, đáp ứng nhu cầu cá nhân về tương tác xã hội, giải trí, rèn luyện sức khỏe và nâng cao kiến thức.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh sang phục vụ cả người dân và khách du lịch; khuyến khích sự đổi mới của các đơn vị kinh doanh ban đêm.
- Hỗ trợ chiếu sáng cảnh đêm; cải thiện việc xây dựng, từng bước hoàn thiện, chỉnh trang lại hệ thống đèn trang trí đô thị trang nhã, đẹp mắt. Bổ sung các thiết bị và địa điểm thể dục thể thao trong các công viên.
- Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các chương trình vui chơi giải trí, các hoạt động trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm lành mạnh, đạt tiêu chuẩn.
- Khảo sát, lắp đặt bổ sung hệ thống thùng rác công cộng tại các không gian phát triển KTBĐ đảm bảo thẩm mỹ, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
b) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2026-2030
Trong giai đoạn 2026-2030, định hướng phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum là cụ thể hóa các quy hoạch đã được lập; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực phát triển KTBĐ; triển khai chính thức các mô hình KTBĐ, nhất là tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện thí điểm; tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động và thu hút đầu tư nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTBĐ.
- Thiết lập cơ chế điều phối và thúc đẩy KTBĐ thông qua việc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập các Ban Chỉ đạo phát triển KTBĐ phụ trách quản lý và vận hành các hoạt động KTBĐ tại các địa phương.
- Tối ưu hóa dịch vụ giao thông công cộng ban đêm, cung cấp bảo đảm cho các dịch vụ xe điện du lịch, xe buýt và bãi đỗ xe kéo dài thời gian hoạt động (theo tình hình nhu cầu thực tế).
- Tạo ra các địa điểm văn hóa đặc trưng, phản ánh di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trong KTBĐ. Phát triển các điểm “check-in” phục vụ du lịch đêm (di tích lịch sử, danh thắng, kiến trúc nghệ thuật).
- Khuyến khích các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật đủ điều kiện mở rộng thời gian mở cửa hoạt động ban đêm. Thúc đẩy kéo dài giờ mở cửa tại các khu thể thao, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thêm từ 01-02 giờ (tùy theo điều kiện thực tế của từng địa điểm). Mục tiêu kéo dài giờ mở cửa của các điểm thể thao, du lịch, di tích, di sản văn hóa đến 10 giờ đêm hằng ngày.
- Có chính sách hỗ trợ cho các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ đủ điều kiện và thực hiện xúc tiến bán hàng vào buổi tối.
- Tăng cường công tác quảng bá, kích thích du lịch, tiêu dùng về đêm như thành lập Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch, biên soạn “Sổ tay hướng dẫn tiêu dùng ban đêm”. Tích cực tuyên truyền để người dân và du khách, các đơn vị tham gia hoạt động KTBĐ nắm rõ yêu cầu và trách nhiệm.
- Xây dựng chính sách, tăng cường hỗ trợ tài chính để khuyến khích, thu hút các đơn vị kinh doanh dịch vụ vào ban đêm.
- Thiết lập cơ chế phòng ngừa và kiểm soát rủi ro của KTBĐ. Kéo dài thời gian hoạt động KTBĐ tại những địa điểm có hiệu quả, thu hút đông đảo sự tham gia tiêu dùng của người dân.
c) Định hướng phát triển chung giai đoạn 2031-2050
Trong giai đoạn 2031-2050, định hướng phát triển KTBĐ tỉnh Kon Tum là phát triển KTBĐ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình KTBĐ truyền thống và áp dụng các mô hình hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển; xây dựng hình ảnh tốt đẹp về KTBĐ đối với người dân trên địa bàn tỉnh và khách du lịch.
- Vận hành có hiệu quả, đồng bộ, từng bước xây dựng thương hiệu của các mô hình KTBĐ đã được triển khai. Đưa KTBĐ trở thành ngành kinh tế quan trọng, thu hút đông đảo sự hưởng ứng, tham gia của người dân trong tỉnh và khách du lịch.
- Gia tăng các dịch vụ du lịch, trải nghiệm về đêm, gia tăng các địa điểm giải trí, các tour du lịch đêm, tiếp tục đổi mới và áp dụng công nghệ khoa học hiện đại để tăng cường phát triển KTBĐ đồng thời gắn liền với kinh tế ban ngày và phù hợp với thời đại. Từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số mô hình phù hợp đến 06 giờ sáng hôm sau để nền tận dụng tối đa thời gian hoạt động của nền kinh tế.
- Phát triển KTBĐ gắn với trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm tiếng ồn và bảo vệ tài nguyên môi trường tự nhiên, duy trì hệ sinh thái.
3. Định hướng phát triển không gian và thời gian hoạt động KTBĐ
a) Về không gian
* Như đã phân tích tại Mục III, Phần thứ nhất của Đề án, từ kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài nước thì không gian phát triển KTBĐ thường tập trung tại khu vực trung tâm của một địa phương và không phát triển một cách đại trà, nhiều tụ điểm. Do đó, định hướng phát triển không gian KTBĐ tại các địa phương cần bám sát vào các tiêu chí này. Riêng tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông có thể triển khai như sau:
- Tại thành phố Kon Tum
Định hướng phát triển KTBĐ tại thành phố Kon Tum lấy hai bên bờ sông Đăk Bla làm không gian trung tâm cùng với các tuyến đường Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Bắc Kạn, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trường Chinh làm trục kết nối đến các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố (chủ yếu ở phía Bắc sông Đăk Bla) như:
+ Ngục Kon Tum; Bảo tàng tỉnh.
+ Công viên Giọt nước; Trung tâm thương mại Vincom Plaza.
+ Nhà thờ Giáo xứ Tân Hương; Nhà thờ Chính tòa Kon Tum (Nhà Thờ gỗ); Tòa Giám mục.
+ Cầu treo Kon Klor; Nhà rông Kon Klor; Làng du lịch cộng đồng Kon Klor (từ đây có thể đi tiếp đến Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu).
+ Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum; Tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố tại phường Trường Chinh; Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa;… (dự kiến hình thành trong tương lai).
Trong tương lai, các điểm phát triển KTBĐ của thành phố có thể mở rộng thêm về phía Nam sông Đăk Bla với điểm nhấn là các khu đô thị hiện đại như Khu đô thị mới Nam sông Đăk Bla, Khu đô thị du lịch Nam sông Đăk Bla.
Việc lựa chọn vị trí, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết không gian phát triển KTBĐ (như các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, bãi đỗ xe…) do Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum xác định, triển khai thực hiện.
Hình 1. Định hướng không gian phát triển KTBĐ thành phố Kon Tum
- Tại huyện Kon Plông
Định hướng phát triển KTBĐ tại huyện Kon Plông lấy trung tâm thị trấn Măng Đen làm không gian trung tâm, gồm 02 không gian chính là xung quanh điểm du lịch hồ Đắk Ke và xung quanh Quảng trường Măng Đen được kết nối bởi tuyến Quốc lộ 24; từ đó đi đến các địa điểm du lịch nổi tiếng tại thị trấn như:
+ Khu vực Bức tượng Đức mẹ Măng Đen.
+ Làng Du lịch cộng đồng Kon Pring.
+ Các khu vực tập trung phát triển loại hình villa, homestay, café,…
+ Các địa điểm vệ tinh khác như: Vườn hoa Măng Đen; Điểm du lịch hồ Đam Bri; Điểm du lịch thác Pa Sỹ; Điểm du lịch sinh thái Êban Farm; Điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm;…
+ Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen (dự kiến hình thành trong tương lai).
Việc lựa chọn vị trí, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết không gian phát triển KTBĐ (như các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, bãi đỗ xe) do Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông xác định, triển khai thực hiện.
Hình 2. Định hướng không gian phát triển KTBĐ huyện Kon Plông
b) Về thời gian hoạt động
- Trong giai đoạn thí điểm đến năm 2025, khuyến khích thời gian hoạt động tại các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ không quá 12 giờ đêm hằng ngày (tùy vào điều kiện thực tế của từng mô hình, khu vực, địa phương có thể kéo dài thời gian hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan).
- Trong giai đoạn triển khai chính thức đến năm 2030, khuyến khích thời gian hoạt động tại các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ không quá 02 giờ sáng ngày hôm sau (tùy vào điều kiện thực tế của từng mô hình, khu vực, địa phương có thể kéo dài thời gian hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan).
- Trong giai đoạn đến năm 2050, từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ đến 06 giờ sáng hôm sau tại các địa bàn trọng điểm phát triển KTBĐ (do chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn trên cơ sở thực tiễn nhu cầu, nguồn lực).
4. Định hướng phát triển các loại hình dịch vụ trong KTBĐ
a) Dịch vụ lưu trú
Để đảm bảo cơ sở lưu trú cho du khách và phục vụ cho phát triển KTBĐ, việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú là việc rất quan trọng. Do đó, cần phải kêu gọi đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch, dự án khu lưu trú và nghỉ dưỡng nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch và cơ sở lưu trú cao cấp trên địa bàn.
Về vị trí: Hầu hết du khách có xu hướng chọn khách sạn lưu trú gần khu vực có hoạt động giải trí về đêm sôi động. Do đó, định hướng quy hoạch xây dựng các cơ sở lưu trú tập trung tại các khu vực phát triển KTBĐ được chính quyền các huyện, thành phố xác định trên cơ sở quy hoạch của mỗi địa phương; trong đó định hướng tại thành phố Kon Tum là xung quanh dòng sông Đăk Bla và tại huyện Kon Plông là trung tâm thị trấn Măng Đen.
Về định hướng thu hút: Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khách sạn/resort tiêu chuẩn 04, 05 sao trở lên; qua đó góp phần đa dạng hóa tầng lớp khách du lịch đến địa phương, thu hút nhiều hơn khách du lịch thuộc tầng lớp thượng lưu đến thăm quan, tiêu dùng. Đối với các khách sạn/resort còn lại, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng với phương án kiến trúc mới mẻ, độc đáo, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2021 trở đi. Dịch vụ lưu trú là một điều kiện cần và thiết yếu để phát triển bất kỳ loại hình dịch vụ nào liên quan đến thu hút du khách. Đồng thời loại hình này mang tính đầu tư lâu dài; do đó, cần có quy hoạch, kế hoạch thu hút phát triển loại hình này ngay từ bây giờ.
b) Dịch vụ ăn uống
Các khu ẩm thực, ăn uống là hoạt động không thể thiếu cho bất kỳ nền kinh tế nào, đặc biệt đối với nền KTBĐ. Phát triển dịch vụ ăn uống, ẩm thực là một trong những mục tiêu trở thành sản phẩm đặc trưng cho KTBĐ của tỉnh.
Về vị trí: Tập trung tại các địa điểm được quy hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm được triển khai trong tương lai. Ngoài ra, đối với các cơ sở kinh doanh còn lại, chính quyền địa phương cũng cần khuyến khích các cơ sở kinh doanh ăn uống tập trung và hình thành trong các tuyến phố đông khách du lịch và người dân để tạo sự đồng bộ, điểm nhấn.
Về định hướng thu hút: Thúc đẩy phát triển ẩm thực đêm bằng cách khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ cho các nhà hàng, các quán ăn đường phố bày bán các sản phẩm ẩm thực đặc sản của địa phương, ẩm thực vùng miền; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở buôn bán tập trung kinh doanh tại các khu phố ẩm thực, chợ đêm được quy hoạch. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sáng tạo hơn nữa trong nghệ thuật nấu nướng, kết hợp và phát huy tinh hoa của ẩm thực truyền thống với hiện đại để thu hút khách du lịch khám phá ẩm thực đa dạng của tỉnh. Đồng thời chính quyền cần đưa ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cho các khu vực này.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2021 trở đi. Giống như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống cũng là một phần không thể thiếu trong hoạt động tiêu dùng của người dân; do đó, cần lên kế hoạch cụ thể và bắt đầu triển khai các hoạt động, chương trình để góp phần phát triển nền ẩm thực địa phương, đưa nền ẩm thực địa phương đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hình 3. Hình ảnh minh họa - Tổ hợp cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp và phối cảnh tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
c) Dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao
Các sản phẩm, hình thức vui chơi giải trí rất tiềm năng hiện nay trong KTBĐ là các hoạt động vui chơi tại các quán bar, pub, các quán café,… thu hút nhiều giới trẻ và khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, các hình thức này đều đem lại doanh thu cao, là một nguồn lợi kinh tế có tiềm năng phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, các hình thức vui chơi giải trí hiện nay tại các trung tâm thương mại bao gồm các hoạt động thể thao trong nhà như bowling, trượt băng, phòng tập gym, aerobic, các khu tổ hợp trò chơi điện tử, các rạp chiếu phim, chiếu bóng,… cũng là một điểm đến thu hút đối với giới trẻ.
Việc phát triển các hình thức vui chơi giải trí này tại tỉnh sẽ giúp gia tăng mức chi của các du khách đối với du lịch và dịch vụ, góp phần gia tăng tỷ lệ cư trú cũng như số ngày cư trú của khách du lịch đến địa bàn, tạo ra các dịch vụ bổ trợ xung quanh các điểm du lịch nổi tiếng ở các địa phương.
Về vị trí:
- Các khu vui chơi giải trí: Xây dựng các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao trong các trung tâm thương mại và các khu đô thị mới dưới nhiều hình thức như: khu tổ hợp trò chơi điện tử, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, thể thao (Trung tâm thương mại Vincom Plaza; các tổ hợp khách sạn/resort cao cấp; các khu đô thị mới…).
- Cho phép các hoạt động vui chơi, picnic đêm, đi bộ, thể dục thể thao, đọc sách, ngắm cảnh đêm, tổ chức rạp chiếu phim ngoài trời tại các không gian công cộng về đêm (xem xét lựa chọn tại các không gian công cộng hiện có như Công viên Giọt nước, Công viên 2 tháng 9, Quảng trường 16 tháng 3 tại thành phố Kon Tum; Quảng trường Măng Đen tại huyện Kon Plông;…).
- Các cơ sở bar, pub, karaoke, quán café âm nhạc trước mắt khuyến khích tập trung tại một số các tuyến đường phát triển KTBĐ (tại thành phố Kon Tum hiện hiện nay đã thu hút loại hình này tại các tuyến đường như Đào Duy Từ, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú; Bạch Đằng…; tại thị trấn Măng Đen là tại khu vực trung tâm và trên các tuyến đường nhánh đi vào các điểm du lịch nổi tiếng) đảm bảo yêu cầu đạt đủ các tiêu chuẩn cách âm, an ninh, an toàn.
Về định hướng thu hút: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí kết hợp thể dục, thể thao và tri thức tại các không gian công cộng. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào các loại hình vui chơi giải trí hiện nay còn phát triển hạn chế tại địa phương như bar, pub, các khu vui chơi giải trí cao cấp.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2021 trở đi đối với các loại hình vui chơi, giải trí, thể dục thể thao truyền thống như cửa hàng, quán ăn, các quán café, phòng tập gym, aerobic, các rạp chiếu phim, chiếu bóng,… Từ năm 2026 trở đi đối với các loại hình vui chơi, giải trí hiện đại như bar, pub, các khu tổ hợp trò chơi điện tử, bowling, trượt băng, golf,… Từ năm 2031 trở đi (tùy theo điều kiện phát triển) đối với các loại hình vui chơi, giải trí cao cấp như các khu vui chơi giải trí cao cấp, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài,…
Hình 4. Hình ảnh minh họa - Phố đi bộ Bùi Viện, thành phố Hồ Chí Minh và Công viên Châu Á, thành phố Đà Nẵng
d) Dịch vụ mua sắm
Tuyến phố đi bộ, Chợ đêm: Hiện nay các địa phương chưa có quy hoạch các địa điểm để phát triển các tuyến phố đi bộ, chợ đêm cũng như chưa hình thành các địa điểm tự phát đủ sức hút người dân, khách du lịch. Trong khi tại hầu hết các địa phương phát triển KTBĐ thì loại hình này thường thu hút đông đảo sự mua sắm, tiêu dùng của du khách. Do đó, cần có các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh buôn bán các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm du lịch mới mẻ, đồng thời mang tính đặc trưng của địa phương tại các địa điểm này. Định kỳ hằng tháng, quý tổ chức các hoạt động khuyến mãi cho du khách, cả mua sắm, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, tour du lịch cùng tham gia… tạo sự bùng nổ, sức hút mạnh mẽ cho dịch vụ KTBĐ trên địa bàn.
Trung tâm thương mại: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện chỉ có 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; tuy nhiên lượng mua sắm, tiêu dùng các của người dân địa phương tại đây còn rất hạn chế. Trong khi tại các thành phố lớn, các Trung tâm thương mại là địa điểm mua sắm chính của người dân và khách du lịch. Do đó, trong tương lai cần tăng cường thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, đẩy mạnh hơn nữa để phát triển sản phẩm KTBĐ bên trong chính các Trung tâm thương mại như Vincom Plaza và trong các Khu đô thị mới.
Cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ: Với sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng vào ban đêm, quy mô và thời gian hoạt động của các cửa hàng tiện lợi cũng phát triển. Cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ là một trong những dịch vụ quan trọng của nhu cầu tiêu dùng vào đêm của thành phố. Ở một mức độ nhất định, các cửa hàng này sẽ đáp ứng và bù đắp nhu cầu khẩn cấp của người tiêu dùng và du khách sau khi các siêu thị đóng cửa. Do đó cần đưa ra các chính sách khuyến khích các cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24 giờ tại trung tâm thành phố, thị trấn hoặc gần các tụ điểm du lịch thu hút đông du khách lưu trú và hoạt động về đêm, nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu cho các thành phần hoạt động trong KTBĐ.
Song song với việc phát triển các địa điểm cung cấp dịch vụ mua sắm, việc phát triển sản phẩm để người dân và khách du lịch tiêu dùng cũng hết sức quan trọng. Ngoài việc cần đa dạng hóa các mặt hàng hiện đại, cao cấp tại các trung tâm thương mại thì các ngành, địa phương cần chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP thông qua việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, cùng với tăng cường công tác quảng bá và đưa các sản phẩm OCOP bày bán tại các khu, điểm phát triển KTBĐ trên địa bàn.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2021 trở đi tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả các siêu thị, Trung tâm thương mại hiện có trên địa bàn; triển khai quy hoạch, thí điểm các mô hình phố đi bộ, chợ đêm. Từ năm 2026 trở đi tập trung triển khai hoạt động hiệu quả, thường xuyên các tuyến phố đi bộ, chợ đêm; hình thành mới các siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn; đồng thời hình thành các cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24 giờ.
Hình 5. Hình ảnh minh họa - Chợ đêm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Chợ đêm Helio, thành phố Đà Nẵng
đ) Dịch vụ tham quan du lịch về đêm
Phương tiện, dịch vụ hỗ trợ di chuyển: Việc di chuyển đến điểm đến và trở về là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động KTBĐ. Do đó, cần tăng chỗ đỗ xe ban đêm, tuyến xe buýt đêm, thu hút đầu tư các loại hình vận chuyển mới lạ, độc đáo vào ban đêm như xe đạp (xe đạp đôi), xe điện; đồng thời khuyến khích các chuyến tham quan ban đêm đến các di tích lịch sử, văn hóa và chợ đêm hoạt động.
Các điểm nhấn kiến trúc định hướng phục vụ tham quan “check-in” buổi tối: Thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông có nhiều điểm du lịch có thể định hướng cho khách tham quan về đêm như hệ thống các di tích danh thắng, di tích tâm linh tín ngưỡng, đền, núi… Do đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện để các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh mở cửa hoạt động vào ban đêm. Đồng thời, tăng cường công tác tu bổ, chỉnh trang đèn chiếu sáng đô thị và trang trí các hệ thống ánh sáng, đèn LED cho tại các khu vực này để tạo không gian tham quan, ngắm cảnh lý tưởng cho du khách về đêm.
Tour du lịch xe đạp, xe điện tham quan du lịch: Cung cấp dịch vụ xe đạp, xe điện du lịch dẫn khách tham quan theo tour vào ban đêm (như dọc bờ sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum; dưới cánh rừng thông, dạo quanh các hồ tại trung tâm thị trấn Măng Đen;…); đáp ứng nhu cầu đi lại và tăng tính trải nghiệm, tham quan của du khách, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Tour du lịch đường thủy dọc sông Đăk Bla (từ phường Thống nhất đến xã Đăk Rơ Wa): Trong tương lai, nghiên cứu, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy với sông Đăk Bla làm trục phát triển; qua đó, du khách sẽ được ngắm cảnh, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực đặc sắc ngay trên thuyền.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2026 trở đi. Loại hình dịch vụ du lịch về đêm hiện chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần có thời gian khảo sát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cũng như hình thành các mô hình thí điểm trong giai đoạn 2021-2025 để có thể chính thức phát triển du lịch về đêm một cách hiệu quả.
Hình 6. Hình ảnh minh họa - Dịch vụ du lịch bằng xe điện và du thuyền tại thành phố Đà Nẵng
e) Dịch vụ văn hóa nghệ thuật
Văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh phải góp phần vào công cuộc phát triển KTBĐ, phát triển văn hóa đô thị. Tuy nhiên, do thành phần tham gia văn hóa ban đêm chủ yếu là giới trẻ, trong khi đó loại hình văn hóa truyền thống lại ít thu hút giới trẻ hiện nay. Vì vậy, đi kèm với hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các địa phương cần tổ chức các hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc, tạo ra một khung cảnh văn hóa truyền thống sáng tạo hơn, vừa có nét đặc trưng dân tộc nhưng cũng kết hợp khéo léo, tinh tế với hình thức nghệ thuật đương đại; phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu thưởng thức của đại đa số người dân.
Về địa điểm:
- Tại thành phố Kon Tum: Làng du lịch cộng đồng Kon Klor; Nhà rông Kon Klor; hai bên bờ sông hoặc trên dòng sông Đăk Bla; các công viên, quảng trường; Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu;…
- Tại huyện Kon Plông: Tại Quảng trường thị trấn Măng Đen; Làng du lịch cộng đồng Kon Pring; các Khu du lịch sinh thái;…
Về định hướng thu hút:
- Tăng cường tổ chức các hoạt động lễ hội, tổ chức các sự kiện, các chương trình hoạt động ca múa nhạc định kỳ hằng tuần/tháng/năm (tùy vào quy mô, tính chất của sự kiện) để tạo ra khung cảnh văn hóa về đêm độc đáo, thu hút khách du lịch như:
+ Lấy Không gian văn hóa Cồng chiêng làm chủ đề chính, cùng với việc kết hợp với các loại hình nghệ thuật vừa dân gian, vừa hiện đại khác như múa xoang, các loại nhạc cụ dân tộc (đàn T'rưng, đàn đá...), lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội ẩm thực, các show diễn văn hóa,… để tạo ra một không gian trình diễn văn hóa nghệ thuật kết hợp ẩm thực đặc sắc, mang đậm nét riêng có của Kon Tum. Đồng thời, để làm tăng hiệu quả của mô hình, cần khuyến khích sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số và trình diễn các lễ hội, sự kiện tại các Làng du lịch cộng đồng trên địa bàn để mang đến trải nghiệm xuyên suốt vào ban đêm cho khách du lịch. Thông qua đó, không chỉ mang lại các buổi diễn cho những nghệ nhân mà cộng đồng người tại chỗ cũng được hưởng lợi với việc kết hợp kinh doanh các loại hình dịch vụ khác như buôn bán các sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của người dân tộc thiểu số.
+ Biểu diễn nghệ thuật với các chủ đề sự tích, truyền thuyết, phong tục dân gian kết hợp với các câu chuyện đời thực, công nghệ trình diễn hiện đại, bắt mắt để tạo nên đêm diễn nghệ thuật ấn tượng đáng nhớ về văn hóa Kon Tum. Các buổi biểu diễn này có thể được nghiên cứu thực hiện trên sông Đăk Bla - thành phố Kon Tum, hồ Đăk Ke, hồ Đam Bri - huyện Kon Plông…
- Tổ chức các cuộc thi, sáng tác nghệ thuật tạo ra các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, hình thức biểu diễn nghệ thuật mới nhằm phát triển du lịch và KTBĐ thành phố.
- Khuyến khích tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian trong khuôn viên thí điểm phố đi bộ, cho phép tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên tuyến phố đi bộ.
Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng cần phải có những quy định về các loại hình văn hóa - nghệ thuật được biểu diễn, cần phải cấp phép và liên hệ với các bên tổ chức nghệ thuật, sự kiện để phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện có quy mô và chất lượng cao, giúp người xem có được sự trải nghiệm văn hóa nghệ thuật đích thực.
Thời kỳ triển khai: Từ năm 2021 trở đi. Để văn hóa nghệ thuật đi vào tiềm thức, gây ấn tượng và lưu lại trong ký ức của mỗi con người cần phải có thời gian thẩm thấu. Do đó, cần sớm đẩy mạnh các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật về đêm tại các địa phương để góp phần quảng bá quảng bá văn hóa nghệ thuật và du lịch về đêm của Kon Tum.
Hình 7. Hình ảnh minh họa - Lễ hội Cồng chiêng, tỉnh Kon Tum và Hoa đăng trên sông Hương, thành phố Huế
1. Nguồn lực kinh tế - xã hội: Nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân d ân các huyện, thành phố, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Đề án và lập dự toán kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.
3. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Đề án theo quy định pháp luật.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
1. Nâng cao nhận thức về phát triển KTBĐ
- Tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức đối với cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, chính quyền địa phương hướng đến tư duy mở, nhìn nhận đa chiều về vai trò, cơ hội, thách thức của KTBĐ; theo đó cần nhìn nhận KTBĐ nếu được quản lý tốt sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác triệt để tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, ẩm thực, góp phần quảng bá văn hóa và con người Kon Tum.
- Thường xuyên xây dựng các chương trình truyền hình, phóng sự về những lợi ích mà KTBĐ mang lại và giải pháp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra (an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... ), thông qua đó, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân địa phương chung tay phát triển KTBĐ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và lợi ích của cộng đồng.
- Tạo kênh tiếp nhận thông tin, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, du khách, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội về phát triển KTBĐ tại các huyện, thành phố để cùng đóng góp ý tưởng, giải pháp phát triển cũng như giải pháp hạn chế rủi ro từ hoạt động KTBĐ; từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTBĐ
- Hoàn thiện công tác lập Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo việc lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các cụm/khu vực trọng điểm, riêng biệt phát triển KTBĐ gắn chặt với quy hoạch phát triển du lịch và các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm; tạo cơ sở để chính quyền các cấp hỗ trợ, triển khai thực hiện khi hội đủ các điều kiện phát triển cho phép.
- Phát triển KTBĐ đồng nghĩa với phát triển du lịch của tỉnh; do đó cần bám sát với quan điểm, mục tiêu và giải pháp đã được Tỉnh ủy xác định tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thông qua đó tạo sự gắn kết và hỗ trợ Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các cấp, ngành, địa phương đồng loạt triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
- Chỉ đạo phát triển KTBĐ xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện/thành phố, phường, xã trên cơ sở thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã; phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ. Đề xuất và triển khai mô hình tổ chức quản lý hoạt động KTBĐ phù hợp với lợi thế, điều kiện của từng địa phương, khu vực.
- Xây dựng quy chế quản lý, nội quy tại các khu vực, điểm tham quan phục vụ KTBĐ (người dân, khách du lịch, đơn vị kinh doanh và đơn vị quản lý). Đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, quy định về lĩnh vực hoạt động, tiêu chuẩn, quy cách, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...
- Bố trí nhân sự và kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ phát triển KTBĐ.
- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện thống kê thường kỳ và tổng hợp số liệu, dữ liệu về các hoạt động KTBĐ trên địa bàn gắn với thường xuyên khảo sát, thu thập ý kiến của người dân, du khách và các đơn vị hoạt động KTBĐ để tạo cơ sở dữ liệu, kịp thời điều chỉnh, xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển KTBĐ phù hợp với tình hình thực tế.
- Triển khai các mô hình phát triển KTBĐ phải kết hợp công tư một cách đồng bộ, hiệu quả. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, đảm bảo các điều kiện hoạt động, các tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân, các doanh nghiệp tham gia đầu tư và hoạt động đảm bảo hài hòa các mối lợi ích.
3. Xây dựng cơ chế và chính sách phát triển KTBĐ
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển KTBĐ của tỉnh giai đoạn 2026 trở đi; trong đó tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật (vỉa hè, lòng đường, hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng,…) tại các khu, điểm xác định phát triển KTBĐ; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, tập huấn cho đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ KTBĐ; Hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển KTBĐ; Hỗ trợ tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, công tác xúc tiến, quảng bá; Hỗ trợ cho các nghệ nhân trình diễn văn hóa - nghệ thuật, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào hoạt động KTBĐ tại các khu, điểm phát triển KTBĐ được quy hoạch; Hỗ trợ lãi suất vay, tiếp cận tín dụng;…
- Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiến hành các giao dịch thương mại, cung ứng dịch vụ và phát triển thị trường KTBĐ. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nghệ nhân, doanh nhân, các chủ thể kinh tế uy tín, giàu kinh nghiệm, có đủ nguồn lực, tiên phong đầu tư phát triển hoạt động KTBĐ tham gia phát triển KTBĐ trên địa bàn.
- Thí điểm tổ chức các mô hình/hoạt động KTBĐ hiện chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh như phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm - ẩm thực, trình diễn văn nghệ về đêm, tour du lịch đêm,… cùng với kéo dài thời gian hoạt động theo lộ trình phù hợp. Đồng thời nghiên cứu, có chính sách cho phép người dân sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên những tuyến đường trong các khu, điểm phát triển KTBĐ và đưa ra trách nhiệm và quyền lợi của các bên(16); góp phần tạo ra chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống tại địa phương trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích phát triển KTBĐ.
- Trên cơ sở các chính sách về thuế và thương mại, dịch vụ do Trung ương quy định, xây dựng chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp với địa phương; nghiên cứu chính sách phát triển đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tại các chợ đêm, khuyến khích và quản lý danh mục các nhóm mặt hàng mang tính truyền thống, vùng miền như các sản phẩm OCOP để phục vụ du khách.
- Khuyến khích, hỗ trợ thanh toán online, thanh toán qua QR code, hạn chế sử dụng tiền mặt, hỗ trợ chương trình kích cầu tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí về đêm.
- Tổ chức hội thảo chuyên đề; có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu phát triển hoạt động trong KTBĐ để đưa ra giải pháp và chính sách phù hợp cho sự phát triển KTBĐ trên địa bàn.
4. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầu tư
- Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư công để đầu tư/hỗ trợ đầu tư và tập trung hoàn thiện các hạng mục hạ tầng các khu vực/dự án được quy hoạch phát triển KTBĐ trong các giai đoạn tới; trong đó tập trung đảm bảo các hạ tầng kỹ thuật phụ trợ thiết yếu như: hạ tầng giao thông (lòng, lề đường; bãi đỗ xe); hạ tầng điện, nước (hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp; hệ thống cấp nước); hạ tầng môi trường (hệ thống thu gom và xử lý chất thải, hệ thống nhà vệ sinh công cộng); hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống wifi công cộng; hệ thống camera giám sát)…
- Triển khai đầu tư xây dựng công trình tạo điểm nhấn về đêm tại các quảng trường, công viên trung tâm, cảnh quan hai bên bờ sông Đăk Bla, trung tâm thị trấn Măng Đen… Hình thành các tuyến đường, cầu, chợ với trang trí ánh sáng nghệ thuật nhằm tạo ra sự khác biệt, sức hấp dẫn để thu hút người dân và du khách về đêm. Thực hiện tu bổ, cải tạo các công trình công cộng, các di tích, lịch sử trên nguyên tắc đảm bảo vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, truyền thống của các công trình; đồng thời tăng cường các giải pháp chiếu sáng vào ban đêm (định hướng một số mô hình, dự án phát triển KTBĐ tại Phụ lục 01 kèm theo).
- Tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm về phát triển đô thị, dịch vụ trên địa bàn. Trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án: Khách sạn tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla; Tổ hợp khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, phường Quyết Thắng; Tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố tại phường Trường Chinh; Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen; các dự án của các nhà đầu tư chiến lược.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực phát triển đô thị, du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum; Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu phức hợp đô thị tại phường Quang Trung, thành phố Kon Tum; Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum;… Có phương án di dời dân cư ra khỏi khu vực tập trung phát triển KTBĐ, có quy hoạch cụ thể khu vực sinh sống của người dân sau khi di dời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân vào ban đêm.
- Triển khai thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh để tăng cường tính kết nối với các địa phương khác trong khu vực, giảm thiểu thời gian di chuyển của du khách khi đến tỉnh Kon Tum. Trước mắt tập trung đầu tư hoàn thành các dự án như: Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24 đoạn qua địa phận tỉnh Kon Tum; Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai;… Tích cực kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, hỗ trợ đầu tư đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum - Gia Lai; tuyến cao tốc Bờ Y - Đăk Glei - Thạch Mỹ (tỉnh Quảng Nam) thuộc tuyến cao tốc Bờ Y - Thạnh Mỹ - Đà Nẵng; các đoạn còn lại qua tỉnh Kon Tum của các Quốc lộ 24, 40B,…
- Từng bước hiện đại hóa dịch vụ vận chuyển trên địa bàn tỉnh với việc thu hút, kêu gọi đầu tư tàu thuyền, hàng không, sân bay taxi…
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư toàn bộ hay tham gia đầu tư; thu hút sự tham gia của cộng đồng dưới các hình thức khác nhau; có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân; đồng thời chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
- Thực hiện khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu hoạt động KTBĐ để xây dựng phương án phát triển và lộ trình đầu tư cho phù hợp. Cập nhật và công bố danh sách các dự án, chương trình ưu tiên đi kèm với những hướng dẫn cụ thể về yêu cầu và tiêu chí phê duyệt khi tham gia hoạt động KTBĐ; lồng ghép vào Danh mục các dự án thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh trong các giai đoạn tới.
- Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình, kinh doanh cá thể về các chính sách phát triển và cơ chế hỗ trợ phát triển KTBĐ trên địa bàn; bảo đảm và cam kết về sự minh bạch của định hướng chính sách dài hạn; có giải pháp giải quyết những vướng mắc lớn đang gây trở ngại đối với đầu tư và kinh doanh để xây dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
- Mở rộng các hoạt động tín dụng, ngân hàng, cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với những cơ chế thuận lợi.
- Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép đầu tư và kinh doanh nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong KTBĐ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh.
- Thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để tăng nguồn lực đầu tư phát triển KTBĐ như: Các nguồn vốn ODA, FDI; chương trình hạ tầng du lịch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, các dự án phi chính phủ…để thực hiện mục tiêu, kế hoạch trong Đề án.
5. Đảm bảo, phát triển nguồn nhân lực
- Thực hiện đánh giá tổng thể và dự báo nhu cầu nhân lực hoạt động trong KTBĐ tại từng địa bàn, đặc biệt là nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phục vụ cho KTBĐ.
- Tập trung đào tạo hoặc có chính sách liên kết đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ (như tiếp viên, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng, nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện,…) thông qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn; chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo theo hướng hiệu quả, thiết thực, hợp lý, gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu thực tế; trong đó chú trọng việc đào tạo nghề du lịch cho thanh niên dân tộc thiểu số, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với chính sách miễn phí đào tạo.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở, ban, ngành dịch vụ, thương mại, văn hóa - du lịch, môi trường, an ninh, quản lý thị trường, chính quyền địa phương, doanh nghiệp về kỹ năng quản lý hoạt động KTBĐ, kiến thức về đổi mới nhận thức tư duy để phát triển KTBĐ. Đồng thời tổ chức đi học tập, tham khảo kinh nghiệm việc tổ chức quản lý của các địa phương khác trong nước đã triển khai thành công các mô hình KTBĐ như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng…
- Tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử trong du lịch... cho các hộ dân, người lao động tham gia KTBĐ.
- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về lao động, việc làm sau khi có quy định, hướng dẫn của Trung ương về chính sách lao động, việc làm cho các thành phần tham gia vào KTBĐ.
- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra lực lượng lao động làm việc tại các khu, điểm KTBĐ nhằm đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động làm việc về đêm trên địa bàn.
6. Xúc tiến, quảng bá và truyền thông
- Xây dựng các kế hoạch hằng năm gắn với từng chủ đề để quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi tham gia phát triển KTBĐ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và thị hiếu tiêu dùng của người dân, du khách. Mỗi địa phương, nhất là thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông cần nghiên cứu, xây dựng các chiến dịch truyền thông, quảng bá phát triển KTBĐ gắn với thương hiệu đặc trưng của địa phương mình để định vị hình ảnh du lịch; đồng thời gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTBĐ theo hướng xây dựng hệ thống khu, điểm phát triển KTBĐ thông minh, chuyển đổi số, nhất là xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm KTBĐ. Từng bước phát huy sức mạnh công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm KTBĐ đảm bảo chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa, sâu rộng hình ảnh KTBĐ của tỉnh với cả nước và quốc tế.
- Phân loại và xác định các nhóm thị trường tương ứng với từng tệp khách hàng (cao cấp - bình dân; cao tuổi - trung niên - giới trẻ; nội địa - quốc tế;…) từ đó đưa ra các chiến lược marketing phù hợp nhằm tác động đúng vào nhu cầu, mong muốn của người dân và du khách để thúc đẩy tiêu dùng.
- Xây dựng phóng sự, các bài viết quảng bá, video, tập gấp, sổ tay hướng dẫn tiêu dùng ban đêm, chuyên mục về KTBĐ và các hoạt động, dịch vụ về đêm trên các kênh truyền thông, mạng xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, quốc gia và quốc tế; xây dựng video quảng bá “Khám phá du lịch Kon Tum về đêm” bằng nhiều ngôn ngữ…
- Tổ chức các cuộc thi như viết câu slogan, thiết kế biểu tượng về KTBĐ tại Kon Tum (hoặc của từng huyện, thành phố). Tổ chức cuộc thi sáng tạo sản phẩm du lịch ban đêm độc đáo, mang thương hiệu độc đáo, riêng có của Kon Tum để gia tăng tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch từ các tỉnh lân cận vào ban đêm.
- Lồng ghép nội dung quảng bá KTBĐ vào các chương trình xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, ngoại giao của tỉnh; chương trình hợp tác liên kết với các địa phương để quảng bá KTBĐ.
- Đề nghị các đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú, khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tăng cường giới thiệu quảng bá các sản phẩm, dịch vụ về đêm của tỉnh trong chương trình, hoạt động phục vụ du khách và bản đồ các điểm phát triển KTBĐ trên địa bàn.
- Xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng hàng tháng, quý trong năm (đặc biệt vào những mùa thấp điểm) với sự liên kết của nhiều nhà cung cấp dịch vụ cả ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, mua sắm, du lịch cùng tham gia. Đẩy mạnh phát triển chất lượng, mẫu mã và thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh để tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia; tăng cường liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại và các khu, điểm phát triển KTBĐ để quảng bá các sản phẩm và kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mang thương hiệu Kon Tum.
- Xây dựng các quy định, hành lang pháp lý về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động tại từng khu vực cụ thể; đảm bảo các hoạt động KTBĐ đáp ứng yêu cầu, quy định pháp luật về trình diễn, truyền bá văn hóa - nghệ thuật. Đồng thời, bảo đảm các di tích lịch sử, các công trình công cộng, công trình kiến trúc, nghệ thuật không bị xâm hại bởi các hoạt động KTBĐ.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
- Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào phát triển KTBĐ và bảo vệ môi trường.
- Đảm bảo cung cấp nguồn điện, nước phục vụ hoạt động KTBĐ. Triển khai các nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí thùng rác và hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và du khách; lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, xử lý và xả nước thải, tránh xả thẳng nước thải xuống sông, ao hồ; kéo dài thời gian thu gom, dọn rác.
- Tăng cường công tác quản lý môi trường trong xây dựng và phát triển các địa bàn hoạt động kinh doanh ban đêm; xây dựng quy chế quản lý chất thải, rác thải; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị kinh doanh không đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực phát triển KTBĐ.
- Thường xuyên kiểm tra, đo lường cường độ âm thanh, phát hiện các cơ sở có cường độ âm thanh lớn hơn mức cho phép, áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các chất liệu chống tiếng ồn trong xây dựng nhà cửa cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ KTBĐ.
- Xây dựng và tuyên truyền bộ quy tắc về các tiêu chí đảm bảo quy định văn hóa - nghệ thuật, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ đối với các đơn vị hoạt động KTBĐ và cấp chứng nhận đối với các đơn vị đáp ứng đủ các điều kiện. Khuyến khích nhà đầu tư các dự án du lịch sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và có các giải pháp cụ thể để giải quyết ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá đối với các đơn vị có những đóng góp nhất định trong việc phát triển KTBĐ.
8. Đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng
- Xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Công an tỉnh/huyện/thành phố về công tác đảm bảo an ninh trật tự khu phố, an toàn trong hoạt động KTBĐ.
- Lập và triển khai hiệu quả phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực tổ chức các hoạt động, dịch vụ ban đêm.
- Bố trí lực lượng công an túc trực, tuần tra làm nhiệm vụ giữ vững an ninh, an toàn, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ, hướng dẫn tại các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ; tăng cường kiểm soát vào thời gian cao điểm tập trung nhiều khách du lịch để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách; đảm bảo hạn chế tối đa sự tham gia của các loại tội phạm trong khoảng thời gian hoạt động của KTBĐ như: rượu bia, ma túy, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê…
- Xây dựng phương án lắp đặt thí điểm các trạm gác an ninh cho lực lượng công an địa phương tại các khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ, giải trí ban đêm, kết hợp các quầy thông tin du lịch; tổ chức đánh giá tính hiệu quả và nhân rộng mô hình tại các địa điểm khác.
- Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động KTBĐ; nghiên cứu xây dựng các Tổ phản ứng nhanh và Trung tâm hỗ trợ du khách để kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh ban đêm tuân thủ quy định pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm khoa học và đồng bộ. Lắp đặt các bảng chỉ dẫn, thông tin đường dây nóng để hỗ trợ người dân và du khách khi sử dụng các dịch vụ ban đêm trên địa bàn. Phổ cập hệ thống camera giám sát tới từng nhà dân, các địa điểm công cộng; đặc biệt tại các khu vực quy hoạch phát triển KTBĐ. Xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh; thực hiện tích hợp vào Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
- Lấy ý kiến tham gia của Lực lượng vũ trang trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KTBĐ ở từng địa phương để đảm bảo các công trình hạ tầng có thể phát huy có hiệu quả và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ BAN ĐÊM ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH
- Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư(17), một số nước đã đo lường được mức độ đóng góp của KTBĐ đối với phát triển KTXH quốc gia, như: Tại Anh, năm 2009, KTBĐ đã đóng góp khoảng 6% GDP (với quy mô tương đương 66 tỷ bảng), tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm; Tại London, KTBĐ đóng góp khoảng 40% về quy mô, tương đương với 26,4 tỷ bảng và tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 723 nghìn lao động; Tại Úc, năm 2017, quy mô thị trường KTBĐ chiếm khoảng 4% GDP quốc gia (tương đương khoảng 53 tỷ USD), tạo ra gần 1,1 triệu việc làm và có khoảng 106 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (chiếm khoảng 5% của toàn nền kinh tế); Tại thành phố New York (Mỹ), năm 2018, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ buổi tối đạt hơn 19 tỷ USD, bằng 43% tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch, nghệ thuật và quầy bar tạo ra khoảng 200 nghìn việc làm…
- Hiện nay, tại Việt Nam chưa có các chỉ tiêu thống kê, số liệu chính thức về đóng góp của KTBĐ đối với nền kinh tế; tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những đóng góp đáng kể của lĩnh vực này đối với sự phát triển KTXH nói chung và phát triển du lịch nói riêng của một địa phương. Nếu một vùng đất hấp dẫn du khách đến thăm thì KTBĐ chính là một trong các sản phẩm “chủ chốt” giúp giữ chân du khách và tối đa hóa lợi nhuận cho ngành du lịch. Lợi ích kinh tế khổng lồ là lý do vì sao các quốc gia, địa phương tìm cách thúc đẩy KTBĐ phát triển.
- Do đó, phát triển hiệu quả KTBĐ sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của tỉnh. Ngành du lịch, thương mại và dịch vụ của tỉnh sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thực hiện đẩy mạnh phát triển KTBĐ trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành dịch vụ dự kiến đạt khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và đạt trên 10% (cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế) trong giai đoạn 2026-2030 (Hiện nay, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,5%/năm).
- Áp dụng đúng đắn các mô hình phát triển KTBĐ chắc chắn sẽ kích cầu thương mại, khuyến khích tiêu dùng nội địa phát triển, tăng cường các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ đêm, cụ thể như: tăng về số lượng các chợ đêm, khu vui chơi giải trí, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn, café, vận chuyển, tour du lịch… đồng thời kích hoạt các công trình kiến trúc nghệ thuật, di sản văn hóa - lịch sử tại địa phương có thể hoạt động thêm về đêm. Đồng thời, thu hút và giữ chân khách du lịch đến với tỉnh, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, tăng lợi nhuận cho ngành du lịch phát triển.
- Tạo đòn bẩy gia tăng giá trị bất động sản trên địa bàn. Tái thiết và phát triển khu vực đô thị, tăng thu nhập cho các tiểu thương, hộ kinh doanh hoạt động trong KTBĐ, từ đó tạo nguồn thu cho địa phương.
Chính vì vậy, khi Đề án được chú trọng triển khai, thực hiện theo hướng đi và chính sách phát triển đúng đắn thì KTBĐ sẽ trở thành ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế mũi nhọn, làm bệ đỡ phát triển mạnh mẽ cho các ngành có liên quan như du lịch, thương mại và dịch vụ.
2. Về văn hóa - xã hội - môi trường - an ninh trật tự
a) Tác động tích cực
- Góp phần nâng cao mức sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đem đến nhiều hơn các sự lựa chọn trong việc mua sắm, tiêu dùng, vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao, phát triển tri thức.
- Góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo thu nhập cho người dân, hộ kinh dân (những cá nhân/hộ gia đình kinh doanh buôn bán, thương nhân, doanh nghiệp,…).
- Tạo không gian cho cư dân và khách du lịch thập phương có không gian cộng đồng, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, giải trí, mua sắm ban đêm. Các hoạt động giải trí vào ban đêm giúp đô thị sống động hơn.
- Góp phần quảng bá rộng rãi nét văn hóa đặc sắc của địa phương; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của người dân với các lĩnh vực như âm nhạc, nghệ thuật,…
- Giúp nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị, thông qua các hoạt động đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng; góp phần nâng cấp thành phố Kon Tum từng bước đạt tiêu chí của đô thị loại I và phát triển đô thị Măng Đen Khu trở thành Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dã ngoại cấp quốc gia.
b) Tác động tiêu cực
Đi kèm với những mặt tích cực trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, KTBĐ vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế rất lớn tác động đến môi trường và an ninh trật tự. Đây là một trong những lý do khiến KTBĐ chưa được phổ cập và phát triển ở tỉnh Kon Tum.
- Với sự gia tăng các hoạt động tiêu dùng dịch vụ và du lịch về đêm, chắc chắn sẽ gây áp lực lên hạ tầng đô thị và các dịch vụ công cộng như: tăng cường tiêu dùng điện; cấp, thoát nước; xử lý chất thải; giao thông; y tế;…
- KTBĐ phát triển nếu không được quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả sẽ làm nảy sinh những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến môi trường sinh sống của cư dân địa phương xung quanh như trật tự trị an, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, phát sinh các vấn đề tệ nạn xã hội, “tín dụng đen”…
- Phát triển KTBĐ cũng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị với việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để triển khai hoạt động buôn bán tại các vỉa hè không nằm trong khu vực quy hoạch phát triển KTBĐ.
* Tuy nhiên, bằng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã được trình bày tại Mục I Phần thứ ba của Đề án sẽ góp phần hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, đẩy mạnh những giá trị, tác động tích cực của KTBĐ mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tham mưu xây dựng Kế hoạch/Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tương ứng với từng giai đoạn cụ thể; trong đó đảm bảo phân công công việc cụ thể tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương và lộ trình triển khai phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Đề án.
- Là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án. Trên cơ sở nội dung báo cáo của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, định kỳ hằng năm (trước ngày 10/12) thực hiện báo cáo kết quả thực hiện Đề án và Kế hoạch/Chương trình hành động nêu trên về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
- Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện tích hợp, lồng ghép quy hoạch phát triển KTBĐ trong quá trình xây dựng, triển khai Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần dự kiến quy hoạch những khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển KTBĐ, các khu vực trung tâm và vệ tinh, gắn với khung thời gian hoạt động cụ thể ở từng khu vực; đồng thời lồng ghép nội dung phát triển KTBĐ vào các các kế hoạch, chương trình phát triển KTXH của tỉnh.
- Phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu bổ sung các chỉ tiêu thống kê hoạt động KTBĐ theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan lồng ghép các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển KTBĐ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng của Đề án, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan nghiên cứu, bổ sung các dự án trọng điểm, mô hình kinh doanh độc đáo, mới lạ về phát triển KTBĐ vào Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch; tăng cường công tác thu hút, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, kinh nghiệm về phát triển KTBĐ.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển KTBĐ để lồng ghép vào cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí (vốn sự nghiệp) thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các quy định có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Sau khi Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tạo nguồn cho các chi phí phát sinh liên quan tới quản lý KTBĐ, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Lồng ghép nội dung của Đề án vào Đề án Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó chú trọng đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị, địa phương có liên quan đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù kêu gọi thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển KTBĐ của tỉnh.
- Phổ biến nội dung chiến lược, chính sách, pháp luật về phát triển KTBĐ trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh cho các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu của người dân và du khách đối với các hoạt động về đêm trên địa bàn tỉnh để có cơ sở định hướng về thời gian hoạt động và kêu gọi đầu tư phát triển.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện đánh giá tổng thể và dự báo nhu cầu nhân lực hoạt động trong KTBĐ tại từng địa bàn, đặc biệt là nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phục vụ cho KTBĐ. Tập trung đào tạo hoặc có chính sách liên kết đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ thông qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử trong du lịch... cho các hộ dân, người lao động tham gia KTBĐ.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí về đêm trên địa bàn các huyện, thành phố.
- Nghiên cứu tổ chức hoạt động biểu diễn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao; tổ chức tham quan, bổ sung các dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm văn hóa lịch sử, bảo tàng,… về đêm. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện tại các khu, điểm phát triển KTBĐ được quy hoạch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm của địa phương.
- Lồng ghép đề xuất các sự kiện ban đêm trong việc xây dựng và triển khai tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, thiết lập chuỗi sự kiện xuyên suốt trong năm.
- Nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, văn minh đô thị đến người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ
- Nghiên cứu quy định về huy động, quản lý, đầu tư khai thác, kinh doanh hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ phát triển KTBĐ.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển KTBĐ trên địa bàn (theo hướng dẫn của Bộ Công Thương).
- Tham mưu cấp thẩm quyền về quy định hoạt động và quản lý hoạt động vào ban đêm của các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh trên địa bàn tỉnh (trên cơ sở vận dụng chính sách thương mại và dịch vụ phát triển KTBĐ do Trung ương ban hành).
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan của tỉnh đảm bảo công tác quản lý thị trường, quy định về tiêu chuẩn, quy cách, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm…; thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị và địa phương có liên quan nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, phấn đấu hằng năm xây dựng thêm nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh như dược liệu, Sâm Ngọc Linh, cà phê,… để làm phong phú hơn các sản phẩm tiêu dùng, du lịch của địa phương.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị; thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; cấp giấy phép xây dựng các khu, cụm, điểm phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan lập và triển khai phương án tổ chức giao thông, đảm bảo thuận lợi cho người dân và du khách tham gia các hoạt động KTBĐ. Nghiên cứu việc triển khai, thu hút và có quy định cụ thể đối với các loại hình dịch vụ vận chuyển phục vụ du lịch và KTBĐ trên địa bàn như cho thuê xe đạp; xe điện du lịch…
- Nghiên cứu chính sách mở rộng thời gian hoạt động của xe buýt đến các khu vực tổ hợp giải trí ban đêm khi đảm bảo các điều kiện.
- Nghiên cứu, tham mưu việc khai thác vận chuyển hành khách bằng tàu thủy trên dòng sông Đăk Bla nhằm thu hút du lịch, phát triển KTBĐ đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả khi đảm bảo các điều kiện.
- Nghiên cứu, tham mưu nội dung đề xuất của các đơn vị, địa phương liên quan đến công tác nhân sự, biên chế để đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTBĐ đảm bảo phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn của địa phương.
- Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, thực hiện nghiệp vụ về KTBĐ để xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (về kỹ năng quản lý hoạt động KTBĐ, kiến thức về đổi mới nhận thức tư duy để phát KTBĐ...) thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn đơn vị, địa phương.
- Đảm bảo thời gian, hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và khách du lịch khi tham gia hoạt động KTBĐ.
- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, nhất là tại các khu, điểm phát triển KTBĐ.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách về lao động, việc làm (trên cơ sở các chính sách về lao động, việc làm cho người lao động làm việc về đêm do Trung ương ban hành); tổ chức thanh tra, kiểm tra lao động nhằm đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động tại các địa bàn phát triển KTBĐ.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các khu vực đảm bảo vệ sinh môi trường. Hướng dẫn chuyên môn, đôn đốc cơ quan quản lý môi trường các địa phương kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát triển KTBĐ. Xây dựng và triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động do chất thải và tiếng ồn từ hoạt động KTBĐ ảnh hưởng đến khu dân cư, đặc biệt tại những địa điểm, địa bàn phát triển KTBĐ.
12. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với việc phát triển KTBĐ trên địa bàn.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền về quy định hoạt động và quản lý, cung cấp, sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông tại các địa điểm du lịch trọng điểm, phù hợp với nhu cầu hoạt động KTBĐ.
- Rà soát, xây dựng kế hoạch nâng cấp hạ tầng thông tin liên lạc, đặc biệt là nghiên cứu bổ sung hệ thống wifi công cộng tại các khu vực tập trung đông du khách và người dân về đêm.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các mô hình, hoạt động KTBĐ trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển KTBĐ của doanh nghiệp.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan lồng ghép các nội dung, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh đối với việc phát triển KTBĐ vào chủ trương, định hướng đối ngoại của tỉnh.
Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tiên tiến, kiểu mới trong phát triển KTBĐ và tăng cường công tác tuyên truyền vận động các người dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia để góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo an ninh an toàn, trật tự tại các địa bàn tổ chức hoạt động KTBĐ, hạn chế những ảnh hưởng, tác hại trong quá trình phát triển KTBĐ đối với xã hội thông qua tăng cường công tác tuần tra, truy quét, trấn áp, xử lý các loại tội phạm có xu hướng hoạt động về đêm, nhất là tội phạm hoạt động theo băng nhóm, bảo kê, đòi nợ thuê, tín dụng đen, ma túy...
- Rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung hệ thống camera giám sát công cộng tại các khu vực tập trung đông du khách và người dân về đêm.
Trên cơ sở các chính sách, cơ chế ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ do Trung ương ban hành, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiệu quả.
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu thống kê hoạt động KTBĐ theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để áp dụng trong việc tính toán, đánh giá thực trạng phát triển, dự báo triển vọng phát triển trong tương lai và đóng góp của KTBĐ vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
19. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường, đặc biệt là thị trường KTBĐ; tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; … thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
20. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tích hợp, lồng ghép quy hoạch phát triển KTBĐ trên địa bàn vào Quy hoạch tỉnh; trong đó cần khảo sát, nghiên cứu kỹ để dự kiến quy hoạch những khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển KTBĐ, các khu vực trung tâm và vệ tinh, gắn với khung thời gian hoạt động cụ thể ở từng khu vực; đồng thời lồng ghép nội dung phát triển KTBĐ vào các các kế hoạch, chương trình phát triển KTXH của địa phương mình.
- Xây dựng Đề án/Kế hoạch phát triển KTBĐ tại địa phương trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, phù hợp với lợi thế, điều kiện, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hỗ trợ, khả năng bố trí nguồn lực và huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể; đảm bảo phù hợp với mục tiêu và trên cơ sở vận dụng, áp dụng linh hoạt các định hướng phát triển KTBĐ của Đề án.
- Tùy theo điều kiện cụ thể, đặc thù của địa bàn, các huyện, thành phố nghiên cứu lựa chọn một số khu vực, địa điểm, mô hình có khả năng phát triển KTBĐ với khung thời gian hoạt động cụ thể để triển khai thí điểm; phân công, bố trí nhân sự chuyên trách để quản lý hoạt động KTBĐ và chủ động bố trí kinh phí thực hiện theo khả năng cân đối của ngân sách cấp huyện.
- Chủ động lồng ghép các nhiệm vụ, dự án đầu tư phát triển KTBĐ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương mình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối vốn.
- Trực tiếp quản lý, khai thác và kêu gọi đầu tư các hoạt động KTBĐ tại địa bàn; lưu ý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh quan khu vực. Chủ động nghiên cứu, học tập một số mô hình, cách thức quản lý, phát triển KTBĐ tại một số địa phương của tỉnh, thành khác trên cả nước để phát triển các mô hình KTBĐ phù hợp với lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương và quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hưởng ứng tham gia vào các hoạt động KTBĐ trên địa bàn. Có chính sách khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp vào sự phát triển KTBĐ tại địa phương.
- Phối hợp với Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Kon Tum khuyến khích các đơn vị kinh doanh tại các khu vực phát triển KTBĐ liên hệ với các trung gian thanh toán (các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn, các ví điện tử...) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng thông qua các phương tiện cho POS, QR code...
- Cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc xúc tiến, truyền thông, quảng bá các hoạt động, dịch vụ du lịch ban đêm đến với các thị trường trong nước và quốc tế.
- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị, địa phương có liên quan phát triển các sản phẩm, hoạt động, dịch vụ KTBĐ phục vụ cho du khách. Vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư, tổ chức các hoạt động, dịch vụ giải trí về đêm, hình thành các sản phẩm du lịch ban đêm cho du khách.
22. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương và các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện việc xúc tiến, truyền thông, quảng bá các hoạt động, thương mại, dịch vụ, du lịch ban đêm; vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch thực hiện đầu tư, tổ chức các hoạt động, dịch vụ giải trí về đêm, hình thành các sản phẩm du lịch ban đêm cho du khách.
Tích cực huy động, kêu gọi các hội viên phát huy tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển KTBĐ và tham gia trực tiếp vào hoạt động KTBĐ tại địa phương thông qua việc trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ vào ban đêm; chủ động liên kết với doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để tạo ra các sản phẩm với thương hiệu đặc trưng, có giá trị lớn và sức cạnh tranh cao.
24. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Kon Tum
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động KTBĐ; tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng thông qua các phương tiện thanh toán kỹ thuật số như POS, QR code…
25. Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum, Báo Kon Tum
Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển KTBĐ; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận chung của người dân về KTBĐ. Truyền thông về văn hoá ứng xử, vấn đề cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường để phát triển KTBĐ nói riêng và du lịch nói chung theo hướng bền vững, hiện đại.
26. Trường Cao đẳng Cộng đồng; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
Nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo hoặc có chính sách liên kết đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ (như tiếp viên, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng, nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện,…) thông qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến học sinh, sinh viên các lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của KTBĐ mang lại khi tham gia vào các hoạt động KTBĐ.
Tham gia giám sát, phản biện xã hội việc triển khai thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, địa phương. Tích cực vận động các đoàn viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về phát triển KTBĐ, tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội về công cuốc phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh.
ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ĐẦU TƯ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
* Đề án chỉ mang tính định hướng các mô hình, dự án làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, tham khảo. Tùy vào từng giai đoạn và điều kiện phát triển thực tế, các địa phương cần nghiên cứu kỹ nhu cầu và rà soát khả năng cân đối các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư/kêu gọi đầu tư, sử dụng và quản lý một cách hiệu quả.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển KTBĐ của tỉnh Kon Tum và tham khảo từ các địa phương thành công trong mô hình phát triển KTBĐ, Đề án xây dựng một số mô hình, dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư khi phát triển KTBĐ như sau:
Bảng 7: Danh mục các mô hình, dự án ưu tiên và lộ trình thực hiện
STT |
NỘI DUNG |
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 |
GIAI ĐOẠN 2026 - 2030 |
GIAI ĐOẠN 2031 - 2050 |
I |
Nhóm mô hình/dự án quy hoạch xây dựng khu KTBĐ |
|||
1 |
Phố đi bộ |
Triển khai thí điểm từ năm 2024 |
Triển khai chính thức |
|
2 |
Khu phố mua sắm - ẩm thực đêm |
Triển khai thí điểm từ năm 2024 |
Triển khai chính thức |
|
3 |
Chợ đêm |
Triển khai thí điểm từ năm 2024 |
Triển khai chính thức |
|
II |
Nhóm mô hình/dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị |
|||
1 |
Đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum (đã triển khai từ năm 2018) |
Tiếp tục triển khai hoàn thành |
|
|
2 |
Thu hút đầu tư các cơ sở dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn 04, 05 sao trở lên; các Tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí; các Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao; … (đã triển khai) |
Tiếp tục triển khai |
|
|
3 |
Bổ sung hệ thống nhà vệ sinh và thùng rác công cộng tại các không gian phát triển KTBĐ |
Triển khai từ năm 2024 |
|
|
4 |
Xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ các khu KTBĐ (hệ thống giao thông, hệ thống chiếu sáng trang trí ban đêm, bãi đỗ xe , cấp nước, thoát nước,… tại những khu vực phát triển KTBĐ hiệu quả) |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
5 |
Tu bổ, nâng cấp, cải tạo các khu vực công cộng, di tích, kiến trúc văn hóa - nghệ thuật, hạ tầng tại các làng/khu/điểm du lịch,… |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
6 |
Đầu tư hệ thống chiếu sáng tại các khu/điểm KTBĐ (phố đi bộ, chợ đêm, công viên, di tích, danh thắng, khu du lịch, các cầu bắt qua sông…) |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
7 |
Lắp đặt hệ thống wifi công cộng; hệ thống camera giám sát và quản lý an ninh trật tự các khu KTBĐ |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
8 |
Thu hút đầu tư các công viên, khu vui chơi giải trí hiện đại; khu vui chơi giải trí có thưởng |
|
|
Triển khai từ năm 2031 |
III |
Nhóm mô hình/dự án phát triển dịch vụ KTBĐ khác |
|||
1 |
Tuyên truyền, phổ biến vai trò KTBĐ đến người dân, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo |
Triển khai từ năm 2021 |
|
|
2 |
Tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật định kỳ tại các Làng du lịch cộng đồng (Lễ hội, Biểu diễn nghệ thuật Cồng chiêng kết hợp với văn hóa đương đại…) |
Triển khai thí điểm từ năm 2021 |
|
|
3 |
Thu hút mở các cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
4 |
Thu hút mở các tour du lịch xe đạp, xe điện tham quan di tích, cảnh quan |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
5 |
Thu hút tổ chức các show trình diễn truyền thống, hiện đại trên dòng sông Đăk Bla - thành phố Kon Tum hay hồ Đăk Ke, hồ Đam Bri - huyện Kon Plông và một số điểm du lịch nổi tiếng khác tại từng địa phương |
|
Triển khai từ năm 2026 |
|
6 |
Thu hút mở tour du lịch đường thủy dọc sông Đăk Bla |
|
|
Triển khai từ năm 2031 |
7 |
Tăng cường giao thông công cộng ban đêm kết nối các địa phương (mở thêm tuyến xe buýt đêm hoặc kéo dài giờ hoạt động của xe buýt đến các khu vực phát triển KTBĐ) |
|
|
Triển khai từ năm 2031 |
CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN KTBĐ
Theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, KTBĐ được định nghĩa là các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
- Đối với dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí ban đêm (karaoke, bar, vũ trường…) áp dụng theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, trong đó quy định quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng 3 sao, 4 sao trở lên hoặc cao cấp hơn được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 02 giờ sáng. Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 00 giờ sáng đến 08 giờ sáng và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng. Nghị định này đã nới lỏng, gia hạn thời gian hoạt động về đêm của các vũ trường nhưng việc quy định bắt buộc về các điều kiện kinh doanh và sự bó buộc về khung thời gian hoạt động vẫn là những rào cản đối với doanh nghiệp, làm hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ đối với du khách, hạn chế lựa chọn của du khách với các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Ngoài ra, một mô hình vui chơi, giải trí rất thịnh hành vào ban đêm là kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài với thời gian hoạt động 24/24 giờ, được quy định cụ thể tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016).
- Đối với dịch vụ ăn uống, ẩm thực: Bên cạnh quy định về an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) số 55/2010/QH12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh.
- Đối với dịch vụ mua sắm: Hiện nay, các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh đang được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật như: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.
- Đối với dịch vụ du lịch (hoạt động tham quan tại các địa điểm du lịch): Gần đây, để thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được ban hành, như: Luật Du lịch số 09/2017/QH14, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Như vậy, ngoại trừ hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí ban đêm, cả 03 lĩnh vực hoạt động còn lại (dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch) đều không có sự phân biệt về quản lý và điều chỉnh hoạt động kinh tế giữa ban ngày và ban đêm.
Tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ quán triệt nguyên tắc không khuyến khích phát triển hoạt động KTBĐ sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm; trước mắt đồng ý chủ trương cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Đồng thời, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế, chính sách thương mại và dịch vụ, lao động, việc làm phù hợp để thúc đẩy phát triển KTBĐ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành
Như vậy, nhìn chung hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một khung chính sách tổng thể riêng ở cấp độ quốc gia hay địa phương về khuyến khích phát triển KTBĐ; khung chính sách hiện hành chưa có sự phân biệt giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban ngày và các chủ thể tham gia hoạt động KTBĐ nên chưa thể đánh giá, ước lượng tác động trực tiếp của nền KTBĐ đối với sự phát triển KTXH chung của tỉnh cũng như xây dựng các chính sách để phát triển KTBĐ một cách thực chất, đồng bộ./.
1. Tài liệu của tỉnh
- Kết luận số 02-KL/TU ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
- Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum.
- Báo cáo của các Sở, ngành, địa phương.
2. Tài liệu khác
[1] Nguyên Nhung (2021), Hà Nội mở rộng không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, tại trang web https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/ha-noi-mo-rong-khong-gian-pho-di-bo-quanh-ho-hoan-kiem-942036.vov.
[2] Đỗ Huyền (2021), Có thể bạn chưa biết những điểm gửi xe phố đi bộ Hà Nội, tại trang web https://khoanhkhacthanglong.vn/gui-xe-pho-di-bo-ha-noi/.
[3] Giang Nam (2020), Hà Nội mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ, tại trang web https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/ha-noi-mo-rong-khong-gian-di-bo-trong-khu-pho-co-629436/.
[4] Vĩnh Phong (2020), Trải nghiệm tour Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt, Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, tại trang web https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/trai-nghiem-tour-dem-linh-thieng-sang-ngoi-tinh-than-viet-907320.vov.
[5] Tâm Linh (2020), Chợ Bến Thành nhớ du khách , Báo VnExpress, tại trang web https://vnexpress.net/cho-ben-thanh-nho-du-khach-4114237.html.
[6] Trường Nguyên (2015), Gửi xe ở đâu để vào phố đi bộ Nguyễn Huệ?, https://zingnews.vn/gui-xe-o-dau-de-vao-pho-di-bo-nguyen-hue-post537095.html.
[7] Tô Hà (2021), “Thắp sáng” kinh tế ban đêm, Báo Nhân dân, tại trang web https://nhandan.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605/.
[8] Thu Hà (2020), Phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng: Phải thật sự khác biệt, hấp dẫn du khách, Báo Đà Nẵng, tại trang web https://baodanang.vn/channel/5404/202011/phat-trien-kinh-te-ban-dem-o-da-nang-phai-that-su-khac-biet-hap-dan-du-khach-3872071/,
[9] Hoàng Thuyên (2018), Huế - Sáng và Sống, Báo Thanh niên, tại trang web https://thanhnien.vn/hue-sang-va-song-post737387.html.
[10] Đỗ Phương (2021), Khởi động mạnh mẽ phát triển kinh tế đêm, Báo Quảng Ninh, tại trang web https://baoquangninh.com.vn/khoi-dong-manh-me-phat-trien-kinh-te-dem-2530537.html.
[11] Bảo Ngọc (2021), Tiếp tục lấy ý kiến 10 bộ, ngành về chủ trương đầu tư casino Vân Đồn, Báo Tuổi trẻ, tại trang web https://tuoitre.vn/tiep-tuc-lay-y-kien-10-bo-nganh-ve-chu-truong-dau-tu-casino-van-don-20211014100433478.htm.
[12] Hằng Nguyễn (2020), Tình hình phát triển kinh tế ban đêm tại Trung Quốc, tại trang web https://www.researchgate.net/publication/343212049_PHAT_TRIEN_KINH_TE_BAN_DEM_TAI_BAC_KINH_TRUNG_QUOC.
[13] Lê Thanh Sang (2018), Du lịch Thái - “có muốn cũng không sao chép được”: Chính phủ nhanh nhạy, dân bản địa tuyệt vời, hết giờ chứ không hết chỗ chơi!, tại trang web https://thuongtruong24 giờ.vn/case-study-du-lich-thai-co-muon-cung-khong-sao-chep-duoc-chinh-phu-nhanh-nhay-dan-ban-dia-tuyet-voi-het-gio-chu-khong-het-cho-choi-a21747.html.
[14] (2021), Khu phố đèn đỏ Thái Lan, tại trang web https://vietnamaviation.vn/khu-pho-den-do-thai-lan/.
[15] Tạp chí du lịch (2021), Điều gì làm nên thành công của du lịch Bali - Indonesia, tại trang web https://hutc.org/tai-nguyen/dieu-gi-lam-nen-thanh-cong-cua-du-lich-bali-indonesia-ct116.html.
(1) Số liệu tính đến 31/12/2020. Diện tích tự nhiên của tỉnh Kon Tum tăng hơn so với kết quả thống kê đất đai năm 2019 là 311,44 ha vị trí tại xã Ia chim, thành phố Kon Tum, do bổ sung theo Nghị Quyết số 113/NQ-CP ngày 5/12/2019 của Chính phủ và Biên bản bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc, thực địa cấp xã giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia lai ngày 18/06/2020 của Cục đo đạc và Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam với Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường.
(2) Trong đó, có 03 huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ (Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai).
(3) Trong đó, có 13 xã biên giới; có 53 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 48 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.
(4) Cụ thể: Thành phố Kon Tum còn 17 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (Gia Rai: 7; Ba Na: 5; Giẻ-Triêng: 5) ; Huyện Kon Plông có 31 di sản văn hóa phi vật thể còn duy trì thường xuyên trong cộng đồng làng (Mơ Nâm (Xơ Đăng): 7; K’Dong: 20; Hrê: 4); Huyện Ngọc Hồi còn 20 di sản văn hóa còn duy trì của 03 thành phần dân tộc chính là Xơ Đăng; Giẻ Triêng và Brâu; Huyện Kon Rẫy còn 33 di sản còn duy trì (Tơ Đ’rá (Xơ Đăng): 17; Rơ Ngao (Ba Na): 16); Huyện Sa Thầy còn 67 di sản còn duy trì (Gia Rai: 18; Ba Na: 13; Rơ Măm: 20; Ha Lăng (Xơ Đăng): 16); Huyện Đăk Hà 10 di sản văn hóa còn duy trì trong các thôn làng (Ba Na: 02; Xơ Đăng: 08); Huyện Đăk Tô: 30; Huyện Tu Mơ Rông: 15; Đăk Glei: 15.
(5) Lễ hội mừng lúa mới (hoặc ăn cơm mới) của các tộc người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng; Lễ hội ăn Trâu mừng nhà Rông mới của các tộc người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng; Lễ hội bắc máng nước của tộc người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Rơ Ngao (Ba Na); Lễ hội PenChuPi (bắn heo, dê) của các tộc người Tơ Đ’rá (Xơ Đăng), Jơ lâng (Ba Na); Lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cưới truyền thống của dân tộc Rơ Măm; lễ làm chuồng trâu của dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm…
(6) Cụ thể: Tỷ trọng các ngành Công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,19% năm 2015 lên 27,58% năm 2020; Dịch vụ tăng từ 39,08% năm 2015 lên 42,83% năm 2020; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 30,17% năm 2015 xuống còn 22,63% năm 2020.
(7) Thực hiện chi ngân sách năm 2016: 5.153 tỷ đồng; năm 2017: 6.361 tỷ đồng tăng 23,44% so năm 2016; năm 2018 thực hiện 6.453 tỷ đồng, tăng 1,45% so thực hiện năm 2017; năm 2019 thực hiện 7.553 tỷ đồng tăng 17,05% so thực hiện năm 2018; thực hiện năm 2020: 8.177 tỷ đồng tăng 8,26% so thực hiện năm 2019.
(8) Gồm: Xê đăng, Bahnar, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Giẻ Triêng, H’re.
(9) Huyện Kon Plông: Điểm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); Điểm du lịch Hồ Đam Bri (thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); Điểm du lịch Thác Pa Sỹ (thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); Điểm du lịch sinh thái Êban Farm (thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); Điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm (thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); Huyện Đăk Hà: Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum); Thành phố Kon Tum: Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum); Làng du lịch cộng đồng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum); Điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
(10) Các tour, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; giữa Kon Tum và các tỉnh, thành phố khác… tiếp tục được mở rộng, phát triển.
(11) Điểm du lịch Hồ Đăkke, hồ Đăk Pô Ne; Khu du lịch Thác Pa Sỹ; du lịch tâm linh Chùa Khánh Lâm; điểm du lịch Vườn hoa Thanh Niên; du lịch tâm linh Khu vực Bức tượng Đức mẹ Măng Đen,…
(12) Huyện Ia H’Drai: Thôn 1, thôn 2, thôn Ia Muung, xã Ia Dom; thôn 3, thôn 4, xã Ia Đal; thôn 9 xã Ia Tơi. Huyện Đăk Glei: Thôn Mô Bo, thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong. Huyện Tu Mơ Rông: Thôn Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông; thôn Măng Rương 2, xã Ngọc Lây.
(13) Bao gồm: Công ty TNHH MTV Mai Linh Kon Tum (Taxi Mai Linh), Công ty TNHH MTV Blue Taxi (Taxi Blue), Chi nhánh Công ty cổ phần Sun Taxi tại Kon Tum (Taxi Sun), Công ty cổ phần vận tải Thương Mại Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa), Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Kon Tum và Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh tại Kon Tum (Taxi Hòa Bình Xanh).
(14) Tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Thông tư hướng dẫn thống kê các chỉ tiêu hoạt động kinh tế ban đêm.
(15) Tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị cho chủ trương lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị Măng Đen và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Măng Đen tại Tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 08/4/2021.
(16) Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ nhưng phải do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông cũng được quy định rõ tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
(17) Công văn số 9398/BKHĐT-QLKKTW ngày 18/12/2019.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây