544731

Quyết định 3242/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

544731
LawNet .vn

Quyết định 3242/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu: 3242/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Võ Văn Hoan
Ngày ban hành: 27/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 3242/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Võ Văn Hoan
Ngày ban hành: 27/09/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3242/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông báo kết luận số 202-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Văn phòng Trung ương thông báo kết luận của Ban Bí thư Trung ương về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý;

Căn cứ Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng;

Căn cứ Kết luận số 378-KL/TU ngày 13 tháng 9 năm 2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 4266/TTr-SNV ngày 15 tháng 9 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Thành phố (để b/c);
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy, các Ban Thành ủy;
- Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP;
- Các Quận - Huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức;
- Sở Nội vụ (2b);
- VPUB: Các PCVP; Các Phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX/KN).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

ĐỀ ÁN

THÍ ĐIỂM THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Tuyển chọn công chức, viên chức nói chung, nhất là tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lý công chức, viên chức, mang tính quyết định đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong những năm qua, việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Thành phố đã bám sát các quy định của Trung ương, của Thành phố và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới; dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng; công chức, viên chức được bổ nhiệm trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ được bổ nhiệm, phát huy tốt năng lực, sở trường, trình độ được đào tạo góp phần quan trọng trong lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh; chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, sáng tạo trong công tác có ý chí rèn luyện, phấn đấu; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ để đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng và tương đương; một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, tư tưởng “có lên mà không có xuống” nên một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, góp phần lựa chọn được nhũng người “có đức, có tài”, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc tổ chức tuyên chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển còn hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Chủ trương, quan điểm của Đảng

1.1. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương

a) Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó chỉ đạo “Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

b) Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

c) Kết luận số 64-KL/TW ngày 28 tháng 5 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó chỉ đạo “Thực hiện thi tuyển các chức danh quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương”.

d) Thông báo số 202-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, trong đó chỉ đạo “Đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

đ) Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về thông báo kết luận của Ban Bí thư Trung ương về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1.2. Các nội dung chỉ đạo của Thành phố

Thực hiện Công văn số 3135-CV/VPTW và Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Đề án nêu trên tại Thành phố Hồ Chí Minh[1].

Tại Chương trình làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI năm 2022[2], Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố tham mưu, trình “Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố”.

2. Cơ sở pháp lý

2.1. Các văn bản quy định pháp luật có liên quan

a) Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019.

b) Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2018; Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019.

c) Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

d) Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

2.2. Các văn bản triển khai, hướng dẫn của Trung ương

a) Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

b) Công văn số 4260/BTC-HCSN ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí triển khai Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

3. Cơ sở thực tiễn

Thực hiện Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị, đến nay đã có rất nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển đối với chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý” ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, những người trúng tuyển được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị có chức vụ lãnh đạo, quản lý được thi tuyển.

Việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần quan trọng tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Ngoài ra, người tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ hội tự đánh giá, sát hạch bản thân, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu của chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP SỞ, CẤP PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

Trong những năm qua, công tác đề bạt, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo đúng các văn bản quy định về công tác cán bộ của Trung ương và Thành phố. Việc tổ chức thực hiện quy trình đề bạt, bổ nhiệm cơ bản thực hiện thuận lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực quản lý có trình độ ngày càng cao của Thành phố. Tuy nhiên, công tác bổ nhiệm theo quy trình hiện nay chưa có bước đột phá, chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi vị trí hầu hết chỉ có 01 người được xem xét, lựa chọn để thực hiện quy trình, do đó chưa có sự khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hăng hái thi đua, phát huy năng lực để cấp có thẩm quyền lựa chọn người xứng đáng nhất.

Qua công tác theo dõi, rà soát, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của Thành phố đã có những bước phát triển về chất; hầu hết số lượng được bổ nhiệm đều trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

1. Vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương

Tổng số vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt 268 vị trí; hiện có 234 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 34 vị trí (Chi tiết tại Biểu số 01 kèm theo), cụ thể:

1.1. Cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 31 vị trí; hiện có 29 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 02 vị trí.

b) Cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 103 vị trí; hiện có 84 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 19 vị trí.

1.2. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 12 vị trí; hiện có 10 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 02 vị trí.

b) Cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 36 vị trí; hiện có 27 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 09 vị trí.

1.3. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện)

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 22 vị trí; hiện có 21 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 01 vị trí.

b) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 64 vị trí; hiện có 63 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 01 vị trí.

2. Vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương

Tổng số vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương (gọi chung là cấp phòng) theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt 3.543 vị trí; hiện có 3.132 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 484 vị trí, cụ thể:

2.1. Cấp phòng thuộc và trực thuộc cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 551 vị trí; hiện có 496 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 55 vị trí.

b) Cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 1.209 vị trí; hiện có 1.000 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 209 vị trí.

2.2. Cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 190 vị trí; hiện có 169 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 21 vị trí.

b) Cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 394 vị trí; hiện có 273 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 121 vị trí.

2.3. Cấp phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 387 vị trí; hiện có 367 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 20 vị trí.

b) Cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị: 812 vị trí; hiện có 827 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 58 vị trí[3].

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, CÁC VỊ TRÍ, CHỨC DANH THI TUYỂN VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích

- Phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm.

- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Thành phố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

- Nâng cao chất lượng công tác phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện tốt Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

1.2. Yêu cầu

- Bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình tổ chức triển khai thi tuyển lãnh đạo, quản lý.

- Nội dung thi phải bám sát, phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, lãnh đạo, quản lý của từng vị trí thi tuyển; cách thức thi phải bảo đảm lựa chọn được người thực sự có đức, có tài, phù hợp với yêu cầu công việc của từng vị trí bổ nhiệm.

2. Các chức danh thi tuyển

Căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế tại các đơn vị, các chức danh thi tuyển sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn, cụ thể:

- Đối với các vị trí, chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý: Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

- Đối với các vị trí, chức danh còn lại: Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

3. Nguyên tắc thực hiện

a) Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

b) Công tác thẩm định, thi tuyển và bổ nhiệm phải bảo đảm về thẩm quyền quản lý cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ.

c) Chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng và tương đương.

d) Người dự thi phải bảo đảm về năng lực, trình độ chuyên môn và các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí được thi tuyển theo quy định.

đ) Mỗi vị trí, chức danh thi tuyển phải có ít nhất 02 người trở lên tham gia dự tuyển. Nếu chỉ có 01 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì cấp ủy và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển sẽ đề cử thêm người dự thi hoặc quyết định không bổ nhiệm chức danh này cho đến khi có thêm người tham gia dự thi.

Trường hợp danh sách người đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi đã được quyết định nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 01 người dự thi thì Hội đồng thi vẫn tổ chức thi theo kế hoạch đã phê duyệt.

e) Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, đúng quy định trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thi tuyển.

g) Người trúng tuyển sẽ được tiến hành làm quy trình bổ nhiệm theo quy định ngay sau khi Hội đồng thi báo cáo kết quả thi và được cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển biểu quyết thông qua.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN

1. Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển

1.1. Nhân sự tại chỗ

a) Cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của chức danh cần thi tuyển, đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm.

b) Cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh cần thi tuyển, đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm phải đăng ký dự tuyển. Nếu không đăng ký tham gia dự tuyển thì hàng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách quy hoạch, trừ các trường hợp sau được quyền không đăng ký dự thi:

- Không đủ sức khỏe dự tuyển (đang mắc bệnh hiểm nghèo; đang mất khả năng nhận thức; bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận).

- Đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

- Cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.

1.2. Nhân sự từ nơi khác

Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của các chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, được quyền đăng ký dự tuyển.

1.3. Lưu ý

Cán bộ, công chức, viên chức nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 02 cấp so với chức vụ hiện giữ. Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh thi tuyển.

2. Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển

2.1. Đối tượng đủ điều kiện đề cử

Cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn) được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.

Riêng đối với chức danh thi tuyển thuộc diện Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý: tập thể lãnh đạo sở, ban, ngành đề cử (tại văn bản xin chủ trương) và được Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý bằng văn bản.

2.2. Lưu ý

Cán bộ, công chức, viên chức dự thi nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 03 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được dự thi chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển

3.1. Tiêu chuẩn, điều kiện chung

a) Bảo đảm tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII).

b) Đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ, bao gồm:

- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

- Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định.

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức; khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 56 Luật Viên chức và các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

3.2. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể

Căn cứ chức danh lãnh đạo, quản lý cần thi tuyển, các quy định hiện hành của Nhà nước, của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của chức danh thi tuyển sẽ được thông báo trong Kế hoạch thi tuyển.

IV. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI DỰ THI

1. Quyền của người dự thi

- Được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển thông báo về danh sách những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển, nội dung thi tuyển.

- Được tiếp cận tài liệu, hồ sơ liên quan về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, kết quả hoạt động và một số vấn đề liên quan đến đơn vị có chức danh thi tuyển (trừ những tài liệu mật) để người dự thi nắm rõ, xây dựng đề án về chương trình hành động.

- Được tiến hành quy trình bổ nhiệm ngay sau khi đạt kết quả thi được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển thông qua.

- Được quyền khiếu nại, tố cáo về công tác tổ chức thi tuyển theo quy định pháp luật.

2. Nghĩa vụ của người dự thi

- Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Hội đồng thi trong quá trình tham gia thi tuyển.

- Kê khai hồ sơ trung thực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công chức, viên chức.

- Nghiêm túc, trung thực trong suốt quá trình dự thi.

V. HỘI ĐỒNG THI VÀ TỔ GIÚP VIỆC

1. Hội đồng thi

1.1. Thành phần

a) Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương bao gồm các thành viên sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Chủ tịch Hội đồng;

- Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phụ trách đơn vị có chức danh thi tuyển, Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên kiêm Thư ký;

- Các thành viên còn lại của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định, bao gồm: một số Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; người đứng đầu cơ quan có chức danh thi tuyển (đối với Hội đồng thi chức danh cấp phó lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương); đại diện Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố hoặc đại diện Ban Thường vụ Quận - Huyện ủy, Thành ủy thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Đảng ủy của cơ quan, ngành, lĩnh vực (trong trường hợp là Đảng ủy cấp trên cơ sở).

- Mời từ 01 - 04 chuyên gia hoặc nhà quản lý có chuyên môn, kinh nghiệm liên quan đến chức danh thi tuyển (nếu cần thiết).

b) Đối với Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển quyết định thành lập theo thẩm quyền được phân cấp và theo quy định về việc tổ chức thi tuyển tại Đề án này, cụ thể:

- Chủ tịch Hội đồng thi là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển.

- Thư ký Hội đồng thi là người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển.

- Các thành viên còn lại do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển quyết định, bao gồm: đại diện cấp ủy và một số cấp phó của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn; đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo của cơ quan sử dụng chức danh tuyển chọn; người đứng đầu một số đơn vị của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn; các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của người tham gia dự tuyển (tùy từng chức danh tuyển chọn nếu thấy cần thiết phải có chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội đồng thi tuyển).

Không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Trường hợp người đúng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.

c) Số lượng thành viên Hội đồng thi tuyển:

Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng có không quá 11 thành viên; Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương có không quá 17 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định. Trong đó:

- Đối với các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn mà do cấp ủy lãnh đạo toàn diện thì phải có ít nhất 70% sổ thành viên trong Ban Thường vụ cấp ủy tham gia Hội đồng thi tuyển.

- Đối với các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn mà không do cấp ủy lãnh đạo toàn diện thì thành phần Hội đồng thi tuyển có đại diện của cấp ủy và phải có ít nhất 70% số thành viên trong Ban lãnh đạo tham gia Hội đồng thi tuyển.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Đối với Hội đồng thi:

- Thành lập Tổ giúp việc, Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi, Ban giám sát.

- Xây dựng đề thi viết.

- Tổ chức chấm bài thi viết (người chấm thi được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi và do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định về số lượng thành viên cụ thể) và chấm điểm trình bày Đề án của người dự thi (toàn bộ thành viên Hội đồng thi).

- Thông báo kết quả thi đến người dự thi.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi.

b) Đối với Chủ tịch Hội đồng thi:

Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Hội đồng: Quy định về bảng điểm chi tiết và tổ chức chấm bài thi viết, bảo vệ Đề án bảo đảm công tâm, khách quan, trung thực.

c) Đối với các thành viên Hội đồng thi:

Thực hiện khách quan, trung thực việc chấm bài thi viết, chấm bảo vệ Đề án. Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

1.3. Nguyên tắc làm việc

a) Hội đồng thi làm việc công khai, dân chủ, khách quan, trung thực, công tâm.

b) Các thành viên Hội đồng thi chấm điểm độc lập bàng phiếu kín, giữ bí mật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thi về quyết định chấm điểm của mình.

2. Tổ Giúp việc

2.1. Thành phần

a) Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thành lập để thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức thi; giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi làm Tổ trưởng Tổ giúp việc, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố làm Tổ phó Tổ giúp việc. Các thành viên còn lại của Tổ giúp việc bao gồm lãnh đạo và một số chuyên viên của Phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ và một số đơn vị liên quan khác (nếu cần thiết).

b) Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thành lập.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Quản lý tài liệu thi; đề thi; tổng hợp điểm thi bảo đảm an toàn, bí mật.

b) Xây dựng kế hoạch chi tiết phân công cụ thể cho các thành viên Tổ giúp việc, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi phê duyệt.

c) Tổ chức phục vụ thi theo kế hoạch đã được phê duyệt.

d) Thông báo kết quả thi tuyển.

đ) Đảm nhận các công việc hậu cần phục vụ cho kỳ thi.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thi phân công.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban Hội đồng thi

Các Ban Hội đồng thi do Chủ tịch Hội đồng thi thành lập; các thành viên của Ban không là cha, mẹ, anh chị em ruột (kể cả anh chị em của bên vợ hoặc chồng), vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người tham gia dự thi; không là những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

Thành phần và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban Hội đồng thi thực hiện theo Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ và theo nội dung quy định cụ thể như sau:

3.1. Ban ra đề thi

a) Xây dựng ngân hàng đề thi (đề mở, ứng viên được sử dụng tài liệu dạng giấy trong phòng thi) và thang điểm của đề thi viết.

b) Xây dựng thang điểm chi tiết phần thi trình bày Đề án.

3.2. Ban coi thi

a) Nhận đề thi viết của Hội đồng thi và bảo quản theo chế độ tài liệu mật.

b) Thực hiện coi thi viết theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BNV.

c) Tổ chức thu bài thi của người dự thi và niêm phong bài thi để bàn giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi.

3.3. Ban phách

a) Đánh số phách và rọc phách các bài thi viết.

b) Niêm phong phách và bài thi viết đã được rọc phách, bàn giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi theo đúng quy định.

c) Bảo đảm bí mật số phách.

3.4. Ban chấm thi

a) Chấm thi viết (chỉ gồm những người được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi và do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định về số lượng thành viên cụ thể):

- Nhận bài thi viết đã được rọc phách theo quy định.

- Thực hiện chấm bài thi viết theo đáp án đã được Ban ra đề thi xây dựng.

- Các thành viên chấm điểm độc lập và gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi trước khi thông báo đến người dự thi.

b) Chấm thi trình bày Đề án (gồm toàn bộ thành viên Hội đồng thi tuyển):

- Thực hiện chấm bài thi hình bày Đề án theo đáp án đã được Ban đề thi xây dựng.

- Các thành viên chấm điểm độc lập và gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi trước khi thông báo đến người dự thi.

3.5. Ban giám sát

a) Giám sát toàn bộ quá trình thi tuyển.

b) Báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển về kết quả giám sát ngay sau khi kết thúc phần thi trình bày Đề án.

VI. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THI TUYỂN

1. Công tác chuẩn bị

1.1. Thông báo thi tuyển

Đăng tải thông tin liên quan đến kỳ thi như: chức danh thi tuyển; đối tượng; điều kiện, tiêu chuẩn người dự thi; nội dung, hình thức thi tuyển; thời gian thi tuyển... trên phương tiện thông tin đại chúng (ít nhất 01 lần), trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển và cơ quan có chức danh thi tuyển.

1.2. Hồ sơ dự tuyển

a) Đơn đăng ký dự tuyển.

b) Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức (theo mẫu 2C-BNV/2008) hoặc sơ yếu lý lịch viên chức (theo mẫu quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BNV[4] của Bộ Nội vụ) (được cơ quan nơi người dự thi đang công tác xác nhận tại thời điểm đang ký dự thi, trong đó ghi nhận xét đánh giá).

c) Bản tự nhận xét, đánh giá của cá nhân (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

d) Bản kê khai tài sản và thu nhập theo quy định của pháp luật tại thời điểm đăng ký dự thi.

đ) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi người dự thi đang công tác.

e) Bản nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú.

g) Văn bản xác nhận trong diện quy hoạch của người dự thi (được cấp có thẩm quyền phê duyệt) (nếu có).

h) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ (có chứng thực)[5].

i) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi).

k) Trường hợp người tham gia dự thi (đăng ký tham gia dự thi hoặc được đề cử tham gia dự thi) từ nơi khác thì phải có ý kiến bàng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự thi đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự thi và chuyển công tác nếu trúng tuyển.

Toàn bộ văn bản, tài liệu được đựng trong túi đựng hồ sơ kích thước 25 cm x 35 cm và được niêm phong kín.

1.3. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và phê duyệt danh sách

a) Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày đăng thông báo.

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ (tùy số lượng hồ sơ đăng ký), đơn vị làm công tác cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách (kèm lý lịch trích ngang) xin ý kiến lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển, sau đó báo cáo cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển quyết định thông qua danh sách và hồ sơ của người đủ điều kiện dự thi.

1.4. Thông báo danh sách đủ điều kiện

Thông báo danh sách người đủ điều kiện dự thi và thời gian, địa điểm, chủ đề của Đề án công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển và niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan có chức danh thi tuyển trong thời hạn 15 ngày trước khi tổ chức thi tuyển để cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát.

2. Tổ chức thi tuyển

2.1. Tổ chức thi viết

a) Nội dung thi:

Thi viết kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác do Hội đồng thi quy định.

b) Lựa chọn đề thi:

Chủ tịch Hội đồng thi quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề thi do Ban ra đề thi chuẩn bị, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề thi cho đến khi công bố đề thi viết được chọn.

c) Thời gian và thang điểm thi:

Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban coi thi tổ chức thi viết theo quy định. Thời gian thi viết là 180 phút. Bài thi viết được chấm theo thang điểm 100.

d) Tổ chức chẩm thi:

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi viết, Ban chấm thi viết (do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định chọn ít nhất 03 thành viên Hội đồng thi) thực hiện việc chấm bài thi viết theo đáp án đã được Ban ra đề thi xây dựng. Bài thi viết phải được rọc phách theo quy định trước khi chuyển đến các thành viên Ban chấm thi viết để chấm thi.

Các thành viên Ban chấm thi chấm bài thi viết độc lập và trong thời hạn 02 ngày làm việc, phải gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi trước khi thông báo đến người dự thi.

đ) Cách tính điểm:

Kết quả bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tham gia chấm thi. Người dự thi phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án.

Trường hợp người dự thi có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên, nhưng có 02 thành viên Hội đồng thi chấm điểm bài thi viết dưới 50 điểm thì Thư ký Hội đồng thi phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, quyết định việc chấm lại đối với bài thi này.

e) Phúc khảo bài thi:

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm thi viết xong, Hội đồng thi phải thông báo kết quả chấm bài thi viết đến người dự thi, Người dự thi được quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả chấm thi.

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định chọn ít nhất 03 thành viên khác (không phải những người đã chấm bài thi trước khi phúc khảo) của Hội đồng thi để thực hiện việc chấm phúc khảo bài thi viết và thông báo kết quả đến người dự thi có đơn đề nghị phúc khảo.

Các thành viên Hội đồng thi chấm phúc khảo bài thi viết độc lập và trong thời hạn 02 ngày làm việc phải gửi kết quả chấm phúc khảo cho Thư ký Hội đồng thi để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi trước khi thông báo đến người dự thi có đơn đề nghị phúc khảo. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm phúc khảo xong, Hội đồng thi thông báo kết quả đến người dự thi có đơn đề nghị phúc khảo.

g) Thông báo kết quả:

Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm thi viết (trường hợp có đơn đề nghị phúc khảo thì chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm phúc khảo), Hội đồng thi phải có văn bản thông báo để người dự thi có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên tham gia phần thi trình bày Đề án.

2.2. Tổ chức thi trình bày Đề án

a) Nội dung thi:

Nội dung thi trình bày Đề án gồm: đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi và những người tham dự. Lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển sẽ quyết định chủ đề cụ thể của Đề án để phù hợp với từng chức danh thi tuyển.

b) Thành phần tham dự:

Thành phần tham dự phần thi trình bày Đề án của người dự thi, gồm:

- Toàn bộ Hội đồng thi.

- Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đại diện của các tổ chức đoàn thể và công chức, viên chức khác của cơ quan sử dụng chức danh thi tuyển được quyền đăng ký tham dự và chất vấn người dự thi.

Chủ tịch Hội đồng thi điều hành và quyết định việc người dự thi phải trả lời câu hỏi chất vấn của những người tham dự, bảo đảm đúng yêu cầu của chức danh thi tuyển và thời gian trả lời chất vấn của người dự thi.

c) Thời gian thi:

Thời gian trình bày Đề án tối đa 30 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về Đề án 30 - 40 phút.

d) Thang điểm:

Điểm thi trình bày Đề án được chẩm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 03 phần, cụ thể như sau: (1) Xây dựng Đề án: 20 điểm; (2) Bảo vệ Đề án: 40 điểm; (3) Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm.

Các thành viên Hội đồng thi thực hiện chấm điểm thi trình bày Đề án của người dự thi theo từng phần và gửi kết quả chấm thi (tổng số điểm, của cả 03 phần) cho Thư ký Hội đồng thi để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi trước khi công bố.

đ) Cách tính điểm:

Kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tham gia chấm thi.

Trường hợp có thành viên Hội đồng thi cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tham gia chấm thi thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự thi được tính theo kết quả cho điểm của các thành viên còn lại của Hội đồng thi.

Không thực hiện chấm phúc khảo với phần thi trình bày Đề án.

e) Báo cáo kết quả thi:

Chậm nhất sau sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi trình bày Đề án xong, Hội đồng thi phải báo cáo cấp ủy và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển về kết quả thi trình bày Đề án của người dự thi.

3. Xác định người trúng tuyển

3.1. Điểm trúng tuyển

Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng thi về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự thi, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cấp ủy và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển xem xét cho ý kiến đối với người có số điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm.

3.2. Phương thức lựa chọn người trúng tuyển khi có nhiều người tham gia dự thi có kết quả bằng nhau

a) Trường hợp có từ 02 người có điểm cao nhất bằng nhau trở lên, Hội đồng thi báo cáo để lấy ý kiến tập thể cấp ủy và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển xem xét, quyết định người trúng tuyển.

b) Quy định khi xem xét thứ tự ưu tiên: (1) Ưu tiên nữ (đối với đơn vị chưa có lãnh đạo là nữ); (2) Người giữ chức vụ cao hơn; (3) Nếu cùng giữ chức vụ tương đương thì ưu tiên người có thời gian giữ chức vụ lâu hơn; (4) Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì ưu tiên người có thâm niên công tác lâu hơn trong lĩnh vực phù hợp với chức danh thi tuyển.

3.3. Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý

Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị quy định tại tiết a điểm 3.2 khoản 3 Mục VI này, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn phải có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm (tập thể lãnh đạo hoặc cấp ủy không thực hiện bỏ phiếu kín).

Trường hợp người được đưa ra lấy ý kiến mà tập thể lãnh đạo hoặc cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn không đồng ý thì tập thể lãnh đạo hoặc cấp ủy đó phải nêu rõ lý do; nếu lý do hợp lý (mới phát hiện người dự tuyển không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm) thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn tiếp tục chọn người có kết quả điểm thi trình bày Đề án thấp hơn liền kề tổng số những người đạt trên 50 điểm để đưa ra lấy ý kiến tập thể lãnh đạo có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Căn cứ ý kiến của cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn trao đổi, nếu không phát hiện có sai phạm trong quá trình tổ chức tuyển chọn thì thống nhất để người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn ban hành quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác bảo đảm an ninh trong thời gian thi tuyển và lưu trữ tài liệu

4.1. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Sau khi công bố danh sách dự thi, trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi tuyển, đơn vị làm công tác cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo (theo dấu bưu điện hoặc dấu “văn bản đến”).

b) Không xem xét giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại nặc danh và không giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi tuyển.

4.2. Bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi

a) Trong quá trình thi tuyển, Tổ giúp việc có trách nhiệm làm việc với các cơ quan có liên quan để bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi.

4.3. Lưu trữ tài liệu

a) Tài liệu của kỳ thi gồm: hồ sơ của người dự thi; Đề án của người dự thi; Văn bản, biên bản quy định về thang điểm, bảng điểm, phiếu chấm điểm; Phiếu chấm điểm của các thành viên Hội đồng thi và Bảng tổng hợp điểm.

b) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Tổ giúp việc có trách nhiệm bàn giao “Tài liệu của kỳ thi” về đơn vị làm công tác cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển để lưu trữ, quản lý. “Tài liệu của kỳ thi” được lưu trữ 05 năm kể từ ngày công bố kết quả thi.

VII. LỘ TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Năm 2022: tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

1.2. Từ năm 2023 trở đi: tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; đồng thời triển khai tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương.

2. Xây dựng Kế hoạch thực hiện

Cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện thi tuyển định kỳ hằng năm hoặc khi có nhu cầu tổ chức thi tuyển.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

1.1. Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, triển khai Đề án này.

1.2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng thực hiện Đề án, xây dựng báo cáo và tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố theo định kỳ và đột xuất.

1.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề phát sinh theo quy định pháp luật.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tại cơ quan, đơn vị và xây dựng Kế hoạch tổ chức thi tuyển khi phát sinh nhu cầu bổ nhiệm, đề bạt chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện thi tuyển theo quy định của Đề án và của cấp có thẩm quyền.

Định kỳ hằng năm, các cơ quan, đơn vị phải có báo cáo về việc thực hiện Đề án tại cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ được giao.

2.1. Đơn vị làm công tác cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển

a) Thông báo việc thi tuyển trên các phương tiện thông tin theo Đề án này.

b) Tiếp nhận, kiểm tra, rà soát, thẩm định hồ sơ người dự thi; tổng hợp, xin ý kiến của cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển, sau đó báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển xem xét, quyết định thông qua danh sách và hồ sơ của người đủ điều kiện dự thi.

c) Phối hợp với đơn vị liên quan, các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng chủ đề của Đề án, trình lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển xem xét, quyết định.

d) Thông báo danh sách người đủ điều kiện dự thi và chủ đề của Đề án.

đ) Tham mưu trình lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển thành lập Hội đồng thi.

e) Hoàn chỉnh hồ sơ (nếu cần), báo cáo cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển trước khi trình lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển ra quyết định bổ nhiệm có thời hạn đối với người trúng tuyển theo quy định.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển.

2.2. Các đơn vị có chức danh thi tuyển

Tạo điều kiện để người đủ điều kiện dự thi tìm hiểu, tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; vai trò, nghĩa vụ, quyền lợi và các vấn đề khác liên quan đến chức danh thi tuyển.

2.3. Đơn vị làm công tác văn phòng, kế hoạch - tài chính tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển

a) Đơn vị làm công tác kế hoạch - tài chính phối hợp với đơn vị làm công tác văn phòng bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức thi tuyển theo quy định.

b) Đơn vị làm công tác văn phòng bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất cho việc tổ chức thi tuyển.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển.

d) Các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển nếu tự tổ chức thi theo phân cấp thì phải tự bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác thi tuyển.

2.4. Đơn vị làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển

a) Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến việc tổ chức thi tuyển.

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển.

3. Đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy

3.1. Phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nội vụ rà soát, tổng hợp chỉ tiêu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tổ chức thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ của Thành phố.

3.2. Phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nội vụ để triển khai thực hiện thi tuyển đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

4. Sở Tài chính

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thi tuyển theo quy định pháp luật.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị truyền thông của Thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân Thành phố.

II. TỔ CHỨC THI HÀNH

1. Nghiêm cấm việc lợi dụng Đề án này để thực hiện các hành vi tiêu cực trong bất kỳ khâu nào của quy trình thi tuyển. Những trường hợp phát hiện có sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Trường hợp các quy định được viện dẫn trong Đề án này có bổ sung, sửa đổi hoặc được thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến đóng góp, phản ánh bằng văn bản về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp./.

 

BIỂU SỐ 1

THỰC TRẠNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP SỞ, CẤP HUYỆN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

(Kèm theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

STT

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

SỐ LƯỢNG THEO CƠ CẤU

SỐ LƯỢNG HIỆN CÓ

SỐ LƯỢNG CÒN KHUYT

GHI CHÚ

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

I

ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Ủy ban nhân dân Quận 1

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

2

y ban nhân dân Quận 3

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

3

Ủy ban nhân dân Quận 4

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

4

Ủy ban nhân dân Quận 5

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

5

Ủy ban nhân dân Quận 6

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

6

Ủy ban nhân dân Quận 7

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

7

Ủy ban nhân dân Quận 8

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

8

Ủy ban nhân dân Quận 10

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

9

Ủy ban nhân dân Quận 11

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

10

y ban nhân dân Quận 12

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

11

Ủy ban nhân dân quận Bình Tân

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

12

Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

13

Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

14

Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

15

Ủy ban nhân dân quận Tân Bình

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

16

Ủy ban nhân dân quận Tân Phú

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

17

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh

4

1

3

3

0

3

1

1

0

Các chức danh này do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu

18

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ

3

1

2

3

1

2

0

0

0

19

Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi

5

1

4

5

1

4

0

0

0

20

Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn

3

1

2

3

1

2

0

0

0

21

Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè

3

1

2

3

1

2

0

0

0

22

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức

4

1

3

4

1

3

0

0

0

II

CÁC SỞ - NGÀNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Sở Công Thương

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

2

Sở Du lịch

3

1

2

3

1

2

0

0

0

 

3

Sở Giao thông vận tải

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

4

Sở Giáo dục và Đào tạo

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

5

Sở Kế hoạch và Đầu tư

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

6

Sở Khoa học và Công nghệ

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

7

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

8

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

9

Sở Nội vụ

5

1

4

5

1

4

0

0

0

 

10

Sở Quy hoạch - Kiến trúc

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

11

Sở Tài chính

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

12

Sở Tài nguyên và Môi trường

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

13

Sở Thông tin và Truyền thông

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

14

Sở Tư pháp

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

15

Sở Văn hóa và Thể thao

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

16

Sở Xây dựng

5

1

4

5

1

4

0

0

0

 

17

SY tế

5

1

4

5

1

4

0

0

0

 

18

Ban An toàn giao thông

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

19

Ban Dân tộc

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

20

Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp

2

1

1

2

1

1

0

0

0

 

21

Ban Quản lý An toàn thực phẩm

4

1

3

2

1

1

2

0

2

 

22

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

23

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

24

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

25

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam Thành phố

4

1

3

1

0

1

3

1

2

 

26

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc

4

1

3

1

0

1

3

1

2

 

27

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

4

1

3

2

1

1

2

0

2

 

28

Thanh tra Thành phố

5

1

4

4

1

3

1

0

1

 

29

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

30

Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố

7

1

6

7

1

6

0

0

0

 

31

Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố

5

1

4

5

1

4

0

0

0

 

32

Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

33

Ban Quản lý Đường sắt đô thị

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

34

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

35

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông

4

1

3

4

1

3

0

0

0

 

36

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

37

Đài Truyền hình Thành phố

4

1

3

3

0

3

1

1

0

 

38

Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

39

Lực lượng Thanh niên xung phong

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

40

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư

4

1

3

3

0

3

1

1

0

 

41

Trường Đại học Sài Gòn

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

42

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

4

1

3

2

1

1

2

0

2

 

43

Viện Nghiên cứu phát triển

4

1

3

3

1

2

1

0

1

 

 

Khối Ủy ban nhân dân cấp huyện

86

22

64

84

21

63

2

1

1

 

 

Khối sở, ban, ngành (hành chính)

134

31

103

113

29

84

21

2

19

 

 

Khối đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố

48

12

36

37

10

27

11

2

9

 

 

TNG CỘNG

268

65

203

234

60

174

34

5

29

 

 

BIỂU SỐ 2

THỰC TRẠNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG

(Kèm theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

STT

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

SỐ LƯỢNG THEO CƠ CẤU

SỐ LƯỢNG HIỆN CÓ

SỐ LƯỢNG CÒN KHUYẾT

GHI CHÚ

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

Tổng

Cấp trưởng

Cấp phó

I

ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Ủy ban nhân dân Quận 1

67

23

44

59

21

38

8

2

6

 

2

Ủy ban nhân dân Quận 3

45

15

30

41

15

26

4

-

4

 

3

y ban nhân dân Quận 4

53

17

36

45

17

28

8

-

8

 

4

Ủy ban nhân dân Quận 5

50

17

33

49

17

32

1

-

1

 

5

Ủy ban nhân dân Quận 6

65

21

44

60

20

40

5

1

4

 

6

Ủy ban nhân dân Quận 7

48

16

32

47

15

32

1

1

-

 

7

Ủy ban nhân dân Quận 8

46

15

31

44

14

30

2

1

1

 

8

Ủy ban nhân dân Quận 10

59

19

40

56

18

38

3

1

2

 

9

Ủy ban nhân dân Quận 11

48

16

32

47

16

31

1

-

1

 

10

Ủy ban nhân dân Quận 12

54

17

37

49

15

34

5

2

3

 

11

Ủy ban nhân dân quận Bình Tân

53

17

36

54

16

38

3

1

2

Hiện khuyết 01 trưởng phòng Tư pháp: 01 PGĐ Trung tâm VHTDTT, 01 PGĐ Trung tâm GDNNGDTX

Dư: 02 Phó Trưởng phòng chuyên môn (01 Phó Phòng VHTT quận, 01 Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo)

12

Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh

49

17

32

45

16

29

4

1

3

 

13

Ủy ban nhân dân quận Gò vấp

48

16

32

45

16

29

3

-

3

 

14

Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận

48

16

32

46

16

30

2

-

2

 

15

Ủy ban nhân dân quận Tân Bình

60

20

40

53

20

33

7

-

7

 

16

Ủy ban nhân dân quận Tân Phú

51

17

34

46

14

32

5

3

2

 

17

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh

59

19

40

59

19

40

-

-

-

 

18

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ

49

16

33

44

16

28

5

-

5

 

19

Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi

57

19

38

54

19

35

3

-

3

 

20

Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn

59

19

40

58

19

39

1

-

1

 

21

Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè

54

18

36

53

16

37

2

2

-

Thiếu 02 cấp trưởng: dư 01 cấp phó

22

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức

77

17

60

140

12

128

5

5

-

Đang thực hiện sắp xếp dôi dư nên số lượng hiện có lớn hơn cơ cấu

II

CÁC SỞ -NGÀNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Sở Công Thương

32

10

22

28

9

19

4

1

3

 

2

Sở Du lịch

18

7

11

16

7

9

2

-

2

 

3

Sở Giao thông vận tài

36

11

25

31

9

22

5

2

3

 

4

Sở Giáo dục và Đào tạo

439

139

300

423

136

287

16

3

13

 

5

Sở Kế hoạch và Đầu tư

39

11

28

33

9

24

6

2

4

 

6

Sở Khoa học và Công nghệ

35

14

21

25

10

15

10

4

6

 

7

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

41

10

31

28

10

18

13

-

13

 

8

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

56

20

36

49

18

31

7

2

5

 

9

Sở Nội vụ

23

6

17

21

6

15

2

-

2

 

10

Sở Quy hoạch - Kiến trúc

36

11

25

29

10

19

7

1

6

 

11

Sở Tài chính

32

9

23

27

8

19

5

1

4

 

12

Sở Tài nguyên và Môi trường

254

88

166

213

76

137

41

12

29

 

13

Sở Thông tin và Truyền thông

33

11

22

24

7

17

9

4

5

 

14

Sở Tư pháp

55

20

35

54

20

34

1

-

1

 

15

Sở Văn hóa và Thể thao

32

9

23

30

9

21

2

-

2

 

16

S Xây dựng

46

13

33

42

12

30

4

1

3

 

17

SY tế

322

86

236

258

78

180

64

8

56

 

18

Ban An toàn giao thông

3

1

2

1

1

-

2

-

2

 

19

Ban Dân tộc

12

5

7

9

4

5

3

1

2

 

20

Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp

4

2

2

2

2

-

2

-

2

 

21

Ban Quản lý An toàn thực phẩm

28

7

21

17

6

11

11

1

10

 

22

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp

18

8

10

13

5

8

5

3

2

 

23

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao

17

7

10

11

5

6

6

2

4

 

24

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao

12

4

8

10

3

7

2

1

1

 

25

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam Thành phố

12

4

8

11

4

7

1

-

1

 

26

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc

15

5

10

9

5

4

6

-

6

 

27

Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

24

8

16

12

6

6

12

2

10

 

28

Thanh tra Thành phố

36

9

27

31

7

24

5

2

3

 

29

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài

8

4

4

4

3

1

4

1

3

 

30

Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố

34

9

25

28

8

20

6

1

5

 

31

Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố

8

3

5

7

3

4

1

-

1

 

32

Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc

15

7

8

13

5

8

2

2

-

 

33

Ban Quản lý Đường sắt đô thị

24

8

16

18

7

11

6

1

5

 

34

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp

33

11

22

25

10

15

8

1

7

 

35

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông

57

18

39

42

13

29

15

5

10

 

36

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

30

10

20

24

8

16

6

2

4

 

37

Đài Truyền hình Thành phố

69

23

46

57

22

35

12

1

11

 

38

Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố

33

11

22

33

11

22

-

-

-

 

39

Lực lượng Thanh niên xung phong

42

13

29

37

13

24

5

-

5

 

40

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư

21

7

14

19

6

13

2

1

1

 

41

Trường Đại học Sài Gòn

150

45

105

105

42

63

45

3

42

 

42

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

78

26

52

50

26

24

28

-

28

 

43

Viện Nghiên cứu phát triển

32

11

21

19

6

13

13

5

8

 

 

Khối Ủy ban nhân dân cấp huyện

1.199

387

812

1.194

367

827

78

20

58

 

 

Khối sở, ban, ngành (hành chính)

1.760

551

1.209

1.496

496

1.000

264

55

209

 

 

Khối đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố

584

190

394

442

169

273

142

21

121

 

 

TNG CỘNG

3.543

1.128

2.415

3.132

1.032

2.100

484

96

388

 

 



[1] Phiếu chuyển số 1230-PC/VPTU ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Thành ủy.

[2] Chương trình số 15-CTr/TU ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ban Thường vụ Thành ủy.

[3] Do thành lập thành phố Thủ Đức nên số lượng cấp phó hiện có nhiều hơn số lượng cấp phó theo cơ cấu.

[4] Thông tư số 07/2019/TT-BNV ngày 01 tháng 6 năm 2019 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức

[5] Trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bn chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bn sao so với bn chính mà không yêu cầu cá nhân nộp bản sao có chứng thực.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác