93067

Quyết định 27/2006/QĐ-UBND về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

93067
LawNet .vn

Quyết định 27/2006/QĐ-UBND về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu: 27/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Trần Thanh Trung
Ngày ban hành: 14/06/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 27/2006/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
Người ký: Trần Thanh Trung
Ngày ban hành: 14/06/2006
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/2006/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 14 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT VÀ ẤP TRỨNG GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Quyết định số 3065/QĐ-BNN-NN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế các văn bản: Quyết định số 1702/QĐ-UB ngày 08 tháng 10 năm 1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành quy định tạm thời quản lý cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 31/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 09/2003/QĐ-UB ngày 26 tháng 02 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành quy định phòng chống dịch bệnh động vật tại các cơ sở chăn nuôi và kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định số 19/2004/QĐ-UB ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các văn bản có liên quan khác trái với quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT VÀ ẤP TRỨNG GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Các thuật ngữ dùng trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Động vật gồm các loài gia súc (trâu, bò, ngựa, heo, dê, cừu, chó, thỏ…), các loài gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, chim cảnh….) và các loài động vật khác (ngoại trừ động vật thuộc loài thủy sản)

2. Sản phẩm động vật gồm những sản phẩm có nguồn gốc từ những loài động vật được quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ sở chăn nuôi gồm: chăn nuôi tập trung qui mô lớn, chăn nuôi tập trung qui mô vừa, chăn nuôi qui mô nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình và điểm trung chuyển động vật, cụ thể:

a) Chăn nuôi tập trung qui mô lớn: thường xuyên có số lượng động vật như sau:

- Trâu, bò, ngựa: mục đích nuôi sinh sản, phối giống, lấy sữa từ 100 con trở lên; mục đích nuôi lấy thịt từ 400 con trở lên.

- Heo: mục đích nuôi sinh sản, phối giống từ 200 con trở lên; mục đích nuôi thịt từ 1.000 con trở lên.

- Dê, cừu, chó: mục đích nuôi sinh sản, phối giống từ 1.000 con trở lên; mục đích nuôi thịt từ 2.000 con trở lên.

 - Gia cầm, thỏ từ 10.000 con trở lên.

b) Chăn nuôi tập trung qui mô vừa: thường xuyên có số lượng động vật như sau:

- Trâu, bò, ngựa: mục đích nuôi sinh sản, phối giống, lấy sữa từ 10 con đến dưới 100 con; mục đích nuôi lấy thịt từ 50 con đến dưới 400 con.

- Heo: mục đích nuôi sinh sản, phối giống từ 20 con đến dưới 200 con; mục đích nuôi thịt từ 100 con đến dưới 1.000 con.

- Dê, cừu, chó: mục đích nuôi sinh sản, phối giống từ 100 con đến dưới 1.000 con; mục đích nuôi thịt từ 200 con đến dưới 2.000 con.

- Gia cầm, thỏ từ 2.000 con đến dưới 10.000 con.

c) Chăn nuôi qui mô nhỏ: thường xuyên có số lượng động vật như sau:

- Trâu, bò, ngựa: mục đích nuôi sinh sản, phối giống, lấy sữa từ 5 đến dưới 10 con; mục đích nuôi lấy thịt từ 20 đến dưới 50 con.

- Heo: mục đích sinh sản, phối giống từ 10 con đến dưới 20 con; mục đích nuôi thịt từ 50 con đến dưới 100 con.

- Dê, cừu, chó: mục đích sinh sản, phối giống từ 50 con đến dưới 100 con; mục đích nuôi thịt từ 100 con đến dưới 200 con.

- Gia cầm, thỏ từ 200 đến dưới 2.000 con.

d) Chăn nuôi hộ gia đình: có số động vật ít hơn số lượng chăn nuôi qui mô nhỏ.

Tất cả số lượng động vật không tính số đầu con gia súc chưa cai sữa, số đầu con gia cầm dưới 7 ngày tuổi.

4. Cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật: là địa điểm cố định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch, thẩm định điều kiện, cấp giấy phép kinh doanh, được cơ quan thú y địa phương kiểm dịch.

5. Kinh doanh động vật sống: là việc kinh doanh các loài động vật được quy định tại khoản 1 Điều này tại các điểm mua bán, trao đổi, giao dịch được cơ quan có chức năng thẩm định điều kiện và cấp giấy phép.

6. Kinh doanh sản phẩm động vật: là việc kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ các loại động vật được quy định tại khoản 1 Điều này dùng cho mục đích làm thực phẩm tại các chợ hoặc các điểm mua bán, trao đổi, giao dịch.

7. Cơ sở giống vật nuôi: là cơ sở chăn nuôi con giống vật nuôi theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh giống vật nuôi; bao gồm: đàn giống cụ kỵ, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ, đàn giống hạt nhân, giống thương phẩm.

8. Điểm trung chuyển động vật: được xem như là một cơ sở chăn nuôi, là nơi nuôi, nhốt động vật chờ đưa đi nơi khác.

9. Cơ sở ấp trứng gia cầm: là cơ sở sử dụng máy ấp hoặc ấp thủ công đối với các loại trứng gia cầm như: gà, vịt, cút, bồ câu, …. với mục đích ấp nở hoặc ấp trứng lộn để kinh doanh; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh.

10. Đánh giá tác động môi trường: là việc phân tích, dự báo các tác động môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án.

11. Bản cam kết bảo vệ môi trường: là phân tích, dự báo các loại chất thải phát sinh của dự án cụ thể để đưa ra các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải theo qui định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Chương II

ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM

Điều 3. Địa điểm và phương thức chăn nuôi:

1. Vị trí cơ sở chăn nuôi:

- Không được chăn nuôi bất kỳ quy mô nào trong khu vực dân cư tập trung; khu phố; nội ô thuộc thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp;

- Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến nguồn nước mặt, giếng khoan lấy nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của nhân dân tối thiểu là: 10 mét đối với chăn nuôi hộ gia đình; 20 mét đối với chăn nuôi nhỏ; 50 mét đối với chăn nuôi qui mô vừa; 100 mét đối với chăn nuôi tập trung qui mô lớn;

- Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học; bệnh viện; khu điều dưỡng; khu công sở; cơ sở tôn giáo, khu vui chơi giải trí công cộng tối thiểu là: 20 mét đối với chăn nuôi hộ gia đình; 50 mét đối với chăn nuôi nhỏ; 100 mét đối với chăn nuôi qui mô vừa; 300 mét đối với chăn nuôi tập trung qui mô lớn;

- Khoảng cách các hạng mục công trình của cơ sở chăn nuôi (kể cả hệ thống xử lý chất thải) đến nhà dân gần nhất phải đảm bảo tối thiểu là 10 mét đối với chăn nuôi hộ gia đình; 20 mét đối với chăn nuôi nhỏ; 30 mét đối với chăn nuôi qui mô vừa; 50 mét đối với chăn nuôi qui mô lớn;

2. Về phương thức chăn nuôi:

- Chăn nuôi phải có chuồng trại nuôi nhốt cách biệt với nhà ở (nhất là chăn nuôi gia cầm); không được thả rong; chạy đồng hoặc chăn thả trên các tuyến đường giao thông, kênh, mương, rạch công cộng, nơi có dòng nước chảy (kể cả khi nuôi nhốt) hoặc làm chuồng ngay trên sông, mương, rạch công cộng;

- Không được nuôi nhốt lẫn lộn giữa gia súc, gia cầm; nếu nuôi nhiều loại chung một khu vực phải có những khu vực riêng biệt và khoảng cách thích hợp giữa các chuồng nuôi. Tuyệt đối không đặt chuồng nuôi gia cầm trong hoặc trên chuồng nuôi gia súc.

Điều 4. Điều kiện về môi trường:

- Phải có nơi chứa đựng và xử lý chất thải, đảm bảo đúng qui định về môi trường.

- Chất thải chăn nuôi (chất thải lỏng, chất thải rắn...) phải được xử lý tại các cơ sơ chăn nuôi, đạt tiêu chuẩn môi trường theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Các trường hợp vận chuyển chất thải chăn nuôi đến nơi khác phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

- Đối với các cơ sở chăn nuôi có qui mô từ nhỏ trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Điều 5. Điều kiện vệ sinh thú y

1. Đối với cơ sở vật chất chăn nuôi:

a) Chăn nuôi qui mô vừa, qui mô lớn:

- Có hàng rào hoặc tường bao quanh bảo đảm ngăn chặn được người, động vật từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở;

- Có khu hành chính, nhà ở riêng biệt;

- Có hố sát trùng cho người, phương tiện vận chuyển trước khi vào cơ sở và khu chăn nuôi;

- Chuồng nuôi xây dựng phù hợp với loài vật nuôi, thoáng mát, dễ thực hiện vệ sinh tiêu độc sát trùng, khoảng cách giữa các ô chuồng, dãy chuồng phải có lối đi thích hợp. Nếu cơ sở nuôi nhiều loại vật nuôi: phải có những khu vực riêng biệt và chuồng nuôi giữa các loài phải có khoảng cách thích hợp;

- Môi trường của khu chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật. Bảo đảm thời gian để trống chuồng sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật;

- Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi: phải đảm bảo vệ sinh thú y quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y:

- Có khu nuôi cách ly;

- Có khu xử lý động vật bệnh, chết;

- Khu nhà kho;

- Có nhà vệ sinh, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan;

- Có nội quy ra vào trại;

- Có hệ thống sổ sách theo dõi việc xuất, nhập động vật, tình hình điều trị, tiêm phòng cho động vật.

- Trường hợp chăn nuôi trâu, bò mục đích khai thác lấy sữa: phải có khu sơ chế bảo quản sữa.

- Trường hợp chăn nuôi heo nọc giống: còn phải có khu khai thác, pha chế, bảo quản tinh dịch.

- Trường hợp chăn nuôi gia cầm giống: nếu có nhu cầu ấp trứng, còn phải có khu ấp trứng riêng biệt với khu chăn nuôi.

b) Đối với chăn nuôi qui mô nhỏ và hộ gia đình:

- Phải có chuồng trại xây dựng phù hợp với loài vật nuôi, thoáng mát, dễ vệ sinh tiêu độc khử trùng, đặc biệt không nuôi nhốt gần nơi ăn ở sinh hoạt gia đình;

- Nếu cơ sở nuôi nhiều loại vật nuôi: phải có những khu vực riêng biệt và chuồng nuôi giữa các loài phải có khoảng cách thích hợp;

- Có chuồng dự phòng cách ly động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh;

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật;

- Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi: phải đảm bảo vệ sinh thú y quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y.

- Có nơi xử lý chất thải động vật bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường;

2. Đối với động vật nuôi:

a) Phải được tiêm phòng bắt buộc vắc xin hoặc áp dụng các biện pháp tiêm phòng bắt buộc khác cho đàn vật nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của chính phủ, Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN và Quyết định số 64/2005/QĐ-BNN ban hành ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Gia súc, gia cầm nuôi làm giống: ngoài các quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, còn phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng con giống tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Đăng ký để được cơ quan thú y kiểm tra định kỳ các bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nếu kết quả dương tính với bệnh phải chấp hành xử lý vật nuôi mang trùng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ vật nuôi:

1. Thực hiện điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Thú y; Điều 11 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y và Điều 3, Điều 4 của Quy định này.

2. Khi tổ chức chăn nuôi phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

3. Phải khai báo với cơ quan thú y địa phương khi xuất, nhập động vật tại cơ sở của mình.

4. Khi thấy động vật có dấu hiệu dịch bệnh, chủ vật nuôi phải cách ly động vật có dấu hiệu bệnh với những động vật khỏe; đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y tại địa phương và phải tuân thủ mọi hướng dẫn của cơ quan thú y (báo cáo bệnh, tiêu độc sát trùng, xử lý động vật bệnh …); không được tự ý xuất bán động vật bệnh hoặc đã nhiễm bệnh; tự ý giết mổ động vật mắc bệnh hoặc đã nhiễm bệnh để ăn thịt, để bán hoặc vứt bừa bãi làm lây lan mầm bệnh.

5. Các cơ sở chăn nuôi có qui mô từ nhỏ trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Chương III

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM

Điều 7. Địa điểm, vị trí cơ sở giết mổ động vật

a) Khoảng cách từ hạng mục công trình của cơ sở đến nhà dân gần nhất (kể cả hệ thống xử lý chất thải) tối thiểu phải 15 mét (khoảng cách này nằm trên phần đất của chủ cơ sở).

b) Khoảng cách từ cơ sở đến trường học, bệnh viện, khu điều dưỡng, khu công sở, cơ sở tôn giáo, khu vui chơi giải trí công cộng, nguồn nước mặt, giếng khoan lấy nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống của người dân tối thiểu phải 50 mét.

c) Đảm bảo theo quy hoạch giết mổ của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

Điều 8. Điều kiện về môi trường

1. Cơ sở giết mổ động vật phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ Môi trường.

2. Phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 9. Điều kiện vệ sinh thú y

1. Đường ra vào cơ sở giết mổ phải trải bê tông và có 2 cổng riêng biệt để nhập động vật và xuất sản phẩm động vật.

2. Bố trí các khu vực tại cơ sở giết mổ:

a) Chuồng nhốt động vật trước khi giết mổ phải đủ rộng ít nhất bằng 02 lần số lượng động vật giết mổ của lò mổ trong ngày. Chuồng phải có mái che, nền bê tông không trơn trượt, dễ thoát nước và vệ sinh tiêu độc;

b) Các khu vực sử dụng để giết mổ bao gồm: khu gây mê, chọc tiết động vật; khu cạo lông hoặc đánh lông; khu mổ lấy lòng và chẻ đôi thân thịt; khu chuyên làm lòng; khu chế biến phụ phẩm (luộc huyết …); khu kiểm tra sản phẩm (thịt và phủ tạng); khu pha lóc hoặc bao gói sản phẩm;

c) Khu vực hạ khẩn và chuồng cách ly để nuôi nhốt, giết mổ động vật bệnh hoặc nghi mắc bệnh;

d) Phòng vệ sinh, thay quần áo của công nhân;

e) Phòng làm việc của cán bộ thú y.

3. Yêu cầu vệ sinh thú y ở các khu vực giết mổ:

a) Phải có bệ hoặc giá đỡ hoặc bàn có độ cao phù hợp (độ cao tối thiểu 0,2 mét so với mặt nền); có bề mặt phẳng, nhẵn, không kẻ nứt, được làm bằng vật liệu không rỉ, không thấm nước và có màu trắng dễ dàng phát hiện vết bẩn sau khi vệ sinh. Tuyệt đối không được thực hiện quá trình giết mổ động vật trên mặt nền;

b) Có diện tích đủ rộng hoặc có vách ngăn giữa các khu vực để tránh vấy nhiễm chéo giữa các công đoạn. Dây chuyền giết mổ phải được bố trí từ khâu dơ đến khâu sạch;

c) Khu kiểm tra sản phẩm (thịt và phủ tạng) có giá treo; đủ ánh sáng trắng (đèn phải được bố trí để có ánh sáng đồng đều ở toàn bộ nơi này) và trang bị thùng chứa bệnh phẩm có cần đạp để kiểm dịch viên thực hiện kiểm soát giết mổ;

d) Khu gây mê, chọc tiết động vật; cạo lông (hoặc đánh lông); làm lòng phải bố trí riêng biệt với các khu vực khác để tránh vấy nhiễm cho thân thịt;

đ) Cơ sở có nguồn nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y đủ để rửa thiết bị, dụng cụ và sử dụng trong quá trình giết mổ động vật;

e) Mặt nền cơ sở giết mổ phải đảm bảo các qui định sau:

- Tráng bê tông, không trơn trượt, không bị ứ đọng nước và dễ vệ sinh tiêu độc;

- Có rãnh thoát nước nhanh, không ứ đọng, ở trên có nắp bảo vệ.

f) Tường và trần cơ sở giết mổ phải đáp ứng được các yêu cầu như sau:

- Tường cao ít nhất 2,5m, mặt tường phải phẳng, không bám bụi, dễ vệ sinh tiêu độc, từ nền trở lên ít nhất 2m phải lát gạch men trắng (ngoại trừ tường của chuồng nhốt động vật và phòng thú y không cần lát gạch men), phía trên quét vôi trắng để dễ phát hiện bẩn;

- Góc giữa 02 tường, góc giữa tường và nền phải tráng nghiêng để dễ rửa, không đọng nước, cặn bẩn;

- Phải có kính chắn bụi, có lưới ngăn chim và côn trùng;

g) Khu vực sản xuất và chuồng nhốt gia súc chờ mổ phải đảm bảo có đủ ánh sáng trắng theo qui định sau:

- Cường độ ánh sáng khu khám thịt ít nhất là 450 Lux;

- Cường độ ánh sáng ở các khu khác ít nhất là 200 Lux;

- Cơ sở trang bị máy phát điện để dự phòng sự cố cúp điện. Đèn chiếu sáng phải có lưới bảo vệ.

h) Gây bất tỉnh động vật bằng dòng điện một chiều và phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động trong quá trình sử dụng. Nghiêm cấm việc sử dụng trực tiếp điện nhà để gây bất tỉnh động vật;

4. Cơ sở giết mổ phải có đội công nhân giết mổ do cơ sở trực tiếp quản lý điều hành để thực hiện đúng dây chuyền giết mổ theo sự hướng dẫn của ngành Thú y và đảm bảo trật tự chung tại cơ sở.

5. Chế độ vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại điểm giết mổ:

- Chủ cơ sở thực hiện tiêu độc định kỳ 2 lần/năm; vệ sinh toàn bộ cơ sở trước và sau mỗi ca sản xuất. Nếu cơ sở ngưng hoạt động trên 15 ngày thì phải tiêu độc trước 03 ngày khi cơ sở hoạt động trở lại;

- Thực hiện tiêu độc đột xuất khi phát hiện gia súc mắc bệnh truyền nhiễm trong quá trình giết mổ.

6. Trong trường hợp thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y thì kiểm dịch viên xử lý theo Pháp lệnh Thú y.

7. Cơ sở phải đảm bảo tối thiểu số lượng giết mổ gia súc 20 con/ngày, gia cầm 200 con/ngày; những cơ sở có công suất thường xuyên thấp hơn mức tối thiểu quy định phải đóng cửa ngưng hoạt động.

8. Đối với động vật sau khi giết mổ được đông lạnh dự trữ, chủ cơ sở phải đăng ký và đảm bảo kỹ thuật trữ đông để đảm bảo chất lượng và vệ sinh theo quy định của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ cơ sở và những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ động vật.

1. Đối với chủ cơ sở:

a) Phải đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định để được thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động ;

b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định để đảm bảo về hoạt động hợp pháp trong kinh doanh của cơ sở;

c) Chủ cơ sở hoặc người trực tiếp quản lý chịu trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, cụ thể:

- Thường xuyên có mặt trong ca sản xuất để điều hành hoạt động giết mổ động vật theo đúng các nội dung được nêu trong quy định này và tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y được phân công làm việc tại cơ sở;

- Lập sổ nhật ký lò và ghi chép đầy đủ số lượng, nguồn gốc động vật nhập vào cơ sở;

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước; nộp đủ phí, lệ phí thú y theo quy định của Bộ Tài chính và chịu các khoản phí phát sinh trong quá trình xét nghiệm, xử lý, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật theo hướng dẫn của cơ quan thú y;

d) Cơ sở phải có đội công nhân giết mổ do chủ cơ sở trực tiếp quản lý điều hành để thực hiện đúng dây chuyền giết mổ theo sự hướng dẫn của ngành Thú y và đảm bảo trật tự chung tại cơ sở.

2. Những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ tại cơ sở:

a) Phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của cơ quan y tế và có giấy khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) của cơ quan y tế địa phương;

b) Phải vệ sinh cá nhân và bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang, ủng…) trước khi vào ca sản xuất. Không hút thuốc, khạc nhổ, ăn uống trong khu vực giết mổ.

Chương IV

QUY ĐỊNH TRONG MUA BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Điều 11. Những quy định chung trong mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật:

1. Động vật, sản phẩm động vật có đủ các điều kiện theo khoản 2 Điều 26 Pháp lệnh Thú y sẽ được cơ quan thú y tại địa phương cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để lưu thông trên thị trường.

2. Động vật ngoài tỉnh khi nhập vào tỉnh Tiền Giang:

- Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

- Với mục đích giết thịt: chỉ được chuyển đến cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh.

- Với mục đích làm giống hoặc nuôi thịt: phải nuôi tại chuồng cách ly và báo cho Trạm Thú y sở tại để được hướng dẫn trước khi nhập đàn.

3. Chủ động vật, sản phẩm động vật hoặc chủ phương tiện vận chuyển có trách nhiệm:

- Chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; nộp đầy đủ phí lệ phí theo quy định của pháp luật;

- Phải chịu trách nhiệm về hàng hoá (nguồn gốc, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định), phương tiện vận chuyển chuyên dùng, nội dung khai báo của mình, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Điều kiện kinh doanh sản phẩm động vật:

1. Đối với chủ thể kinh doanh:

- Người bán hàng có sức khỏe phù hợp với ngành nghề kinh doanh theo quy định của cơ quan y tế, không mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da và định kỳ khám sức khỏe theo quy định.

- Có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế địa phương;

2. Điều kiện về địa điểm kinh doanh:

a) Có giấy chứng nhận kinh doanh;

b) Có địa điểm cố định, phù hợp với quy hoạch của chính quyền địa phương và được sự chấp thuận của cơ quan có chức năng, phù hợp với sự sắp xếp mạng lưới kinh doanh chung của chợ hoặc của địa phương;

c) Phải đảm bảo hợp vệ sinh, không bị ảnh hưởng bởi các cơ sở sản xuất có nhiều bụi khói, chất độc hại; xa bãi chứa chất thải, nhà vệ sinh và bệnh viện ít nhất 50 mét.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại điểm kinh doanh:

- Mặt bàn bày bán (quầy, sạp) cách mặt đất ít nhất 0,8 mét. Bàn (quầy, sạp) phải có bề mặt phẳng, nhẵn, không kẻ nứt và phải làm bằng vật liệu không rỉ, không thấm nước;

- Dụng cụ dùng trong kinh doanh phải bằng vật liệu không rỉ, không bị ăn mòn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, phải được vệ sinh sạch sẽ. Vật dụng dùng để bao gói sản phẩm phải hợp vệ sinh và không độc hại;

- Có biện pháp bảo quản để sản phẩm không bị đổi màu biến chất;

- Phải có đủ các vật dụng cần thiết khác như: cân đã qua kiểm định; lồng kín che chắn phù hợp; thùng hoặc khay chứa đựng, dao, thớt, vật dụng bao gói, hệ thống nước rửa hợp vệ sinh;

- Nơi mua bán và vật dụng dùng trong mua bán sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi bán;

- Đối với cơ sở kinh doanh trứng gia cầm thương phẩm còn phải có phương pháp thực hiện việc xông khử trùng trứng, nhãn hiệu hàng hóa và bao bì đóng gói sản phẩm.

4. Điều kiện về sản phẩm động vật:

- Phải được cơ quan thú y kiểm dịch;

- Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng;

- Không được mua bán sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y; sản phẩm từ con vật bệnh, chết, sản phẩm đã bị hư, ôi thiu, đổ nhớt, dơ bẩn ….; bơm tiêm nước, bôi phẩm màu công nghiệp và các hóa chất độc hại vào sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

5. Phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật: phải đảm bảo theo khoản 2 Điều 16 của Quy định này.

Điều 13. Điều kiện kinh doanh động vật sống sử dụng làm thực phẩm:

1. Đối với chủ thể kinh doanh: phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy định này. Phải chấp hành nghiêm túc thời gian hoạt động trong ngày và chế độ tiêu độc sát trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y và Ban quản lý chợ.

2. Đối với địa điểm kinh doanh:

a) Tại chợ xã, nông thôn: khu vực kinh doanh phải riêng biệt với các loại hàng hóa khác, được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với sự sắp xếp mạng lưới kinh doanh chung của địa phương;

b) Trong nội ô thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công; thị trấn; thị tứ thuộc huyện: không được buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ. Chỉ được buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Đối với động vật để kinh doanh:

- Động vật phải xuất phát từ vùng không có dịch bệnh, phải khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đã được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc và còn miễn dịch.

- Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

- Trong quá trình hoạt động, nếu thấy động vật có biểu hiện bệnh, chết; chủ động vật (hoặc người đại diện) phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý;

4. Đối với phương tiện dùng vận chuyển động vật: phải đảm bảo theo khoản 1 Điều 16 của Quy định này.

Điều 14. Điều kiện kinh doanh động vật sử dụng cho mục đích nuôi thịt hoặc làm giống phải đảm bảo theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh Giống vật nuôi và Điều 13 của Quy định này.

Điều 15. Điều kiện vệ sinh thú y đối với điểm trung chuyển động vật: phải đảm bảo theo quy định Điều 44 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 16. Điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật:

1. Đối với phương tiện vận chuyển động vật:

- An toàn về mặt kỹ thuật để bảo vệ động vật trong suốt quá trình vận chuyển;

- Tùy theo loài động vật, nơi chứa động vật phải có đủ diện tích, không gian để đảm bảo an toàn cho động vật trong quá trình vận chuyển; sàn xe phải phẳng, kín, không trơn, không để lọt nước và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển; dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc;

- Đối với phương tiện vận chuyển động vật kín phải có hệ thống thông khí thích hợp; thành và nóc, cửa xe phải chắc chắn để đảm bảo không hoán đổi khi được cơ quan có thẩm quyền niêm phong trong quá trình vận chuyển.

- Nghiêm cấm vận chuyển động vật trên phương tiện chở hành khách.

2. Đối với phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật:

- An toàn về mặt kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sản phẩm động vật không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình vận chuyển;

- Mặt trong của vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không rỉ, nhẵn, chống thấm, chống ăn mòn, không độc, không mùi và dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc;

- Trường hợp số lượng lớn: phải sử dụng phương tiện chuyên dùng có thiết bị làm lạnh ở nhiệt độ 100C trở xuống hoặc có dàn treo thân thịt, đảm bảo không làm vấy nhiễm hoặc thay đổi chất lượng sản phẩm sau khi vận chuyển;

- Trường hợp số lượng ít: có thể sử dụng phương tiện thô sơ, nhưng sản phẩm động vật phải được chứa trong thùng kín bằng kim loại đảm bảo vệ sinh thú y hoặc phải được bao gói hợp vệ sinh, không làm vấy nhiễm hoặc thay đổi chất lượng sản phẩm sau khi vận chuyển;

- Phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật không sử dụng làm thực phẩm (lông, da, sừng, móng …) phải có sàn kín, dễ vệ sinh tiêu độc.

3. Phương tiện vận chuyển và dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật phải được rửa sạch, tẩy trùng, để khô ráo, vệ sinh tiêu độc sát trùng trước và sau khi vận chuyển.

Chương V

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ẤP TRỨNG GIA CẦM

Điều 17. Địa điểm, vị trí cơ sở ấp trứng

1. Khoảng cách từ cơ sở đến nhà dân gần nhất, nguồn nước mặt, giếng khoan lấy nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống của người dân tối thiểu là 10 mét.

2. Khoảng cách từ cơ sở đến trường học, bệnh viện, khu điều dưỡng, khu công sở, cơ sở tôn giáo, khu vui chơi giải trí công cộng: tối thiểu phải 50 mét.

3. Nghiêm cấm các hoạt động ấp trứng gia cầm trong khu vực dân cư tập trung; khu phố; nội ô thuộc thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp.

Điều 18. Điều kiện về môi trường

1. Phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc làm bản cam kết bảo vệ môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ Môi trường.

2. Cơ sở phải có khu xử lý chất thải (vỏ trứng, trứng không nở, xác gia cầm chết …) đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, dưới sự giám sát và chấp nhận của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Chủ cơ sở tự chọn lựa biện pháp, công nghệ xử lý và bố trí hệ thống xử lý phù hợp, đảm bảo việc xử lý chất thải có hiệu quả.

Điều 19. Điều kiện vệ sinh thú y

1. Cơ sở ấp trứng lộn được đăng ký riêng biệt với cơ sở ấp trứng giống (tức cơ sở ấp trứng lộn không được ấp trứng giống, sản xuất con giống).

2. Diện tích cơ sở ấp phải phù hợp với công suất tối đa được đăng ký.

3. Phải thực hiện đầy đủ mọi hướng dẫn của ngành Thú y trong việc nhập và xuất bán sản phẩm, cụ thể:

a) Trứng nhập vào cơ sở phải có nguồn gốc từ các trại giống đã đăng ký và được kiểm dịch của cơ quan Thú y;

b) Trứng giống dùng để ấp còn phải có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống có đăng ký với cơ quan có chức năng về tiêu chuẩn chất lượng con giống (cơ sở sản xuất giống ở Tiền Giang đăng ký tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tuyệt đối không được sử dụng trứng gia cầm thương phẩm trôi nổi ngoài thị trường hoặc từ các trại thương phẩm để ấp nở thành con bán ra thị trường;

c) Khi xuất bán sản phẩm phải khai báo cho Trạm Thú y sở tại để kiểm tra và cấp giấy kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;

d) Chủ cơ sở ghi chép đầy đủ nội dung vào sổ theo dõi hoạt động của cơ sở theo từng đợt.

4. Máy ấp phải được lắp đặt ở phòng kín, biệt lập với nơi sinh hoạt của gia đình để bảo vệ sức khỏe cho người và thuận tiện việc tiêu độc sát trùng.

5. Tiêu độc sát trùng trứng và máy ấp trước mỗi đợt ấp; tiêu độc định kỳ toàn bộ cơ sở theo hướng dẫn của ngành Thú y.

6. Chất thải trong quá trình ấp (vỏ trứng, trứng không nở) phải được xử lý bằng hoá chất hoặc đốt.

7. Có đủ nguồn nước sạch, lối ra vào cơ sở ấp phải có hố khử trùng tiêu độc; có các thiết bị khử trùng cho người và phương tiện vận chuyển.

Điều 20. Đối với chủ thể có liên quan hoạt động ấp trứng gia cầm:

a) Đối với chủ cơ sở:

- Phải đăng ký thẩm định điều kiện hoạt động với các cơ quan thú y và môi trường có thẩm quyền theo quy định;

- Có giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định.

b) Những người trực tiếp tham gia hoạt động ấp trứng tại cơ sở phải có đủ sức khỏe theo quy định của cơ quan y tế và có giấy khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) của cơ quan y tế địa phương.

Điều 21. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh nghiêm trọng không được ấp trứng (kể cả trứng lộn) hoặc kinh doanh con giống thì Nhà nước có chủ trương cụ thể trong từng thời điểm.

Chương VI

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, CẤP PHÉP

Điều 22. Trách nhiệm của UBND các cấp và các ngành có liên quan.

1. Cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm:

a) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy đủ điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm cho cơ sở chăn nuôi qui mô lớn.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công cấp giấy đủ điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm cho cơ sở chăn nuôi qui mô nhỏ, qui mô vừa.

c) Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi việc khai báo, đăng ký đối với qui mô hộ gia đình.

2. Điều kiện cấp phép: cơ sở chăn nuôi được cấp phép khi đạt 3 yêu cầu sau:

- Vị trí chăn nuôi phù hợp với quy định.

- Đảm bảo điều kiện về môi trường.

- Đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Điều 23. Tiếp nhận việc đăng ký và tổ chức thẩm định điều kiện chăn nuôi:

- Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô lớn: đăng ký tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cấp phép: đăng ký tại Phòng Nông nghiệp các huyện và Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

- Đối với cơ sở chăn nuôi hộ gia đình: đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

* Thời hạn hoàn tất hồ sơ: trong thời hạn 07 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải chuyển đến ngành chức năng liên quan để tiến hành thẩm định; thời gian thẩm định tối đa là 15 ngày. Căn cứ vào kết quả thẩm định, các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp, quyết định cấp phép cho cơ sở chăn nuôi theo đơn, trong đó:

+ Đối với cơ sở chăn nuôi qui mô lớn, vừa, nhỏ: trong thời hạn 30 ngày sau khi nộp đơn, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ được thông báo kết quả.

+ Đối với cơ sở chăn nuôi hộ gia đình: trong thời hạn 07 ngày sau khi nộp đơn, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ được thông báo kết quả.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp huyện:

1. Phối hợp với các ngành chức năng chuyên môn tổ chức quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm theo quy hoạch chung của tỉnh;

2. Chỉ đạo ngành Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định điều kiện các đối tượng do Ủy ban nhân dân huyện cấp phép; đình chỉ hoặc gia hạn thời gian đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đủ điều kiện.

3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nội dung Quy định này tại địa phương theo quy định của pháp luật. Đặc biệt trong trường hợp Nhà nước có chủ trương tạm ngưng tái đàn gia cầm để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh khi có xảy ra, ở địa phương nào phát hiện lò ấp trứng hoạt động hoặc hộ chăn nuôi tái đàn trái phép hoặc đưa gia cầm từ tỉnh khác nhập về địa phương trái phép, nếu không xử lý kiên quyết, triệt để thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 25. Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm:

1. Các cơ sở thành lập mới:

- Phải đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định này

- Trước khi hoạt động phải tiến hành đăng ký cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hướng dẫn điều kiện hoạt động theo quy định của Nhà nước;

2. Đối với các cơ sở đã hoạt động:

- Các cơ sở chăn nuôi đã được cấp giấy phép kinh doanh theo tinh thần Quyết định 19/2004/QĐ.UB ngày 08/4/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh cho đến hết thời gian của giấy phép cũ Sau đó muốn tiếp tục chăn nuôi phải đăng ký và hoàn chỉnh đủ các điều kiện theo quy định này.

- Các cơ sở giết mổ, mua bán sản phẩm động vật và ấp trứng đã được cấp giấy phép kinh doanh theo tinh thần Quyết định 1702/QĐUB ngày 08/10/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang: đến 15/8/2006 phải hoàn tất việc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo Quyết định này. Riêng các cơ sở ấp trứng đang hoạt động không đảm bảo điều kiện hoạt động theo Quyết định này phải đóng cửa và có biện pháp di dời nơi khác.

Điều 26. Đối với các ngành có liên quan:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể qui trình thẩm định điều kiện hoạt động, đăng ký, cấp phép cho cơ sở chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện cấp phép cho các cơ sở chăn nuôi qui mô lớn.

- Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và lò ấp trứng gia cầm.

- Hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi tiêm phòng bắt buộc các bệnh theo từng loại gia súc, gia cầm và áp dụng các biện pháp phòng bắt buộc theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Thương mại - Du lịch (Chi cục Quản lý Thị trường), Công an tỉnh tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

2. Ngành Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn việc thực hiện điều kiện môi trường đối với hoạt động của cơ sở chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm tại các địa phương.

- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường.

- Tổ chức thẩm định về điều kiện môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi qui mô lớn.

3. Ngành Y tế:

- Tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe cho các cá nhân hành nghề theo đúng quy định;

- Tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm biện pháp bảo hộ lao động tại cơ sở.

- Quản lý và kiểm tra việc mua bán sản phẩm động vật theo quy định của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Ngành Thương mại và Du lịch, ngành Công an phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về điều kiện chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp trứng gia cầm nêu tại Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác