146508

Quyết định 2005/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030

146508
LawNet .vn

Quyết định 2005/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu: 2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Trịnh Văn Chiến
Ngày ban hành: 07/06/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 2005/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
Người ký: Trịnh Văn Chiến
Ngày ban hành: 07/06/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2005/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 07 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2010 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 47/TTr-SNN&PTNT ngày 07/5/2010 về việc đề nghị phê duyệt đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược, được thực hiện trong mối quan hệ mật thiết với nông nghiệp và nông dân, trong đó nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn là căn bản, phát triển nông nghiệp là then chốt; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, động viên và hỗ trợ thực hiện.

2. Xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện gồm: phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đời sống, nếp sống, phong tục, tập quán theo 19 tiêu chí do Chính phủ ban hành; được thực hiện theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, “ lấy sức dân để lo cho dân”; phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng thôn bản, các hoạt động cụ thể ở thôn, xã do chính cộng đồng người dân bàn bạc quyết định.

3. Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục theo định hướng của Đảng, Nhà nước; được thực hiện trên cơ sở vừa cải tạo vừa xây dựng, vừa kế thừa những thành tựu, truyền thống và bản sắc văn hoá tốt đẹp trong nông thôn, vừa hình thành những giá trị mới theo hướng văn minh, hiện đại; phải trên cơ sở các qui hoạch, kế hoạch, qui chuẩn để đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững; vừa triển khai diện rộng vừa chỉ đạo các mô hình điểm; trong đó mô hình điểm phải đi trước một bước.

4. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu là khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động sẵn có ở nông thôn và huy động có hiệu quả đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa bàn; trên cơ sở các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là của các doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn với phương châm “lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy thành thị lôi kéo nông thôn, lấy doanh nghiệp hỗ trợ nông dân” và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng nông thôn mới có kinh tế, xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2010 - 2015

- Đến tháng 12 năm 2011 hoàn thành quy hoạch nông thôn mới cho 100% xã.

- Đến năm 2012 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các xã điểm do tỉnh chỉ đạo, năm 2014 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các xã điểm do huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo.

- Đến 2015 có 117 xã (tương ứng với 20% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới.

2.2. Giai đoạn 2015- 2020

Phấn đấu xây dựng thêm 233 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 350 xã, đạt tỷ lệ 60% tổng số xã trong toàn tỉnh.

2.3. Định hướng đến năm 2030

- Phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, qui hoạch xây dựng nông thôn mới, qui hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường; qui hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã. Trong đó: Năm 2010 hoàn thành quy hoạch nông thôn mới cho 50% số xã và hết năm 2011 hoàn thành quy hoạch nông thôn mới cho 100% xã.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn

2.1. Đường giao thông

Nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường trục xã, liên xã đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ giao thông vận tải; cứng hoá đường trục thôn, xóm đạt chuẩn; cứng hoá đường ngõ, xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa; cứng hoá đường trục chính nội đồng. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: xây dựng 4.932 km. Giai đoạn 2015-2020: xây dựng 7.042 km. Giai đoạn 2020-2030: hoàn thành nhựa hoá, cúng hoá 12.336 km còn lại.

2.2. Thuỷ lợi

Cải tạo, xây mới hệ thống đê điều, hồ đập, kênh mương thủy lợi trên địa bàn các cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; kiên cố hoá kênh mương do xã quản lý. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: kiên cố hoá 834 km kênh mương nội đồng. Giai đoạn 2015-2020: kiên cố hoá 1.557 km kênh mương nội đồng. Giai đoạn 2020-2030: kiên cố hoá 100% số km kênh mương nội đồng.

2.3. Điện

Hoàn thiện hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 98% trở lên .

2.4. Trường học

Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015 đầu tư cho 100 trường mầm non, 100 trường tiểu học, 100 trường THCS. Giai đoạn 2015-2020 đầu tư cho 140 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 130 trường THCS. Giai đoạn 2020-2030 đầu tư cho 200 trường mầm non, 100 trường tiểu học, 200 trường THCS.

2.5. Cơ sở vật chất văn hoá

Hoàn thiện nhà văn hoá và khu thể thao xã,thôn đạt chuẩn. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: đầu tư xây dựng 100 nhà văn hoá và khu thể thao xã, 404 nhà văn hóa và khu thể thao cho các thôn. Giai đoạn 2015-2020: đầu tư xây dựng 146 nhà văn hoá và khu thể thao xã, 607 nhà văn hóa và khu thể thao cho các thôn. Giai đoạn 2020-2030: đầu tư xây dựng 1.012 nhà văn hóa và khu thể thao thôn.

2.6. Chợ nông thôn

Xây dựng chợ đạt chuẩn theo qui định của Bộ Xây dựng . Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: Xây dựng mới: 107 chợ; mở rộng 54 chợ; cải tạo 84 chợ. Giai đoạn 2015-2020: Xây dựng mới 140 chợ; Mở rộng 70 chợ; cải tạo 90 chợ.

2.7. Hệ thống thông tin và truyền thông

Xây dựng điểm phục vụ Bưu chính viễn thông đến các xã; đưa Internet đến các xã và thôn. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: Đưa hệ thống Internet về 6 xã còn thiếu; nâng tỷ lệ số thôn trong tỉnh có Internet lên 85%. Giai đoạn 2015-2020: Nâng tỷ lệ số thôn trong tỉnh có Internet lên 95% .

2.8. Chỉnh trang nhà ở dân cư:

Xoá nhà tạm, dột nát; nâng số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Trong đó: Đến năm 2015 phấn đấu 80% số nhà đạt chuẩn bộ Xây dựng theo yêu cầu tiêu chí đề ra.

3. Phát triển kinh tế và quan hệ sản xuất nông thôn

3.1. Nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn

Nâng cao thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh. Trong đó: Giai đoạn 2010- 2015: Đưa thu nhập người dân lên gấp 2 lần so với hiện nay. Đến năm 2020 thu nhập người dân gấp 4 lần hiện nay. Đến năm 2030 thu nhập người dân gấp 6 lần hiện nay.

3.2. Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh xuống từ 3-4%/năm.

3.3. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp

Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Trong đó: Giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2015 còn 40%. Đến năm 2020 còn 30 % lao động trong nông nghiệp. Đến năm 2030 còn 25 % lao động trong nông nghiệp.

3.4. Củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp

Xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả. Trong đó: Phấn đấu đến năm 2015 có 555 HTX hoạt động có hiệu quả, đến năm 2020 có 600 HTX, phấn đấu mỗi xã có ít nhất có 1 HTX hoạt động có hiệu quả.

4. Phát triển văn hoá, xã hội, môi trường

4.1. Giáo dục

Phổ cập giáo dục trung học; đưa tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, dạy nghề) lên trên 85% theo yêu cầu của tiêu chí từng xã nông thôn mới; Nâng tỷ lệ lao động trong nông nghiệp được đào tạo lên trên 35%.

4.2. Y tế

Tăng tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm. Tăng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong đó: Giai đoạn 2010- 2015: Phấn đấu tăng tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm lên 35%. Giai đoạn 2015- 2020: Phấn đấu tăng tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm lên 45%;

4.3. Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Xây dựng thôn bản đạt chuẩn làng văn hoá theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong đó: Phấn đấu đến năm 2015 số thôn bản đạt chuẩn làng văn hoá là 75 %. Phấn đấu đến năm 2020 số thôn bản đạt chuẩn làng văn hoá là 85 %.

4.4. Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

Tăng số hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo qui chuẩn quốc gia. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường; xây dựng nghĩa trang theo qui hoạch; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã . Trong đó: Đến năm 2015: 95% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 100% số cơ sở sản xuất mới xây dựng có công trình xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; 50% số xã có hợp tác xã dịch vụ vệ sinh; 80% số cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường; 60% nghĩa trang nông thôn được quy hoạch. Đến năm 2020: 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. 100% số cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% số xã có hợp tác xã dịch vụ vệ sinh; 100% nghĩa trang nông thôn được quy hoạch.

5. Xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội

5.1. Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cán bộ đạt chuẩn; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân; Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"; các tổ chức đoàn thể chính trị đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Trong đó: Giai đoạn 2010-2015: Đào tạo 50% cán bộ các xã đạt chuẩn. Giai đoạn 2015-2020: Đào tạo 100% cán bộ các xã đạt chuẩn.

5.2. Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn:

Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh, người Thanh Hoá ở tỉnh ngoài, nước ngoài về chủ trương xây dựng nông thôn mới để mọi người tự giác tham gia và vận động người khác tham gia

- Các cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết, các cơ chế chính sách về xây dựng nông thôn mới để mọi người dân hiểu, tự giác tham gia chương trình.

- Lập chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá để thông tin thường xuyên về các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến, để kịp thời động viên và khuyến khích việc học tập các mô hình, các điển hình và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin của huyện, xã để phổ biến, tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức các hội nghị bàn tròn để tranh thủ ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học về các hoạt động cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng xã để xây dựng phê duyệt đề án, các quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với cấp xã.

- Căn cứ hướng dẫn của các ngành, UBND các xã tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá cụ thể, chính xác thực trạng tình hình nông thôn từng xã so với 19 tiêu chí qui định tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ (tại 586 xã) phục vụ cho công tác lập đề án, các quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp tỉnh, huyện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn cho các huyện, xã triển khai thực hiện; lập phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu xây dựng nông thôn mới phục vụ cho việc tổng hợp tình hình và lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm.

- Các xã phải xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đánh giá đúng tình hình của xã so với các tiêu chí nông thôn mới, qua đó đề ra mục tiêu và những giải pháp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.

3. Tổ chức triển khai xây dựng, sớm hoàn thành các mô hình điểm để nhân rộng

Thông qua xây dựng thí điểm để hiện thực hóa mô hình nông thôn mới trên thực tế ở các vùng miền trong tỉnh, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện và làm cơ sở cho việc ban hành cơ chế chính sách triển khai diện rộng.

4. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

- Tổng vốn đầu tư cho chương trình là 87.713.097 triệu đồng.

- Dự kiến cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách: 35.085.239 triệu đồng; Vốn tín dụng: 26.313.929 triệu đồng, chiếm 30%; Vốn từ doanh nghiệp và HTX: 17.542.619 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 20%; Vốn huy động trực tiếp từ cộng đồng dân cư nông thôn: 8.771.310 triệu đồng chiếm 10%;

- Phân kỳ đầu tư: Giai đoạn: 2010-2015: 30.456.900 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 34,72% tổng vốn. Giai đoạn 2015-2020: 33.584.687 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 38,29%. Giai đoạn 2020-2030: 23.671.510 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 26,99%.

5. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới khuyến khích đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hoạt động văn hoá xã hội và xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội trong nông thôn.

- Nhóm cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp gồm: Cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất; cơ chế chính sách cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; cơ chế chính sách phát triển đàn bò thịt chất lượng cao; cơ chế chính sách nâng cao chất lượng vùng luồng tập trung; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh...

- Nhóm cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn gồm: cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động...; cơ chế thực hiện xã hội hoá mạnh mẽ các dịch vụ công: cấp nước sạch, xây dựng quản lý chợ; thu gom rác; tưới tiêu...; cơ chế chính sách khuyến khích đối với các xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới (diện rộng),...

- Nhóm cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn gồm: cơ chế huy động đóng góp của cộng đồng dân cư trong việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi theo phương châm “dân bàn, dân góp, dân làm, dân hưởng thụ”; cơ chế ghi công tôn vinh những người thành đạt hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng văn hoá xã hội trong nông thôn; cơ chế khai thác quĩ đất cho đầu tư hạ tầng nông thôn; cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng do dân góp vốn, dân tự làm; cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới; rà soát tăng phân cấp nguồn thu cho ngân sách xã để tạo điều kiện cho các xã chủ động thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới...

6. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn

- Xây dựng chương trình đưa khoa học công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Trong đó ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo giống mới, sinh sản nhân tạo giống thuỷ sản, con nuôi đặc sản; công nghệ bảo quản chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

- Xây dựng và triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó quan tâm đầu tư sớm dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao để nghiên cứu, đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đồng thời có cơ chế chính sách phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo chương trình của Chính phủ.

- Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các đơn vị hành chính sự nghiệp nông nghiệp nhất là các trung tâm giống, Chi cục thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật... cả về cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm và đào tạo, đào tạo lại cán bộ.

- Kiện toàn nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến thôn bản, sớm ban hành cơ chế chính sách đối với khuyến nông thôn bản đối với các huyện nghèo để có đủ năng lực chuyển giao các mô hình, các qui trình sản xuất hiệu quả vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thới tăng cường đào tạo, tập huấn, triển khai có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm trong và ngoài nước.

7. Phát huy vai trò của các chủ thể xây dựng nông thôn mới trong việc tổ chức triển khai thực hiện

7.1. Đối với cấp xã: Tổ chức xây dựng Đề án nông thôn mới cấp xã, các kế hoạch, quy hoạch và dự án đầu tư, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện; Tổ chức phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới trong thôn, xã trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án (sau khi đã được UBND huyện phê duyệt). Căn cứ vào quy mô công trình và nguồn vốn để huy động nhân dân đóng góp (bằng hiện vật hoặc tiền mặt). Tiếp nhận các nguồn vốn (bao gồm vốn ngân sách, vốn đóng góp, vốn tài trợ) đảm bảo sử dụng có hiệu quả.

7.2. Đối với thôn, bản: Tổ chức các Ban xây dựng thôn, bản để chủ trì, phối hợp với chính quyền, đoàn thể truyên truyền động viên nhân dân trong thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất, chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; xây dựng kế hoạch và động viên các nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế văn hoá xã hội trong thôn: như các công trình lịch sử, văn hoá, đường làng, ngõ xóm, hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường...Xây dựng và duy trì hương ước cộng đồng nhằm điều chỉnh các quan hệ trong thôn xóm ngăn ngừa các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng phát triển các truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương; phối hợp giữa các hộ gia đình trong việc đảm bảo sử dụng hiệu quả hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, văn hoá, xã hội ...Có phong trào giúp nhau giảm nghèo, cải thiện, nâng cấp nơi ăn ở phù hợp yêu cầu nông thôn mới. Kêu gọi con em địa phương đi làm ăn xa, đại diện các dòng tộc giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới với dưới nhiều hình thức.

7.3. Đối với hộ gia đình: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ cộng đồng. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập đạt chất lượng, hiệu quả. Xây dựng nhà ở theo quy hoạch, quan tâm xây dựng khuôn viên nhà, vườn, tường rào, cổng và các công trình khác đảm bảo xanh sạch đẹp; ưu tiên đầu tư các công trình nhà vệ sinh, nhà tắm, nước sinh hoạt đạt chuẩn; xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, không ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Chủ động lựa chọn nghề phù hợp để tham gia các chương trình đào tạo nghề...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo các cấp: Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; thành lập tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đặt tại Sở Nông nghiệp và PTNT.

2. Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị:

- Sở Nông nghiệp và PTNT: Là cơ quan Thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp tình hình chung, đầu mối triển khai thực hiện các nội dung, công việc về xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hàng năm, theo dõi chỉ đạo huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Đề án nông thôn mới cấp xã.

- Sở Tài chính: Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh để trình Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương bố trí nguồn vốn cho chương trình, thực hiện chức năng quản lý về tài chính, hướng dẫn cơ sở cấp phát, sử dụng và thanh quyết toán nguồn vốn theo quy định. Tham mưu cho UBND tỉnh về việc bố trí nguồn vốn cho công tác quy hoạch giai đoạn 2010-2011. Rà soát đánh giá và bổ sung các chính sách của tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp và PTNT.

- Sở Xây dựng: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành, Chủ trì, hướng dẫn lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Sở Giao thông: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông nông thôn.

- Sở Công thương: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển lưới điện và chợ nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chỉ đạo công tác xúc tiến thương mại.

- Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Theo dõi và chỉ đạo nội dung: dạy nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trong nông thôn; thực hiện an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, xử lý ô nhiễm môi trường khu dân cư nông thôn thôn, làng nghề; xây dựng môi trường nông thôn đạt chuẩn.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ở 3 cấp: giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

- Sở Y tế: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến công tác gồm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; xây dựng các trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đạt chuẩn.

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành gồm: Xây dựng cơ sở vật chất văn hoá, thể thao, thực hiện hương ước, quy ước và thiết chế văn hoá cơ sở.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực tuyên truyền, xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông.

- Sở Nội vụ: Theo dõi và chỉ đạo nội dung liên quan đến xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cho đội ngũ cán bộ, chính quyền, tổ chức bộ máy cơ sở ở cấp xã.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chỉ đạo các địa phương về ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới, các đề tài khoa học vào sản xuất đạt hiệu quả.

- Ban Dân tộc: Theo dõi, chỉ đạo lồng ghép các chương trình 134,135 và chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Công an tỉnh: Thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tuyên truyền, huy động nguồn lực để người dân nông thôn được tham gia bảo hiểm dưới nhiều hình thức, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

- Ngân hàng Nhà nước: Chỉ đạo các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách tín dụng để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay cho nhu cầu đầu tư phục vụ cho việc phát triển sản xuất và đời sống.

- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, huyện, Báo Thanh Hoá: Có trách nhiệm tuyên truyền thông tin phục vụ yêu cầu của chương trình và xây dựng chuyên mục trên truyền hình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên căn cứ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lựa chọn những nội dung phù hợp, xây dựng chương trình hành động hướng vào vận động để quần chúng ở cấp cơ sở tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết chủ động xây dựng cuộc sống văn minh khu dân cư, tích cực tham gia đóng góp công sức, vật chất vào xây dựng công trình công cộng. Tăng cường theo dõi, giám sát cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Các Ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai các nội dung công việc gắn với mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

- UBND các huyện: Thành lập Ban Chỉ đạo huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành viên là các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện. Triển khai thực hiện đề án nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung đề án nêu trên; tổng hợp tình hình thực hiện trên địa bàn tỉnh và định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để B/C);
- CT, Phó CT UBND tỉnh (để B/C);
- Các tổ chức Đoàn thể, chính trị, XH;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan;
- Đ/c Bí thư các huyện, thị xã, TP;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NN (2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác