423212

Quyết định 1861/QĐ-UBND năm 2019 ban hành Đề án kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035

423212
LawNet .vn

Quyết định 1861/QĐ-UBND năm 2019 ban hành Đề án kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035

Số hiệu: 1861/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình Người ký: Bùi Văn Khánh
Ngày ban hành: 28/08/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 1861/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
Người ký: Bùi Văn Khánh
Ngày ban hành: 28/08/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1861/-UBND

Hòa Bình, ngày 28 tháng 8 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện;

Căn cứ Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 08/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ Thư viện;

Căn cứ Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định quy chế mẫu hoạt động của Thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã;

Càn cứ Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 16/4/2018 của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của tỉnh và chi tiết tổ chức thực hiện Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 06/02/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 113/TTr-SVHTTDL ngày 16/8/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTT&DL;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX. (25b)

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khánh

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, mạng lưới thư viện đã mở rộng đến tận cơ sở, hoạt động thư viện đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội phát triển và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống tinh thần của xã hội. Hệ thống Thư viện đã trở thành thiết chế văn hóa quan trọng, là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ dân trí của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống Thư viện tỉnh Hòa Bình hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và phát huy được truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh; Thư viện tỉnh hiện chưa được đầu tư xây dựng, đang phải sử dụng tạm thời ở khu vực Trung tâm Văn hóa tỉnh, vì vậy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong phòng chống cháy nổ và chưa đáp ứng nhu cầu đọc và nghiên cứu của nhân dân.

Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ về định hướng phát triển của ngành Thư viện Việt Nam, trong đó củng cố và phát triển văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập, một cộng đồng văn minh bền vững là mục tiêu hướng tới. Vì vậy, việc xây dựng Đề án kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035 là cần thiết.

Đề án là cơ sở pháp lý, khoa học, để đầu tư đúng đối tượng, có trọng điểm, tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa trong toàn hệ thống thư viện, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí trong đầu tư, đồng thời tạo sự thống nhất về mặt tổ chức, quản lý Nhà nước và mối liên kết hoạt động trong lĩnh vực thư viện, nhằm đạt tới mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình tiên tiến, hiện đại, hội nhập với thư viện trong nước, khu vực và thế giới, xứng đáng là thiết chế văn hóa góp phần nâng cao tri thức của tỉnh Hòa Bình.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28/12/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện;

- Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 04/5/2007 của Bộ Văn hóa Thông tin về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

- Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các Thư viện, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Câu lạc bộ”;

- Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/2/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương;

- Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 08/12/2014, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ Thư viện;

- Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Thông tư Liên tịch số 07/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 14/9/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định Quy chế mẫu hoạt động của Thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã;

- Thông tư Liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 19/05/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thư viện;

- Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 17/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 20/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình;

- Kế hoạch số 54/KH-UBND Ngày 09/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”;

- Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 27/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

- Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 16/4/2018 của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của tỉnh và chi tiết tổ chức thực hiện Kế hoạch số 129-KH/TU, ngày 06/02/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Phạm vi

Phạm vi của Đề án giới hạn trong hệ thống thư viện công cộng (thư viện tỉnh, thư viện các huyện), bao gồm toàn bộ các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; công tác quản lý, điều hành hoạt động và tổ chức, bộ máy trong hệ thống thư viện công cộng; quan hệ quốc tế, liên kết hoạt động...

Các loại hình thư viện khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án này.

2. Đối tượng

Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

1. Thư viện tỉnh

1.1. Tổ chức bộ máy Thư viện tỉnh

Thư viện tỉnh Hòa Bình được thành lập năm 1956, trải qua quá trình hoạt động, có lúc sáp nhập về tỉnh Hà Sơn Bình. Đến năm 1991, sau khi tái lập tình Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Thư viện tỉnh Hòa Bình là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Thư viện được xếp hạng và công nhận là thư viện hạng III vào năm 1994.

Cơ cấu tổ chức của Thư viện tỉnh hiện nay gồm: Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ: Phòng Nghiệp vụ; Phòng Công tác bạn đọc; Phòng Hành chính - Tổng hợp.

Hiện nay, biên chế của Thư viện tỉnh là 16 công chức, viên chức sự nghiệp và 01 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. số công chức, viên chức có trình độ Đại học là 15/16, chiếm 94,1%; 01 viên chức có trình độ Cao đẳng, chiếm 5,1%. Về chuyên ngành đào tạo, có 06/16 người có chuyên ngành đào tạo thư viện, 08/16 người có chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, sư phạm; 02 người có trình độ đào tạo công nghệ thông tin. Nhìn chung, trình độ và chuyên ngành đào tạo hiện nay của công chức, viên chức Thư viện tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm.

1.2. Cơ sở vật chất trang thiết bị

Thư viện tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa có trụ sở độc lập, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí trụ sở tại khu B phía phải của Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình từ năm 1997 đến nay, với diện tích gần 800m2. Trải qua quá trình hoạt động, trụ sở Thư viện tỉnh hiện nay đã bắt đầu xuống cấp và bộc lộ những hạn chế, bất cập không đáp ứng được các yêu cầu các hoạt động nghiệp vụ, ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức điều hành và kết quả hoạt động chuyên môn và phục vụ bạn đọc. Các phòng xây dựng không phải thiết kế dành cho thư viện nên có công năng sử dụng thấp; công trình xây dựng không gắn kết phù hợp với không gian khuôn viên bên ngoài đã hạn chế đến việc tổ chức các hoạt động có đông người tham gia.

Hiện nay thư viện tỉnh có 5 kho tài liệu gồm: kho Mượn, kho Luân chuyển, kho Báo - tạp chí, kho Đọc, kho Thiếu nhi; tổng số sách, báo, tạp chí trong các kho là 92.216 bản với tổng số 59 giá và 03 tủ mục lục đã quá tải và không đáp ứng yêu cầu lưu giữ, chứa sách phục vụ lâu dài. Phòng đọc tại chỗ của người lớn và thiếu nhi thiếu nên phải sắp xếp phòng đọc ngồi chung với kho Thiếu nhi do đó không đáp ứng yêu cầu “môi trường đọc” chuẩn.

Các trang thiết bị của thư viện tỉnh chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, máy móc đã lỗi thời. Toàn bộ đơn vị có 7 máy tính đã cũ và xuống cấp; đã có kết nối Internet; có phần mềm thư viện ILIB 3.5 đã hỏng không sử dụng được; có 01 xe ô tô thư viện lưu động vừa được cấp năm 2018 gồm 01 máy chủ, 5 máy chạm chưa có phần mềm kèm theo, 01 máy chiếu, 4000 sách, 100 ghế nhựa, 02 ô dù che nắng mưa...

1.3. Vốn tài liệu

Hàng năm Thư viện tỉnh tiến hành bổ sung từ 1000 - 2000 bản sách mới vào các kho, không có tài liệu điện tử, 34 đầu báo, tạp chí. Tính đến nay, Thư viện tỉnh đang có trên 92.000 bản sách/42.000 tên sách gồm các loại sách chính trị, văn học, khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật, nông nghiệp, giải trí, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi... trong đó có trên 500 bản sách địa chí, hơn 28.000 bản sách thuộc kho Mượn, 20.000 bản sách kho Đọc, 28.000 bản sách kho Luân chuyển và trên 4000 bản sách xe ô tô lưu động, trên 11.000 bàn sách kho Thiếu nhi. Số lượng sách đã được số hóa là 268.262 trang bằng 83,96 GB sách. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tiếp nhận nguồn sách tài trợ từ các nhà sách, các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân trong nước biếu tặng... góp phần làm phong phú thêm vốn tài liệu của thư viện.

Kho Luân chuyển của Thư viện tỉnh hiện có trên 28.000 bản sách, chủ yếu là sách chính trị, khoa học, luật, nông nghiệp, văn học, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi... được bổ sung, tăng cường hàng năm để luân chuyển, phục vụ lưu động tại các thư viện cơ sở và phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên vốn sách, báo, tạp chí tài liệu chưa phong phú, đa dạng; các trang thiết bị còn thô sơ, nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

1.4. Kinh phí hoạt động

Thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thư viện tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí hoạt động; kinh phí giao cho Thư viện tỉnh bình quân hàng năm là 1,7 tỷ đồng. Kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa của Trung ương và địa phương bình quân 100 triệu đồng/năm. Việc thực hiện kinh phí theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động thực hiện kế hoạch hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, do biên chế ít, hoạt động chuyên môn nhiều và định mức khởi đầu thấp nên kinh phí cho hoạt động chuyên môn của Thư viện tỉnh hạn chế, khó có thể tiết kiệm kinh phí để nâng cao đời sống cho công chức, viên chức và người lao động.

1.5. Các mặt hoạt động

- Xây dựng và phát triển vốn tài liệu của thư viện có 6 nhiệm vụ, tuy nhiên đơn vị mới chỉ được bổ sung vốn tài liệu truyền thông nhưng số lượng quá ít vì liên quan đến kinh phí. Không có kinh phí tổ chức khảo sát nhu cầu người sử dụng.

- Xử lý thông tin và tổ chức bộ máy tra cứu có 4 nhiệm vụ, trong đó xử lý tài liệu theo nghiệp vụ chuẩn nhưng ở mức truyền thống, còn thư viện điện tử chưa có phần mềm, cơ sở vật chất trang thiết bị để xử lý.

- Tổ chức các kho tài liệu đảm bảo các loại hình chủ yếu, tuy nhiên mới có kho luân chuyển, kho sách mượn, kho sách đọc tại chỗ, kho Báo - tạp chí, kho Thiếu nhi. Chưa có kho Địa chí, kho Tài liệu cho người khuyết tật, phòng Đọc sách.

- Triển khai các hoạt động bảo quản tài liệu có 4 nhiệm vụ, tuy nhiên đơn vị mới chỉ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, ngoài ra chưa có một phương tiện gì để bảo vệ môi trường hệ thống kho, chưa có thiết bị kiểm tra nhiệt độ và âm độ. Chưa có điều kiện bảo quản các tài liệu đặc thù sưu tầm được như ổ cứng, CD-ROM. Thiếu những trang thiết bị bảo quản cần thiết như hệ thống giá kệ, hộp chứa tài liệu, chắn sách, giá đỡ sách... thích hợp với từng loại hình tài liệu; xe đẩy tài liệu; thiết bị báo và chữa cháy; máy đo độ ẩm, nhiệt độ và máy điều hòa nhiệt độ; máy hút bụi với bộ lọc HEPA, máy hút ẩm chuyên dụng; một số các dụng cụ trong tu bổ, phục chế tài liệu như dụng cụ làm sạch, khô, phẳng, đánh bóng tài liệu; bàn cắt giấy, máy ép giấy...

- Tổ chức công tác địa chí chưa có.

- Mạng lưới thư viện và văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh phát triển chậm. Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, quảng bá, xã hội hóa còn nhiều hạn chế.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị, trong giai đoạn 2014-2019, Thư viện đã thực hiện lưu hành, luân chuyển tài liệu thu hút số bạn đọc đến Thư viện là 173.422 lượt, cụ thể:

+ Năm 2014: Đã cấp mới được 320 thẻ bạn đọc, trong tổng số 1.100 thẻ. Phục vụ được 57.322 lượt bạn đọc với 80.722 lượt sách, báo luân chuyển.

+ Năm 2015: Đã cấp mới được 276 thẻ bạn đọc; phục vụ được 20.800 lượt bạn đọc với 61.500 lượt sách báo luân chuyển.

+ Năm 2016: Đã cấp mới được 269 thẻ bạn đọc; phục vụ được 20.800 lượt bạn đọc với 61.500 lượt sách báo luân chuyển.

+ Năm 2017: Đã cấp mới được 278 thẻ bạn đọc; phục vụ được 27.600 lượt bạn đọc với 76.400 lượt sách báo luân chuyển.

+ Năm 2018: Đã cấp mới 342 thẻ bạn đọc; phục vụ được 46.900 lượt bạn đọc; 81.300 lượt bản sách báo luân chuyển đi cơ sở.

2. Thư viện cấp huyện

2.1. Tổ chức bộ máy hoạt động

Sau khi tái lập tỉnh Hòa Bình năm 1991, có 10 Thư viện các huyện đi vào hoạt động trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện. Đến năm 2013, thực hiện Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện, thành phố theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 29/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện, thành phố, trong đó có Thư viện huyện Đà Bắc và Thư viện huyện Cao Phong được thành lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Năm 2016 Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố triển khai đưa Thư viện thành phố đi vào hoạt động.

Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, năm 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giải thể 02 thư viện huyện Đà Bắc và Cao Phong, sáp nhập về Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện. Năm 2019, sau khi hợp nhất Trung tâm Văn hóa, Thể thao với Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, hiện nay hệ thống thư viện cấp huyện được tổ chức thành một bộ phận nằm trong Tổ Hành chính - Tổng hợp - Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông.

Tính đến thời điểm hiện tại, số viên chức làm công tác thư viện tại cấp huyện có 12 người (mỗi huyện có 01 viên chức, riêng huyện Lạc Sơn được bố trí 02 viên chức), về trình độ chuyên môn: 12/12 người có trình độ Đại học; 7/12 người được đào tạo chuyên ngành thư viện; 4/12 người được có chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực văn hóa (huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu). Nhìn chung, đội ngũ viên chức làm công tác thư viện ở cấp huyện cơ bản có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, có năng lực thực tiễn và yêu nghề. Tuy nhiên, hiện tại các huyện chưa bố trí đủ số biên chế làm công tác thư viện, viên chức thư viện không ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc khác của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông do đó chưa đáp ứng yêu cầu công tác thư viện.

Căn cứ Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy chế mẫu hoạt động của thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã và việc xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT, ngày 10/8/2006 của Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thi hiện nay thư viện các huyện đều không đảm bảo về bộ máy tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu, kinh phí và các mặt hoạt động.

2.2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Hệ thống thiết chế thư viện các huyện hầu hết chưa có trụ sở làm việc độc lập, không có khuôn viên dành riêng cho độc giả; mà chủ yếu được xây dựng hoặc bố trí một số phòng trong Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông của huyện với diện tích nhỏ hẹp, không phù hợp với hoạt động đặc thù của thư viện.

Hiện nay, Thư viện huyện Kim Bôi và Thư viện huyện Mai Châu có trụ sở riêng, song đã xuống cấp, hệ thống đường điện, các giá sách cũ, quá tải đang xuống cấp nghiêm trọng và đang có nguy cơ bị thu hồi trụ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng. Trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ và tài liệu sách, báo bổ sung còn rất nghèo nàn, giá sách, tủ mục lục, tủ trưng bày xuống cấp và chưa đảm bảo yêu cầu.

Một số Thư viện được đầu tư trang bị máy tính, kết nối Internet để khai thác thông tin, phục vụ công tác chuyên môn và bạn đọc nhưng số lượng quá ít (chỉ 01 máy/thư viện như Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu), còn lại thư viện các huyện khác chưa có đầu tư máy tính, mạng, phần mềm để hoạt động nên rất hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.

2.3. Vốn tài liệu

Tính đến nay, bình quân mỗi thư viện huyện có trên 10.000 bản sách; hàng năm mỗi thư viện huyện được bổ sung từ 100-200 bản sách và từ 5-10 đầu báo, tạp chí bằng vốn ngân sách địa phương. Ngoài ra, Thư viện huyện còn nhận nguồn sách tài trợ từ Chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sách biếu tặng của các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân.

Thư viện cấp huyện đều có kho sách chưa phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của địa phương, một số thư viện có vốn sách đạt về số lượng, nhưng chất lượng thấp. Công tác sưu tầm và bổ sung nguồn tài liệu địa chí một nội dung quan trọng, đặc thù của công tác thư viện cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hầu hết các Thư viện huyện không bố trí kinh phí cho hoạt động nghiệp vụ, kinh phí bổ sung sách hạn chế. Phương thức phục vụ độc giả tại Thư viện các huyện còn lạc hậu đều là chọn thủ công. Các Thư viện không có không gian để độc giả đến đọc sách báo tại chỗ; 80% Thư viện cấp huyện không được đầu tư bổ sung sách từ nguồn ngân sách của huyện. Công tác xử lý kỹ thuật sách một số thư viện chưa đúng quy trình, sắp xếp chưa đúng nghiệp vụ; 80% các Thư viện huyện không có thẻ bạn đọc thủ thư ghi danh sách độc giả mượn vào sổ, rất thủ công, thiếu khoa học. Công tác xử lý sách chưa kịp thời nên sách mới chưa được đem ra phục vụ.

2.4. Kinh phí hoạt động

Hiện nay Thư viện huyện là bộ phận thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện nên không được cấp kinh phí riêng. Kinh phí để bổ sung vốn sách, báo hàng năm còn thấp (trung bình 5-10 triệu đồng/năm, có huyện còn không có kinh phí như huyện Đà Bắc). Với mức kinh phí này, Thư viện các huyện không đảm bảo bổ sung thường xuyên các loại sách, báo, tạp chí.

2.5. Các mặt hoạt động

Các mặt hoạt động của Thư viện huyện tương đối ổn định, viên chức làm công tác thư viện đều có trình độ đại học, chỉ có 01 viên chức làm công tác thư viện không đáp ứng về chuyên môn; nguồn vốn tài liệu ít và chưa phong phú, đa dạng nên không thu hút được bạn đọc đến với thư viện; trang thiết bị còn thô sơ, nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ bạn đọc. Hoạt động nghiệp vụ chưa chuyên môn hóa, xử lý tài liệu thủ công, truyền thống. Hiện tại hệ thống kho lưu trữ và phục vụ chưa được thiết kế độc lập nhằm đảm bảo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm, chưa có thiết bị kiểm tra, thiếu trang thiết bị như hệ thống giá kệ, hộp chứa tài liệu, chắn sách, giá đỡ sách, thiết bị báo và chữa cháy...

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nhưng nhận thức về vai trò của Thư viện trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội đã có những bước chuyển biến tích cực với việc xem đầu tư cho thư viện là đầu tư tri thức cho xã hội. Do vậy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành ngày càng quan tâm đầu tư cho hoạt động Thư viện.

Mạng lưới Thư viện đang từng bước được xây dựng, phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thư viện từng bước được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các đối tượng bạn đọc và nhân dân.

Đội ngũ viên chức làm công tác thư viện được táng cường về số lượng và chất lượng, đa số viên chức Thư viện có trình độ đại học, được đào tạo chuyên ngành về thông tin - thư viện; năng động, yêu nghề, làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Công nghệ thông tin bước đầu đã được áp dụng trong hoạt động thư viện. Hệ thống Thư viện công cộng trước đây đã được trang bị phần mền điện tử (tuy nhiên chưa được nâng cấp và đầu tư hệ thống máy móc) nên không hoạt động.

Công tác chuẩn hóa nghiệp vụ Thư viện được áp dụng thống nhất trong hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các Thư viện trường học bước đầu đã có sự kết nối trong công tác liên kết hỗ trợ phục vụ bạn đọc và trao đổi tài liệu, nghiệp vụ chuyên môn.

2. Hạn chế tồn tại

- Sự phát triển không đồng đều giữa các loại hình Thư viện đã làm ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả tối đa hoạt động của hệ thống thư viện công cộng. Hệ thống thư viện công cộng là hệ thống thư viện trung tâm, là “trụ cột” để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho nhân dân địa phương nhưng phát triển cũng chưa đồng đều, thiếu hiệu quả.

- Cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn theo quy định, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật lạc hậu; nguồn kinh phí đầu tư thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thư viện. Trụ sở của Thư viện tỉnh, thư viện các huyện đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng đúng chuẩn, phát triển chậm.

- Chế độ chính sách đối với hoạt động thư viện và công chức, viên chức thư viện còn nhiều bất cập; chưa có cơ chế khuyến khích và thu hút những chuyên gia có trình độ chuyên môn giỏi về công tác và gắn bó lâu dài với sự nghiệp thư viện (đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin).

- Đối với hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, thiết chế tổ chức chưa ổn định, thiếu thống nhất nên công tác chỉ đạo, điều hành, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ và lạc hậu; nguồn kinh phí đầu tư cho thư viện không đáp ứng yêu cầu hoạt động, kinh phí bổ sung vốn sách báo hàng năm quá ít, việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào hoạt động nghiệp vụ thư viện không được chú trọng.

- Nguồn vốn tài liệu không phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Tài liệu lưu trữ tại các thư viện thiếu các trang thiết bị bảo quản nên có nguy cơ hủy hoại do côn trùng có hại và khí hậu nóng ẩm. Hoạt động nghiệp vụ còn thô sơ, thủ công, thiếu tính chuyên nghiệp, sự thống nhất giữa các chuẩn nghiệp vụ chưa cao. Công tác sưu tầm, khai thác tài liệu địa chí, quý hiếm, phục vụ sách báo nghiên cứu về địa phương chưa được quan tâm triển khai thực hiện.

- Hệ thống thư viện công cộng tuyến xã, phường, thị trấn chưa được thành lập. Phần lớn là các tủ sách pháp luật đặt tại trung tâm học tập cộng đồng, vốn tài liệu ít, không đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.

3. Nguyên nhân chủ yếu

- Công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động Thư viện địa phương. Hệ thống văn bản pháp quy về thư viện, chế độ, chính sách cho cán bộ thư viện còn bất cập, chậm sửa đổi, thiếu đồng bộ.

- Nhận thức của một số cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành về vai trò của công tác thư viện chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm chỉ đạo; chưa nhận thấy tầm quan trọng và tác động cần thiết của hoạt động thư viện đối với việc xây dựng nhân tố con người mới trong sự nghiệp phát triển của địa phương, đơn vị.

- Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng còn thấp; công tác xã hội hóa trong hoạt động Thư viện chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu những chính sách hỗ trợ cho thư viện tư nhân phát triển. Chưa có một Đề án tổng thể mang tính chiến lược lâu dài về quy hoạch, phát triển sự nghiệp Thư viện.

- Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thư viện luôn biến động, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thư viện ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống, thực hiện tự động hóa, hiện đại hóa hoạt động thư viện. Xây dựng Thư viện điện tử và phát triển Thư viện sử dụng kỹ thuật số, mở rộng hoạt động Thư viện.

- Tăng cường nguồn lực thông tin, khai thác, cung cấp và chia sẻ thông tin giữa các Thư viện trong hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình. Sưu tầm, bảo quản và khai thác có hiệu quả vốn tài liệu trong Thư viện, đặc biệt là vốn tài liệu địa chí; đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân.

- Đầu tư đúng mức và có trọng điểm cho Thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện, phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ cụ thể của hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến huyện; xây dựng những thư viện trung tâm làm nòng cốt để liên kết và hỗ trợ cùng nhau phát triển.

- Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thư viện đủ về số lượng, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển hệ thống Thư viện tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ quốc gia trong hệ thống Thư viện toàn tỉnh.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động Thư viện, phát triển rộng khắp các loại hình Thư viện khác nhau trên địa bàn dân cư. Khuyến khích, hỗ trợ để phát triển các phòng đọc sách, tủ sách khu dân cư, các thư viện tư nhân, thư viện dòng họ, gia đình tham gia phục vụ cộng đồng. Thực hiện tốt công tác luân chuyển sách báo trong hệ thống Thư viện từ tỉnh xuống cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đọc và khai thác thông tin của mọi người dân.

2. Những mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu phát triển hệ thống Thư viện đến năm 2025

- Xây dựng hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình với một mạng lưới Thư viện rộng khắp, linh hoạt, phù hợp với các địa bàn dân cư. Xây dựng phong trào đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.

- Đảm bảo mỗi người dân có 0,3 cuốn sách trong các Thư viện công cộng, từ 10%-20% dân số trong tỉnh sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng.

- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thư viện từ tỉnh đến huyện.

- Xây dựng Thư viện điện tử đáp ứng thời đại công nghệ thông tin 4.0.

2.1.1. Thư viện tỉnh

- Đầu tư xây dựng mới Thư viện tỉnh theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của Tỉnh và Trung ương.

- Phấn đấu xây dựng Thư viện tỉnh đạt chuẩn hạng III theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trở thành Thư viện hiện đại, thư viện kiểu mẫu, đạt chuẩn về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ hiện đại và phương thức hoạt động tiên tiến.

- Số hóa 30% tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học. Đầu tư phát triển vốn tài liệu trong Thư viện tỉnh. Nâng cấp trang Website Thư viện tỉnh Hòa Bình.

- Xây dựng và triển khai Đề án phát triển Thư viện điện tử tỉnh Hòa Bình.

- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy. Bổ sung viên chức có trình độ đại học, cao đẳng về thư viện, thông tin - thư viện, công nghệ thông tin.

2.1.2. Thư viện các huyện

- Hoàn thiện và thống nhất mô hình tổ chức hoạt động thư viện cấp huyện trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông quản lý.

- Định kỳ hàng năm bổ sung vốn tài liệu, chủ yếu tập trung bổ sung sách, báo đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu nghiên cứu, giải trí của nhân địa phương.

- Bổ sung viên chức chuyên ngành thông tin - thư viện, công nghệ thông tin cho thư viện các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu, đảm bảo mỗi thư viện có 02 viên chức chuyên trách thư viện.

2.2. Mục tiêu phát triển hệ thống Thư viện đến năm 2035

- Phấn đấu trong hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình đạt 0,6 bản sách trên mỗi người dân.

- Thường xuyên nâng cấp phần mềm Thư viện điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ Thư viện, công tác phục vụ bạn đọc, phấn đấu nối mạng toàn hệ thống Thư viện từ tỉnh đến huyện.

- Đầu tư hoàn thiện về thiết chế, tổ chức của hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến huyện.

- Phát triển mạng lưới Thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình đúng định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình. Nhà nước hỗ trợ bảo quản và khai thác các bộ sưu tập tài liệu quý hiếm của các tổ chức, cá nhân. Kết hợp các loại hình thư viện trên địa bàn tỉnh, thực hiện việc mượn liên Thư viện nhằm phục vụ tốt nhu cầu đọc và khai thức thông tin của người đọc.

2.2.1. Thư viện tỉnh

- Phát triển Thư viện điện tử, Thư viện kỹ thuật số tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đọc và thông tin đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh với chất lượng dịch vụ cao, ngang với trình độ phát triển các thư viện trong cả nước.

- Phát triển và sử dụng tối ưu vốn tài liệu địa chí tỉnh Hòa Bình và các loại tài liệu quý hiếm, số hóa từ 40 - 60% tài liệu địa chí, quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học vào vốn tài liệu Thư viện tỉnh Hòa Bình.

- Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức Thư viện tỉnh đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có trình độ chuyên môn và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, làm chủ các phương tiện, thiết bị hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (nhất là công nghệ thông tin) vào công việc và xây dựng, phát triển Thư viện điện tử.

- Tiếp tục phát triển vốn tài liệu sách luân chuyển lưu động, quỹ sách tài trợ của địa phương và trung ương...

2.2.2. Thư viện các huyện

- 100% Thư viện các huyện hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc. Tăng cường phương tiện, thiết bị kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phục vụ từ 100 - 150 bạn đọc mỗi ngày.

- Xây dựng thư viện điện tử, đồng bộ hóa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Thư viện cấp huyện, phấn đấu 100% Thư viện các huyện được kết nối mạng với Thư viện tỉnh.

- Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu mỗi huyện có 02 viên chức có chuyên ngành đào tạo về Thư viện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thư viện cấp huyện trong giai đoạn mới.

II. NHIỆM VỤ CƠ BẢN

1. Giai đoạn 2019-2025

1.1. Thư viện tỉnh

- Đầu tư xây dựng mới trụ sở Thư viện tỉnh, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

- Đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ một cách đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu nghiệp vụ thư viện, tiến đến hiện đại hóa Thư viện tỉnh.

- Sưu tầm, bổ sung tài liệu địa chí, tài liệu bản đồ, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học, các luận văn, luận án, đồ án tốt nghiệp về tỉnh Hòa Bình xưa và nay. Xây dựng và thực hiện kế hoạch số hóa tài liệu, ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, quý hiếm...

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức Thư viện tỉnh. Xây dựng vị trí việc làm; rà soát, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ viên chức thư viện hiện có; đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp để giữ chân viên chức giỏi và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại Thư viện tỉnh.

- Xây dựng và triển khai Đề án phát triển thư viện điện tử tỉnh Hòa Bình trong năm 2020.

1.2. Thư viện các huyện

- Đầu tư xây dựng trụ sở Thư viện cấp huyện; kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện cấp huyện.

- Đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng môi trường làm việc và phục vụ bạn đọc; sửa chữa cơ sở vật chất các thư viện huyện sạch đẹp; bổ sung máy tính làm việc và phục vụ bạn đọc đạt tiêu chuẩn quy định.

- Bổ sung tư liệu sách báo cho các thư viện các huyện, bình quân mỗi thư viện được bổ sung từ 2.000 bản sách/năm để phục vụ nhu cầu giải trí, cập nhật thông tin của nhân dân, nhất là các em học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí...

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện các huyện, xây dựng mạng Lan, Wan, kết nối Internet. Tổ chức hệ thống tài liệu theo phương thức kho mở; tạo ra nhiều sản phẩm thông tin phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy thư viện, thống nhất mô hình tổ chức thư viện huyện trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thư viện hoạt động; tăng số lượng viên chức thư viện huyện được đào tạo đúng chuyên môn, có tâm huyết và yêu nghề, đảm bảo mỗi thư viện có từ 2 viên chức có chuyên ngành thông tin - thư viện, công nghệ thông tin trở lên.

2. Giai đoạn 2026-2035

2.1. Thư viện tỉnh

- Hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; Triển khai Đề án phát triển thư viện điện tử tỉnh Hòa Bình trở thành thư viện hiện đại hóa - thư viện kỹ thuật số.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ nghiệp vụ thư viện; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm; phát triển mạnh vốn tài liệu tại thư viện; tiếp tục phát triển vốn sách luân chuyển lưu động.

- Tăng cường, mở rộng giao lưu hợp tác và xây dựng mối quan hệ mật thiết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tranh thủ tối đa nguồn tài trợ của các tổ chức cho Thư viện tỉnh (như tài trợ thiết bị, tài liệu...).

2.2. Thư viện các huyện

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện các huyện. Nghiên cứu, đề xuất thành lập các thư viện tuyến xã, phường, thị trấn và phòng đọc trong các khu dân cư.

- Sưu tầm, nghiên cứu bổ sung các tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm chuyên sâu của địa phương.

- Kiện toàn bộ máy viên chức thư viện đảm bảo mỗi thư viện có ít nhất từ 3-5 người, trong đó trình độ đại học, cao đẳng thông tin - thư viện, công nghệ thông tin đạt 100% Giám đốc Thư viện huyện có trình độ đại học chuyên ngành về thông tin - thư viện.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về tổ chức, quản lý, điều hành

- Củng cố và kiện toàn tổ chức hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo tinh thần Pháp lệnh Thư viện và Nghị định số 72/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về thư viện và liên quan đến hoạt động thư viện; các đề án, quy hoạch phát triển ngành, các chương trình mục tiêu văn hóa tại địa phương.

- Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động Thư viện giữa Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ủy ban nhân dân các địa phương và cơ chế chủ quản các thư viện chuyên ngành, đa ngành.

- Hướng dẫn thực hiện và đăng ký hoạt động thư viện; đồng thời tiến hành xếp hạng cho các thư viện đủ tiêu chuẩn thuộc hệ thống Thư viện công cộng,

- Triển khai thực hiện quy chế mẫu tổ chức và hoạt động đối với Thư viện cấp huyện; chuẩn hóa quy định nghiệp vụ phù hợp với hệ thống Thư viện trong cả nước và quốc tế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động thư viện; thực hiện các chế độ chính sách đối với viên chức làm công tác thư viện. Kịp thời kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, điều chỉnh kịp thời những bất cập trong văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực Thư viện.

2. Giải pháp về kiện toàn bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động

Củng cố kiện toàn tổ chức hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo tinh thần của Pháp lệnh thư viện và Nghị định Chính phủ, cụ thể:

- Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy hoạt động Thư viện tỉnh, Thư viện các huyện.

- Nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ viên chức Thư viện tỉnh, huyện. Giai đoạn 2019-2025, Thư viện tỉnh đảm bảo nguồn lực viên chức theo vị trí việc làm; lãnh đạo Thư viện tỉnh, huyện phải có trình độ chuyên ngành thông tin - thư viện; mỗi huyện đảm bảo có từ 2 viên chức chuyên trách thư viện trở lên; giai đoạn 2025-2035, mỗi thư viện huyện phải có từ 3-5 viên chức thư viện, trong đó 100% có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành thông tin - thư viện, công nghệ thông tin.

3. Về cơ chế chính sách kinh tế, tài chính, thuế

- Đầu tư đúng mức cho hoạt động thư viện, đảm bảo cho các thư viện hoạt động, phát triển và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, điện tử hóa, tự động hóa hoạt động thư viện và đào tạo, bồi dưỡng viên chức Thư viện.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thông tin - thư viện. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với hoạt động thư viện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Hỗ trợ kinh phí khai thác mạng thông tin - thư viện trong và ngoài nước, cho mượn tài liệu giữa các thư viện và người đọc theo diện chính sách quy định. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trợ giúp về kỹ thuật bảo quản tài liệu, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của cá nhân, gia đình, dòng họ; duy trì, bảo tồn di sản thư tịch của dân tộc, địa phương.

- Đảm bảo kinh phí ổn định, thường xuyên cho hoạt động của hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở; nhất là kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị và bổ sung sách, báo và các tài liệu mới để phục vụ nhu cầu bạn đọc; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ Thư viện khác.

4. Về cơ chế chính sách, xã hội

- Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút, ưu đãi đối với các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực thông tin - thư viện, tin học, ngoại ngữ về công tác tại địa phương; đảm bảo chế độ lương, thưởng, phụ cấp, tăng thu nhập, chế độ độc hại, BHXH, BHYT... cho người làm công tác thư viện theo đúng quy định.

- Khen thưởng động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho phát triển sự nghiệp Thư viện và hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình.

5. Huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển sự nghiệp Thư viện

- Huy động từ các nguồn ngân sách Nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác; trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư cho phát triển hệ thống thư viện.

- Tranh thủ nguồn tài trợ của các nhà sách, nhà xuất bản trong nước và nước ngoài.

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng mới, cải tạo hệ thống thư viện, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo cán bộ, đổi mới thiết bị và chuyển giao công nghệ, bảo quản di sản thư tịch, tài liệu quý hiếm... theo nguyên tắc thư viện thuộc cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm đảm bảo nguồn kinh phí.

- Từ các nguồn vốn huy động khác trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

6. Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thư viện

- Tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng công chức, viên chức thư viện từ tỉnh đến cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức làm công tác thư viện, nhất là viên chức trẻ, còn trong độ tuổi quy hoạch; ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ cao trong lĩnh vực thông tin - thư viện, công nghệ thông tin.

- Sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, lao động theo vị trí việc làm được phê duyệt; thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp dôi dư sau khi sắp xếp lại hoặc năng lực, trình độ chuyên môn không đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm.

7. Xã hội hóa hoạt động thư viện

- Triển khai các chủ trương, chính sách của nhà nước và của tỉnh về xã hội hóa trong lĩnh vực Thư viện; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng người dân tham gia phát triển hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình.

- Củng cố, phát triển các mối quan hệ với các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức thông tin - thư viện trong nước như Hội thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Trung tâm khoa học công nghệ Quốc gia, Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc... cung cấp bổ sung nguồn tư liệu sách cho hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng thư viện hoạt động phục vụ cộng đồng.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách Nhà nước.

2. Nguồn xã hội hóa.

3. Căn cứ Đề án này, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự toán kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án theo giai đoạn.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức về nội dung Đề án.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên đầu tư hiện đại hóa Thư viện tỉnh và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện từng bước hiện đại hóa Thư viện cấp huyện, tiến tới hoàn thiện thiết chế hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai Đề án phát triển Thư viện điện tử tỉnh Hòa Bình.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư hàng năm để thực hiện các nội dung Đề án.

- Hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực Thư viện và hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung Đề án.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư cho hệ thống Thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, cập nhật vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các công trình văn hóa, trong đó có ưu tiên bố trí đất để xây dựng Thư viện.

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện xác định về mặt quy hoạch xây dựng hệ thống Thư viện từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện quản lý theo Luật Xây dựng và các văn bản về xây dựng có liên quan trong các công trình Thư viện.

6. Sở Nội vụ

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan bố trí biên chế; sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ; thực hiện chế độ chính sách và đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức làm công tác thư viện trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày sách Việt Nam, chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các Thư viện.

- Đầu tư phát triển Thư viện trong các trường học; chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện phát triển phong trào đọc sách trong các khối trường học trên địa bàn.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án phát triển Thư viện điện tử tỉnh Hòa Bình.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động về tuyên truyền Ngày sách Việt Nam, chương trình phối tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ và tuyên truyền giới thiệu sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý của địa phương.

- Đầu tư phát triển Thư viện cấp huyện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động trong thư viện công cộng.

- Đề xuất kịp thời những vấn đề phát sinh cần điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình thực hiện Đề án.

- Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ viên chức làm công tác thư viện; cân đối, bố trí biên chế sự nghiệp làm công tác thư viện trong tổng biên chế sự nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương và theo vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt

10. Các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp.

Vận động các tổ chức, đoàn thể, cán bộ viên chức, người lao động và nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu của Đề án./.

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác