377965

Quyết định 134/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020

377965
LawNet .vn

Quyết định 134/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020

Số hiệu: 134/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
Ngày ban hành: 09/03/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 134/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
Ngày ban hành: 09/03/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CHO MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;

Căn cứ Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại tờ trình số 927/TTr-SKHCN ngày 27 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký ban hành.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các P.CVP;
- Lưu: VT, CN&XDCB, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU CHO MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là các sản phẩm ẩm thực (bánh, bún, nem,...) đa số vẫn sản xuất theo lối thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, chưa có biện pháp để quản lý và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nên không bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, các sản phẩm gắn thương hiệu của các làng nghề còn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của các làng nghề trong tỉnh, làm hạn chế và kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều làng nghề dần mai một. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các làng nghề và các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh.

Hoạt động hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (gọi chung là thương hiệu) cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của các địa phương đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ năm 2005 (Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Chương trình 68). Qua 10 năm triển khai xây dựng và áp dụng tại nhiều địa phương trong toàn quốc, thực tế đã chứng minh các mô hình xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể rất phù hợp với các sản phẩm có tính vùng miền, các nông sản đặc sản, đặc thù của địa phương do nhiều tổ chức, hộ gia đình cùng tham gia sản xuất. Trên cơ sở thực hiện thành công Chương trình 68 giai đoạn 2005 - 2010 và 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung “Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh”.

Ngày 26/6/2014 UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 282/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi “Quy chế hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” ban hành kèm theo Quyết định số 74/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009. Theo quy định tại Quyết định này đối tượng được hỗ trợ chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường trong nước và ngoài nước; còn việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm có tính vùng miền, các nông sản đặc thù của địa phương do nhiều tổ chức, hộ gia đình cùng tham gia sản xuất thì chưa có quy định hỗ trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình 68 và kinh phí của địa phương, Bắc Ninh mới xây dựng được 01 nhãn hiệu chứng nhận (Gạo tẻ thơm Quế Võ), 07 nhãn hiệu tập thể (Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Gốm Phù Lãng, Đồng Đại Bái, Khoai tây Quế Võ, Gà Hồ, Tre trúc Xuân Lai, Mây tre đan Xuân Hội), chưa có chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp nào được đăng ký bảo hộ.

Nguyên nhân của hiện trạng trên là: Việc xây dựng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm theo hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể còn mới, thời gian tương đối dài, yêu cầu cao về chuyên môn, chi phí lớn. Mặt khác, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu đối với các chỉ dẫn địa lý sử dụng cho các đặc sản địa phương là UBND các tỉnh. Đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể mang tên địa danh phải được sự cho phép của UBND tỉnh. Các tỉnh thực hiện bảo hộ và phát triển đối với các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sử dụng cho các đặc sản và các sản phẩm khác của địa phương nhằm bảo đảm quyền sử dụng chung cho cả cộng đồng, các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương.

Vì vậy, cần xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020”, nhằm hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, xây dựng cơ chế quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP, LÀNG NGHỀ GẮN VỚI ĐỊA DANH TRONG VÀ NGOÀI TỈNH

1. Các hình thức bảo hộ trong xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề gắn với tên địa danh

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề gắn với tên địa danh được bảo hộ dưới 03 hình thức: Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận và Chỉ dẫn địa lý.

1.1. Nhãn hiệu tập thể

- Khái niệm: Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể: Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

1.2. Nhãn hiệu chứng nhận

- Khái niệm: Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

1.3. Chỉ dẫn địa lý

- Khái niệm: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

- Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý: Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; (ii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

- Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: (i) Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó; (ii) Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

- Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý: (i) Các điều kiện địa lý liên quan đến chi dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó; (ii) Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác; (iii) Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

- Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý: Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

2. Tình hình xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề trong nước

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà nước ta đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực, các sản phẩm của làng nghề tại các địa phương trong cả nước. Với những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, cùng với sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần đưa Sở hữu trí tuệ thành công cụ hữu hiệu để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, triển khai và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Hiện nay các tỉnh, thành phố đang tập trung xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương mình. Tính đến ngày 20/11/2017, Việt Nam đã bảo hộ 53 Chỉ dẫn địa lý quốc gia và 1.359 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề trong cả nước (Bắc Giang đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu cho 46 sản phẩm; Quảng Ninh đã hỗ trợ xây dựng cho 24 sản phẩm; Hải Phòng đã hỗ trợ xây dựng cho 34 sản phẩm; Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng cho 17 sản phẩm; Hải Dương đã hỗ trợ xây dựng cho 21 sản phẩm; Hà Nam đã hỗ trợ xây dựng cho 11 sản phẩm;...). Trong giai đoạn tới, sẽ có 35 tỉnh, thành phố phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ, phấn đấu xây dựng, quản lý và quảng bá cho 100% các sản phẩm đặc sản và làng nghề của địa phương.

Đa số các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các tỉnh sau khi thực hiện quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Cam Cao Phong (Hòa Bình) giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%; Chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%; Bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá bán tăng lên 3,5 lần; Cam Vinh giá tăng lên hơn 50%; Chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý được bán cao hơn từ 1,7-2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì; Chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý; Vải thiều Lục Ngạn được coi là mô hình mẫu cho việc gắn kết giữa hoạt động KH&CN và sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan, Malaysia,... giá cao hơn nhiều so với xuất khẩu sang Trung Quốc);...

Các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các địa phương luôn luôn gắn liền với tên địa danh, mang những tính chất đặc thù riêng. Các dấu hiệu này được gắn kèm theo nhãn hiệu riêng của từng doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm để phân biệt với các sản phẩm khác cùng loại. Để được trao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ này, thì các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình phải đáp ứng các điều kiện nhất định, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí chất lượng cụ thể và tuân theo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, đó là một trong những căn cứ giúp bảo đảm uy tín và danh tiếng của sản phẩm. Sản phẩm để được lưu thông trên thị trường phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và đúng nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là lý do tại sao người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể so với sản phẩm thông thường cùng loại.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm đặc sản của các tỉnh do chưa được quan tâm xây dựng và bảo hộ thương hiệu dẫn đến tình trạng thương hiệu của tập thể lại thuộc sở hữu của một doanh nghiệp, do doanh nghiệp đăng ký bảo hộ trước và ngăn cấm chủ thể khác không được sử dụng thương hiệu đó.

3. Tình hình xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đậm nét dân gian của vùng đất trăm nghề như nghề gốm, đồ gỗ mỹ nghệ, gò đúc đồng, chế biến sắt thép, sản xuất giấy, tranh dân gian, các sản phẩm ẩm thực,... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 70 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống, so với cả nước tỷ lệ làng nghề/tổng số xã, phường ở Bắc Ninh cao gấp 5 lần. Tỉnh hiện có hơn 14.500 hộ làm nghề, chiếm gần 5% số hộ của tỉnh; gần 77.000 lao động làm nghề, chiếm gần 12% số lao động trong độ tuổi; giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 8% GDP của tỉnh; thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề đạt 4-4,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đang dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Khoai tây, Gạo tẻ thơm, Gạo nếp thơm, Dưa Gang (huyện Quế Võ); Cà rốt, Gà Chi Nhị (huyện Gia Bình); tỏi và khoai lang An Thịnh (huyện Lương Tài); Gà Hồ (huyện Thuận Thành); Gạo nếp cái hoa vàng, Gạo nếp cái hoa trắng,...

Trong thời gian qua, trên cơ sở những mô hình xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề của tỉnh do Trung ương hỗ trợ (thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - Chương trình 68, được Chính phủ phê duyệt thực hiện các giai đoạn 2005 - 2010 và 2011 - 2015) đến nay trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 08 làng nghề/sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh, bao gồm:

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh: Gà Hồ - Thuận Thành - Bắc Ninh; Khoai tây Quế Võ; Gạo tẻ thơm Quế Võ.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ; Đồng Đại Bái; Gốm Phù Lãng; Tre trúc Xuân Lai; Mây tre đan Xuân Hội.

Thực tế đã chứng minh, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh sau khi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, đây mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng; đặc biệt là sản phẩm Gà Hồ, giá tăng 3-4 lần (giá gà con nuôi thương phẩm tăng từ 40.000đồng/con lên 160.000đồng/con, giá gà thịt tăng trung bình từ 180.000đồng/kg lên 600.000đồng/kg); các sản phẩm của Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Gỗ Đồng Kỵ,... đều tăng trung bình từ 10-15%; sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Đồng Đại Bái”, “Gốm Phù Lãng” bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Đài Loan,...) thì nay đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước Châu Âu và Đông Nam Á; các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ” bắt đầu được đưa vào hệ thống siêu thị và các công ty chế biến tại các khu công nghiệp; các công ty, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ Đồng Kỵ trên toàn quốc đa số đã được Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thẩm định và trao quyền sử dụng tên “Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tránh hiện tượng làm giả, làm nhái.

Các sản phẩm của tỉnh sau khi được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ phải tuân thủ theo một quy trình gắn nhãn mác, bao bì chặt chẽ, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, đồng thời phải đáp ứng những tiêu chí nhất định trong quy trình sản xuất, từ đó luôn bảo đảm chất lượng và gia tăng số lượng hàng tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho các làng nghề.

Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh đã có uy tín, danh tiếng và tên gọi truyền thống từ lâu (thường gắn với địa danh), nhưng số lượng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không nhiều, chưa có sản phẩm ẩm thực nào của tỉnh được đăng ký bảo hộ. Vì vậy việc lạm dụng, làm giả, làm nhái hàng hóa của các làng nghề thường xuyên xẩy ra song chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết, tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh tiếng của làng nghề. Mặt khác, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm chưa được tập trung mạnh nên chưa vươn ra được các thị trường lớn, giá trị sản xuất đem lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và giá trị truyền thống của vùng đất trăm nghề Bắc Ninh - Kinh Bắc.

III. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đây sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội và trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Việc thực hiện Đề án “Xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020” là thật sự cần thiết và cấp bách nhằm bảo hộ, quản lý và phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cụ thể:

1. Việc xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề nhằm bảo hộ và quảng bá danh tiếng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương trong tỉnh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biệt và lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng.

2. Góp phần quan trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sẩn phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm khi đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì công tác quản lý chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm được thực hiện đồng bộ, việc đưa sản phẩm ra thị trường đều phải tuân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định và tuân thủ quá trình kiểm tra, quản lý chặt chẽ, ghi rõ nguồn gốc, xuât xứ, gắn mã số, mã vạch,...

3. Việc thực hiện Đề án nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, giải quyết việc làm tại chỗ cho các địa phương trong tỉnh. Nội dung Đề án góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách và các giải pháp của tỉnh về hỗ trợ, phát triền nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Việc xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày cao của người tiêu dùng. Từ đó nâng cao giá trị sản xuất và phát huy lợi thế canh tranh cho các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh.

4. Việc xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề sẽ hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, du lịch tâm linh. Sản phẩm của Đề án là các nhóm sản phẩm đặc sản và đặc trưng của tỉnh được đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ phục vụ tôt nhu cầu mua sắm, trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa làng quê vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

5. Việc thực hiện Đề án góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

IV. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

2. Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;

3. Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dân Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

4. Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 09/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

5. Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020;

6. Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính ban hành Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;

7. Thông tư số 03/2011/TT-BKHCN ngày 20/4/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015;

8. Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

9. Chương trình hành động số 39/CTr-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

10. Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

11. Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

V. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

(1)- Giai đoạn 2018 - 2020 tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh, phân thành 03 nhóm:

Nhóm 1: Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh;

Nhóm 2: Các sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc;

Nhóm 3: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh.

(2)- Thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm.

(3)- Quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được bảo hộ.

2. Phạm vi của Đề án

Đề án tập trung ưu tiên bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa, có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch tại các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, kết quả phối hợp điều tra đánh giá về các nội dung liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đã tổng hợp được danh mục gồm 35 sản phẩm của các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh. Từ năm 2018 đến năm 2020, tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh, cụ thể:

Nhóm 1: Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, gồm 04 sản phẩm.

Nhóm 2: Các sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, gồm 06 sản phẩm.

Nhóm 3: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh, gồm 01 sản phẩm.

Trong đó:

- Chỉ dẫn địa lý: 01 sản phẩm;

- Nhãn hiệu chứng nhận: 09 sản phẩm;

- Nhãn hiệu tập thể: 01 sản phẩm.

Danh mục các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh để xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu giai đoạn 2018 – 2020

TT

Tên sản phẩm

Địa phương

Thời gian thực hiện

(dự kiến)

Hình thức đăng ký bảo hộ SHTT

(dự kiến)

I

Nhóm các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù của tỉnh

1

Cà rốt Gia Bình

Huyện Gia Bình

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

2

Tỏi An Thịnh

Xã An Thịnh, huyện Lương Tài

2018-2020

Chỉ dẫn địa lý

3

Gạo nếp nhung Tam Sơn

Xã Tam Sơn, Thị xã Từ Sơn

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

4

Nếp cái hoa vàng Yên Phụ

Xã Yên Phụ, huyện Yên Phong

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

II

Nhóm các sản phẩm ẩm thực

5

Bánh Phu Thê Đình Bảng

Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

6

Đậu Trà Lâm

Xã Trí Quả, huyện Thuận Thành

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

7

Nem Bùi

Xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

8

Tương Đình Tổ

Xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

9

Bánh tẻ Chờ

Huyện Yên Phong

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

10

Bánh đa nem Yên Phụ

Xã Yên Phụ, huyện Yên Phong

2018-2020

Nhãn hiệu chứng nhận

III

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ

11

Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu

Xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành

2018-2020

Nhãn hiệu tập thể

VI. NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nội dung đề án

1.1. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề

- Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Xác định phạm vi địa lý bảo hộ của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Phân tích, đánh giá chất lượng đặc thù của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Xác định mối liên hệ giữa đặc thù của chất lượng sản phẩm với các điều kiện tự nhiên, con người vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyên sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý:

+ Điều tra, khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

+ Tổ chức thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm;

+ Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

+ Thành lập các tổ chức quản lý phục vụ việc đăng ký, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm đặc sản, chủ lực;

+ Tra cứu khả năng bảo hộ, nộp và theo đuổi đơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong nước và đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho một số sản phẩm đặc sản, chủ lực quan trọng khi cần thiết.

1.2. Quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề

- Xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Xây dựng Quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;

- Xây dựng và tổ chức áp dụng mô hình quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý: xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý; xây dựng và vận hành quy trình, quy định, tiêu chuẩn;

- Tổ chức đào tạo, tập huấn về mô hình quản lý, các công cụ quản lý;

- Áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương;

- Tổ chức hội thảo, tập huấn về tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu tại các địa bàn vùng sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản, chủ lực.

1.3. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề

- Xây dựng các phương tiện, công cụ nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh cho các tổ chức sử dụng, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; cụ thể:

+ Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Hệ thống tem - nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, poster, biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, băng rôn, gian hàng trưng bày sản phẩm, hệ thống văn phòng giao dịch, hệ thống biểu mẫu...;

+ In ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng nhãn hiệu;

+ Xây dựng website, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Nghiên cứu, đánh giá thị trường, ngành hàng, xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;

- Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

2. Tiến độ triển khai thực hiện đề án

Việc triển khai đề án được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ, tình hình thực tế triển khai và nhu cầu sản xuất kinh doanh của các làng nghề và các địa phương sản xuất nông nghiệp. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian thẩm định đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là 1 năm (12 tháng), chỉ dẫn địa lý là 9 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài hơn rất nhiều, từ 16 đến 18 tháng, lý do là số lượng đơn đăng ký bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ quá nhiều, dẫn tới thời gian thẩm định có thể kéo dài hơn.

Thực tế cho thấy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm là nhiệm vụ cấp thiết; bên cạnh việc bảo vệ quyền, lợi ích, uy tín và danh tiếng cho các sản phẩm của các địa phương thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ sớm cho các sản phẩm gắn với địa danh sẽ góp phần xây dựng cơ sở pháp lý khi xẩy ra các vi phạm và tranh chấp về quyền sở hữu. Theo đó, đề án sẽ triển khai đồng bộ việc thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống các công cụ quản lý cho tổng thể 11 sản phẩm từ năm 2018, các nội dung liên quan đến quản lý, khai thác và quảng bá sản phẩm sẽ thực hiện trong các năm tiếp theo. Cụ thể:

- Năm 2018: Xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 11 sản phẩm, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá.

- Năm 2019: Tập trung khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các sản phẩm, tập huấn về các nội dung quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ sở, hộ dân, đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

- Năm 2020: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh; đánh giá sự phù hợp của các quy chế, quy trình, mô hình quản lý sau thời gian áp dụng để điều chỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

VII. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện đề án sẽ lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, việc phân bổ nguồn vốn trong quá trình triển khai đề án cụ thể như sau:

Kinh phí dự kiến: 10.745 triệu đồng.

Trong đó:

Năm 2018: 4.659 triệu đồng

Năm 2019: 3.787 triệu đồng

Năm 2020: 2.299 triệu đồng.

(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)

2. Phương thức quản lý

- Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý đề án; công tác quản lý đề án bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tổ chức triển khai các nội dung đề án đã được phê duyệt, nghiên cứu lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phù hợp với quy định; sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện đề án; mỗi đối tượng, sản phẩm, nhóm sản phẩm có thể được lập một đề tài, nhiệm vụ KH&CN riêng để tổ chức quản lý, triển khai thực hiện.

- Công tác quản lý đề án gồm: Tuyển chọn đơn vị chủ trì, đơn vị tư vấn thực hiện, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định; hoặc tổ chức tuyển chọn các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện theo quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của đề án, quản lý kinh phí; nghiệm thu kết quả thực hiện; sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện; bàn giao kết quả cho các ngành, địa phương quản lý.

- Công tác quản lý thực hiện theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

3. Phân công trách nhiệm

3.1. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức triển khai xây dựng, quản lý và thực hiện các nội dung của đề án theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Tổng hợp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm cần xây dựng thương hiệu và các nội dung liên quan đến thực hiện đề án.

3.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Gắn kết xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề các sản phẩm nông nghiệp với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

- Hỗ trợ các tổ chức sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất.

3.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện đề án theo quy định của pháp luật;

- Thẩm định dự toán chi tiết các nội dung của đề án theo đề nghị của cơ quan quản lý đề án;

- Hướng dẫn quản lý, sử dụng tài chính của đề án.

3.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất việc bố trí ngân sách hàng năm cho các nội dung của đề án.

3.5. Sở Công Thương

Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh;

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ mạng lưới tiêu thụ cho các sản phẩm.

3.6. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn, xây dựng và thành lập các tổ chức Hội nghề nghiệp phù hợp để phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ bảo hộ sản phẩm;

- Tổ chức quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức này phục vụ mục tiêu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và báo cáo định kỳ.

3.7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3.8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đưa các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề vào chương trình phát triển du lịch, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch tâm linh, làng nghề của tỉnh; khuyến khích các khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, các nhà hàng nổi tiếng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm quảng bá rộng rãi và đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước;

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá của ngành; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp cho các đối tượng lao động, chủ cơ sở sản xuất,... tại các địa phương nhằm tạo thuận lợi cho du khách muốn trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh của tỉnh, phát triển du lịch của địa phương.

3.9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh

Tăng cường hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh.

3.10. Hội Nông dân tỉnh

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý và khai thác hiệu quả các hình thức bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; Tổ chức hướng dẫn hoạt động của các tổ chức hội cấp huyện tham gia đề án phục vụ mục tiêu tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và báo cáo định kỳ.

3.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với các sở, ngành trong việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu;

- Tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương;

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp theo quy mô của địa phương; tổ chức tiếp nhận và quản lý các sản phẩm của đề án, gắn kết với xây dựng làng nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp để phát huy thương hiệu của các sản phẩm.

3.12. Các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức kinh tế; tổ chức xã hội; các doanh nghiệp; tổ chức cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia thực hiện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đề án.

VIII. DỰ KIẾN KẾT QUẢ VÀ HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Dự kiến kết quả đạt được

- Trong năm 2018 và năm 2019: Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh (trong đó: 01 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu tập thể và 9 nhãn hiệu chứng nhận);

- Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, xuất xứ tới tận các cơ sở, các hộ sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh;

- Hệ thống công cụ quản lý, hệ thống nhận diện thương hiệu, hệ thống công cụ quảng bá sản phẩm được hoàn thiện và ban hành cho 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh;

- Các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng và phát triển các thương hiệu gắn với địa danh của tỉnh trên thị trường;

- Đến năm 2020: Các điểm tham quan, du lịch, khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, trung tâm thương mại của tỉnh có các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh đã được cấp Bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

2. Hiệu quả kinh tế - xã hội

2.1. Hiệu quả kinh tế

- Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm làng nghề sau khi được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) khi lưu thông phải bảo đảm những tiêu chí về chất lượng, phải được gắn nhãn mác, bao bì, mã số, mã vạch theo những quy cách được quy định và chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; chính vì vậy, các sản phẩm sau khi được bảo hộ sẽ có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

- Các sản phẩm sẽ được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết là lựa chọn sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai.

- Phát triển được những vùng sản xuất tập trung lớn có năng suất cao, chất lượng tốt ổn định, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, tăng hiệu quả và giá trị trên đơn vị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần cải thiện và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

2.2. Hiệu quả xã hội

Đề án được triển khai thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, sẽ huy động sự tham gia của các xã, phường, thị trấn và người dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Các kết quả của đề án sẽ là cơ sở và có những tác động tích cực đối với người dân địa phương:

- Gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh.

- Tạo thêm việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đặc biệt là đối tượng lao động dễ bị tổn thương (lao động nữ và lao động trên 45 tuổi).

- Nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu, góp phần quan trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Đề án được thực hiện với sự tham gia của các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý của địa phương, các tổ chức tập thể (các hợp tác xã, hiệp hội làng nghề, hội nông dân,...), những người sản xuất trực tiếp, vì vậy sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng, thương hiệu của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần quan trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Đề án sẽ góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người dân tại các địa phương trong tỉnh; dự kiến sẽ có khoảng 10.000 lượt người được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp,... thông qua việc tham gia các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn thuộc khuôn khổ của đề án.

- Đề án sẽ góp phần thúc đẩy tính đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế tập thể bền vững, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất.

- Đề án sẽ có những tác động tích cực trong việc xã hội hóa hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm tại các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại các địa phương.

2.3. Hiệu quả môi trường

Từ việc kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm khi được cấp quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi các làng nghề, các vùng sản xuất nông nghiệp sẽ phải áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững đối với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ./.

 

PHỤ LỤC I

DỰ TOÁN KINH PHÍ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU GIAI ĐOẠN 2018-2020

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Hình thức đăng ký

Số lượng

Kinh phí thực hiện 01 sản phẩm

Tổng kinh phí

I

Nhãn hiệu tập thể

01

803

803

II

Nhãn hiệu chứng nhận

09

883

7.947

III

Chỉ dẫn địa lý

01

1.018

1.018

Dự phòng (10%)

 

 

977

TỔNG CỘNG

 

 

10.745

 

PHỤ LỤC II

PHÂN BỔ KINH PHÍ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU GIAI ĐOẠN 2018-2020

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Sản phẩm nông nghiệp, làng nghề

Tổng kinh phí thực hiện

Thời gian thực hiện

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

Nhãn hiệu tập thể

803

300

313

190

II

Nhãn hiệu chứng nhận

7.947

3.420

2.817

1.710

III

Chỉ dẫn địa Lý

1.018

515

313

190

Dự phòng (10%)

977

424

344

209

TỔNG CỘNG

10.745

4.659

3.787

2.299

 

PHỤ LỤC III.1

DỰ TOÁN KINH PHÍ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ

CHO 01 NHÃN HIỆU TẬP THỂ

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Kinh phí thực hiện

(triệu đồng)

I

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể

 

 

115,00

1

Khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT); gồm: Lập mẫu phiếu (từ trên 30 đến 40 chỉ tiêu); Thuê điều tra viên (khoảng 100 phiếu); Chi cho đối tượng cung cấp thông tin; Nghiên cứu, tổng hợp Báo cáo tổng quan về thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm

Sản phẩm

1

-

2

Xác định phạm vi địa lý bảo hộ, bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, hoàn thiện thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh trình UBND tỉnh phê duyệt để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể

Bản đồ

1

-

3

Nghiên cứu, đánh giá xác định, thành lập tổ chức đứng tên đăng ký nhãn hiệu tập thể

Báo cáo /Hồ sơ

1

-

4

Xây dựng Bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo

1

-

5

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế quản lý và sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo /Quy chế

1

-

6

Thiết kế, tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện mẫu nhãn hiệu tập thể (05 mẫu chọn 01 mẫu)

Mẫu

5

-

7

Tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu tập thể trước khi nộp hồ sơ đăng ký

Kết quả tra cứu

1

-

8

Lập bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể

Bộ hồ sơ

1

-

9

Lệ phí nộp đơn đăng ký và theo đuổi đơn đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Đơn

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

II

Quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu tập thể

 

 

302,18

10

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể

Báo cáo/ Quy trình

1

 

11

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình chuẩn về sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo/ Quy trình

1

-

12

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo /Quy chế

1

-

13

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo /Quy trình

1

-

14

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Mô hình tồ chức quản lý nhãn hiệu tập thể

Báo cáo

1

-

15

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Hệ thống biểu mẫu ghi chép, theo dõi phục vụ hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể

Báo cáo

1

-

16

Hội thảo khoa học để lấy ý kiến hoàn thiện về các quy chế, quy trình, hệ thống nhận diện,... đã được xây dựng (dự kiến thành viên tham dự: 60 người/1HTKH; Thời gian tồ chức 01 hội thảo là 2 buổi)

Hội thảo

3

-

17

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể, hệ thống các quy chế, quy trình,... đã được xây dựng và ban hành (dự kiến 80 người/lớp x 1 lớp)

Lớp

5

-

18

Thử nghiệm đăng ký mã số, mã vạch phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Số lượng tùy theo quy mô từng sản phẩm, dự kiến 20 hộ, cơ sở sản xuất/1 sản phẩm)

Hộ/cơ sở sản xuất

20

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

III

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề

 

 

320,50

19

Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Hệ thống tem - nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, poster, biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, băng rôn, gian hàng trưng bày sản phẩm, hệ thống văn phòng giao dịch, hệ thống biểu mẫu văn phòng,...

Bộ

1

-

20

In ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản/lý và sử dụng nhãn hiệu (tem, nhãn, tờ rơi, poster, sổ tay giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn sử dụng thương hiệu,…)

Bộ

1

-

21

Thiết kế website, thuê tên miền, hosting, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Website

1

-

22

Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Báo cáo

1

-

23

Quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại triển lãm/Hội chợ

Lần

2

-

24

Viết bài đăng báo về làng nghề, sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể

Bài

3

-

25

Phim phóng sự/tư liệu giới thiệu về làng nghề, sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể để giới thiệu, tuyên truyền và đưa lên website...

Video

2

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

IV

Chi phí khác

 

 

65,15

26

Chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN

Người

1

-

27

Thành viên thực hiện chính; thư ký khoa học

Người

-

-

28

Chi quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chi phí đi lại, chi hành chính phát sinh, tiền lương, tiền công phân bổ,...)

Nhiệm vụ KH&CN

1

-

29

Lễ công bố văn bằng bảo hộ và trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể

Hội nghị

1

-

30

Chi Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Cuộc họp

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

TỔNG CỘNG

 

 

803

 

PHỤ LỤC III.2

DỰ TOÁN KINH PHÍ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ

CHO 01 NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Kinh phí thực hiện

(Triệu đồng)

I

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận

 

 

195,00

1

Khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; gồm: Lập mẫu phiếu (từ trên 30 đến 40 chỉ tiêu); Thuê điều tra viên (khoảng 100 phiếu); Chi cho đối tượng cung cấp thông tin; Nghiên cứu, tổng hợp Báo cáo tổng quan về thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm

Sản phẩm

1

-

2

Xác định phạm vi địa lý bảo hộ, bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, hoàn thiện thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh trình UBND tỉnh phê duyệt để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

Bản đồ

1

-

3

Nghiên cứu, đánh giá xác định, thành lập tổ chức đứng tên đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Báocáo/ Hồ sơ

1

-

4

Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Kết quả phân tích

1

-

5

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế quản lý và sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo/ Quy chế

1

-

6

Thiết kế, tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện mẫu nhãn hiệu chứng nhận (05 mẫu chọn 01 mẫu)

Mẫu

5

-

7

Tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận trước khi nộp hồ sơ đăng ký

Kết quả tra cứu

1

-

8

Lập bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Bộ hồ sơ

1

-

9

Lệ phí nộp đơn đăng ký và theo đuổi đơn đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Đơn

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

II

Quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu chứng nhận

 

 

302,18

10

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo/ Quy trình

1

-

11

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình chuẩn về sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo/ Quy trình

1

-

12

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo/ Quy chế

1

-

13

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo/ Quy trình

1

-

14

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo

1

-

15

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Hệ thống biểu mẫu ghi chép, theo dõi phục vụ hoạt động quản lý nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo

1

-

16

Hội thảo khoa học (HTKH) để lấy ý kiến hoàn thiện về các quy chế, quy trình, hệ thống nhận diện,... đã được xây dựng (Dự kiến thành viên tham dự: 60 người/1HTKH. Thời gian tổ chức 01 hội thảo là 2 buổi)

Hội thảo

3

-

17

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận, hệ thống các quy chế, quy trình,... đã được xây dựng và ban hành (dự kiến 80 người/ lớp)

Lớp

5

-

18

Thử nghiệm đăng ký mã số, mã vạch phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Số lượng tùy theo quy mô từng sản phẩm, dự kiến 20 hộ, cơ sở sản xuất/1 sản phẩm)

Hộ/cơ sở sản xuất

20

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

III

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề

 

 

320,50

19

Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Hệ thống tem - nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, poster, biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, băng rôn, gian hàng trưng bày sản phẩm, hệ thống văn phòng giao dịch, hệ thống biểu mẫu văn phòng,...

Bộ

1

-

20

In ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng nhãn hiệu (tem, nhãn, tờ rơi, poster, sổ tay giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn sử dụng thương hiệu,...)

Bộ

1

-

21

Thiết kế website, thuê tên miền, hosting, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Website

1

-

22

Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận

Báo cáo

1

-

23

Quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại triển lãm/Hội chợ

Lần

2

-

24

Viết bài đăng về làng nghề, sản phẩm mang nhãn chứng nhận

Bài

3

-

25

Phim phóng sự/tư liệu giới thiệu về làng nghề, sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận để giới thiệu, tuyên truyền và đưa lên website...

Video

2

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

IV

Chi phí khác

 

 

65,15

26

Chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN

Người

1

-

27

Thành viên thực hiện chính; thư ký khoa học

Người

-

-

28

Chi quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chi phí đi lại, chi hành chính phát sinh, tiền lương, tiền công phân bổ,...)

Nhiệm vụ KH&CN

1

-

29

Lễ công bố văn bằng bảo hộ và trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Hội nghị

1

-

30

Chi Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Cuộc họp

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

TỔNG CỘNG

 

 

883

 

PHỤ LỤC III.3

DỰ TOÁN KINH PHÍ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ QUẢNG BÁ

CHO 01 CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Kinh phí thực hiện

(Triệu đồng)

I

Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý

 

 

295,00

1

Khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến SHTT phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; gồm: Lập mẫu phiếu (từ trên 30 đến 40 chỉ tiêu); Thuê điều tra viên (khoảng 100 phiếu); Chi cho đối tượng cung cấp thông tin; Nghiên cứu, tổng hợp Báo cáo tổng quan về thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm,...

Sản phẩm

01

-

2

Xác định phạm vi địa lý bảo hộ, bản đồ vùng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, hoàn thiện thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh trình UBND tỉnh phê duyệt để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bản đồ

1

-

3

Nghiên cứu, đánh giá xác định tổ chức đứng tên đăng ký chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Hồ sơ

1

-

4

Phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Kết quả phân tích

1

-

5

Phân tích các yếu tố tự nhiên tạo nên tính đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Kết quả phân tích

1

-

6

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế quản lý và sử dụng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Quy chế

1

-

7

Thiết kế, tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện mẫu chỉ dẫn địa lý (05 mẫu chọn 01 mẫu)

Mẫu

5

-

8

Tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trước khi nộp hồ sơ đăng ký

Kết quả tra cứu

1

-

9

Lập bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý

Bộ hồ sơ

1

-

10

Lệ phí nộp đơn đăng ký và theo đuổi đơn đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Đơn

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

II

Quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ của chỉ dẫn địa lý

 

 

337,24

11

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Quy trình

1

-

12

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình chuẩn về sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Quy trình

1

-

13

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Quy chế

1

-

14

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Quy trình kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Báo cáo/ Quy trình

1

 

15

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý

Báo cáo

1

-

16

Dự thảo, báo cáo hiệu chỉnh và hoàn thiện Hệ thống biểu mẫu ghi chép, theo dõi phục vụ hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý

Báo cáo

1

-

17

Hội thảo khoa học để lấy ý kiến hoàn thiện về các quy chế, quy trình, đánh giá cảm quan sản phẩm, hệ thống nhận diện,... đã được xây dựng (Dự kiến thành viên tham dự: 60 người/1HT; Thời gian 01 hội thảo tổ chức 2 buổi)

Hội thảo

4

-

18

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, hệ thống các quy chế, quy trình,... đã được xây dựng và ban hành (dự kiến 80 người/ lớp)

Lớp

5

-

19

Thử nghiệm đăng ký mã số, mã vạch phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Số lượng tùy theo quy mô từng sản phẩm, dự kiến 20 hộ, cơ sở sản xuất/1 sản phẩm)

Hộ/cơ sở sản xuất

20

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

III

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

 

 

320,50

20

Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Hệ thống tem - nhãn, bao bì sản phẩm, tờ rơi, poster, biển hiệu cửa hàng, biển quảng cáo, băng rôn, gian hàng trưng bày sản phẩm, hệ thống văn phòng giao dịch, hệ thống biểu mẫu văn phòng,...

Bộ

1

-

21

In ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý (tem, nhãn, tờ rơi, poster, sổ tay giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn sử dụng thương hiệu,...)

Bộ

1

-

22

Thiết kế website, thuê tên miền, hosting, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Website

1

-

23

Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Báo cáo

1

-

24

Quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại triển lãm/Hội chợ

Lần

2

-

25

Viết bài đăng báo về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Bài

3

-

26

Phim phóng sự tư liệu giới thiệu về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý để giới thiệu, tuyên truyền và đưa lên website…

Video

2

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

IV

Chi phí khác

 

 

65,15

27

Chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN

Người

1

-

28

Thành viên thực hiện chính; thư ký khoa học

Người

-

-

29

Chi quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chi phí đi lại, chi hành chính phát sinh, tiền lương, tiền công phân bổ,...)

Nhiệm vụ KH&CN

1

-

30

Lễ công bố văn bằng bảo hộ và trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Hội nghị

1

-

31

Chi Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Cuộc họp

1

-

 

Các nội dung khác (nếu có)

-

-

-

TỔNG CỘNG

 

 

1.018

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác