280475

Quy chế 1082/QCPH-ĐS-KL năm 2015 phối hợp giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Kiểm lâm kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên đường sắt quốc gia

280475
LawNet .vn

Quy chế 1082/QCPH-ĐS-KL năm 2015 phối hợp giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Kiểm lâm kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên đường sắt quốc gia

Số hiệu: 1082/QCPH-ĐS-KL Loại văn bản: Quy chế
Nơi ban hành: Cục Kiểm lâm Người ký: Đỗ Trọng Kim
Ngày ban hành: 06/05/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 1082/QCPH-ĐS-KL
Loại văn bản: Quy chế
Nơi ban hành: Cục Kiểm lâm
Người ký: Đỗ Trọng Kim
Ngày ban hành: 06/05/2015
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI – BỘ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TCT ĐƯỜNG SẮT VN -
CỤC KIỂM LÂM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1082/QCPH-ĐS-KL

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2015

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM VÀ CỤC KIỂM LÂM TRONG KIỂM TRA VIỆC VẬN CHUYỂN LÂM SẢN TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Luật Đường sắt năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty ĐSVN;

Căn cứ Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;

Căn cứ Quyết định số 5350/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm;

Căn cứ Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Kiểm lâm thống nhất ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên đường sắt quốc gia, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm của các cơ quan Kiểm lâm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (sau đây viết tắt là TTATGT) và vận chuyển lâm sản trên đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các công chức, viên chức, người lao động thuộc lực lượng Kiểm lâm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các Doanh nghiệp vận tải trên đường sắt quốc gia.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Công tác phối hợp kiểm tra lâm sản giữa các cơ quan Kiểm lâm và Đường sắt phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ cũng như hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Chủ động, thống nhất, kịp thời trong công tác chỉ đạo phối hợp kiểm tra, điều tra, xác minh và xử lý vi phạm vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên tuyến đường sắt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT đường sắt và quản lý lâm sản trong lưu thông.

3. Khi thi hành công vụ kiểm tra lâm sản, công chức, nhân viên hai ngành Kiểm lâm, Đường sắt phải mặc đồng phục, đeo phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định của mỗi ngành.

4. Thực hiện chế độ bảo mật thông tin, hồ sơ, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Xây dựng chương trình công tác phối hợp

Chương trình công tác phối hợp hàng năm do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Kiểm lâm luân phiên chủ trì xây dựng, lấy ý kiến tham gia của đơn vị phối hợp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo chương trình công tác, đơn vị phối hợp có trách nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến bằng văn bản gửi đơn vị chủ trì để bổ sung, hoàn chỉnh; lãnh đạo hai đơn vị ký ban hành.

Điều 5. Phối hợp trao đổi thông tin

1. Việc trao đổi thông tin thực hiện duy trì thường xuyên thông qua các phòng, ban chức năng của Cục Kiểm lâm và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Thông tin đảm bảo chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước có liên quan. Thông tin trao đổi được thực hiện bằng văn bản, trao đổi trực tiếp, qua phương tiện thông tin liên lạc; trường hợp đột xuất, hai bên cử đại diện liên hệ và thông báo trước nội dung, thành phần và địa điểm làm việc.

2. Cục Kiểm lâm và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo kịp thời cho nhau biết về các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế của mỗi ngành có liên quan đến việc vận chuyển lâm sản.

Điều 6. Qui định phối hợp kiểm tra lâm sản vận chuyển

1. Đối với lâm sản có ký hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt:

Việc kiểm tra chỉ được thực hiện tại ga xếp hoặc ga dỡ hàng. Khi có thông tin trong khu vực nhà ga hoặc trên toa tàu cất giữ lâm sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Kiểm lâm, Trưởng ga, Trưởng tàu, Lái tàu phụ trách đoàn tàu phối hợp tổ chức lực lượng kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Đối với lâm sản không có hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt:

Việc kiểm tra được thực hiện trên tất cả các tàu và các ga có quy định đỗ tàu.

Khi lực lượng Kiểm lâm có thông tin hoặc trinh sát phát hiện trên tàu có vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Trưởng ga, Trưởng tàu, Lái tàu phụ trách đoàn tàu tổ chức kiểm tra tại ga có quy định đỗ tàu hoặc ga tàu đỗ tiếp theo không ràng buộc ranh giới lãnh thổ hành chính giữa các địa phương huyện, tỉnh, thành phố.

3. Trường hợp cần phải dừng tàu, cắt toa để kiểm tra lâm sản thì Cục trưởng Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ra lệnh dừng tàu, cắt toa. Khi nhận được Lệnh của Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì Trưởng ga, Trưởng tàu, Lái tàu phụ trách đoàn tàu có trách nhiệm dừng tàu, cắt toa để phối hợp kiểm tra lâm sản. Mọi trường hợp dừng tàu, cắt toa để kiểm tra phải được lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và hoạt động giao thông vận tải.

Trường hợp tạm giữ lâm sản vi phạm, người ra quyết định tạm giữ phải có trách nhiệm tổ chức bảo quản lâm sản đó; không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và hoạt động giao thông vận tải.

4. Nội dung kiểm tra lâm sản vận chuyển trên tuyến đường sắt:

Kiểm tra hồ sơ lâm sản và thực tế lâm sản vận chuyển theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản (sau đây viết tắt là Thông tư 01), Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 (sau đây viết tắt là Thông tư 42) và Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư 83).

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan Kiểm lâm

1. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua phối hợp với đơn vị Đường sắt tại địa phương tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trực thuộc phối hợp với đơn vị Đường sắt tại địa phương có tuyến đường sắt đi qua xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế.

Khi nhận được tin báo của các đơn vị ngành Đường sắt về các hành vi vận chuyển, mua, bán, cất giữ lâm sản trái phép trong phạm vi quản lý của nhà ga hoặc trên các toa tàu, cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm triển khai lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Thông báo kết quả xử lý và thanh toán chi phí vụ việc cho đơn vị Đường sắt theo quy định của nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

1. Khi có lệnh dừng tàu, cắt toa để kiểm tra của Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì Tổng công ty đường sắt Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị Đường sắt phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan quản lý cấp trên và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

2. Chỉ đạo các đơn vị đường sắt phối hợp với cơ quan Kiểm lâm nơi có đường sắt đi qua xây dựng kế hoạch triển khai Quy chế này.

3. Các đơn vị Đường sắt có thông tin lâm sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại khu vực nhà ga hoặc phát hiện lâm sản trái phép trên tàu có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan Kiểm lâm địa phương để phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Ký hợp đồng vận chuyển lâm sản với người thuê vận tải khi có đủ hồ sơ lâm sản hợp pháp (bản gốc hoặc bản phô tô có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) theo quy định tại các Thông tư 01, Thông tư 42 và Thông tư 83.

2. Không nhận hợp đồng vận chuyển lâm sản khi không có đầy đủ hồ sơ lâm sản theo quy định của Nhà nước (kể cả trường hợp nộp bản phô tô hồ sơ nguồn gốc lâm sản) hoặc hồ sơ lâm sản không phù hợp với lâm sản thực tế (do người thuê vận tải kê khai, cung cấp).

3. Có trách nhiệm bảo quản đầy đủ hồ sơ lâm sản, các giấy tờ (do người thuê vận tải giao cho doanh nghiệp) và hóa đơn gửi hàng hóa kèm theo toa xe hàng.

4. Khi phát hiện hoặc có thông tin lâm sản trái phép trên tàu thì Trưởng tàu, Lái tàu phụ trách đoàn tàu phải thông báo ngay cho Trưởng ga để phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tại địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Chế độ báo cáo, giao ban

1. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Kiểm lâm thực hiện luân phiên và đồng chủ trì tổ chức hội nghị giao ban.

a) Hội nghị giao ban được thực hiện vào tháng 12 của năm. Căn cứ nhiệm vụ, tình hình cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất do đơn vị chủ trì chuẩn bị.

b) Nội dung và địa điểm giao ban, sơ kết, tổng kết do đơn vị chủ trì chuẩn bị, đơn vị còn lại phối hợp.

c) Tuần đầu tháng 12 hàng năm, Chi cục Kiểm lâm nơi có đường sắt đi qua báo cáo về Cục Kiểm lâm; các đơn vị Đường sắt báo cáo về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về kết quả phối hợp thực hiện Quy chế này.

2. Giao Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm) và Ban Bảo vệ An ninh - Quốc phòng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) là đầu mối thường trực thực hiện Quy chế này

Chương III

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Qui định liên ngành số 196/QĐLN ngày 10/8/1996 về phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lâm sản trên tuyến đường sắt.

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan Kiểm lâm và Đường sắt tại địa phương kịp thời báo cáo về Cục Kiểm lâm và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để được hướng dẫn giải quyết./.

 

PHÓ CỤC TRƯỞNG
PHỤ TRÁCH CỤC




Đỗ Trọng Kim

KT. TỔNG GIÁM ĐÔC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đoàn Duy Hoạch

 

Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải, Bộ (để báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp&PTNT (để báo cáo)
- Văn phòng BGTVT;
- Văn phòng Bộ NN&PTNT;
- Tổng Cục Lâm nghiệp;
- Tổng công ty ĐSVN;
- Cục Kiểm lâm;
- Chi cục KL các tỉnh có đường sắt đi qua;
- Các Cty TNHH MTV VTĐS;
- Các Chi nhánh KTĐS;
- Lưu: VT, TCT ĐSVN, Cục KL.

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác