527967

Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 do Chính phủ ban hành

527967
LawNet .vn

Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 do Chính phủ ban hành

Số hiệu: 111/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phạm Bình Minh
Ngày ban hành: 30/08/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 111/NQ-CP
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Phạm Bình Minh
Ngày ban hành: 30/08/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/NQ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 8 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 24 tháng 8 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

I. Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và tiếp tục được kế thừa, phát triển tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều thời gian, nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng này với quan điểm, yêu cầu có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt, triển khai hiệu quả và phải làm thường xuyên, liên tục, tập trung tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật, tạo không gian và động lực cho phát triển, phân bổ và phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và vận hành các quan hệ kinh tế theo cơ chế thị trường, phục vụ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ luôn bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm túc, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, ưu tiên dành nhiều thời gian cho các Phiên họp Chuyên đề về xây dựng pháp luật. Trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong Kế hoạch1 và Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 và chuẩn bị cho các năm tiếp theo; đã nhận diện, tháo gỡ, xử lý nhiều vướng mắc, điểm nghẽn thể chế từ thực tiễn, góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề lớn về thể chế, pháp luật vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, tạo không gian, nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu của quốc gia, triển khai các chính sách an sinh xã hội...

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có bước chuyển biến tích cực, thực chất về chất lượng, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, thời gian, tiến độ trình các văn bản quy phạm pháp luật.

II. Tại Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 4 dự án Luật hết sức quan trọng, là các dự án Luật lớn, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm cao, cơ bản bảo đảm chất lượng các dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Thành viên Chính phủ, cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm, góp ý hoàn thiện nhiều vấn đề tâm huyết, sâu sắc, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện các dự án Luật trình Chính phủ tại Phiên họp này và các dự án Luật đang xây dựng, trình Chính phủ với yêu cầu:

- Bám sát chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kế hoạch, Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, hoàn thiện đồng bộ các dự án Luật giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra phù hợp với tình hình của đất nước; nhất quán tư duy cải cách thể chế, xây dựng pháp luật tạo hành lang pháp lý, tạo không gian phát triển, dẫn dắt, tạo động lực, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, đánh giá, xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, khách quan, khoa học.

- Tập trung rà soát kỹ nội dung, đối tượng điều chỉnh các dự án Luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, nâng cao khả năng quản lý và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; có công cụ cần thiết, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, phát triển ổn định, bền vững; không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường cho phát triển kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm quyền thụ hưởng thành quả của đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân.

- Hoàn thiện các quy định phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý nhà nước gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, cấp dưới không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên không làm thay cấp dưới. Chính phủ, các cơ quan Trung ương tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế đầy đủ các công cụ cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý vi phạm tránh trực tiếp giải quyết sự vụ, công việc đã phân cấp cho cấp dưới.

- Hoàn thiện toàn diện các quy định về nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, quy định rõ trách nhiệm, minh bạch trong thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, kể cả tham nhũng vặt trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tạo thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

- Rà soát kỹ các quy định về áp dụng pháp luật, chuyển tiếp áp dụng pháp luật, không để khoảng trống pháp luật, vướng mắc, bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện như trong thời gian qua.

- Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Chính phủ, Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, góp ý của các Bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện toàn diện các dự án Luật, thống nhất các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất các dự án Luật trình Quốc hội; chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đối tượng tác động, nhà quản lý có kinh nghiệm, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung, nâng cao chất lượng dự án Luật; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận; giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

- Về hoàn thiện các quy định liên quan trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tính đặc thù về quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế, trang thiết bị dạy và học, sách giáo khoa... trong thời gian sửa đổi, bổ sung các Luật: giao các bộ quản lý nhà nước khẩn trương đề xuất Chính phủ các giải pháp chính sách, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ để giải quyết ngay, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; yêu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh trong năm học mới.

- Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công theo dõi các lĩnh vực, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ, khẩn trương trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

III. Về các Dự án Luật trình Chính phủ tại Phiên họp, Chính phủ quyết nghị:

1. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi):

Việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính;

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai, các Luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan;

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của dự thảo Luật, cụ thể như sau:

- Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63, 64, 65): rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

- Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất (Điều 67, Điều 68): Cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.

- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 146): Thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

- Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 214): Việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

- Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động (Điều 94): Đây là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể.

- Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai (Điều 168): Việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh hoặc Chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, chính sách hỗ trợ khác của nhà nước... là cần thiết. Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, không rườm rà để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin-cho”.

- Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” (Điều 198, Điều 212): Quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

- Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (Điều 66): Nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết số 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng (khoản 1 Điều 66) thì cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng; đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng...

- Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 6, Điều 206): Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ, hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính kế thừa các quy định hợp lý hiện hành, phù hợp, không có vướng mắc về tiếp cận đất đai, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật đầu tư, nhà ở và pháp luật liên quan.

- Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản (Điều 211): Đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật, nhằm tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí, tác động tiêu cực đến quyền tài sản hợp pháp của người dân, đồng thời cần nghiên cứu quy định nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Nội dung này cần quy định thống nhất với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

- Về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 105): Cần làm rõ chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất và chức năng của Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp trong tạo lập, cung cấp quỹ đất cho nhà đầu tư. Cân nhắc thống nhất hai tổ chức trên vào một và giao Chính phủ quy định, dứt khoát không quy định cụ thể tổ chức bộ máy trong Luật. Nguồn vốn của Quỹ phát triển đất thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ về vấn đề này.

- Về ý kiến khác của Thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng như: nguyên tắc áp dụng pháp luật, tiêu chí, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, phân cấp, phân quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất và chế độ tài chính đối với đất đai, vấn đề sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, đất cảng hàng không, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai, xử lý chuyển tiếp áp dụng luật... cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại Phiên họp, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, giải quyết vướng mắc trong thực tế.

Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ba kỳ họp. Kỳ họp thứ 4 là kỳ họp đầu tiên Quốc hội cho ý kiến, vì vậy các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến đối với dự thảo Luật về Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trong quá trình Quốc hội cho ý kiến; chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội; những vấn đề quan trọng, nội dung mới, phức tạp mà Nghị quyết 18-NQ/TW chưa có chủ trương cần nghiên cứu kỹ, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật.

2. Dự án Luật Giá (sửa đổi):

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật này. Đây là dự án Luật khó do giá cả của hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thường biến động nhanh, điều này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiều chính sách, vấn đề tại dự án Luật cần nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện trên nhiều yếu tố, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự án Luật này bám sát các nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu sau:

- Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và địa phương để linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong tổ chức thực hiện, gắn với tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành; đồng thời tiếp tục kế thừa những quy định đang thực hiện ổn định, khả thi nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành.

- Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; nhưng cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Có giải pháp linh hoạt trong điều hành để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời thiết kế công cụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý giá.

Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, chỉnh lý một số quy định của dự án Luật theo hướng sau đây:

- Về thẩm quyền, trách nhiệm định giá: Luật này quy định thẩm quyền định giá hàng hóa, dịch vụ đối với (1) Bộ, cơ quan ngang Bộ, (2) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉ xem xét giao thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng, tác động đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân như giá điện. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các Luật chuyên ngành liên quan, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành đánh giá tác động toàn diện, hoàn thiện quy định về thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi phân cấp cho bộ, địa phương, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Về thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá: tiếp tục nghiên cứu phương án quy định nguyên tắc, tiêu chí, quy trình trong Luật, bảo đảm tính minh bạch; giao Chính phủ ban hành Danh mục và quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục để bảo đảm linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường.

- Về hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ đề xuất bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục hiện hành: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá tác động, yêu cầu quản lý đối với việc bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục; đánh giá tác động ưu điểm, nhược điểm, bảo đảm tính khả thi, giảm thủ tục hành chính... (nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: điện, dịch vụ sử dụng đường bộ, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhà ở xã hội, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích...).

- Về quỹ bình ổn giá: hoàn thiện quy định về quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng chiến lược, tác động đến kinh tế vĩ mô, theo nguyên tắc phục vụ quản lý, điều tiết giá chung của Nhà nước và giao Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt trong điều hành, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ.

- Về hiệp thương giá: tiếp tục quy định về hiệp thương giá tại Luật giá (sửa đổi) nhằm điều chỉnh các tình huống phát sinh, có tính chất đặc thù, doanh nghiệp không thống nhất được giá mua, bán.

- Hoàn thiện quy định điều kiện về vốn điều lệ đối với doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để phù hợp với bản chất của loại hình dịch vụ này. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, các hành vi bị nghiêm cấm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá, trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp... nhằm quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp thẩm định giá.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật về: thẩm quyền, trách nhiệm định giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; Hội nghề nghiệp về thẩm định giá; kiểm tra, giám sát kết quả thẩm định giá và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, hoạt động thẩm định giá, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tích cực, chuẩn bị kỹ nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài chính trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

3. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi):

Chính phủ thống nhất với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; Hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, giải quyết triệt để các bất cập của Luật hiện hành; quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn vốn, tài sản nhà nước nhưng đồng thời bảo đảm phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện thuận lợi, thông suốt; đồng thời có công cụ giám sát, kiểm tra.

Chính phủ cơ bản tán thành nội dung dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung:

- Thống nhất phương án xác định phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, làm căn cứ hoàn thiện hai dự án Luật này. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định của hai Luật theo đúng phạm vi điều chỉnh đã được xác định, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.

- Cơ bản thống nhất với phương án xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo quy định tại khoản 1 điều 88 Luật Doanh nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ quan điểm, yêu cầu, phạm vi quản lý vốn nhà nước tại DNNN, đánh giá tác động thêm yêu cầu quản lý hoạt động đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn chi phối của DNNN, hoàn thiện đồng bộ quy định liên quan, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng phải có cơ chế tạo chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với DNNN.

- Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định cụ thể về bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, công khai, đánh giá hiệu quả kinh tế tổng thể trong hoạt động đấu thầu; quy định chặt chẽ khắc phục triệt để tình trạng đấu thầu hình thức, thông thầu, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; ngăn chặn, xử lý hiệu quả vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

- Hoàn thiện các quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, phân định rõ các hình thức, các trường hợp được áp dụng; đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, các khâu trung gian, rõ thẩm quyền, trách nhiệm quyết định áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện quy định về phân cấp theo hướng cấp nào quyết định đầu tư thì cấp đó có có quyền và trách nhiệm quyết định chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu hoặc được phân cấp, ủy quyền phù hợp cho cấp dưới; hoàn thiện quy định về chỉ định thầu đối với dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay, các gói thầu tư vấn, tái định cư, di dời công trình trong vùng dự án, gói thầu mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, yêu cầu bảo vệ an ninh, quốc phòng, các trường hợp cấp bách khác...;

- Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt hoàn thiện quy định theo hướng: Luật quy định điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền; Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định danh mục và quy trình lựa chọn đối với các gói thầu mua sắm thường xuyên áp dụng chung trên cả nước; Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đối với dự án, gói thầu quy mô lớn, liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ; người có thẩm quyền sẽ quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

4. Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi):

Chính phủ thống nhất sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW2; khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 20123, hoàn thiện thể chế thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển các Tổ chức kinh tế hợp tác, giữ bản chất hợp tác của kinh tế hợp tác, HTX; tiếp thu, thể chế hóa các mô hình HTX kiểu mới thành công ở nước ta, các mô hình HTX, kinh tế hợp tác thành công trên thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực phát triển HTX của Liên minh HTX quốc tế (ICA).

Chính phủ thông qua dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung:

- Về tên gọi dự án Luật: trình Quốc hội hai phương án: đổi tên dự án Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) để bảo đảm phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường hiện đại; dần xóa bỏ định kiến đối với HTX kiểu cũ, phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQ/TW; và Phương án giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã như ý kiến của một số bộ, cơ quan liên quan.

- Về các vấn đề: bổ sung quy định về Tổ hợp tác (THT), Liên đoàn HTX, tỷ lệ trích một phần lợi nhuận hằng năm đưa vào quỹ chung không chia đối với các Tổ chức kinh tế hợp tác, đã được Thành viên Chính phủ thống nhất và các vấn đề khác theo ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến Văn phòng Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm khả thi, đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với đối tượng, chủ thể thực hiện Luật này.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ quyết nghị, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Liên Minh HTX Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg;
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, PL (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

 



1 Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

2 Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

3 Đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm; Số lượng thành viên bị sụt giảm đáng kể; Quy mô HTX nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động của HTX còn thấp; Công tác quản lý nhà nước bộc lộ nhiều bất cập; Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa hiệu quả, nguồn lực còn hạn chế, dàn trải; Nhận thức về vai trò, vị trí của KTTT, bản chất của HTX trong xã hội còn hạn chế.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác