52935

Nghị định 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

52935
LawNet .vn

Nghị định 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Số hiệu: 37/2005/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 18/03/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 24/03/2005 Số công báo: 21-21
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 37/2005/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 18/03/2005
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 24/03/2005
Số công báo: 21-21
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 37/2005/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH THỦ TỤC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (gọi tắt là cưỡng chế hành chính) đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định nêu trên mà không tự nguyện chấp hành.

Điều 2. Các biện pháp cưỡng chế hành chính

Các biện pháp cưỡng chế hành chính bao gồm:

1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

2. Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

3. Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

Điều 3. Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế hành chính

1. Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính khấu trừ tiền, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, đơn vị đó.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.

3. Đối với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế bằng tiền, tài sản của tổ chức đó, trừ tài sản mà theo quy định của pháp luật không được sử dụng để chịu trách nhiệm dân sự.

4. Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.

5. Đối với các doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã) thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp đó.

Điều 4. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hành chính

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính quy định tại Điều 2 của Nghị định này và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

2. Trưởng công an cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh thuộc Bộ Công an;

3. Trưởng đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;

4. Cục trưởng Cục Hải quan cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

5. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

6. Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế;

7. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường;

8. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp Sở, Chánh Thanh tra chuyên ngành Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

9. Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà, Trưởng phòng thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng phòng thi hành án Quân khu và cấp tương đương.

Điều 5. Nguyên tắc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới

Những người quy định tại Điều 4 Nghị định này có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới trong các trường hợp sau:

1. Cấp dưới không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế;

2. Cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế;

3. Việc thi hành quyết định xử phạt liên quan đến nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hoặc cá nhân bị cưỡng chế là những người có chức sắc tôn giáo, có uy tín trong xã hội, cấp trên xét thấy cần thiết phải ra quyết định cưỡng chế.

Điều 6. Quyết định cưỡng chế hành chính

1. Việc cưỡng chế hành chính chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế hành chính của người có thẩm quyền quy định tại Điều 4 của Nghị định này. Quyết định cưỡng chế hành chính bao gồm những nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện; cơ quan được giao chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trước khi thi hành. Quyết định cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân cấp dưới phải gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định này thì quyết định phải được gửi cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành để phối hợp thực hiện.

Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cá nhân, tổ chức có liên quan 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế hành chính

1. Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó.

2. Đối với quyết định cưỡng chế hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng thuộc Uỷ ban nhân dân mà phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trong trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà quyết định giao cho cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế cho phù hợp.

3. Các tổ chức và cá nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế hành chính.

Điều 8. Bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thực hiện cưỡng chế

1. Cơ quan được giao chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo đảm trật tự trong quá trình cưỡng chế. Trường hợp nếu thấy cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành cưỡng chế thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan Công an cùng cấp 5 ngày trước khi thực hiện thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng.

2. Khi có yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bố trí lực lượng ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế hành chính.

Điều 9. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế hành chính

1. Quyết định cưỡng chế hành chính có hiệu lực thi hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày ra quyết định.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh, trì hoãn được chấm dứt.

3. Đối với trường hợp cưỡng chế hành chính - buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 2:

THỦ TỤC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ HÀNH CHÍNH ĐỂ THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

MỤC A: BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ KHẤU TRỪ MỘT PHẦN LƯƠNG HOẶC MỘT PHẦN THU NHẬP

Điều 10. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập

Cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập khi:

1. Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng có thời hạn từ 6 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn;

2. Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng trợ cấp hưu trí hoặc mất sức hàng tháng.

Điều 11. Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân

1. Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ, lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước nhận tiền, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Quyết định trên được gửi đến cá nhân bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và các cơ quan có liên quan.

Điều 12. Tỷ lệ khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân

1. Chỉ khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt của người có thẩm quyền.

2. Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức đối với cá nhân không quá ba mươi phần trăm (30%) trên tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người đó (nhưng không quá 50% tổng số thu nhập).

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ

1. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

2. Ngay khi đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước đã ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền lương biết.

3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ của cơ quan có thẩm quyền thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

MỤC B: BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ KHẤU TRỪ TIỀN TỪ TÀI KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG

Điều 14. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng

Áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng đối với cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế khi:

1. Cá nhân có tiền gửi tại ngân hàng ở Việt Nam (trừ trường hợp đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập);

2. Tổ chức có tiền gửi tại ngân hàng ở Việt Nam.

Điều 15. Xác minh thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế

1. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng có quyền thu thập, xác minh và yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.

2. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng về ngân hàng nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại ngân hàng khi có yêu cầu.

Điều 16. Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng

1. Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; số tiền bị khấu trừ, họ tên, số tài khoản của cá nhân, tổ chức bị khấu trừ; tên, địa chỉ ngân hàng nơi người bị áp dụng khấu trừ mở tài khoản; tên, địa chỉ, số tài khoản của Kho bạc Nhà nước, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ từ ngân hàng đến kho bạc; thời hạn thi hành và phải được người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng ký tên và đóng dấu.

2. Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng được gửi cho cá nhân, tổ chức bị khấu trừ, ngân hàng nơi tổ chức, cá nhân bị áp dụng khấu trừ có tiền gửi tại ngân hàng và các cơ quan có liên quan 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

3. Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế khấu trừ có trách nhiệm yêu cầu ngân hàng nơi mình mở tài khoản chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế khấu trừ. Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên theo quy định tại Mục C Chương II Nghị định này.

Điều 17. Trách nhiệm của ngân hàng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản

1. Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại ngân hàng mình khi có yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng.

2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế khấu trừ ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thông báo cho chủ tài khoản biết. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền của chủ tài khoản là cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, ngân hàng có trách nhiệm chuyển số tiền của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế sang tài khoản của kho bạc nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền; đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế khấu trừ và cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế khấu trừ biết.

3. Trường hợp trong tài khoản không còn số dư hoặc còn nhưng không đủ để thi hành thì cơ quan ngân hàng sau khi khấu trừ số tiền hiện có phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng biết để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên theo quy định tại Mục C Chương II Nghị định này.

4. Nếu trong tài khoản của cá nhân, tổ chức còn số dư mà ngân hàng không thực hiện việc trích tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế khấu trừ của người có thẩm quyền thì ngân hàng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Điều 18. Thủ tục thu tiền khấu trừ

1. Việc khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hành chính được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định hiện hành. Chứng từ thu sử dụng để khấu trừ tiền lương hoặc thu nhập được gửi cho các bên có liên quan.

2. Sau khi thu tiền, Kho bạc Nhà nước nơi nhận tiền khấu trừ có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

MỤC C: BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ KÊ BIÊN TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ TƯƠNG ỨNG VỚI SỐ TIỀN PHẠT ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ

Điều 19. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá

Chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá đối với cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế khi:

1. Cá nhân là lao động tự do không có cơ quan, tổ chức quản lý lương, quản lý thu nhập cố định.

2. Cá nhân, tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại ngân hàng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng.

3. Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khấu trừ hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ, không thanh toán chi phí cưỡng chế.

Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Điều 20. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản; số tiền bị xử phạt; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Việc kê biên tài sản phải được thông báo cho cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế kê biên 5 ngày, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên.

Điều 21. Những tài sản sau đây không được kê biên

1. Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

2. Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

3. Đồ dùng thờ cúng thông thường; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

4. Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.

Điều 22. Thủ tục thực hiện biện pháp kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày (từ 8 giờ đến 17 giờ).

2. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên.

3. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

4. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế.

Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.

5. Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Điều 23. Biên bản kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế); mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên.

2. Người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế) ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản kê biên tài sản.

Điều 24. Giao bảo quản tài sản kê biên

1. Người chủ trì thực hiện kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:

a) Giao cho người bị cưỡng chế, thân nhân của người bị cưỡng chế hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản;

b) Giao cho một trong những đồng sở hữu chung bảo quản nếu tài sản đó thuộc sở hữu chung;

c) Giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản.

2. Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho kho bạc nhà nước quản lý; đối với các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý.

3. Khi giao bảo quản tài sản kê biên, người chủ trì thực hiện kê biên phải lập biên bản ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao bảo quản; họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản.

Người chủ trì thực hiện kê biên, người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ một bản.

4. Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

5. Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Định giá tài sản kê biên

1. Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên (trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá).

2. Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thoả thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thoả thuận về giá không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản được kê biên.

Đối với tài sản kê biên có giá trị dưới 500.000 đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng, nếu các bên không thoả thuận được với nhau về giá thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm định giá.

3. Trường hợp tài sản kê biên có giá trị từ 500.000 đồng trở lên thuộc loại khó định giá hoặc các bên không thoả thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, trong đó người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá. Cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức có tài sản bị kê biên được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá.

Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do nhà nước quy định.

4. Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản.

Điều 26. Thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.

3. Việc thành lập Hội đồng định giá ở các cơ quan Trung ương do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan.

Điều 27. Nhiệm vụ của Hội đồng định giá

1. Nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức và nội dung cuộc họp Hội đồng định giá.

2. Chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc định giá.

3. Tiến hành định giá tài sản.

4. Lập biên bản định giá.

Điều 28. Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá

1. Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, căn cứ vào giá trị tài sản được xác định theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định kê biên, người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với các tổ chức có chức năng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản đã kê biên có giá trị đã định dưới 10.000.000 đồng thì người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá;

b) Đối với tài sản đã kê biên có giá trị đã định trên 10.000.000 đồng thì người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi có tài sản để tổ chức bán đấu giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá các tài sản quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này.

3. Việc chuyển giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

4. Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hoá cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan tài chính cấp huyện không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

5. Khi tài sản kê biên đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản.

6. Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán trước cho người đồng sở hữu.

7. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho người, tổ chức bị cưỡng chế.

Điều 29. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản

1. Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:

a) Bản sao quyết định cưỡng chế hành chính bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá;

b) Biên bản bán đấu giá tài sản;

c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

MỤC D: BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ ĐỂ TỊCH THU TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 30. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính khi nhận được quyết định về việc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính phải tự nguyện giao tang vật, phương tiện đó hoặc chấp hành việc thu hồi tang vật, phương tiện của cơ quan và người có thẩm quyền. Trường hợp không giao nộp hoặc chỉ giao nộp một phần tang vật, phương tiện bị tịch thu thì bị cưỡng chế hành chính.

Điều 31. Quyết định cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

Việc cưỡng chế phải có quyết định bằng văn bản. Trong quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm; tên tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tịch thu; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

Quyết định cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được gửi đến cá nhân, tổ chức sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

Điều 32. Tổ chức thi hành cưỡng chế

1. Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.

2. Khi cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

3. Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản. Trong biên bản cần ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế; cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương nơi tiến hành cưỡng chế, người chứng kiến; tên tang vật, phương tiện bị tịch thu, tình trạng tang vật, phương tiện.

4. Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

5. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Chương 3:

THỦ TỤC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ ĐỂ THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH GÂY RA

Điều 33. Quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra

Việc cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải có quyết định cưỡng chế bằng văn bản. Trong quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cá nhân, cơ quan có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

Quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện.

Điều 34. Tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế

1. Khi nhận được quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

2. Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.

3. Khi thực hiện cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

4. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

5. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

Quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận (trừ trường hợp có lý do chính đáng) thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại ngân hàng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.

Điều 35. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra

1. Việc thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được lập biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một bản. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.

2. Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Chương 4:

BẢO ĐẢM THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ HÀNH CHÍNH

Điều 36. Các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính

1. Khi có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, nếu có dấu hiệu cho thấy cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tiền bạc, tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức hữu quan, chính quyền địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú hoặc công tác, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền bạc, tài sản.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

3. Những cá nhân bị cưỡng chế hành chính mà chưa thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện sẽ bị tạm thời cấm xuất cảnh.

Điều 37. Chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế hành chính để bảo đảm thi hành

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn hành chính tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định cưỡng chế tại nơi thực hiện hành vi vi phạm thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành. Nếu nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở không có cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không có điều kiện chấp hành tại nơi bị ra quyết định cưỡng chế thì quyết định cưỡng chế được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

2. Khi chuyển việc thi hành cưỡng chế thì cơ quan chuyển việc thi hành cưỡng chế có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo chuyển và hồ sơ vụ việc, cơ quan cùng cấp ở địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.

Điều 38. Cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt hành chính, vừa không chấp hành việc bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hành chính quy định tại Điều 4 Nghị định này có quyền áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này đối với cá nhân, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 69 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ chấp hành quyết định xử phạt mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc chỉ chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp hành quyết xử phạt thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hành chính quy định tại Điều 4 Nghị định này có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Chương II hoặc Chương III Nghị định này đối với cá nhân, tổ chức đó.

Chương 5:

CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ HÀNH CHÍNH

Điều 39. Xác định chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính

1. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế hành chính phù hợp với giá cả ở từng địa phương.

2. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính bao gồm:

a) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;

b) Chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

d) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

đ) Chi phí thực tế khác (nếu có).

Điều 40. Tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế hành chính

1. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hành chính.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng, thu hồi tạm ứng chi phí, miễn giảm chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 41. Thanh toán chi phí cưỡng chế hành chính

Mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thanh toán. Nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện hoàn trả chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, có thể ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

Điều 42. Miễn, giảm chí phí cưỡng chế hành chính

1. Cá nhân bị cưỡng chế hành chính nếu thực sự khó khăn không có khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế, mà có đơn đề nghị xét miễn, giảm có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã thì có thể được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế hành chính.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hành chính có thẩm quyền xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế hành chính.

Chương 6:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHỞI KIỆN HÀNH CHÍNH, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 43. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính

1. Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

2. Mọi công dân có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khởi kiện hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 44. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong khi thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước; nếu bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; nếu bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 45. Xử lý vi phạm

1. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế mà ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại do quyết định trái pháp luật của mình gây ra.

2. Người có nhiệm vụ thi hành quyết định cưỡng chế mà lợi dụng quyền hạn, làm trái pháp luật, có hành vi vượt quá giới hạn cưỡng chế, dung túng, bao che, không cưỡng chế hoặc cưỡng chế không kịp thời thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất cho nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

3. Người nào trực tiếp hoặc xúi giục, kích động người khác có hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ nhằm cản trở các hoạt động cưỡng chế thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 47. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác