Kế hoạch 7513/KH-UBND năm 2020 về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 7513/KH-UBND năm 2020 về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: | 7513/KH-UBND | Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Lê Trung Chinh |
Ngày ban hành: | 16/11/2020 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 7513/KH-UBND |
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký: | Lê Trung Chinh |
Ngày ban hành: | 16/11/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7513/KH-UBND |
Đà Nẵng, ngày 16 tháng 11 năm 2020 |
PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
Theo Kế hoạch hành động số 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Theo Kế hoạch số 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố triển khai Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 31/01/2020 về thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”,
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 với những nội dung cụ thể như sau:
- Triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến 2025, định hướng đến năm 2030 và phục hồi ngành du lịch thành phố sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân.
- Góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội, cải thiện thu nhập cho người dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
- Đảm bảo phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật của nhà nước. Đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương, góp phần xây dựng thành phố môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào chất lượng, hiệu quả; phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Phát huy thế mạnh của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đưa các ứng dụng thông minh thành tiện ích thiết thực hỗ trợ du lịch trong truyền thông, quảng bá, phát triển sản phẩm, thông tin minh bạch, kịp thời, an toàn và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
- Tạo sự đồng thuận của người dân, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm của các cấp chính quyền. Huy động mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ và nguồn lực tổng hợp cho phát triển du lịch, dịch vụ.
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Bối cảnh phát triển du lịch và tác động của dịch bệnh Covid-19
Giai đoạn 2016 - 2019, ngành du lịch Đà Nẵng có sự phát triển tốt với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, được du khách đánh giá cao, các chỉ tiêu tăng trưởng đều vượt bậc; các kết quả mà du lịch mang lại được minh chứng qua nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao tặng[1], đứng đầu trong Top 10 danh sách các điểm đến toàn cầu năm 2020 do Google công bố.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm trước, tính đến tháng 01/2020, hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc với tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ tháng 02/2020, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mà cụ thể là ngành du lịch thành phố Đà Nẵng với sự sụt giảm mạnh về lượng khách và nhiều thị trường trọng điểm; gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch; nếu tháng 02/2020, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giảm 46,6%, tổng thu du lịch giảm 38,4% thì đến tháng 5/2020, con số này thậm chí còn giảm sâu hơn, lần lượt là 79,9% và 88,4%. Đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong khoảng giữa thời gian từ tháng 5-7/2020, thành phố đã triển khai hàng loạt giải pháp khởi động khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình mới[2] với trọng tâm là chương trình kích cầu du lịch, tập trung khai thác khách nội địa, nhờ đó, lượng khách nội địa trong tháng 7 đã tăng gấp 4,5 lần so với tháng 5 (từ hơn 150 ngàn lượt lên hơn 680 ngàn lượt). Trước nỗ lực của toàn ngành, du lịch Đà Nẵng kỳ vọng sẽ sớm khôi phục và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, ngay lúc vừa bước vào mùa cao điểm khách, cuối tháng 7/2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại, thành phố bắt buộc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tạm ngừng đón khách du lịch, khiến cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố rơi vào tình hạng “khó khăn chồng chất khó khăn”, khó gượng dậy được. Từ tháng 4/2020 đến nay, không có khách đường biển và khách du lịch quốc tế qua đường hàng không đến Đà Nẵng[3]. Qua thống kê sơ bộ, từ tháng 01/2020 đến tháng 8/2020, ước tổng thiệt hại của doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng (lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch) là hơn 4.900 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 doanh thu của các doanh nghiệp du lịch giảm 80% so với năm 2019. Số lao động du lịch phải tạm ngừng việc, nghỉ việc đến tháng 8/2020 ước khoảng 31.874 người/50.963 người, chiếm 62.5% tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố (chưa bao gồm đội ngũ nhà hàng, giáo viên giảng dạy, và cán bộ công nhân viên quản lý nhà nước về du lịch). Bên cạnh đó, nhiều lao động du lịch phải chuyển sang các ngành nghề khác, cùng với tâm lý e ngại của du khách... cũng đều là những khó khăn, thách thức trong việc khôi phục lại hoạt động du lịch sau dịch bệnh.
2. Kết quả các chỉ tiêu du lịch chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020
a) Khách du lịch
- Lượng khách tham quan du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,73%/năm, tăng 4,41% so với mục tiêu kế hoạch[4]; trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt 29,15%/năm, tăng 16,83% so với kế hoạch, khách nội địa đạt 10,91%/năm, gần tương đương kế hoạch.
- Dự kiến năm 2020, tổng khách tham quan, du lịch ước đạt 2.721.515 lượt, giảm 51% so với năm 2016, đạt 34% kế hoạch, trong đó khách quốc tế ước đạt 686.431 lượt, giảm 59,1% so với năm 2016, đạt 34,3% kế hoạch, khách nội địa ước đạt 2.035.084 lượt, giảm 47,4% so với năm 2016, đạt 33,9% kế hoạch.
b) Tổng thu du lịch
- Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016 - 2019 đạt 24,68%/năm, tăng 4,91% so với kế hoạch.
- Dự kiến năm 2020, tổng thu du lịch ước đạt 10.788 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2016, đạt 39,4% kế hoạch.
c) Tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố (theo kết quả khảo sát điều tra du lịch năm 2019)
Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt 13,6%, đóng góp gián tiếp đạt 17,7%.
Ngành du lịch cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016.
d) Ngày lưu trú, công suất buồng phòng bình quân và chi tiêu bình quân
- Ngày lưu trú bình quân của khách tại cơ sở lưu trú du lịch năm 2019 đạt 2,68 ngày, tăng 14,5% so với năm 2016 (tăng 0,3 ngày), trong đó khách quốc tế đạt 2,9 ngày, tăng 3,6% (tăng 0,1 ngày) và khách nội địa đạt 2,35 ngày, tăng 15,25% so với năm 2016 (tăng 0,31 ngày). Công suất buồng phòng bình quân năm 2019 ổn định với tỷ lệ đạt 50%, tương đương với năm 2016.
- Chi tiêu bình quân khách tính trên tổng thu du lịch năm 2019 đạt 3.991.000 đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2016 (2.900.000 đồng)[5].
3. Kết quả hoạt động du lịch giai đoạn 2016 - 2020
a) Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, thông qua việc phát động Năm thu hút đầu tư 03 năm liền (từ năm 2018 - 2020), công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng được đẩy mạnh, ngoài những nhà đầu tư chiến lược như: SunGroup, VinGroup, TMS..., một số tập đoàn uy tín thế giới cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường Đà Nẵng như Hilton, Mikazuki, Route Inn, Sakae Holdings... Ước tính nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng hơn 127 tỷ đồng (trung bình hơn 25 tỷ đồng/năm), đầu tư của khối doanh nghiệp trong hoạt động du lịch ước đạt hàng trăm ngàn tỷ đồng[6].
- Số lượng doanh nghiệp du lịch: Đến nay có 398 đơn vị kinh doanh lữ hành[7], tăng 128 đơn vị so với năm 2016; 1080 cơ sở lưu trú du lịch với 42.863 phòng, tăng 508 cơ sở và 21.539 phòng so với năm 2016[8]; 14 khu, điểm du lịch, tăng 05 khu, điểm so với thời điểm đầu năm 2016.
- Số lượng tàu du lịch và xe vận chuyển du lịch: Đến nay có 27 tàu du lịch, đều là đóng mới, thay chế toàn bộ các tàu cải hoán của năm 2016; 3.122 xe vận chuyển khách du lịch, tăng 1.573 xe so với năm 2016.
- Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng: Sản lượng khai thác năm 2019 đạt 15,5 triệu lượt hành khách/năm, sớm vượt công suất theo quy hoạch đến năm 2020 hơn 2,5 triệu lượt. Đến tháng 01/2020, có tổng cộng 39 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 590 chuyến/tuần (tăng 19 đường bay so với năm 2016) và 10 đường bay nội địa với tần suất 594 chuyến/tuần[9].
Thành phố cũng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng về cầu cảng tại Cảng Tiên Sa, có thể đón các tàu du lịch quy mô lớn cùng nhiều hãng tàu danh tiếng thế giới[10]; phê duyệt và triển khai các quy hoạch, kế hoạch[11] phát triển giao thông đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng và sửa chữa hệ thống bến, cầu tàu: Cảng sông Hàn, bến, cầu tàu tại khu vực CT15, K20, Túy Loan, Thái Lai...[12]; đầu tư các bãi đỗ xe và đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt công cộng...
b) Cơ chế chính sách cho phát triển du lịch
Thời gian qua, Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường thủy nội địa; Phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Sở VHTTDL Quảng Nam xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch 03 địa phương; các chính sách liên quan đến sản phẩm lưu niệm, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... cũng đang được nghiên cứu hoàn thiện. Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Du lịch đang triển khai xây dựng các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.
c) Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch
Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung. Sở Du lịch thường xuyên thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường nội địa, quốc tế; tổ chức điều tra, xác định đóng góp của ngành du lịch trong GRDP thành phố vào năm 2016, 2017, 2019; giới thiệu du lịch thông qua các chương trình xúc tiến thị trường nội địa[13]; xúc tiến tại chỗ[14]; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, bloggers để kết nối, xúc tiến quảng bá đến các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng; cùng Tổng cục Du lịch, các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình phát động du lịch tại nhiều quốc gia[15]; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá đến các thị trường Châu Âu, Úc, Nga; thí điểm thành lập đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày 23/5/2020, thành phố đã tổ chức công bố Quỹ Xúc tiến Du lịch thành phố, mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh nguồn lực phát triển du lịch thành phố trong thời gian đến.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch được chú trọng. Từ năm 2016, thành phố đã xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity), Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 05 ngôn ngữ[16]; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter...và trang dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc); xây dựng Chatbot hỗ trợ tương tác với du khách, App Danang FantastiCity[17]; website danangticket.com; xuất bản các ấn phẩm du lịch[18]; tổ chức các buổi hội thảo và giao lưu trực tuyến để giới thiệu về du lịch Đà Nẵng cho các doanh nghiệp lữ hành, đối tác cung ứng dịch vụ của Ấn Độ; hợp tác và triển khai phát video giới thiệu về du lịch Đà Nẵng trên kênh truyền hình BBC ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ ngày 05 - 30/6/2020.
d) Sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch
Thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển như nhiều năm trước đây, thành phố đã bắt đầu khai thác các tiềm năng để phát triển đa dạng hóa sản phẩm, từ du lịch sinh thái, văn hóa, MICE, sự kiện, lễ hội, đến du lịch cộng đồng, thủy nội địa... Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên 04 lĩnh vực dịch vụ: văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan du lịch.
Các sản phẩm mới được đưa vào hoạt động trong vài năm trở lại đây, như cơ sở lưu trú du lịch cao cấp: Nam An Retreat, Hilton Da Nang, Mường Thanh Luxury, Vinpearl Resort & Spa, Risemount Premier Resort, Sheraton Grand, Four Points by Sheraton, Da Nang Golden Bay, Grand Tourane…; các bảo tàng chuyên đề: Bảo tàng Mỹ Thuật, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng nghệ thuật tranh 3D Art Paradise, các khu, điểm tham quan du lịch hấp dẫn: Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Sunworld Đà Nẵng Wonders, dịch vụ mới tại bán đảo Sơn Trà, Khu du lịch Yên Retreat; điểm du lịch cộng đồng người Cơ Tu tại Tà Lang - Giàn Bí; Sân golf Bà Nà; Chợ đêm Sơn Trà; các show diễn đặc sắc: Charming Đà Nẵng, Hồn Việt, Trầm tích Sông Hàn; tour du ngoạn bằng trực thăng; Lễ hội hoa Tulip, Lễ hội Ẩm thực quốc tế, tàu lửa cao cấp The Vietage (kết nối Đà Nẵng và Quy Nhơn)...; đặc biệt, Cầu Vàng tại SunWorld Bà Nà Hills đã trở thành hiện tượng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thành phố.
Trong thời gian tới, các dự án lớn tiếp tục được triển khai hoàn thiện và sẽ đưa vào hoạt động như Khu nghỉ dưỡng Mikazuki; mở rộng sân golf Bà Nà Hills; Phố du lịch An Thượng; các khu vực phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Vang, Nam Ô - Liên Chiểu, Mân Thái, Thọ Quang - Sơn Trà; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (Giai đoạn 2), khu căn cứ cách mạng di tích K20, di tích Hải Vân Quan; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng...
đ) Nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Tính đến cuối năm 2019, tổng số nhân lực du lịch tại thành phố là 50.963 người, tăng gần 1,9 lần so với năm 2016. Để bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS); thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp...[19]; tổ chức và phối hợp tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng sinh viên du lịch, Tọa đàm trao đổi về nguồn nhân lực du lịch; điều tra khảo sát Năng lực doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên; ban hành 10 Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch[20]...
e) Hội nhập và liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước
Hội nhập và liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng được mở rộng, thông qua liên kết 05 địa phương Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Hà Nội với các hoạt động xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, quản lý nhà nước về du lịch...[21]; phối hợp xây dựng thương hiệu điểm đến cho du lịch 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; đồng thời, duy trì liên kết có hiệu quả trong hoạt động du lịch với các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Đắk Lắk... Từ năm 2016 đến nay, thành phố Đà Nẵng nói chung và Sở Du lịch nói riêng đã triển khai ký kết nhiều văn bản hợp tác để đẩy mạnh quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng với các địa phương, hãng hàng không, đơn vị trong và ngoài nước[22]. Bên cạnh đó, công tác phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch và quản lý nhà nước về du lịch giữa các sở, ban, ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên như: đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, phát triển sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, đặc biệt là công tác đảm bảo giữ gìn môi trường du lịch là điểm đến an toàn, thân thiện mến khách.
g) Môi trường du lịch
Môi trường du lịch được đảm bảo an ninh, an toàn. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng được đầu tư hoàn thiện, dự án nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà” (Comfort as home) tại các khu vực tập trung đông du khách được đánh giá cao; công tác tuyên truyền, phát động phong trào Ngày Chủ nhật xanh sạch đẹp, chiến dịch Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa, chiến dịch “Du lịch xanh - Go Green”, dự án “Cá bống ăn rác”, ra quân dọn vệ sinh, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, công tác quản lý tình trạng bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách[23] được quan tâm thực hiện; tổ chức bảo vệ rạn san hô; triển khai phương án quản lý khách, đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch. Các sở, ngành, đơn vị tích cực thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trái pháp luật phát sinh từ hiện tượng tour du lịch giá rẻ, chống thất thu thuế, quản lý người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép...[24] Tổ phản ứng nhanh du lịch và Trung tâm hỗ trợ du khách tiếp tục phát huy hoạt động hiệu quả[25]. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là công tác kết nối, hỗ trợ khách du lịch bị mắc kẹt tại Đà Nẵng và các đoàn y bác sĩ các tỉnh, thành phố đến hỗ trợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, xây dựng và phổ biến Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong hoạt động du lịch đối với doanh nghiệp lữ hành, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú...
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020[26]
1. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án
Đề án có tổng cộng 38 nhiệm vụ được giao cho các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện, trong đó:
- 15 nhiệm vụ đã hoàn thành như công bố Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng; hoàn thành xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana, Bảo tàng Mỹ Thuật; mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng để phục vụ APEC 2017; đưa vào hoạt động show diễn Charming Đà Nẵng; hình thành Chợ đêm Sơn Trà; tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và MICE (BMTM Đà Nẵng 2016)...
- 20 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành và đang tiếp tục được nghiên cứu triển khai để đảm bảo chất lượng như đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch; đầu tư và kêu gọi đầu tư các cầu tàu phục vụ du lịch đường sông (K20, Túy Loan, Thái Lai, CT15); đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn; nâng cấp cảng biển Tiên Sa phục vụ du lịch; quy hoạch khu vui chơi giải trí về đêm, phố đi bộ, chợ đêm; đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm trở thành bảo tàng tầm cỡ khu vực và thế giới; đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực bán đảo Sơn Trà; kêu gọi đầu tư đỉnh đèo Hải Vân...
- 03 nhiệm vụ đang triển khai gồm: Xử lý triệt để cống xả chất thải ra biển ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Thanh Khê; kêu gọi đầu tư Khu phức hợp bến cảng du thuyền sông Hàn, Bến du thuyền khu vực Nhà máy đóng tàu Sông Thu, Cảng Thuận Phước; nâng cấp chợ Hàn, chợ Cồn thành các điểm mua sắm phục vụ khách du lịch.
IV. ĐÁNH GIÁ THUẬN LỢI, HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
- Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp của các sở ngành, quận huyện, Hiệp hội du lịch và sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, đồng thuận của cộng đồng dân cư, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí.
- Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch tương đối hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút được nhiều tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới.
- Môi trường du lịch được tích cực đảm bảo an toàn, an ninh. Người dân thân thiện, mến khách. Công tác hỗ trợ du khách được đảm bảo với việc phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ du khách và các quầy thông tin tại ga quốc tế và quốc nội Sân bay quốc tế Đà Nẵng; Tổ phản ứng nhanh du lịch, triển khai tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch...
- Một số sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng có sự khác biệt, đảm bảo phục vụ khách nội địa và quốc tế như Khu du lịch Bà Nà Hills, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, các bãi biển du lịch... Chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện và nâng cao.
- Du lịch Đà Nẵng đã có thương hiệu quốc tế với các giải thưởng du lịch uy tín thế giới, là điểm đến an ninh, an toàn, có đủ năng lực để đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quy mô quốc tế như: Tuần lễ cấp cao APEC, Clipper Race, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á ABG5...
- Nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng tăng với nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược.
- Thành phố đã quan tâm ban hành các văn bản quy định cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư kinh doanh, sản xuất trên một số lĩnh vực về kinh tế - xã hội, qua đó hỗ trợ ngành du lịch. Một số chính sách, chủ trương mới của Chính phủ đã tạo điều kiện thông thoáng cho du lịch phát triển như chính sách về miễn thị thực cho 05 nước Châu Âu, mở đường bay...
- Trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 nên các chỉ tiêu về du lịch không đạt được kế hoạch đã đề ra, kết quả hoạt động du lịch bị giảm sút mạnh; toàn ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề, doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh, một số đơn vị phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao...
- Về cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ du lịch:
+ Sân bay quốc tế có dấu hiệu quá tải; chưa có cảng biển chuyên dụng phục vụ du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch thủy nội địa chưa hoàn thiện (bến tàu, cầu tàu, điểm dừng chân, các tiện ích dịch vụ kèm theo...). Một số tiện ích như hệ thống nhà vệ sinh công cộng đang có tình trạng xuống cấp.
+ Sự phát triển quá nhanh về số lượng cơ sở lưu trú du lịch gây cạnh tranh về giá phòng, chia sẻ lượng khách, cung nhiều hơn cầu. Sự phát triển một số loại hình lưu trú mới (Condotel...), hình thức kinh tế chia sẻ (Airbnb) để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng chưa có các quy định của pháp luật cụ thể về quản lý hoạt động.
- Về công tác liên kết, phối hợp: Công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ; tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương khác trong vùng còn ít chủ động và chưa đồng bộ.
- Về nguồn nhân lực: Đội ngũ nhân lực du lịch đã được quan tâm tập huấn, bổ sung, nhưng chưa kịp đáp ứng tình hình phát triển du lịch.
- Về công tác xúc tiến, quảng bá, thị trường du lịch: Kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài còn hạn chế. Công tác dự báo thị trường du lịch chưa được đầu tư nghiên cứu sâu và chuyên nghiệp. Mặc dù cơ cấu thị trường quốc tế đang ngày càng đa dạng nhưng tỷ trọng khách Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn rất cao, dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu.
- Về sản phẩm du lịch: Hoạt động vui chơi giải trí còn hạn chế, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ về đêm, các sản phẩm khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên sông, biển, nước..., sản phẩm du lịch cao cấp. Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội địa tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong đó có tuyến đường biển quanh bán đảo Sơn Trà và kết nối với Thừa Thiên Huế, Hội An chưa khai thác được do vướng các quy định về an ninh quốc phòng, quy trình thủ tục đầu tư, ranh giới, đập ngăn mặn.... Một số dự án du lịch quy mô lớn chậm triển khai.
- Doanh nghiệp du lịch lữ hành của Đà Nẵng có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế (theo kết quả Điều tra khảo sát nâng cao năng lực cạnh tranh các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố do Sở Du lịch thực hiện năm 2019, có đến 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ).
- Về môi trường du lịch: Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp lữ hành, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch, cống xả thải ra biển, ùn tắc giao thông... vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số nhiệm vụ trong Đề án đã được các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tích cực nghiên cứu triển khai thực hiện, song vẫn chưa thể hoàn thành do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như:
- Năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là qua đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 vào tháng 7/2020. Hoạt động du lịch khó khôi phục lại hoàn toàn trong năm 2021 và dự báo phải đến năm 2023 mới có thể phục hồi lại như năm 2019.
- Nguồn lực đầu tư của thành phố còn hạn chế, trong khi một số vấn đề phức tạp, mang tính chất dài hạn, cần nhiều nguồn lực và thời gian để thực hiện.
- Chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, cơ chế phát triển kinh tế ban đêm...
- Một số nhiệm vụ có sự điều chỉnh theo tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của thành phố, ví dụ việc nâng cấp Cảng Tiên Sa, quy hoạch khu giải trí đêm; kêu gọi đầu tư bến cảng du thuyền sông Hàn... được triển khai theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Các hoạt động đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại khu vực bán đảo Sơn Trà đang tạm ngừng để thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ...
- Thủ tục đầu tư dự án còn mất nhiều thời gian, nhất là các dự án về du lịch, dịch vụ, dẫn đến sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới chậm hình thành để đưa vào phục vụ khách.
- Các chỉ tiêu du lịch chưa được tính đủ và chưa phù hợp thực tế trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia nên không thấy rõ sức đóng góp của du lịch, dẫn đến số liệu khách du lịch còn có sự khác biệt giữa Cục Thống kê, công an quản lý khách lưu trú, từ đó liên quan đến sự chỉ đạo, công tác đầu tư và cơ chế cho phát triển du lịch.
- Sự phát triển quá nhanh về số lượng khách du lịch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc làm phát sinh một số hạn chế về môi trường du lịch của thành phố.
V. DỰ BÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2025
1. Tác động của dịch bệnh Covid-19
a) Tác động đến nền kinh tế
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, tiêu dùng cá nhân và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao... Trong quý II/2020, GDP của Mỹ giảm 32,9%; tại Châu Âu, kinh tế của 19 nước trong khu vực sử dụng đồng Euro suy thoái 12,1%; tại Châu Á, GDP của Nhật Bản cũng giảm 27,8% so với năm 2019, nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái với mức giảm kỷ lục 41,2% so với quý I/2020; GDP của Thái Lan giảm 12,2% so với năm 2019, mức suy giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ suy giảm khoảng 4,9% trong năm 2020; trong trường hợp dịch bệnh kết thúc, các nền kinh tế hồi phục lại, kinh tế có thể tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm 2021[27].
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011 - 2020; còn tại Đà Nẵng, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố giảm 3,61% so với cùng kỳ năm 2019, quy mô toàn nền kinh tế đạt trên 51 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019[28].
b) Tác động đến hoạt động du lịch
Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 320 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, cao gấp 3 lần so với khoản thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, dự báo số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 60-80%.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ 2019. Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lữ hành 7 tháng đầu năm ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6%. Đặc biệt, từ sau ngày 25/7, tâm lý e ngại Covid-19 bùng phát đã khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour, lượng khách hủy tour lên đến 95% - 100% cuối tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Cùng với du lịch Việt Nam, hoạt động du lịch của Đà Nẵng cũng đang chịu sự sụt giảm nghiêm trọng như đã phân tích ở trên.
2. Khả năng chống chọi và phục hồi của doanh nghiệp du lịch
Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam vào cuối tháng 4/2020, 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt bớt một nửa số nhân viên, gần 20% cho nghỉ toàn bộ; 78% số doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời, 9% phải đóng cửa kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đang phải chịu những thiệt hại nặng nề; trong 6 tháng đầu năm 2020; các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch đã mất hàng triệu lượt du khách, thiệt hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khiến tổn thất kinh doanh lớn không chỉ kéo dài đến hết năm 2020 mà còn có thể đến tháng 6/2021... Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tổ chức Du lịch Thế giới dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi chủ yếu vào năm 2021 và có thể kéo dài đến năm 2023 mới phục hồi bằng với mức năm 2019; trong đó, thị trường khách nội địa sẽ phục hồi nhanh chóng, là thị trường trọng điểm, tập trung vào du lịch với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân ngắn ngày, sau đó là du lịch công vụ MICE.
3. Dự báo xu hướng khách trong thời gian đến
a) Tâm lý của khách du lịch
Với diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ưu tiên hàng đầu của du khách là vấn đề an toàn y tế, đảm bảo sức khỏe. Nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, khách cũng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn và chú trọng vào chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.
b) Xu hướng của khách du lịch
Để đáp ứng nhu cầu du lịch sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, du khách sẽ ưu tiên lựa chọn đi du lịch trong nước, ngắn ngày. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới nhận định đối tượng khách có thể đi du lịch lại đầu tiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát thuộc nhóm khách trẻ tuổi từ 18-35, có xu hướng ít bị ảnh hưởng và tâm lý lo sợ bởi dịch Covid-19.
Dự báo trong thời gian đến, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách. Du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ngày càng phổ biến. Ngoài ra, du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử... thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút khách. Xu hướng tiêu dùng du lịch cũng có thay đổi từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh[29].
a) Cơ hội
- Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đón lượng khách du lịch quốc tế đứng đầu thế giới vào năm 2030 (Theo UNWTO).
- Đà Nẵng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước, khu vực, Đông Bắc Á, Châu Á, nằm ở hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua hệ thống cảng hàng không, cảng biển, đường bộ...
- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt với khu vực có tiềm năng kinh tế biển như Đà Nẵng.
- Trung ương đã quan tâm, có chủ trương phát triển du lịch thông qua các văn bản: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 xác định Du lịch là lĩnh vực trụ cột của thành phố; Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030...
- Thương hiệu du lịch Đà Nẵng đã có vị thế trên cả nước và quốc tế.
- Các tập đoàn lớn trên thế giới đang quan tâm đầu tư tại Đà Nẵng.
- Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội cho du lịch Đà Nẵng trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ trực tuyến để quảng bá, truyền thông thu hút khách.
b) Thách thức
- Đại dịch Covid 19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và dịch vụ. Vì vậy, ngành du lịch trong giai đoạn 2021 - 2025 khó có thể tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2016-2020. Tâm lý và thói quen du lịch của du khách có nhiều thay đổi, đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ cũng nhanh chóng thay đổi để đáp ứng. Lực lượng lao động ngành du lịch sụt giảm do mất việc vì dịch bệnh kéo dài.
- Cạnh tranh với nhiều điểm đến khác trong nước như Thanh Hóa, Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình, Quảng Ninh...
- Phát triển du lịch theo hướng bền vững, đáp ứng được tiêu chuẩn “đáng sống” của Đà Nẵng, đòi hỏi sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và du khách tại điểm đến.
- Hoạt động du lịch rất nhạy cảm với biến động kinh tế - chính trị - xã hội trong và ngoài nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
- Sự tăng trưởng nhanh về số lượng khách du lịch trong thời gian qua dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết (công tác quản lý, môi trường du lịch, giao thông, an ninh an toàn...).
- Vấn đề cống xả thải ra biển vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
- Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng là thách thức, áp lực cho ngành du lịch phải đổi mới, áp dụng ứng dụng công nghệ trong khai thác và quản lý các hoạt động du lịch.
VI. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Qua đánh giá thực trạng phát triển du lịch trong 05 năm qua, tình hình diễn biến dịch bệnh và xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Việt Nam và nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng dự kiến 02 kịch bản với các mục tiêu cụ thể như sau:
a) Kịch bản 1
Dự báo theo hướng nhận định lạc quan khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian cuối quý IV/2020. Đầu năm 2021, thành phố có các chương trình kích cầu khách nội địa, vacxin được thử nghiệm thành công và cung cấp từ quý III/2021; theo đó năm 2021, tổng lượng khách đạt khoảng 60-70% so với năm 2019; trong đó lượng khách nội địa phục hồi đạt khoảng 90% so với 2019, lượng khách quốc tế chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với 2019. Năm 2022, sau khi mở cửa lại các đường bay quốc tế, tổng lượng khách hồi phục tương đương với năm 2019 (8,6-8,7 triệu lượt).
- Về khách du lịch:
+ Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 12,3 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 1,2 lần so với năm 2019, khách nội địa ước đạt 8,1 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần so với năm 2019.
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 của tổng khách du lịch ước đạt 5-6%/năm.
- Về tổng thu du lịch:
+ Phấn đấu đến năm 2025, tổng thu du lịch ước đạt 61 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 của tổng thu du lịch ước đạt 12-12,5%/năm.
- Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP đạt 27%.
- Thời gian lưu trú bình quân: Năm 2025, phấn đấu ngày lưu trú bình quân ước đạt 2,75 ngày, tăng 0,07 ngày so với năm 2019, trong đó ngày lưu trú khách quốc tế ước đạt 3 ngày (tăng 0,1 ngày so với năm 2019), ngày lưu trú khách nội địa ước đạt 2,53 ngày (tăng 0,18 ngày so với năm 2019).
b) Kịch bản 2
Dự báo theo hướng khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian quý I/2021, cuối quý IV/2021 vacxin được thử nghiệm thành công và cung cấp; khách du lịch vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng việc đã kiểm soát dịch. Dự kiến lượng khách nội địa năm 2021 phục hồi khoảng 55-65% so với 2019, lượng khách quốc tế rất ít, chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, khoảng 5% so với 2019. Quý II/2022, mở cửa lại các đường bay quốc tế nhưng chỉ dành cho khách công vụ, chuyên gia, lao động nước ngoài; theo đó, tổng lượng khách đạt khoảng 65-70% so với năm 2019; trong đó lượng khách nội địa phục hồi năm 2022 tương đương so với 2019, lượng khách quốc tế chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với 2019. Năm 2023, mở lại đường bay quốc tế, các sản phẩm mới được đưa vào hoạt động, tổng lượng khách hồi phục tương đương với năm 2019.
- Về khách du lịch:
+ Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 11,6 triệu lượt khách, tăng 1,3 lần so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,9 triệu lượt, tăng 1,1 lần so với năm 2019, khách nội địa ước đạt 7,6 triệu lượt khách, tăng 1,5 lần so với năm 2019
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 của tổng khách du lịch ước đạt 4-5%/năm.
- Về tổng thu du lịch:
+ Phấn đấu đến năm 2025, tổng thu du lịch ước đạt 54 ngàn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2019.
+ Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 của tổng thu du lịch ước đạt 9-10%/năm.
- Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP đạt 23,8%.
- Thời gian lưu trú bình quân: Năm 2025, phấn đấu ngày lưu trú bình quân ước đạt 2,75 ngày, tăng 0,07 ngày so với năm 2019, trong đó ngày lưu trú khách quốc tế ước đạt 3 ngày (tăng 0,1 ngày so với năm 2019), ngày lưu trú khách nội địa ước đạt 2,53 ngày (tăng 0,18 ngày so với năm 2019).
Phát triển du lịch bền vững theo 05 định hướng trọng tâm:
a) Quy hoạch định hướng phát triển
- Phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 06 nút du lịch theo chuyên đề gồm nút du lịch đô thị tại trung tâm thành phố với điểm nhấn là thành phố cổ; nút du lịch sinh thái cộng đồng tại các vùng núi và hồ chứa phía Tây và bán đảo Sơn Trà; nút du lịch tàu biển tại Cảng Tiên Sa; nút văn hóa, thể thao quanh các trung tâm thể thao, văn hóa thành phố và Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn; nút du lịch ven bờ Đông và nút du lịch ven vịnh Đà Nẵng.
b) Định hướng thị trường
Tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao. Đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Có kịch bản xử lý rủi ro, ứng phó biến động thị trường.
- Thị trường nội địa: Tập trung quảng bá du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, du lịch MICE, du lịch trải nghiệm điểm check-in mới... đối với thị trường lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh vùng Tây Nguyên; mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa các tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bộ.
- Thị trường quốc tế: Tiếp tục khai thác thị trường khách trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và khách đi tự túc (FIT); mở rộng khai thác thị trường tiềm năng: Ấn Độ, Nga, Úc, Châu Âu, Mỹ và Trung Đông.
Cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ các thị trường xa (Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương) lên 20% và thị trường ASEAN (Thái Lan, Malaysia và Singapore) lên 20%, giảm tỷ lệ khách từ khu vực Đông Bắc Á xuống 57%, điều chỉnh tỷ lệ các thị trường khác ở mức là 3%.
c) Định hướng sản phẩm du lịch
- Ưu tiên phát triển theo 04 nhóm sản phẩm chủ lực: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.
- Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia phát triển kinh tế ban đêm.
- Đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới.
d) Định hướng về môi trường du lịch
Xây dựng và giữ gìn môi trường du lịch, chú trọng có các biện pháp hiệu quả và đồng bộ để giữ gìn môi trường biển, môi trường an ninh trật tự, an toàn tại các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch trong cộng đồng; lấy cộng đồng dân cư là nhân tố trọng tâm, quan trọng trong phát triển du lịch, hướng đến mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch để khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng an toàn - hấp dẫn và mến khách.
đ) Định hướng về chất lượng dịch vụ - nguồn nhân lực
Tổ chức triển khai 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và ngoại ngữ hàng năm. Tổ chức các hội thi tay nghề giỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo du lịch để đào tạo và đào tạo lại sinh viên, người lao động. Nghiên cứu đề xuất các chính sách thu hút chuyên gia giỏi, có tay nghề và kinh nghiệm trong và ngoài nước đến làm việc, phục vụ yêu cầu phát triển du lịch.
VII. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững
- Tập trung triển khai đồng thời 02 mục tiêu kép về phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch. Xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau dịch Covid-19, định hướng tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới (bối cảnh vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh).
- Hoàn thành và triển khai các đề án trọng tâm để phát triển du lịch gồm: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng; Đề án quản lý và phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà; Đề án phát triển du lịch MICE Đà Nẵng; Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang và Đề án phát triển du lịch Khu Căn cứ cách mạng K20...
- Triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dành quỹ đất phát triển du lịch trong giai đoạn đến, ưu tiên quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt.
- Xây dựng và triển khai quy hoạch cảnh quan dọc tuyến sông Cổ Cò; quy hoạch cảnh quan 02 bên bờ sông Hàn. Tập trung hoàn thành công tác rà soát bổ sung quy hoạch chi tiết vị trí cảng, bến, cầu tàu phục vụ phát triển du lịch thủy nội địa, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng.
- Lập quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ, tạo thành điểm đến tham quan, ngắm cảnh độc đáo đối với 02 tuyến đường ven biển: Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành; bãi tắm kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, phục vụ 24/7 tại khu vực bãi biển Mỹ An; hình thành các dịch vụ, tạo các điểm nhấn tham quan, ngắm cảnh độc đáo trên khu vực bán đảo Sơn Trà; các hạng mục theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái...
(danh mục dự án đầu tư công theo phụ lục III đính kèm)
- Đường hàng không và đường biển: Nâng cấp cơ sở vật chất tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng biển Tiên Sa, đảm bảo phục vụ khách du lịch chu đáo, chuyên nghiệp, hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu lượt khách/năm.
Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Đường thủy nội địa: Đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 (được ban hành tại Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của UBND thành phố). Trong đó tập trung kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu; các bến du thuyền đã được quy hoạch, các điểm dừng chân phục vụ phát triển du lịch đường thủy nội địa.
- Đường bộ: Đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến các khu, điểm du lịch phía Tây thành phố; xây dựng các điểm trung chuyển, các bãi đỗ xe công cộng, trong đó ưu tiên đầu tư sớm các bãi đỗ xe quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lối qua đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa. Hình thành và kết nối với tuyến xe buýt du lịch liên kết 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
- Đường sắt: Hỗ trợ đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả dự án tàu du lịch đầu máy hơi nước giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kêu gọi đầu tư hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như dự án hệ thống xe điện bánh sắt Tramway; dự án tàu điện kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).
- Ưu tiên đầu tư công để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm: hệ thống điện chiếu sáng công cộng, chiếu sáng trang trí, cấp điện tổ chức sự kiện trên các tuyến đường Bạch Đằng, Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo, Chương Dương, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... và tại một số quảng trường khu vực trung tâm thành phố; cơ sở hạ tầng (cấp điện, cấp nước, đường bộ...) để phát triển các sản phẩm du lịch tại bán đảo Sơn Trà...
- Hệ thống cơ sở vật chất: Vận động các khu điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn du lịch phục vụ khách tại một số khu vực tập trung đông người (các trạm xăng, điểm dừng chân đường bộ, các khu vực công cộng, quảng trường, công viên...). Đầu tư các tiện ích dọc biển và các lối xuống biển... Đầu tư và đưa vào hoạt động trụ sở Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố. Triển khai Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2030..
3. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch
(danh mục dự án huy động từ nhà đầu tư, doanh nghiệp theo phụ lục IV đính kèm)
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế, chính sách phát triển du lịch MICE.
- Hoàn chỉnh chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm.
- Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.
4. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch
a) Công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường
- Đầu tư hàng năm cho công tác nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường khách du lịch và dự báo tình hình, định hướng phát triển du lịch, tổ chức điều tra dự báo xác định đóng góp của ngành du lịch Đà Nẵng...
- Phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch Đà Nẵng và tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch tại các thị trường quốc tế và nội địa theo định hướng; đón các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường trên đến khảo sát điểm đến mới, tạo cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới từ Ấn Độ, Nga, Úc, Trung Đông và các tuyến tàu biển quốc tế mới đến Đà Nẵng.
- Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả đại diện du lịch Đà Nẵng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và xúc tiến đề cử các đại diện du lịch Đà Nẵng để tiến tới thành lập các Văn phòng đại diện du lịch Đà Nẵng tại các thị trường nước ngoài như Châu Âu, Úc, Nga và Trung Đông.
- Lồng ghép nội dung quảng bá và xúc tiến du lịch trong các buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác, gắn với xúc tiến đầu tư và thương mại của thành phố.
- Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế theo chuyên đề tại Đà Nẵng và thu hút đăng cai, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế để thu hút khách du lịch.
b) Công tác truyền thông, quảng bá
- Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả của các chiến dịch truyền thông để có những điều chỉnh phù hợp đến từng thị trường mục tiêu.
- Kết nối với các kênh truyền hình, cơ quan báo, đài, đơn vị truyền thông, KOLs, blogger, người đại diện du lịch... trong nước và quốc tế từ các thị trường đã được định hướng để quảng bá thông tin du lịch trên kênh của tổ chức, cá nhân.
- Hàng năm mời các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng làm phim, video âm nhạc..., tạo hình thức quảng bá mới và hiệu quả cho Đà Nẵng.
- Tổ chức chương trình kích cầu du lịch hàng năm.
c) Phối hợp với Quỹ Xúc tiến Du lịch trong tổ chức và tham gia xúc tiến đường bay, các sự kiện quy mô lớn, có hiệu quả kết nối lan tỏa cao tại các thị trường quốc tế tiềm năng cần sự đầu tư về kinh phí và nhân lực (ITB - Berlin, Leisure Matxcova, WTM - London...); thực hiện truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới; tổ chức các sự kiện lớn thu hút khách; nghiên cứu, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng địa phương, đảm bảo phù hợp với các thị trường trọng điểm; quảng bá trực quan hình ảnh Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
5. Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế ban đêm
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và cao cấp:
a) Sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Nghiên cứu phương án thiết kế cảnh quan và chiếu sáng nghệ thuật ven biển tại 02 tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, Nguyễn Tất Thành.
+ Đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ của sản phẩm hiện có tại các khu nghỉ dưỡng ven biển.
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Phát triển các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí dưới nước chất lượng: vịnh phao nổi (Splash Bay), đi bộ dưới biển (Sea walker), ván bay (Flyboard), tàu lặn (Seabreacher)... tại tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành, Vịnh Đà Nẵng; dịch vụ lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà.
+ Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Khu nghỉ dưỡng Mikazuki, Khu du lịch Làng Vân, Công viên Đại dương, Trung tâm thuyền buồm quốc tế tại Đà Nẵng...
b) Sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, hội nghị hội thảo (MICE), ưu tiên đầu tư theo hướng dịch vụ cao cấp
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Tham mưu đầu tư, nâng cấp các tiện ích dịch vụ tại một số khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố phục vụ khách du lịch: Chợ Hàn, Chợ Nại Hiên, Chợ Cồn... Nghiên cứu phương án nâng cấp Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang với các dịch vụ phục vụ khách du lịch như mua sắm và thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm sinh hoạt của người dân địa phương...
+ Nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có: SunWorld Đà Nẵng Wonders, Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Hòa Phú Thành... Khuyến khích đầu tư tổ chức đa dạng sản phẩm dịch vụ bổ sung trong các cơ sở lưu trú du lịch, nhất là những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa...
+ Đẩy mạnh hoạt động văn hóa lễ hội 02 bên bờ sông Hàn; duy trì, nâng cấp mở rộng quy mô các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội ẩm thực quốc tế, Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Cuộc thi Marathon Quốc tế, Cuộc thi Iron Man, Giải cầu lông quốc tế, Giải đua xe đạp quốc tế, Đại hội Thể thao biển Châu Á, Đại hội Du lịch Golf Châu Á...
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Ưu tiên đầu tư các trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị quy mô quốc tế, xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế, khu vực mua sắm gần bãi biển. Quy hoạch hình thành các địa điểm trưng bày sản phẩm lưu niệm của thành phố.
+ Khuyến khích đầu tư các công viên giải trí đẳng cấp quốc tế, khu trò chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, show diễn nghệ thuật, show diễn thực cảnh đặc sắc, mang đậm dấu ấn Đà Nẵng.
- Khuyến khích xây dựng các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao có phòng hội nghị quy mô lớn, đảm bảo phục vụ các hội nghị, hội thảo quốc tế; các dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch MICE: Tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng, dịch thuật, biểu diễn nghệ thuật, team building...
+ Thu hút tổ chức các sự kiện quy mô lớn phục vụ du lịch như lễ hội ánh sáng, trình diễn khinh khí cầu, thuyền buồm, các chương trình âm nhạc quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng... Xây dựng và triển khai Đề án Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm để thu hút khách du lịch, thiết lập chuỗi sự kiện xuyên suốt trong năm.
+ Kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai và đưa vào hoạt động các dự án: Mở rộng Sân golf Bà Nà, Sân golf Hòa Phong - Hòa Phú, Khu tổ hợp lễ hội pháo hoa quốc tế, Công viên văn hóa và vui chơi giải trí Đông Nam đài tưởng niệm (Mở rộng Công viên Châu Á), Trung tâm mua sắm giải trí ngầm tại bãi tắm Sơn Thủy, Khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèm, Trung tâm thương mại, mua sắm vui chơi tập trung tại khu vực An Đồn, Trường đua Go Kart, Trường đua ngựa...
c) Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Ưu tiên đầu tư bảo tồn, nâng cấp các di tích quốc gia: Hải Vân Quan, Thành Điện Hải; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng... và quy mô chất lượng các khu, điểm du lịch sinh thái hiện có: Lái Thiêu, Suối Hoa...; gắn kết bổ sung dịch vụ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (trình diễn nghệ thuật Chăm, tổ chức học múa Chăm, tái hiện khung cảnh của người Chăm...) với tôn tạo Phế tích tháp Chăm tại làng Phong Lệ hình thành chuỗi tham quan tìm hiểu về văn hóa Chăm tại Đà Nẵng.
+ Bảo tồn, nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa dân gian: Lễ hội Quán Thế Âm, Cầu ngư, đình làng Hải Châu, đình làng Túy Loan... Đầu tư, tôn tạo cơ sở vật chất, bổ sung các phần hội dành cho người dân và du khách, nghiên cứu đầu tư hình thành các sản phẩm lưu niệm đặc trưng lễ hội, kết nối với các giá trị văn hóa - lịch sử quanh khu vực để đa dạng hóa trải nghiệm.
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Phát triển khu vực hồ Đồng Nghệ, hồ Xanh và các khu vực hồ chứa nước với các sản phẩm dịch vụ chèo thuyền, cắm trại, câu cá,...; phát triển các hoạt động trải nghiệm, khám phá gắn với các chương trình giáo dục môi trường: Tham quan, học tập, nghiên cứu đa dạng sinh học; các tour quan sát nghiên cứu đời sống động thực vật; chụp ảnh thiên nhiên; cắm trại, dã ngoại, đi bộ trong rừng; các cuộc thi tìm hiểu hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà và Hòa Vang...
+ Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tại khu vực phía Tây thành phố. Khuyến khích các đơn vị lữ hành liên kết với trường học trong và ngoài nước để tổ chức các chương trình du lịch học đường.
+ Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư các dự án du lịch sinh thái. Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; Khu giáo dục ngoại khóa kết hợp du lịch sinh thái tại Hòa Bắc, Hòa Vang; Khu biệt thự sinh thái; Công viên Bách Thảo, Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi... khu vực phía Tây thành phố.
d) Sản phẩm du lịch thủy nội địa
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Đầu tư hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến K20, CT15, Túy Loan, Thái Lai, Bãi Cát Vàng, khu vực sông Cu Đê - Trường Định; tập trung phát triển các tuyến Sông Cu Đê, tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, Sông Cổ Cò, tuyến sông Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, quanh bán đảo Sơn Trà và Vịnh Đà Nẵng.
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Thu hút nhà đầu tư đóng mới tàu du lịch các tuyến Cảng Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn; Cảng Sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai. Khuyến khích đầu tư tàu lưu trú qua đêm và các loại hình tàu nhà hàng, tàu kết hợp dịch vụ bar, pub...
+ Phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư, cùng khai thác bãi Sủng Cỏ, Mà Đa, Hòn Chảo và phối hợp với tỉnh Quảng Nam cùng đầu tư, khai thác tuyến du lịch thủy nội địa Đà Nẵng - Hội An qua sông Cổ Cò.
đ) Sản phẩm du lịch đô thị
- Phát triển tuyến du lịch đi bộ (walking tour) tại trung tâm thành phố, khu vực quận Hải Châu.
- Nghiên cứu đầu tư hình thành quảng trường trung tâm; thiết kế mô hình biểu tượng độc đáo, đặc trưng Đà Nẵng tại khu vực trung tâm thành phố gắn với quảng trường trung tâm để tạo điểm nhấn tham quan check in cho du khách.
- Nghiên cứu triển khai ý tưởng Bảo tàng sống tại khu vực trung tâm thành phố theo hướng hình thành khu đô thị mang hình ảnh và ký ức của thành phố Đà Nẵng cũ, kết hợp với các tuyến du lịch đi bộ để thu hút du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố.
- Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Mở rộng Công viên APEC; xây dựng chợ Nại Hiên thành Chợ lưu niệm phục vụ du lịch...
Song song đó, đầu tư bổ sung, hình thành các sản phẩm du lịch mới bổ trợ:
e) Sản phẩm du lịch ẩm thực
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Tổ chức thường niên và nâng tầm quy mô Lễ hội ẩm thực quốc tế; mời người nổi tiếng tham gia quảng bá ẩm thực Đà Nẵng.
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Nghiên cứu xây dựng Bản đồ công nghệ và tiêu chí đánh giá công nghệ cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch ẩm thực tại thành phố Đà Nẵng.
+ Đề nghị các đơn vị lữ hành nghiên cứu tổ chức các chương trình tour tham quan, khám phá ẩm thực tại Đà Nẵng, chế biến, quan sát, mua sắm đặc sản tại điểm quảng bá sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP...
+ Nghiên cứu hình thành phố ẩm thực (hải sản) tại tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Văn Thoại; Phố chuyên doanh ẩm thực tại các quận, huyện.
+ Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Làng ẩm thực quốc tế; du lịch trải nghiệm trồng hái rau, nấu ăn và thưởng thức ẩm thực tại làng rau La Hường, vườn rau Túy Loan... Khuyến khích đầu tư nhà hàng theo thị trường khách (đạo Hồi cho khách Indonesia/Mã Lai/Ấn Độ,...), nhà hàng lớn có khung cảnh không gian đẹp và trình diễn nghệ thuật ẩm thực.
g) Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe
- Nâng cấp sản phẩm hiện có:
+ Khuyến khích nhà đầu tư nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ cao cấp tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, bán đảo Sơn Trà, các khu nghỉ dưỡng ven biển và khu du lịch sinh thái phía Tây thành phố...
- Đầu tư sản phẩm mới:
+ Khuyến khích tổ chức các hoạt động thiền, yoga tại các bãi biển dọc tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành, bán đảo Sơn Trà.
+ Kêu gọi đầu tư hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe đẳng cấp quốc tế như khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, trung tâm y tế, viện dưỡng lão, cơ sở spa, massage, thẩm mỹ viện, trung tâm dịch vụ nha khoa, nhà hàng ẩm thực dưỡng sinh..; thu hút đầu tư mới khu suối nước nóng Phước Nhơn.
+ Đề nghị Hiệp hội Du lịch nghiên cứu liên kết với Tập đoàn Vingroup để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm dịch vụ và lưu trú tại Vinpearl gắn với khám chữa bệnh tại Vinmec; liên kết với các Tổ chức y học cổ truyền xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh theo y học dân tộc cổ truyền; nghiên cứu xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc nha khoa, detox (thanh lọc cơ thể).
h) Sản phẩm du lịch cưới
- Khuyến khích đầu tư hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch cưới: khách sạn/khu nghỉ dưỡng cao cấp có không gian dành cho các tiệc cưới quy mô, nhà hàng tiệc cưới tiêu chuẩn quốc tế, studio chụp ảnh cưới, dịch vụ tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng...
- Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch cưới (kết hợp chụp ảnh cưới), honeymoon (trăng mật)... cho các cặp vợ chồng sắp cưới/mới cưới.
i) Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch ban đêm
- Thí điểm 04 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng[30], Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và đường Như Nguyệt, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (tại một số vị trí phù hợp) và một số khu, điểm tham quan, du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố để đầu tư nâng cấp, hình thành các sản phẩm dịch vụ ban đêm.
- Tạo điều kiện thuận lợi để chuyển các tụ điểm vui chơi giải trí, khu mua sắm, ẩm thực, các buổi biểu diễn nghệ thuật về đêm... thành tổ hợp giải trí riêng biệt.
- Xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm như tham quan các điểm văn hóa, di tích lịch sử, khám phá văn hóa bản địa, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật... Thiết lập chuỗi sự kiện ban đêm xuyên suốt trong năm. Nghiên cứu, đề xuất hình thức nâng cấp, tạo hiệu ứng 3D mapping, ánh sáng, âm thanh và tăng tần suất hoạt động của cầu Rồng phun lửa, phun nước.
- Khuyến khích kéo dài thời gian hoạt động của một số dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm, tham quan: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh, nhà hàng, du lịch thủy nội địa, show diễn... và các dịch vụ ban đêm tại khu nghỉ dưỡng ven biển.
a) Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
- Xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn (trong đó, chú trọng quảng bá du lịch ban đêm) thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Zalo, trang mạng dành riêng cho từng thị trường; quảng bá trên các trang marketing online, triển khai bản tin du lịch điện tử (E-Newsletter); nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch thành phố phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách.
- Nghiên cứu bổ sung dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch cũng như tại các khu điểm du lịch của thành phố.
b) Công tác quản lý hoạt động du lịch
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển và hỗ trợ du khách. Cụ thể:
- Triển khai hiệu quả Kiến trúc ứng dụng Công nghệ thông tin ngành du lịch, các phần mềm báo cáo thống kê, quản lý hoạt động du lịch...
- Tiếp tục nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu ngành du lịch, bổ sung các chức năng quản lý thông tin về nguồn nhân lực du lịch để có thể quản lý thông tin một cách tập trung, thống nhất. Qua đó, cập nhật số liệu về ngành du lịch thành phố một cách hiệu quả, chính xác, làm cơ sở để hoạch định chính sách.
- Nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại Bán đảo Sơn Trà. Đầu tư lắp đặt hệ thống camera để đảm bảo an ninh, an toàn và phát hiện hướng dẫn du lịch trái phép tại các khu vực tập trung đông du khách trên địa bàn thành phố.
- Hình thành Hệ thống khảo sát và phân tích hành vi, trải nghiệm của khách du lịch nhằm định hướng thị trường du lịch được tốt hơn; hệ thống giám sát du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh đối với ngành du lịch...
c) Hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch
- Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử, hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt.
- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở du lịch khai thác, phát triển các nền tảng OTA (đại lý du lịch trực tuyến); khuyến khích các mô hình kinh doanh mới phát triển du lịch trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
- Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch để chuẩn hóa thông tin các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
- Thiết lập nền tảng công nghệ thông tin phục vụ du lịch MICE: Phát triển website để xây dựng cơ sở dữ liệu điểm đến cho khách hàng MICE thuận lợi tra cứu và liên hệ.
- Kiến nghị Chính phủ bổ sung các giải pháp hoàn thuế trực tiếp trên ứng dụng điện thoại thông minh, tạo thuận lợi và kích thích chi tiêu của du khách.
- Triển khai Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Triển khai và duy trì thực hiện các Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
a) Nguồn nhân lực du lịch tại cơ quan quản lý nhà nước
- Tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia, tư vấn và nhân sự cấp cao trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc đề nghị tư vấn, mời góp ý cho các chủ trương, chính sách định hướng phát triển du lịch, tổ chức tọa đàm trao đổi...
- Tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, kết hợp với các đề án quốc gia về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ công chức, đặc biệt là tại UBND các quận, huyện...; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông du lịch... và các kỹ năng khác liên quan đến công tác du lịch.
b) Nguồn nhân lực du lịch tại doanh nghiệp và cộng đồng người dân tham gia làm du lịch
- Định kỳ 2 năm/lần tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động hiện đang làm việc trong ngành du lịch để đưa ra kế hoạch đào tạo cụ thể, cơ chế đào tạo phù hợp tại từng cấp trình độ chuyên ngành.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản đối phó với các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tàu du lịch, hướng dẫn viên..; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch Đà Nẵng, nhất là đối với phát triển du lịch cộng đồng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế cho nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra về đào tạo, tăng thời lượng thực hành, liên kết đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp.
c) Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội về phát triển du lịch
- Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm mới như du lịch về đêm, lồng ghép vào các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng năm để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức đối thoại giữa các chuyên gia du lịch với lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện về phát triển du lịch.
- Phát huy vai trò của UBND các cấp trong việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch; xây dựng chương trình phát động mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
- Tiếp tục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch theo nhiều hình thức (các kênh quảng bá du lịch, các bảng nội quy tại khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, in tờ rơi, tập gấp...); tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về phát triển du lịch ở địa phương (thông qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch triển khai...).
8. Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch
a) Liên kết trong nước
- Đẩy mạnh hợp tác liên kết với 05 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình - Hà Nội, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Ninh, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột...để kết nối phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phối hợp quản lý nhà nước về du lịch...
- Phát huy năng lực hoạt động của Hiệp hội Du lịch, các Hội thành viên, các Câu lạc bộ để kết nối các chuỗi dịch vụ hình thành các sản phẩm chung, xây dựng các chương trình tour du lịch kết nối Đà Nẵng với các địa phương trong nước.
b) Liên kết, hợp tác quốc tế
- Triển khai hiệu quả các nội dung đã ký kết trong biên bản ghi nhớ và hợp tác quốc tế.
- Liên kết với các địa phương có cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy khai thác khách du lịch đường bộ (Lào, Thái Lan, Campuchia...). Tạo lập các mối quan hệ, hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch của EU, PUM, Exchange, TPO và Văn phòng đại diện du lịch các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... tại Việt Nam. Thành lập mối liên kết hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác tại các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Trung Đông...
- Tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các Hội Việt kiều ở nước ngoài, hội du học sinh để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường.
9. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh và phát triển
- Triển khai các cơ chế chính sách của Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.
- Nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố tiếp tục miễn, giảm vé tham quan tại một số khu, điểm du lịch do nhà nước quản lý; đề xuất Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng, lãi suất vay ngân hàng...
- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh, kêu gọi một số thương hiệu lữ hành lớn trên thế giới, khu vực đặt văn phòng/chi nhánh tại Đà Nẵng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển một số đơn vị lữ hành địa phương trở thành các đơn vị lữ hành quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong khai thác từng thị trường du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... làm đầu tàu phát triển cho doanh nghiệp lữ hành địa phương.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng quan hệ hợp tác với Hội nghề nghiệp các nước là thị trường trọng điểm, tiềm năng của du lịch Đà Nẵng để phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn khách.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh truyền thông của thành phố (đài truyền hình, báo, website, các trang mạng xã hội...), tổ chức và tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch cùng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các chương trình ngoại giao... của Đà Nẵng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trong phục vụ khách đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ.
10. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 của UBND thành phố Phê duyệt Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xây dựng Quy chế Tổ chức hoạt động du lịch tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng và Nội quy tham quan tại các bãi tắm du lịch Đà Nẵng. Triển khai hiệu quả Phương án số 3729/PA-UBND ngày 09/6/2020 của UBND thành phố về việc quản lý các bãi biển du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xây dựng kiện toàn nâng cấp bộ máy quản lý và khai thác bán đảo Sơn Trà. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, khảo sát về cơ sở lưu trú, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, phát triển tài nguyên du lịch...
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động du lịch. Nghiên cứu đề xuất tăng cường vai trò, quyền hạn của Sở Du lịch, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư tạo sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hiện có; rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan như thủ tục về đầu tư, xuất nhập cảnh, lao động nước ngoài, nhập khẩu trang thiết bị... để tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.
- Nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn phát triển du lịch thành phố gồm các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch uy tín của Đà Nẵng cũng như Việt Nam.
- Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý giao dịch ngoại tệ trên các ứng dụng ví điện tử quốc tế, đảm bảo nguồn thu ngân sách; kiến nghị bổ sung, điều chỉnh Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan du lịch để nâng cao hiệu lực quản lý hoạt động du lịch.
11. Đảm bảo môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Môi trường tự nhiên
- Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Vận động hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch “nói không với túi ni lông và rác thải nhựa sử dụng 1 lần” và tổ chức chương trình tuyên truyền điểm đến không rác thải nhựa tại các bãi biển.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom và xử lý nước thải quy mô lớn để xử lý triệt để tình trạng nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm; rà soát, đánh giá tình hình xây dựng công trình, khả năng đáp ứng hạ tầng giao thông, thoát nước khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê.
- Xây dựng các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo đúng quy hoạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường.
b) Môi trường kinh doanh, xã hội
- Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn và khai thác cảnh quan thiên nhiên. Giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở các khu điểm du lịch; đảm bảo tốt môi trường xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách đến du lịch, đặc biệt là các khu vực phát triển kinh tế ban đêm. Thực hiện tốt công tác chống đeo bám, chèo kéo khách.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ phản ứng nhanh và Trung tâm hỗ trợ du khách; chất lượng hoạt động của các cơ sở dịch vụ du lịch, đảm bảo chuyên nghiệp, uy tín, xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của du khách.
- Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động tổ chức tour du lịch giá rẻ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hoạt động du lịch được lành mạnh và đúng quy định, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực du lịch.
- Nghiên cứu và triển khai giải pháp giám sát doanh thu, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cơ sở mua sắm phục vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, căn hộ, biệt thự, vận chuyển tại thành phố. Tăng cường kiểm tra việc khai báo khách nước ngoài tạm trú trên địa bàn thành phố; kiểm tra, quản lý người nước ngoài hoạt động du lịch và kiểm soát chặt chẽ lượng khách du lịch tại địa phương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Tổ chức gặp mặt, trao đổi để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh bình đẳng và công bằng.
- Tuyên truyền cho người dân về thái độ ứng xử đối với khách du lịch: nụ cười thân thiện, nhường đường cho người đi bộ...
(Danh mục các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện cụ thể tại Phụ lục II)
1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm
- Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Kế hoạch này; định kỳ báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Du lịch) tiến độ thực hiện trước ngày 05 tháng 6 và ngày 5 tháng 12 hàng năm.
- Hàng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án do đơn vị chủ trì để lập dự toán kinh phí chi tiết theo nội dung chi, mức chi đúng chế độ, chi tiêu tài chính hiện hành, gửi Sở Du lịch có ý kiến trước khi gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
- Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố (thông qua Sở Du lịch) để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Sở Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch; theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị; tổng hợp đề xuất UBND thành phố điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch (nếu có) để phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương.
3. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tại thời điểm xây dựng dự toán, trên cơ sở đề nghị của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch này và ý kiến của Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với nguồn vốn chi đầu tư phát triển) và Sở Tài chính (đối với nguồn vốn chi thường xuyên) xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
1. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cân đối sử dụng từ nguồn dự toán được giao hàng năm theo phân cấp và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định để thực hiện và tăng cường huy động thêm kinh phí từ nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
2. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện Kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trên đây là Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai và báo cáo tình hình thực hiện về UBND thành phố theo đúng quy định./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI
ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ DỰ BÁO TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
1. Các chỉ tiêu phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2016 - 2019 và dự kiến năm 2020
Stt |
Chỉ tiêu |
ĐVT |
Thực hiện 2015 |
Thực hiện 2016 |
Thực hiện 2017 |
Thực hiện 2018 |
Thực hiện 2019 |
ƯTH năm 2020 |
Đạt so với 2019 (%) |
Tốc độ tăng trưởng BQ 2016-2019 (%) |
1 |
Tổng khách |
LK |
4.682.050 |
5.545.789 |
6.633.981 |
7.662.971 |
8.692.421 |
2.721.515 |
27,77 |
16,73 |
- |
Khách quốc tế |
LK |
1.266.272 |
1.677.297 |
2.331.887 |
2.875.371 |
3.522.928 |
686.431 |
17,16 |
29,15 |
- |
Khách nội địa |
LK |
3.415.777 |
3.868.492 |
4.302.094 |
4.787.600 |
5.169.493 |
2.035.084 |
35,09 |
10,91 |
2 |
Tổng thu DL |
Tỷ đ |
12.817 |
16.083 |
19.504 |
26.532 |
30.973 |
10.788 |
27,58 |
24,68 |
3 |
Tổng LK do CSLTDL phục vụ |
LK |
1.983.921 |
2.583.909 |
3.537.890 |
4.695.000 |
5.917.222 |
1.975.082 |
33,38 |
31,42 |
- |
Khách quốc tế |
LK |
580.071 |
1.021.080 |
1.646.362 |
2.675.000 |
3.497.561 |
651.754 |
18,63 |
56,70 |
- |
Khách nội địa |
LK |
1.403.850 |
1.562.829 |
1.891.528 |
2.020.000 |
2.419.661 |
1.323.328 |
54,69 |
14,58 |
4 |
Doanh thu lưu trú |
Tỷ đ |
3.887,8 |
5.817,76 |
8.945 |
11.414 |
13.601 |
3.212 |
23,62 |
36,76 |
2. Dự báo tốc độ phát triển du lịch đến năm 2025
Kịch bản 1:
TT |
Chỉ tiêu |
ĐVT |
UTH 2020 |
Kế hoạch 2021 |
Kế hoạch 2022 |
Kế hoạch 2023 |
Kế hoạch 2024 |
Kế hoạch 2025 |
Tốc độ tăng trưởng BQ 2020-2025 (%) |
1 |
Tổng khách |
LK |
2.721.515 |
5.709.422 |
8.692.421 |
10.884.884 |
11.604.288 |
12.323.692 |
5,99 |
a |
Khách quốc tế |
LK |
686.431 |
1.056.878 |
2.522.928 |
3.684.982 |
3.928.675 |
4.172.369 |
2,86 |
b |
Khách nội địa |
LK |
2.035.084 |
4.652.544 |
6.169.493 |
7.199.902 |
7.675.613 |
8.151.324 |
7,89 |
2 |
Tổng thu DL |
Tỷ đ |
10.788 |
22.786 |
36.070 |
48.164 |
54.747 |
61.987 |
12,26 |
3 |
Tỷ trọng đóng góp DL/GRDP |
% |
8,2 |
15,8 |
22,3 |
26,5 |
26,8 |
27,0 |
|
Ghi chú: Dự báo theo hướng nhận định lạc quan khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian cuối quý IV/2020. Đầu năm 2021, thành phố có các chương trình kích cầu khách nội địa, vacxin được thử nghiệm thành công và cung cấp từ quý III/2021; theo đó, tổng lượng khách đạt khoảng 60-70% so với năm 2019; trong đó lượng khách nội địa phục hồi năm 2021 đạt khoảng 90% so với 2019, lượng khách quốc tế chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với 2019. Đầu năm 2022, mở cửa lại các đường bay quốc tế, tổng lượng khách hồi phục tương đương với năm 2019 (8,6-8,7 triệu lượt). Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng thu du lịch giai đoạn 2020-2025 là 12 - 12,5%/năm.
Kịch bản 2:
TT |
Chỉ tiêu |
ĐVT |
UTH 2020 |
Kế hoạch 2021 |
Kế hoạch 2022 |
Kế hoạch 2023 |
Kế hoạch 2024 |
Kế hoạch 2025 |
Tốc độ tăng trưởng BQ 2020-2025 (%) |
1 |
Tổng khách |
LK |
2.721.515 |
3.536.317 |
6.226.371 |
8.692.421 |
10.884.884 |
11.604.288 |
4,93 |
a |
Khách quốc tế |
LK |
686.431 |
176.146 |
1.056.878 |
2.522.928 |
3.684.982 |
3.928.675 |
1,83 |
b |
Khách nội địa |
LK |
2.035.084 |
3.360.170 |
5.169.493 |
6.169.493 |
7.199.902 |
7.675.613 |
6,81 |
2 |
Tổng thu DL |
Tỷ đ |
10.788 |
14.113 |
25.837 |
36.070 |
48.164 |
54.747 |
9,96 |
3 |
Tỷ trọng đóng góp DL/GRDP |
% |
8,2 |
9,8 |
16,0 |
19,8 |
23,6 |
23,8 |
|
Ghi chú: Dự báo theo hướng khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian quý I/2021, cuối quý IV/2021 vacxin được thử nghiệm thành công và cung cấp; khách du lịch vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng việc đã kiểm soát dịch. Dự kiến lượng khách nội địa năm 2021 phục hồi khoảng 55-65% so với 2019, lượng khách quốc tế rất ít, chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, khoảng 5% so với 2019. Quý II/2022, mở cửa lại các đường bay quốc tế nhưng chỉ dành cho khách công vụ, chuyên gia, lao động nước ngoài; theo đó, tổng lượng khách đạt khoảng 65-70% so với năm 2019; trong đó lượng khách nội địa phục hồi năm 2022 tương đương so với 2019, lượng khách quốc tế chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với 2019. Năm 2023, mở lại đường bay quốc tế, các sản phẩm mới được đưa vào hoạt động, tổng lượng khách hồi phục tương đương với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng thu du lịch giai đoạn 2020-2025 là 9 - 10%/năm.
PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
STT |
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm |
Đơn vị chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Thời gian thực hiện/hoàn thành |
Ghi chú |
I |
Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững |
|
|
|
|
1. |
Xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau dịch Covid-19, định hướng tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới (bối cảnh vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh). |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, các sở, ngành liên quan |
Xây dựng kế hoạch: Năm 2020 Triển khai: Năm 2021 - 2023 |
|
2. |
Hoàn thành và triển khai: - Đề án phát triển du lịch MICE Đà Nẵng - Đề án quản lý và phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà Triển khai: - Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Xây dựng Đề án: Năm 2020 - 2021 Triển khai: Năm 2021 - 2025 |
|
3. |
Triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang và Đề án phát triển du lịch Khu Căn cứ cách mạng K20. |
UBND các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang theo chức năng nhiệm vụ |
Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
4. |
Triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dành quỹ đất phát triển du lịch trong giai đoạn đến; ưu tiên quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt. Đề xuất quy hoạch vị trí hình thành các địa điểm trưng bày sản phẩm lưu niệm, trung tâm thương mại quy mô lớn, bến du thuyền của thành phố Xây dựng và triển khai quy hoạch cảnh quan dọc tuyến sông Cổ Cò; quy hoạch cảnh quan 02 bên bờ sông Hàn Tập trung hoàn thành công tác rà soát bổ sung quy hoạch chi tiết vị trí cảng, bến, cầu tàu phục vụ phát triển du lịch thủy nội địa, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng. |
Sở Xây dựng |
Sở Du lịch, Sở VHTT, Sở GTVT, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Triển khai đồ án: Năm 2021 - 2025 (sau khi Đồ án được phê duyệt) Đề xuất quy hoạch vị trí; xây dựng quy hoạch cảnh quan; quy hoạch chi tiết vị trí cảng, bến, cầu tàu: Năm 2021 - 2022 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
5. |
Lập quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ, tạo thành điểm đến tham quan, ngắm cảnh độc đáo đối với 02 tuyến đường ven biển: Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành; bãi tắm kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, phục vụ 24/7 tại khu vực bãi biển Mỹ An (Phố An Thượng); hình thành các dịch vụ, tạo các điểm nhấn tham quan, ngắm cảnh độc đáo trên khu vực bán đảo Sơn Trà; các hạng mục theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái... |
Sở Du lịch |
Sở Xây dựng, Sở GTVT và các đơn vị liên quan |
Trình phương án quy hoạch: Năm 2021 |
|
II |
Ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành sản phẩm/dịch vụ du lịch |
|
|
|
|
- |
Đường hàng không và đường biển |
|
|
|
|
6. |
Nâng cấp cơ sở vật chất tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng biển Tiên Sa, đảm bảo phục vụ khách du lịch chu đáo, chuyên nghiệp, hiện đại phấn đấu đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu lượt khách/năm |
Sở Giao thông vận tải Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty CP Cảng Đà Nẵng |
Các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
- |
Đường thủy nội địa: |
|
|
|
|
7. |
Đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 theo Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của UBND thành phố |
Sở Giao thông Vận tải |
Sở Xây dựng, Sở KHĐT, UBND các quận, huyện và các sở ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
- |
Đường bộ |
|
|
|
|
8. |
Đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến các khu, điểm du lịch phía Tây thành phố; xây dựng các điểm trung chuyển, các bãi đỗ xe công cộng, trong đó ưu tiên đầu tư sớm các bãi đỗ xe quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lối qua đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiên cứu đề xuất hình thành và kết nối với tuyến xe buýt du lịch liên kết 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. |
Sở Giao thông Vận tải |
Các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
- |
Đường sắt |
|
|
|
|
9. |
Kêu gọi đầu tư hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như dự án hệ thống xe điện bánh sắt Tramway; dự án tàu điện kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An. Rà soát, tiếp tục vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng khi di chuyển |
Sở Giao thông Vận tải |
Các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
10. |
Hỗ trợ đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả dự án tàu du lịch đầu máy hơi nước giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Sở Giao thông Vận tải |
Các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
- |
Hệ thống cơ sở vật chất |
|
|
|
|
11. |
Vận động các khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch Đầu tư các tiện ích dọc biển và các lối xuống biển... Đầu tư và đưa vào hoạt động trụ sở Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố. |
Sở Du lịch |
Sở TNMT, Sở NNPTNT, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
12. |
Kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn du lịch phục vụ khách tại một số khu vực tập trang đông người (các trạm xăng, điểm dừng chân đường bộ, các khu vực công cộng, quảng trường, công viên...) |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Xây dựng, GTVT, Công Thương, UBND các quận, huyện |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
13. |
Triển khai Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2030 |
Sở Du lịch |
Theo phân công tại Đề án |
Từ năm 2021 |
|
14. |
Ưu tiên đầu tư công để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm: hệ thống điện chiếu sáng công cộng, chiếu sáng trang trí, cấp điện tổ chức sự kiện trên các tuyến đường Bạch Đằng, Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo, Chương Dương, Nguyễn Tất Thành, Hoàng sa, Võ Nguyên Giáp... và tại một số quảng trường khu vực trung tâm thành phố; cơ sở hạ tầng (cấp điện, cấp nước, đường bộ...) để phát triển các sản phẩm du lịch tại bán đảo Sơn Trà... |
Sở Xây dựng (hệ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm) Sở Du lịch (cơ sở hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà) |
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2023 |
|
III |
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch |
|
|
|
|
15. |
Hoàn chỉnh chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm |
Sở Du lịch |
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Hoàn thành chính sách: Năm 2021 Triển khai: Từ năm 2021 |
|
16. |
Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế. |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
17. |
Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. |
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng |
Sở Du lịch, Sở GTVT và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
IV |
Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch |
|
|
|
|
- |
Công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường: |
|
|
|
|
18. |
Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch đa dạng hóa thị trường quốc tế giai đoạn 2019 - 2021; tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2022 - 2025, trong đó: Phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch Đà Nẵng và tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch tại các thị trường quốc tế và nội địa theo định hướng. Hỗ trợ duy trì, khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới từ Ấn Độ, Nga, Melbourne (Úc), Trung Đông và các tuyến tàu biển quốc tế mới đến Đà Nẵng. Đón các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường trên đến khảo sát điểm đến mới, tạo cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng. Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả đại diện du lịch Đà Nẵng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và xúc tiến đề cử các đại diện du lịch Đà Nẵng để tiến tới thành lập các Văn phòng đại diện du lịch Đà Nẵng tại các thị trường nước ngoài như Châu Âu, Úc, Nga và Trung Đông. Đầu tư hàng năm cho công tác nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường khách du lịch và dự báo tình hình, định hướng phát triển du lịch, dự báo xác định đóng góp của ngành du lịch Đà Nẵng... |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020, 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
19. |
Lồng ghép nội dung quảng bá và xúc tiến du lịch trong các buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác, gắn với xúc tiến đầu tư và thương mại của thành phố |
Các Sở: Du lịch, Công Thương, Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư theo chức năng nhiệm vụ |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
20. |
Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế theo chuyên đề |
Hiệp hội Du lịch |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
02 năm/lần từ năm 2021 |
10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
21. |
Hỗ trợ khai thác hiệu quả các tuyến tàu biển du lịch hiện có và xúc tiến kêu gọi các tuyến tàu biển du lịch quốc tế mới đến Cảng Đà Nẵng |
Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Công tác truyền thông, quảng bá du lịch |
|
|
|
|
22. |
Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả của các chiến dịch truyền thông để có những điều chỉnh phù hợp đến từng thị trường mục tiêu |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
23. |
Kết nối với các kênh truyền hình, cơ quan báo, đài, đơn vị truyền thông, KOLs, blogger, người đại diện du lịch... trong nước và quốc tế từ các thị trường đã được định hướng để quảng bá thông tin du lịch trên kênh của tổ chức, cá nhân. |
Sở Du lịch |
Sở Công Thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
|
Mời các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng làm phim, video âm nhạc..., tạo hình thức quảng bá mới và hiệu quả cho Đà Nẵng Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch hàng năm. |
|
|
|
|
- |
Tổ chức hoạt động hiệu quả Quỹ Xúc tiến Du lịch |
|
|
|
|
24. |
Tổ chức xúc tiến đường bay, các sự kiện quy mô lớn, có hiệu quả kết nối lan tỏa cao tại các thị trường quốc tế tiềm năng cần sự đầu tư về kinh phí và nhân lực (ITB - Berlin, Leisure Matxcova, WTM - London...); thực hiện truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới; tổ chức các sự kiện lớn thu hút khách; nghiên cứu, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng địa phương, đảm bảo phù hợp với các thị trường trọng điểm; quảng bá trực quan hình ảnh Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm. |
Quỹ Xúc tiến Du lịch |
Sở Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
V |
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
- |
Sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp |
|
|
|
|
25. |
Nâng cấp sản phẩm hiện có: - Nghiên cứu phương án thiết kế cảnh quan và chiếu sáng nghệ thuật ven biển tại 02 tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, Nguyễn Tất Thành. - Đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ của sản phẩm hiện có tại các khu nghỉ dưỡng ven biển. Đầu tư sản phẩm mới: Kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí dưới nước chất lượng: vịnh phao nổi (Splash Bay), đi bộ dưới biển (Sea walker), ván bay (Flyboard), tàu lặn (Seabreacher)... tại tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành, Vịnh Đà Nẵng; dịch vụ lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà |
Sở Du lịch |
Sở Xây dựng, Sở GTVT và các đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, hội nghị hội thảo (MICE), ưu tiên đầu tư theo hướng dịch vụ cao cấp: |
|
|
|
|
|
Nâng cấp sản phẩm hiện có: |
|
|
|
|
26. |
Tham mưu đầu tư, nâng cấp các tiện ích dịch vụ tại một số khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố phục vụ khách du lịch: Chợ Hàn, Chợ Nại Hiên, Chợ Cồn... |
Sở Công Thương |
UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2023 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
27. |
Nghiên cứu phương án nâng cấp Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang với các dịch vụ phục vụ khách du lịch như mua sắm và thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm sinh hoạt của người dân địa phương... |
Sở NNPTNT |
Sở Du lịch, Công Thương, UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan |
Năm 2025 |
|
28. |
Đề xuất bổ sung hoạt động văn hóa lễ hội 02 bên bờ sông Hàn |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
29. |
Duy trì, nâng cấp mở rộng quy mô các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội ẩm thực quốc tế, Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Cuộc thi Marathon Quốc tế, Cuộc thi Iron Man, Giải cầu lông quốc tế, Giải đua xe đạp quốc tế, Đại hội Thể thao biển Châu Á, Đại hội Du lịch Golf Châu Á... |
Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ |
|
Hàng năm từ năm 2021 |
|
|
Đầu tư sản phẩm mới |
|
|
|
|
30. |
Vận động các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện quốc tế tại Đà Nẵng |
Sở Ngoại vụ |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
31. |
Xây dựng và triển khai Đề án Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm để thu hút khách du lịch, thiết lập chuỗi sự kiện với các sự kiện ban đêm xuyên suốt trong năm. |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
- |
Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng: |
|
|
|
|
|
Nâng cấp sản phẩm hiện có: |
|
|
|
|
32. |
Đầu tư bảo tồn, nâng cấp các di tích quốc gia: Hải Vân Quan, Thành Điện Hải; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng... Triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn Nghiên cứu triển khai gắn kết bổ sung dịch vụ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (trình diễn nghệ thuật Chăm, tổ chức học múa Chăm, tái hiện khung cảnh của người Chăm...) với tôn tạo Phế tích tháp Chăm tại làng Phong Lệ hình thành chuỗi tham quan tìm hiểu về văn hóa Chăm tại Đà Nẵng. |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Sở Du lịch, UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2022 (Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn: Năm 2020 - 2021) |
|
33. |
Bảo tồn, nghiên cứu nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa dân gian: Lễ hội Quán Thế Âm, Cầu ngư, đình làng Hải Châu, đình làng Túy Loan... Đầu tư, tôn tạo cơ sở vật chất, bổ sung các phần hội dành cho người dân và du khách, nghiên cứu đầu tư hình thành các sản phẩm lưu niệm đặc trưng lễ hội, kết nối với các giá trị văn hóa - lịch sử quanh khu vực để đa dạng hóa trải nghiệm.. |
UBND các quận, huyện |
Sở Du lịch, VHTT, Công Thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
|
Đầu tư sản phẩm mới |
|
|
|
|
34. |
Kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hồ Đồng Nghệ, hồ Xanh và các khu vực hồ chứa nước với các sản phẩm dịch vụ chèo thuyền, cắm trại, câu cá, vui chơi giải trí... |
UBND huyện Hòa Vang |
Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các sở ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
35. |
Nghiên cứu tổ chức khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tại khu vực phía Tây thành phố, xây dựng các chương trình, hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với các chương trình giáo dục môi trường Khuyến khích các đơn vị lữ hành liên kết với trường học trong và ngoài nước để tổ chức các chương trình du lịch học đường. |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng |
Sở Du lịch, NNPTNT, GDĐT, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
36. |
Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư các dự án du lịch sinh thái, cộng đồng |
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban XTHTĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Sản phẩm du lịch đường thủy nội địa |
|
|
|
|
37. |
Nâng cấp sản phẩm hiện có: - Đầu tư hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến K20, CT15, Túy Loan, Thái Lai, Bãi Cát Vàng, khu vực sông Cu Đê - Trường Định; tập trung phát triển các tuyến Sông Cu Đê, tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, Sông Cổ Cò, tuyến sông Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, quanh bán đảo Sơn Trà và Vịnh Đà Nẵng. |
Sở Du lịch (Bãi Cát Vàng, phát triển các tuyến du lịch đường thủy nội địa) UBND quận NHS (K20) UBND quận Liên Chiểu (sông Cu Đê) UBND huyện Hòa Vang (Túy Loan, Thái Lai) |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Kêu gọi đầu tư: Năm 2021 - 2022; triển khai: Năm 2023 - 2025. |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
38. |
Đầu tư sản phẩm mới - Thu hút nhà đầu tư đóng mới tàu du lịch các tuyến Cảng Sông Hàn-Ngũ Hành Sơn; Cảng Sông Hàn-Túy Loan-Thái Lai. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tàu lưu trú qua đêm và các loại hình tàu nhà hàng, tàu kết hợp dịch vụ bar, pub... - Phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư, cùng khai 1 thác bãi Sủng Cỏ, Mà Đa, Hòn Chảo và phối hợp với tỉnh Quảng Nam cùng đầu tư, khai thác tuyến du lịch thủy nội địa Đà Nẵng - Hội An qua sông Cổ Cò. |
Sở Du lịch |
Sở GTVT, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Sản phẩm du lịch đô thị |
|
|
|
|
39. |
Phát triển tuyến du lịch đi bộ (walking tour) tại trung tâm thành phố, khu vực quận Hải Châu |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 |
|
40. |
Nghiên cứu đầu tư hình thành quảng trường trung tâm; thiết kế mô hình biểu tượng độc đáo, đặc trưng Đà Nẵng tại khu vực trung tâm thành phố gắn với quảng trường trung tâm để tạo điểm nhấn tham quan check in cho du khách |
Sở Xây dựng |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
41. |
Nghiên cứu triển khai ý tưởng Bảo tàng sống tại khu vực trung tâm thành phố theo hướng hình thành khu đô thị mang hình ảnh và ký ức của thành phố Đà Nẵng cũ, kết hợp với các tuyến du lịch đi bộ để thu hút du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Sở Xây dựng, Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
- |
Sản phẩm du lịch ẩm thực |
|
|
|
|
42. |
Nâng cấp sản phẩm hiện có: Tổ chức thường niên và nâng tầm quy mô Lễ hội ẩm thực quốc tế; mời người nổi tiếng tham gia quảng bá ẩm thực Đà Nẵng. |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
43. |
Đầu tư sản phẩm mới: Nghiên cứu xây dựng Bản đồ công nghệ và tiêu chí đánh giá công nghệ cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch ẩm thực tại thành phố Đà Nẵng. Đề nghị các đơn vị lữ hành nghiên cứu tổ chức các chương trình tour tham quan, khám phá ẩm thực tại Đà Nẵng, chế biến, quan sát, mua sắm đặc sản tại điểm quảng bá sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP |
Sở Du lịch |
Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 |
|
44. |
Nghiên cứu hình thành phố ẩm thực (hải sản) tại tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Văn Thoại; Phố chuyên doanh ẩm thực tại các quận, huyện. |
UBND các quận, huyện |
Sở Công Thương, Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
- |
Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe |
|
|
|
|
45. |
Nâng cấp sản phẩm hiện có: Khuyến khích nhà đầu tư nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ cao cấp tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, bán đảo Sơn Trà, các khu nghỉ dưỡng ven biển và khu du lịch sinh thái phía Tây thành phố... Đầu tư sản phẩm mới: Hỗ trợ, khuyến khích tổ chức các hoạt động thiền, yoga tại các bãi biển ven tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành, bán đảo Sơn Trà; thu hút đầu tư mới khu suối nước nóng Phước Nhơn |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
46. |
Nghiên cứu liên kết với Tập đoàn Vingroup để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm dịch vụ và lưu trú tại Vinpearl gắn với khám chữa bệnh tại Vinmec; liên kết với các Tổ chức y học cổ truyền xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh theo y học dân tộc cổ truyền; nghiên cứu xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc nha khoa, detox (thanh lọc cơ thể) |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng |
Sở Du lịch, Sở Y tế và các đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Sản phẩm du lịch cưới |
|
|
|
|
47. |
Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch cưới (kết hợp chụp ảnh cưới), honeymoon (trăng mật)... cho các cặp vợ chồng sắp cưới/mới cưới. |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
- |
Các giải pháp khác |
|
|
|
|
48. |
Rà soát, xây dựng và công khai danh mục quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
VI |
Mở rộng quy mô ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động quản lý, xúc tiến, quảng bá, khai thác để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh |
|
|
|
|
- |
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch: |
|
|
|
|
49. |
Xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn (trong đó, chú trọng quảng bá du lịch ban đêm) thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Zalo, trang mạng dành riêng cho từng thị trường; quảng bá trên các trang marketing online, triển khai bản tin du lịch điện tử (E-Newsletter); nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch thành phố phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách. Tổ chức các cuộc thi online về du lịch để tạo hiệu ứng truyền thông; đầu tư các video, bộ ảnh đẹp về du lịch Đà Nẵng để đăng tải trên các trang mạng xã hội. Nghiên cứu bổ sung dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch cũng như tại các khu điểm du lịch của thành phố. |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020, 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
- |
Công tác quản lý hoạt động du lịch |
|
|
|
|
50. |
Triển khai hiệu quả Kiến trúc ứng dụng Công nghệ thông tin ngành du lịch; triển khai các phần mềm báo cáo thống kê, quản lý hoạt động du lịch...; các nội dung trong Đề án thành phố thông minh. Tiếp tục nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu ngành du lịch, bổ sung các chức năng quản lý thông tin về nguồn nhân lực du lịch để có thể quản lý thông tin một cách tập trung, thống nhất Nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại Bán đảo Sơn Trà Hình thành Hệ thống khảo sát và phân tích hành vi, trải nghiệm của khách du lịch nhằm định hướng thị trường du lịch được tốt hơn; hệ thống giám sát du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh đối với ngành du lịch... |
Sở Du lịch |
Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2025 Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh tại Bán đảo Sơn Trà: Năm 2021 |
|
51. |
Đầu tư lắp đặt hệ thống camera để đảm bảo an ninh, an toàn và phát hiện hướng dẫn du lịch trái phép tại các khu vực tập trung đông du khách trên địa bàn thành phố |
Công an thành phố |
Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, ngành liên quan |
Năm 2021 - 2022 |
|
- |
Hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch: |
|
|
|
|
52. |
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử, hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2023 |
|
53. |
Phát triển website để xây dựng cơ sở dữ liệu điểm đến cho khách hàng MICE thuận lợi tra cứu và liên hệ. Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch để chuẩn hóa thông tin các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở du lịch khai thác, phát triển các nền tảng OTA (đại lý du lịch trực tuyến); khuyến khích các mô hình kinh doanh mới phát triển du lịch trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2023 |
|
54. |
Xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ |
Sở Công Thương |
UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2023 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 |
55. |
Kiến nghị Chính phủ bổ sung các giải pháp hoàn thuế trực tiếp trên ứng dụng điện thoại thông minh, tạo thuận lợi và kích thích chi tiêu của du khách. |
Cục Thuế thành phố |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 |
|
VII |
Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch |
|
|
|
|
56. |
Triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó: Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản đối phó với các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tàu du lịch, hướng dẫn viên...; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông du lịch,... và các kỹ năng khác liên quan đến công tác du lịch cho cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch Đà Nẵng. |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
57. |
Triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng |
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
58. |
Tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, kết hợp với các đề án quốc gia về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ công chức, đặc biệt là tại UBND các quận, huyện... |
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan theo chức năng nhiệm vụ |
|
Hàng năm từ năm 2021 |
|
59. |
Tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động hiện đang làm việc trong ngành du lịch. |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan |
Định kỳ 02 năm/lần từ năm 2021 |
|
60. |
Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế cho nguồn nhân lực du lịch Hỗ trợ các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra về đào tạo, tăng thời lượng thực hành, liên kết đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp |
Sở Giáo dục và đào tạo Sở Du lịch |
Sở Lao động - thương binh và xã hội và các sở, ban, ngành liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
61. |
Tiếp tục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, các Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách theo nhiều hình thức Tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về phát triển du lịch ở địa phương. Tổ chức đối thoại giữa các chuyên gia du lịch với lãnh đạo thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện về phát triển du lịch (theo hình thức phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực tế) |
Sở Du lịch |
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020, 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
62. |
Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao nhận thức về phát triển du lịch (lồng ghép vào các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng năm), đặc biệt với các sản phẩm mới như du lịch về đêm. |
UBND các quận, huyện |
Sở Du lịch và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
63. |
Xây dựng các chương trình truyền hình, phóng sự tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích trực tiếp và gián tiếp mà du lịch mang lại, từ đó phát động chương trình mỗi người dân là một đại sứ du lịch. |
Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng |
Sở Du lịch, Thành Đoàn Đà Nẵng và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
|
64. |
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương xây dựng các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch thành phố trong giai đoạn mới - Tổ chức truyền thông về du lịch trên một số cơ quan báo chí hợp tác truyền thông với thành phố Đà Nẵng. - Tổ chức Giải báo chí tuyên truyền về thành phố Đà Nẵng với chủ đề Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Sở Du lịch, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
65. |
Hướng dẫn các trường phổ thông trung học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo nghề du lịch trên địa bàn thành phố lồng ghép kiến thức về du lịch, định hướng nghề du lịch trong một số bài học, hoạt động ngoài giờ |
Sở Giáo dục và Đào tạo (trường PTTH), Sở Lao động - Thương binh xã hội (cơ sở giáo dục nghề nghiệp) |
Sở Du lịch, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
VIII |
Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch |
|
|
|
|
- |
Liên kết trong nước: |
|
|
|
|
66. |
Xây dựng và triển khai kế hoạch đẩy mạnh hợp tác liên kết với 05 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình và Hà Nội, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Ninh, Đắk Lắk...để kết nối phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phối hợp quản lý nhà nước về du lịch... |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
67. |
Phát huy năng lực hoạt động của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, các Hội thành viên, các Câu lạc bộ để kết nối các chuỗi dịch vụ hình thành các sản phẩm chung, xây dựng các chương trình tour du lịch kết nối Đà Nẵng với các địa phương trong nước. |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng |
Sở Du lịch, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
- |
Liên kết, hợp tác quốc tế: |
|
|
|
|
68. |
Triển khai hiệu quả các nội dung đã ký kết trong biên bản ghi nhớ và hợp tác quốc tế. |
Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ |
|
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
69. |
Nghiên cứu liên kết với các địa phương có cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy khai thác khách du lịch đường bộ (Lào, Thái Lan, Campuchia...). Tạo lập các mối quan hệ, hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch của EU, PUM, Exchange, TPO và Văn phòng đại diện du lịch các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... tại Việt Nam. Thành lập mối liên kết hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác tại các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Trung Đông... Tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các Hội Việt kiều ở nước ngoài, hội du học sinh để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường |
Sở Du lịch |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận huyện |
Năm 2021 - 2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
IX |
Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh và phát triển |
|
|
|
|
70. |
Triển khai các cơ chế chính sách của Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. |
Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ |
Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng |
Năm 2021 |
|
71. |
Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trong phục vụ khách đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ. |
Sở Y tế |
Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các đơn vị liên quan |
Năm 2020 - 2021 |
|
72. |
Nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố tiếp tục miễn, giảm vé tham quan tại một số khu, điểm du lịch do nhà nước quản lý; đề xuất Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng, lãi suất vay ngân hàng... Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh, kêu gọi một số thương hiệu lữ hành lớn trên thế giới, khu vực đặt văn phòng/chi nhánh tại Đà Nẵng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển một số đơn vị lữ hành địa phương trở thành các đơn vị lữ hành quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong khai thác từng thị trường du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…, làm đầu tàu phát triển cho doanh nghiệp lữ hành địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng quan hệ hợp tác với Hội nghề nghiệp các nước là thị trường trọng điểm, tiềm năng của du lịch Đà Nẵng để khai thác hiệu quả các nguồn khách. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh truyền thông của thành phố (đài truyền hình, báo, website, các trang mạng xã hội...), tổ chức và tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch cùng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các chương trình ngoại giao,... của Đà Nẵng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ trong và ngoài nước. |
Sở Du lịch |
Các sở, ban, ngành, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng và các đơn vị liên quan |
Nghiên cứu tham mưu về chính sách; Năm 2020 - 2021 Hỗ trợ doanh nghiệp: Năm 2021 - 2025 |
|
X |
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch |
|
|
|
|
73. |
Thực hiện quản lý chặt chẽ các khu điểm du lịch (chưa được công nhận) và các hoạt động du lịch tự phát trên địa bàn quận, huyện (về đăng ký kinh doanh, đảm bảo an toàn trật tự, an toàn, chất lượng dịch vụ...) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 của UBND thành phố Phê duyệt Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng |
UBND các quận, huyện |
Sở Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
74. |
Tham mưu xây dựng Quy chế Tổ chức hoạt động du lịch tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng và Nội quy tham quan tại các bãi tắm du lịch Đà Nẵng. Triển khai hiệu quả Phương án số 3729/PA-UBND ngày 09/6/2020 của UBND thành phố về việc quản lý các bãi biển du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xây dựng kiện toàn nâng cấp bộ máy quản lý và khai thác bán đảo Sơn Trà. Nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn phát triển du lịch thành phố gồm các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch uy tín của Đà Nẵng cũng như Việt Nam. Kiến nghị bổ sung, điều chỉnh Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan du lịch để nâng cao hiệu lực quản lý hoạt động du lịch. |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 |
|
75. |
Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, phát triển tài nguyên du lịch... (đi thực tế nắm tình hình, điều tra, khảo sát...) |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
76. |
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hiện có; rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan như thủ tục về đầu tư, xuất nhập cảnh, lao động nước ngoài, nhập khẩu trang thiết bị... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch |
Các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và xã hội, Ngoại vụ, Công an thành phố, Cục Hải Quan theo chức năng nhiệm vụ |
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan |
Từ năm 2021 và các năm tiếp theo |
|
77. |
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý giao dịch ngoại tệ trên các ứng dụng ví điện tử quốc tế, đảm bảo nguồn thu ngân sách |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 |
|
X |
Đảm bảo môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu |
|
|
|
|
- |
Môi trường tự nhiên |
|
|
|
|
78. |
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
79. |
Vận động hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch “nói không với túi ni lông và rác thải nhựa sử dụng 1 lần” và tổ chức chương trình tuyên truyền điểm đến không rác thải nhựa tại các bãi biển. |
Sở Du lịch |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Giai đoạn 1: Vận động không sử dụng rác thải nhựa sử dụng 1 lần: Năm 2020 - 2022. Giai đoạn 2: Hình thành điểm đến bền vững không xả rác thải nhựa trực tiếp ra môi trường: Năm 2023-2025 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
80. |
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom và xử lý nước thải quy mô lớn để xử lý triệt để tình trạng nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm; rà soát, đánh giá tình hình xây dựng công trình, thoát nước khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê. |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Năm 2021 - 2025 |
|
81. |
Xây dựng các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo đúng quy hoạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng hạ tầng giao thông |
Sở Giao thông Vận tải |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 - 2025 |
|
82. |
Tích cực phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch để xử lý các hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường biển tại hai tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. |
UBND các quận ven biển và các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ |
|
Hàng năm từ năm 2021 |
|
- |
Môi trường kinh doanh, xã hội |
|
|
|
|
83. |
Giữ vững an ninh, trật tự xã hội; đảm bảo tốt môi trường xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách đến du lịch, đặc biệt là các khu vực phát triển kinh tế ban đêm. Thực hiện tốt công tác chống đeo bám, chèo kéo khách |
Công an thành phố (an ninh trật tự), Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố (an toàn vệ sinh thực phẩm), UBND các quận, huyện (vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chống đeo bám, chèo kéo khách) |
Các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020, 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 |
84. |
Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ phản ứng nhanh và Trung tâm hỗ trợ du khách. Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động tổ chức tour du lịch giá rẻ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hoạt động du lịch được lành mạnh và đúng quy định, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức gặp mặt, trao đổi để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh bình đẳng và công bằng. |
Sở Du lịch |
Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
85. |
Nghiên cứu và triển khai giải pháp giám sát doanh thu, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cơ sở mua sắm phục vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, căn hộ, biệt thự, vận chuyển trên địa bàn thành phố. |
Cục Thuế thành phố |
Công an thành phố, Sở Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
86. |
Tăng cường kiểm tra việc khai báo khách nước ngoài tạm trú trên địa bàn thành phố; kiểm tra, quản lý người nước ngoài hoạt động du lịch và chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nắm thông tin, quản lý lượng khách du lịch tại địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. |
Công an thành phố |
Sở Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện |
Hàng năm từ năm 2021 |
Kế hoạch 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố |
87. |
Phát động các phong trào để tuyên truyền cho người dân về thái độ ứng xử đối với khách du lịch: nụ cười thân thiện, nhường đường cho người đi bộ... |
Sở Du lịch |
Thành Đoàn Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, các sở, ngành, đơn vị liên quan |
Năm 2021 |
|
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH
DỰ KIẾN ĐẦU TƯ TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
TT |
Tên dự án |
Chủ đầu tư/ Đơn vị chủ trì |
Địa điểm xây dựng |
Nguồn vốn đầu tư |
Thời gian dự kiến khởi công - hoàn thành |
A |
DỰ ÁN HẠ TẦNG LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH |
||||
I |
DỰ ÁN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA |
||||
1. |
Cầu tàu thuộc khu vực cảng sông Hàn cũ |
Chưa xác định |
Vị trí Y6 - Thuộc khu vực cảng sông hàn cũ |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
2. |
Cầu tàu thuộc khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi |
BQLDA ĐTXD các công trình giao thông |
Vị trí Y7 - Thuộc bờ Tây sông Hàn và nằm trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
3. |
Cầu tàu thuộc Khu vực chùa Quan Thế Âm thuộc khu vực Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn |
BQLDA ĐTXD Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Vị trí X6 (vị trí 1) - Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn - phường Hòa Hải - quận Ngũ Hành Sơn. |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
4. |
Cầu tàu gần chùa Hương Sơn thuộc khu vực Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn |
BQLDA ĐTXD Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Vị trí X6 (vị trí 2) - Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn - phường Hòa Hải - quận Ngũ Hành Sơn. |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
5. |
Cầu tàu thuộc Khu vực phía sau Trung tâm hội chợ triển lãm - sông Cẩm Lệ |
BQLDA ĐTXD các công trình giao thông |
Vị trí X10 - Khu vực phía sau Trung tâm hội chợ triển lãm - sông Cẩm Lệ. |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
6. |
Đầu tư, bổ sung hạ tầng kỹ thuật tại bến CT15 |
BQLBĐST& CBBDL ĐN |
Quận Sơn Trà |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
7. |
Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò |
BQLDA ĐTXD NN&PTNT |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2020 - 2024 |
8. |
Đầu tư cầu tàu phục vụ các điểm du lịch dọc tuyến sông Cu Đê thuộc địa phận quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang (cầu tàu tại phía Bắc cầu Nam Ô, bến Hầm Vàng, cầu tàu khu vực Khe Răm, khu vực Miếu Bà, đình làng Thủy Tú...) |
Sở Du lịch |
Quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang |
Ngân sách |
2022 - 2024 |
9. |
Đầu tư các bến, cầu tàu du lịch (sông Cẩm Lệ, Sông Yên, Sông Cái...) |
Sở Du lịch |
Quận Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
II |
DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ |
||||
1. |
Mở rộng các lối xuống biển và tuyến đường đi bộ ven biển |
Các BQLDA chuyên ngành và Doanh nghiệp |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách và Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2019 - 2022 |
2. |
Cải tạo nâng cấp đường lên các Khu du lịch dịch vụ đỉnh Sơn Trà (đoạn từ Bàn cờ Tiên đến Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula) |
BQLDA ĐTXD Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Quận Sơn Trà |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
3. |
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G |
Chưa xác định |
H. Hòa Vang |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
4. |
Nâng cấp, mở rộng đường DT 601 |
BQLDA ĐTXD các công trình giao thông |
H. Hòa Vang |
Ngân sách |
2020 - 2022 |
5. |
Đầu tư cải tạo đường bộ đến một số điểm du lịch sinh thái (Khe Mun, Giếng Trời...) trên địa bàn huyện Hòa Vang |
Sở Du lịch |
H. Hòa Vang |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
6. |
Đầu tư công trình đường bộ khác mức tại trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa |
Sở Giao thông vận tải |
Quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
III |
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ HẠ TẦNG KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH |
||||
1. |
Đầu tư mới, nâng cấp các bãi tắm công cộng đảm bảo phục vụ du lịch |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2022 - 2025 |
2. |
Đầu tư bổ sung tiện ích công cộng ven biển |
BQL Bán đảo Sơn Trà và CBBDL Đà Nẵng |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
3. |
Trồng bổ sung cây xanh khu vực bãi cát gần bãi tắm Tân Trà |
BQL Bán đảo Sơn Trà và CBBDL Đà Nẵng |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2020 - 2021 |
4. |
Cấp nước cho trạm rada 29 và phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà |
BQL Bán đảo Sơn Trà và CBBDL Đà Nẵng |
Quận Sơn Trà |
Ngân sách |
2020 - 2021 |
5. |
Đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ các điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà |
Sở Du lịch |
Quận Sơn Trà |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
6. |
Di dời miệng cống nước thải tại bãi tắm công cộng Nam Xuân Thiều |
Sở Du lịch |
Quận Liên Chiểu |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
7. |
Lắp đặt hệ thống wifi công cộng phục vụ du khách trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
8. |
Đầu tư các lối xuống biển dành cho người khuyết tật |
BQL Bán đảo Sơn Trà và CBBDL Đà Nẵng |
Tuyến Nguyễn Tất Thành và tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
9. |
Đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng Hòa Vang |
UBND huyện Hòa Vang |
Huyện Hòa Vang |
Ngân sách + Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân |
2021 - 2025 |
10. |
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các điểm check-in trên tuyến Nguyễn Tất Thành (cấp điện, cấp nước, trồng bổ sung cây xanh, nhà vệ sinh, lối xuống biển xe cơ giới, bãi tắm công cộng, các điểm check - in, chiếu sáng trang trí...) |
Sở Du lịch |
Q. Thanh Khê và Q. Liên Chiểu |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
11. |
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các điểm check-in, điện chiếu sáng trang trí trên tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (trừ phạm vi khu vực bãi tắm đêm kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ 24/7 tại bãi biển Mỹ An) |
Sở Du lịch |
Q. Sơn Trà và Q. Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
12. |
Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng trang trí, nghệ thuật cho các tuyến đường: Bạch Đằng, Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo, Chương Dương, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành...và một số quảng trường khu vực trung tâm thành phố |
Chưa xác định |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách + Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
IV |
DỰ ÁN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH |
||||
1 |
Hệ thống giám sát du lịch thông minh |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2020 - 2021 |
2 |
Cơ sở dữ liệu phục vụ du lịch |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
3 |
Xây dựng phần mềm và kho dữ liệu ảnh 360 và thực tế ảo tại các khu, điểm tham quan |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
4 |
Số hóa các bài thuyết minh điểm tham quan du lịch, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2022 - 2023 |
5 |
Hệ thống khảo sát và phân tích hành vi, trải nghiệm của khách du lịch |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
6 |
Triển khai hệ thống quản lý khách thông minh tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
7 |
Nâng cấp Cổng thông tin du lịch |
Sở Du lịch |
Trên địa bàn thành phố |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
B |
SẢN PHẨM, ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH |
||||
I |
DU LỊCH VĂN HÓA, LỊCH SỬ, TÂM LINH, SINH THÁI, LÀNG QUÊ, LÀNG NGHỀ |
||||
1. |
Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn |
BQLDA ĐTXD các CT DD&CN |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách + Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2030 |
2. |
Đầu tư, tu bổ Di tích Hải Vân Quan |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP.Đà Nẵng |
Đỉnh đèo Hải Vân, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng và Huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
3. |
Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (GĐ 2) |
Sở VHTT làm Chủ đầu tư - BQLDA ĐTXD Hạ tầng và phát triển đô thị điều hành dự án |
Quận Hải Châu |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
4. |
Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng |
Sở VHTT làm Chủ đầu tư - BQLDA ĐTXD Hạ tầng và phát triển đô thị điều hành dự án |
Số 42, 44 Bạch Đằng, Quận Hải Châu |
Ngân sách |
2021 - 2022 |
5. |
Đầu tư, tu bổ Khu di tích Chăm - Phong Lệ |
Sở Văn hóa và Thể thao |
Làng phong Lệ - Phường Hòa Thọ Đông, quận cẩm Lệ |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
6. |
Đầu tư khu vực Bảo tàng sống |
Chưa xác định |
Trung tâm thành phố |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
7. |
Đầu tư các hạng mục phục vụ phát triển du lịch tại khu di tích K20 (cải tạo hạng mục địa đạo, trồng cây xanh, khu sinh hoạt cộng đồng, lưu trú homestay, thuyền du lịch…) |
UBND quận Ngũ Hành Sơn |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
8. |
Đầu tư, cải tạo các điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà (điểm check-in, vọng cảnh, cây đa Sơn Trà, khu vực Bàn cờ tiên…) |
BQLBĐST&CBBDL ĐN |
Quận Sơn Trà |
Ngân sách |
2023 - 2025 |
II |
DỰ ÁN DU LỊCH ĐÔ THỊ, KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ, MUA SẮM, CÔNG VIÊN CẢNH QUAN, CHUYÊN ĐỀ |
||||
1. |
Đầu tư phố đi bộ trên tuyến đường Như Nguyệt - Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Nguyễn Văn Trỗi) |
BQLDA ĐTXD các công trình giao thông |
Quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà |
Ngân sách |
2020 - 2024 |
2. |
Đầu tư bãi tắm đêm kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ 24/7 tại bãi biển Mỹ An |
Sở Du lịch |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
3. |
Đầu tư Khu phố du lịch An Thượng phục vụ 24/7 và mở rộng giai đoạn 2 |
UBND quận Ngũ Hành Sơn |
Quận Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2020 - 2025 |
4. |
Đầu tư khu du lịch cộng đồng Mân Thái - Thọ Quang (dịch vụ trên bãi cát, quảng trường điểm nhấn, lưu trú homestay...) |
BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng |
Quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp + Ngân sách |
2021 - 2023 |
5. |
Đầu tư cải tạo cảnh quan Phố ẩm thực Thăng Long |
UBND quận Cẩm Lệ |
Quận Cẩm Lệ |
Ngân sách |
2020 - 2021 |
6. |
Quảng trường trung tâm thành phố |
Sở Xây dựng |
Khu vực phía trước Thành Điện Hải - quận Hải Châu |
Ngân sách |
2025 - 2030 |
7. |
Mở rộng công viên APEC |
BQLDA ĐTXD Hạ tầng và phát triển đô thị |
Khu vực phía Tây cầu Rồng, quận Hải Châu |
Ngân sách |
2020 - 2022 |
8. |
Công viên biển Nguyễn Tất Thành |
Chưa xác định |
Quận Liên Chiểu |
Ngân sách |
2022 - 2024 |
9. |
Công viên biển tại khu vực lân cận dự án Hòn Ngọc Á Châu |
BQLDA ĐTXD Hạ tầng và phát triển đô thị |
Q. Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2021 - 2023 |
10. |
Bãi tắm kết hợp công viên công cộng phía Bắc dự án Khu du lịch ven biển của Cty DAP |
Chưa xác định |
Q. Ngũ Hành Sơn |
Ngân sách |
2022 - 2024 |
11. |
04 điểm cảnh quan trên tuyến Nguyễn Tất Thành (Hà Khê, Nguyễn Sinh sắc, Nguyễn An Ninh, cuối Nguyễn Tất Thành) |
BQLDA ĐTXD các công trình giao thông |
Q. Thanh Khê và Q. Liên Chiểu |
Ngân sách |
2021 - 2025 |
12. |
Đầu tư Trung tâm thương mại chợ Cồn |
Sở Công thương |
Quận Hải Châu |
Ngân sách |
2022 - 2025 |
DANH MỤC DỰ ÁN HUY ĐỘNG TỪ NHÀ ĐẦU TƯ, DOANH NGHIỆP
LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH DỰ KIẾN ĐẦU TƯ TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
TT |
Tên dự án |
Chủ đầu tư/ Đơn vị chủ trì |
Địa điểm xây dựng |
Nguồn vốn đầu tư |
Thời gian dự kiến khởi công - hoàn thành |
A |
DỰ ÁN HẠ TẦNG LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DU LỊCH |
||||
I |
DỰ ÁN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA |
||||
1 |
Cầu tàu thuộc khu vực dự án Công viên Châu Á |
Tập đoàn Sungroup |
Vị trí Y8 - Công viên châu Á - quận hải châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
2 |
Các cầu tàu và điểm đến trên tuyến du lịch đường thủy nội địa tại khu vực bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng (Bãi Cát Vàng, Bãi đá đen, Mà Đa, Sủng Cỏ…) |
Chưa xác định |
Khu vực bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
II |
DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ |
||||
2 |
Đường vào dành riêng cho xe du lịch tại khu vực Cảng Tiên Sa |
Chưa xác định |
Cảng Tiên Sa - Quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
III |
DỰ ÁN ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG |
||||
1 |
Nhà ga hành khách T3 |
Tổng công ty hàng không VN (ACV) |
Quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
2 |
Đầu tư thêm nhà ga hàng hóa |
Tổng công ty hàng không VN (ACV) |
Quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
B |
SẢN PHẨM, ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH |
||||
I |
DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG |
||||
1 |
KDL Mikazuki Xuân Thiều + Phố đêm Tokyo |
Tập đoàn Mikazuki - Nhật Bản |
Quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2019 - 2021 |
2 |
KDL sinh thái Nam Ô |
Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng |
Quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
3 |
KDL nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân |
Tập đoàn Vingroup |
Quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2027 |
4 |
Một số dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà |
Chưa xác định |
Quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
II |
DU LỊCH VĂN HÓA, LỊCH SỬ, TÂM LINH, SINH THÁI, LÀNG QUÊ, LÀNG NGHỀ |
||||
1 |
Bảo tàng Trận chiến |
NĐT quan tâm: Cty CP Tập đoàn Thái Bình Dương |
Chưa xác định |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
2 |
Khu du lịch cộng đồng Nam Ô (Bảo tàng ốc, sản phẩm ngắm bình minh, hoàng hôn trên thuyền thúng, công viên sinh thái ghềnh Nam Ô, bãi tắm Nam Ô, bảo tồn tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử...) |
UBND quận Liên Chiểu |
Quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp + Ngân sách |
2021 - 2022 |
3 |
Điểm du lịch sinh thái tại Đèo Hải Vân |
NĐT quan tâm: Cty TNHH TMDV Du lịch sinh thái Hải Vân Quan |
Phường Hòa Hiệp Bắc - quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
4 |
Khu du lịch ngoại khóa Khe Răm - Hòa Bắc |
Chưa xác định |
Xã Hòa Bắc - Huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
III |
DỰ ÁN DU LỊCH ĐÔ THỊ, KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ, MUA SẮM, CÔNG VIÊN CẢNH QUAN, CHUYÊN ĐỀ |
||||
1 |
Đầu tư các điểm dịch vụ tổng hợp trên tuyến biển Nguyễn Tất Thành |
Chưa xác định |
Quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
2 |
Khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèm |
Chưa xác định |
Huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
3 |
Trung tâm mua sắm giải trí ngầm tại bãi tắm Sơn Thủy |
BQLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp |
Bãi tắm Sơn Thủy, quận Ngũ Hành Sơn |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
4 |
Làng ẩm thực quốc tế |
Chưa xác định |
Quận Cẩm Lệ |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
5 |
Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giải trí casino dọc tuyến Võ Văn Kiệt |
Chưa xác định |
Khu A (lô A12), khu B (lô A14), khu C (lô A15), khu D (lô A13), khu G&H (lô A*), quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
6 |
Phố mua sắm và công viên chuyên đề tại Công viên Châu Á |
Tập đoàn Sungroup |
Quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
7 |
Phố đi bộ đường Phan Đăng Lưu |
NĐT quan tâm: Tập đoàn Sungroup |
Quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
8 |
Bãi đỗ xe ngầm kết hợp kinh tế đêm |
NĐT quan tâm: CTy CP ĐTPT Hạ tầng Kinh tế đêm |
CV Biển Đông Quận Sơn Trà + Trước nhà hàng tiệc cưới, quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2025 |
9 |
Khu tổ hợp lễ hội pháo hoa quốc tế |
NĐT quan tâm: Tập đoàn Sungroup |
Đường Chương Dương, quận Ngũ Hành Sơn |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
10 |
Khu phức hợp TTTMDV, KS và căn hộ Golden Square |
Cty CP địa ốc Đông Á |
Số 71 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu 1, quận Hải Châu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2019 - 2022 |
11 |
Tổ hợp thương mại, chung cư khu biệt thự Red Star |
Ông Nguyễn Hoàng Cường |
Khu A5, A6 thuộc đường Võ Nguyên Giáp, khu biệt thự cao cấp Red Star, phương Phước Mỹ, quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2023 |
12 |
Công viên Đại Dương Sơn Trà |
NĐT quan tâm: Tập đoàn Sungroup |
Quận Sơn Trà |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
13 |
Khu tổ hợp kinh tế ban đêm riêng biệt |
Chưa xác định |
Chưa xác định |
Ngân sách + Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
IV |
DỰ ÁN DU LỊCH SINH THÁI |
||||
1. |
Công viên Bách Thảo - Bách thú |
NĐT quan tâm: Tập đoàn TMS |
Hồ Đồng Nghệ, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2028 |
2. |
Công viên Bách Thảo |
Chưa xác định |
Xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2028 |
V |
DỰ ÁN DU LỊCH THỂ THAO |
||||
1. |
Sân golf Hòa Phong - Hòa Phú |
Chưa xác định |
Xã Hòa Phòng, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2023 - 2028 |
2. |
Trường đua ngựa và trang trại huấn luyện ngựa |
Chưa xác định |
Xã Hòa Ninh huyện Hòa Vang và phường Hòa Hiệp Bắc quận Liên Chiểu |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
3. |
Trường đua Go Kart |
Công ty Cp Phát triển Thể thao VTV Cab |
Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2024 |
4- |
Mở rộng sân golf Bà Nà |
Chưa xác định |
Xã Hòa Ninh huyện Hòa Vang |
Huy động từ Nhà đầu tư, doanh nghiệp |
2022 - 2025 |
Ghi chú: Ngoài ra, còn nhiều dự án, sản phẩm , dịch vụ du lịch...đầu tư có quy mô nhỏ hoặc không có thông tin cụ thể, không được nêu trong danh mục các dự án nêu trên.
[1] Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á 2016 (Tổ chức du lịch thế giới), Top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu Châu Á năm 2017 (Tạp chí Smart Travel Asia), Top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018 (Trang web đặt phòng Airbnb), đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến năm 2019 (Tạp chí New York Times);
[2] Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, xây dựng giải pháp, các gói hỗ trợ và chủ động tham mưu UBND thành phố kiến nghị HĐND thành phố, Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động; triển khai dự án truyền thông “See you in Danang” trên các trang mạng xã hội; tổ chức chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You”...
[3] Ngoại trừ khách công vụ, các chuyên gia được phép đi lại theo quy định về đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
[4] Các chỉ tiêu so sánh với kế hoạch tại Đề án phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 8373/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND thành phố)
[5] Theo kết quả khảo sát điều tra du lịch năm 2019, chi tiêu bình quân của khách quốc tế đạt 7.378.000 đồng, khách nội địa đạt 3.551.000 đồng.
[6] Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đạt khoảng trên 65.000 tỷ đồng, khu điểm du lịch khoảng trên 5.000 tỷ đồng, tàu du lịch khoảng trên 123 tỷ đồng và xe vận chuyển khoảng trên 3.000 tỷ đồng...
[7] Trong đó có 122 công ty lữ hành nội địa, 189 công ty lữ hành quốc tế, 52 chi nhánh lữ hành quốc tế, 24 Văn phòng đại diện, 06 đại lý du lịch, 05 VPĐD nước ngoài
[8] Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao và tương đương là 213 cơ sở với 25.813 phòng, tăng 105 cơ sở và 14.763 phòng so với năm 2016.
[9] 39 đường bay quốc tế, gồm: 25 đường thường kỳ (Singapore, Muan, Incheon, Busan, Deagu, Tokyo, Osaka, Hồng Kông, Siêm Riệp, Quảng Châu, Hàng Châu, Macao, Đài Bắc, Cao Hùng, Bangkok, Chiang Mai, Kualalumpur, Trịnh Châu, Phnompenh, Doha, Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải)...; 14 đường thuê chuyến (Cheongju, An Thi, Nam Kinh, Thâm Quyến, Trường Sa, Trùng Khánh, Hợp Phì, Côn Minh, Tây An, Nam Ninh, Tế Nam, Thạch Gia Trang, Cáp Nhĩ Tân, Thường Châu).
10 đường bay nội địa: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Quảng Ninh...
[10] Star Cruises, Costa Cruises, AIDA Cruises, Dream Cruises, Holland America Cruises, MSC Cruises, Azamara Cruises, Oceania Cruises, Seaboum Cruises, Hapag-Lloyd Cruises, Silversea, Windstar Cruises, Viking Cruises, Prespige Cruise Holding, Diamond Cruise International...
[11] Quyết định số 6651/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 13/7/2017 của UBND thành phố về Kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đến năm 2025
[12] UBND thành phố đã phê duyệt sơ đồ vị trí đón trả khách và neo đậu tàu thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng cộng là 39 vị trí. Đến nay đã có 8/39 vị trí bến thủy nội địa đã và đang được triển khai đầu tư, cải tạo để sử dụng
[13] Tham gia Hội chợ VITM Hà Nội, ITE HCM, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, Thanh Hóa...
[14] Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện quốc tế kết hợp tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút khách như: Hội chợ Du lịch Quốc tế về Nghỉ dưỡng biển và MICE (BMTM 2016), Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2016, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á ABG5, Lễ trao giải thưởng du lịch khu vực Châu Á và Úc năm 2016 (World Travel Award), Đại hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2017, Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển năm 2018, Lễ hội ẩm thực quốc tế 2019; các sự kiện được duy trì tổ chức thường niên Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Ironman Việt Nam, Sprints và IronKids...
[15] Tham gia Hội chợ ITB Berlin - Đức, MITT Nga, Travex, Leisure Nga, ITF Đài Loan, TTM+ Chiang Mai - Thái Lan, MATTA Malaysia, JATA Nhật Bản, Hanatour Hàn Quốc, ITE&MICE Hongkong...; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại London - Anh, Pháp, Đức, Đài Bắc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...
[16] Tính đến hết năm 2019, lượt truy cập hàng năm trên Cổng thông tin Du lịch Đà Nẵng (Theo Google Analytics) đạt 388.219 người với tổng 1.210.815 bài viết được truy cập; thời gian truy cập là 1’09s/ người; trung bình mỗi người sẽ truy cập 2,41 bài viết/lần.
[17] Đến tháng 5/2020, tài khoản Danang FantastiCity là thương hiệu du lịch đầu tiên của cả nước được Facebook xác nhận dấu tích xanh trên nền tảng của mạng xã hội này, tổng số lượt thích 31.300 lượt và theo dõi là 31.912 lượt; trung bình Chatbot tương tác với 3.000 lượt khách/tháng; App Danang FantastiCity đã thu hút 23.460 lượt tải. Đà Nẵng cũng là thương hiệu du lịch đầu tiên của cả nước đồng hành cùng mạng xã hội TikTok, theo đó trong năm 2019 đã triển khai Chiến dịch #HelloDaNang và thu về 86,5 triệu lượt xem trong vòng 02 tháng.
[18] Bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch Đà Nẵng Danang FantastiCity, tập gấp (du lịch, sự kiện, ...), sổ tay du lịch, post card, đĩa phim và video clip, bộ quy tắc ứng xử của du khách...
[19] Hàng năm tổ chức khoảng 30 - 50 lớp với sự tham gia của trên dưới 1000 lượt học viên
[20] Bộ tiêu chí Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại CSLTDL; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách của HDV DL; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại các doanh nghiệp lữ hành; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách đối với xe vận chuyển và tàu du lịch tại thành phố Đà Nẵng; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại các cơ sở mua sắm; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại các cơ sở ăn uống; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại các cơ sở spa massage; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại khu, điểm du lịch; Chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách sử dụng sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe; chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách tại các bãi tắm biển du lịch
[21] Từ năm 2016 đến 2019, 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã tổ chức, tham gia hơn 15 chương trình xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước; phối hợp đón nhiều đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát du lịch
[22] Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel - CN Đà Nẵng; Quỹ Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng; Tổng đài dịch vụ công 1022; trang thương mại điện tử du lịch Việt Nam Fayfay.com, trang mạng video ngắn Tiktok, các cơ quan truyền thông Báo Đà Nẵng, Đài truyền hình Việt Nam; ký kết hợp tác phát triển du lịch song phương với các tổ chức quốc tế: Cục Du lịch thành phố Đại Liên - Trung Quốc, Cục Du lịch Thành Đô - Trung Quốc, Sở Du lịch Burgundy - Pháp, Công ty Logiyonne/Raids Amazonnes - Pháp, Công ty công nghệ HNV - Pháp và ký kết hợp tác tổ chức sự kiện Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới khu vực Châu Á và Châu Đại dương tại Đà Nẵng, Đại hội Du lịch Golf Châu Á thường niên lần thứ 6...
[23] Từ năm 2016 đến nay, đã xử lý 853 trường hợp chèo kéo, bán hàng rong, xử phạt hơn 79 triệu đồng.
[24] Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở Du lịch đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tiến hành tổng cộng 19 đợt thanh tra, 26 đợt kiểm fra chuyên ngành trong lĩnh vực du lịch, ban hành 327 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,45 tỷ. Các ngành Thuế, Công an... tích cực tiển khai biện pháp chống thất thu thuế từ hoạt động du lịch, quản Iý người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép... Sở Du lịch đã vận động triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh trên các xe vận chuyển du lịch; vận động, hướng dẫn các khu, điểm du lịch lắp đặt camera giám sát an ninh, các bảng nội quy, tờ rơi, tập gấp bằng tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn...
[25] Tổ phản ứng nhanh du lịch từ năm 2016 đến nay đã tiếp nhận hơn 400 cuộc gọi phản ánh từ công dân và du khách, trong đó có khoảng 150 nội dung phản ánh liên quan đến hoạt động du lịch và khách du lịch. Năm 2019, Trung tâm hỗ trợ du khách tiếp nhận khoảng 55.000 lượt khách đến hỏi thông tin, tăng gấp 2 lần so với năm 2016; 02 quầy thông tin sân bay quốc tế và quốc nội tiếp nhận khoảng 150.000 lượt khách đến hỏi thông tin, tăng gấp 5 lần so với năm 2016, tiếp nhận qua email khoảng 1.200 lượt, tăng gấp 4 lần và qua hotline 02363.550.111 khoảng 7.200 lượt, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2016.
[26] Quyết định 8373/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND thành phố
[27] Theo ghi nhận của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam
[28] Theo Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 04/7/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng
[29] Trích Kỷ yếu Hội thảo “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam” năm 2019 của Viện NCPTDL Việt Nam
[30] Phạm vi: Khu vực bãi biển từ đường Nguyễn Văn Thoại đến Bãi tắm Sao Biển. Khu vực bãi cát từ kè ra sát mép nước biển dao động từ 35-65m (theo số liệu quan trắc năm 2019). Khu phố An Thượng giới hạn bởi phía Bắc là đường Hoàng Kế Viêm, phía Nam là đường Ngô Thì Sỹ, phía Tây là đường Châu Thị Vĩnh Tế, phía Đông là bãi biển Võ Nguyên Giáp.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây