Đề án 2453/ĐA-UBND năm 2024 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2024-2025
Đề án 2453/ĐA-UBND năm 2024 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2024-2025
Số hiệu: | 2453/ĐA-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Bình | Người ký: | Trần Phong |
Ngày ban hành: | 23/12/2024 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 2453/ĐA-UBND |
Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký: | Trần Phong |
Ngày ban hành: | 23/12/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2453/ĐA-UBND |
Quảng Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2024 |
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH, GIAI ĐOẠN 2024-2025
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ, SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
- Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023;
- Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025;
- Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
- Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;
- Nghị định 95/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở;
- Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030;
- Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới;
- Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước;
- Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”;
- Quyết định số 656/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 25/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới;
- Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước;
- Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 25/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới;
- Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 21 tháng 11 năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh;
- Nghị quyết số 78/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024-2025.
2. Sự cần thiết
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị và là chính sách xã hội cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc, là chương trình mục tiêu để thực hiện tốt chủ trương chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian qua, việc triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức và Nhân dân.
Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước, đặc biệt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai, bão, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân nên đến nay vẫn còn hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn đang sinh sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không bảo đảm về diện tích tối thiểu và chất lượng nhà ở theo quy định, không đảm bảo “3 cứng”, và đặc biệt không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, lũ lụt. Theo số liệu rà soát đến tháng 11/2024, toàn tỉnh còn khoảng 2.154 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, trong đó có 1.120 hộ cần hỗ trợ xây mới, 1.034 hộ cần hỗ trợ cải tạo. Việc có một ngôi nhà vững chắc, có khả năng chịu đựng được thiên tai bão lụt sẽ giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được ổn định cuộc sống để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, với các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như không có tiềm lực kinh tế, chất lượng cuộc sống hàng ngày còn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu thì việc tự xây dựng, sửa chữa căn nhà để đảm bảo về diện tích tối thiểu, chất lượng nhà ở theo quy định, đảm bảo tiêu chí “3 cứng” sẽ rất khó thực hiện được.
Do vậy, việc xây dựng “Đề án Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024-2025” (viết tắt là Đề án) nhằm cải thiện nhà ở, đáp ứng nhu cầu về chất lượng nhà ở để đảm bảo an toàn về nhà ở cũng như đảm bảo cuộc sống ngày một tốt hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo có ý chí, động lực vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra cũng như theo tinh thần của phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình nhà ở trên địa bàn hiện nay.
II. THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Đánh giá thực trạng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh
a) Về số lượng hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát:
Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 là: 2.154 hộ, trong đó:
- Số hộ nghèo: 917 hộ (506 hộ xây mới; 411 hộ cải tạo, sửa chữa);
- Số hộ cận nghèo: 1.187 hộ (596 hộ xây mới; 591 hộ cải tạo, sửa chữa);
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là Người có công với cách mạng: 50 hộ (18 hộ xây mới, 32 hộ cải tạo, sửa chữa).
b) Về chất lượng nhà ở:
Thực trạng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh nhất là đối với khu vực nông thôn, hầu hết đều làm bằng vật liệu thô sơ hoặc có nhà xuống cấp nghiêm trọng; diện tích nhỏ hẹp, thời gian sử dụng ngắn (dưới 05 năm), thường xuyên hư hỏng, thấm dột, không đảm bảo chất lượng sử dụng, có nhiều hộ nhà ở hư hỏng nặng, phải chống đỡ sử dụng tạm thời, nhưng chưa có điều kiện để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lại.
2. Đánh giá tác động đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai
Quảng Bình là tỉnh giáp biển, có địa hình đồi núi nhiều sông ngòi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu bất lợi như: Mưa lớn, bão, lũ quét, lũ trên các triền sông, dông lốc và các yếu tố hệ quả của nó như: Sạt lở, nước dâng do bão, úng lụt, xói lở bờ bãi... Vì vậy, khi có hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan xảy ra, công trình nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng chống đỡ, làm mất an toàn cho người và tài sản.
Vì vậy, để có một căn nhà kiên cố đảm bảo chống lại thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân phải xây dựng căn nhà đảm bảo 3 cứng (theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng), ngoài ra còn phải đảm bảo phù hợp với từng vùng, miền, phong tục, tập quán của địa phương..., do đó để đảm bảo nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của nguồn vận động, xã hội hóa…; người nghèo không có khả năng tự đảm bảo một phần kinh phí làm nhà ở cho bản thân họ.
3. Thực trạng các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025
Trong các giai đoạn trước, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng để cải thiện nhà ở, cụ thể đối với hộ nghèo đã triển khai Đề án hỗ trợ về nhà ở theo các Quyết định: Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); các chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương... do các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện từ các nguồn vận động khác.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình là một trong số các tỉnh được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối với Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thì các hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Quảng Bình không được thụ hưởng hỗ trợ của Dự án vì giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Bình không còn huyện nghèo.
III. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
a) Mục tiêu
- Tập trung phấn đấu giải quyết cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh.
- Phấn đấu đến tháng 9/2025 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
b) Nguyên tắc hỗ trợ
- Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát; bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.
- Huy động từ nhiều nguồn lực để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn, cộng đồng và các đoàn thể giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
- Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
- Khuyến khích người dân tự vận động, huy động nguồn kinh phí từ người thân, anh em, bạn bè để làm nhà ở lớn hơn diện tích, định mức của nhà nước hỗ trợ.
2. Phạm vi áp dụng
Đề án này quy định việc xác định đối tượng, nguyên tắc, điều kiện, định mức, nguồn vốn, chất lượng nhà ở và việc tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025.
3. Đối tượng áp dụng
- Đối tượng áp dụng thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Quy định của Nghị quyết số 78/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025;
- Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 1 Quy định của Nghị quyết số 78/2024/NQ-HĐND, không áp dụng hỗ trợ cho đối tượng cụ thể: (i) Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; (ii) hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ chính sách về nhà ở từ các Chương trình, Đề án khác không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Quy định của Nghị quyết số 78/2024/NQ-HĐND; (iii) đối tượng thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở của Người có công với cách mạng (theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2024).
4. Tiêu chí được hỗ trợ nhà ở
Hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Đề án này là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý (theo quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023; năm 2024 và số hộ phát sinh năm 2025 do UBND cấp xã phê duyệt theo quy định) và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tối thiểu 03 (ba) năm tính đến thời điểm ban hành Đề án và đảm bảo các điều kiện sau:
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà ở thuộc loại không bền chắc, không đảm bảo “3 cứng” (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc). Kết cấu nhà được làm bằng vật liệu không bền chắc được xác định như sau:
- Nền - móng nhà không được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ.
- Khung, cột nhà không được làm từ các loại vật liệu bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Tường không thuộc loại vật liệu xây gạch/đá hoặc làm từ kim loại, gỗ bền chắc.
- Mái nhà bao gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái không được làm từ các loại vật liệu như: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc.
b) Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác hoặc đã được hỗ trợ các chính sách từ nhà ở nhưng bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn trước thời điểm rà soát do các nguyên nhân bất khả kháng như: bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn hoặc các loại hình thiên tai khác.
c) Hộ gia đình được hỗ trợ cam kết sẽ sinh sống trong căn nhà được xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
5. Xếp loại thứ tự ưu tiên
Thực hiện hỗ xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Đề án này với thứ tự ưu tiên như sau:
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở làn nào từ các chương trình, đề án khác hoặc đã có nhà ở nhưng đang trong tình trạng dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ trong mùa mưa, bão của năm xét duyệt mà hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bao gồm các nhóm đối tượng: Hộ người cao tuổi cô đơn nghèo; hộ không có sức lao động; hộ có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách Trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Trong đó: Hộ người cao tuổi cô đơn nghèo là hộ có duy nhất 01 nhân khẩu, từ đủ 60 tuổi trở lên; không còn bố, mẹ; không có chồng (vợ); không có con hoặc có chồng (vợ), có con nhưng đã chết. Hộ không có sức lao động là hộ không có người trong độ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc có người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng hoặc bị bệnh hiểm nghèo làm mất khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định Y khoa cấp huyện trở lên);
d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án khác nhưng trước thời điểm rà soát đã bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn do các nguyên nhân bất khả kháng (bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn) hoặc các nguyên nhân khác;
e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo khác còn lại đang ở nhà tạm, nhà dột nát.
6. Tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa
a) Căn nhà sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2), đảm bảo “3 cứng”. Trong đó, các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:
- “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;
- “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;
- “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;
- Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.
- Căn nhà sau khi xây mới hoặc sửa chữa có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, nhà ở phải đảm bảo an toàn.
b) Đối với hộ gia đình đang sinh sống tại nơi có mức ngập lụt thường xuyên từ 2m trở lên thì phải xây dựng được tầng 2 (hai) hoặc sàn tránh lũ, lụt cao hơn mức ngập lụt thường xuyên và có diện tích tối thiểu 15m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10m2), có bố trí cầu thang lên sàn phù hợp. Chiều cao thông thủy của sàn phòng, tránh bão, ngập lụt tầng 2 không thấp hơn 2,6m. Trường hợp hộ gia đình đang sinh sống tại nơi có mức ngập lụt thường xuyên dưới 2m thì không bắt buộc xây dựng tàng 2 hoặc sàn tránh lũ, lụt nhưng nền nhà phải cao hơn mức ngập lụt thường xuyên.
7. Dự kiến số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa theo Đề án
Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa theo khảo sát đến tháng 11/2024 là 2.154 hộ. Trong đó:
- Có 1.120 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây mới;
- Có 1.034 hộ thuộc diện được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa.
8. Mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí và nguồn vốn thực hiện
a) Mức hỗ trợ
- Mức hỗ trợ xây mới là: 60 triệu đồng cho một nhà (hộ);
- Mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa là: 30 triệu đồng cho một nhà (hộ).
b) Nhu cầu kinh phí thực hiện
- Tổng nguồn vốn thực hiện (dự kiến): 98,22 tỷ đồng, trong đó:
+ Hỗ trợ xây mới: 1.120 hộ * 60 triệu đồng/hộ = 67,20 tỷ đồng;
+ Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa: 1.034 hộ * 30 triệu đồng/hộ = 31,02 tỷ đồng.
(Chi tiết phụ lục kèm theo)
c) Nguồn vốn thực hiện
- Hỗ trợ 100% kinh phí xây mới và cải tạo, sửa chữa từ Ngân sách Tỉnh và nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
- Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tùy thuộc vào khả năng huy động: UBMTTQVN tỉnh; Trung ương hỗ trợ (Lễ Phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát); Quỹ Cả nước chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và huy động khác, để cân đối hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương đảm bảo định mức quy định chung trong toàn tỉnh.
- Ngoài ra, từ nguồn huy động xã hội hóa hoặc các nguồn đóng góp hợp pháp khác UBND các huyện, thị xã hỗ trợ thêm góp nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
9. Phương thức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Phân bổ nguồn vốn về UBND cấp huyện theo dự toán dựa trên danh sách được phê duyệt; UBND cấp huyện phân bổ kinh phí về UBND cấp xã để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa.
- Hỗ trợ kinh phí chia làm 02 đợt: Đợt 1 - hỗ trợ 70% kinh phí cho các đối tượng có danh sách hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi khởi công xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa; đợt 2 hỗ trợ 30% kinh phí còn lại sau khi hoàn thành xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa được UBND cấp xã xác nhận.
- Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng tự chủ động trong việc xây dựng mới hoặc sửa chữa/cải tạo nhà ở (hộ có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật), Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với tổ chức đoàn thể cấp xã để giao cho tổ chức tiếp nhận chủ trì giúp đỡ gia đình trong việc nhận kinh phí hỗ trợ và tổ chức xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
10. Tiến độ thực hiện
- Sau khi Đề án được ban hành triển khai, tổ chức Lễ khởi công xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng loạt trên toàn tỉnh (dự kiến trong tuần đầu tháng 01 năm 2025; mỗi xã khởi công ít nhất 01 Nhà (hộ) trong ngày Lễ khởi công).
- Phấn đấu đến tháng 9/2025 thực hiện hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
11. Tiếp nhận nguồn hỗ trợ
a) Đầu mối đăng ký ủng hộ và tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ là: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
b) Hình thức ủng hộ:
- Ủng hộ bằng chuyển khoản: Gửi về tài khoản Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của từng cấp, ghi rõ nội dung: “Ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo”.
- Ủng hộ bằng tiền mặt hoặc hiện vật: Trực tiếp liên hệ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
- Trường hợp trực tiếp ủng hộ cho hộ gia đình hoặc cá nhân cụ thể, đề nghị kết nối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã để phối hợp thực hiện và tổng hợp kết quả hỗ trợ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, ban, ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh và các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, các tổ chức thành viên, các cơ quan, ban, ngành liên quan, địa phương tổ chức phát động Lễ Khởi công xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh;
- Tiếp nhận, quản lý và tham mưu phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả;
- Đôn đốc các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện việc hỗ trợ theo kết quả đã đăng ký; tham mưu các văn bản của Ban Chỉ đạo xác nhận việc tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân (nếu được đề nghị);
- Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án; giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả;
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước hướng dẫn thủ tục, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định.
- Cơ quan Ủy ban mặt trận chịu trách nhiệm quyết toán thu chi và quản lý Quỹ từ nguồn vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh, tổng hợp, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách. Thời gian hoàn thành trước ngày 28/12/2024;
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh, các cơ quan, ban ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Đề án;
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải quyết những phát sinh vướng mắc về đối tượng theo thẩm quyền;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu lập dự toán báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và các chi phí khác liên quan.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án;
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất về kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
3. Sở Xây dựng
- Chịu trách nhiệm nghiên cứu, thẩm định thiết kế tối thiểu 03 (ba) mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương với điều kiện kinh phí theo mức quy định (kèm theo dự toán kinh phí xây dựng) và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giới thiệu rộng rãi để hộ dân để lựa chọn. Thời gian hoàn thành trước ngày 25/12/2024;
- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao nhà đã được xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa theo quy định của pháp luật. Phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí (nguồn NSNN) hỗ trợ thuộc Đề án xây dựng nhà ở.
- Hướng dẫn thủ tục, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ.
- Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị liên quan, tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn giải ngân, thanh quyết toán hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở có lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước với nguồn vận động xã hội hóa từ Đề án này.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp các Sở: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí (nguồn NSNN) hỗ trợ người nghèo thuộc Đề án.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Khẩn trương xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến đất đai của các hộ dân (nếu có) hoặc đối với những hộ đã có đất ở nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc những hộ thực sự khó khăn chưa có đất ở theo quy định của pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Đề án; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan truyền thông, tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực thực hiện Đề án.
8. Sở Nội vụ
- Chủ trì, tham mưu tổ chức thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian đề nghị khen thưởng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng loạt trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
9. Công an tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tổ chức kiểm tra, giám sát kịp thời ngăn chặn nếu phát hiện dấu hiệu trục lợi chính sách trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp với địa phương để huy động lực lượng Đoàn Thanh niên hỗ trợ ngày công lao động hoặc các điều kiện khác giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý ở địa phương để huy động lực lượng hỗ trợ ngày công lao động giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
11. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định hiện hành.
12. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình
Tổ chức xây dựng các chương trình phóng sự, chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, trang tin, điểm tin về các hoạt động và kết quả triển khai Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025 và đăng, phát trên Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình nhằm kịp thời lan tỏa những cách làm hay, những hình ảnh đẹp, những tấm gương sáng trong việc thực hiện Đề án.
13. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
- Huy động, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, hiện vật, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Đoàn Thanh niên tham gia phối hợp với UBND các cấp tổ chức xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) để đảm bảo hoàn thành theo quy định của Đề án;
- Tham gia huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh;
- Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phấn đấu vươn lên hoặc khuyến khích tự vận động gia đình, anh chị em, người thân để đầu tư vào nhà ở của mình dược khang trang, lớn hơn định mức nhà nước hỗ trợ.
14. Các huyện, thị xã, thành phố
- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy làm Trưởng ban; chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban; chỉ đạo thành lập Tổ Công tác của thôn, xóm, khu dân cư để tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở. Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ các cấp;
- Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn các huyện, thị xã, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định và đúng thời gian hoàn thành.
- Tổ chức rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo các tiêu chí, điều kiện quy định của Nghị quyết số 78/2024/NQ-HĐND. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đối tượng, danh sách đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tổng hợp, báo cáo số liệu về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo). Thời gian hoàn thành trước ngày 25/12/2024.
- Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức tuyên truyền kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm đảm bảo chất lượng về nhà ở
- Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kịp thời triển khai thực hiện trên địa bàn khi được phân bổ nguồn lực, tập trung giải pháp thực hiện triển khai đồng bộ việc hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo tiến độ đề ra; chỉ đạo việc phân bổ hỗ trợ kinh phí cho cấp xã đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không trùng với các nguồn hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước thuộc các Chương trình, đề án khác và theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giới thiệu rộng rãi các mẫu thiết kế nhà ở cho các hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lựa chọn thiết kế mẫu phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ;
- Chỉ đạo huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phối hợp hỗ trợ ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở trên địa bàn, đảm bảo tiến độ thực hiện.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật nhằm tạo phong trào thi đua sôi nổi, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu Đề án.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã theo nhiệm vụ được phân công, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ trước ngày 20 hàng tháng (báo cáo tháng), trước ngày 20 tháng cuối quý (báo cáo quý); trước ngày 31/10 hàng năm (báo cáo năm) và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền về kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo).
VII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cần nghèo, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Việc thực hiện tốt chính sách này sẽ giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có chỗ ở, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, việc triển khai chính sách tốt còn có ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị, là dịp để củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, với chế độ mà đất nước ta đang xây dựng. Vì vậy, để thực hiện chính sách này thành công cần phải có sự tập trung chỉ đạo cao độ và quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành và sự nỗ lực mạnh mẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thể các cấp để tổ chức triển khai thực hiện, với cách làm sáng tạo, phát huy được mọi nguồn lực, từ đó nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
2. Kiến nghị
Kính đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm nhà dột nát trên phạm vi cả nước quan tâm cấp hỗ trợ kinh phí (đợt 1) kịp thời đầy đủ để địa phương triển khai thực hiện, đồng thời căn cứ số liệu nhu cầu của địa phương để cân đối hỗ trợ thêm nguồn kinh phí nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức đồng hương con em Quảng Bình trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ với khả năng cao nhất để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm giai đoạn 2024-2025.
Trên đây là “Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2024-2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
PHỤ LỤC
TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG VÀ
NHU CẦU NGUỒN VỐN HỖ TRỢ XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT
(ban hành kèm theo Đề án số 2453/ĐA-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2024 của UBND
tỉnh Quảng Bình)
Đơn vị tính: triệu đồng
TT |
Tên đơn vị hành chính |
TỔNG HỢP NHU CẦU NGUỒN VỐN |
Hộ được hỗ trợ xây mới |
Hộ được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa |
|||||||||||||||
Tổng cộng |
Trong đó |
|
Trong đó |
||||||||||||||||
Hộ nghèo |
Hộ cận nghèo |
Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên người có công với mạng |
Tổng cộng |
Hộ nghèo |
Hộ cận nghèo |
Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên người có công với mạng |
|||||||||||||
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
Số hộ |
Số tiền |
||
A |
B |
C=1+9 |
D=2+10 |
1=3+5+7 |
2=4+6+8 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9=11+13 +15 |
10=12+14+16 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
TỔNG CỘNG |
2.154 |
98.220 |
1.120 |
67.200 |
506 |
30.360 |
596 |
35.760 |
18 |
1.080 |
1.034 |
31.020 |
411 |
12.330 |
591 |
17.730 |
32 |
960 |
|
1 |
Lệ Thủy |
292 |
12.750 |
133 |
7.980 |
49 |
2.940 |
84 |
5.040 |
- |
- |
159 |
4.770 |
77 |
2.310 |
80 |
2.400 |
2 |
60 |
2 |
Quảng Ninh |
110 |
6.120 |
94 |
5.640 |
63 |
3.780 |
28 |
1.680 |
3 |
180 |
16 |
480 |
10 |
300 |
4 |
120 |
2 |
60 |
3 |
Bố Trạch |
284 |
13.260 |
158 |
9.480 |
88 |
5.280 |
67 |
4.020 |
3 |
180 |
126 |
3.780 |
60 |
1.800 |
60 |
1.800 |
6 |
180 |
4 |
Ba Đồn |
112 |
4.620 |
42 |
2.520 |
19 |
1.140 |
23 |
1.380 |
- |
- |
70 |
2.100 |
29 |
870 |
41 |
1.230 |
- |
- |
5 |
Quảng Trạch |
296 |
12.690 |
127 |
7.620 |
71 |
4.260 |
52 |
3.120 |
4 |
240 |
169 |
5.070 |
77 |
2.310 |
78 |
2.340 |
14 |
420 |
6 |
Tuyên Hóa |
245 |
11.520 |
139 |
8.340 |
64 |
3.840 |
73 |
4.380 |
2 |
120 |
106 |
3.180 |
56 |
1.680 |
45 |
1.350 |
5 |
150 |
7 |
Minh Hóa |
815 |
37.260 |
427 |
25.620 |
152 |
9.120 |
269 |
16.140 |
6 |
360 |
388 |
11.640 |
102 |
3.060 |
283 |
8.490 |
3 |
90 |
Ghi chú: Dự kiến đối với hộ được hỗ trợ xây mới: 60 triệu đồng/nhà/hộ;
Đối với hộ được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa: 30 triệu đồng/nhà/hộ.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây