86634

Báo cáo số 27/BC-UBND về sơ kết 6 năm thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

86634
LawNet .vn

Báo cáo số 27/BC-UBND về sơ kết 6 năm thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 27/BC-UBND Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thị Thu Hà
Ngày ban hành: 18/03/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 27/BC-UBND
Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Nguyễn Thị Thu Hà
Ngày ban hành: 18/03/2009
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 27/BC-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 3 năm 2009

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 6 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 108/2002/QĐ-UB NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2002 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố là hoạt động mang tính kinh tế, văn hóa - xã hội với quy mô và hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, nâng cấp thông tin liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, tạo thêm yếu tố cho sự năng động của nền kinh tế đang chuyển mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Mặc dù quá trình hình thành còn non trẻ so với các ngành kinh tế khác, ngành quảng cáo thành phố là ngành kinh tế có doanh thu khá cao, phát triển nhanh với những thành tựu đáng khích lệ.

Công tác Quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo cũng đang tiếp cận đến sự phát triển mạnh của thị trường quảng cáo, hệ thống pháp lý trong lĩnh vực quảng cáo ngày càng được hoàn thiện hơn. Nghị định số 194/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ đi vào cuộc sống đã tạo tiền đề cho việc xây dựng Pháp lệnh Quảng cáo năm 2002. Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ góp phần tạo nền tảng, hệ thống pháp lý ban đầu nhằm ổn định tình hình hoạt động quảng cáo đã có diễn biến phức tạp hơn khi kinh tế thị trường phát triển nhanh trên địa bàn thành phố.

Tình hình hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố trước khi ban hành Quyết định số 108/2002/QĐ-UB diễn ra một cách tràn lan, lộn xộn theo nhu cầu quảng cáo tự phát của các Công ty quảng cáo, tập trung dày đặc ở địa bàn trung tâm thành phố, nhất là ở các giao lộ, nóc nhà với vật liệu thô, rẻ tiền, hình thức không đẹp, không an toàn. Về nội dung các bảng quảng cáo đôi khi phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục; hình ảnh, kiểu dáng thực dụng, cường điệu, kém tính thẩm mỹ. Công tác Quản lý nhà nước về quảng cáo thể hiện sự lúng túng, chia cắt, trùng lắp, lỏng lẻo, sơ hở, không đồng bộ về nguyên tắc giữa các quận - huyện; thủ tục cấp phép rườm rà, thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực, kiểm tra xử lý sau phép hầu như bỏ ngỏ; ngay cả công tác tuyên truyền cổ động chính trị trực quan cũng chưa được quy hoạch và đầu tư đúng mức.

Đầu năm 1995, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thông tin nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quận - huyện phối hợp tiến hành lập quy hoạch lĩnh vực quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, đã phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời và cổ động chính trị trên địa bàn các quận - huyện giai đoạn 2003 - 2005.

Năm 2002, với cơ sở pháp lý ban đầu đã tỏ ra không còn phù hợp với thực trạng phát triển của hoạt động quảng cáo, đã và đang làm thay đổi, biến dạng cảnh quan đô thị, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, sự “linh động” vượt khỏi tầm kiểm soát của các đơn vị quảng cáo, sự bức xúc về mặt quản lý đối với lĩnh vực quảng cáo, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 108/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 9 năm 2002 Quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đi vào trật tự, nề nếp.

1. Ưu điểm của việc thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB:

Kể từ khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 108/2002/QĐ-UB, hoạt động quảng cáo ngoài trời và tuyên truyền cổ động chính trị được quy hoạch theo hệ thống từng quận huyện; các địa điểm trọng tâm dành cho cổ động chính trị, đã lập lại trật tự trên lĩnh vực quảng cáo, mỹ quan hơn, an toàn hơn, không còn tình trạng dày đặc ở khu trung tâm, mở rộng ra vùng ven và ngoại thành; kiên quyết tháo dỡ các panô quảng cáo trên nóc các công trình, tòa nhà; vật liệu, chất liệu quảng cáo ngoài trời tốt hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn; thủ tục, quy trình cấp phép rõ ràng, hệ thống, nề nếp hơn; công tác kiểm tra thường xuyên hơn, xử lý kiên quyết hơn, kể cả đối với quảng cáo rao vặt.

Ngay từ khi triển khai Quyết định số 108/2002/QĐ-UB, tình hình trật tự kỷ cương trên lĩnh vực quảng cáo có những chuyển biến tích cực, tình trạng quảng cáo không phép được ngăn chặn, các bảng quảng cáo vi phạm được phát hiện và có biện pháp tháo gỡ, xử lý. Cộng đồng trách nhiệm của các ngành chức năng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải…) để phối hợp quản lý tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo tại thành phố phát triển đúng hướng, ổn định, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập.

Các ngành chức năng và các quận - huyện tiến hành đồng loạt và đồng bộ công tác quy hoạch quảng cáo trên phạm vi toàn thành phố, nâng cấp và hoàn thiện công tác quy hoạch, biến các quy hoạch thành những đề án tốt cho việc phát triển hoạt động quảng cáo cũng như công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, phù hợp với tiến trình xây dựng đô thị văn minh.

2. Những hạn chế cần điều chỉnh Quyết định số 108/2002/QĐ-UB:

Khi Quyết định số 108/2002/QĐ-UB ra đời thì Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quảng cáo chưa ban hành, Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin cũng chưa có. Từ đó, một số điều khoản trong Quyết định số 108/2002/QĐ-UB, sau một thời gian triển khai thực hiện, bộc lộ dần những hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao tính khả thi phù hợp với Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 và Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 7 năm 2003 và Thông tư số 79/2005/TT-BVHTT ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ Văn hóa-Thông tin.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Ngay khi có Quyết định số 108/2002/QĐ-UB và Chỉ thị số 22/2002/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức triển khai, hướng dẫn Phòng Văn hóa Thông tin các quận - huyện thi hành, đồng thời triển khai đến phường, xã, thị trấn, bằng nhiều hình thức khác nhau, có quận - huyện thực hiện bằng hình thức biên soạn tóm tắt các quy định về quảng cáo, bảng hiệu phổ biến đến tận cơ sở sản xuất, kinh doanh; có quận triển khai tập huấn cho toàn bộ cán bộ công chức trong quận, phường và cơ sở sản xuất kinh doanh. Nội dung Quyết định số 108/2002/QĐ-UB đã được triển khai đến tận cơ sở, khu dân cư và cán bộ địa phương, nhân dân khu phố, các cơ sở sản xuất kinh doanh,... đã tạo một đợt chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực quảng cáo ngoài trời trên toàn địa bàn thành phố.

1. Hoạt động quảng cáo bằng hình thức bảng, biển và quảng cáo lưu động:

Qua 6 năm thực hiện, đến nay trật tự, mỹ quan đô thị thành phố, nhất là tại khu vực trung tâm đã có những chuyển biến tích cực và an toàn đô thị được cải thiện. Trên các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, chung quanh chợ Bến Thành, công viên 23/9,vòng xoay Quách Thị Trang, vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, Lý Thái Tổ, đường Trường Sơn, vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã sáu Dân Chủ,… các bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà đã được tháo gỡ và thay thế bằng hình thức quảng cáo in trên bạt, ốp sát vách tường có đèn neon sigh, đèn chiếu sáng, tạo cảnh quan sinh động, phù hợp với sinh hoạt thành phố về đêm. Mỹ quan và an toàn không gian đô thị cơ bản đã được tái lập, người dân không còn bị ám ảnh bởi các quảng cáo nằm trên nóc nhà thiếu an toàn như trước đây.

Trong những năm qua, các quận - huyện đã tháo gỡ hơn 220 bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà không đúng quy định; nhiều doanh nghiệp quảng cáo đang chuyển hướng dựng panô ra vùng ngoại thành. Các bảng quảng cáo bằng hình thức neon sign, màn hình điện tử, bạt ốp tường, bảng xoay, lật nhiều mặt đặt trong khu vực nội thành góp phần làm tăng mỹ quan cho thành phố, đồng thời thể hiện là một thành phố năng động. Việc triển khai này phù hợp với yêu cầu chỉ đạo của thành phố, mở hướng cho ngành quảng cáo ngoài trời phát triển đúng quy hoạch và định hướng.

Sau thời gian phân cấp cho Phòng Quản lý Đô thị quận - huyện cấp phép xây dựng quảng cáo theo Quyết định số 217/2004/QĐ-UB và Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/VHTT-XD-NNPTNT-YT đã giải tỏa một số ách tắc trong thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của thị trường, trong đó có cạnh tranh và lợi nhuận, một số doanh nghiệp đã dựng bảng quảng cáo không phép dọc các tuyến quốc lộ, xa lộ Hà Nội, xa lộ Xuyên Á, Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn các quận - huyện 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân.

Tháng 5 năm 2004, 01 bảng quảng cáo đặt ở huyện Bình Chánh bị ngã; tháng 5 năm 2006, 01 bảng quảng cáo đặt tại quận Thủ Đức bị ngã; tháng 8 năm 2007, xảy ra 3 vụ ngã đổ bảng quảng cáo tại quận 2, Bình Thạnh; tháng 8 năm 2008, 01 bảng quảng cáo bị ngã tại Thủ Đức. Các bảng bị ngã đổ do thi công panô không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc do thiên tai nên bị đổ ngã, đè theo nhà bên cạnh. Rất may các vụ ngã bảng quảng cáo không xảy ra tai nạn chết người. Từ đó, đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp cứng rắn, kiên quyết xử phạt theo quy định nhằm bảo đảm kỷ cương, an toàn, tránh tình trạng diễn biến mất trật tự như trước đây.

Tại một vài quận - huyện còn hiện tượng các doanh nghiệp quảng cáo đối phó việc dựng bảng trên nóc nhà bằng cách che chắn phần chân bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà hoặc làm tường giả nhằm che mắt cơ quan quản lý; một số khác thì đối phó bằng cách hạ xuống tường với diện tích rất ít, phần lớn diện tích panô còn nằm trên nóc nhà.

Hiện nay vẫn còn nhiều bảng hiệu, bảng quảng cáo đặt tại các cửa hàng ăn uống, các trường học, các cơ sở dạy ngoại ngữ, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng thời trang, mắt kính... thực hiện không tuân thủ quy định của pháp luật. Những sai phạm thường gặp ở các bảng hiệu là dùng chữ nước ngoài không đúng quy định, kích thước quá lớn, có nơi che chắn cả mặt tiền nhà, ghép chung với bảng quảng cáo... Hiện nay, các quận - huyện vẫn tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh việc viết, đặt các bảng hiệu, đồng thời xử phạt triệt để các bảng quảng cáo không phép. Tuy nhiên, tại Nghị định số 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cho phép mỗi cơ sở kinh doanh được đặt 03 bảng hiệu, do đó gây khó khăn trong công tác, kiểm tra xử lý.

- Các bảng quảng cáo trên một số tuyến đường như: Quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội, xa lộ Xuyên Á… đặt xen cài trong khu dân cư, nhiều bảng có kích thước quá lớn nếu có sự cố mưa, bão, gió to, dễ ngã đổ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân; Hình thức thực hiện chân trụ không đồng bộ, mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau. Tại các giao lộ, cầu vượt không tôn trọng quy định về khoảng cách của các bảng quảng cáo được dựng từ mặt đất.

Đầu năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động quảng cáo bằng bảng, biển trên địa bàn thành phố, đợt thanh tra kéo dài trong 2 tháng nhằm chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời. Kết quả có 82 trường hợp bị lập biên bản vi phạm với gần 01 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Số liệu vi phạm bị xử lý từ năm 2002 đến nay:

Ở cấp thành phố xử lý: 395 vi phạm, số tiền phạt: 3.585.000.000 đồng.

Ở cấp quận-huyện xử lý: 6.890 vi phạm, số tiền phạt 6.221.000.000 đồng.

2. Hoạt động quảng cáo, rao vặt, nhất thời:

Quảng cáo băng rôn treo tại các góc đường (nhất là tại khu vực trung tâm) đã được đưa vào nề nếp, trật tự hơn so với trước đây do hạn chế đối tượng được cấp phép nhất là từ khi có Chỉ thị số 35/2006/CT-UB ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tuy nhiên, việc quảng cáo bằng hình thức này cần được tiếp tục xem xét, cân nhắc, vì thực tế loại hình quảng cáo này rất đa dạng, nhạy cảm với mỹ quan đường phố, trật tự công cộng, các doanh nghiệp thường treo chồng lấn lên nhau, treo vượt quá thời gian và số lượng quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Thành Đoàn cùng các quận - huyện thường xuyên ra quân xóa các quảng cáo rao vặt trái phép trên địa bàn thành phố như: Khoan cắt bê tông, dạy học, rút hầm cầu,... Kết quả xóa hơn 2.000.000 số điện thoại khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, tịch thu 9.742 băng rôn, 8.098 biển hiệu, 195.000 tờ rao vặt quảng cáo trái phép, đã xóa trên 2.000.000 số điện thoại quảng cáo trái phép, thông báo cho Bưu điện xóa gần 1.000 số điện thoại khoan cắt bê tông, rút hầm cầu có vi phạm. Tình trạng tái phạm việc dán, in các số điện thoại có giảm nhiều ở các khu vực, nhất là những nơi chính quyền địa phương tập trung kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý mạnh đối với những hành vi này. Một số quận đã xử lý đưa đối tượng vi phạm đi giáo dục tại Trung tâm Bảo trợ xã hội như tại quận 4, 11, Tân Bình.

Quảng cáo bằng hình thức sử dụng loa tăng âm còn khá phổ biến, chưa có dấu hiệu chuyển biến mạnh. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa lực lượng công an khu vực và cán bộ Văn hóa Thông tin địa phương chưa chặt chẽ. Một số quận - huyện chưa quan tâm thực hiện chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị số 22/2002/CT-UB ngày 13 tháng 11 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Các hành vi quảng cáo rao vặt bằng hình thức đứng ngay các giao lộ phát tờ rơi có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm và xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, các đơn vị đã đối phó bằng cách thực hiện vào ban đêm và tại những trục đường không thuộc trung tâm nhằm né tránh sự kiểm tra.

Gần đây, xuất hiện một loại hình quảng cáo mới, là dùng phương tiện lưu thông (xe 2 bánh hoặc 4 bánh) chở người và sản phẩm theo từng đoàn chạy khắp thành phố. Hành vi quảng cáo trái phép này gây ảnh hưởng xấu tới trật tự, an toàn giao thông, thậm chí nguy hiểm gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị như trường hợp quảng cáo bằng hình thức chở người mặc đồ rằn ri, tay cầm súng trên xe jeep có ảnh quảng cáo cho trò chơi điện tử. Cần kịp thời và chủ động ngăn chặn, xử lý những hành vi nguy hiểm này. Công an thành phố đã có văn bản số 43/CATP ngày 14 tháng 01 năm 2003 về việc kiểm tra xử lý quảng cáo rao vặt trái phép nơi công cộng. Tuy nhiên, việc vi phạm vẫn tồn tại do các đơn vị thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Công an thành phố.

3. Quảng cáo trên báo chí:

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 41 cơ quan báo chí, hơn 1.000 trang tin điện tử trên mạng internet, 155 Văn phòng đại diện của cơ quan báo chí Trung ương và 12 Văn phòng đại diện của cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố bạn. Gần 70 kênh truyền hình cáp trong và ngoài nước phát sóng liên tục 24/24 mỗi ngày.

Mặc dù quy định hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định số 108/2002/QĐ-UB có đề cập nhưng không quy định chi tiết đối với hoạt động quảng cáo trên báo chí. Tuy nhiên, trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) cũng đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí theo Luật Báo chí, Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Sự tăng trưởng về quảng cáo trên báo chí đã tạo thêm nguồn thu giúp các cơ quan báo chí cân đối tài chánh theo hướng tích cực, phù hợp với cơ chế thị trường, xu hướng phát triển, hội nhập.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo của báo chí thành phố cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều nội dung quảng cáo chưa thực sự phù hợp thuần phong mỹ tục, như sử dụng hình ảnh phụ nữ mặc hở hang, quảng cáo các sản phẩm băng vệ sinh, tã lót… gây phản cảm, dư luận không đồng tình. Một số trang quảng cáo vi phạm quy định như: Quảng cáo có tính chất so sánh, quảng cáo trên trang 1 bìa 1, dán kèm vào bìa 1; Quảng cáo có kèm hình ảnh Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quảng cáo có hình bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; Quảng cáo rượu, thuốc lá; Quảng cáo dưới hình thức bài viết, thư cám ơn, lồng ghép vào bài viết; Quảng cáo mê tín dị đoan. Hiện nay xảy ra hiện tượng đáng chú ý là một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản tự ý ra phụ trương dưới dạng catalogue quảng cáo, thậm chí có dấu hiệu liên kết với nước ngoài không phép.

Quảng cáo trên truyền hình chạy chữ mép dưới khung hình khi đang phát sóng nội dung chương trình khác; chen lẫn nội dung quảng cáo vào chương trình chiếu phim nhiều hơn 2 lần, mỗi lần vượt quá 5 phút vi phạm Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 24/2003/NĐ-CP.

Quảng cáo trên mạng internet, trang thông tin điện tử của các cơ quan đều có ít nhiều vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo.

Đối với các vi phạm của cơ quan báo chí, phần lớn những góp ý nhắc nhở của cơ quan quản lý được tiếp thu, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. Các cơ quan quản lý báo chí thường xuyên theo dõi những biến tướng về quảng cáo trên báo chí, ngăn chặn yếu tố thương mại xâm phạm hoạt động báo chí, có thái độ nghiêm túc và kiên quyết trong phê phán cũng như trong xử lý vi phạm. Trong những năm qua cũng đã tiến hành xử phạt 10 vụ vi phạm quy định quảng cáo trên báo chí, tổng số tiền phạt là: 151.250.000 đồng.

4. Công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời:

Hầu hết các quận - huyện thực hiện quy hoạch hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn theo hướng căng bạt ốp sát tường nhà, panô dựng từ mặt đất, dành những vị trí thích hợp nhất cho cổ động chính trị. Đối với một số quận nội thành, công tác quy hoạch đã loại bỏ hẳn số bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà, thay thế bằng hình thức căng bạt ốp sát tường. Số lượng bảng quảng cáo dựng từ mặt đất tăng đáng kể, đây là sự chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhờ sự tác động từ Quyết định số 108/2002/QĐ-UB.

Sau 6 năm thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã thực hiện 26 quyết định phê duyệt quy hoạch hoạt động quảng cáo ngoài trời tại hầu hết các quận - huyện. Số vị trí quảng cáo ngoài trời đã được phê duyệt: 568 bảng (ốp tường và panô dựng từ mặt đất) và 119 trụ đèn, tăng 2,5 lần so với trước khi có Quyết định số 108/2002/QĐ-UB.

Về màn hình điện tử, Tháng 5 năm 2003, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã thông qua 5 vị trí đặt màn hình điện tử. Đã đưa vào hoạt động 02 màn hình điện tử tại sân bay Tân Sơn Nhất (01 tại bãi đậu xe, 01 tại ga đi quốc nội), đang dự kiến bổ sung 01 màn hình điện tử tại ga Hòa Hưng, Nhà Văn hóa Thanh Niên thành phố. Riêng màn hình điện tử tại địa điểm số 02 Trần Hưng Đạo, quận 1 đã chấm dứt hoạt động do đã hết thời hạn quy định của giấy phép đầu tư và vị trí lắp đặt vi phạm quy định về quảng cáo. Phần lớn các vị trí quy hoạch đặt màn hình điện tử không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nên không được triển khai. Trong 03 năm qua chỉ có 02 màn hình điện tử được đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động.

a) Mặt tích cực của công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời:

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã tạo ra những định hướng có tính ổn định và hạn chế sự tự phát hoạt động quảng cáo. Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời được phê duyệt đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, phù hợp với các quy định hiện hành trong lĩnh vực quảng cáo, phù hợp với nếp sống văn minh, thích ứng với quá trình phát triển, hội nhập.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời là một hệ thống mở, quá trình hoạt động luôn được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu, xu thế tăng trưởng của ngành. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho các quận - huyện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, chú ý đến yếu tố phát triển của ngành, đồng thời đảm bảo về mặt nguyên tắc cho định hướng lâu dài gắn với văn hóa, văn minh, sự phát triển toàn diện của thành phố.

b) Một số hạn chế, thiếu sót:

Trong quá trình thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các quận - huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, đã phát sinh một số mặt khiếm khuyết cần được chấn chỉnh như sau:

Thành phố hiện còn trong quá trình điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc đô thị nên khi thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời giai đoạn từ 2003 đến nay là tạm thời. Nhìn chung, do mỗi quận huyện tự quy định theo yêu cầu của địa phương, mỗi nơi làm mỗi kiểu khác nhau nên khi bước vào triển khai thực hiện quy hoạch đã tạo sự không thống nhất, không đồng bộ về hình thức, chất liệu, kích thước và vị trí đặt bảng quá cao. Mặt khác, thành phố chưa có đề án quy hoạch chung tổng thể về quảng cáo ngoài trời nên khi các quận - huyện xây dựng đề án quy hoạch trên các địa bàn còn lúng túng, không có cơ sở để tham khảo, thực hiện.

Trước khi thực hiện các phương án quy hoạch, các quận - huyện chưa nghiên cứu, khảo sát kỹ về cảnh quan, mỹ quan của khu vực đặt bảng quảng cáo, ảnh hưởng của bảng quảng cáo với trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng của bảng quảng cáo đối với khu vực xung quanh trong trường hợp có sự cố ngã đỗ gây tai nạn cho người và thiệt hại về tài sản.

Phương án quy hoạch quảng cáo ngoài trời các quận - huyện phần lớn dựa vào hiện trạng những vị trí đã có đặt bảng quảng cáo do các doanh nghiệp quảng cáo lựa chọn, chưa tính đến nhu cầu của thị trường trong hoạt động quảng cáo, lại liên tục phát sinh nhiều vị trí quảng cáo mới, làm thay đổi quy hoạch đã được duyệt.

Công tác quản lý việc thực hiện quy hoạch còn yếu: Một số khu vực đặt bảng quảng cáo mật độ dày đặt gây mất trật tự mỹ quan như: Vòng xoay Hàng Xanh, Vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, vòng xoay An Lạc, đường Trường Sơn, đường Nguyễn Văn Trỗi,… Nguyên nhân do một số quận huyện chưa chú trọng tới công tác kiểm tra, thẩm định lại việc thực hiện quảng cáo của các doanh nghiệp về vị trí, kích thước. Mặt khác, các cơ quan chức năng cấp thành phố chưa thể hiện rõ vai trò kiểm tra, giám sát của mình nhằm buộc các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định. Sự phối hợp kiểm tra giữa các Sở, ngành, quận - huyện không chặt chẽ, không đồng bộ. Cơ chế quản lý chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; các Sở, ngành chức năng chưa tích cực tham gia quy hoạch và quản lý quy hoạch quảng cáo ngoài trời mà khoán trắng cho ngành Văn hóa. Mặt khác, thành phố cũng chưa phê duyệt tiêu chí quy hoạch quảng cáo ngoài trời, do đó có khó khăn trong việc xây dựng đề án quy hoạch từ các quận - huyện. Các văn bản pháp quy của Trung ương, thành phố trong lĩnh vực quảng cáo còn nhiều bất cập, không kịp điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với những diễn biến phát triển của ngành quảng cáo trước tình hình phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn hội nhập.

Từ đó, đặt ra vấn đề bức xúc hiện nay là cần thiết tiếp tục nghiên cứu về tiêu chí quy hoạch quảng cáo ngoài trời, quy định thống nhất về kích thước, chất liệu, vị trí, mật độ dựng panô, banner quảng cáo; thủ tục, đầu mối, thời gian cấp phép, loại nào thành phố cấp phép, loại nào ủy nhiệm quận huyện cấp phép; mức chế tài khi vi phạm quy định về quảng cáo; đối với quản lý biển hiệu, quy định về kích thước, chữ viết, số lượng tương ứng với mức điều tiết phí khác nhau; hoàn chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dành vị trí xứng đáng khu vực, tuyến đường cho tuyên truyền cổ động chính trị; có chính sách thu từ quảng cáo ngoài trời về lệ phí, thuế chiếm dụng không gian; xử lý kiên quyết quảng cáo rao vặt đối với hình thức tờ rơi, dán vẽ bừa bãi trên vách tường, cột điện.

5. Cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép thực hiện quảng cáo:

Trong 06 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Sở Văn hóa và Thông tin) đã triển khai cải tiến thủ tục hành chính trong tất cả các khâu tiếp nhận và trả hồ sơ. Quy định thời gian tối đa cho việc giải quyết hồ sơ xin phép quảng cáo ngắn hạn là 05 ngày, quảng cáo dài hạn là 10 ngày. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh có phân cấp cho các quận - huyện. Thời gian giải quyết là 05 ngày. Các trường hợp không giải quyết phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, việc phân cấp cho quận huyện còn nhiều bất cập, chưa thực hiện được.

6. Loại hình mới xuất hiện:

Sau 6 năm thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB, một số loại hình quảng cáo mới đã xuất hiện như: Bảng lật, xoay nhiều mặt, chiếu hình ảnh bằng laser trên tường, quảng cáo bằng tivi mang trên người đi lưu động hoặc tivi đặt trong xe buýt, trong bệnh viện, chợ,…; Các chương trình giải trí có tài trợ trên nhiều kênh truyền hình; Quảng cáo bằng hình thức sử dụng các phương tiện giao thông chở người mặc đồng phục và sản phẩm chạy xe thành từng đoàn trong thành phố. Đây là các loại hình quảng cáo gây mất trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

7. Công tác xã hội hóa hoạt động quảng cáo:

Những năm qua, thành phố đã vận động các doanh nghiệp quảng cáo sử dụng các phương tiện của mình để thực hiện công tác tuyên truyền cổ động chính trị vào các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị xã hội quan trọng trong năm như: kỷ niệm 30 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng; kỷ niệm 60 năm thành lập Nước; kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng; Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, Sea game 22, sự kiện APEC, Việt Nam gia nhập WTO. Ngoài các sự kiện lớn nói trên, thành phố còn vận động các doanh nghiệp tham gia cổ động các phong trào như: Mừng Xuân, mừng Đảng hàng năm, đội nón bảo hiểm, vê sinh an toàn sạch đẹp đường phố, trật tự an toàn giao thông, “Dân ta biết sử ta”; thực hiện Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHI THỰC HIỆN

1. Từ khi ban hành Quyết định số 108/2002/QĐ-UB, có nhiều dư luận chưa đồng tình với chủ trương của thành phố do nhận thức có khác nhau. Tuy nhiên với chủ trương đúng đắn, với tinh thần vì lợi ích, sự an toàn và mỹ quan chung cho xã hội, cùng với những biện pháp kiên quyết và sự tích cực vận động của cơ quan quản lý nhà nước đã hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp tháo gỡ bảng quảng cáo trên nóc nhà, tạo điều kiện chuyển sang hình thức quảng cáo phù hợp, dần dần đưa tình hình hoạt động quảng cáo ngoài trời đi vào ổn định.

2. Rút kinh nghiệm của quận 11, nhiều quận - huyện khác đã xử lý đưa các đối tượng chuyên thực hiện các hành vi bôi bẩn thành phố dán vẽ quảng cáo “khoan cắt bêtông”, “rút hầm cầu” đi giáo dục tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội, góp phần răn đe các đối tượng vì hoàn cảnh, sự mưu sinh nên đã vi phạm pháp luật.

3. Được sự ủng hộ và tập trung chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bộ và Chính quyền các quận - huyện, ngành Văn hóa đã thực hiện kiên quyết buộc các doanh nghiệp quảng cáo phải chấp hành chủ trương của thành phố, tháo gỡ bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà; lập lại trật tự trong lĩnh vực bảng hiệu, bảng quảng cáo nhỏ, hộp đèn quảng cáo. Nhiều quận nội thành, trong đó quận 10, quận Phú Nhuận đã nỗ lực trong việc tháo gỡ bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà kể cả dùng biện pháp cưỡng chế, kiên quyết lập lại trật tự, mỹ quan đô thị.

4. Quận Tân Bình thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực Văn hóa Thông tin cho cán bộ, chuyên viên các ban, ngành và cán bộ lãnh đạo phường, từ đó tạo sự chuyển biến tốt. Sau khi tách quận đã nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quảng cáo và là một trong những quận đầu tiên được duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời nhằm tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho các đơn vị tổ chức thực hiện các công trình quảng cáo.

5. Thực hiện kiểm tra trước và sau khi cấp phép thực hiện quảng cáo vì các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm như:

- Thực hiện nội dung quảng cáo trước khi có giấy phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Không ghi số, thời hạn giấy phép trên bảng quảng cáo.

- Quảng cáo vượt quá số lượng, diện tích cho phép.

- Quảng cáo quá thời hạn được ghi trong giấy phép.

- Thực hiện không đúng nội dung theo ma-két được duyệt.

IV. NHỮNG VƯỚNG MẮC, TỒN TẠI

Hiện nay, tại các quận - huyện việc tháo gỡ bảng quảng cáo đặt trên nóc nhà đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn vài quận - huyện (mặc dầu đã được duyệt quy hoạch) xuất hiện những bảng quảng cáo mới lắp đặt vi phạm Quyết định số 108/2002/QĐ-UB; Trong nhiều năm trước, một số bảng quảng cáo đặt trên quốc lộ chưa được cấp phép xây dựng và giấy phép thực hiện nội dung quảng cáo. Sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên là do một số nguyên nhân như sau:

- Ngành Văn hóa triển khai các hoạt động kiểm tra vi phạm theo Quyết định số 108/2002/QĐ-UB không được thường xuyên. Mặt khác trên địa thành phố trong 4 năm gần đây phải liên tục triển khai đồng loạt các quy hoạch, các dịch vụ văn hóa khác; không gian xử lý công việc rộng, quy mô lớn, tính chất phức tạp từ Sở đến quận - huyện đều không có đủ biên chế, cán bộ, công chức để thực hiện.

- Trách nhiệm quản lý địa bàn của một số địa phương chưa cao, thiếu kiên quyết, còn ỷ lại Sở, ngành thành phố, có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, chưa chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm như: Thực hiện quảng cáo trước rồi mới xin phép sau; chưa được bổ sung vị trí quảng cáo đã thực hiện; không ghi tên đơn vị thực hiện, số giấy phép, ngày hết hạn trên công trình quảng cáo; dựng bảng quảng cáo không đúng quy cách, hình thức mỹ thuật và kỹ thuật, không đúng vị trí, kích thước đã quy hoạch…

- Việc thực hiện quy hoạch quảng cáo giai đoạn 2003-2005 tại một số quận - huyện đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch nhưng thực hiện chưa nghiêm túc, chưa kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp quảng cáo nhằm đảm bảo đúng theo hướng quy hoạch; còn có trụ, hộp đèn quảng cáo đặt ngay giao lộ không kịp thời điều chỉnh tháo gỡ.

- Sau một thời gian tương đối ổn định và đi vào trật tự nề nếp theo quy hoạch tại một số quận - huyện nay lại có hiện tượng xé rào trong việc thực hiện quảng cáo bằng hình thức bạt ốp tường. Nguyên nhân, do nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp quảng cáo đòi hỏi ngày càng phát triển cao, mặt khác về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn chậm nên xảy ra hiện tượng nói trên.

- Việc quy hoạch quảng cáo ngoài trời giai đoạn từ nay đến 2010 trên địa bàn quận - huyện chưa đạt yêu cầu về tiến độ thời gian theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 108/2002/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố, có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Phấn đấu tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về quảng cáo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong việc xây dựng trật tự, kỷ cương, đặc biệt nhất là trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế đất nước đối với nền kinh tế toàn cầu sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tập trung thực hiện tốt các công việc sau đây:

- Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp lý trong lĩnh vực quản lý hoạt động quảng cáo cho phù hợp với tiến trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

- Tiếp tục thể chế hóa và nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp lý về hoạt động quảng cáo, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 108/2002/QĐ-UB cho phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành và điều kiện cụ thể của thành phố Hồ Chí Minh

- Khuyến khích các doanh nghiệp hiện đại hóa các phương tiện, hình thức, kiểu dáng bảng quảng cáo như: bảng điện tử LED, trụ hộp đèn xoay, bảng lật, đèn neon sign,… góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập.

- Tạo những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quảng cáo hoạt động đúng pháp luật, thông qua công tác hoàn thiện các quy hoạch quảng cáo trên địa bàn, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đổi giấy phép…

- Tăng cường tập huấn, cung cấp thông tin, tài liệu cho các quận - huyện, các đơn vị hoạt động quảng cáo về pháp luật, công tác quản lý nhà nước về quảng cáo. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các quận - huyện với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền pháp luật về quảng cáo.

- Chú ý tăng cường yếu tố văn hóa trong hoạt động quảng cáo, thực hiện tốt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng các nội dung quảng cáo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - Khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 - Khóa IX; Nghị quyết Trung ương 5 - Khóa X, thông qua sinh hoạt Hội quảng cáo. Khuyến khích những hoạt động quảng cáo có nội dung lành mạnh, văn hóa, tiến bộ; hình thức quảng cáo hiện đại, có tính thẩm mỹ cao.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo dõi việc thực hiện các quy định của Nhà nước và thành phố về hoạt động quảng cáo trên địa bàn, cũng như việc thực hiện theo quy hoạch quảng cáo đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố, báo chí, đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản trong việc xử lý các điểm đen trên lĩnh vực quảng cáo, tích cực xóa quảng cáo rao vặt trái phép bằng các Ngày “Chủ nhật xanh”, kết hợp với việc phát hiện các hành vi treo dán các mẫu quảng cáo rao vặt trái phép. Kiên quyết xử lý các trường hợp tái phạm.

- Tiến hành thường xuyên việc kiểm tra các hoạt động quảng cáo rao vặt, đặc biệt chú ý những khu vực trung tâm nhằm góp phần tôn tạo, giữ gìn mỹ quan cho thành phố, đồng thời kiểm soát được tình trạng tự phát, không phép của một số doanh nghiệp đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

- Các cơ quan chức năng của thành phố và quận - huyện cần tiến hành chấn chỉnh, đưa vào nề nếp các hoạt động quảng cáo trên các phương tiện báo, đài, internet, quảng cáo trên phông màn, quảng cáo trong các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao…

- Tiến hành kiểm tra thường xuyên bảng hiệu của các tổ chức doanh nghiệp nhằm đảm bảo đúng quy định. Đặc biệt, chú ý các bảng hiệu chen lẫn nội dung quảng cáo, dùng chữ nước ngoài không đúng quy định, che chắn mặt tiền nhà…

- Nâng cao tính định hướng trong quản lý nhằm đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, cạnh tranh lành mạnh, cân bằng và tạo được sự liên thông, đồng bộ trong hoạt động quảng cáo. Có cơ chế thích ứng phối hợp với Hội Quảng cáo thành phố tuyên truyền giáo dục những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động quảng cáo phải chấp hành nghiêm quy định của nhà nước. Chú ý trong quản lý các Văn phòng đại diện công ty quảng cáo nước ngoài đang hoạt động công khai hoặc trá hình, tác động không lành mạnh đến quá trình cạnh tranh, chủ quyền, bản sắc văn hóa dân tộc...

- Để có quy hoạch quảng cáo ngoài trời xứng tầm với thành phố văn minh hiện đại, cần phải có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, kết hợp với quy hoạch tổng thể đô thị nhằm đưa ra phương án quy hoạch quảng cáo phù hợp. Phấn đấu xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể quảng cáo ngoài trời trên toàn địa bàn thành phố đến năm 2020, hoàn tất trong năm 2009 để các quận - huyện có cơ sở tiến hành quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài trời trên địa bàn đến năm 2020 (có phương án riêng).

- Trước mắt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiến hành phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời và tuyên truyền cổ động chính trị giai đoạn 2009 - 2010 theo hướng nâng cấp các bảng quảng cáo hiện có với công nghệ hiện đại, bổ sung quy hoạch đối với quảng cáo ốp trên tường, các trụ đèn đặt trên lề đường với số lượng vừa phải phù hợp với mỹ quan, trật tự đô thị; chấm dứt việc quảng cáo bằng băng rôn tại các giao lộ, trên đường phố kể cả băng rôn có nội dung hoạt động văn hóa nghệ thuật, từ thiện, tài trợ. Hướng các hoạt động quảng cáo này vào các phương tiện khác văn minh, hiện đại hơn.

- Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các quy định của pháp luật trong việc thu phí quảng cáo, tiến hành các thủ tục trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định việc thu phí khoảng không dành cho quảng cáo.

- Nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 22/2002/CT-UB ngày 13 tháng 11 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về quảng cáo rao vặt, Sở Giao thông tận tải và Công an thành phố phối hợp kiểm tra các hoạt động quảng cáo trên phương tiện lưu thông, quảng cáo tại các góc đường, quảng cáo bằng hình thức đi thành từng đoàn gây mất trật tự giao thông, quảng cáo bên hông xe khách không đúng quy định.

- Công an thành phố tăng cường chỉ đạo cho cảnh sát khu vực tích cực phối hợp với ngành Văn hóa Thông tin địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý quảng cáo bán hàng bằng hình thức dùng loa gây ồn ào mất trật tự.

VI. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ sửa đổi Khoản 2, Điều 30, Nghị định số 11/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định rõ số lượng, kích thước bảng hiệu đặt tại trụ sở, nơi kinh doanh.

2. Kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng, chỉ đạo cho các báo, đài sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, con người Việt Nam trong các nội dung quảng cáo trên báo chí, nhất là trên Đài Truyền hình. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của Tổng Biên tập, Giám đốc Đài đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên lĩnh vực quảng cáo./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Hội Quảng cáo thành phố;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (VX-T) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Hà

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác