584681

Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

584681
LawNet .vn

Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu: 202/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Lương Trọng Quỳnh
Ngày ban hành: 20/10/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 202/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
Người ký: Lương Trọng Quỳnh
Ngày ban hành: 20/10/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC TỔNG THỂ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng kế hoạch làm cơ sở chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phù hợp với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 -2025. Tập trung ứng dụng đồng bộ các giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2023, tích trữ nước cho giai đoạn 2024 - 2025.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và sản xuất công nghiệp hợp lý, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tiễn. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính) trong ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước trên địa bàn.

Sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm nước. Triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc: ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.

II. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH KHÔ HẠN TRONG MÙA KHÔ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. Tình hình chung

Từ đầu năm 2023 do biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng bất thường, nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh không có mưa hoặc có mưa nhưng rất ít. Các hồ chứa nước, sông, suối, khe rãnh cạn kiệt so với cùng kỳ năm trước, nguồn nước khan hiếm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của Nhân dân.

Trung tuần tháng 7 có mưa vừa do ảnh hưởng cơn bão số 01 và đầu tháng 8 có những cơn mưa rào rải rác. Tuy nhiên do lượng mưa ít, chỉ cải thiện phần nào hạn hán, thiếu nước ở sông, suối, khe rãnh; mực nước các hồ chưa tăng không đáng kể. Hiện tại (tính tới thời điểm 15/8/2023) trung bình mực nước trong các hồ chứa đạt 4,4m, tỷ lệ trung bình 60% so với thiết kế và đạt 96% so với cùng kỳ năm 2022. Một số hồ chứa có nguy cơ xảy ra hạn hán như: Nà Tâm, Thâm Sỉnh, Lẩu Xá, Bó Diêm, Nà Bây, Phai Chia, Bản Nằm, Nà Ái, Slam Kha, Phai Cháu, Rọ Thó, Nà Khoang, Rọ Bây, Bản Lải, Bản Chành, Khuổi Quật, Bản Nùng, Nà Diều, Nà Dày, Nà Ne, Tổng Đoàn, Sam Kha, Suối Con, Khum Cát, Nà Xà, Nà Lặp, Bãi Hào, Khe Khoang, Khẩu Cắm, Tành Chè, Rọ Tém, Rọ Doóc, Tá Phung, Rọ Nghè, Rọ Bây, Pò Rái do hiện nay đang tháo nước để sửa chữa, nâng cấp hoặc phải phục vụ cho cả nước sinh hoạt, một số hồ có dung tích thấp sau khi tháo nước phục vụ tưới cao điểm gieo cấy vụ mùa 2023, mực nước còn lại trong hồ thấp, trong 7 tháng đầu năm lượng mưa nhỏ, thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023 nên lượng mưa bổ sung cho các hồ không đáng kể.

2. Dự báo tình hình khô hạn trong mùa khô giai đoạn 2023-2025

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, El Nino có thể kéo dài, dự báo tác động lớn nhất trong năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino, hầu hết các vùng ở trong nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; theo đánh giá qua các mô hình dự báo cho thấy mức chênh lệch nhiệt độ trong giai đoạn này có thể vào khoảng từ 1,8-2°C, thấp hơn năm 2016 nhưng lại cao hơn mức 1,2°C của đợt El Nino năm 2019-2020. Vì vậy, có thể dự đoán mức độ của El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu đến nhanh trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ gây tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, trong đó có địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

3. Các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán

Hiện nay các khu vực có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước kéo dài trên địa bàn toàn tỉnh, nguồn nước từ các sông, suối, khe rãnh cạn kiệt; phần lớn các công trình hồ chứa xây dựng cách đây 30-40 năm, một số hồ chứa đã bị xuống cấp phải tích nước hạn chế hoặc không tích được nước, không có nguồn sinh thủy hoặc nguồn sinh thủy không ổn định, một số hệ thống mương xây dựng đã lâu bị xuống cấp, khả năng dẫn nước không hiệu quả. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các huyện thành phố, dự kiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước tưới khoảng 5.649,5ha. Trong đó dự kiến chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây khác có nhu cầu dùng ít nước, có khả năng chịu hạn cao như: rau màu, thạch đen, ngô, ớt, thuốc lá... khoảng 3.393,7 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).

III. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC

1. Giải pháp cho vụ Mùa năm 2023

Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước có nguy cơ kéo dài vào cuối vụ mùa, cần triển khai ngay các giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ Mùa năm 2023, cụ thể:

- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch sản xuất, đồng thời phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng để có kế hoạch cung cấp hợp lý hiệu quả.

- Triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước đang bị xuống cấp để đảm bảo cấp nước phục vụ người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước để kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô hạn.

- Thực hiện các giải pháp nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều tiết nước linh hoạt phù hợp với khả năng, năng lực các công trình, thời vụ sản xuất, thời gian lấy nước, xả nước các hồ bảo đảm trong khung thời vụ theo hướng dẫn cơ quan chuyên môn; chủ động trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa, nguồn nước hồi quy trong nội đồng, tiết kiệm giữ lượng nước hỗ trợ cho vụ Đông Xuân 2023-2024; phục vụ dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường trong điều kiện nguy cơ nắng nóng kéo dài sau khi kết thúc vụ Mùa 2023.

- Nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 397/CT-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 628/UBND-KT ngày 27/5/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

2. Giải pháp cần triển khai thường xuyên giai đoạn 2023 - 2025

2.1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hạn hán, thiếu nước

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại cũng như công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước; các giải pháp tưới tiên tiến, khoa học, tiết kiệm nước; các mô hình chuyển đổi sang các hình thức sản xuất ít sử dụng nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong phòng ngừa và ứng phó với hạn hán, thiếu nước.

- Tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn của cấp chính quyền địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ mương lấy nước không theo kế hoạch tưới.

2.2. Biện pháp đối với công tác thuỷ lợi

- Tổ chức ra quân làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét, phát dọn kênh mương phục vụ cho dẫn nước đến nơi sản xuất đạt hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí; các cửa dẫn nước đảm bảo chuyển nước tốt nhất, duy tu bảo dưỡng tốt các trạm bơm để sẵn sàng bơm tưới, chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ.

- Chủ động đóng cống tích nước khi có mưa nhằm phát huy năng lực tưới của từng công trình phục vụ tưới cho sản xuất vụ xuân giai đoạn 2023 - 2025; tăng cường công tác quản lý các nguồn nước tưới, tích cực tích trữ nước ở các công trình thủy lợi, tưới tiết kiệm nước; căn cứ tình hình cụ thể của nguồn nước để cân đối cấp nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt cho Nhân dân, chăn nuôi gia súc và cho sản xuất nông nghiệp.

- Trên cơ sở tính toán cân đối nguồn nước, khuyến cáo người dân bố trí các loại cây trồng hợp lý; nhất là đối với các vùng trồng lúa nếu không đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ thì chủ động gieo cấy tập trung thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước. Đối với diện tích không đủ nước trồng lúa thì chuyến sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn so với trồng lúa; diện tích không chủ động cung cấp nước thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp.

- Tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới luân phiên), hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất. Tăng cường công tác kiểm tra theo dõi tình hình hạn hán đến tận nơi sản xuất nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

- Tổ chức kiểm tra sửa chữa nạo vét hệ thống kênh mương, hồ đập, cửa cống lấy nước, nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng tại các địa phương để chủ động dẫn nước tưới đến mặt ruộng đề phòng khả năng hạn hán. Vận động Nhân dân sử dụng xi măng thủy lợi nhỏ để xây dựng các phai, đập và những tuyến mương có quy mô nhỏ nhằm tránh bị thất thoát nước do thẩm thấu vào mùa kiệt.

- Tổ chức lắp đặt và vận hành các trạm bơm dầu tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, mực nước chết tại các ao, hồ để bơm chống hạn tại các khu vực khoanh vùng sản xuất bị thiếu nước vào cuối vụ.

- Ở những nơi có nước ngầm, tiến hành dùng các biện pháp trữ nước đọng phục vụ chống hạn; tu bổ, cải tạo các ao, giếng sẵn có tại các địa phương để trữ nước chống hạn.

- Khuyến khích áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt…) và triển khai nhân rộng các mô hình này; đồng thời triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2.3. Giải pháp đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn

- Đối với những địa bàn có công trình cấp nước hệ bơm dẫn sử dụng nguồn cấp là nước ngầm: thổi rửa các giếng khoan hiện có; nghiên cứu các nguồn nước dự phòng, bổ sung (nhất là các nguồn nước mặt) cho các trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước và điểm cấp nước tập trung.

- Đối với những địa bàn có công trình cấp nước hệ bơm dẫn sử dụng nguồn cấp là nước mặt: theo dõi, thường xuyên cập nhật nguồn nước và chất lượng nước tại các sông, suối để chủ động việc lấy nước cung cấp cho các trạm cấp nước.

- Đối với những địa bàn đã có công trình cấp nước loại hình tự chảy: tập trung làm vệ sinh nguồn nước phía thượng lưu, nạo vét bùn đất trước đập ngăn, bể lọc chậm để tăng lưu lượng cấp, nếu cần thiết thì thay thế, cấp phối lại vật liệu lọc. Kiểm tra, sửa chữa, thay thế các đoạn tuyến ống dẫn nước (nếu hư hỏng), van, vòi tại các bể phân phối để giảm tỷ lệ thất thoát nước.

- Đối với các địa bàn có công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan: làm vệ sinh giếng đào, giếng khoan; nạo vét và đào sâu thêm để tranh thủ nguồn nước. Khoan và đào thêm giếng mới tại các khu vực dân cư chưa tiếp cận được với công trình cấp nước.

- Rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có công trình cấp nước, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 3m3 - 5m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân ở phân tán, những vùng khó khăn về nước sạch mà nguồn nước mặt có thể sử dụng được.

- Các đơn vị cấp nước sinh hoạt có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các khu vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn quản lý khi hạn hán xảy ra.

- Tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài.

2.4. Giải pháp đối với trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Trên cơ sở nhận định thời tiết của từng vụ, từng năm và hiện trạng nguồn nước để xác định diện tích sản xuất, lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng linh hoạt phù hợp với khả năng nguồn nước tưới; ưu tiên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn, giống chịu hạn để sản xuất, phù hợp với địa phương.

- Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung.

- Phối hợp với các địa phương tập trung rà soát diện tích cây trồng cần chuyển đổi để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng hàng năm, vụ.

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nhằm giảm thiểu sự thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

2.5. Giải pháp đối với sản xuất lâm nghiệp

Thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững ở các địa phương, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn lửa ở trong rừng và ven rừng; có nội quy, biển báo, biển cấm lửa bố trí tại các vị trí phù hợp; có giải pháp phòng, chống cháy lan. Xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án PCCC rừng. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực và phương án chữa cháy rừng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển rừng, bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và trồng rừng theo quy hoạch để tăng độ che phủ, tăng nguồn sinh thủy.

2.6. Giải pháp đối với chăn nuôi

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng cơ sở chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phù hợp; thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước phục vụ nhu cầu cho vật nuôi như: nước máy, giếng khoan, giếng đào, ao hồ, bồn chứa nước,... để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo đủ nước cho vật nuôi sử dụng trong cả trường hợp ao hồ khô cạn; có kế hoạch dự trữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất chăn nuôi trong các tháng mùa khô, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước.

- Hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch chăn nuôi phù hợp, có biện pháp chăm sóc chu đáo đàn vật nuôi hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

- Hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi nắng nóng, nuôi nhốt gia súc, cho ăn tại chuồng hoặc cố định gia súc ở những nơi có cây xanh bóng mát; giảm mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các quy trình tiết kiệm nước, cải tạo, sửa chữa chuồng trại để chống nắng, chống nóng nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước của vật nuôi; bố trí hệ thống làm mát chuồng nuôi trong thời điểm nắng nóng.

- Lắp đặt thêm các hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi để chủ động dẫn nước đến khu vực chăn nuôi. Bố trí, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước phục vụ chăn nuôi. Đối với các khu vực trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc cần chủ động, xây dựng hệ thống dẫn nước, cấp nước, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới, tránh lãng phí nước.

2.7. Giải pháp đối với nuôi trồng thuỷ sản

- Rà soát nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến các vùng nuôi trồng thủy sản, bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng nuôi, vùng sinh thái, bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại gây ra. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Hướng dẫn người nuôi tuân thủ khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về khung lịch thời vụ thả giống, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị ao/hồ/bể chứa... để tích trữ và cấp nước vào ao nuôi khi cần; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo về khí tượng, thủy văn, thông báo về quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trong nuôi trồng thủy sản.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, như: sử dụng chế phẩm sinh học, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn; tập trung nghiên cứu chọn lọc các loài nuôi có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cao, dễ thích nghi với biến đổi môi trường nuôi; chuyển đổi các diện tích nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, kém hiệu quả sang nuôi sinh thái, xen ghép.

- Ưu tiên bố trí nguồn nước để cấp cho các mô hình, vùng sản xuất giống cá, vùng nuôi ở vị trí cao không thể lấy nước từ tự nhiên.

- Tiến hành rà soát cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống kênh, mương thủy lợi, ao, hồ chứa nước tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức; tu sửa, nâng cấp tại các vùng nuôi đã bị hư hỏng, xuống cấp.

- Căn cứ tình hình thực tế và dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn để kịp thời điều chỉnh lịch mùa vụ, nuôi trồng thủy sản cho phù hợp.

IV. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch là 190.892 triệu đồng (trong đó: ngân sách địa phương 92.692 triệu đồng; ngân sách Trung ương 98.200 triệu đồng), cụ thể như sau:

- Kinh phí thực hiện nạo vét bùn, đất cửa lấy nước, kênh mương 9.961,6 triệu đồng (ngân sách địa phương), khối lượng dự kiến nạo vét 49.308m3.

- Tổng kinh phí hỗ trợ bơm, mua sắm máy bơm phục vụ chống hạn hán, thiếu nước là 3.705,2 triệu đồng (ngân sách địa phương).

(Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo).

- Kinh phí sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung để phòng chống hạn là 177.225 triệu đồng, trong đó: ngân sách địa phương 79.025 triệu đồng; ngân sách Trung ương 98.200 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ chống hạn hán, thiếu nước, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi, cấp nước tập trung; kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng năm và đột xuất theo yêu cầu.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn, cử cán bộ bám sát hiện trường, hướng dẫn các biện pháp thực hiện phương án chống hạn hiệu quả; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch theo quy định.

- Hướng dẫn các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước; xây dựng phương án sử dụng nước hợp lý để ứng phó hạn hán; phổ biến, tuyên truyền thực hiện tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng.

- Chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, đảm bảo tưới nước tưới phục vụ trong vùng công trình; đồng thời hỗ trợ các địa phương về nhân lực, kỹ thuật để chống hạn.

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi để sớm đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp; chủ động kiểm tra, sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, giếng, ao; ưu tiên xây dựng các cụm vòi cấp nước tập trung để cấp nước chống hạn.

- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động các công trình cấp nước sạch nông thôn; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và phương án chống hạn cho từng công trình cụ thể; tổng hợp báo cáo thường xuyên tình hình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào tình hình dự báo, diễn biến của EL Nino xảy ra từng năm, từng vụ, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phù hợp theo diễn biến của tình hình thời tiết; đồng thời chỉ đạo tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo cấp nước dân sinh chi tiết phù hợp, sát đúng với tình hình nhằm đảm bảo tổ chức ứng phó kịp thời, hiệu quả.

2. Sở Công Thương: chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả nước đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất và dân sinh theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: tổ chức kiểm tra, đôn đốc theo thẩm quyền các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ và mùa cạn.

4. Sở Xây dựng: chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy cấp nước sạch đô thị rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả; khai thác tài nguyên nước phù hợp với điều kiện nguồn nước tại các hồ chứa và trên các lưu vực sông, đảm bảo cấp nước an toàn, đủ cho sinh hoạt khu vực đô thị và nước cho sản xuất của Nhân dân.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình hạn hán, thiếu nước, tình hình khắc phục hạn hán và thiếu nước sinh hoạt để người dân và các ngành, các cấp biết để chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước. Các biện pháp chỉ đạo ứng phó để cộng đồng biết và chủ động thực hiện tiết kiệm nước; biểu dương, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực và sáng tạo trong ứng phó với hạn hán, thiếu nước.

6. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong đó ưu tiên bố trí kinh phí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, cấp nước tập trung theo quy định.

7. Sở Y tế: chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn hán thiếu nước xảy ra; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước gây ra.

8. Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn: tăng cường công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán; thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn và các cơ quan truyền thông thường trú trên địa bàn tỉnh: thực hiện tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời về tình hình thời tiết, diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chủ động sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán thiếu nước.

10. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Lạng Sơn

- Chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình được giao quản lý bằng nguồn vốn sửa chữa hàng năm; có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào lấy nước theo phân cấp quản lý; các hồ chứa đang sửa chữa nếu đủ điều kiện an toàn phải tích nước hợp lý để thực hiện công tác chống hạn.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Chi nhánh Xí nghiệp tại các huyện, thành phố trong triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý; quản lý phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.

- Chủ động sử dụng kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước nhằm chủ động xử lý tình huống, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước thay đổi, phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân; thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời tình hình thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan biết về tình hình hạn cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

11. UBND các huyện, thành phố

- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn và các chủ công trình tổ chức kiểm kê nguồn nước từng công trình thủy lợi, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn như: nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm, bờ bao, đào ao, vét giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất; rà soát, khôi phục các công trình chống hạn đã có trước đây để sẵn sàng chống hạn.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình thiếu nước, khô hạn để người dân biết và chủ động trong việc sử dụng nước tiết kiệm và tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi điều tiết, sử dụng nước hiệu quả.

- Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán trên địa bàn.

- Thường xuyên cập nhật về tình hình nguồn nước, hạn hán, và các hoạt động ứng phó, tổng hợp thiệt hại, đề xuất giải pháp chống hạn trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

12. Đề nghị Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tỉnh: tăng cường chỉ đạo hệ thống cơ quan cấp dưới phối hợp với chính quyền các cấp tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các biện pháp, giải pháp ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ, đoàn thể, tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Lạng Sơn;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT(PVĐ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh

 

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác