566204

Báo cáo 624/BC-BYT năm 2023 về kết quả rà soát quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

566204
LawNet .vn

Báo cáo 624/BC-BYT năm 2023 về kết quả rà soát quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 624/BC-BYT Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
Ngày ban hành: 11/05/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 624/BC-BYT
Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Y tế
Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
Ngày ban hành: 11/05/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 624/BC-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2023

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ, QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thực hiện Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 27/4/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19, gửi xin ý kiến và tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (văn bản góp ý kèm theo). Bộ Y tế kính báo cáo kết quả thực hiện như sau:

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ

I. Thực trạng xử lý chất thải y tế

1. Thực trạng nguồn phát sinh chất thải y tế

Theo số liệu thống kê báo cáo: cả nước có 51.962 cơ sở y tế, bao gồm 13.641 cơ sở y tế công lập và 38.321 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó:

- 73 cơ sở y tế công lập tuyến trung ương (42 bệnh viện; 31 cơ sở khác);

- 838 cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh (428 bệnh viện; 410 cơ sở y tế dự phòng);

- 1.599 cơ sở y tế công lập tuyến huyện (570 bệnh viện; 649 trung tâm y tế tuyến huyện và 380 phòng khám đa khoa khu vực);

- 11.131 trạm y tế xã;

- 321 bệnh viện ngoài công lập; 38.000 phòng khám ngoài công lập

2. Kết quả xử lý chất thải y tế

2.1. Về xử lý nước thải y tế

- Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm.

- Tính theo tỷ lệ nước thải y tế được xử lý: tỷ lệ nước thải y tế tại bệnh viện được xử lý năm 2021 là 93% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

- Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý nước thải đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 95%, tuyến tỉnh đạt 94,2%, tuyến huyện đạt 94,6%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 50,76%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu tại Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 2038) đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập từ trung ương đến địa phương thực hiện xử lý nước thải y tế chưa đạt mục tiêu Đề án 2038, chủ yếu là trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý nước thải y tế đạt tỷ lệ khá cao (trên 94%), gần đạt mục tiêu Đề án 2038.

2.2. Về xử lý chất thải rắn y tế

- Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình là: 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày.

- Tính theo tỷ lệ chất thải y tế được xử lý: tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý là 95% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

- Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 99%, tuyến tỉnh đạt 99%, tuyến huyện đạt 98%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 62,4%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu Đề án 2038 đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý chất thải rắn y tế cơ bản đạt mục tiêu Đề án 2038 (trên 98%). Tuy nhiên, các trạm y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực mới chỉ đạt 62,4%.

2.3. Về xử lý khí thải

Các cơ sở y tế có phát sinh khí thải từ hoạt động chuyên môn y tế đã thực hiện thu gom và xử lý thông qua các tủ hút tại chỗ. Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đã thực hiện giám sát khí thải lò đốt theo QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhưng chưa thường xuyên. Một số lò đốt chất thải rắn y tế chưa đạt QCVN chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cần được các địa phương rà soát và cho dừng hoạt động và chuyển sang phương pháp phù hợp khác.

II. Phân công nhiệm vụ quản lý chất thải y tế theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế như sau:

(1) Quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

(2) Xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường Bộ Y tế đảm bảo đồng bộ với hệ thống thông tin môi trường quốc gia.

(3) Tổ chức công tác thống kê chỉ tiêu môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; Hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường các chỉ tiêu thống kê về môi trường; Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm.

(4) Thanh tra, kiểm tra: theo quy định tại Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Y tế không được giao trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

III. Các chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ

1. Nghị quyết của Đảng

Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đến năm 2020 là 95 - 100% (được giao tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28/02/2016). Tuy nhiên, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01/02/2021 không giao chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế.

2. Nghị quyết Quốc hội

Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95 - 100% (được giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/04/2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020). Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 không giao chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế.

3. Nghị quyết của Chính phủ

- Tỷ lệ chất thải y tế từ các bệnh viện được xử lý đạt quy định năm 2021 là 91% (tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021).

- Tỷ lệ chất thải y tế từ các bệnh viện được xử lý đạt quy định năm 2022: 93% (tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022).

Phần thứ hai

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ THEO THÔNG BÁO SỐ 129/TB-VPCP NGÀY 27/4/2022 CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

I. Rà soát tổng thể các quy định về quản lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực tiễn tổ chức thực hiện

1. Rà soát các văn bản quy định về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế

1.1. Rà soát các văn bản trong nước

Các văn bản quy định liên quan đến quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, các quy chuẩn về chất thải y tế, các quy định về tài chính cho quản lý chất thải y tế và các tài liệu hướng dẫn, đào tạo về quản lý chất thải y tế được quy định tại 26 văn bản gồm: Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020; Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Các thông tư quy định về quản lý chất thải nguy hại, quản lý chất thải y tế, ban hành các QCVN về chất thải y tế; Các thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, quản lý chất lượng môi trường không khí; đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định/Kế hoạch/Chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong bệnh viện, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, ban hành Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp; Quyết định của Cục Quản lý môi trường y tế ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý chất thải y tế; Quyết định của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo về việc ban hành bộ chương trình và tài liệu “Quản lý chất thải y tế”.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

1.2. So sánh các quy định về quản lý chất thải y tế của Việt Nam với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và các nước trên thế giới

So với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và một số nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Philippine thì các quy định về phân loại chất thải y tế của Việt Nam đã đầy đủ và tương tự. Đối với quy định về màu sắc bao bì dụng cụ đối với chất thải lây nhiễm thì WHO và các nước đều quy định màu vàng hoặc cam. Còn đối với các loại chất thải khác một số nước có quy định riêng khác nhau. Các quy định về lưu giữ, vận chuyển đều cơ bản tương tự nhau.

II. Thực tiễn tổ chức thực hiện

2.1. Về phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế

a) Theo trách nhiệm được giao, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và tổ chức 06 hội nghị phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư tới tất cả các Sở Y tế, các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế. Thông tư 20/2021/TT-BYT ban hành đã khắc phục, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong việc áp dụng các quy định về phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế như: việc phân định, phân loại đối với các vỏ lọ vắc xin hoặc vắc xin quá hạn thải bỏ; phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý đối với chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong khuôn viên các cơ sở y tế, việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của các bệnh viện, cơ sở y tế theo quy định của pháp luật:

- Hằng năm, Bộ Y tế đều có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở Y tế, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải y tế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức tập huấn hướng dẫn về phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện trên toàn quốc.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý chất thải y tế, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế.

- Triển khai các hoạt động phổ biến, truyền thông: xây dựng bộ tài liệu truyền thông mẫu và phổ biến, cấp phát tới các cơ sở y tế để tổ chức truyền thông tại đơn vị; xây dựng các thông điệp, các bài viết, phóng sự về quản lý chất thải y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quản lý chất thải y tế.

- Thực hiện thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của các bệnh viện, cơ sở y tế theo quy định của pháp luật:

+ Trong 3 năm từ 2017-2019, Bộ Y tế đã tiến hành tổng điều tra toàn quốc về nguồn thải từ hoạt động y tế và đánh giá mức độ ô nhiễm từ các nguồn thải tại các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó ban hành các văn bản, xác định mục tiêu về xử lý chất thải cho các năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế.

+ Hằng năm, Bộ Y tế đều thống kê, báo cáo về tỷ lệ chất thải y tế phát sinh, được xử lý, các kết quả về công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra giám sát và các hoạt động bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định.

+ Ngoài ra, hằng năm Bộ Y tế đều tổng hợp số liệu báo cáo về tình hình phát sinh và xử lý chất thải y tế từ các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế qua phần mềm báo cáo trực tuyến; các kết quả kiểm tra giám sát về quản lý chất thải y tế tại một số đơn vị; kết quả khảo sát đánh giá thực trạng từ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường liên quan.

2.2. Về vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế

Trách nhiệm ban hành các quy định, hướng dẫn việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 4, Điều 62) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Khoản 6, Điều 62) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Kết quả thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định về vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế, yêu cầu về phương tiện thiết bị vận chuyển, việc chuyển giao chất thải và các quy định liên quan.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: trong giai đoạn 2015-2021, có 58/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

2.3. Về áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải y tế

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải y tế. Hiện có 03 QCVN về chất thải y tế gồm: QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; QCVN 55:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm. Theo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, sửa đổi 5 năm 1 lần để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

2.4. Về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

- Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế và Kế hoạch 1315/KH-BYT ngày 19/11/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa ngành y tế; tổ chức Hội nghị trực tuyến trên toàn quốc về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.

- Chỉ đạo thực hiện các hoạt động giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa tại các cơ sở y tế.

- Đánh giá thực trạng phát sinh chất thải nhựa ngành y tế; Triển khai thí điểm các mô hình giảm thiểu chất thải nhựa tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình tới các cơ sở y tế trên toàn quốc để học tập.

2.5. Về kiểm soát khí thải lò đốt chất thải rắn y tế

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế.

- Bộ Y tế có các văn bản gửi các địa phương đề nghị rà soát và kiên quyết cho dừng tất cả các lò đốt không đáp ứng QCVN.

- Bộ Y tế cũng đã giao cho các Viện chuyên ngành tiến hành quan trắc giám sát môi trường chuyên đề về lò đốt chất thải rắn y tế tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện thuộc địa phương năm 2020. Kết quả có 33/60 (55%) mẫu khí thải lò đốt đạt QCVN 02:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế.

2.6. Về thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường mới được giao cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành quản lý môi trường y tế, của Đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Quản lý môi trường y tế và của Cục Quản lý môi trường y tế tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do đó hoạt động thanh tra, xử phạt về lĩnh vực quản lý chất thải y tế đang được đưa vào kế hoạch công tác năm 2023 của Bộ Y tế.

3. Tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện

3.1. Về vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế

- Hiện nay nhiều đơn vị doanh nghiệp từ chối nhận chuyển giao chất thải y tế thông thường là các vỏ lọ bằng vật liệu thủy tinh để phục vụ mục đích tái chế (theo phản hồi từ đơn vị tái chế cho biết do thuế môi trường cao nên các doanh nghiệp không tái chế thủy tinh). Tại các cơ sở y tế, loại chất thải này phát sinh rất nhiều, đặc biệt là tại các bệnh viện, dẫn đến tăng thêm gánh nặng chi phí cho việc xử lý chất thải y tế vì phải thuê xử lý như đối với chất thải y tế nguy hại, vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên từ chất thải.

- Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có phương án xử lý chất thải rắn y tế tối ưu để xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, tập quán, văn hóa, xã hội của địa phương. Trên thế giới hiện đang áp dụng phổ biến công nghệ không đốt/công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải rắn y tế. Tại Việt Nam, phương pháp xử lý chất thải rắn y tế phổ biến hiện đang áp dụng tại các bệnh viện là công nghệ đốt, trong đó vẫn có lò đốt nhỏ. Ưu điểm của công nghệ này là xử lý triệt để tất cả chất thải lây nhiễm, chất thải giải phẫu... làm giảm đáng kể thể tích và khối lượng các loại chất thải. Tuy nhiên, lò đốt nhỏ nếu không đạt chuẩn, không có điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý khí thải hoặc xuống cấp sẽ có nguy cơ phát sinh khí thải độc hại (bao gồm cả dioxin/furan...). Công nghệ không đốt không làm phát sinh dioxin hoặc furan nhưng không phù hợp để xử lý chất thải giải phẫu, chất thải hóa học và dược phẩm và không làm giảm tối đa thể tích chất thải, giá thành đầu tư khá cao.

- Tại thời điểm Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, chưa có Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nào ban quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương (đến thời điểm hiện nay chỉ có một vài tỉnh, thành phố ban hành quy định này). Sự không đồng bộ trong ban hành chính sách này dẫn đến khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế quy mô nhỏ như các trạm y tế tuyến xã, cơ sở y tế dự phòng, phòng khám,...

- Nhiều tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ kinh phí hoặc huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, đặc biệt là cho các trạm y tế tuyến xã, cơ sở y tế dự phòng và một số cơ sở y tế tuyến huyện.

3.2. Về áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải y tế

Qua thực tiễn áp dụng các QCVN về chất thải y tế đã bộc lộ những bất cập, khó khăn cho các cơ sở y tế trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc xử lý nước thải tại các trạm y tế tuyến xã và các cơ sở y tế có quy mô nhỏ. Lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế này rất ít (trung bình dưới 5 m3/ ngày, đêm) và mức độ ô nhiễm không cao như nước thải bệnh viện nhưng vẫn phải áp dụng cùng một quy chuẩn là QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế. Đối với QCVN 55:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm quy định tần suất giám sát hiệu quả xử lý của thiết bị quá nhiều, không khả thi trong thực tế. Bộ Y tế đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi, ban hành các QCVN về chất thải y tế, cụ thể:

- Từ năm 2016, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi, bổ sung 07 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến chất thải y tế gồm: (1) sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; (2) sửa đổi QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; (3) sửa đổi QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại; (4) sửa đổi QCVN 55:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm; (5) ban hành mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị vi sóng xử lý chất thải y tế; (6) ban hành mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chôn lấp chất thải y tế nguy hại; (7) ban hành mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải lây nhiễm bằng phương pháp vi sinh, hóa chất (tại Công văn số 6627/BYT-MT ngày 05/9/2016 của Bộ Y tế).

- Năm 2017, Bộ Y tế đã chủ động khảo sát đánh giá và tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi kèm theo các dự thảo sửa đổi, xây dựng mới 03 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải y tế gồm: (1) Dự thảo QCVN về nước thải y tế (sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế); (2) Dự thảo QCVN về lò đốt chất thải rắn y tế (sửa đổi QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế); (3) Dự thảo QCVN về lò vi sóng xử lý chất thải lây nhiễm (tại Công văn số 4956/BYT-MT ngày 31/8/2017 của Bộ Y tế).

- Năm 2018, Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường) tiếp tục có Công văn số 521/MT-YT ngày 31/5/2018 gửi Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm xem xét và tiến hành các thủ tục trình ban hành theo thẩm quyền các QCVN về chất thải y tế, đồng thời có văn bản hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải đối với các cơ sở y tế là trạm y tế tuyến xã và các cơ sở y tế quy mô nhỏ.

- Năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 6872/BYT-MT ngày 29/11/2022 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm sửa đổi các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải y tế.

Theo thông tin từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường (tại Công văn số 2234/BTNMT-KSONMT ngày 04/4/2023) hiện nay các QCVN về chất thải y tế; đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, sửa đổi.

3.3. Về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

- Để giảm thiểu chất thải nhựa trong cơ sở y tế, ngoài ngành y tế thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, hàng hóa trong cơ sở y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng. Do vậy cần một chính sách tổng thể cấp quốc gia với sự tham gia của các bên liên quan mới có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này.

- Với đặc thù ngành y tế, một số trang thiết bị y tế bằng nhựa sử dụng trong hoạt động chuyên môn y tế hiện nay ngay cả trên thế giới cũng chưa có sản phẩm thay thế phù hợp và an toàn.

3.4. Về kiểm soát khí thải lò đốt chất thải rắn y tế

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế đã được ban hành cách đây 10 năm, bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, QCVN 02:2008/BTNMT về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế không quy định cụ thể về các thông số kỹ thuật cơ bản của lò đốt, quy trình vận hành, quy trình ứng phó sự cố và giám sát nên gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

- Quy định về tro thải trong QCVN 02:2012/BTNMT chưa phù hợp. Theo QCVN 02:2012/BTNMT “Tro xỉ, bụi, bùn thải và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò đốt CTRYT phải được phân định, phân loại theo ngưỡng chất thải nguy hại để có biện pháp quản lý phù hợp. Thực tế cho thấy hầu như chưa có cơ sở y tế nào phân tích tro thải lò đốt do chi phí rất tốn kém. Các cơ sở y tế hoặc thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, hoặc chôn lấp tại chỗ, hoặc cô lập trong các bể bê tông. Quy chuẩn này cần phải sửa đổi theo hướng dễ áp dụng hơn và dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn.

3.5. Về thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường

Tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường không quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn do không đảm bảo thanh tra đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

II. Tổ chức quán triệt đến các địa phương; chỉ đạo việc bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19

1. Kết quả thực hiện

- Bộ Y tế theo thẩm quyền đã có công văn chỉ đạo các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải y tế, chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19; Đã tổ chức các hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) phổ biến hướng dẫn thực hiện các quy định về phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; thảo luận, bàn về phương án quản lý chất thải đối với người mắc COVID-19 đang quản lý tại nhà.

- Đã xây dựng bộ khung chương trình và tài liệu đào tạo chi tiết về quản lý chất thải y tế và tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 6000 người thuộc 07 nhóm đối tượng liên quan đến quản lý chất thải y tế trên phạm vi toàn quốc.

- Đã xây dựng các bộ tài liệu truyền thông mẫu về quản lý chất thải y tế và phát hành rộng rãi để các đơn vị, địa phương sử dụng; thực hiện truyền thông về quản lý chất thải y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quản lý chất thải y tế trong toàn ngành y tế.

2. Tồn tại, vướng mắc

- Nhiều cơ sở y tế còn lúng túng, gặp khó khăn, chậm trễ trong quá trình làm các thủ tục xin giấy phép môi trường khi các giấy phép thành phần hết hạn.

- Nhiều Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành kịp thời quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương (theo quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường) khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 chính thức có hiệu lực thi hành, do đó nhiều cơ sở y tế quy mô nhỏ như trạm y tế tuyến xã còn gặp khó khăn trong vận chuyển, xử lý chất thải y tế do chưa đồng bộ với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

- Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc hệ thống đã quá tải xuống cấp, để đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường (bao gồm cả các cơ sở y tế dự phòng và các trạm y tế xã).

- Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, nhiều địa phương còn tình trạng chất thải lây nhiễm trong phòng, chống dịch COVID-19 chưa được vận chuyển và xử lý kịp thời.

III. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19

1. Kết quả thực hiện công tác kiểm tra về quản lý chất thải y tế trong cơ sở y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19

- Hằng năm, Bộ Y tế đều ban hành Kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành y tế, tài nguyên và môi trường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế tại các Bệnh viện/Viện trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế, một số cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế thực hiện việc giám sát quản lý chất thải lồng ghép trong các hoạt động kiểm tra giám sát triển khai công tác bảo vệ môi trường ngành y tế tại các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Y tế đều có các văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý chất thải y tế và kiểm tra.

- Trước tình hình dịch bệnh bùng phát nhanh trên diện rộng tại cộng đồng, Bộ Y tế đã có Công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đối với các trường hợp mắc COVID-19 đang quản lý tại nhà và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền. Trong năm 2021-2022, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế tại 14 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Kạn, Ninh Bình, Bình Dương, Nghệ An, Lạng Sơn, Phú Yên, An Giang) và phối hợp tham gia đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 tại 9 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau). Trong giai đoạn đang có dịch COVID-19 bùng phát mạnh, việc kiểm tra về quản lý chất thải trong phòng, chống dịch được lồng ghép trong các đoàn kiểm tra chung về công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

2. Một số tồn tại, vướng mắc

- Một số địa phương chưa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải y tế trên địa bàn, chưa kịp thời khắc phục những tồn tại.

- Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế không được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành quản lý môi trường y tế dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn do không đảm bảo thanh tra đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Phần thứ ba

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

I. Về hoàn thiện văn bản chính sách

Bộ Y tế kính đề nghị Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nội dung sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, trong đó đề nghị sửa đổi trách nhiệm của Bộ Y tế về “hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch bệnh” cho phù hợp với quy định chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế tại Luật Bảo vệ môi trường.

2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Sở Y tế để đảm bảo nguồn lực thanh tra trên phạm vi toàn quốc.

3. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở y tế; Hướng dẫn về quy trình kỹ thuật tái chế thủy tinh và đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tái chế thủy tinh; Ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật về xử lý chất thải cho các cơ sở y tế quy mô nhỏ do hiện nay các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế quy mô nhỏ (trạm y tế tuyến xã, cơ sở y tế dự phòng, phòng khám tư nhân) còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, nước thải y tế vừa đảm bảo xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu về môi trường, vừa đảm bảo chi phí hợp lý, tránh lãng phí và khó khăn trong quá trình vận hành.

4. Chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo quy định.

II. Về bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế

Bộ Y tế kính đề nghị Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:

1. Rà soát đánh giá toàn bộ lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý; kiên quyết cho dừng các lò đốt không đạt QCVN 02:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế; Khẩn trương ban hành quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế (theo quy định tại Khoản 6 Điều 62, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020) và tổ chức triển khai thực hiện, nhất là phương án thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định.

2. Rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn và bố trí kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc hệ thống đã quá tải xuống cấp, để đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đạt chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế được Chính phủ giao.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải y tế theo thẩm quyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bộ Y tế kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Lưu: VT, MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

PHỤ LỤC.

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH LIÊN QUAN VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ, CHẤT THẢI LÂY NHIỄM TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Kèm theo Báo cáo số 624/BC-BYT ngày 11 tháng 5 năm 2023 của Bộ Y tế)

(1) Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

(2) Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020;

(3) Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

(4) Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

(5) Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường;

(6) Thông tư số 20/TT-BYT ngày 26/11/2021 quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

(7) Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

(8) QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế;

(9) QCVN 02:2012/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế;

(10) QCVN 55:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải lây nhiễm;

(11) QCVN 07:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại;

(12) Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025;

(13) Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí;

(14) Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025;

(15) Quyết định số 491/QĐ-TTG ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

(16) Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

(17) Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 5 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

(18) Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050;

(19) Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác