Quyết định 822/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Đề án Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030
Quyết định 822/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Đề án Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030
Số hiệu: | 822/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc | Người ký: | Vũ Chí Giang |
Ngày ban hành: | 17/04/2023 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 822/QĐ-UBND |
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký: | Vũ Chí Giang |
Ngày ban hành: | 17/04/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 822/QĐ-UBND |
Vĩnh Phúc, ngày 17 tháng 4 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC ĐẾN ĐẦU TƯ TẠI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc…;
Căn cứ Quyết định số 667/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ;
Căn cứ Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 53/TTr-SKHĐT ngày 07/4/2023 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Đề án Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi của Đề án
1. Mục tiêu xây dựng Đề án:
Định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
2. Đối tượng của Đề án:
Đối tượng của Đề án là hoạt động thu hút các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà đầu tư chiến lược được hiểu là nhà đầu tư có dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên chiến lược của tỉnh đáp ứng tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng; hoặc
- Dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao có tổng mức vốn đầu tư từ 2000 tỷ đồng trở lên; xây dựng khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với tổng mức vốn đầu tư từ 25.000 tỷ; xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính với tổng mức vốn đầu tư từ 12.000 tỷ; hoặc
- Dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia.
- Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư.
3. Phạm vi của Đề án:
Thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030.
II. Nội dung của Đề án
III. Tổ chức thực hiện
(Chi tiết có Đề án kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
Phần thứ nhất: SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án
II. Căn cứ xây dựng Đề án
1. Căn cứ chính trị
2. Căn cứ pháp lý
3. Căn cứ thực tiễn
III. Mục tiêu và đối tượng, phạm vi của Đề án
1. Mục tiêu của Đề án
2. Đối tượng của Đề án
3. Phạm vi của Đề án
Phần thứ hai: THỰC TRẠNG THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC TẠI TỈNH VĨNH PHÚC
I. Tổng quan thực trạng thu hút đầu tư giai đoạn 2011-2021
1.1 Thực trạng thu hút vốn đầu tư trong nước:
1.2. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
II. Thực trạng thu hút và đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược giai đoạn 2011-2021
2.1. Thực trạng thu hút nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2021
2.1.1 Theo tiêu chí quy mô vốn
2.1.2 Theo tiêu chí tập đoàn đa quốc gia
2.2. Đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
2.2.1. Tổng quan
2.2.2 Đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
III. Thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh
3.1 Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh
3.2 Cải cách thủ tục hành chính
3.3 Hệ thống kết cấu hạ tầng
3.3.1. Giao thông đường bộ
3.3.2. Giao thông đường sắt
3.3.3 Giao thông đường thủy nội địa
3.3.4 Hệ thống cấp nước
3.3.5 Hệ thống cấp điện
3.3.6 Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông
3.3.7 Hệ thống các khu công nghiệp
3.4. Nguồn nhân lực, lao động
IV. Đánh giá chung
4.1. Những kết quả đạt được trong thu hút nhà đầu tư chiến lược
4.2. Hạn chế, khó khăn:
4.3. Nguyên nhân
4.3.1 Nguyên nhân khách quan
4.3.2 Nguyên nhân chủ quan
Phần thứ ba: QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ TẠI TỈNH VĨNH PHÚC TRONG THỜI GIAN TỚI
I. Bối cảnh phát triển
1.1. Bối cảnh thế giới và trong nước
1.1.1 Những thuận lợi, cơ hội
1.1.2 Những thách thức, khó khăn
1.2. Bối cảnh của tỉnh
1.2.1 Những thuận lợi, lợi thế so sánh của tỉnh
1.2.2 Những khó khăn và thách thức chủ yếu
II. Quan điểm và mục tiêu
2.1 Quan điểm
2.2 Mục tiêu
2.2.1. Mục tiêu tổng quát
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
2.3. Định hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược thời kỳ 2022-2030
2.3.1 Định hướng tổng quát
2.3.2 Định hướng cụ thể đối với từng chuỗi ngành cung ứng ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc
III. Giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh
3.1. Nhóm giải pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư chiến lược
3.1.1. Các giải pháp về ưu đãi đầu tư
3.1.2 Các giải pháp thu hút đầu tư có tính cạnh tranh khác
3.2. Nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
3.2.1. Tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, minh bạch và phòng ngừa rủi ro tham nhũng
3.2.2. Đổi mới phương pháp thu hút đầu tư có chọn lọc
3.2.3. Xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc
3.2.4. Kiện toàn bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư
3.3. Nhóm giải pháp về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
3.3.1. Về quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư
3.3.2. Về hỗ trợ các nhà đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc
V. Kinh phí thực hiện Đề án
Phần thứ tư: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Nhiệm vụ chung
II. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Nhiệm vụ triển khai trong năm 2023-2024 để thực hiện “đi tắt, đón đầu” các nhà đầu tư chiến lược
2.2. Các nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh
2.2.1 Sở Kế hoạch và Đầu tư:
2.2.2. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
2.2.3. Sở Tài nguyên và Môi trường
2.2.4. Sở Công Thương
2.2.5. Sở Xây dựng
2.2.6. Sở Khoa học và Công nghệ
2.2.7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
2.2.8. Sở Thông tin và Truyền thông
2.2.9. Công an tỉnh
2.2.10. Sở Tài chính
2.2.11. Sở Nội vụ
2.2.12. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
2.2.13. Sở Tư pháp
2.2.14. Các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
2.2.15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
2.2.16. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc
III. Kiến nghị, đề xuất
DANH MỤC HÌNH
Hình 1: Số lượng dự án đầu tư trong nước cấp mới giai đoạn 2011-2021
Hình 2: Số lượng dự án đầu tư trong nước tăng vốn giai đoạn 2011-2021
Hình 3: Số lượng dự án đầu tư nước ngoài cấp mới giai đoạn 2011-2021
Hình 4: Số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng vốn giai đoạn 2011-2021
Hình 5: Cơ cấu doanh nghiệp FDI Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp
Hình 6: Mật độ dự án FDI tại các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo quy mô vốn đầu tư đăng ký
Hình 7: Tỷ trọng đóng góp của các loại hình kinh tế
Hình 8: Đóng góp của cơ cấu vốn đầu tư phát triển
Hình 9: Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế
Hình 10: Đóng góp của ngành chế biến chế tạo trong cơ cấu công nghiệp
Hình 11: Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI đối với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Hình 12: Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế
Hình 13: Thay đổi năng suất lao động của Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2021
Hình 14: Cạnh tranh của ngành linh kiện điện tử Vĩnh Phúc
Hình 15: Năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất xe máy Vĩnh Phúc
Hình 16: Năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô Vĩnh Phúc
Hình 17: Tỷ trọng cơ cấu lao động của các nhà đầu tư chiến lược
Hình 18: Đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp đầu tư chiến lược
Hình 19: Đóng góp ngân sách nhà nước của công ty Toyota và Honda
Hình 20: Tỷ trọng đóng góp của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu
Hình 21: Chỉ số Tính minh bạch
Hình 22: Chỉ số Đào tạo lao động
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Sau hơn 35 năm đất nước thực hiện công cuộc Đổi Mới và 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,4% giai đoạn 1997 - 2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) năm 2022 tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước; năng suất lao động tăng 20,5 lần so với năm 1997, đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, GRDP bình quân/người năm 2022 đạt khoảng 127,9 triệu đồng/người/năm, dự kiến tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước; quy mô kinh tế tăng 69,6 lần so với năm 1997, đạt 136,2 nghìn tỷ đồng năm 2021, năm 2022 theo giá hiện hành đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11,49% so với năm 2021, Quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc đứng thứ 6 Vùng Đồng Bằng Sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước; Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế, chiếm tỷ trọng 63,7% GRDP so với 18,4% năm 1997; tỷ trọng khu vực công nghiệp ‑ xây dựng chiếm khoảng 64,43%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 28,72% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,85% năm 2022. Thu ngân sách nhà nước của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó, từ năm 2004 đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; Năm 2022 là một trong 05 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước (đạt 40,5 nghìn tỷ đồng), đặc biệt thu nội địa luôn đứng ở tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của miền Bắc; là tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương (47%) trong số các tỉnh miền Bắc, tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.
Một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nói trên là việc tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là công cụ hiệu quả hàng đầu giúp huy động vốn, kỹ thuật công nghệ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế. Từ đó Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những bước đi đúng đắn trong từng thời kỳ để thu hút đầu tư có hiệu quả. Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác thu hút đầu tư với những điểm sáng ấn tượng tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương một cách vượt bậc. Nếu năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 01 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), thì tính (lũy kế) đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cũng như chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 cũng được điều chỉnh theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác đầu tư chiến lược. Như lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng chia sẻ với Việt Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài “khi con đại bàng cất tiếng gáy, nó sẽ át cả rừng chim sẻ”, khả năng thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược của Vĩnh Phúc với các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các nhà cung ứng then chốt của các chuỗi cung ứng toàn cầu trong triển khai các dự án lớn tại tỉnh thời gian tới sẽ là nhân tố quyết định giúp định vị vị trí của tỉnh với tư cách trung tâm công nghiệp chế tạo công nghệ cao không những của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới.[1]
Do vậy, việc xây dựng Đề án “Thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết góp phần mang lại sự đột phá trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
II. Căn cứ xây dựng Đề án
1. Căn cứ chính trị
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân;
- Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 01 năm 2016 của Ban chấp hành trung ương đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;
- Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam
- Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII;
2. Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Công nghệ cao 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Khoa học công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc…;
- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022;
- Quyết định số 667/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030;
- Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ;
- Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Căn cứ thực tiễn
Sự kiện đứt gãy đột ngột chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang Nga - Ukraine tại Châu Âu, và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng Trung Quốc +1 trong ngắn và trung hạn cũng như hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của Trung Quốc tới các chuỗi cung ứng các sản phẩm chiến lược trong dài hạn. Kết quả của tiến trình này là những thay đổi chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi, các nhà thầu phụ thuê ngoài cũng như sự điều chỉnh dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu, Mỹ, Đông Á ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh các biện pháp trừng phạt thương mại, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất, tận dụng các ưu đãi thuế theo các FTAs tại các thị trường mới nổi.
Các kết quả phân tích định lượng và khảo sát cho thấy, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhất từ xu hướng tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao.[2] Vì vậy, Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng cần tranh thủ khơi dậy tiềm năng, nhanh chóng có kế hoạch hành động và hệ thống giải pháp thực tế, hiệu quả thu hút thành công dòng vốn FDI chất lượng cao trong bối cảnh mới hiện nay trước khi “cửa sổ cơ hội” này khép lại.
Thực tế cho thấy việc thu hút các dự án lớn, đặc biệt là các dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và của các nhà cung ứng then chốt của các chuỗi cung ứng toàn cầu có tác động quyết định tới cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng dài hạn của địa phương, trực tiếp có tác động lôi kéo dòng vốn đầu tư của nhiều nhà đầu tư khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu vào địa phương, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp chế tạo công nghệ cao mới theo ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư chiến lược nắm giữ. Không chỉ như vậy, do nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu có xu hướng chia sẻ các nhà cung cấp chung, ví dụ chuỗi cung ứng của Samsung và Apple, Dell và HP, Lenovo v.v…, việc thu hút được nhà đầu tư chiến lược và hình thành được một chuỗi cung ứng tại tỉnh sẽ tạo ra lực hút mạnh để thu hút được nhà đầu tư chiến lược khác sử dụng các nhà cung cấp tương tự. Ví dụ, khi thu hút được nhà đầu tư chiến lược trong chuỗi cung ứng bán dẫn, có thể thúc đẩy sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, ô tô điện và pin điện công suất cao v.v...Khi thu hút được đầu tư của Samsung và hệ sinh thái của Samsung, khả năng thu hút được đầu tư của chuỗi Apple rất cao vì cả hai đều sử dụng chung nhiều nhà cung ứng chủ chốt. Vì thế, đặc biệt lưu ý là, khi xem xét tác động lợi ích của việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, cần xem xét các tác động tổng thể của cả hệ sinh thái do nhà đầu tư chiến lược trực tiếp và/hoặc gián tiếp thiết lập nên, thay vì tác động đơn thuần của chỉ một dự án riêng lẻ của nhà đầu tư chiến lược, (ví dụ đóng góp ngân sách là đóng góp của toàn bộ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tương tự với việc làm, xuất khẩu, vốn đầu tư v.v…).
Đến nay, tại Vĩnh Phúc đã có các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: các dự án của Honda, Toyota, Piaggio,…Đây là các nhà đầu tư góp phần lớn trong việc tạo nên bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc hiện nay. Tuy nhiên, trong 10 năm vừa qua, số lượng các nhà đầu tư chiến lược hiện diện tại Vĩnh Phúc không nhiều so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. Thêm vào đó, các ngành mũi nhọn hiện tại cũng có xu hướng giảm sút và mất dần lợi thế cạnh tranh. Năm 2021 và nửa đầu năm 2022 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp đổ về Vĩnh Phúc vẫn có sự tăng mạnh về số vốn đăng ký mới ở cả khu vực đầu tư trong nước (DDI) và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin lớn đối với môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc. Kết quả xếp hạng 5 theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 là minh chứng cho niềm tin này.
Với những nền tảng vững chắc đã xây dựng được trong gần 3 thập kỷ kể từ khi tách tỉnh, với các diễn biến thuận lợi trong nước, quốc tế, tỉnh Vĩnh Phúc đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút làn sóng nhà đầu tư chiến lược mới bên cạnh việc hỗ trợ thúc đẩy mở rộng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các nhà đầu tư chiến lược hiện hành. Ngoài các lợi thế tĩnh, lợi thế động quan trọng, có tính quyết định nhất là sự năng động, chủ động, cầu thị, sát sao của toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc kết nối, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, chân thành, hiệu quả với nhà đầu tư hiện tại và tương lai nhằm tạo ra đột phá phát triển cho Vĩnh Phúc đến năm 2030.
III. Mục tiêu và đối tượng, phạm vi của Đề án
1. Mục tiêu xây dựng Đề án
Định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
2. Đối tượng của Đề án
Đối tượng của Đề án là hoạt động thu hút các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà đầu tư chiến lược được hiểu là nhà đầu tư có dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên chiến lược của tỉnh đáp ứng tiêu chí sau:
- Dự án có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng; hoặc
- Dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao có tổng mức vốn đầu tư từ 2000 tỷ đồng trở lên; xây dựng khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với tổng mức vốn đầu tư từ 25.000 tỷ; xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính với tổng mức vốn đầu tư từ 12.000 tỷ; hoặc
- Dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia.
3. Phạm vi của Đề án:
Thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2023 - 2030.
Phần thứ hai
THỰC TRẠNG THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC TẠI TỈNH VĨNH PHÚC
I. Tổng quan thực trạng thu hút đầu tư giai đoạn 2011-2021
1.1 Thực trạng thu hút vốn đầu tư trong nước:
Giai đoạn 2011-2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 428 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 81.134,75 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 87.128.58 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn đầu tư cấp mới: Trong các khu công nghiệp cấp mới cho 68 dự án với tổng vốn đầu tư là 15.336,05 tỷ đồng; Ngoài các khu công nghiệp cấp mới cho 360 dự án với tổng vốn đầu tư là 64.790,96 tỷ đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh cấp mới được 17 dự án với tổng vốn đầu tư là 10.607 tỷ đồng.
Hình 1: Số lượng dự án đầu tư trong nước cấp mới giai đoạn 2011-2021
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý KCN
+ Tăng vốn đầu tư: Trong khu công nghiệp: tăng vốn cho 29 lượt với tổng vốn đầu tư tăng là 3.369,03 tỷ đồng; Ngoài khu công nghiệp tăng vốn cho 100 lượt với tổng vốn đầu tư tăng là 22.337,62 tỷ đồng. Trong năm 2022, tăng vốn cho 11 lượt với tổng vốn đầu tư tăng 1.763 tỷ đồng.
Hình 2: Số lượng dự án đầu tư trong nước tăng vốn giai đoạn 2011-2021
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý KCN
Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ. Một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn như dự án khu nhà ở, đô thị, đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp được thu hút trong giai đoạn này.[3] Tính đến thời điểm hiện tại, có 04 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, 217 dự án trong lĩnh vực dịch vụ và 89 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Chia theo quy mô dự án:
+ Dự án từ 5.000 tỷ đồng trở lên: 0 dự án (chiếm 0 %);
+ Dự án từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng: 19 dự án (chiếm 2,2%);
+ Dự án dưới 1.000 tỷ đồng: 810 dự án (chiếm 97,8%).
Chia theo địa bàn: Nhìn chung, các dự án được phân bố trên khắp các huyện và thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên hoạt động nhiều nhất tập trung chủ yếu ở các huyện và thành phố thuộc vùng phía Đông của tỉnh như huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch và huyện Tam Đảo, huyện Tam Dương.
1.2. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Giai đoạn 2011-2021, trên địa bàn tỉnh thu hút được 390 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3.578,6 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 305 lượt dự án với số vốn đầu tư tăng thêm là 2.060,77 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thu hút mới và tăng vốn đạt 5.639.37 triệu USD, trong đó:
+ Vốn đầu tư cấp mới: Trong các khu công nghiệp cấp mới cho 294 dự án với tổng vốn đầu tư là 2.789,9 triệu USD; Ngoài các khu công nghiệp cấp mới cho 96 dự án với tổng vốn đầu tư là 776,72 triệu USD. Năm 2022, toàn tỉnh cấp mới được 31 dự án với tổng vốn đầu tư là 268,3 triệu USD.
Hình 3: Số lượng dự án đầu tư nước ngoài cấp mới giai đoạn 2011-2021
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý KCN
+ Tăng vốn đầu tư: Trong các khu công nghiệp: điều chỉnh tăng vốn cho 263 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng là 1.839,4 triệu USD; Ngoài các khu công nghiệp: điều chỉnh tăng vốn cho 66 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng là 331,82 triệu USD. Năm 2022, tăng vốn cho 39 lượt với tổng vốn đầu tư tăng 193,81 triệu USD trên địa bàn toàn tỉnh.
Hình 4: Số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng vốn giai đoạn 2011-2021
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý KCN
Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD.
+ Vốn đầu tư theo lãnh thổ: Trong giai đoạn 2011-2021 và đến hết năm 2022, nhà đầu tư từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Ý, Samoa, Hà Lan, Pháp, Ấn Độ, Công hòa Seychelles, Nga, Đức, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, British Virgin Islands. Đứng đầu là Hàn Quốc với 222 dự án có tổng vốn đầu tư là 2.581,5 tỷ USD; xếp thứ 2 là Nhật Bản với 58 dự án có tổng vốn đầu tư là 1.618 tỷ USD; xếp thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc) với 41 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 1.034 triệu USD.
+ Vốn đầu tư theo lĩnh vực:
Trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực này có 283 dự án đầu tư. Các ngành nghề thu hút như: sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác, sản xuất hàng dệt may, giày da, gạch ốp lát... đã tạo giá trị gia tăng cao đóng góp tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của tỉnh đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn động trực tiếp trên địa bàn.
Hình 5: Cơ cấu doanh nghiệp FDI Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp
Nguồn: Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (2022)
Trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu là các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; kinh doanh siêu thị, nhà hàng; phân phối hàng hóa; dịch vụ xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng thấp nhất so với hai lĩnh vực trên và chưa được như mong muốn.
Chia theo quy mô dự án[4]:
- Đối với các dự án FDI: tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có:
+ Dự án từ 500 triệu USD đến dưới 01 tỷ USD: 02 dự án (chiếm 0,4%);
+ Dự án từ 100 triệu USD đến dưới 500 triệu USD: 15 dự án (chiếm 3,4%);
+ Dự án từ 50 triệu USD đến dưới 100 triệu USD: 19 dự án (chiếm 4,3%);
+ Dự án dưới 50 triệu USD: 403 dự án (chiếm 91,8%).
Các dự án chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất lắp ráp phụ tùng ô tô xe máy, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất giấy, bao bì. Trong lĩnh vực dịch vụ, chủ yếu về dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, dịch vụ logistic…
Hình 6: Mật độ dự án FDI tại các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo quy mô vốn đầu tư đăng ký
Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu từ dữ liệu của Sở KH&ĐT
II. Thực trạng thu hút và đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược giai đoạn 2011-2021
2.1. Thực trạng thu hút nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2021
2.1.1 Theo tiêu chí quy mô vốn
Đối với dự án đầu tư nước ngoài, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự án FDI quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án FDI có quy mô vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD (06 dự án ngoài khu công nghiệp, 09 dự án trong khu công nghiệp) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 3,3 tỷ USD); 06 dự án có diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên, chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; 03 dự án có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD và sử dụng diện tích đất trên 50ha với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 902 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng là 240.578 ha.
Đối với dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký từ 500 triệu USD trở lên, tỉnh có 02 là (1) Dự án công ty TNHH Compal Việt Nam sản xuất Máy tính xách tay, màn hình tinh thể lỏng, tivi tinh thể lỏng và thiết bị ngoại vi liên quan…với số vốn đăng ký là 500 triệu USD, tổng vốn giải ngân là 94,2 triệu USD diện tích đất sử dụng là 21,72ha, tổng số lao động là 4.434 người. (2) Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm. Sản xuất giấy Kraft. Sản xuất giấy lót và giấy bao bì khác, với số vốn đăng ký là 611,4 triệu USD, tuy nhiên, đây là dự án mới được cấp GCNĐKĐT, đang trong thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Đối với dự án đầu tư trong nước, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký từ 1.000 tỷ đồng trở lên, trong đó có 11 dự án có quy mô vốn đăng ký trên 2.000 tỷ và dưới 5.000 tỷ đồng các dự án này chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị.
2.1.2 Theo tiêu chí tập đoàn đa quốc gia
- Công ty Honda Việt Nam: bắt đầu xin cấp và nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Vĩnh Phúc vào năm 1996 với số vốn đầu tư 412.917.941 USD trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, hiện nay, Honda Việt Nam có nhà máy sản xuất ô tô, xe máy tại Vĩnh Phúc với công suất 1,5 triệu xe máy/năm và 35 nghìn ô tô/năm cùng với 12 nghìn nhân viên đang trực tiếp làm việc tại Công ty. Hiệu quả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp lãi khoảng 5-10%.
- Công ty Toyota Việt Nam: bắt đầu xin cấp và nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Vĩnh Phúc vào năm 1996 với số vốn đầu tư 163.281.090 USD trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Toyota có nhà máy sản xuất ô tô tại Vĩnh Phúc với công suất 50 nghìn ô tô/năm và công ty đang mở rộng sản xuất tăng công suất lên 90 nghìn xe/năm. Hiện nay, sản lượng sản xuất đạt 624.100 xe, 78 đại lý Toyota đặt tại 40 tỉnh, thành cả nước. Toyota Việt Nam còn nỗ lực đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ: Năm 2021, Toyota và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã ký Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với nhiều hoạt động thực tiễn. Đây là minh chứng cho nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong nước, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng như ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
- Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (Tập đoàn Eurocham Innovation co., Ltd (VPIC 1): 01 dự án KCN Khai Quang- Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc. Được thành lập năm 2001 trên diện tích hơn 16ha, VPIC 1 là công ty con của Tập đoàn Eurocham Đài Loan chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, xe giải trí và thiết bị y tế. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, từ số vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu USD, đến nay lên tới 100 triệu USD, doanh thu của công ty đạt hơn 150 triệu USD, nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 3.500 lao động. VPIC 1 đã khẳng định thương hiệu, trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu thực hiện hiệu quả chính sách tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh, là đối tác tin cậy của nhiều công ty nổi tiếng như: Toyota, Honda, Ford, Piaggio, Yamaha, France bed….
- Tập đoàn Sumitomo - nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long: 01 dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được thành lập năm 2015, khởi công xây dựng tháng 9/2017, do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 2.050 tỷ đồng. Dự án có quy mô 213 ha, thuộc địa phận các xã Tam Hợp và Thiện Kế, huyện Bình Xuyên. Mục tiêu của dự án là thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên dự án công nghệ cao. KCN đã thu hút 32 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 82%. Theo cam kết của Tập đoàn Sumitomo, dự kiến đến hết năm 2024, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cơ bản sẽ hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, thu hút khoảng 80 nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác,…Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 40.000 - 50.000 lao động.
- Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Tập đoàn Piaggio): 02 dự án, được cấp Giấy phép đầu tư vào tháng 10/2007 với tổng số vốn đăng ký là 96 triệu USD đầu trong lĩnh vực ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy. Diện tích đất sử dụng là 13,5 ha tại khu công nghiệp Bình Xuyên. Sau 13 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, PVN đã có những bước phát triển không ngừng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động trên địa bàn.
- Công ty TNHH Haesung Vina: 01 dự án. Sau gần 10 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, Công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại KCN Khai Quang. Ngành nghề sản xuất camera và các loại linh kiện cho camera điện thoại thông minh, dụng cụ quang học chính xác, Action Camera cung cấp cho Tập đoàn Samsung. Tổng vốn đầu tư lên hơn 165 triệu USD, với 4 nhà máy sản xuất có diện tích sàn trên 33.000 m2, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, trong đó trên 90% lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Haesung Vina còn đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội địa phương.
- Công ty TNHH Jahwa Vina (Tập đoàn điện tử Jahwa Korea): doanh thu tính hết tháng 10/2020 vẫn đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4.800 lao động, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Jahwa Vina đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo tạo động lực giúp những gia đình, người yếu thế trong xã hội ổn định cuộc sống.
- Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc (Tập đoàn PRIME) là doanh nghiệp được thành lập đầu tiên của Tập đoàn Prime Group và đi vào hoạt động năm 1999, được đặt tại Khu công nghiệp huyện Bình Xuyên. Trải qua 22 năm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến nay, công ty đã được ghi nhận là một trong những nhà sản xuất đi đầu trong lĩnh vực gạch ceramic, ngói và bình nước nóng tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất, tung ra thị trường trên 100 mẫu sản phẩm, với doanh thu bình quân 1.500 tỷ đồng, nộp NSNN 70 tỷ đồng/năm. Duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 800 lao động, trong đó trên 80% là người lao động trên địa bàn huyện Bình Xuyên, với mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Là đơn vị dẫn đầu trong mọi hoạt động của Tập đoàn Prime Group.
- Công ty TNHH sản xuất phanh Nissin Việt Nam: là công ty với 75% vốn Nhật Bản; 15% vốn Thái Lan, thuộc tập đoàn Nissin Kogyo Nhật Bản, nằm trên địa bàn xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Công ty được thành lập ngày 19/10/1996 với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 2 triệu USD. Tổng diện tích của công ty là 144.296 m2, trong đó diện tích nhà xưởng là 122.176 m2. Trong suốt hơn 20 năm qua, Nissin đã không ngừng mở rộng sản xuất và hiện tại có 3 nhà máy với gần 2.300 công nhân với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/ người/ tháng. Công ty là nhà cung cấp các linh kiện phanh xe máy và ôtô cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu, trong đó thị phần hàng nội địa chiếm tới 70%, 30% số lượng hàng còn lại xuất sang tập đoàn Nissin Kogyo Nhật Bản. Khách hàng nội địa chủ yếu của Nissin chủ yếu là các công ty của Nhật Bản như Honda, Yamaha, Suzuki, Vietnam Arai, trong đó hàng xuất cho Honda chiếm 50% tổng số hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ 140-160 triệu USD; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD. Doanh nghiệp được đánh giá là một trong những doanh nghiệp FDI nộp thuế cao trên địa bàn tỉnh.
Lý do để gần 30 năm các công ty đầu tư, gắn bó với tỉnh Vĩnh Phúc là do sự ổn định kinh tế của địa phương, điều kiện tự nhiên thuận lợi; quy hoạch phát triển và cơ chế hỗ trợ ưu đãi đầu tư… Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công cũng là các yếu tố giữ chân doanh nghiệp. Sự thấu hiểu, chia sẻ của cơ quan chức năng địa phương, lãnh đạo tỉnh đã và đang là điểm hấp dẫn, khiến doanh nghiệp cảm thấy khá hài lòng về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc. Theo kết quả khảo sát, trong thời gian tới, các doanh nghiệp này đều có kế hoạch mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh.
2.2. Đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
2.2.1. Tổng quan
Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư chiến lược nói riêng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách và nâng cao đời sống người dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Hình 7: Tỷ trọng đóng góp của các loại hình kinh tế
Nguồn: Niên giám Thống kê Vĩnh Phúc
Đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi nhanh chóng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Vĩnh Phúc. Năm 2011, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI chỉ là 30% thì đến năm 2020 đã tăng lên gần 38% nhờ sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.
2.2.1.1 Đóng góp vào vốn đầu tư phát triển
Đầu tư trực tiếp đóng góp ngày càng lớn vào nguồn vốn đầu tư xã hội và là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng thu ngân sách của tỉnh. Giai đoạn 2011-2021, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 4,3 tỷ USD; các dự án đầu tư trong nước khoảng 140.399 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 20.809 tỷ đồng tăng 10,74% so với cùng kỳ. Tăng trưởng ở cả 3 khu vực, trong đó, khu vực vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 8.096 tỷ đồng, tăng 16,26%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.495 tỷ đồng, tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh có chuyển dịch mạnh mẽ. Nếu như năm 2011 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm 12% thì đến năm 2021, tỷ trọng của khu vực này đã chiếm 46,1% tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hình 8: Đóng góp của cơ cấu vốn đầu tư phát triển
Nguồn: Niên giám Thống kê Vĩnh Phúc
Đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh là nhân tố quan trọng nhất trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay. Năm 1997, thu ngân sách của Vĩnh Phúc mới chỉ đạt 114 tỷ đồng và phụ thuộc và ngân sách Trung ương, đến năm 2002 đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng; đặc biệt, từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được thu chi ngân sách và bắt đầu có đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009, thu ngân sách tỉnh vượt mốc 10 nghìn tỷ và đến năm 2015 đạt trên 25.000 tỷ đồng; năm 2016 thu ngân sách vượt mốc 30.000 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay đạt 32.578 tỷ đồng (tăng gần 285 lần so với năm 1997), là một trong 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trong đó thu nội địa chỉ đứng sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa chiếm tỷ trọng cao (khoảng trên 80% tổng thu). Các lĩnh vực thu chủ yếu của nền kinh tế địa phương chiếm tỷ trọng cao và luôn có xu hướng tăng là: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh. Có được thành tựu như vậy phải kể đến vai trò chủ đạo của đầu tư nước ngoài. Cụ thể: Tỷ lệ đóng góp cho thu nội địa giai đoạn 1997-2000 là 47,6% và giai đoạn 2001-2005 là 69%, từ năm 2006 đến 2010 là 83,71% và từ 2011 đến nay là 84,65%.
Đóng góp của các dự án đầu tư trực tiếp cho ngân sách nhà nước chiếm khoảng trên 70%, trong đó FDI đóng góp trên 65% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành, đầu tư ngoài nhà nước chiếm bình quân khoảng 31%, đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm bình quân khoảng 33%.
2.2.1.2 Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hiện đại
Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước đã có tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Năm 1997, khi mới tái lập Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (nông, lâm nghiệp, thủy sản 45,13%, công nghiệp và xây dựng 18,4 % (trong đó công nghiệp là 14,9%), dịch vụ 36,48%), đến 2021 cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch một cách hợp lý trong đó tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn 7,64%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng lên 62,51% (trong đó công nghiệp 43,05), ngành dịch vụ 28,85%.
Hình 9: Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế
Nguồn: Niên giám Thống kê Vĩnh Phúc
Có thể đánh giá trong thời kỳ 10 năm từ 2011-2020, ngành công nghiệp đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tốc độ đạt 9,92%/năm, đóng góp 3,57 điểm % vào tăng trưởng nền kinh tế, cao hơn nhiều so với ngành dịch vụ (đóng góp 2,27 điểm %), ngành Nông nghiệp và ngành xây dựng (đóng góp 0,18 và 0,53 điểm %), góp phần đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh đứng thứ 14 cả nước và thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp đóng góp từ các dự án đầu tư trực tiếp khoảng trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó lĩnh vực FDI đóng góp khoảng 56-70%.
Trong cơ cấu ngành công nghiệp thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ trọng ngày càng quan trọng và chiếm gần 41% so với 34,5% năm 2011 với nhiều mặt hàng công nghiệp chủ chốt như công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, may mặc. Trong đó hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Vĩnh Phúc đều do các doanh nghiệp đầu từ nước ngoài sản xuất. Yếu tố đó thể hiện vai trò và tầm quan trọng của khu vực đầu tư nước ngoài trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo của Vĩnh Phúc.
Hình 10: Đóng góp của ngành chế biến chế tạo trong cơ cấu công nghiệp
Hình 11: Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI đối với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Nguồn: Niên giám Thống kê Vĩnh Phúc
2.2.1.3 Góp phần tích cực trong tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương
Giai đoạn 2011-2021, ước tính các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho khoảng hơn 2,9 triệu lao động. Riêng doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo việc làm cho 1,1 triệu lao động, chiếm 38% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giải quyết hơn 1,7 triệu lao động, chiếm 58,6%. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và lao động gián tiếp khác tại địa phương.
Hình 12: Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế
Nguồn: Niên giám Thống kê Vĩnh Phúc
Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài, nhiều lao động tại địa phương đã trở thành cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, có tay nghề, từng bước tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; qua đó giúp cải thiện năng suất lao động của tỉnh giai đoạn 2011 - 2021. Trong 10 năm qua, mức tăng năng suất của Vĩnh Phúc mặc dù cao hơn mức trung bình của nền kinh tế nhưng vẫn thấp hơn một số địa phương lân cận hay các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây cũng là điểm cần quan tâm trong bối cảnh Vĩnh Phúc mong muốn thu hút được các nhà đầu tư trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Hình 13: Thay đổi năng suất lao động của Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2021
Nguồn: Tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê
Do năng suất được cải thiện nên tiền lương của người lao động cũng được gia tăng. Tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 6.524.605 đồng/người/tháng, tiền lương bình quân thấp nhất là 4.623.498 đồng/người/tháng, tiền lương bình quân cao nhất 14.409.984 đồng/người/tháng. So với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, tiền lương bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp Vĩnh Phúc đứng thứ 5/11 tỉnh của Đồng bằng Sông Hồng. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại doanh nghiệp đứng thứ 4/11 tỉnh của Đồng bằng sông Hồng và thứ 6/25 tỉnh phía Bắc.
2.2.1.4 Góp phần nâng cao trình độ công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của địa phương
Hoạt động đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài góp phần quan trọng thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng quản lý, công nghệ marketing hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế tại địa phương như sản xuất gạch ốp lát, cơ khí chính xác, điện tử, ô tô, xe máy, may, giày. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tăng cường cải tiến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao hơn chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực dịch vụ; đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng vào thị trường quốc tế. Thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển thương hiệu của tỉnh, thiết lập quan hệ hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực đối với các địa phương, thành phố khác: việc đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy xây dựng thương hiệu điểm đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Thông qua các doanh nghiệp đã tạo lập được quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều địa phương (Cheongbuk, Gyeonggi (Hàn Quốc), tỉnh Saitama, Shizuoka, Tochigi (Nhật Bản), bang Oregon (Hoa Kỳ); bang Hessen (CHLB Đức); thành phố Siena của Vùng Toscano (Italia); tỉnh Valenciennes (CH Pháp), thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc) …, tập đoàn kinh tế như Sojitz, Vinamilk, Sumitomo…và kéo theo sự thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế. Tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với 08 các cơ quan tổ chức như Amcham, Jetro, KCCI, AHK … nhằm hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.
2.2.2 Đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
2.2.2.1 Thực trạng đóng góp vào năng lực cạnh tranh của tỉnh[5]
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. So với địa phương khác, Vĩnh Phúc đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất linh kiện và có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, một số các địa phương lân cận đã nổi lên về khả năng cạnh tranh lớn với Vĩnh Phúc như Bắc Giang, Thái Nguyên hay Phú Thọ. Thậm chí, năng lực cạnh tranh của Vĩnh Phúc (ở các ngành trọng điểm) có xu hướng giảm dần so với nhiều địa phương khác thể hiện ở vị trí thương số vị trí suy giảm trong giai đoạn 2015 - 2020.
Các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực sản xuất xe máy tại Vĩnh Phúc như Honda và Piaggio chiếm tỷ trọng trên 80% thị trường xe máy của Việt Nam. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm những quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, sức mua xe máy tại Việt Nam đang từng bước sụt giảm. Trong khi đó, một số nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang xe điện. Sau VinFast, hàng loạt thương hiệu xe điện của các hãng đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam và ngay cả một số doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương cũng đang xây dựng những tiền đề để chuyển đổi sang xe máy điện. Điều này, phần nào khiến cho thị phần xe máy truyền thống sử dụng động cơ đốt trong tại Việt Nam đang giảm dần, trong khi doanh số bán xe điện lại liên tục gia tăng. Đây là những yếu tố này khiến năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất xe máy giảm mạnh trong giai đoạn 2015 - 2020 và có thể tiếp tục suy giảm nếu các doanh nghiệp sản xuất không có những chiến lược phát triển mới.
Hình 14: Cạnh tranh của ngành linh kiện điện tử Vĩnh Phúc
Nguồn: Tính toán từ số liệu Điều tra doanh nghiệp 2015 - 2020
Hình 15: Năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất xe máy Vĩnh Phúc
Nguồn: Tính toán từ số liệu Điều tra doanh nghiệp 2015 - 2020
Trong rất nhiều năm, Toyota luôn là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về thị trường đối với dòng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Với ưu thế và năng lực sản xuất cũng như chất lượng của các sản phẩm tại thị trường Việt Nam, Toyota luôn dẫn đầu thị trường và giữ vị trí số một về thị phần. Năm 2017, Toyota là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với mức thị phần lên tới 31,2%. Với sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô khác như THACO Trường Hải (Quảng Nam), Hyundai (Ninh Bình). Đặc biệt với sự vươn lên của Hyundai, năm 2019, doanh nghiệp này đã chiếm lĩnh được vị trí dẫn đầu về thị phần trên thị trường, đạt 29,64%, vượt qua Toyota chiếm 23,16% thị phần. Điều đó cho thấy Toyota cũng đang chịu sức ép lớn về phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.
Hình 16: Năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô Vĩnh Phúc
Nguồn: Tính toán từ số liệu Điều tra doanh nghiệp 2015 - 2020
2.2.2.2 Thực trạng đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu việc làm của tỉnh
Trong các nhà đầu tư chiến lược thì công ty Honda vẫn là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất. Tuy nhiên, tỷ trọng lao động đã giảm nhanh trong giai đoạn 10 năm vừa qua từ gần 50% năm 2011 xuống gần 32% năm 2020. Điều này phản ánh hai xu thế. Thứ nhất, Vĩnh Phúc đã thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược so với giai đoạn trước và giúp đa dạng hóa sản xuất kinh doanh. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng về quy mô sản xuất của công ty Honda chậm lại do thị trường xe máy đã trở nên bão hòa và tăng trưởng chậm.
Hình 17: Tỷ trọng cơ cấu lao động của các nhà đầu tư chiến lược
Nguồn: Tính toán từ số liệu Điều tra doanh nghiệp 2011 - 2020
Một doanh nghiệp khác có đóng góp đáng kể vào tỷ trọng lao động của các nhà đầu tư chiến lược và có xu thế ngày càng tăng là Compal (Đài Loan).
2.2.2.3 Thực trạng đóng góp vào thu ngân sách
Các nhà đầu tư chiến lược cũng đóng góp tỷ phần lớn trong tổng nguồn thu ngân sách của địa phương. Tính toán từ số liệu Điều tra doanh nghiệp cho thấy, tỷ trọng đóng góp của nhà đầu tư chiến lược có giai đoạn lên tới trên 90% nguồn thu ngân sách địa phương từ khu vực doanh nghiệp. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của khu vực này trong việc cơ cấu lại nguồn thu ngân sách địa phương theo hướng dựa vào khu vực sản xuất kinh doanh chứ không dựa vào các nguồn thu một lần thiếu bền vững.
Trong số các nhà đầu tư chiến lược thì công ty Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam là hai công ty đóng góp lớn nhất. Năm 2016, tỷ trọng đóng góp của hai công ty này lên tới 83,5% nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp có xu hướng giảm dần xuống còn khoảng 56,7% năm 2021. Trong đó phần sụt giảm lớn từ số nộp ngân sách của công ty Toyota Việt Nam, giảm từ 53,6% tổng thu ngân sách năm 2016 xuống chỉ còn đóng góp 31,2% tổng thu năm 2021. Xu hướng này cũng đồng nhất với thực trạng suy giảm thị phần và tăng trưởng của công ty và sự xuất hiện của các doanh nghiệp chiến lược trong các ngành, lĩnh vực khác.
Hình 18: Đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp đầu tư chiến lược
Nguồn: Tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2011 - 2020
Hình 19: Đóng góp ngân sách nhà nước của công ty Toyota và Honda
Nguồn: Cục thuế Vĩnh Phúc
2.2.2.4 Thực trạng đóng góp vào hoạt động xuất nhập khẩu
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Vĩnh Phúc thì các sản phẩm của doanh nghiệp chiến lược có tỷ trọng ngày càng lớn. Nếu như năm 2017, tỷ trọng giá trị các mặt hàng do các nhà đầu tư chiến lược chiếm hơn 57% thì đến năm 2021 chiếm gần 78%, cho thấy vai trò quan trọng của khu vực này trong xuất khẩu của Vĩnh Phúc. Cơ cấu này cũng phù hợp với đóng góp về cơ cấu sản xuất của các nhà đầu tư chiến lược trong ngành chế biến, chế tạo. Đặc biệt các sản phẩm như máy vi tính, điện tử và linh kiện và điện thoại và linh kiện có đóng góp vào cơ cấu giá trị xuất khẩu ngày càng lớn.
Hình 20: Tỷ trọng đóng góp của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu
Nguồn: Niên giám thống kê Vĩnh Phúc
Xu hướng này cho thấy các các nhà đầu tư chiến lược đã giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn thúc đẩy thâm nhập vào thị trường nước ngoài; qua đó giúp Vĩnh Phúc hạn chế được tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
2.2.2.5 Thực trạng liên kết với các doanh nghiệp trong nước và hoạt động R&D
Với ngành sản xuất xe máy, Honda là chuỗi nội địa hóa thành công nhất với doanh nghiệp Việt chiếm số đông cung cấp linh kiện. Honda Việt Nam đã xây dựng cho mình hệ thống cung ứng linh kiện, phụ tùng với khoảng hơn 110 doanh nghiệp với khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng 100% vốn của Việt Nam. Số còn lại được đảm nhiệm bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan.
Đối với công ty Toyota nỗ lực đẩy mạnh nội địa hóa qua từng năm, song tính đến hết năm 2020, doanh nghiệp có tổng cộng 46 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp Việt Nam cung cấp sản phẩm cơ khí, nhựa[6].
III. Thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh
3.1 Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh
Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, trong những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan 61 đến công tác quản lý nhà nước về đầu tư như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết HĐND số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND về việc hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019 - 2021; Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết số 57/2016/NQ- HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh[7]; Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 28/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết số 19/2021 ngày 21/12/2021 về chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 3105/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
Tỉnh đã có nhiều đổi mới và có nhiều chính sách mới để thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, hỗ trợ người dân mất đất khi thực hiện thu hồi đất để đảm bảo an sinh xã hội và đồng thuận của người dân, xây dựng một số cơ chế nhằm hỗ trợ người lao động và ưu tiên cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu từng loại lao động của dự án, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ…là một trong những địa phương thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đã ban hành Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2015 và Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Các đề án này đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong những năm qua luôn duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của VCCI (Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 tỉnh, thành (tăng 24 bậc), dự kiến năm 2022 thuộc top 10 cả nước).
Giai đoạn từ khi tái lập đến năm 2012 hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh là cơ quan đầu mối thực hiện; Từ năm 2012 đến năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc văn phòng UBND tỉnh để chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này; Từ năm 2019, nhiệm vụ này được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Trong quá trình thực hiện, địa phương thường xuyên đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án thu hút đầu tư; thay đổi phương thức vận động đầu tư theo hướng cách tiếp cận nhà đầu tư mục tiêu ở trong nước, nước ngoài để cung cấp thông tin, mời gọi đầu tư. Hình thức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài không tổ chức quy mô lớn, đối tượng chung chung mà theo ngành, lĩnh vực, dự án cần kêu gọi tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi nước. Thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất, giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo đã từng bước có sự gắn kết với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để tránh gây lãng phí cho ngân sách của tỉnh.
Từ năm 2014, tỉnh đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm theo đúng quy định của Thủ Tướng Chính phủ tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 về quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư làm căn cứ để các cấp các ngành triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất trong toàn tỉnh. Do đó hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai thống nhất và luôn có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được quan tâm chú trọng qua nhiều kênh thông tin khác nhau: Trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và của tỉnh, chủ đạo là Trang XTĐT và tài liệu XTĐT bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung; Lồng ghép quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh qua các sự kiện tổ chức trong và ngoài nước; Phối hợp với các tổ chức hỗ trợ, tư vấn đầu tư trong và ngoài nước cung cấp thông tin của tỉnh đến các nhà đầu tư có nhu cầu quan tâm; Tổ chức hội thảo XTĐT trong nước, nước ngoài.
Đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, nhất là chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện chăm sóc tốt các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, để doanh nghiệp yên tâm SXKD, mở rộng đầu tư, đồng thời chính các nhà đầu tư, doanh nghiệp giúp tỉnh thu hút đầu tư. Nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện như: đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các TTHC về đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông; định kỳ hàng quý tiến hành khảo sát nắm bắt tình hình và khó khăn của doanh nghiệp theo kênh độc lập; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước các cấp trong tinh; thiết lập, duy trì hoạt động của Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền; Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt trong giai đoạn 2013-2015, đang tích cực triển khai thực hiện cho giai đoạn 2016-2020...
Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc cũng luôn quan tâm và hỗ trợ đối với các nhà đầu tư. Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI có nhu cầu đăng ký mới hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương tích cực chủ động hỗ trợ doanh nghiệp cũng như kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện các quy định về doanh nghiệp chế xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Bộ phận xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản (Japan Desk Vĩnh Phúc) và Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ các dự án đầu tư Nhật Bản. Qua đó hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh và cung cấp dịch vụ và thông tin kịp thời cho nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Qua tổng kết đánh giá, các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành góp phần rất quan trọng tạo nên những thành quả trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
3.2 Cải cách thủ tục hành chính
Điểm số PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 05 trong tổng số 63 tỉnh thành với số điểm 69,69 điểm; Chỉ số Par Index của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 đạt tổng điểm 89,28 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh thành phố. Tỉnh đã thực hiện cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Qua thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đã cắt giảm thời gian giải quyết của 825 thủ tục hành chính, với tổng số ngày cắt giảm là 4.998 ngày làm việc. Trong năm 2020, các sở, ban, ngành khi trình công bố mới thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày đều cắt giảm tối thiểu 20% thời hạn giải quyết theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng được công bố theo trình tự thực hiện và cắt giảm đến 20% thời gian giải quyết theo quy định của luật. Thời gian thành lập doanh nghiệp được duy trì trong 03 ngày làm việc theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 15 ngày. Tỷ lệ đăng ký qua mạng điện tử: Đối với các thủ tục đầu tư nước ngoài thực hiện 100% đăng ký qua mạng theo quy định của Luật Đầu tư.
Thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư công được cắt giảm từ 30-35% so với quy định và giảm từ 30% thời gian giải quyết trở lên đối với dự án đầu tư trực tiếp. Các thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài thực hiện 100% các dự án được cấp mã số đăng ký và cập nhật qua mạng theo quy định của Luật Đầu tư.
Tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu để tránh phiền hà, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Chi cục hải quan Vĩnh Phúc thực hiện đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên thực hiện việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng đã đề ra theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, gia hạn, hoãn, khoanh nợ bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp theo quy định.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo đúng quy trình, nhanh gọn, linh hoạt, đảm bảo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua 03 hình thức: nộp trực tiếp, nộp trực tuyến, nộp qua dịch vụ bưu chính công ích. Phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh chính thức sử dụng từ ngày 01/01/2022 (truy cập tại địa chỉ dichvucong.vinhphuc.gov.vn).
Đến nay, phần mềm này đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia (188 dịch vụ công mức độ 3; 463 dịch vụ công mức độ 4). Trong 06 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện 4.735 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền giao dịch hơn 4,2 tỷ đồng. Hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt tỷ lệ 100% TTHC có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Trong năm 2021, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 90%. Trong 06 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 97%.
Mặc dù trong thời gian qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện, tuy nhiên hai chỉ số thành phần về tính minh bạch và đào tạo lao động vẫn ở mức thấp so với các chỉ số thành phần khác và đang có xu hướng giảm so với các địa phương lân cận. Chỉ số tính minh bạch năm 2021 đã giảm thấp so với các năm trước đây và trong tương quan với các địa phương cạnh tranh trong vùng.
Hình 21: Chỉ số Tính minh bạch
Nguồn: PCI Việt Nam
Hình 22: Chỉ số Đào tạo lao động
Nguồn: PCI Việt Nam
Đồng thời, chỉ số về đào tạo lao động từ năm 2015 có xu hướng tụt hậu so với các địa phương khác mặc dù có sự cải thiện qua các năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Vĩnh Phúc trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược không chỉ trong lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật mà với ngay cả các lĩnh vực khác trong tương quan với các địa phương trong vùng.
3.3 Hệ thống kết cấu hạ tầng
3.3.1. Giao thông đường bộ
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường liên huyện, đường đô thị luôn có vai trò quan trọng trong kết nối các khu vực kinh tế của tỉnh với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia.
Hiện tổng chiều dài của hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đạt 1.302,68 km, trong đó đường cao tốc qua địa bàn tỉnh dài 40,4 km, chiếm 3,1%, hệ thống quốc lộ chiếm 8,6%, đường tỉnh và đường huyện chiếm 64,58% và hệ thống đường đô thị đạt 308,9 km, chiếm khoảng khoảng 23,7%.
- Đường cao tốc: Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Lào Cai nối vùng Thủ đô Hà Nội lên phía Bắc qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và kết nối sang Vân Nam (Trung Quốc) qua cửa khẩu Lào Cai.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc dài 40,4 km đã được đưa vào khai thác với quy mô 04 làn xe, bề rộng mặt cắt 25,5m, mặt đường bê tông nhựa, chất lượng mặt đường tốt, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn trên tuyến.
- Hệ thống quốc lộ: Trên địa bàn tỉnh có 03 tuyến quốc lộ có tổng chiều dài 87,9 km, gồm Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C và Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên[8].
Quốc lộ 2: Có vị trí quan trọng với sự phát triển kinh tế và xã hội đối với các tỉnh trung du và đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Tuyến đường đi qua địa bàn 05 tỉnh và thành phố là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang. Đoạn qua tỉnh có chiều dài 37,7km nối từ cầu Xuân Phương (TP Phúc Yên) đi qua 04 huyện của Vĩnh Phúc và sang Phú Thọ. Hiện 70% tuyến là đường cấp II, đồng bằng có mặt đường bê tông nhựa, chất lượng tốt. Đoạn tuyến còn lại đạt cấp III đồng bằng và đang được triển khai đầu tư nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025.
Quốc lộ 2 đoạn tránh: Là tuyến vành đai 2 của tỉnh có chiều dài 10,5km, có điểm đầu tại Quất Lưu (huyện Bình Xuyên) và điểm cuối tại Đồng Văn, (huyện Yên Lạc). Tuyến tránh Quốc lộ 2 được xây dựng nhằm giảm tải cho Quốc lộ 2 hiện hữu đi qua khu vực trung tâm thành phố, tránh tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm. Quốc lộ có quy mô 04 làn xe cơ giới, 02 làn xe hỗn hợp, đạt đường cấp II, đồng bằng. Mặt đường bê tông nhựa, chất lượng đường tốt.
Quốc lộ 2C: Có chiều dài qua tỉnh 39,74 km kết nối từ Thị xã Sơn Tây qua Vĩnh Phúc đi Vĩnh Phúc. Hiện 90% của tuyến qua tỉnh đạt cấp II, đồng bằng có mặt đường bê tông nhựa, chất lượng đường tốt.
Ngoài ra, tỉnh còn tuyến quốc lộ do địa phương quản lý bao gồm Quốc lộ 2B (24,2 km) và các tuyến vành đai (258,9 km) đảm bảo kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tỉnh lộ và huyện lộ: Đường tỉnh có 17 tuyến với tổng chiều dài 371,3 km đã được cải tạo, nâng cấp cứng hóa đạt 100% bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng. Đường huyện có 116 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 492,54 km.
- Đường vành đai: Mạng lưới giao thông của tỉnh hình thành 5 đường vành đai có tổng chiều dài 258,9 km, trong đó vành đai 1, 2, 3 nằm trong đô thị Vĩnh Phúc nhằm tránh lưu lượng giao thông quá lớn vào trung tâm đô thị, giúp giao thông trong khu vực thông suốt, giải tỏa, điều phối các luồng xe quá cảnh qua khu vực Vĩnh Yên cũng như giao thông bên trong đô thị ra bên ngoài. Vành đai 4, 5 vừa có tính chất đối nội và đối ngoại, đóng vai trò kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch chính của tỉnh.
Ngoài ra còn 308,9 km đường đô thị và 1.612 km đường trục xã đã kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa.
3.3.2. Giao thông đường sắt
Tuyến đường sắt cấp Quốc gia đi qua tỉnh dài 35 km (Tuyến Hà Nội - Lào Cai), là tuyến đường sắt kết nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam (Trung Quốc). Đoạn qua địa bàn tỉnh đi qua 05 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, Thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương và huyện Vĩnh Tường.
Trên tuyến có 05 nhà ga hiện đang khai thác, gồm: Ga Phúc Yên, ga Hương Canh, ga Vĩnh Yên, ga Hướng Lại và ga Bạch Hạc. Trong đó 02 ga chính là ga Phúc Yên và ga Vĩnh Yên. Đa phần các ga có quy mô nhỏ (chủ yếu là hạng 4), số đường ray trung bình/ga chỉ khoảng 3÷4 đường. Cơ sở vật chất của các ga đã cũ, phần lớn sử dụng thiết bị của Trung Quốc, chất lượng phục vụ bốc xếp hàng hóa và hành khách không cao.
3.3.3. Giao thông đường thủy nội địa
Vĩnh Phúc có hệ thống sông, kênh phong phú, tổng chiều dài các tuyến sông trên địa bàn tỉnh dài 123 km. Bao gồm 04 sông chính: Sông Hồng, Sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Trong đó Sông Hồng và Sông Lô là 02 tuyến sông chính phục vụ vận tải, sông Cà Lồ và sông Phó Đáy chỉ thông thuyền được trong mùa mưa và cũng chỉ đáp ứng được phương tiện tải trọng dưới 50 tấn.
Tỉnh đang có 03 cảng chính là Như Thụy, Đức Bác và Vĩnh Thịnh, trong đó cảng Như Thụy và Vĩnh Thịnh có thể tiếp nhận được cỡ tàu 400 tấn, công suất 120÷190 nghìn tấn/năm, cảng Đức Bác có thể tiếp nhận tải trọng tối đa 200 tấn, công suất 70.000 tấn/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03 cảng sông, 39 bến hàng hóa, 02 bến phà và 05 bến khách ngang sông phân bố trên Sông Hồng và Sông Lô. Các cảng sông đều là các cảng tạm, bốc xếp thủ công, công suất hạn chế.
Hiện 02 tuyến vận tải thủy nội địa quốc gia do Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là Tuyến Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai (qua Sông Hồng) và kết nối với biên giới Trung Quốc (tỉnh Vân Nam); Đây là tuyến vận tải thủy nội địa-quốc tế chủ yếu phục vụ các mặt hàng như: quặng (sắt, apatit) từ Lào Cai, thép, lương thực, vật liệu xây dựng,…trong đó vật liệu chính đến Vĩnh Phúc là than từ Quảng Ninh phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Tuyến Việt Trì - Vĩnh Phúc - Na Hang (đi qua Sông Lô); Phương tiện chủ yếu hoạt động trên tuyến là tàu sông tải trọng 300 tấn. Các mặt hàng chủ yếu là vật liệu xây dựng (cát, sỏi), than…trong đó hàng hóa từ Vĩnh Phúc đi là cát sỏi khai thác trên sông Lô.
3.3.4. Hệ thống cấp nước
Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 nhà máy nước tập trung có tổng công suất thiết kế 156.700 m3/ngày-đêm (công suất đang khai thác 93.520m3/ngày-đêm). Trong đó, 11 Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt (sông, hồ, suối), công suất thiết kế 94.550 m3/ngày-đêm (công suất đang khai thác 53.135m3/ngày-đêm) và 14 nhà máy sử dụng nguồn nước ngầm, công suất thiết kế 62.150 m3/ngày-đêm (công suất đang khai thác 40.385 m3/ngày-đêm).
Ngoài ra, tỉnh còn 03 dự án nhà máy cấp nước đang chuẩn bị đầu tư là Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng, Dự án Nhà máy nước sạch Phúc Bình và Dự án đầu tư cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo và Lập Thạch với tổng công suất 189.000 m3/ngày-đêm.
Hiện nay, hệ thống cấp nước của tỉnh đã và đang cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh tại các khu cụm công nghiệp, doanh nghiệp và các hộ dân tiêu thu trên địa bàn.
3.3.5. Hệ thống cấp điện
Tỉnh Vĩnh Phúc đang được cấp điện từ đường dây 220kV của hệ thống điện miền Bắc và qua các trạm 220kV Vĩnh Yên, Vĩnh Tường và trạm 220kV Việt Trì của tỉnh Phú Thọ.
Trên địa bàn tỉnh đang vận hành 02 trạm 220kV (tổng công suất các trạm 750 MVA) và 09 trạm 110kV, gồm 17 MBA có tổng công suất đặt là 949 MVA.
Trạm 220/110kV Vĩnh Yên, tổng công suất đặt 500 MVA, được xây dựng tại huyện Bình Xuyên, gồm 02 máy biến áp với quy mô công suất MBA T1-250 MVA và MBA T2-250 MVA. Trạm 220/110kV Vĩnh Tường, công suất đặt 250 MVA, được xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, gồm 01 máy biến áp với quy mô công suất MBA T1-250 MVA.
Thống kê điện thương phẩm toàn tỉnh năm 2021 đạt khoảng 7.193 triệu kWh. Trong đó phụ tải của ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khá cao, đạt khoảng 63,8%, do cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh đang có xu hướng chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và việc mở rộng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển sản xuất đã đẩy nhu cầu phụ tải điện khu vực này lên cao.
Nhìn chung, nguồn điện 220kV, 110kV hiện tại của tỉnh đang đáp ứng đủ và có độ dự phòng cao cho nhu cầu phụ tải của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc phát triển các dự án công nghiệp trong thời gian qua.
3.3.6. Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông
Hiện có 05 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và 05 nhà cung cấp dịch vụ Internet, truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp này đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng hướng tới khách hàng. Hạ tầng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100%, tạo ra ưu thế tuyệt đối về băng thông, tốc độ, chất lượng. Cáp quang đã được kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, bản trên địa bàn tỉnh với 700 tuyến truyền dẫn cáp quang có tổng chiều dài 4.540 km (tăng 1.200 km so với năm 2016); Hạ tầng truyền dẫn cáp quang đã được kéo đến 100% các xã (100% tại các thôn, tổ dân phố). Tỉnh hiện có 2.700 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100% và đã lắp đặt xong 02 trạm 5G.
Đến nay, hệ thống thông tin, viễn thông của tỉnh có độ phủ tương đối tốt, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Hạ tầng mạng thông tin di động phát triển tương đối hoàn thiện. Hạ tầng mạng ngoại vi cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu về sử dụng dịch vụ của người dân và sản xuất, tỷ lệ ngầm hóa ngày càng cao.
Hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có người phục vụ đã phát triển khá rộng khắp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân và doanh nghiệp.
Nhìn chung, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và hệ thống bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được từng bước hoàn thiện, phục vụ thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất và đi lại của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân.
3.3.7. Hệ thống các khu công nghiệp
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được một hệ thống khu công nghiệp tập trung tương đối phát triển và hệ thống các cụm công nghiệp có tiềm năng phát triển. Thống kê sơ bộ quỹ đất quy hoạch dành cho phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030 dự kiến đạt khoảng 7.455 ha, chiếm khoảng 6,0% diện tích toàn tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp GCNĐT, GCNĐKĐT với tổng vốn đầu tư đăng ký: 15.548 tỷ đồng và 212,53 triệu USD. Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.093,85 ha trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch 2.262,12 ha; diện tích đất đã BT GPMB và có thể cho thuê là 1.883,79 ha; tổng diện tích đất đã cho thuê/đăng ký thuê là 1.293,13 ha.
Hiện có 08 khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đang đi vào hoạt động: KCN Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II - giai đoạn 1, Bá Thiện, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thăng Long Vĩnh Phúc đã đi vào hoạt động có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó KCN Thăng Long Vĩnh Phúc và KCN Bá Thiện II được đầu tư hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. 06 KCN đang thực hiện BT,GPMB tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm: KCN Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên. 03 KCN: Sơn Lôi, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và Nam Bình Xuyên đã tổ chức khởi công trong năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy của 08 khu công nghiệp như sau: KCN Kim Hoa (Tp Phúc Yên) và KCN Bình Xuyên II-GĐ 1 (Huyện Bình Xuyên), lấp đầy 100%; KCN Khai Quang (Tp Vĩnh Yên và Huyện Bình Xuyên) lấp đầy 96%; KCN Bình Xuyên (Huyện Bình Xuyên), đạt 92,1%; KCN Bá Thiện (Huyện Bình Xuyên), đạt 75,3%; KCN Bá Thiện II (Huyện Bình Xuyên) đạt 68,4%; KCN Thăng Long-Vĩnh Phúc (Huyện Bình Xuyên) đạt 82% và KCN Tam Dương II-Khu A (Huyện Tam Dương và Tam Đảo) đạt 46%.
Các khu công nghiệp hiện đã thu hút được 411 dự án đầu tư (337 dự án FDI và 74 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đầu tư đạt 8.744,59 tỷ đồng và 5.396,26 triệu USD. Các dự án đầu tư hiện được tập trung nhiều tại KCN Bình Xuyên (Huyện Bình Xuyên) với 129 dự án; KCN Khai Quang (Tp Vĩnh Yên và H. Bình Xuyên) đạt 89 dự án đầu tư; KCN Bình Xuyên II (Huyện Bình Xuyên), đạt 58 dự án; KCN Bá Thiện II (Huyện Bình Xuyên) đạt 55 dự án; KCN Bá Thiện (Huyện Bình Xuyên), đạt 35 dự án; …
Đến nay đã có 07 khu công nghiệp đã đầu tư và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 33.000 m3/ngày đêm (Năm 2023, nâng công suất thiết kế lên 43.000 m3/ngày-đêm. Trong đó: KCN Kim Hoa có công suất 1.000 m3/ngày đêm (Công ty Honda Việt Nam); KCN Khai Quang có tổng công suất của 03 module là 15.000 m3/ngày đêm (Năm 2023, nâng công suất lên 25.000 m3/ngày - đêm); KCN Bình Xuyên, công suất 3.000 m3/ngày đêm; KCN Bá Thiện, công suất 5.000 m3/ngày đêm; KCN Bình Xuyên II, công suất 1.000m3/ngày đêm; KCN Bá Thiện II, công suất 3.000 m3/ngày đêm và KCN KCN Thăng Long, công suất 3.000 m3/ngày đêm.
- Định hướng quy hoạch phát triển: Để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, định hướng trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030, ngoài 19 khu công nghiệp đã quy hoạch tỉnh sẽ điều chỉnh, mở rộng và quy hoạch bổ sung 07 khu công nghiệp, đưa số lượng khu công nghiệp của tỉnh lên 26 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.996 ha (tương đương khoảng 4.500 ha đất công nghiệp); Trong đó, giai đoạn đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ phát triển 23 khu công nghiệp (19 khu công nghiệp đã được TTCP phê duyệt) với tổng diện tích 4.815 ha. Như vậy, với hiện trạng đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký và ký biên bản ghi nhớ trong các khu công nghiệp của tỉnh hiện đạt khoảng 1.100 ha, thì quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp còn khá nhiều, với xu hướng chuyển dịch dòng đầu tư đang phát triển theo hướng thuận lợi và tích cực thì đây chính là những cơ hội và điều kiện thuận lợi quan trọng cho thu hút đầu tư của tỉnh trong các giai đoạn tới.
3.4. Nguồn nhân lực, lao động
Năm 2022 dân số Vĩnh Phúc có 1.197,6 nghìn người, trong đó: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 583,9 nghìn người; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 575,5 nghìn người. Trong đó; 50,4% trong khu vực công nghiệp và xây dựng; 34,9% trong khu vực dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%, trong đó có chứng chỉ nghề là 36%.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 246.310 người, trong đó lao động là người ngoại tỉnh chiếm 28%. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sử dụng 121.816 lao động (chiếm 49,5% tổng số lao động của các doanh nghiệp; 32,2% là lao động ngoại tỉnh).
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh: Trong 5 năm trở lại đây, 49 cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã tuyển 142.226 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng chiếm 4% trung cấp 19%, trình độ sơ cấp 77%. Hàng năm số học sinh tốt nghiệp bình quân tại các trường Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng trên 10.000 người và Đại học trên 4.000 người. Những năm qua, nhờ tăng cường công tác đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực của Vĩnh Phúc không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 77,6%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,7%; ý thức, tác phong, kỷ luật của lao động được chú trọng và nâng cao, đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là nguồn lao động đáp ứng được về số lượng cũng như chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, do thuận lợi về vị trí địa lý, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc là điểm đến của lao động từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai và đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao từ thủ đô Hà Nội.
IV. Đánh giá chung
4.1. Những kết quả đạt được trong thu hút nhà đầu tư chiến lược
Nói chung, kết quả thu hút đầu tư trong vòng 10 năm trở lại đây, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2021 đạt cao so với mục tiêu đề ra với tổng vốn đầu tư dự án FDI thu hút mới và tăng thêm được 3,173 tỷ USD, dự án DDI thu hút được 59,019 nghìn tỷ đồng. Kết quả đạt được của công tác thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2021 tiếp tục khẳng định đầu tư trực tiếp đóng vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách của tỉnh. Kết quả trên chủ yếu là do có sự đóng góp của các dự án đầu tư nước ngoài trong đó các Công ty Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Tập Đoàn Prime đóng góp vai trò chủ đạo. Điều này cho thấy giai đoạn 2016 đến nay là giai đoạn nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực, tạo khung pháp lý thông thoáng, minh bạch hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng phát huy quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp năm 2014). Vì vậy thu hút đầu tư tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Một số khu công nghiệp đã chủ động được quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
4.2. Hạn chế, khó khăn:
(1) Một số cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư được ban hành trong giai đoạn chưa thật sát với nhu cầu thực tế nên kết quả thực hiện còn hạn chế, cụ thể: Nghị quyết 57/2016/HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay chưa có dự án nào đề nghị được hỗ trợ; Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND ngày 27/09/2016 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các Khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021, đến nay mới có 01 dự án đủ điều kiện để được xem xét hỗ trợ.
(2) Bộ phận thực hiện hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh chưa tập trung, ổn định và tính chuyên nghiệp chưa cao. Giai đoạn ngày, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch còn phân tán ở các cơ quan chuyên môn khác nhau, chưa có bộ phận chuyên môn sâu để thực hiện cả ba hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp.
(3) Mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư đăng ký mới vượt cao so với mục tiêu, nhưng vốn đầu tư thực hiện còn thấp, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký đối với dự án FDI mới đạt 55,4%, dự án DDI đạt 35,7%; nhiều dự án chậm tiến độ so với tiến độ đăng ký đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao.
4.3. Nguyên nhân
4.3.1 Nguyên nhân khách quan
(1) Thách thức giảm thuế theo các FTA mà Việt Nam đã cam kết trong khối ASEAN và các đối tác buộc các nhà đầu tư phải nghiên cứu điều chỉnh lại định hướng kinh doanh, mục tiêu, loại hình sản phẩm cho phù hợp là một nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện còn thấp;
(2) Lợi thế và dư địa về thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc như: đất đai, tài nguyên, giá thuê đất hạ tầng KCN, cơ chế hỗ trợ, cải cách hành chính..bị thu hẹp do sự cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong nước, đặc biệt là các địa phương lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của tỉnh.
(3) Một số quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn khác nhau, chưa đồng bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Quy định và hướng dẫn của trung ương về sắp xếp, đổi mới bộ phận xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp chưa có sự thống nhất, nên mỗi địa phương có cách áp dụng khác nhau.
(4) Công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, đặc biệt là cơ chế thỏa thuận trong bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư, đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp.
4.3.2. Nguyên nhân chủ quan:
(1) Thời gian nghiên cứu đề xuất, xây dựng ban hành một số cơ chế chính sách về hỗ trợ thu hút đầu tư của tỉnh còn ngắn; thiếu thời gian điều tra, khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư; chưa thực hiện thí điểm để tổng kết thực tiễn nên chất lượng một số cơ chế chính sách đã ban hành chưa sát với nhu cầu thực tế.
(2) Công tác kiểm tra, giám sát đánh giá sau đầu tư của một số cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và chính quyền địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ.
(3) Công tác cải cách thủ tục hành chính của một số cơ quan đơn vị chưa tích cực, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính còn chậm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh.
(4) Đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh hiện nay còn yếu và còn thiếu về số lượng dẫn đến công tác chuẩn bị và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế;
(5) Một số nhà đầu tư là các doanh nghiệp trong nước năng lực còn yếu, chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện dự án dẫn đến dự án bị chậm tiến độ đi vào hoạt động, hiệu quả đầu tư thấp.
Phần thứ ba
I. Bối cảnh phát triển
1.1. Bối cảnh thế giới và trong nước
1.1.1. Những thuận lợi, cơ hội
- Xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu dự báo diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn trong giai đoạn tới, mang lại các cơ hội lựa chọn và tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Thế giới đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tương tự như sự chuyển dịch đầu những năm 1990. Trong bối cảnh chi phí ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, hoạt động chế biến, chế tạo toàn cầu được dự báo sẽ di chuyển ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN và Việt Nam trong thập kỷ tới. Xu hướng này còn được thúc đẩy bởi tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Vai trò của Trung Quốc ngày càng giảm trong chuỗi giá trị toàn cầu do sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia lớn đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và việc dịch chuyển đầu tư, sản xuất đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho các địa phương tận dụng được cơ hội này để tăng cường thu hút đầu tư và xuất khẩu.
- CMCN 4.0 và xu thế phát triển kinh tế số diễn ra mạnh mẽ. CMCN 4.0 dự kiến bước vào giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt và trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, thương mại và đầu tư toàn cầu. CMCN 4.0, đặc biệt là chuyển đổi số, kinh tế số được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm. Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng có cơ hội phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mới, dựa trên nền tảng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
- Triển vọng đầu tư toàn cầu phục hồi. Theo UNCTAD, triển vọng đầu tư trên toàn cầu sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022 và có xu hướng chuyển sang khu vực Châu Á. Mặc dù có những thách thức trong bối cảnh đầu tư “hậu Covid-19”, FDI toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10-15%. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút, hợp tác đầu tư với các Tập đoàn lớn có công nghệ cao, vận hành chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích ứng và sẵn sàng nguồn lực để tận dụng những vận hội, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.
- Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi tích cực. Nhiều các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá tích cực đối với kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thích ứng với điều kiện mới, kế hoạch phục hồi kinh tế được triển khai, dự báo kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo từ năm 2022 do nhiều yếu tố hỗ trợ. Các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam ký kết và tham gia trong thời gian qua đã cho thấy tác động tích cực đối với xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Dự báo các FTAs sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2022 và trung hạn. Đồng thời, các đánh giá đều cho rằng nhu cầu nội địa tăng trưởng nhanh trở lại, các thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là đối với các thị trường CPTPP, EVFTA và RCEP sẽ là đòn bẩy chiến lược giúp các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu và khu vực. Ngân hàng thế giới dự báo, GDP Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong hai thập kỷ tới, GDP bình quân đầu người ước đạt 7.500 USD/người vào năm 2030 với mức tăng trưởng bình quân đầu người là 7,85%/năm, vượt ngưỡng GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2010, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2014 và ngang bằng với GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 2006. Dự báo tăng trưởng này sẽ đưa Việt Nam từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
- Tăng trưởng lấy cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực làm động lực: Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tiếp tục dẫn dắt quá trình tăng trưởng và thu hút đầu tư ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này đòi hỏi Vĩnh Phúc có sự nắm bắt và chuẩn bị kỹ càng, phù hợp về cơ sở hạ tầng song hành cùng công tác hoạch định và định hướng chiến lược phát triển kinh tế và phát triển công nghiệp để tận dụng cơ hội.
- Xu hướng tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến; công nghiệp xanh, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
- Hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện. Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Chính phủ cũng đã giao cho các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng các quy định để lựa chọn các dự án 76 FDI có chất lượng; do đó, trong thời gian tới sẽ có những tác động nhất định trong chủ trương thu hút các dự án FDI của các địa phương.
1.1.2. Những thách thức, khó khăn
Tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang trong xu hướng ngày một gay gắt và phức tạp. Xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột quân sự Nga - Ucraina tiếp tục cản trở đà tăng trưởng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, v.v..diễn biến nghiêm trọng.
Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường (đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới) trên diện rộng; cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt (sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, những bất ổn ở châu Âu, châu Á, Bắc Phi, Trung Đông…) cùng một số vấn đề mang tính toàn cầu nổi lên (biến đổi khí hậu, phát triển của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…) đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu; đồng thời đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
1.2. Bối cảnh của tỉnh
1.2.1. Những thuận lợi, lợi thế so sánh của tỉnh
- Vĩnh Phúc là địa phương luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, nhiều sáng kiến đi đầu trong cả nước; Chính quyền và nhân dân luôn năng động, sáng tạo và sẵn sàng dành cho nhà đầu tư sự ủng hộ cao nhất. Hiện nay, tỉnh đã có mức phát triển kinh tế khá cao theo hướng công nghiệp, môi trường đầu tư ổn định, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới đã đầu tư tại tỉnh; đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu của tỉnh.
- Vĩnh Phúc nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng thủ đô, hệ thống giao thông kết nối với Hà Nội và các tỉnh trong vùng rất thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực đã được quy hoạch và đầu tư khá đồng bộ; là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy nên có lợi thế thu hút ngành công nghiệp phụ trợ ô tô xe máy; Có những địa danh du lịch, di chỉ văn hóa nổi tiếng; điều kiện địa chất, khí hậu tốt, ít chịu sự tác động lớn của thiên tai.
- Những thành tựu, kinh nghiệm sau 25 năm tái lập, tỉnh đã tạo thế và lực mới để Vĩnh Phúc tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự ổn định về chính trị, xã hội tiếp tục là điều kiện, nền tảng cơ bản, quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong các năm tới.
- Vĩnh Phúc có nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số trẻ, có lợi thế trong thu hút nhiều lao động thuộc các tỉnh lân cận
- Chi phí xây dựng nền móng công trình của Vĩnh Phúc rẻ hơn nhiều địa phương có nền địa chất yếu hơn; chi phí khấu hao thiết bị tại các Khu kinh tế nhanh là 20-30% so với các địa phương không có biển.
1.2.2. Những khó khăn và thách thức chủ yếu
- Dư địa và không gian cho phát triển không còn nhiều (đặc biệt là đất đai, tài nguyên). Địa kinh tế không còn là thế mạnh của Vĩnh Phúc như trước đây vì sự phát triển của hệ thống giao thông quốc gia. Khả năng tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mang tính đột phá trong bối cảnh hiện nay khó khăn hơn so với giai đoạn đầu phát triển.
- Việc không gần các cảng biển lớn sẽ khiến Vĩnh Phúc kém cạnh tranh hơn các tỉnh ven biển trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành có thị trường tiêu thụ chính là thị trường quốc tế với thời gian tồn kho thấp, kích thước lớn, thông qua xuất nhập khẩu bằng đường biển.
- Thị trường cho sản phẩm công nghiệp chủ lực trong thời gian qua như sản xuất xe máy đang có xu hướng bão hòa; cạnh tranh gay gắt từ các địa phương lân cận trong sản xuất các sản phẩm chiến lược như ô tô, xe máy và xu hướng chuyển dịch sang công nghệ mới như xe điện tạo ra những thách thức đối với các ngành sản xuất truyền thống của tỉnh.
- Hệ sinh thái hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược như về cơ sở hạ tầng mềm (các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; khu vui chơi giải trí; trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm thử nghiệm); hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu. Vị trí ngay sát gần thủ đô Hà Nội cũng là thách thức trong thu hút các nhà đầu tư vào các dịch vụ giải trí, lưu trú cao cấp; cũng như thu hút nguồn lao động chất lượng cao đến sinh sống tại Vĩnh Phúc.
- Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài, chi phí sử dụng hạ tầng công nghiệp đang ngày càng cao ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị thấp, khả năng tiếp cận các nguồn lực hạn chế.
- Sức ép về tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh do phát triển đô thị và công nghiệp ngày càng tăng. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
- Cạnh tranh giữa các tỉnh trên cả nước trong việc thu hút đầu tư diễn ra gay gắt hơn như một cuộc đua tranh vừa có khía cạnh tích cực thúc đẩy đổi mới, cải cách môi trường kinh doanh đầu tư ở địa phương, vừa có khía cạnh tiêu cực là sẽ trở thành “cuộc đua xuống đáy” nếu chính quyền địa phương đưa ra quá nhiều ưu đãi hoặc quá dễ dãi trong thẩm định các dự án đầu tư, thì lợi ích kinh tế sẽ rất hạn chế trong khi những tác hại về môi trường và cơ cấu đầu tư không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong dài hạn. Ngoài thách thức phải tìm ra những lợi thế so sánh của địa phương với các tỉnh lân cận để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh còn phải tính đến sự dịch chuyển về phát triển vùng khi các đặc khu kinh tế mới được thành lập ở cả ba miền.
II. Quan điểm và mục tiêu
2.1 Quan điểm
- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại tỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Định hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Vĩnh Phúc cần được xây dựng trên nền tảng định vị xu hướng phát triển của Vĩnh Phúc trong thập kỷ tới hay thậm chí xa hơn.
- Tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vào một số lĩnh vực mà tỉnh Vĩnh Phúc có lợi thế nổi trội; Chuyển từ thu hút đầu tư từ bị động sang chủ động và chủ trương thu hút có chọn lọc, lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến.
- Phát huy và cải thiện lợi thế cạnh tranh, phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.
- Xây dựng và hình thành nhận thức “Hợp tác cùng phát triển”, tăng cường kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để cải thiện vị thế của Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng trong chuỗi sản xuất; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước; đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
2.2 Mục tiêu
2.2.1. Mục tiêu tổng quát
a) Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia có dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu;
b) Mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của tỉnh;
c) Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.
d) Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
2.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,5 tỷ USD, từ khu vực DDI từ 20-25 nghìn tỷ đồng.
- Hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu tại Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 08/11/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030;
- Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn ĐTNN của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030, bao gồm: Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia; Châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh, Thụy Điển; Châu Mỹ: Hoa Kỳ; Châu Úc: Australia.
- Thu hút thêm từ 01-05 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc;
- Kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
2.3. Định hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược thời kỳ 2023-2030
2.3.1 Định hướng tổng quát
Đối với các lĩnh vực lựa chọn để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tùy vào từng lĩnh vực cụ thể để ưu tiên hình thức đầu tư và nhà đầu tư. Đối với những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn mà không có nhà đầu tư trong nước đủ năng lực liên doanh thì sẽ ưu tiên hình thức đầu tư 100% nước ngoài. Các dự án 100% vốn nước ngoài được coi là những dự án đầu tàu, hạt nhân, có năng lực chuyển giao công nghệ, đào tạo để tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước, có khả năng thu hút các doanh nghiệp vệ tinh thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Đối với các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đã có năng lực, có khả năng tham gia thì ưu tiên hình thức liên doanh.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài: Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng). Ưu tiên nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội, sử dụng trình độ công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiều đầu vào có xuất xứ tại địa bàn tỉnh và Việt Nam, có kế hoạch liên doanh với nhà đầu tư trong nước và liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước.
Đối với nhà đầu tư trong nước: Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ...
2.3.2 Định hướng cụ thể đối với từng lĩnh vực, chuỗi ngành cung ứng ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc
2.3.2.1. Công nghiệp chế biến, chế tạo
Tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành mới bao gồm điện tử, bán dẫn, dược phẩm. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường theo hướng Net-Zero; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.
(1) Chuỗi ngành công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh và điện tử
Thu hút các tập đoàn đa quốc gia nắm giữ đầu chuỗi, nhất là hai đầu chuỗi (thiết kế, R&D và marketing, quản lý thương hiệu) và các công ty sản xuất theo hợp đồng chính của các chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao[9], trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, gồm: sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện, trong đó ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt Nam, điện thoại di động, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Máy tính: tập trung thu hút các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu về máy tính (R&D, thiết lập công nghệ nguồn, tiêu chuẩn, thương hiệu, phân phối), các nhà cung ứng về thiết kế, R&D và sản xuất linh kiện cốt lõi của ngành chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ và Đài Loan (AMD, Texas Instruments, Seagate, Taiwan Electrical and Mechanical); Ở phân khúc thấp hơn trong chuỗi là các doanh nghiệp Đài Loan quản lý chuỗi sản xuất, lắp ráp với tư cách nhà cung ứng thầu phụ chính (OEM: Foxconn, Quanta, Compal).
Điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử khác: ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Vĩnh Phúc (và Việt Nam) kêu gọi các công ty cung ứng đầu tư sản xuất tại Vĩnh Phúc như quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để Compal mở rộng hoạt động sản xuất cũng như nhanh chóng tập trung các nỗ lực xúc tiến đầu tư với Quanta Computer- nhà thầu số 3 thế giới về sản lượng sản xuất máy tính xách tay; Nghiên cứu, học tập mô hình Quanta đã xây dựng tại Thượng Hải thông qua việc hỗ trợ, cung cấp ưu đãi để Quanta thành lập tổ hợp Quanta Vĩnh Phúc Manufacturing City tập trung vào sản phẩm máy tính notebook và các sản phẩm điện toán đám mây; Tập trung thu hút các tập đoàn lớn (như Vsmart, Viettel, VNPT) và các dự án sản xuất sản phẩm CNHT, nhằm tạo dựng hệ thống doanh nghiệp cung ứng, hình thành mạng lưới sản xuất trên địa bàn tỉnh; Chủ động tiếp cận các tập đoàn đầu chuỗi trong ngành máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử cùng danh sách các nhà cung cấp của các tập đoàn đầu chuỗi này để xúc tiến đầu tư.
(2) Công nghiệp bán dẫn
Tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Đài Loan và Hàn Quốc, trong phân khúc lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP); Chủ động tiếp xúc và thu hút Samsung quan tâm chuyển dịch nhà máy sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc về Vĩnh Phúc; Nghiên cứu xây dựng thiết kế cấu phần hỗ trợ kinh phí đảm bảo nguồn nước tuần hoàn và năng lượng tái tạo độc lập, ổn định cho trung tâm công nghiệp sản xuất chế tạo chất bán dẫn tại tỉnh để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.
(3) Ô tô, xe máy điện
Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực ô tô, xe máy điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung của thế giới: trung hòa carbon, giảm khí thải từ ngành vận tải. Thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện và từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ô tô hàng đầu ở khu vực phía Bắc”.
Tiếp tục hỗ trợ chặt chẽ với Toyota và Honda triển khai các kế hoạch thay thế dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch bằng các dòng xe chạy điện.
Chủ động tiếp cận các tập đoàn và nhà đầu tư Trung Quốc như CATL, BYD, CALB, Guoxuan, Sunwoda, Svolt đang chi phối thị trường sản xuất pin sạc điện công suất cao toàn cầu và có động lực chuyển dịch sản xuất theo chiến lược Trung Quốc+1 để tránh các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản như LG Energy Solution, Panasonic, SK On và Samsung SDI, là các nhà đầu tư có thị phần pin sạc điện công suất cao khá lớn (sau các doanh nghiệp Trung Quốc).
(4) Dược phẩm
Chủ động khai thác, tận dụng lợi thế ở công đoạn đóng gói thứ cấp (C2) trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm để thu hút đầu tư trong ngắn hạn. Nghiên cứu hình thành khu công nghiệp tập trung về dược phẩm, trong đó xây dựng cơ chế ưu đãi hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dược về hạ tầng, hệ thống cung cấp điện, nước theo mô hình kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về Net Zero cũng như nhu cầu của thị trường trong nước đang tăng trưởng với tốc độ cao. Những nhà đầu tư nước ngoài có động lực chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam cao nhất là những công ty dược phẩm Châu Âu, đang đầu tư tại Trung Quốc vì những nhà đầu tư này vừa cần chuyển dịch khỏi Trung Quốc vừa được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA.
2.3.2.2. Nông nghiệp công nghệ cao
Thu hút các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh (rau, củ, quả các loại, các sản phẩm thịt, sữa của ngành chăn nuôi và các sản phẩm lâm nghiệp).
Tập trung thu hút đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh lớn; phát triển các trung tâm dịch vụ phục vụ nông nghiệp cấp vùng như trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic.
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản đối với các ngành hàng nông sản chủ lực, hướng tới nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm nông sản chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
2.3.2.3. Thương mại - dịch vụ chất lượng cao
Trên cơ sở lợi thế cho phát triển du lịch của tỉnh và các khu du lịch hiện có, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển một số khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng nhằm vào đối tượng có thu nhập trung bình khá đến cao trong và ngoài nước. Ưu tiên hướng đến thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các khu dịch vụ hỗn hợp, nhiều chức năng tạo nên quần thể sinh thái cao cấp kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí và các hoạt động kinh doanh. Phát huy thế mạnh của khu vực Tam Đảo để phát triển thành khu vực vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc và Vùng Thủ đô.
Thu hút các doanh nghiệp trong nước, liên doanh đầu tư vào mảng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dành cho tầng lớp trung lưu phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các ngành công nghiệp chế tạo công nghệ cao cũng như tầng lớp trung lưu của tỉnh và các địa phương lân cận nhằm hình thành trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng; Thiết lập các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu gần dân nhất, kết nối với các dịch vụ, bác sĩ có chất lượng cao để cung cấp dịch vụ chẩn đoán, hội chẩn và tư vấn điều trị từ xa (telehealth), từ các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM) hoặc nước ngoài (Sing, Hàn, Nhật, Mỹ) để khắc phục hạn chế nhân lực hiện tại của tỉnh thông qua việc sử dụng thiết bị chẩn đoán và theo dõi đơn giản, dễ thao tác nhưng độ chính xác cao; kết nối với mạng lưới bác sĩ giỏi (trong nước và quốc tế) và mạng lưới bệnh viện chất lượng cao để hội chẩn từ xa và kịp thời chuyển tuyến.
III. Giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh
3.1. Nhóm giải pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư chiến lược
3.1.1. Các giải pháp về ưu đãi đầu tư
Để có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào Vĩnh Phúc có tính cạnh tranh so với các quốc gia khác, địa phương khác, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế vận động chính sách ở các Bộ ngành Trung ương nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, trong đó có lĩnh vực thu hút đầu tư nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng một số gói ưu đãi cho đối với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư (đặc biệt khuyến khích đầu tư), trong đó chú trọng:
a) Ưu đãi về thuế:
Tận dụng các mức ưu đãi về thuế đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu chế xuất và các ngành dự kiến thu hút đầu tư. Giải pháp này đòi hỏi 3 biện pháp sau:
Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược có nhu cầu và có khả năng đầu tư phát triển, đề xuất Chính phủ cho phép Vĩnh Phúc được hình thành thêm các khu công nghiệp chuyên đề. Tuỳ theo khả năng, Vĩnh Phúc có thể mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế trên địa bàn;
Lập, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh kết hợp với các ưu đãi thuế tương ứng và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và rõ ràng trong danh mục với các cơ quan ở Trung ương;
Hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc xác định mức thuế được ưu đãi đối với từng hoạt động kinh doanh trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án đầu tư, chuẩn bị đầu tư.
b) Ưu đãi về tiếp cận đất đai:
Ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có lĩnh vực đặc thù, phát triển các khu công nghiệp chuyên đề theo các lĩnh vực thu hút đầu tư (chú trọng tới các đặc điểm về kỹ thuật của một số ngành, mô hình sản xuất đòi hỏi quỹ đất lớn, hạ tầng đồng bộ như sảu xuất linh kiện điện tử, dược phẩm…). Xây dựng các phương án về chính sách, rà soát thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược dễ dàng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Giá cho thuê mặt bằng ở các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc được đánh giá ở mức trung bình, chưa có tính cạnh tranh so với các địa phương khác ở Miền Bắc (thấp hơn Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng và cao hơn Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh)[10]. Do đó, nghiên cứu để xác định nguyên nhân tác động tới giá thuê mặt bằng ở Vĩnh Phúc, như bảng giá đất, chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí về hạ tầng và các chi phí khác để có phương án giảm giá thuê mặt bằng.
Rút ngắn thời gian mà nhà đầu tư có thể tiếp cận được đất đai và triển khai dự án đầu tư sau khi đã được cấp phép đầu tư, bao gồm các công tác về giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, các chứng chỉ xin phép đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Để thực hiện được các giải pháp về ưu đãi đất đai, hoàn thành sớm và công khai, đầy đủ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chú trọng quy hoạch các khu công nghiệp chuyên đề, khu kinh tế trong lĩnh vực thu hút đầu tư (máy tính, điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện; công nghiệp dược phẩm), quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có khả năng thực hiện.
Bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch, kế hoạch về phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh với các quy hoạch, kế hoạch của quốc gia.
c) Ưu đãi thuận lợi hạ tầng kỹ thuật:
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ngoài hàng rào cho các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, hàng rào khu công nghiệp, bao gồm hạ tầng giao thông đường bộ, truyền tải điện, hệ thống viễn thông, tiện ích cung cấp nước sạch và thoát nước thải…
Ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có lĩnh vực đặc thù, phát triển các khu công nghiệp chuyên đề theo các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao đi kèm, gần kề các khu công nghiệp (đặc biệt là các khu công nghiệp mới được phê duyệt và các khu công nghiệp phục vụ cho nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược).
Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm có liên quan đến phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp. Thúc đẩy các dự án PPP để thu hút đầu tư xã hội vào cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là giao thông kết nối, hệ thống truyền tải điện, nguồn điện (đặc biệt là các nguồn điện từ năng lượng tái tạo), đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, công suất cung cấp nước sạch cho sản xuất công nghệ cao, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, trường học chất lượng cao, cơ sở y tế chất lượng cao… theo nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn đầu tư công là “vốn mồi” để dẫn dắt, huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
3.1.2. Các giải pháp thu hút đầu tư có tính cạnh tranh khác
Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp khác bổ sung để thu hút đầu tư cần chú ý để có thể thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh, như phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia; tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, KHCN và môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố khả năng liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trên địa bàn tỉnh:
a) Phát triển hạ tầng xã hội
Hoàn thành và công khai, đầy đủ Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chú trọng quy hoạch các khu công nghiệp chuyên đề, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong lĩnh vực thu hút đầu tư (máy tính, điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm), quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có khả năng thực hiện. Đặc biệt là các quy hoạch ngành, lĩnh vực dự kiến thu hút đầu tư để phát huy hiệu quả dòng vốn đầu tư bên ngoài vào tỉnh cùng với các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân tại tỉnh để tạo tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh. Công khai các quy hoạch trên môi trường điện tử và tại các đơn vị thực hiện, hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm rút ngắn thời gian nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cho người lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia (như đô thị sinh thái, chung cư cao cấp), các khu văn hóa, vui chơi, giải trí để đảm bảo nhu cầu làm việc, đời sống của nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh.
Phát triển hệ thống giáo dục phổ thông có chất lượng cao, hệ thống giáo dục phổ thông quốc tế, trường đại học, cơ sở dạy nghề có chất lượng để duy trì đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước sinh sống và làm việc tại Vĩnh Phúc. Tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai để các dự án đầu tư trong hệ thống giáo dục phổ thông có chất lượng cao, hệ thống giáo dục phổ thông quốc tế, trường đại học, cơ sở dạy nghề có chất lượng được thành lập theo biện pháp về ưu đãi hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Thu hút đầu tư vào các dự án y tế có chất lượng cao bao gồm đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân toàn bộ hoặc hợp tác công tư để đầu tư vào hệ thống y tế.
Xây dựng các phương án bảo đảm ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội nhằm tạo ra môi trường kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện chỉ số về “Hạn chế tội phạm có tổ chức”của Việt Nam[11].
b) Phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ
Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong địa bàn tỉnh cũng như ở các địa phương gần Vĩnh Phúc có thể dễ dàng liên kết, hợp tác sản xuất. Một số biện pháp có thể đặt ra gồm:
Thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các hoạt động kinh doanh khác trên địa bàn và các địa phương lân cận, như hoàn thành Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc… phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp logistics của quốc gia[12], tận dụng sự phát triển của sân bay Nội Bài[13].
Rà soát, phối hợp thực hiện xúc tiến và thu hút đầu tư với các địa phương lân cận, địa phương trong Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho cả khu vực, đảm bảo tính kết nối với chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, tránh chồng chéo, cạnh tranh cục bộ giữa các địa phương trong khu vực và cả nước.
c) Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xây dựng cơ chế thu hút tổ chức giáo dục, tổ chức dạy nghề có chất lượng, uy tín ở trong và ngoài nước đầu tư vào Vĩnh Phúc hoặc liên kết đào tạo với các tổ chức giáo dục, tổ chức dạy nghề đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thu hút các hoạt động giáo dục, dạy nghề phục vụ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực mà Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút đầu tư.
Xây dựng các cơ chế khuyến khích bằng tài chính, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ dựa trên thẩm quyền và khả năng hỗ trợ của tỉnh cho các tổ chức giáo dục, tổ chức dạy nghề, các mô hình liên kết đào tạo nghề giữa các cơ sở giáo dục, dạy nghề với doanh nghiệp phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng cơ chế, biện pháp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác quản lý cấp trung và cấp cao ở nước ngoài, các địa phương khác đến làm việc tại Vĩnh Phúc theo các quy định pháp luật, trong đó bao gồm việc cải tiến các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động, thị thực nhập cảnh, lưu trú dài hạn cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư nước ngoài và gia đình của họ.
Xây dựng các biện pháp khuyến khích và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN, quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp theo quy định của Luật Khoa học công nghệ và pháp luật liên quan.
Tăng cường các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh để làm tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, công nghệ, năng lực con người cho việc phát triển các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt phát huy hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc và thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nâng cao và tăng cường tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư hạ tầng.
d) Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa của tỉnh:
Để tăng cường tính kết nối giữa hoạt động đầu tư nước ngoài với các hoạt động sản xuất, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, các cơ quan liên quan cần thực hiện:
Triển khai có hiệu quả Đề án số 776/ĐA-UBND ngày 09/2/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp và các doanh nghiệp nước ngoài, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa, lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, chỉ dẫn thương mại và xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa, lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, chỉ dẫn thương mại trong hội nhập kinh tế quốc tế để vận dụng tối đa các lợi ích và yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do: EVFTA, EVIPA, UKFTA, Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản (VJEPA)… và các xu hướng kinh quản trị kinh doanh toàn cầu mới như: Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG), Kinh doanh có trách nhiệm (B+HR)[14]… Khuyến khích các hoạt động chia sẻ thông tin, cam kết hành động chung về quản trị kinh doanh hiện đại giữa các doanh nghiệp để bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động.
Xây dựng và cập nhật danh mục nguyên liệu, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, có mong muốn được hợp tác đầu tư với nước ngoài, có tính chiến lược để chủ động xúc tiến đầu tiến đầu tư, thu hút hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tập trung vào các sản phẩm, công nghệ sản xuất ít tác động xấu tới môi trường, có khả năng tái chế, giảm phát thải theo hướng Net-Zero.
3.2. Nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
3.2.1. Tạo môi trường thuận lợi về TTHC, minh bạch và phòng ngừa rủi ro tham nhũng
Rà soát và đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tỉnh. Trước mắt, tập trung rà soát, kiến nghị cắt giảm hoặc chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, điều kiện liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh gắn với việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.
Triển khai có hiệu quả việc kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; chú trọng xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và môi trường thực; chuẩn hóa và điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ phù hợp quy định của pháp luật, công tác cải cách thủ tục hành chính và gắn với trách nhiệm công vụ; nâng cao tỷ lệ cung cấp, sử dụng thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh giao dịch thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
Tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, doanh nghiệp, thuế và các vấn đề liên quan đến triển khai dự án đầu tư, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin trong việc triển khai các kế hoạch, phương án đầu tư, thông qua một biện pháp như:
- Công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- Công khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn đất trống;
- Công khai các quy hoạch nhằm rút ngắn thời gian nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Công khai các tiêu chí chọn lọc đầu tư của tỉnh;
- Công bố các bộ TTHC, điều kiện kinh doanh (đặc biệt là các điều kiện về môi trường, giảm phát thải) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến các hoạt động đầu tư kinh doanh, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, hải quan…;
- Công bố các kết quả xử lý TTHC, khiếu nại, vướng mắc tại các trang thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh;
- Công khai các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước, của tỉnh; Danh mục dự án thu hút đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, hữu ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư
- Xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp các thông tin về thu hút đầu tư của bộ phận xúc tiến đầu tư. Trang thông tin này nên được vận hành tối thiểu bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh.
Để có thể triển khai tốt các biện pháp ở trên và nhằm hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, cần triển khai có hiệu quả việc kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chú trọng xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý TTHC trên môi trường điện tử và môi trường thực; chuẩn hóa và điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ.
3.2.2. Đổi mới phương pháp thu hút đầu tư có chọn lọc
Nghiên cứu đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đẩy mạnh các hình thức tìm kiếm, chọn lọc các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thuộc các lĩnh vực mà tỉnh thu hút để thực hiện tiếp cận trực tiếp giới thiệu, quảng bá các dự án, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Giải pháp này sẽ bao gồm việc xây dựng công cụ thu hút đầu tư chọn lọc, bộ máy xúc tiến đầu tư theo phương pháp mới, và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh;
Tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và đầu tư để chủ động tiếp cận các nhà đầu tư có chiến lược đầu tư vào địa bàn tỉnh theo lĩnh vực, nhà đầu tư chiến lược và theo các mục tiêu liên kết sản xuất hàng hóa, dịch vụ mà các doanh nghiệp trong tỉnh có lợi thế hoặc có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài;
Xây dựng các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đăng ký đầu tư và kinh doanh và thủ tục nộp thuế trên địa bàn tỉnh; hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp có hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đối với hoạt động thu hút đầu tư phân theo từng nhóm ngành, đối tượng như: suất đầu tư cho từng nhóm dự án, đơn vị diện tích hoặc đơn vị đầu tư; yêu cầu về hàm lượng công nghệ và chuyển giao công nghệ; tiêu chí về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; tiêu chí về hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ; tiêu chí về bảo vệ môi trường; điều kiện về an ninh quốc phòng và các tiêu chí về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Triển khai mô hình hợp tác “ba nhà” (nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà tư vấn) trong xúc tiến các dự án đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về cơ chế, chính sách, pháp lý, nghiệp vụ về kinh doanh, quản lý đầu tư, phát triển thị trường đối với các lĩnh vực đầu tư. Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cần chủ động tiếp xúc với các đại sứ quán, thương vụ của nước ngoài ở Việt Nam (ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nơi có nhà đầu tư chiến lược có trụ sở chính) và các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam để có thể tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược hoặc giới thiệu về nhu cầu, mong muốn thu hút đầu tư của tỉnh. Dựa trên danh sách các nhà đầu tư cần thu hút, các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam cần chú trọng tiếp cận và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh (các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4, các công ty luật đa quốc gia, các công ty môi giới bất động sản công nghiệp quốc tế…).
Chủ động phối hợp với tổ chức tư vấn xây dựng thương hiệu để hỗ trợ xây dựng thương hiệu Vĩnh Phúc, chiến lược truyền thông thương hiệu.
3.2.3. Xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc
Tỉnh cần xây dựng một số công cụ phục vụ cho các hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư có chọn lọc, bao gồm dòng vốn đầu tư mới và dòng vốn đầu tư tại chỗ. Một số công cụ có thể thực hiện được trong thời gian trước mắt gồm:
Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương (tập trung cho việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lĩnh vực, ngành nghề chiến lược): Danh mục này bổ sung cho Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và các dự án hạn chế, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2024 ban hành kèm theo Quyết định 2906/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành ngày 20/10/2021. Theo quy định của Luật Đầu tư, Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương phải được lập và công bố dựa trên sự phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ[15]. Để thuận tiện cho việc xúc tiến đầu tư và mong muốn thu hút đầu tư của tỉnh, tỉnh cần lập một các phương án (theo gói hoặc riêng lẻ) về ưu đãi đầu tư gắn với từng dự án trong Danh mục dự án thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật và khả năng đáp ứng của tỉnh[16];
Bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng bộ công dựa trên các ưu điểm của các bộ công cụ của các tổ chức Việt Nam và tổ chức quốc tế như đã phân tích ở trên. Bộ công cụ này cần có chỉ tiêu cụ thể đối với các dự án ở những lĩnh vực, trong đó phải có các tiêu chí về bảo vệ môi trường và giảm phát thải, dự án có quy mô lớn, dự án có tác động lan tỏa cho các doanh nghiệp địa phương và thu hút thêm các dự án đầu tư mới. Các chỉ tiêu khi xây dựng cần chú tới suất đầu tư cho từng nhóm dự án, đơn vị diện tích hoặc đơn vị đầu tư; yêu cầu về hàm lượng công nghệ và chuyển giao công nghệ; tiêu chí về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; tiêu chí về hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ; tiêu chí về bảo vệ môi trường; điều kiện về an ninh quốc phòng và các tiêu chí về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Bộ công cụ này phải dễ hiểu, dễ áp dụng và không tạo thêm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và không tạo áp lực cho cán bộ của các cơ quan nhà nước khi áp dụng. Bộ công cụ sàng lọc đầu tư phù hợp với Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và trách nhiệm quản lý đầu tư trên địa bàn theo quy định tại Luật Đầu tư[17].
Bộ công cụ về theo dõi, giải quyết vướng mắc, khiếu nại và vi phạm của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Bộ công cụ này được xây dựng theo phân công trách nhiệm tại Luật Đầu tư[18] để có thể thực hiện tốt công tác chăm sóc các hoạt động đầu tư trên địa bàn nhằm thu hút các hoạt động đầu tư mở rộng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi, thu hút dòng vốn đầu tư mới. Bộ công cụ này cũng giúp cho việc phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử về hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc: Cổng thông tin hoặc trang thông tin này cần phải được thiết kế chuyên nghiệp, bằng nhiều ngôn ngữ, dễ sử dụng để tìm hiểu thông tin, thân thiện với người sử dụng và chứa đựng nhiều thông tin, dữ liệu như đã phân tích ở trên.
3.2.4. Kiện toàn bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ và bộ máy, bao gồm:
a) Về nhiệm vụ:
(i). Tập trung vào các công tác thu hút đầu tư theo mục tiêu mới, bao gồm tiếp cận các tập đoàn đầu chuỗi và các nhà cung ứng then chốt của các chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư;
(ii). Nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp quy định của pháp luật hiệu quả và có ảnh hưởng sâu rộng cho kinh tế xã hội của tỉnh, bao gồm việc đề xuất các chính sách liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng;
(iii). Xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh về danh mục dự án ưu khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh (danh mục theo lĩnh vực, ngành nghề và địa bàn), danh sách nhà đầu tư chiến lược và xây dựng phương án, công cụ sàng lọc đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh;
(iv). Điều phối, theo dõi, đánh giá các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện các công tác hỗ trợ cho nhà đầu tư, bao gồm thủ tục cấp phép đầu tư, ưu đãi đầu tư, tiếp cận đất đai…;
(v). Phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng danh mục, mạng lưới kết nối hệ thống giữa các nhà đầu tư chiến lược với các nhà cung cấp tiềm năng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận;
(vi). Nắm bắt chiến lược đầu tư các tập đoàn đầu chuỗi và các nhà cung ứng then chốt của các chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh để chủ động tiếp cận, xúc tiến các dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và là đầu mối khi làm việc trực tiếp với các tập đoàn này và các công ty cung ứng cho các tập đoàn này.
(vii). Xây dựng và củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ xúc tiến đầu tư, theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động của các dự án trên địa bàn:
+ Xây dựng các báo cáo đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở để xúc tiến các nhóm dự án động lực của từng lĩnh vực.
+ Cơ sở dữ liệu về các KCN, cụm công nghiệp: nêu rõ đặc điểm, lợi thế, định hướng ưu tiên thu hút của từng KCN, cụm công nghiệp.
+ Cơ sở dữ liệu về chính sách hiện hành và chính sách ưu đãi.
+ Cơ sở dữ liệu về nguồn lực địa phương: lao động, trình độ đào tạo của lao động, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn, các trung tâm giới thiệu việc làm, các trung tâm/cơ sở kiểm định chất lượng, cơ sở y tế v.v.).
+ Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo cơ hội cho liên kết sản xuất, tìm nhà cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở dữ liệu gồm lĩnh vực đầu tư, vốn đăng ký, vốn thực hiện, trình độ công nghệ sử dụng, tỷ trọng nguyên vật liệu, linh kiện mua trong nước từ doanh nghiệp trên địa bàn/vùng/toàn quốc, tỷ trọng bán trong nước/xuất khẩu, số lao động nước ngoài có chuyên môn cao.
+ Cơ sơ dữ liệu về các tập đoàn đa quốc gia, lập danh sách các tập đoàn lớn đã thực hiện đầu tư và chưa đầu tư tại tỉnh để Lãnh đạo tỉnh bố trí làm việc và mời gọi đầu tư.
+ Thường xuyên nắm bắt các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, kịp thời xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiếp nhận và theo dõi việc xử lý vướng mắc của nhà đầu tư theo đúng quy định tại quy định của Luật Đầu tư. Chuyển các vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(viii). Chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, gặp gỡ với các đại sứ quán, thương vụ của nước ngoài ở Việt Nam và các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam (như: Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Phòng Thương mại Hàn Quốc (KORCHAM), Hiệp hội Xúc tiến thương mại Đài Loan; Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM), Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EUROCHAM), Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK)... và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh (công ty kiểm toán, công ty luật…). Chủ động phối phối hợp với các đài truyền hình Trung ương (Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và một số đài truyền hình khác) để định kỳ xây dựng phóng sự giới thiệu chuyên sâu về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư.
b) Về bộ máy:
(i). Bộ máy xúc tiến đầu tư cần được bố trí nguồn lực phù hợp cần thiết để thực hiện công việc, như đội ngũ nhân sự có khả năng sử dụng tốt một số ngoại ngữ thông dụng (như Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc…), xây dựng phần mềm, công cụ để quản lý thông tin của nhà đầu tư để sớm dự báo, giải quyết những vấn đề mà nhà đầu tư có nhu cầu, xử lý vướng mắc, bao gồm vấn đề pháp lý và vấn đề khác.
(ii). Bộ máy xúc tiến đầu tư cần có các bộ phận chuyên trách thực hiện hoặc theo dõi việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ nêu trên. Bộ máy xúc tiến bao gồm đại diện của một số sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan chủ yếu tới hoạt động đầu tư (như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp..) để có thể phát huy được vai trò đầu mối, hỗ trợ các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
3.3. Nhóm giải pháp về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
3.3.1. Về quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư
Tăng cường phân công, phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã) đối với công tác quản lý, theo dõi các dự án đầu tư trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư). UBND các huyện, thành phố thực hiện giao trách nhiệm cụ thể cho đơn vị chuyên môn trong việc kiểm tra, theo dõi các dự án được chấp thuận đầu tư trên địa bàn; định kỳ hằng quý rà soát báo cáo với UBND tỉnh các dự án chậm đầu tư, không đầu tư để có giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các huyện, thành phố trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý các sai phạm của các nhà đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan định kỳ hằng quý, hằng năm rà soát công bố công khai các dự án chậm đầu tư, không đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, thu hồi các dự án của các nhà đầu tư chậm triển khai, không đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp căn cứ kết quả rà soát các dự án có biện pháp xử lý các dự án chậm đầu tư, không đầu tư, đầu tư sai mục tiêu, chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm các quy định về đất đai, môi trường, xây dựng.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả của công tác này đối với các dự án, doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp quản trị được các rủi ro sai phạm các quy định pháp luật, thuế và nghĩa vụ tài chính. Xây dựng cơ chế và công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản trị các rủi ro về pháp luật, thuế và các nghĩa vụ tài chính; Xử lý nghiêm các sai phạm của nhà đầu tư, doanh nghiệp cố ý làm trái các quy định dù đã được cảnh báo. Khắc phục tình trạng phạt cho tồn tại sai phạm trong hoạt động đầu tư để xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, công bằng và bình đẳng cho các nhà đầu tư.
3.3.2. Về hỗ trợ các nhà đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc
Đổi mới công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo hướng coi hoạt động này là hoạt động thu hút đầu tư tại chỗ, đầu tư mở rộng và là cơ sở để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Bộ phận giải quyết vướng mắc sẽ được kết hợp vào bộ máy xúc tiến đầu tư để theo dõi, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý vướng mắc. Xây dựng quy trình về theo dõi, giải quyết và phản hồi vướng mắc của nhà đầu tư để bảo đảm hiệu quả và hiệu lực của chính sách và pháp luật.
Duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ và thông qua các hàng quý và các buổi cafe doanh nhân để nghe phán ánh và các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh để nắm bắt được vấn đề vướng mắc một cách khách quan và có giải pháp tháo gỡ.
Định kỳ thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; cải cách thủ tục cho vay, thế chấp tài sản vay vốn; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ;
Thực hiện chế độ công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc có liên quan tới doanh nghiệp, nhà đầu tư của các cơ quan quan, địa phương, đơn vị như: Kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết quả thanh tra, kiểm công vụ, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước; đặc biệt, chú trọng nâng cao thứ hạng của tỉnh ở các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động chính quyền của người dân, doanh nghiệp, như chỉ số PCI, PAPI, PAR Index…
Công khai các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước, của tỉnh; danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, hữu ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
V. Kinh phí thực hiện Đề án
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án, các đơn vị, địa phương chủ động cân đối, sử dụng từ nguồn dự toán được giao hàng năm và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định để thực hiện và tăng cường huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, vận động tài trợ để giảm gánh nặng ngân sách.
I. Nhiệm vụ chung
Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ mục tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, theo chức năng, nhiệm vụ được chủ động tham mưu xây dựng các kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa Đề án.
II. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Nhiệm vụ triển khai trong năm 2023-2024 để thực hiện “đi tắt, đón đầu” các nhà đầu tư chiến lược
(1). Nghiên cứu xây dựng danh mục nhà đầu tư chiến lược cần tập trung xúc tiến đầu tư trước mắt và trung hạn theo các định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực ô tô, xe máy, máy tính, bán dẫn, thiết bị và linh kiện điện tử, điện thoại, pin điện công suất cao, dược phẩm và trang thiết bị y tế;
(2). Tổ chức các hoạt động tiếp xúc để kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang có kết nối về sản xuất, gia công, cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp có công nghệ nguồn, công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng máy tính, bán dẫn, thiết bị và linh kiện điện tử, điện thoại, pin điện công suất cao được sử dụng công nghiệp ô tô hoặc lưu trữ năng lượng…;
(3). Tổ chức các hoạt động tiếp xúc và duy trì quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
(4). Lập quy hoạch, xây dựng đề án về phát triển thêm khu công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này;
(5). Nghiên cứu những thuận lợi, ưu điểm của Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể chuẩn bị về đất sạch sẵn sàng cho các nhà đầu tư chiến lược có thể triển khai dự án đầu tư trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.
(6). Củng cố hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Nghiên cứu để rút gọn các thủ tục, quy trình hành chính để có thể giải quyết nhanh, gọn các đơn xin phép đầu tư và các yêu cầu, kiến nghị khác của nhà đầu tư đối với tỉnh Vĩnh Phúc.
(7). Xây dựng lại hệ thống thông tin về nhu cầu thu hút đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư, các ưu đãi đầu tư và những lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư, bao gồm hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện. Đồng thời, xây dựng phần mềm theo dõi giám sát và cải thiện kết quả thu hút đầu tư chiến lược và chuỗi cung ứng toàn cầu (Dashboard).
(8). Nghiên cứu phương án hỗ trợ nhà đầu tư cũng như triển khai cam kết của Chính phủ về giảm phát ròng bằng không đến năm 2050 để thiết lập hệ thống năng lượng tái tạo, nước tuần hoàn… để các sản phẩm sản xuất tại tỉnh có được yếu tố “xanh”, thoả mãn các yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường trên toàn cầu và ở Việt Nam.
(9). Triển khai dự án vành đai 4 của Hà Nội một cách nhanh chóng, hiệu quả để tăng cường khả năng kết nối giữa Vĩnh Phúc với Hà Nội và các địa phương khác.
2.2. Các nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh
Các sở, ngành trên địa bàn tỉnh chủ động tham mưu xây dựng các kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa các giải pháp đã được đề ra tại Đề án này và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
2.2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Là cơ quan thường trực tổ chức theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu giúp UBND tỉnh định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền và đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.
b) Nghiên cứu tham mưu ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư; danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, dự án khuyến khích đầu tư, dự án hạn chế đầu tư trên địa bàn tỉnh; danh sách các nhà đầu tư chiến lược. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2022-2025.
c) Tiếp tục cập nhật, đánh giá xu hướng đầu tư, tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài vào tỉnh; Tham mưu triển khai công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ngành, địa phương; Triển khai có hiệu quả Đề án số 776/ĐA-UBND ngày 09/2/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Chủ động tổ chức các hoạt động tiếp xúc và duy trì quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
d) Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thi hành pháp luật, công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; Thường xuyên theo dõi, nắm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kịp thời tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực thiện. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án không triển khai hoặc triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và giảm hiệu quả sử dụng đất.
e) Thực hiện rà soát các chỉ số thành phần của PCI và đề xuất giải pháp khắc phục các chỉ số điểm thấp; Rà soát các thủ tục hành chính, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định do cắt giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư. Nghiên cứu xây dựng và ban hành, cập nhật Sổ tay hướng dẫn quy định thực hiện dự án đầu tư, danh mục, báo cáo tổng hợp về các ưu đãi trong hoạt động đầu tư, chú trọng vào các lĩnh vực, dự án, địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; Rà soát, hệ thống hóa các cơ chế, chính sách về đầu tư trong văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời tham mưu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế theo quy định.
f) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của tỉnh đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về môi trường đầu tư, hạ tầng...của tỉnh.
g) Xây dựng và triển khai thực hiện Hệ thống phần mềm quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Hệ thống này tích hợp các thông tin về tình hình triển khai dự án, thông tin về vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư.
h) Chủ trì nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền về việc hình thành thêm các khu công nghiệp chuyên đề, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh dựa trên nhu cầu thu hút nhà đầu tư chiến lược.
2.2.2. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
a) Rà soát các thủ tục hành chính, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định do cắt giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp.
b) Chịu trách nhiệm trong công tác xúc tiến, vận động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Rà soát, kiểm tra và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án không triển khai hoặc triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và giảm hiệu quả sử dụng đất.
d) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền về việc hình thành thêm các khu công nghiệp chuyên đề, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế trên địa bàn tỉnh dựa trên nhu cầu thu hút nhà đầu tư chiến lược. Cung cấp thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cập nhật trực tiếp thông tin lên Hệ thống phần mềm quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.
2.3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hàng năm, tổng hợp, xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
b) Rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục có liên quan đến sử dụng đất, khoáng sản và đánh giá tác động môi trường của dự án.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không triển khai hoặc triển khai quá chậm so với quy định của pháp luật và các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai.
e) Nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định và quản lý báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư.
f) Nghiên cứu phương án hỗ trợ nhà đầu tư cũng như triển khai cam kết của Chính phủ về giảm phát ròng bằng không đến năm 2050 để thiết lập hệ thống năng lượng tái tạo, nước tuần hoàn… để các sản phẩm sản xuất tại tỉnh có được yếu tố “xanh”, thoả mãn các yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường trên toàn cầu và ở Việt Nam.
2.2.3. Sở Công Thương
a) Thực hiện tốt các hoạt động khuyến công, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động, đổi mới, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Cung cấp thông tin và dự báo về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
b) Nghiên cứu Đề án xây dựng Trung tâm triển lãm quốc tế (WTC Expo) nhằm thu hút các triển lãm quốc tế (WTC Expo) triển lãm quốc tế (WTC Expo) sản xuất. Cung cấp thông tin và dự báo về tình hình tiếp cận với nhà tiêu thụ, đầu tư.
c) Dự báo về nhu cầu sử dụng và đáp ứng năng lượng trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh. Xây dựng các kế hoạch về phát triển hạ tầng cho cung ứng năng lượng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn, dự án có mục tiêu sử dụng công nghệ cao.
2.2.4. Sở Xây dựng
a) Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp; lập danh mục các dự án mời gọi đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý, như sản xuất vật liệu xây dựng, nhà ở, dự án khu đô thị,…
b) Rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng trong và ngoài khu công nghiệp.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai.
d) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, quy hoạch việc hình thành thêm các khu công nghiệp chuyên đề, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế trên địa bàn tỉnh dựa trên nhu cầu thu hút nhà đầu tư chiến lược.
2.2.5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá công nghệ đã được sử dụng tại các dự án đang triển khai, kiến nghị biện pháp xử lý đối với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
b) Nghiên cứu, đề xuất quy định hỗ trợ đầu tư về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước sử dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học.
c) Nghiên cứu, đề xuất về ưu đãi, thủ tục hành chính về cấp ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có thành lập và duy trì quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
d) Nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng thành phố thông minh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái số và kinh tế số.
2.2.6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
a) Rà soát, nghiên cứu tham mưu quy định về hỗ trợ đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.
b) Thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, quan tâm đến chế độ, quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp.
c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu các giải pháp về cải thiện, nâng cao về chỉ số thành phần Đào tạo lao động.
2.2.7. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, tạo đồng thuận cao trong việc thu hút đầu tư.
b) Rà soát quy hoạch, tham mưu đề xuất danh mục các dự án mời gọi đầu tư, chịu trách nhiệm xúc tiến, quản lý, theo dõi các dự án trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
c) Phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng, ứng dụng phần mềm tiếp nhận và trả kết quả liên thông giữa các cơ quan gắn với việc xây dựng Chính quyền số.
d) Duy trì, vận hành và quản lý có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hỗ trợ các cơ quan trong việc tuyên truyền, quảng bá; thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm soát việc đăng tải, cập nhật thông tin, dữ liệu, nhất là các dữ liệu về quy trình, thủ tục hành chính tại các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
e) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin.
f) Phối hợp với Sở Khoa học công nghệ trong việc xây dựng Đề án xây dựng thành phố thông minh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái số và kinh tế số.
2.2.8. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo việc đảm bảo an ninh, trật tự cho hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
b) Nghiên cứu và xây dựng các phương án, tiêu chí rõ ràng về doanh nghiệp được phép hoạt động tại Việt Nam, tiêu chí và thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh, tạm trú dài hạn cho nhà khoa học, chuyên gia theo các quy định pháp luật.
c) Xem xét, xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành động kích động, gây rối, phá hoại đến hoạt động triển khai dự án và sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
d) Có biện pháp can thiệp kịp thời, có hiệu quả để tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
2.2.9. Sở Tài chính
a) Rà soát, tham mưu điều chỉnh giá đất phù hợp với quy định của pháp luật, thực tế thị trường và đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
b) Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thu hút đầu tư có liên quan đến các cơ chế, biện pháp tài chính để có bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước và nhà đầu tư.
c) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn việc chuyển giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
d) Phối hợp với Cục Thuế để xây dựng được cơ chế, mức đãi cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để thu hút được đầu tư nước ngoài và cơ chế cảnh báo sớm, quản trị rủi ro về các vi phạm trong lĩnh vực thuế.
2.2.10. Sở Nội vụ
a) Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính và đạo đức công vụ tại các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để kịp thời chấn chỉnh.
b) Tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ công chức để cải thiện về thái độ phục vụ, nâng cao phương pháp làm việc chuyên nghiệp đối với các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
c) Tham gia góp ý, hoàn thiện các đề án, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái số và kinh tế số.
2.2.11. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (bao gồm các thủ tục liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách).
b) Theo dõi, kiểm tra, giám sát thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành đảm bảo giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo mục tiêu đề ra.
2.2.12. Sở Tư pháp
a) Nâng cao chất lượng kiểm tra đề xuất xây dựng quyết định, thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, khả thi, gây khó khăn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là những chính sách liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp; Kịp thời đăng tải các văn bản mới ban hành của tỉnh trên trang thông tin điện tử của Sở để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng.
c) Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số thành phần Thiết chế pháp lý.
d) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
2.2.13. Các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
a) Chủ động rà soát, tham mưu đề xuất danh mục dự án vận động, thu hút đầu tư thuộc ngành, địa bàn quản lý.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư liên quan đến ngành, địa bàn quản lý.
2.2.14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Tạo chuyển biến mạnh trong cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác thông tin, quản lý dữ liệu đầu tư và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn.
b) Nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.
c) Chỉ đạo sát sao các Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và giao đất cho các dự án án đầu tư. Tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương nghiêm chỉnh chấp hành quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
2.2.15. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc
a) Tăng cường công tác tuyên truyền về môi trường đầu tư của tỉnh. Nghiên cứu, bổ sung chuyên trang, chuyên mục về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
b) Chủ động xây dựng kịch bản tuyên truyền hàng tháng, phối hợp với các sở, ngành liên quan về nội dung, hình thức và cách thức thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, đơn vị báo cáo, đề xuất bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
III. Kiến nghị, đề xuất
Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương
- Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Chính sách ưu đãi cần được xây dựng trên nguyên tắc hậu kiểm có điều kiện và thời hạn, thay vì hình thức xác định ưu đãi tiền kiểm và ghi chi tiết trên Giấy chứng nhận đăng`ký đầu tư như hiện nay theo quy định là tập trung ưu tiên vào ngành, lĩnh vực cần phát triển và địa bàn ưu đãi.
- Tiếp tục rà soát/điều chỉnh các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Đầu tư từ đó tập hợp hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật tránh quy định rải rác tại các văn bản hướng dẫn, gây khó khăn cho cơ quan cấp phép khi xác định ưu đãi.
- Nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số cam kết chưa có cách hiểu thống nhất; đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành/lĩnh vực, công bố công khai các quy hoạch theo vùng, địa phương; công bố các điều kiện đầu tư trong từng ngành để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ban hành tiêu chuẩn đối với một số sản phẩm, điều kiện về máy móc, thiết bị và môi trường đối với một số ngành; suất đầu tư/diện tích đất sử dụng đối với một số dự án sử dụng nhiều đất...
- Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý sau cấp phép; thực hiện đầy đủ chức năng hậu kiểm theo chức năng, đặc biệt lưu ý đến vấn đề chuyển giá, môi trường, gian lận đầu tư...Hoàn thiện quy định pháp luật về thanh lý, giải thể, phá sản… Ban hành các chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, nhiều lần giãn tiến độ hoặc tự ý dừng, chấm dứt dự án đầu tư, dự án nhà đầu tư bỏ trốn... để tạo cơ hội cho Nhà đầu tư mới.
- Đề xuất Chính phủ cho phép Vĩnh Phúc được thành lập mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp chuyên đề, khu công nghệ cao để có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược (trong và ngoài nước).
Cùng với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư; lao động; cải thiện cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra... nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác đầu tư nước ngoài.
Tiêu chí |
Bên ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế |
Khu công nghiệp |
Khu công nghệ cao |
Khu kinh tế |
Khu chế xuất |
Khái niệm và phạm vi |
Khu vực bên ngoài là các khu vực đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
|
Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.[1] |
Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.[2] Khu công nghệ cao có thể là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ cao. |
Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.[3]
|
Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu; được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.[4] |
Đặc điểm |
Việc xác định ranh giới của các khu vực bên ngoài căn cứ vào quyền sở hữu và quyền sử dụng đất mà tổ chức, cá nhân được xác lập theo quy định luật đất đai, luật nhà ở, luật dân sự, luật thương mại.
|
- Được xác định ranh giới cụ thể bằng hệ thống hàng rào khu công nghiệp. - Khu công nghiệp phải được thành lập theo quy định của Chính phủ, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. |
- Có ranh giới địa lý xác định. - Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và hoạt động theo quy chế pháp lí do Chính phủ quy định. - Có thể thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, khu ngoại quan, khu bảo thuế, khu dân cư, và hành chính. |
- Có ranh giới địa lý xác định. - Mỗi khu kinh tế hoạt động theo quy chế pháp lý riêng biệt (được ban hành kèm theo quyết định thành lập khu kinh tế đó). - Khi được thành lâp, khu kinh tế không phải giải phóng mặt bằng như công nghiệp, khu chế xuất. Không gian của khu kinh tế được thành lập trên diện tích đất tự nhiên, rộng lớn, có tính đặc biệt về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý. |
- Có ranh giới địa lý (hàng rào khu chế xuất) xác định, phân biệt với các vùng lãnh thổ khác. Ranh giới này có ý nghĩa là hàng rào hải quan, theo đó, tổ chức và hoạt động thương mại trong khu chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan. - Được thành lập theo quy định của Chính phủ và hoạt động theo quy chế pháp lý riêng. |
Chức năng |
Cho phép đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. |
Khu công nghiệp: thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, kích thích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nước, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. |
Khu công nghệ cao: sản xuất, kinh doanh, công nghệ cao, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, hướng tới sản phẩm có hàm lượng công nghiệp. |
Khu kinh tế: cho phép đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng có mục tiêu phát triển trọng tâm nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. |
Khu chế xuất: thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. |
Lĩnh vực đầu tư |
Thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trừ các lĩnh vực được pháp luật quy định phải được tiến hành hoạt động trong những khu đặc thù theo Luật Đầu tư 2020. |
Sản xuất hàng công nghiệp, cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.[5] |
Sản xuất hàng công nghiệp, hàng xuất khẩu, nghiên cứu ứng dụng sản phẩm công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao. |
Phạm vi đầu tư của khu kinh tế rộng hơn các loại khu khác. Khu kinh tế đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nhưng có mục tiêu trọng tâm phù hợp với từng khu kinh tế thành lập ở mỗi địa bàn khác nhau. |
Sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.[6] |
Vấn đề dân cư |
Phức tạp hơn các khu đặc thù do sự phân bổ riêng rẽ và tính đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề đầu tư (hoạt động liền kề các khu dân cư): - Pháp luật nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh; sử dụng nhà ở riêng lẻ vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, sinh hoạt của khu dân cư mà không tuân thủ các quy định của luật về điều kiện kinh doanh[7]. - Các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm phải được di dời. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc một số trường hợp[8] phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư[9]. Đối với khu vực chăn nuôi, sản xuất và phục vụ sản xuất nông nghiệp: - Khu vực chăn nuôi, phục vụ sản xuất phải đảm bảo khoảng cách từ nhà ở tới các khu vực chăn nuôi, sản xuất, kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật > 200 m; - Khu sản xuất phải bố trí gần các trục đường chính, đường liên thôn, liên xã, liên hệ thuận tiện với đồng ruộng và khu ở nhưng phải cuối hướng gió chủ đạo, cuối nguồn nước; - Các công trình phục vụ sản xuất phải bố trí liên hệ thuận tiện với đường giao thông nội đồng. Khoảng cách từ các kho phân hóa học đến khu ở không được < 100 m[10]. Đối với khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung: - Những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường có thể bố trí trong khu ở, tại các nhà phụ của từng hộ gia đình; - Cơ sở sản xuất có tác động xấu tới môi trường phải bố trí thành các cụm, nằm ngoài khu ở, gần đầu mối giao thông; - Khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường[11]. Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định: - Khoảng cách giữa cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới đến những nơi thường xuyên tụ họp đông người tối thiểu là 50 m; - Vị trí các cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới phải bảo đảm tiếp cận thuận tiện và an toàn với hệ thống giao thông.[12] |
Tách biệt với khu dân cư, có phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động nằm ngoài phạm vi địa lý khu công nghiệp và đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định[13]: - Trong khoảng cách an toàn môi trường (ATMT) chỉ được quy hoạch đường giao thông, bãi đỗ xe, công trình cấp điện, hàng rào, cổng, nhà bảo vệ, trạm bơm nước thải, nhà máy xử lý nước thải (XLNT), trạm XLNT, trạm trung chuyển chất thải rắn (CTR), cơ sở xử lý CTR và các công trình công nghiệp và kho tàng khác; - Trong khoảng cách ATMT không được bố trí các công trình dân dụng[14]. |
Được phép thành lập liền kề các khu vực dân cư và hành chính: - Phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh[15]. |
Là một mô hình đặc biệt với quy mô lớn và có ranh giới địa lý xác định nhưng lại không tách biệt với khu dân cư. Tuy nhiên, khu kinh tế phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm: - Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn; - Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; - Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với trường hợp khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; - Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng[16]. |
Tách biệt với khu vực dân cư bên ngoài, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo quy định pháp luật hiện hành[17]: - Được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hệ thống tường rào[18]. - Đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II phải quy hoạch ngoài khu vực xây dựng đô thị. Cấp độc hại và khoảng cách ATMT tuân thủ theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và các văn bản pháp luật về môi trường[19].
|
Ưu đãi đầu tư |
Ưu đãi chung |
||||
Theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật thuế liên quan. Ưu đãi đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.[20]
|
Theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật thuế liên quan và được quy định cụ thể tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu công nghiệp được xác định là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư[21]. Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, được áp dụng kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập.[22] |
Theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật thuế liên quan. Khu công nghệ cao có thể được hưởng ưu đãi chung từ khu công nghiệp chỉ khi đó là khu công nghiệp công nghệ cao[23]. Đối với Khu công nghệ cao theo Phụ lục III Nghị định 31/2021 là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và được hưởng ưu đãi đầu tư.
|
Theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật thuế liên quan và được quy định cụ thể tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế:[24] - Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. - Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu kinh tế được |
Theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật thuế liên quan và được quy định cụ thể tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu chế xuất theo định nghĩa của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 35/2022 là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được ngăn cách với bên ngoài và áp dụng các quy định của khu phi thuế quan[25]. Do đó, ngoài các ưu đãi riêng, khu chế xuất vẫn được hưởng các ưu đãi chung dành cho khu công nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan.[26] |
|
|
Ưu đãi từ ngân sách nhà nước |
||||
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[27].
|
- Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và vốn tín dụng ưu đãi để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[28]. - Công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật[29].
|
Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi và áp dụng các phương thức huy động vốn khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu kinh tế, khu công nghệ cao[30].
|
Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi và áp dụng các phương thức huy động vốn khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu kinh tế, khu công nghệ cao[31]. Phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế: - Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, tính cấp bách của công trình, sự phù hợp với quy hoạch có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. - Việc sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của khu kinh tế được huy động vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. - Khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật. - Được thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các hình thức khác theo quy định để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. |
Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và vốn tín dụng ưu đãi để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp (có bao gồm khu chế xuất) tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[32]. Phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (có bao gồm khu chế xuất): - Có thể được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thông quy quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. - Việc sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. - Có thể sử dụng nguồn vốn viện trợ ODA, vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. - Được thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các hình thức khác theo quy định để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.[33] |
|
Ưu đãi đầu tư |
Ưu đãi về thuế GTGT |
||||
- Một số đối tượng không chịu thuế gồm[34]: + Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng + Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng + Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y + Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học + Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác + [...] - Về thuế suất:[35] + Thuế suất áp dụng 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (trừ một số trường hợp nhất định). + Áp dụng thuế suất 5% cho các hàng hóa, dịch vụ, ví dụ như: Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo cụ, đồ chơi trẻ em [...] + Các hàng hóa, dịch vụ không được quy định trên sẽ áp dụng thuế suất 10%.
|
Không có ưu đãi riêng về ưu đãi thuế GTGT trong khu công nghiệp mà áp dụng theo các quy định chung về hoạt động kinh doanh. Thuế GTGT áp dụng theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT. |
Không có ưu đãi riêng về ưu đãi thuế GTGT trong khu công nghệ cao mà áp dụng theo các quy định chung về hoạt động kinh doanh. Thuế GTGT áp dụng theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT.
|
Không có ưu đãi riêng về ưu đãi thuế GTGT trong khu kinh tế mà áp dụng theo các quy định chung về hoạt động kinh doanh. Thuế GTGT áp dụng theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT.
|
- Chỉ áp dụng miễn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan (có bao gồm khu chế xuất) và giữa các khu phi thuế quan với nhau.[36] - Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở trong khu phi thuế quan (có bao gồm khu chế xuất), ngoại trừ dịch vụ bưu chính viễn thông; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan; Xăng, dầu bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan mua tại nội địa; Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống.[37] |
|
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp |
|||||
- Ưu đãi về thuế suất: + Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với: ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.[38] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới liên quan tới hoạt động công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường.[39] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: (i) Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt mười nghìn tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có doanh thu; (ii) Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên ba nghìn lao động.[40] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, đáp ứng một trong các tiêu chí sau: (i) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao; (ii) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.[41] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu mười hai nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá năm năm kể từ ngày được phép đầu tư.[42] + Áp dụng thuế suất 10% đối với: ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.[43] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua để cho người lao động trong đơn vị mình thuê.[44] ● Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản.[45] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối của hợp tác xã; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.[46] ● Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trừ thu nhập được miễn thuế.[47] + Áp dụng thuế suất 20% (Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, áp dụng thuế suất 17%) trong thời gian mười năm đối với: ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.[48] ● Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống.[49] + Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.[50] + Áp dụng thuế suất 20% (Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, áp dụng thuế suất 17%) đối với thu nhập của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. - Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế: + Miễn thuế tối đa 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm các hoạt động mà thu nhập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm; thu nhập từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.[51] + Miễn thuế tối đa 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm tiếp theo đối với các đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.[52] + Miễn thuế tối đa không quá 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm các dự án mà thu nhập được áp dụng thuế suất 20% trong thời gian mười năm; và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.[53] + Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ đối với doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên, gồm: ● Chi đào tạo lại nghề; ● Chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho cô giáo dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý; ● Chi khám sức khỏe thêm trong năm; ● Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con; ● Lương, phụ cấp trả cho thời gian lao động nữ được nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú theo chế độ nhưng vẫn làm việc.[54] + Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số để đào tạo nghề, tiền hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trong trường hợp chưa được Nhà nước hỗ trợ theo chế độ quy định đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.[55] + Giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.[56] |
- Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: + Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt mười nghìn tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có doanh thu; + Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên ba nghìn lao động[57]. - Ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo[58].
|
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. - Thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp bằng 10% trong thời hạn 15 năm đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghệ cao. - Thời điểm được hưởng ưu đãi: kể từ năm được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. - Thuế suất thông thường: 20%/năm. |
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. - Thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp bằng 10% trong thời hạn 15 năm. - Thuế suất thông thường: 20%. |
- Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo (trừ khu chế xuất nằm trên địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi thì không được hưởng ưu đãi này).[59] - Đối với khu chế xuất nằm trong địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng ưu đãi miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp bằng 10% trong thời hạn 15 năm theo Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. - Thuế suất thông thường: 20%/năm.[60]
|
|
Ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu |
|||||
Các trường hợp được miễn thuế: - Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong định mức phù hợp với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm: + Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi Tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị…; + Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; + Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng - Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh Mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất. - Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền. - Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường [...][61]. |
- Miễn thuế đối với: + Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu; + Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; + Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước[62]. |
- Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa sản xuất trong thời hạn 05 năm để sản xuất cho dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao. - Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. |
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa sản xuất trong thời hạn 05 năm để sản xuất cho dự án đầu tư. - Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. |
- Miễn thuế đối với hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước. - Được hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. |
|
Ưu đãi về đất đai |
|||||
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[63]. |
- Miễn thuế đất: Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất[64]. - Miễn, giảm tiền sử dụng, tiền thuê đất: được thực hiện trong trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại[65].
|
- Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. - Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. - Sau thời gian xây dựng cơ bản, nhà đầu tư tiếp tục được miễn tiền thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao như sau: + 11 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện không thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; + 15 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. + Toàn bộ thời gian thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. |
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ chung trong khu kinh tế được huy động vốn từ quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật về đất đai. - Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. - Sau thời gian xây dựng cơ bản, nhà đầu tư tiếp tục được miễn tiền thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao như sau: + 11 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện không thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; + 15 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. + Toàn bộ thời gian thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. |
- Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. - Sau thời gian xây dựng cơ bản, nhà đầu tư tiếp tục được miễn tiền thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao như sau: + 11 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện không thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; + 15 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. + Toàn bộ thời gian thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. |
[1] Luật Đầu tư năm 2020, Chương I, Điều 3, Khoản 16.
[2] Luật Công nghệ cao năm 2008, Chương V, Điều 31, Khoản 1.
[3] Luật Đầu tư năm 2020, Chương I, Điều 3, Khoản 17.
[4] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương I, Điều 2, Khoản 2.
[5] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương I, Điều 2, Khoản 1.
[6] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương I, Điều 2, Khoản 2.
[7] Luật Nhà ở 2014, Điều 6, Khoản 11, 12.
[8] Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chương V, Điều 53, Khoản 2.
[9] Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 52
[10] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 16, Điểm 7.
[11] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 16, Điểm 8.
[12] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 6, Điểm 11.
[13] Nghị định 49/2021/NĐ-CP, Điều 1, Khoản 5; Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Điều 77, Khoản 9.
[14] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 5, Điểm 1,2.
[15] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 5, Điểm 1.
[16] Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chương V, Điều 50.
[17] Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Điều 52, Khoản 2; Luật Bảo vệ môi trường 2020, Điều 53, Khoản 2; Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 47.
[18] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 26, Khoản 2
[19] Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD, Điều 2, Khoản 5, Điểm 1.
[20] Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Phụ lục III.
[21] Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Phụ lục III.
[22] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 22, Khoản 1.
[23] Luật Công nghệ cao 2008.
[24] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 22.
[25] Nghị định 35/2022/NĐ-CP & Luật Đầu tư 2020.
[26] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 26, Khoản 3.
[27] Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Điều 19, Khoản 1
[28] Luật Đầu tư 2020, Chương III, Điều 19, Khoản 2
[29] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 23, Khoản 6
[30] Luật Đầu tư 2020, Chương III, Điều 19, Khoản 3.
[31] Luật Đầu tư 2020, Chương III, Điều 19, Khoản 3.
[32] Luật Đầu tư 2020, Chương III, Điều 19, Khoản 2.
[33] Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Chương III, Điều 23.
[34] Xem đầy đủ tại Luật thuế giá trị gia tăng (VBHN số 01/VBHN-VPQH), Điều 5
[35] Xem đầy đủ tại Luật thuế giá trị gia tăng (VBHN số 01/VBHN-VPQH), Điều 8
[36] Thông tư 219/2013/TT-BTC, Chương I, Điều 5, Khoản 20.
[37] Thông tư 219/2013/TT-BTC, Chương II, Điều 9, Khoản 3.
[38] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, khoản 1, Điểm a.
[39] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, khoản 1, điểm b.
[40] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 1, Điểm d.
[41] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 1, Điểm đ.
[42] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 1, Điểm e.
[43] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 2, Điểm a.
[44] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 2, Điểm b.
[45] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 2, Điểm c.
[46] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 2, Điểm d.
[47] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 2, Điểm đ.
[48] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 3, Điểm a.
[49] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 3, Điểm b.
[50] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 3a.
[51] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 14, Khoản 1.
[52] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 14, Khoản 1a.
[53] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 14, Khoản 2.
[54] Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTC ngày 07/5/2018), Chương IV, Điều 17, khoản 1.
[55] Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTC ngày 07/5/2018), Chương IV, Điều 17, khoản 2.
[56] Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTC ngày 07/5/2018), Chương IV, Điều 17, Khoản 3.
[57] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 13, Khoản 1, Điểm d.
[58] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), Chương III, Điều 14, Khoản 2
[59] Nghị định 218/2013/NĐ-CP, Chương 4, Điều 16, Khoản 3.
[60] Thông tư 78/2014/TT-BTC, Chương II, Điều 11, Khoản 1.
[61] Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu 2016, Chương IV, Điều 16, điểm 1, 4, 11, 13, 17, 19
[62] Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu 2016, Chương IV, Điều 16, điểm 6, 7, 8
[63] Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Điều 19, Khoản 1
[64] Luật Đất đai 2013, Điều 149, Khoản 2
[65] Luật Đất đai 2013, Điều 110, Khoản 1, Điểm a
PHỤ LỤC 2:
CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC CHO TỈNH VĨNH PHÚC
STT |
VĂN BẢN |
QUY ĐỊNH TRÍCH DẪN |
NỘI DUNG QUY ĐỊNH |
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ |
|||
1 |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam |
Quyết nghị - Phần I - Quan điểm chỉ đạo |
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. |
Quyết nghị - phần I - Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 |
(2) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh [...] đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. |
||
Quyết nghị - phần I - Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII |
(2) [...] đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; |
||
2 |
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị |
II.1. Quan điểm chỉ đạo |
- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. - Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. - Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |
III.2. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư |
- Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ. - Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. - Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. - Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến. - Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. - Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. |
||
3 |
Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị |
III.4. Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp |
- Đổi mới chính sách và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm. Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp đến năm 2030 theo hướng: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ "cao, mới, sạch, tiết kiệm", sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỉ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Quy định chặt chẽ về chế độ báo cáo thông tin của các doanh nghiệp FDI với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế. Xây dựng và công khai danh mục các dự án đầu tư công nghiệp quốc gia và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút FDI có chất lượng cao. Nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp. |
4 |
Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ |
Quyết nghị - IV. Một số nhiệm vụ cần thực hiện gắn với trách nhiệm Bộ, ngành và địa phương 1. Bộ Công thương |
- Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác xúc tiến thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới nhằm tận dụng sự dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh mới; khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh đặt nhà máy sản xuất cấp khu vực tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. - Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế về thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. |
Quyết nghị - IV. Một số nhiệm vụ cần thực hiện gắn với trách nhiệm Bộ, ngành và địa phương 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút các dự án đầu tư FDI quy mô lớn có gắn với chính sách phát triển nhà cung cấp nội địa trên cơ sở mức độ ưu đãi và hỗ trợ được hưởng; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. - Ban hành các quy định và tiêu chí về thu hút đầu tư FDI: + Có tính đến quy hoạch không gian lãnh thổ, ngành nghề thu hút đầu tư; phân cấp thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi có dự án đầu tư nước ngoài tránh chồng chéo trùng lặp, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng kinh tế lãnh thổ; + Không khuyến khích cấp phép các dự án FDI sản xuất các linh kiện và phụ tùng có quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. |
||
Quyết nghị - IV. Một số nhiệm vụ cần thực hiện gắn với trách nhiệm Bộ, ngành và địa phương 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế (với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức, ... và các tổ chức quốc tế) trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp hỗ trợ. |
||
5 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 9, Khoản 1,2,3 Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài |
1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. 3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; b) Hình thức đầu tư; c) Phạm vi hoạt động đầu tư; d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ghi chú: Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện bao gồm: - Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; - Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; - Kinh doanh dược) |
Điều 15 Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư Khoản 1 |
1. Hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm: a) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; c) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; d) Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. |
||
Điều 17 Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư |
Căn cứ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư. (Ghi chú: Điều này được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 Điều 23. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư 1. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư và Điều 19 của Nghị định này. 2. Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi. 3. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định này gồm: a) Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; b) Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; c) Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao; d) Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đ) Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. 4. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.) |
||
Điều 18 Hình thức hỗ trợ đầu tư |
1. Các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm: a) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; b) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; c) Hỗ trợ tín dụng; d) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước; đ) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; e) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; g) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. 2. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác. |
||
6 |
Luật Công nghệ cao 2008 |
Điều 7, Khoản 1, 2 Hợp tác quốc tế về công nghệ cao |
1. Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tập đoàn kinh tế đa quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 2. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao; thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện hoạt động công nghệ cao tại Việt Nam. Ghi chú: Căn cứ theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ - Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ phát triển hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm nền tảng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng; Công nghệ chế tạo vật liệu bán dẫn, quang điện tử, quang tử và siêu vật liệu biến hóa (metamaterials). - Sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển gồm: Thiết bị kỹ thuật số xử lý và truyền dữ liệu tự động; Webcam thế hệ mới; thiết bị khuếch đại âm tần kỹ thuật số; bộ tăng âm kỹ thuật số; Máy tính song song, máy tính hiệu năng cao; Linh kiện bán dẫn điện tử công suất thế hệ mới) |
Điều 10, Khoản 1, 2 Biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao |
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này được ưu đãi, hỗ trợ như sau: a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Ghi chú: Nội dung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản này được bãi bỏ bởi điểm c khoản 4 Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) b) Được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và kinh phí khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; c) Hưởng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. 2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này. |
||
Điều 12 Biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ cao |
1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này được ưu đãi, hỗ trợ như sau: a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Ghi chú: Nội dung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản này được bãi bỏ bởi điểm c khoản 4 Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) b) Được xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; c) Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao. 2. Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. 3. Phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hình thành do liên kết giữa tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và hoạt động từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. 4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm: a) Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; b) Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu và phát triển về công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này. |
||
7 |
Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc |
Điều 2, Khoản 5 |
5. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. |
8 |
Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc |
Chương II, Điều 8, Khoản 2 |
Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu 2. Mức hỗ trợ 70% áp dụng cho các nội dung sau: a) Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. b) Chi hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ: Theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí. |
9 |
Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Phần I Định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, (2.2) Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 |
(6) Thu hút vốn đầu tư từ 2,0 đến 2,5 tỷ USD vốn FDI và 20 đến 25 nghìn tỷ đồng vốn DDI. |
Phần I. Định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, (3.2) Các khâu đột phá |
(1) Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Trước mắt, quy hoạch để phát triển 01 khu công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh. |
||
10 |
Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Phần VIII, Chương I , Mục 1.3.1 |
Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng), phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay. Không cố định theo quốc gia hay đối tác nào mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể dựa vào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đó để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, khả năng bền vững, sinh lời của dự án. Không thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động quá lớn với công nghệ giản đơn cho thể làm xáo trộn cung - cầu lao động, ảnh hưởng tới các dự án khác. |
11 |
Quyết định số 2906/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và danh mục các dự án hạn chế, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 |
Điều 2, Khoản 1, 2 |
1. Các dự án hạn chế đầu tư đối với đầu tư nước ngoài: - Các dự án ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường tại Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. - Các dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Mục I, Phụ lục II, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. - Các dự án sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có công nghệ đã qua sử dụng và lạc hậu theo yêu cầu tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. [...]. 2. Các dự án không thu hút đầu tư: - Các dự án thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020. - Các dự án sử dụng công nghệ cấm chuyển giao quy định tại Mục I, Phụ lục III, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. - Các dự án sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. - Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. - Ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng. (Ghi chú: - Các dự án hạn chế đầu tư nước ngoài bao gồm: Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử chân không, linh kiện bán dẫn mức độ tích hợp thấp; Công nghệ sản xuất các loại thuốc sát trùng gia dụng, thuốc diệt côn trùng, diệt chuột bằng phương pháp sinh học gây độc hại cho con người và môi trường - Các dự án không thu hút/cấm đầu tư bao gồm: Công nghệ thông tin di động CDMA 2000-1X; Công nghệ sản xuất tivi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ analog; Công nghệ phá sóng, chèn sóng vô tuyến điện (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; Công nghệ chặn thu, giải mã các hệ thống thông tin (trừ trường hợp chuyển giao phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh); Công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) |
LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP Ô TÔ |
|||
1 |
Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 |
Phần V, của Nghị quyết, Mục 3 về Các nhiệm vụ chủ yếu |
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số b) Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, gồm: - Về công nghiệp: + Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. + Sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để giải phóng sức phát triển công nghiệp của cả khu vực nhà nước và tư nhân. Tập trung xây dựng và hoàn thiện khung chính sách cho phát triển ngành công nghiệp. Phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển toàn diện chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. |
2 |
Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày ngày 16 tháng 07 năm 2014 về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 |
Điều 1, Khoản 1 về Quan điểm |
- Ngành công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển; - Phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tuy nhiên phải gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia - Đến năm 2035: ngành công nghiệp ô tô đảm bảo hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội , môi trường, tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô của thế giới. |
Điều 1, Khoản 2 về Chiến lược phát triển |
Phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại. Các nhóm sản phẩm ưu tiên: - Xe tải nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xe khách tầm trung và tầm ngắn từ 10 chỗ trở lên chạy liên tỉnh, huyện, nội đô; - Xe chở người đến 9 chỗ phục vụ nhu cầu cá nhân; - Xe chuyên dụng phục vụ nhu cầu lớn (an ninh, quốc phòng,...); xe nông dụng nhỏ dad chức năng đáp ứng nhu cầu của đồng bào nông thôn và miền núi; - Công nghiệp hỗ trợ (ché tạo chi tiết, linh kiện cho một vài chủng loại xe), hợp tác với các hãng ô tô lớn, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. |
||
Điều 1, Khoản 5 về Giải pháp và cơ chế chính sách |
a) Giải pháp - Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, cụ thể hóa một số nội dung của Chiến lược này. - Xây dựng Chương trình/Kế hoạch hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với các quốc gia có công nghiệp ô tô phát triển. - Lựa chọn một số bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị cấu thành ô tô đưa vào Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm. - Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế. b) Cơ chế chính sách - Nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu đài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. - Rà soát, điều chỉnh chính sách cho vay dài hạn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với lãi suất phù hợp theo từng thời kỳ đối với những dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. - Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển của công nghiệp ô tô, đặc biệt đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường. - Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư. |
||
3 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 15, Khoản 5, Điểm b Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư |
5. Ưu đãi đầu tư quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này không áp dụng đối với các dự án đầu tư sau đây: a) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; b) Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô , tàu bay, du thuyền; |
Điều 16, Khoản 1, Điểm c,d; Điều 16, Khoản 2 Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư |
1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm: c) Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô , phụ tùng ô tô; đóng tàu; d) Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; [...] 2. Địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm: a) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; b) Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. (Ghi chú: Danh mục sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển bao gồm công nghiệp ô tô (Quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP)) |
||
4 |
Luật đất đai 2013 |
Điều 110, Khoản 1, Điểm a Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất |
1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; |
5 |
Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước |
Điều 4, Khoản 1, Điểm a Đơn giá thuê đất |
1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá Đơn giá thuê đất hàng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất. a) Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là 1%, riêng đối với: - Đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối đa không quá 3%. - Đất thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật, căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 0,5%. Mức tỷ lệ phần trăm (%) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện. |
Điều 19, Khoản 1 Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước |
1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau: a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
||
6 |
Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 |
Điều 1, Khoản 2 |
2. Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trong danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức có liên quan. (có phụ lục danh mục kèm theo quyết định này) (Ghi chú: Phụ lục phần II: NGÀNH SẢN XUẤT LẮP RÁP Ô TÔ) |
7 |
Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển Công nghiệp hỗ trợ |
Phụ lục Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển |
IV. NGÀNH SẢN XUẤT LẮP RÁP Ô TÔ: - Động cơ và chi tiết động cơ: Thân máy, piston, trục khủyu, thanh truyền, bánh răng, cụm ống xả, xi lanh, cụm đầu xi lanh, trục cam, xéc-măng, van động cơ; - Hệ thống bôi trơn: Bộ lọc dầu, bộ làm mát, bộ tản nhiệt, bơm dầu, các loại van; - Hệ thống làm mát: Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van hằng nhiệt, bơm nước; - Hệ thống cung cấp nhiên liệu: Thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu; - Khung - thân vỏ - cửa xe: Các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi, thùng xe tải, bậc lên xuống, cụm cửa xe; - Hệ thống treo: Nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn; - Bánh xe: Lốp xe, vành bánh xe bằng hợp kim nhôm; - Hệ thống truyền lực: Ly hợp, hộp số, cầu xe, trục các đăng; - Hệ thống lái; - Hệ thống phanh; - Linh kiện điện - điện tử: + Nguồn điện: Ắc quy, máy phát điện; + Thiết bị đánh lửa: Bugi, cao áp, biến áp; + Rơle khởi động, động cơ điện khởi động; + Dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý. - Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: Đèn, còi, đồng hồ đo các loại; - Hệ thống xử lý khí thải ô tô; - Linh kiện nhựa cho ô tô; - Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn; - Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe. |
8 |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) |
Điều 10, Khoản 1, Khoản 2 về Thuế suất |
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. 2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. |
Điều 13, Khoản 1, điểm đ về Ưu đãi về thuế suất |
1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với: đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau: - Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương. |
||
Điều 14, Khoản 1, Khoản 2 về Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế |
1. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo. 2. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo. |
||
Điều 18, Khoản 1, Khoản 2 về Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế |
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện dự án đầu tư mới quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 2. Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được ưu đãi thuế; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. |
||
9 |
Luật Thuế giá trị gia tăng (Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 28/04/2016) |
Điều 5, Khoản 17 về Đối tượng không chịu thuế |
17. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng… |
Điều 8, Khoản 1 về Thuế suất |
1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu. |
||
10 |
Luật Bảo vệ môi trường 2020 |
Điều 65, Khoản 1, Khoản 7 về Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải |
1. Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.. 7. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. |
11 |
Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Phần II - Chương XV - Mục 1.4 |
Tập trung mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, xe máy. Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày,... |
Phần III - Chương II - Mục 2.2 |
Bên cạnh đó, cần thu hút các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cho các ngành ưu tiên đầu tư mũi nhọn, như sản xuất ô tô xe máy, sản phẩm điện tử, du lịch, dịch vụ... |
||
Phần III - Chương III - Mục 2.1 |
2. Phương hướng phát triển công nghiệp 2.1. Quan điểm phát triển Phát triển công nghiệp là nền tảng, trong đó trọng tâm là công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô - xe máy, ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). |
||
12 |
EFVTA |
Phụ lục 8-B/ Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam Phần B: Cam kết cụ thể về tự do hóa đầu tư trong các ngành phi dịch vụ 5. Ngành sản xuất |
R. Sản xuất xe có động cơ, rơ-moóc và xe bán rơ-moóc (ISIC rev3.1:34 ): Không hạn chế, ngoại trừ đầu tư sản xuất lắp ráp xe hơi (ISIC 3410) phải căn cứ vào quy hoạch của Chính phủ, quy hoạch này có thể dành ưu đãi hơn cho nhà đầu tư trong nước (ví dụ nhà sản xuất trong nước với mặt hàng xe máy có thể được ưu tiên về số lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và ưu tiên về địa điểm). |
Phụ lục 2-B: Cam kết của Việt Nam về Phương tiện cơ giới và Phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới Điều 4: Mở cửa thị trường |
- Nếu sản phẩm có chứng nhận kiểu loại hợp lệ của UNECE, sản phẩm sẽ được coi là đã tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nội địa. - Đối với các phụ tùng và thiết bị: Sau khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định UNECE 1958, Liên minh Châu Âu sẽ chấp nhận các phụ tùng và thiết bị có chứng nhận kiểu loại hợp lệ của UNECE do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận kiểu loại của Việt Nam ban hành tuân theo các quyền và nghĩa vụ của Hiệp định UNECE 1958. - Đối với xe nguyên chiếc loại M1 theo UNECE: Việt Nam sẽ chấp nhận là phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật nội địa, mà không yêu cầu thử nghiệm thêm nếu sản phẩm nhập khẩu xe nguyên chiếc loại M1 đã được EU cấp giấy Chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc quốc tế UNECE hợp lê. Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, trong vòng 7 năm kế tiếp, Việt Nam sẽ chấp nhận Chứng nhận hợp chuẩn cho toàn xe hợp lệ của Ủy ban châu Âu Ghi chú: 1. Hiện nay Việt Nam chưa gia nhập UNECE. 2. Đối tượng áp dụng: - xe nguyên chiếc loại M1 theo Quy định của Ủy ban kinh tế châu Âu Liên Hiệp Quốc (UNECE) và các phụ tùng, thiết bị của xe nguyên chiếc loại M1; và - các phụ tùng, thiết bị của xe loại M2 và N3 cũng áp dụng được cho xe nguyên chiếc loại M1 theo Quy định của UNECE. |
||
13 |
CPTPP |
Phụ lục I NCM (Việt Nam), trang I-VN-21 |
Ngành sản xuất: Phân ngành: Chế tạo thiết bị chạy trên đường xe lửa, thiết bị thay thế, toa tàu và xe ô tô chở khách Không được đầu tư nước ngoài vào hoạt động chế tạo thiết bị chạy trên đường xe lửa, thiết bị thay thế, toa tàu và xe ô tô chở khách ngoại trừ thông qua liên doanh hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam, với phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49% |
14 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản |
Phụ lục 2 về Quy tắc cụ thể của hàng hóa Phần XVII Phương tiện, máy bay, tàu thuyền và phương tiện vận tải liên quan (Chapter 86-89) |
Phương tiện, máy bay, tàu thuyền và phương thiện vận tải liên quan xuất khẩu từ thị trường các Bên sẽ chịu sự điều chỉnh của quy tắc xuất xứ (Chương 3 Hiệp định) Tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa LVC yêu cầu tối thiểu là 40% Điều 27 Hiệp định: Công thức tính hàm lượng giá trị nội địa 1, Công thức tính LVC như sau: LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100% Trong đó: FOB: là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu; VNM: là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. |
15 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. |
Chương 13 của Hiệp định về Hợp tác kinh tế Điều 13.2. Các lĩnh vực hợp tác |
Trên cơ sở lợi ích chung, VN và HQ sẽ tìm hiểu và tiến hành hợp tác trong các ngành liên quan đến công nghiệp bao gồm: ô tô; thép và kim loại; hóa dầu; điện tử; máy móc; may mặc, dệt may và giày dép; phân phối và logistics; các ngành khác có thể thỏa thuận được. |
Chương 13 của Hiệp định về Hợp tác kinh tế Điều 13.3. Hình thức hợp tác |
Hỗ trợ kỹ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực; Trao đổi quan điểm và thông tin; Trao đổi chuyên gia; Hội nghị và hội thảo; xây dựng và cải thiện thể chế, xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, chiến lược phát triển; Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu cơ bản, cùng nghiên cứu và phát triển; Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, v.v. |
||
LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN |
|||
1 |
Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 |
Mục V, Khoản 3, Điểm b |
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số b) Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, gồm: - Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. |
2 |
Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 2014 về Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 |
Điều 1, Khoản 2, điểm b về Chiến lược phát triển công nghiệp, điểm b |
Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược b) Ngành Điện tử và Viễn thông Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện. |
Điều 1, Khoản 4, điểm a về Định hướng phát triển |
a) Đến năm 2025 - Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. |
||
Điều 1, Khoản 5, điểm b về Nhóm giải pháp dài hạn |
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ + Lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. + Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi cụ thể cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu và khu, cụm công nghiệp hỗ trợ. Ở từng thời điểm cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của ngành. - Điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ + Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp. + Ban hành chính sách khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành (cluster) theo các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, đặc biệt tại các vùng công nghiệp lõi và công nghiệp đệm. + Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp quy mô vùng, ưu tiên các dự án phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao (cơ khí chế tạo, tin học, điện tử, thông tin truyền thông....). |
||
Điều 1, Khoản 5, điểm c về Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên |
- Ngành Điện tử và Viễn thông + Khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa. + Phát triển các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng phục vụ quốc phòng như điện tử điều khiển tên lửa hành trình, điện tử viễn thông do thám, tìm kiếm; điện tử trong các thiết bị bay không người lái... |
||
3 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 16, Khoản 1, Điểm d về Ngành, nghề ưu đãi đầu tư |
d) Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; (Ghi chú: Danh mục sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển bao gồm công nghiệp bán dẫn (Quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP)) |
4 |
Luật Công nghệ cao 2008 |
Điều 5, Khoản 1 về Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển |
1. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ sau đây: a) Công nghệ thông tin; b) Công nghệ sinh học; c) Công nghệ vật liệu mới; d) Công nghệ tự động hóa. |
5 |
Quyết định số 3663/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc |
II.1. Mục tiêu tổng quát |
[...] Thu hút đầu tư và phát triển một số sản phẩm công nghệ vật liệu, bộ điều khiển, thiết kế vi mạch phục vụ cho lĩnh vực điện tử, các chất hoạt động bề mặt, chất phụ gia, lĩnh vực thiết bị chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. [...] |
Phần IV, Mục 1.1: Thúc đẩy đầu tư công nghiệp hỗ trợ |
Xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường liên kết vùng về công nghiệp hỗ trợ. Tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài [...] |
||
Phần IV, Mục 4.2: Các hoạt động chính |
[...] Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, sáng kiến, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp thuê chuyên gia nước ngoài, kết nối chuyên gia để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở đó xem xét giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; [...] |
||
6 |
Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 |
Điều 1, Khoản 2 về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng |
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trong danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức có liên quan. (có phụ lục danh mục kèm theo quyết định này) (Ghi chú: Phụ lục phần I: NGÀNH ĐIỆN TỬ: - Vật liệu sản xuất linh kiện điện tử: Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực;) |
7 |
Luật đất đai 2013 |
Điều 110, Khoản 1, Điểm a Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất |
1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; |
Điều 150. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao |
1. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao. [...] 5. Doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất; người có nhu cầu sử dụng đất trong khu công nghệ cao được thuê lại đất của doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng. [...] 7. Nhà nước khuyến khích tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghệ cao và khuyến khích tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất vào mục đích phát triển khoa học và công nghệ. |
||
8 |
Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước |
Điều 4, Khoản 1, Điểm a Đơn giá thuê đất |
1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá Đơn giá thuê đất hàng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất. a) Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là 1%, riêng đối với: - Đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối đa không quá 3%. - Đất thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật, căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 0,5%. Mức tỷ lệ phần trăm (%) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện. |
Điều 19, Khoản 1 Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước |
1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau: a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
||
9 |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) |
Điều 10 Thuế suất |
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. 2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. |
Điều 13 về Ưu đãi về thuế suất |
1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với: a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; [...] c) Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; […] đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau: - Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; - Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương. |
||
Điều 14, Khoản 1 Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế |
1. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo. |
||
Điều 18 về Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế |
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện dự án đầu tư mới quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 2. Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được ưu đãi thuế; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. |
||
10 |
Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Phụ lục Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển |
III. Ngành điện tử - Vật liệu sản xuất linh kiện điện tử: Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực; |
Điều 4. Nghiên cứu và phát triển |
- Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được tài trợ hoặc xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm; - Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu |
||
Điều 5. Ứng dụng và chuyển giao |
- Được hưởng ưu đãi của pháp luật về chuyển giao công nghệ; - Được hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng trong việc chuyển giao công nghệ; - Được hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí chế tạo thử nghiệm. |
||
Điều 6. Phát triển nguồn nhân lực |
- Được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Đào tạo nguồn nhân lực; - Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài. |
||
Điều 7. Hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ |
- Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư - Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phát triển nhân lực. |
||
Điều 12. Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển |
1. Ưu đãi chung a) Thuế thu nhập doanh nghiệp: b) Thuế nhập khẩu: c) Tín dụng: d) Thuế giá trị gia tăng: đ) Bảo vệ môi trường: 2. Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
||
11 |
EVFTA |
Phụ lục 8-B về Các cam kết cụ thể của Việt Nam |
e) Sản xuất thiết bị điện tử và các dụng cụ chưa được phân vào đâu (ISIC rev3.1:31) Không hạn chế, ngoại trừ: Sản xuất đèn trời (ISIC 3150): Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành và phân ngành này. |
12 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản |
Phụ lục 2 về Quy tắc cụ thể của hàng hóa Mã HS 84.86, HS 85.41 |
Mã HS 84.86 Máy và thiết bị chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng để sản xuất các khối bán dẫn hoặc tấm bán dẫn mỏng, linh kiện bán dẫn, mạch điện tử tích hợp hoặc màn hình phẳng Mã HS 854140: Thiết bị bán dẫn cảm quang, kể cả tế bào quang điện đã hoặc chưa lắp ráp thành các mảng module hoặc thành bảng; đi-ốt phát quang (LED) Theo nội dung hiệp định, Tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa LVC yêu cầu tối thiểu là 40%. Điều 27 Hiệp định: Công thức tính hàm lượng giá trị nội địa Công thức tính LVC như sau: LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100% Trong đó: FOB: là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu; VNM: là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. |
13 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. |
Chương 13 của Hiệp định về Hợp tác kinh tế Điều 13.2. Các lĩnh vực hợp tác |
Trên cơ sở lợi ích chung, VN và HQ sẽ tìm hiểu và tiến hành hợp tác trong các ngành liên quan đến công nghiệp bao gồm: ô tô; thép và kim loại; hóa dầu; điện tử; máy móc; may mặc, dệt may và giày dép; phân phối và logistics; các ngành khác có thể thỏa thuận được. |
Chương 13 của Hiệp định về Hợp tác kinh tế Điều 13.3. Hình thức hợp tác |
Hỗ trợ kỹ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực; Trao đổi quan điểm và thông tin; Trao đổi chuyên gia; Hội nghị và hội thảo; xây dựng và cải thiện thể chế, xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, chiến lược phát triển; Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu cơ bản, cùng nghiên cứu và phát triển; Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, v.v. |
||
LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP MÁY TÍNH |
|||
1 |
Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 |
Mục V, Khoản 3, Điểm b |
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số b) Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, gồm: - Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. |
2 |
Quyết định số 392/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 03 năm 2015 về ngày 27 tháng 03 năm 2015 Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 |
Mục I, Khoản 2, điểm a về tầm nhìn đến năm 2025 |
Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia. |
3 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 16, Khoản 1, Điểm d về Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư |
1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm: d) Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; (Ghi chú: Danh mục sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển bao gồm công nghiệp máy tính (Quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP)) |
4 |
Luật Công nghệ cao 2008 |
Điều 5, Khoản 1, điểm a Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển |
1. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ sau đây: a) Công nghệ thông tin; |
5 |
Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 |
Điều 1, Khoản 2 về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng |
2. Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trong danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức có liên quan. (có phụ lục danh mục kèm theo quyết định này) (Ghi chú: Phụ lục phần III: NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO VÀ CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: - Các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các loại chíp vi xử lý; ...) |
6 |
Luật Công nghệ thông tin 2006 Luật số: 67/2006/QH11 ngày 29/06/2006 |
Điều 5 Chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin |
3. Khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin. |
Điều 48 Chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin |
1. Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân. 2. Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đầu tư phát triển và cung cấp thiết bị số giá rẻ. 3. Chính phủ quy định cụ thể mức ưu đãi, ưu tiên và các điều kiện khác cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. |
||
7 |
Luật đất đai 2013 |
Điều 110, Khoản 1, Điểm a Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất |
1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; |
Điều 150. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao |
1. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao. [...] 5. Doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất; người có nhu cầu sử dụng đất trong khu công nghệ cao được thuê lại đất của doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng. [...] 7. Nhà nước khuyến khích tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghệ cao và khuyến khích tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất vào mục đích phát triển khoa học và công nghệ. |
||
8 |
Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước |
Điều 4, Khoản 1, Điểm a Đơn giá thuê đất |
1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá Đơn giá thuê đất hàng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất. a) Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là 1%, riêng đối với: - Đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối đa không quá 3%. - Đất thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật, căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 0,5%. Mức tỷ lệ phần trăm (%) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện. |
Điều 19, Khoản 1 Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước |
1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau: a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
||
9 |
Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 hướng dẫn luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin |
Điều 25, Khoản 1 về Ưu đãi đầu tư |
1. Cơ sở nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kinh doanh về công nghiệp công nghệ thông tin được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số l08/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Ghi chú: Hiện nay nội dung này được quy định tại Luật đầu tư 2020 Điều 16 Khoản 1: Điều 16. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư 1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm: đ) Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số; |
Điều 26 Ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung |
1. Nhà nước áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung theo quy định của pháp luật, bao gồm: a) Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh phần mềm; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số được hưởng chế độ ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế và ưu đãi trong việc sử dụng đất; b) Các sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số được sản xuất tại Việt Nam và các dịch vụ phần mềm do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam cung cấp được áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế giá trị gia tăng và thuế xuất khẩu. 2. Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp ngoài việc tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung còn tham gia nhiều loại hình hoạt động khác thì chỉ được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Điều này đối với các hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số. |
||
Điều 27, Khoản 1 Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung |
Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam. |
||
10 |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) |
Điều 10 Thuế suất |
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. 2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. |
Điều 13 về Ưu đãi về thuế suất |
1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với: a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; [...] c) Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; […] đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau: - Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; - Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương. |
||
Điều 14 về Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế |
1. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo. |
||
Điều 18: về Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế |
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện dự án đầu tư mới quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này không áp dụng đối với các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 2. Doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được ưu đãi thuế; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. |
||
11 |
Luật Thuế giá trị gia tăng (Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 28/04/2016) |
Điều 5, Khoản 17, Khoản 21 Đối tượng không chịu thuế |
17. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng… 21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính. |
Điều 8 Thuế suất |
1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu... |
||
12 |
EFVTA |
Phụ lục 8-B/ Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam Phần B: Cam kết cụ thể về tự do hóa đầu tư trong các ngành phi dịch vụ 5. Ngành sản xuất |
P. Sản xuất máy móc d) Sản xuất thiết bị văn phòng, thiết bị kế toán và máy tính ((ISIC rev3.1:30): Không hạn chế; e) Sản xuất thiết bị điện tử và các dụng cụ chưa được phân vào đâu (ISIC rev3.1:31): Không hạn chế, ngoại trừ: Sản xuất đèn trời (ISIC 3150): Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành và phân ngành này (Cam kết này không được hiểu là ngăn cản Việt Nam cấp giấy phép đầu tư trong các ngành hoặc phân ngành này cho nhà đầu tư của Bên kia; Ngành này không bao gồm thiết bị và dụng cụ có chứa nội dung được cài sẵn). |
13 |
CPTPP |
Điều 86, Khoản 1, Khoản 2 |
1. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng một đơn đăng ký sáng chế không bị từ chối chỉ với lý do đối tượng yêu cầu bảo hộ trong đơn liên quan đến chương trình máy tính. 2. Các quy định của khoản 1 không ảnh hưởng tới khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế đối với bản thân các chương trình máy tính theo quy định pháp luật của mỗi Bên. Ghi chú: Quy định này bảo đảm quyền SHTT liên quan đến sáng chế đối với chương trình máy tính khi một Bên nộp đơn đăng ký sáng chế tại Bên còn lại |
14 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản |
Phụ lục 2 về Quy tắc cụ thể của hàng hóa Mã HS 8473.30: Các bộ phận và phụ kiện của máy thuộc nhóm 84.71 |
Mã HS 84.71 bao gồm: Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng; đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác. Mã HS này có phân ngành con là 84713020 - Máy tính xách tay kể cả notebook và subnotebook. Theo nội dung hiệp định, Tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa LVC yêu cầu tối thiểu là 40%. Điều 27 Hiệp định: Công thức tính hàm lượng giá trị nội địa 1, Công thức tính LVC như sau: LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100% Trong đó: FOB: là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu; VNM: là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. |
15 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. |
Phụ lục 3-A: Quy tắc cụ thể mặt hàng Mã HS 8473.30: Các bộ phận và phụ kiện của máy thuộc nhóm 84.71 |
Quy định tương tự như FTA Việt Nam - Nhật Bản: Hàng hóa xuất khẩu từ một bên phải chịu quy tắc xuất xứ tại Chương 3 của Hiệp định với tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa RVC yêu cầu là 40%. Công thức tính RVC như công thức tính LVC trong FTA Việt Nam - Nhật Bản; Áp dụng với các loại hàng hóa có mã HS như đã được cam kết trong FTA Việt Nam - Nhật Bản: |
16 |
Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Phần III - Chương III - Mục 2.3 |
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, như: Bộ phận dập kim loại của thiết bị điện gia dụng và văn phòng, linh kiện máy tính, bảng mạch in điện tử FPCB và PCB, dây dẫn và thiết bị kết nối cáp quang; đèn các loại cho xe-máy; cáp điện, cụm dây điện các loại cho xe-máy và các thiết bị công nghiệp; quạt gió, khuôn tỏa nhiệt; chíp, mô tơ rung màn hình; bộ mạch in điện tử; dây điện dùng cho ô tô; thiết bị kết nối mạng;... |
LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP DƯỢC PHẨM |
|||
1 |
Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 |
Phần V, Mục 8, phần V về Các nhiệm vụ chủ yếu |
8. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội c) Nâng cao năng lực của hệ thống y tế, bảo đảm an ninh y tế. Tăng cường sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp dược, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Chú trọng công tác dự phòng, tiêm chủng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời để nâng cao tầm vóc, thể lực, tuổi thọ và số năm sống khỏe của người Việt Nam. Quan tâm phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh và y tế cơ sở, y tế học đường. Hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. |
2 |
Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 2014 về Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 |
Điều 1, Khoản 2 về Chiến lược phát triển công nghiệp |
Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh; Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển: Nhóm ngành Hóa chất: - Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển nhóm ngành hóa dược. |
Điều 1, Khoản 5 về Giải pháp thực hiện |
Đối với lĩnh vực hóa dược tập trung nghiên cứu các loại dược liệu từ thiên nhiên để sản xuất các loại tá dược và vitamin phục vụ nhu cầu chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ở giai đoạn sau. |
||
3 |
Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17 tháng 3 năm 2021 về Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 |
Mục I, Điều 1 về Quan điểm phát triển |
1. Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước. 2. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. 3. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao. |
Mục III, Điều 1, Khoản 1 về Giải pháp về thể chế, pháp luật |
a) Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định hiện hành bảo đảm thực hiện khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp dược (về thuế, tín dụng, chính sách sử dụng đất); b) Rà soát và hoàn thiện các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc sản xuất tại Việt Nam; c) Áp dụng các ưu đãi đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động: - Đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất nguyên liệu làm thuốc; - Đầu tư xây dựng và triển khai Trung tâm thử nghiệm tương đương sinh học, thử nghiệm lâm sàng, Trung tâm nghiên cứu thuốc công nghệ cao, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu Quốc gia. d) Hoàn thiện quy định bảo đảm bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc phát minh còn bản quyền tại Việt Nam; e) Triển khai thực hiện tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP trong sản xuất thuốc công nghệ cao; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương; g) Đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. |
||
Mục III, Điều 1, Khoản 2 về Giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh |
a) Thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Tạo quỹ đất xây dựng trong các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. b) Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc. c) Huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển sản xuất thuốc. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. d) Định kỳ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất từ các cơ sở sản xuất thuốc công nghệ cao, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, từ quốc gia có nền công nghiệp dược phát triển, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia. đ) Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc gia công ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các chứng nhận độc quyền có liên quan. e) Đầu tư xây dựng, sắp xếp lại hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ, vận chuyển thuốc trong nước hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật EU-GSDP, xây dựng kho bảo quản thuốc, hệ thống xe vận chuyển đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao. g) Ban hành danh mục các Dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư. |
||
Mục III, Điều 1, Khoản 5 về Giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế |
a) Chủ động hợp tác với các diễn đàn, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, cơ quản lý dược, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp dược của các nước tiên tiến trên thế giới để trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển; chú trọng thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia. b) Chủ động đàm phán, gia nhập và triển khai thi hành các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực dược. Xây dựng lộ trình thực hiện công nhận, tiến tới thừa nhận lẫn nhau về hồ sơ đăng ký thuốc, đánh giá GMP. c) Tăng cường hợp tác và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin quản lý dược với cơ quan quản lý dược chặt chẽ. Thúc đẩy hài hòa hóa hồ sơ, quy trình và thủ tục liên quan đến quản lý dược theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. |
||
4 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 16, Khoản 1, Điểm k Ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư |
1. Ngành, nghề ưu đãi đầu tư bao gồm: k) Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc , bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế; |
5 |
Luật Dược 2016 số 105/2016/QH13 |
Điều 1 Khoản 2 |
2. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam. |
Điều 7, Khoản 3 Chính sách của Nhà nước về dược |
3. Ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới. |
||
Điều 8 Lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược |
1. Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. 2. Sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc xin, sinh phẩm, dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm. 3. Phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu. 4. Các hình thức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. |
||
Điều 10, Khoản 5, 8 Trách nhiệm trong phát triển công nghiệp dược |
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các trách nhiệm sau đây: a) Bố trí và cân đối các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp dược, vận động các nguồn vốn nước ngoài ưu tiên dành cho phát triển công nghiệp dược; b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực dược quy định tại Điều 8 của Luật này. 8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các trách nhiệm sau đây: a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp dược phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế của địa phương; b) Bố trí quỹ đất cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược; ưu tiên bố trí giao đất cho dự án phát triển nguồn dược liệu làm thuốc, vùng nuôi trồng dược liệu theo quy định của pháp luật về đất đai. |
||
Điều 14. Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài |
1. Có đủ Điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này. 2. Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. |
||
Điều 54 Khoản 5 Đối tượng và yêu cầu đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc |
5. Đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam, cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài phải được đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất theo một trong các hình thức sau đây: a) Thẩm định hồ sơ liên quan đến Điều kiện sản xuất; b) Công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về dược đối với yêu cầu đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; c) Kiểm tra tại cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. |
||
6 |
Luật đất đai 2013 |
Điều 110, Khoản 1, Điểm a Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất |
1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; |
7 |
Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước |
Điều 4, Khoản 1, Điểm a Đơn giá thuê đất |
1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua h́nh thức đấu giá Đơn giá thuê đất hàng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất. a) Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là 1%, riêng đối với: - Đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối đa không quá 3%. - Đất thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật, căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) giá đất để xác định đơn giá thuê đất một năm nhưng tối thiểu không thấp hơn 0,5%. Mức tỷ lệ phần trăm (%) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện. |
Điều 19, Khoản 1 Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước |
1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau: a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
||
8 |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) |
Điều 10 về Thuế suất |
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. 2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. |
Điều 13 - Khoản 2 - Điểm a về Ưu đãi về thuế suất |
2. Áp dụng thuế suất 10% đối với: a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; |
||
Điều 14. về Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế |
1. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo. |
||
9 |
Bộ luật Lao động 2019 |
Điều 116 về Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt |
Đối với các công việc có tính chất đặc biệt thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật này. Ghi chú: Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Điều 68, Khoản 1, điểm c quy định sản xuất thuốc, vắc xin sinh phẩm là công việc có tính chất đặc biệt. |
10 |
Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Phần III, Chương III, Mục 2.3.2 |
2.3.2. Nhóm công nghiệp khuyến khích phát triển Là nhóm ngành công nghiệp không có nhiều điều kiện đầu tư và phát triển mạnh hoặc những ngành, sản phẩm công nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động, nhưng vẫn cần thu hút đầu tư một cách hợp lý để phục vụ cho phát triển hạ tầng, nhu cầu tiêu dùng, tham gia xuất khẩu, mở rộng thương mại quốc tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Cụ thể như: Chế biến nông, lâm sản; Dệt may và Da giày; Nhóm sản phẩm hóa chất, dược phẩm, nhựa, cao su chất lượng cao; Sản xuất vật liệu xây dựng (Vật liệu mới, chất lượng cao, thân thiện môi trường). |
Phần III, Chương III, Mục 2.3.2 |
Nhiệm vụ trọng tâm: - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành có lợi thế của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp là nền tảng (lắp ráp ô tô, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử, linh kiện điện và thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc và gia công kim loại, công nghiệp sản xuất phần mềm, công nghiệp hóa dược, dược phẩm và các công nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học,phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu |
||
11 |
EVFTA |
Phụ lục 2 - C: Dược phẩm và Trang thiết bị y tế |
Điều 1: Điều khoản chung (a) xóa bỏ và ngăn chặn các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại song phương dựa trên các nguyên tắc cởi mở, không phân biệt đối xử và minh bạch; và (b) sử dụng các tiêu chuẩn, thông lệ và hướng dẫn quốc tế được xây dựng trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế có liên quan làm cơ sở để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật của từng quốc gia. Điều 3: Tiêu chuẩn quốc tế Các bên sẽ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật của mình dựa trên các tiêu chuẩn, thông lệ và hướng dẫn quốc tế. Điều 4: Minh bạch hóa Các quy tắc liên quan đến việc định giá, thanh toán hoặc các quy chuẩn về dược phẩm do mỗi bên xây dựng cần được công bố kịp thời trong một khoảng thời gian hợp lý để Bên còn lại được tiếp cận. Điều 5: Ghi nhãn xuất xứ Việt Nam có thể yêu cầu bắt buộc ghi nhãn nước xuất xứ ở cấp quốc gia thành viên Liên minh. Việt Nam được khuyến khích xem xét chấp nhận cách ghi nhãn “Sản xuất tại Liên minh Châu Âu” hoặc các cách ghi nhãn tương tự bằng ngôn ngữ bản địa là đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn nước xuất xứ. |
12 |
CPTPP |
Chương 18 về Sở hữu trí tuệ Tiểu mục C: Các biện pháp liên quan tới dược phẩm |
Điều 18.48: Điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do bị rút ngắn bất hợp lý Điều 18.50: Bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác Điều 18.51: Bảo hộ sinh phẩm Điều 18.52: Định nghĩa dược phẩm mới Điều 18.53: Các biện pháp liên quan tới việc lưu hành một số dược phẩm nhất định Điều 18.54: Thay đổi thời hạn bảo hộ Các quy định về SHTT đối với dược phẩm tại CPTPP cân đối giữa (i) yêu cầu nâng mức bảo hộ và quyền của chủ sở hữu sáng chế dược phẩm của một số nước CPTPP mạnh về chế tạo, sản xuất, xuất khẩu dược phẩm và (ii) mong muốn bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng qua việc duy trì khả năng tiếp cận của công chúng với dược phẩm với giá hợp lý của các nước còn lại. |
13 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản |
Phụ lục 2 về Quy tắc cụ thể của hàng hóa Mã HS 30: Các sản phẩm dược phẩm |
Các sản phẩm dược phẩm xuất khẩu từ thị trường các Bên sẽ chịu sự điều chỉnh của quy tắc xuất xứ (Chương 3 Hiệp định) Tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa LVC yêu cầu tối thiểu là 40% Điều 27 Hiệp định: Công thức tính hàm lượng giá trị nội địa 1, Công thức tính LVC như sau: LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100% Trong đó: FOB: là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu; VNM: là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. |
14 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. |
Phụ lục 3-A: Quy tắc cụ thể mặt hàng Mã HS 30: Các sản phẩm dược phẩm |
Quy định tương tự như FTA Việt Nam - Nhật Bản: Hàng hóa xuất khẩu từ một bên phải chịu quy tắc xuất xứ tại Chương 3 của Hiệp định với tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa RVC yêu cầu là 40%. Công thức tính RVC như công thức tính LVC trong FTA Việt Nam - Nhật Bản; Áp dụng với các loại hàng hóa có mã HS như đã được cam kết trong FTA Việt Nam - Nhật Bản: Mã HS 30: Các sản phẩm dược phẩm |
LĨNH VỰC SẢN XUẤT THIẾT BỊ VIỄN THÔNG |
|||
1 |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam |
Phần I. Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII |
(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số . |
2 |
Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 2014 về Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 |
Điều 1, Khoản 2 về Chiến lược phát triển |
Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện. Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế. |
Điều 1, Khoản 5 về Giải pháp thực hiện |
- Ngành Điện tử và Viễn thông + Khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa. + Phát triển các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng phục vụ quốc phòng như điện tử điều khiển tên lửa hành trình, điện tử viễn thông do thám, tìm kiếm; điện tử trong các thiết bị bay không người lái... |
||
3 |
Luật Đầu tư 2020 |
Điều 31, Khoản 2 về Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ |
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: 2. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí; |
4 |
Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 |
Điều 1, Khoản 2 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng |
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trong danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức có liên quan. (có phụ lục danh mục kèm theo quyết định này) (Ghi chú: Phụ lục phần I: NGÀNH ĐIỆN TỬ (Dây và cáp điện, đèn led, tai nghe điện thoại và loa) và phần III: NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO VÀ CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO (Các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn ...) |
5 |
Luật Viễn thông số: 41/2009/QH12 |
Điều 2 Đối tượng áp dụng |
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam. |
Điều 3 - Khoản 2 Giải thích từ ngữ |
2. Thiết bị viễn thông là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm, được dùng để thực hiện viễn thông. |
||
Điều 4 Chính sách của Nhà nước về viễn thông |
1. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. 2. Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành lạnh trong hoạt động viễn thông. |
||
Điều 13 - Khoản 1 Hình thức kinh doanh viễn thông |
1. Kinh doanh viễn thông bao gồm kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hóa viễn thông. Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh hàng hóa viễn thông là hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cho thuê phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông nhằm mục đích sinh lợi. |
||
Điều 14 Khoản 1 Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông |
1. Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng còn có các quyền, nghĩa vụ sau đây: a) Xây dựng, lắp đặt, sở hữu hệ thống thiết bị viễn thông và đường truyền dẫn trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông; b) Thuê đường truyền dẫn để kết nối hệ thống thiết bị viễn thông, các cơ sở, điểm phục vụ công cộng của mình với nhau và với mạng viễn thông công cộng của doanh nghiệp viễn thông khác; |
||
Điều 40 Miễn giấy phép viễn thông |
Tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây: 1. Kinh doanh hàng hóa viễn thông;… |
||
6 |
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) |
Điều 10 Thuế suất |
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. 2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề. |
7 |
Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 |
Mục V, Khoản 3, Điểm b |
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số b) Tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, gồm: - Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. |
8 |
EVFTA |
Phụ lục 8-B- Các cam kết cụ thể của Việt Nam |
Việt Nam có cam kết trong ngành dịch vụ viễn thông.Với ngành sản xuất thiết bị viễn thông (thuộc nhóm ngành phi dịch vụ), VN không có cam kết |
9 |
CPTPP |
Phụ lục I-NCM Việt Nam - Trang I-VN-7 & 8 |
- Dịch vụ viễn thông: + Cho phép các nước CPTPP thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 49% đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản có gắn với hạ tầng mạng. Với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng có gắn với hạ tầng mạng, ta đồng ý cho phép thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 65% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng, mở cửa cho các nước CPTPP đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. + Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng cung cấp qua biên giới (như gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua các ứng dụng Viber, Skype và các loại hình dịch vụ viễn thông trên nền Internet khác): Việt Nam bảo lưu quyền được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải đăng ký, xin cấp phép hoặc phải có thỏa thuận thương mại với các nhà mạng. + Với việc bán dung lượng cáp quang biển: Cáp quang phải đấu nối qua trạm cập bờ và thiết bị do ta quản lý; các nhà đầu tư cáp quang CPTPP chỉ được phép bán dung lượng cáp quang cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ truy nhập internet (ISP) đã được cấp phép tại Việt Nam. |
10 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản |
Phụ lục 2 về Quy tắc cụ thể của hàng hóa Mã HS 8517 Mã HS 903040 |
Mã HS 85.17: Bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác; thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác, kể cả các thiết bị viễn thông nối mạng hữu tuyến hoặc không dây; Mã HS 903040: Các thiết bị và dụng cụ khác, được thiết kế đặc biệt cho viễn thông (ví dụ, máy đo đàm thoại chéo, dụng cụ đo độ lợi, máy đo hệ số méo, máy đo psophome) Tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa LVC yêu cầu là 40% Điều 27 Hiệp định: Công thức tính hàm lượng giá trị nội địa 1, Công thức tính LVC như sau: LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100% Trong đó: FOB: là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu; VNM: là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. |
11 |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. |
Phụ lục 3-A: Quy tắc cụ thể mặt hàng |
Quy định tương tự như FTA Việt Nam - Nhật Bản: Hàng hóa xuất khẩu từ một bên phải chịu quy tắc xuất xứ tại Chương 3 của Hiệp định với tỉ lệ hàm lượng giá trị nội địa RVC yêu cầu là 40%. Công thức tính RVC như công thức tính LVC trong FTA Việt Nam - Nhật Bản; Áp dụng với các loại hàng hóa có mã HS như sau: Mã HS 85.17: Bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác; thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác, kể cả các thiết bị viễn thông nối mạng hữu tuyến hoặc không dây; Mã HS 903040: Các thiết bị và dụng cụ khác, được thiết kế đặc biệt cho viễn thông (ví dụ, máy đo đàm thoại chéo, dụng cụ đo độ lợi, máy đo hệ số méo, máy đo psophome) |
THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ HIỆU QUẢ TRÊN THẾ GIỚI
Các cơ quan xúc tiến đầu tư trên thế giới được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:
(i) Các phản hồi/giải quyết yêu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp
(ii) Đội ngũ cán bộ có kiến thức và khả năng sử dụng ngoại ngữ đa dạng
(iii) Công khai các cơ sở dữ liệu liên quan đến địa điểm đầu tư và ưu đãi đầu tư (ưu đãi chung và ưu đãi theo ngành nghề cụ thể)
(iv) Thu thập đầy đủ thông tin để có thể giải quyết các thủ tục hành chính về cấp phép đầu tư và các thủ tục liên quan
(v) Tiếp xúc các nhà đầu tư mới vào khu vực (địa phương) để họ có thể ủng hộ cho địa phương và bộ máy xúc tiến đầu tư
(vi) Thực hiện tốt về bảo vệ bí mật kinh doanh của nhà đầu tư
(vii) Thực hiện tốt về công tác chăm sóc đầu tư (aftercare services)
(viii) Trang thông tin điện tử (website) dễ sử dụng để tìm hiểu thông tin, có các dữ liệu tính năng hiệu quả, hiện đại, thân thiện với người sử dụng1.
|
Cơ quan xúc tiến đầu tư |
Chức năng chính |
Cơ cấu tổ chức |
Đặc điểm nổi bật |
CƠ QUAN XÚC TIẾN CẤP TRUNG ƯƠNG |
||||
11. |
IDA Ireland www.idaireland.com |
Thu hút đầu tư (nhưng là một cấu phần không tách rời của tổ chức phát triển kinh tế toàn diện - Enterprise Ireland) |
Là cơ quan nhà nước và có tự chủ một phần kinh phí hoạt động |
IDA Ireland là một cơ quan liên tục có hiệu quả cao trong nhiều năm, cho đến năm 2020. Năm 2017, Mô hình hoạt động của IDA Ireland được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới2. IDA đưa ra các mục tiêu cụ thể trong quá trình hoạt động, ví dụ: giải quyết được 80.000 việc làm với 900 quyết định đầu tư; tăng đầu tư từ 30 tới 40% vào địa phương hoặc khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức bình quân quốc gia; thu hút được 3 tỷ EUR cho các hoạt động R&D. Với chủ trương thu hút các công ty tài chính toàn cầu, Ireland đã thu hút được 430 công ty dịch vụ tài chính có mở văn phòng hoạt động, trong đó có 20/25 tổ chức tài chính toàn cầu. |
22. |
Ban Phát triển Kinh tế (EDB) Singapore www.edb.gov.sg |
Đầu tư và phát triển sản xuất và dịch vụ trên thế giới |
Thuộc Bộ Thương mại và Đầu tư nhưng hoạt động với mức độ tự chủ cao dưới sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban Khối kinh tế tư nhân |
EDB Singapore liên tục có kết quả tốt, thông qua vận động chính sách hiệu quả, Singapore luôn xếp thứ hạng cao về môi trường kinh doanh trong các Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới trong những năm gần đây. Hiện nay, EDB cũng đang tập trung thu hút những lĩnh vực: hàng không vũ trụ; dịch vụ trên nền CNTT; điện tử; linh kiện, phụ tùng ô tô; logistics & chuỗi cung ứng; năng lượng tái tạo; sinh phẩm y tế và cơ khí chính xác. EDB Singapore luôn được Tạp chí Site Selection Maganine bình chọn cao. Năm 2017, Mô hình hoạt động của EDB Singapore được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. |
33. |
Cơ quan xúc tiến đầu tư- Thương mại Kotra (Hàn Quốc) www.kotra.or.kr |
Thương mại; Đầu tư; phát triển DNVVN; hoạt động cấp trung ương và ở cấp tỉnh |
Cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước |
Có 127 văn phòng ở Hàn Quốc và 86 quốc gia trong đó có Việt Nam. Hoạt động của Kotra tương đối rộng, bao gồm hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động hợp tác kinh tế với nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn quốc và hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài tại Hàn quốc. KOTRA là một cơ quan liên tục được bình chọn là một cơ quan xúc tiến đầu tư có hiệu quả cao trong nhiều năm. Năm 2017, Mô hình hoạt động của KOTRA được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. |
44. |
Invest Hong Kong www.investhk.gov.hk |
Thu hút đầu tư |
Thuộc Bộ Thương mại và Phát triển Kinh tế nhưng hoạt động hoàn toàn tự chủ |
Hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng và toàn diện, dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư từ giấy phép, tư vấn… có chất lượng; tham gia vào hoạt động vận động chính sách hiệu quả. Hoạt động của Cơ quan này đã giúp cho Hongkong có được thứ hạng cao về môi trường kinh doanh trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Invest Hong Kong luôn được bình chọn qua các năm. Năm 2017, mô hình hoạt động của Invest Hong Kong được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. |
55. |
Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) www.mida.gov.my |
Thu hút đầu tư; Quy hoạch Phát triển công nghiệp; cấp phép; điều phối ở cấp tỉnh; phát triển DNVVN |
Cơ quan Chính phủ |
MIDA cấp toàn bộ các giấy phép đầu tư FDI. MIDA cũng là cơ quan điều phối các hoạt động của các cơ quan xúc tiến đầu tư khác ở địa phương. MIDA có cơ chế quản trị mạnh do Ban Quản lý có sự kết hợp của Nhà nước - Tư nhân. Năm 2017, MIDA được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. |
66. |
CzechInvest của Cộng hòa Séc www.czechInvest.org |
Thu hút đầu tư; phát triển DNVVN; Phát triển nhà cung cấp; Phát triển địa phương; Quản lý Chính sách ưu đãi và Quỹ Cơ cấu EU |
Cơ quan nhà nước hoạt động theo cơ chế tự chủ thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp |
Hàng tuần, Czech Invest cấp 1-2 quyết định đầu tư mà cơ quan này làm trung gian. Tổng số vốn đầu tư mà CzechInvest làm trung gian khoảng 50 tỷ USD, tạo ra trên 300.000 việc làm. CzechInvest lượng hóa kết quả và giá trị đóng góp cho nền kinh tế Séc - tất cả các chỉ số chuyển đổi được theo dõi chi tiết - nhà đầu tư chọn một điểm đến cạnh tranh đều được phỏng vấn để đưa ra các ý kiến, nhận xét cần thiết nhằm cải thiện các ‘sản phẩm’ và dịch vụ được cung cấp. Năm 2017, hoạt động của CzechInvest được Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tổng hợp kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. |
77. |
HIPA-Hungary https://hipa.hu |
Thu hút vốn đầu tư cho phát triển |
Cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương Mại. |
HIPA cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện (một đấu mối) về các thông tin theo nhu cầu của nhà đầu tư có nguyện vọng đầu tư vào Hungary, bao gồm lựa chọn địa điểm, thông tin về môi trường và ưu đãi đầu tư, nhà cung cấp địa phương, giải quyết các vướng mắc giữa nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước. HIPA có 177 cơ sở ở nước ngoài. Các lĩnh vực được tập trung thu hút trong giai đoạn hiện nay là nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất, công nghiệp xanh, sáng tạo và bất động sản. Kể từ năm 201-2021, HIPA thu hút được gần 30 tỷ EUR và tạo được 16000 việc làm mới. Riêng năm 2021, HIPA thu hút được 5.9 tỷ EUR với 422 dự án. Dự án đáng kể gần nhất của HIPA là dự án sản xuất pin của SK Innovation trong năm 2021 với 1,9 tỷ EUR. HIPA không chỉ hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hungary mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp Hungary tìm nguồn vốn bên ngoài. HIPA được Tạp chí Site Selection Magazine bình chọn là một cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả tiêu biểu năm 2020. |
CƠ QUAN XÚC TIẾN CẤP ĐỊA PHƯƠNG |
||||
88. |
Trade + Investment Queensland -TIQ (Bộ phận Đầu tư và Thương mại) https://tiq.qld.gov.au/ |
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp tại Queensland. |
Cơ quan nhà nước trực thuộc Chính quyền Bang Queensland |
TIQ có 18 văn phòng tại 14 thị trường quan trọng, 12 cá nhân đại diện ở nước ngoài, trong đó đại diện ở EU, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt TIQ có đại diện ở cả Trung Quốc đại lục, HongKong và Đài Loan. Hiện nay, TIQ đặt ra các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm Sản xuất tiên tiến, Quốc phòng, Vũ trụ, Công nghệ sinh học, Điện ảnh, Khoáng sản mới và Pin lưu trữ, Năng lượng mới, Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Giáo dục, Dịch vụ chuyên nghiệp, Du lịch. Tuy chỉ là cơ quan xúc tiến đầu tư của một bang, TIQ được Tạp chí Site Selection Magazine đánh giá là một trong 25 cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất thế giới năm 2020 cùng với Cơ quan Đầu tư và Thương Mại Australia. |
99. |
InvestSP (Investe São Paulo) www.en.investe.sp.gov.br |
Thu hút đầu tư vào São Paulo (Brazil), hỗ trợ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ các DNNVV, quản lý các khu công nghệ, thúc đẩy các hoạt động ĐMST, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư |
Là một đơn vị trực thuộc nhà nước được chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp tư nhân theo hình thức sở hữu tập thể, phi lợi nhuận và vì mục đích xã hội. Mô hình quản trị theo hình thức m |
Thay vì mở văn phòng ở nhiều nơi, InvestSP chỉ có một văn phòng tại São Paulo (Brazil) và đã ký thỏa thuận hợp tác với 55 cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của chính phủ và cơ quan tư nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó cả Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Brazil và các cơ quan chính phủ khác. Hoạt động của InvestSP bao gồm các hoạt động quảng bá về Sao Paulo để thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xin giấy phép và các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nhà đầu tư sau khi đã có giấy phép. InvestSP được Tạp chí Site Selection Magazine đánh giá là một trong 25 cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất thế giới năm 2020 trong khi Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Brazil lại không được vinh danh. |
110. |
Invest in Bogota (Columbia) https://en.investinbogota.org
|
Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu và hỗ trợ các người nước ngoài các thủ tục xin phép lao động, visa, định cư. |
Là một cơ quan xúc tiến đầu tư có sự hợp tác công tư, giữa Phòng Thương mại Bogota và Chính quyền thành phố Bogota. |
Mới thành lập kể từ năm 2015, Invest in Bogota đã trở thành một trong những cơ quan xúc tiến đầu tư tốt nhất trên thế giới và là một trong bốn cơ quan xúc tiến đầu tư tốt nhất Nam Mỹ, Trung Mỹ và Carribe theo đánh giá của Tạp chí Site Selection Magazine. |
[1] Dự án lớn là những dự án có quy mô lớn về vốn, đất đai hoặc lao động;
Nhà đầu tư chiến lược là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm trong đầu tư dự án thuộc ngành nghề tỉnh ưu tiên phát triển, có cam kết gắn bó lâu dài và đóng góp trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường;
Các tập đoàn đa quốc gia sở hữu hoặc kiểm soát việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ tại ít nhất một quốc gia khác ngoài quốc gia của họ. Họ có hiện diện thương mại dưới hình thức các công ty con hoặc có văn phòng hoặc nhà máy ở các quốc gia khác nhau và có một trụ sở tập trung nơi họ điều phối quản lý toàn cầu.
[2] Xem phân tích chương 3
[3] Dự án Xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động đáp ứng nhu cầu nhà ở công nhân cho Khu công nghiệp Khai Quang và khu vực lân cận của Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại Doanh Gia (263,49 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện - Phân khu I của Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (2.300 tỷ), Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói của Công ty CP TMS Bất động sản (4.499,55 tỷ đồng), Dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng và khách sạn Grand Victory Tam Đảo của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo (823,51 tỷ đồng), Dự án dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn với tổng vốn đầu tư 2.121,5 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Minh Phương với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Đồng Sóc với tổng vốn đầu tư 406 tỷ đồng…
[4] Theo tiêu chí phân loại tại Tờ trình số 9086/TTr- BKHĐT ngày 23/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
[5] Để so sánh lợi thế cạnh tranh tương đối của một ngành sản phẩm, báo cáo sử dụng phương pháp xác định tính chuyên môn hóa địa phương bằng cách tính thương số vị trí (location quotient - LQ). LQ phản ánh sự tập trung kinh tế của các hoạt động này. Đó là chỉ số thống kê đo lường độ chênh lệch của một loạt các hoạt động kinh tế cụ thể có giá trị trong một khu vực so với nền kinh tế nói chung. Dữ liệu của Điều tra doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 và 2020 được sử dụng để tính toán các chuỗi giá trị quan trọng của LQ ở cấp tỉnh, dựa trên thông số lao động/việc làm. LQ về việc làm được tính là tỉ lệ việc làm của chuỗi giá trị trong tổng lao động của khu vực chia cho tỉ lệ tổng lao động của chuỗi giá trị này với tổng lao động trên quy mô toàn quốc. LQ > 1 chỉ ra rằng sản phẩm có tỷ lệ việc làm lớn hơn tương đối so với tổng số việc làm của sản phẩm đó trong quy mô quốc gia.
[6] https://vnbusiness.vn/viet-nam/soi-ty-le-noi-dia-hoa-cua-cac-ong-lon-fdi-1084090.html
[7] Nội dung hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gồm:
+ Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động chất lượng cao là người Vĩnh Phúc: 10 triệu đồng/người;
+ Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động là người Vĩnh Phúc và tiến hành đào tạo thành lao động chất lượng cao: 10 triệu đồng/người/khóa.
[8] Quốc lộ 2B đã được điều chuyển thành đường địa phương tại QĐ số 319/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2021 của Bộ GTVT ngày 02/3/2021.
[9] Theo phân loại của OECD, nhóm ngành công nghệ cao bao gồm: dược phẩm; máy tính, thiết bị điện tử và sản phẩm quang học; máy móc thiết bị ngành hàng không vũ trụ; và nhóm ngành công nghệ trung cao gồm: thiết bị điện; máy móc và thiết bị; ô tô xe máy; các phương tiện vận tải khác (không bao gồm đóng tàu và hàng không); vật tư và thiết bị y tế, nha khoa; hóa chất và sản phẩm hóa chất; vũ khí và đạn dược https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Glossary:High-tech_classification_of_manufacturing_industries; https://www.oecd.org/sti/ind/48350231.pdf;
[10] Tạp chí doanh nhân Việt Nam, Cushman & Wakefield: Tại sao các 'ông trùm' sản xuất công nghệ điện tử muốn đổ bộ vào Việt Nam?, 14/11/2022, https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/cushman-wakefield-tai-sao-cac-ong-trum-san-xuat-cong-nghe-dien-tu-muon-do-bo-vao-viet-nam-4220221114101833655.htm
[11] Chỉ số Tội phạm có tổ chức của Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam luôn ở mức tốt hơn các nước có cùng mức phát triển với Việt Nam (thu nhập trung bình thấp). Việt Nam chỉ kém hơn các nước phát triển. Xem thêm tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2020 của Diễn đàn kinh tế thế giới, tại https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2020/; Báo cáo Phân tích so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam của Ban Nội chính Trung ương-Chính phủ Vương Quốc Anh-Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (2021).
[12] Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/02/2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/02/2021.
[13] Tạp chí doanh nhân Việt Nam, Cushman & Wakefield: Tại sao các 'ông trùm' sản xuất công nghệ điện tử muốn đổ bộ vào Việt Nam?, 14/11/2022, https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/cushman-wakefield-tai-sao-cac-ong-trum-san-xuat-cong-nghe-dien-tu-muon-do-bo-vao-viet-nam-4220221114101833655.htm
[14] Bộ Tư pháp - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc-Chính phủ Thuỵ Điển, Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, 2020 và Báo cáo đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam, 2022. PwC, ‘Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) - Tại sao Báo cáo ESG đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp?’, Thông tin có tại: https://www.pwc.com/vn/vn/services/risk-assurance/sustainability.html, truy cập ngày 18/11/2022. Xem thêm tại: https://globalnaps.org/country/ (Ct. 2).
[15] Luật Đầu tư 2020, Điều 69 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư phải “phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ lập và công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương”.
[16] Luật Đầu tư không bắt buộc phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xây dựng các phương án về ưu đãi đầu tư và không bắt buộc phải công khai các gói ưu đãi. UBND tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng các phương án ưu đãi thu hút theo quy định của pháp luật.
[17] Luật Đầu tư 2020, Điều 69 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư phải “chủ trì hoặc tham gia thẩm định các dự án đầu tư thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; chủ trì thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.
[18] Luật Đầu tư 2020, Điều 69 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư phải “thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư tại địa phương”và “giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư”.
1 Theo đánh giá của Tạp chí Site Selection Magazine (Tạp chí Lựa chọn điểm đến) bên cạnh Báo cáo Địa điểm Tốt nhất toàn cầu để đầu tư, https://siteselection.com/issues/2020/may/top-investment-promotion-agencies-2020.cfm
2 Nhóm Ngân hàng Thế giới, Chiến lược và Định hướng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030, tháng 3/2018.
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây