553244

Quyết định 162/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030”

553244
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Quyết định 162/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030”

Số hiệu: 162/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 19/01/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 162/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 19/01/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/QĐ-UBND

 Vĩnh Phúc, ngày 19 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TẬP TRUNG TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13; Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 ngày 30/3/2021;

Căn cứ Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Căn cứ Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập;

Căn cứ Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Căn cứ Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy;

Căn cứ Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở Y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy;

Căn cứ Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý;

Căn cứ Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Căn cứ Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025;

Căn cứ Quyết định số 610/QĐ-BLĐTBXH ngày 25/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Căn cứ Chương trình hành động số 82-CTr/TU ngày 05/11/ 2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Căn cứ Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh về mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Theo đề nghị của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 02/TTr-SLĐTBXH ngày 09 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030” (có Đề án kèm theo Quyết định).

Điều 2. Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TẬP TRUNG TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 162/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Căn cứ pháp lý

- Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;[1]

- Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13; Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính;[2]

- Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 ngày 30/3/2021;[3]

- Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập;

- Nghị định 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quy định việc đăng ký tham gia điều trị, điều kiện của cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, đình chỉ cung cấp dịch vụ, hủy bỏ hồ sơ công bố đủ điều kiện điều trị và công tác đảm bảo điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện;

- Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

- Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở Y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy;

- Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý;[4]

- Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/ 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

- Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025;

- Thông tư số 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chí chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy;

- Quyết định số 610/QĐ-BLĐTBXH ngày 25/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

- Chương trình hành động số 82-CTr/TU ngày 05/11/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

- Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh quy định mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 2894/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý;

II. Cơ sở thực tiễn

1. Tình hình người nghiện ma túy

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6/2022 có 1.820 người nghiện có hồ sơ quản lý ở 131/136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh[5], trong đó: 193 người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh (chiếm 10,6%); 222 người đang quản lý trong cơ sở giam giữ (chiếm 12,2 %); 750 người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone (chiếm 41,2%); 655 người ngoài cộng đồng (chiếm 36%).

Trong số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, mỗi năm chỉ tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho khoảng 50 người/năm, số người nghiện chưa thực hiện cai nghiện còn rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng nguy cơ làm mất trật tự an toàn xã hội, nguy cơ lây nhiễm HIV, nguy cơ tử vong do bị sốc thuốc, gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức cai nghiện hiệu quả cho các đối tượng này, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Thực trạng công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trước năm 2022 được thực hiện theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ. Giai đoạn 2016 - 2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình cho 435 lượt người, bình quân khoảng 50 người/năm, chỉ đạt gần 3% so với tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, hiệu quả cai nghiện thấp với tỷ lệ tái nghiện sau 5 năm khoảng 90%[6]. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều hạn chế, môi trường ở cộng đồng phức tạp, không đảm bảo các điều kiện để người nghiện ngưng tiếp xúc, ngưng sử dụng ma túy và tiến đến cai nghiện thành công.

Từ tháng 01 năm 2022, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Theo đó, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình cộng đồng chỉ thực hiện theo hình thức tự nguyện do Chủ tịch UBND xã quyết định. Quy trình cai nghiện theo sự tư vấn, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện theo quy định của pháp luật.

 Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng ngoài cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm giảm số lượng người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, cần thu hút số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng vào cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Thực trạng công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị sự nghiệp công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cai nghiện ma tuý bắt buộc và cai nghiện ma tuý tự nguyện theo quy định của pháp luật.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được đầu tư gồm: diện tích đất 13 ha; 18 hạng mục công trình diện tích xây dựng 11.813,8 m2, trong đó diện tích nhà làm việc, nhà tiếp dân, nhà thăm gặp, bếp ăn, nhà ở cán bộ trực gác và công trình phụ trợ 7.527,8 m2; nhà ở cho đối tượng cai nghiện ma túy 4.286 m2 có thể đáp ứng cho khoảng 700 đối tượng cai nghiện ma túy theo quy định mới[7]. Hiện tại, đơn vị mới sử dụng 1.286 m2 nhà ở phục vụ cho 200 đối tượng, còn lại 3.000 m2 nhà ở chưa sử dụng. Hệ thống trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ, nhiều trang thiết bị tối thiểu còn thiếu[8].

 Về nhân lực, tổng số cán bộ, nhân viên hiện có: 50 người, trong đó: Viên chức 35 người; hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP 13 người; hợp đồng do Cơ sở tự cân đối trả lương 02 người. Theo quy định tại Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng phục vụ cho 217 đối tượng bắt buộc[9]; chưa có biên chế để thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế[10]. Hiện tại, đơn vị đang chữa trị và cai nghiện cho 200 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc 193 người.

Về cơ chế tài chính, kinh phí hoạt động của Cơ sở chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ để chi trả cho viên chức, người lao động và người cai nghiện ma túy nhằm duy trì các hoạt động tối thiểu của công tác cai nghiện ma túy; nguồn đóng góp của người cai nghiện tự nguyện chỉ đủ phục vụ nhu cầu tối thiểu của người cai nghiện (ăn, ở, sinh hoạt ...). Vì vậy, cơ chế tài chính hiện nay rất khó để nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở.

Về kết quả hoạt động cai nghiện ma túy: Giai đoạn 2016-2021, Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tiếp nhận, cai nghiện ma túy cho 908 người nghiện ma túy, trong đó, đối tượng bắt buộc là 770 người chiếm 85%; đối tượng tự nguyện là 138 người chiếm 15%. Số lượng người nghiện ma túy thường xuyên duy trì tại Cơ sở mỗi năm khoảng 200 người, chủ yếu là đối tượng bắt buộc. Tỷ lệ người sau cai nghiện tìm kiếm được việc làm chiếm tỷ lệ 51,87%; tỷ lệ tái nghiện chiếm 73,13%.

Như vậy, số lượng người cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (khoảng 10,6%). Việc chưa thu hút được người nghiện có hồ sơ quản lý vào cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là:

Về chủ quan: Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và với cơ quan công an trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy; người nghiện còn thiếu quyết tâm cai nghiện; Cơ sở cai nghiện ma túy chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc thu hút đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện vào Cơ sở; chất lượng dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh chưa có sự khác biệt với cai nghiện bắt buộc; biên chế hiện tại của Cơ sở cơ bản chỉ đáp ứng phục vụ cho đối tượng cai nghiện bắt buộc.

Về khách quan: Thủ tục đưa đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc phức tạp[11]; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 phải tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện ma túy vào cơ sở để phòng chống dịch; thời gian và chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện theo Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND chưa thực sự khuyến khích người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

(Chi tiết tại phụ lục số 1)

4. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND

Kể từ khi Nghị quyết 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực (ngày 01/8/2019), Cơ sở đã tiếp nhận điều trị cai nghiện ma túy cho 86 đối tượng tự nguyện, trong đó: Năm 2019 là 10 người, năm 2020 là 38 người, năm 2021 là 21 người, 9 tháng đầu năm 2022 là 17 người, bình quân mỗi năm khoảng 22 đối tượng. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ trong ba năm từ 2019 đến 2021 là 428,8 triệu đồng.

(Chi tiết tại phụ lục số 2).

Như vậy, số đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy có tăng lên khoảng 43%[12] so với thời điểm trước khi có Nghị quyết, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu mỗi năm khoảng 130 người). Nguyên nhân chủ yếu do chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện chỉ đảm bảo chi phí tối thiểu về sinh hoạt cho đối tượng, chưa có chi phí tiền thuê nhân lực để quản lý đối tượng trong khi biên chế về nhân lực của Cơ sở chỉ đảm bảo cho đối tượng bắt buộc.

5. Nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy

Qua khảo sát thông tin liên quan đến nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện ở 540 người nghiện, thân nhân người nghiện tại 54 xã, phường, thị trấn theo phương án chọn mẫu và 210 người cai nghiện ma túy đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy theo phương án khảo sát toàn bộ, có 52,5% ý kiến trả lời có nhu cầu cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường công tác cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

(Chi tiết tại phụ lục số 3)

III. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 có hiệu lực từ 01/01/2022 và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có nhiều nội dung đổi mới trong công tác quản lý và tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy. Theo đó các đối tượng đã được xác định nghiện ma túy nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thì thuộc đối tượng bị bắt buộc đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy công lập để điều trị; đối tượng đăng ký cai nghiện tự nguyện có thể lựa chọn cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại Cơ sở cai nghiện ma túy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quy định về trình tự thủ tục xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ quản lý và xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện của tỉnh đơn giản và dễ thực hiện. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quy định rất cụ thể, chặt chẽ theo hướng nâng cao chất lượng cai nghiện và chữa trị cho các đối tượng nghiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết phải xây dựng Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý khoảng 1.820 người, trong đó tỷ lệ người nghiện chưa được quản lý tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh và Cơ sở giam giữ hoặc đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế còn cao, chiếm gần 40%. Số đối tượng này có nguy cơ cao gây mất trật tự an toàn xã hội cần được quản lý chặt chẽ, chữa trị, cai nghiện để giảm thiểu tác động tiêu cực đến gia đình, cộng đồng và xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả là tăng cường thu hút đối tượng này vào điều trị tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

Cơ cở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đã được đầu tư với quy mô có thể thu dung điều trị cho khoảng 750 đối tượng theo quy định hiện hành. Thực tế hiện nay, mỗi năm mới chỉ tổ chức điều trị phục vụ cho khoảng 200 đối tượng, nên chưa phát huy được công suất và hiệu quả đầu tư các công trình đã được đầu tư xây dựng. Chỉ khắc phục sửa chữa những hạng mục xuống cấp khi số lượng người cai nghiện ma túy vượt quá công suất tiếp nhận hiện tại của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc, nên việc xây dựng Đề án “Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030” là cần thiết nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã được đầu tư, tăng cường thu dung điều trị tập trung các đối tượng nghiện ngoài cộng đồng vào Cơ sở, góp phần ổn định an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Phần II

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. Quan điểm

Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo đúng quy định của Luật Phòng chống ma túy năm 2021, trong đó tập trung thu hút và đưa đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ngoài cộng đồng vào cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã được đầu tư trên cơ sở đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Mục I Chương II Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Trước mắt, chỉ cải tạo, sửa chữa hoặc nâng cấp các hạng mục đã xuống cấp để đưa vào khai thác sử dụng, hạn chế đầu tư xây dựng mới; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phải tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với nhu cầu thực tế chữa trị và cai nghiện cho các đối tượng. Về lâu dài, Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh cần được đầu tư nâng cấp tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội và phù hợp với nhu cầu thực tế về công tác cai nghiện của địa phương.

Việc tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh phải trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, chữa trị, dạy nghề cho các đối tượng tại cơ sở; chuẩn bị và thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu đến năm 2030 thu hút và đưa hết số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chưa được quản lý tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy, Cơ sở giam giữ hoặc chưa đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vào cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó, đảm bảo 100% đối tượng cai nghiện bắt buộc được tiếp nhận vào điều trị tại Cơ sở, đối tượng tự nguyện phấn đấu mỗi năm tiếp nhận tăng thêm khoảng 50 người; 100% tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.

Khai thác, sử dụng tối đa quy mô cơ sở vật chất và trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã được đầu tư một cách hiệu quả; Nâng cao chất lượng công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2023 - 2025: Đến năm 2025 tiếp nhận khoảng 420 đối tượng/năm, trong đó đối tượng bắt buộc là 270 người/năm, đối tượng tự nguyện là 150 người/năm, cụ thể mục tiêu từng năm:

+ Năm 2023 tiếp nhận 220 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 170 người, đối tượng tự nguyện là 50 người.

+ Năm 2024 tiếp nhận 320 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 220 người, đối tượng tự nguyện là 100 người.

+ Năm 2025 tiếp nhận 420 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 270 người, đối tượng tự nguyện là 150 người.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Đến năm 2030 tiếp nhận khoảng 700 đối tượng/năm, Trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người/năm, đối tượng tự nguyện là 400 người/năm, cụ thể mục tiêu từng năm:

+ Năm 2026 tiếp nhận 500 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người, đối tượng tự nguyện là 200 người.

+ Năm 2027 tiếp nhận 550 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người, đối tượng tự nguyện là 250 người.

+ Năm 2028 tiếp nhận 600 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người, đối tượng tự nguyện là 300 người.

+ Năm 2029 tiếp nhận 650 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người, đối tượng tự nguyện là 350 người.

+ Năm 2030 tiếp nhận 700 đối tượng, trong đó đối tượng bắt buộc là 300 người, đối tượng tự nguyện là 400 người.

III. Nhiệm vụ

1. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Mục I Chương II Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính Phủ

Thực hiện phân khu trong Cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021[13] hoàn thành xong trong năm 2022.

Cải tạo, chỉnh trang một số hạng mục công trình đã xuống cấp để đưa vào hoạt động đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với quy mô phục vụ thực tế theo từng năm; Lập danh mục, dự toán và thực hiện việc mua sắm bổ sung một số trang thiết bị tối thiểu còn thiếu theo quy định tại Điều 7 Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ trong năm 2023.

Kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự theo Quyết định số 2894/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Lao động-TB&XH [14]; rà soát đảm bảo các điều kiện nhân sự theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính Phủ để xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt đề án vị trí việc làm của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh đáp ứng yêu cầu của Luật phòng, chống ma túy năm 2021, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Xây dựng và phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý công lập của tỉnh

Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động-TB&XH về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện được ban hành, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện việc đặt hàng dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

3. Tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đảm bảo theo quy định tại Nghị định 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong năm 2023.

4. Rà soát, đánh giá cơ chế chính sách hiện hành của tỉnh đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính

Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/2019-NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức đóng góp, htrợ, chế đmiễn, giảm đi với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đi với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ scai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để trình HĐND tỉnh, bổ sung sửa đổi cho phù hợp với Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trong năm 2023.

5. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành chức năng và UBND cấp huyện về triển khai thực hiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh

Căn cứ quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế và UBND cấp huyện, xã trong công tác quản lý người nghiện, tổ chức cai nghiện chữa trị và quản lý sau cai nghiện ma túy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, xong trong năm 2023.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành đtrin khai công tác tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm với dịch vụ tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, thực hiện hằng năm.

IV. Giải pháp

1. Nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy để đảm bảo tất cả người nghiện ma túy phải thực hiện cai nghiện ma túy

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác cai nghiện ma túy, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác quản lý, cai nghiện ma túy để đảm bảo thiết thực hiệu quả; Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố và UBND cấp xã, phường, thị trấn chủ động và tích cực thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác quản lý người nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

- Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách cai nghiện ma túy của Nhà nước và của tỉnh cho gia đình và bản thân người nghiện ma túy để thu hút người nghiện ma túy tại cộng đồng vào cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở.

- Tăng cường sự phối hợp thường xuyên của các cấp, các ngành với lực lượng công an các cấp trong việc vận động và hỗ trợ người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo mục tiêu hằng năm của Đề án đề ra.

- Đẩy mạnh việc thu thập, cập nhật và làm sạch cơ sở dữ liệu về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy để tích hợp vào cơ sở dữ liệu về dân cư theo đúng tiến độ quy định trong Đề án 06 của Chính phủ.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai thực hiện pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Nhóm giải pháp về tăng cường huy động, bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn lực để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập

2.1. Giải pháp về đảm bảo nguồn nhân lực.

- Ưu tiên bố trí biên chế viên chức và lao động hợp đồng cho Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác cai nghiện ma túy theo đúng định mức quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Trước mắt, rà soát, bố trí, sắp xếp lại nguồn biên chế hiện có[15] của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đảm bảo điều kiện nhân sự theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2021/NĐ-CP và định mức nhân lực theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tăng quy mô tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện và nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tại đơn vị.

- Nâng cao năng lực chuyên môn và năng suất lao động của viên chức và người lao động tại Cơ sở để tăng quy mô tiếp nhận đối tượng trên cơ sở tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, phương pháp điều trị mới và kỹ năng quản lý học viên cho cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Thí điểm việc thuê tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp để thực hiện công tác bảo vệ đối tượng tại Cơ sở, bồi dưỡng và chuyển số viên chức và lao động hợp đồng theo biên chế hiện có đang làm công tác bảo vệ sang làm công tác tư vấn, quản lý người nghiện để đáp ứng nhu cầu khi quy mô số người đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tăng lên theo mục tiêu Đề án đã xác định.

2.2. Giải pháp đảm bảo cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác cai nghiện.

- Tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, bảo quản thường xuyên các hạng mục công trình để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; đánh giá kỹ hiện trạng và công năng sử dụng các hạng mục công trình đã đầu tư, xây dựng phương án cải tạo nâng cấp các hạng mục đã xuống cấp để phát huy công năng đưa vào phục vụ đối tượng phù hợp với quy mô thu hút đối tượng và nhu cầu sử dụng thực tế theo từng năm, hạn chế việc cải tạo các hạng mục không cần thiết.

- Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các trang thiết bị đã mua sắm, đối chiếu với danh mục trang, thiết bị tối thiểu của Cơ sở cai nghiện ma túy quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đầu tư mua sắm các trang, thiết bị còn thiếu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Tăng cường công tác quản lý tài sản công tại Cơ sở cai nghiện ma túy theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Nhóm giải pháp về thu hút, nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện ma túy

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về nội dung, quy trình, nội quy, quy chế, cai nghiện ma túy, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt phục vụ người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh tới gia đình và bản thân người nghiện; thường xuyên đăng tải công khai các điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện của Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng điều trị, tư vấn, chăm sóc phục hồi sức khỏe và tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy do Cơ sở thực hiện, luôn coi người nghiện là người bệnh để chăm sóc, phục vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cho người nghiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường liên doanh, liên kết với các Cơ sở giáo dục, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để người nghiện được học văn hóa, học nghề và lao động trị liệu theo quy định, giúp người nghiện sau khi kết thúc quá trình cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm được việc làm.

4. Nhóm giải pháp về nguồn kinh phí thực hiện Đề án

- Nhu cầu kinh phí hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2023-2025 của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, căn cứ vào kết quả tiếp nhận đối tượng thực tế, đảm bảo điều kiện mục tiêu của Đề án, dự kiến: 50 tỷ đồng, trong đó:

- Kinh phí cải tạo các hạng mục công trình đã xuống cấp căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự kiến: 41,636 tỷ đồng. Chia ra cụ thể như sau:

+ Năm 2023: Cải tạo, sửa chữa Khu y tế, nhà ở học viên N4, N5; hệ thống sân, đường tuần tra bao quanh, tường rào và các hạng mục phụ trợ căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự kiến: 17,765 tỷ đồng.

+ Năm 2024: Cải tạo, sửa chữa sân vườn, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, khu văn hóa thể thao căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự kiến: 11,309 tỷ đồng.

+ Năm 2025: Cải tạo sửa chữa Khu mở rộng căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự kiến: 12,562 tỷ đồng.

(Chi tiết tại phụ lục số 4)

+ Kinh phí mua sắm trang thiết bị tối thiểu căn cứ trên cơ sở nhu cầu thực tế, dự kiến: 8,364 tỷ đồng.

(Chi tiết tại phụ lục số 5)

- Nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2026-2030 sẽ được xác định sau trên cơ sở nhu cầu thực tế phục vụ đối tượng từng năm.

- Kinh phí chi hoạt động thường xuyên phục đối tượng được xác định theo định mức quy định hiện hành[16] hoặc theo định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy mô đối tượng phục vụ trong dự toán chi thường xuyên hằng năm nên không đưa vào nội dung Đề án.

 - Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí chi thường xuyên phục vụ cho công tác cai nghiện của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh do ngân sách tỉnh đảm bảo.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ

I. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đã đề ra; Phổ biến, tuyên truyền nội dung Đề án đến các Sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

- Chủ trì rà soát, đánh giá cơ chế chính sách hiện hành của tỉnh đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đảm bảo các điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Mục I Chương II Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính Phủ; thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý công lập của tỉnh.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành chức năng và UBND cấp huyện về triển khai thực hiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy của các địa phương và Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh thuộc thẩm quyền của Sở hoặc theo chức năng nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy theo mục tiêu Đề án đã đề ra; tổ chức thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh theo quy định.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan và cơ quan công an cấp huyện, công an cấp xã thực hiện nghiêm túc công tác lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị xác định tình trạng nghiện và quản lý người nghiện, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Phối hợp tổ chức đưa người đã có quyết định vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; truy tìm đối tượng bỏ trốn theo quy định; phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở cai nghiện ma túy trong trường hợp cần thiết; phối hợp thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm quy chế, nội quy của người cai nghiện, cấp giấy chứng nhận cho lực lượng bảo vệ của Cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã hướng dẫn người nghiện ma túy thực hiện việc đăng ký cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy phấn đấu đạt mục tiêu của Đề án đề ra.

3. Sở Y tế

- Chủ trì tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn xác định tình trạng nghiện cho cán bộ y tế thực hiện công tác cai nghiện ma túy; cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho Cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- Cập nhật các phương pháp điều trị hiệu quả; cung ứng đủ thuốc điều trị cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Chỉ đạo các Bệnh viện (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố...) hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; Chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho việc điều trị cắt cơn, giải độc cấp cứu cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tập huấn nghiệp vụ, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và xác định tình trạng nghiện ma túy. Chỉ đạo các Cơ sở y tế tư vấn cho người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện ma túy tại cộng đồng.

- Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phối hợp các ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức xét nghiệm tìm chất gây nghiện để xác định người nghiện ma túy, tái sử dụng ma túy khi có yêu cầu.

- Hỗ trợ triển khai các hoạt động điều trị ARV cho người nghiện ma túy nhiễm HIV.

- Phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn tổ chức triển khai điều trị Methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ khác được nêu tại Đề án này.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nhân lực để thực hiện công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả theo từng giai đoạn.

5. Sở Tài chính

 - Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí hằng năm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án hiệu quả chất lượng theo đúng quy định.

- Hướng dẫn đơn vị quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với các Sở, ngành vận động, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ khác được nêu tại Đề án này.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh trong các Trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học cho các đối tượng cai nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi và các đối tượng có nhu cầu học tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

- Trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra chất lượng học tập, tổ chức thi và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho người cai nghiện; thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người sau cai nghiện ma túy.

8. Sở Tư pháp

- Tăng cường tập huấn, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ quan, đơn vị, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy của Tỉnh, đề xuất xây dựng, thay thế các văn bản phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ khác được nêu tại Đề án này.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma tuý nói chung và công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện ma túy nói riêng cho Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, gia đình và người nghiện ma tuý trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Thường xuyên xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến Đề án; Luật phòng, chống ma túy, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý, Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời đưa tin về các tổ chức, cá nhân điển hình trong triển khai, thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án.

11. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan thuộc ngành quản lý trên địa bàn tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng cấp thực hiện các thủ tục đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc

Vận động các tổ chức thành viên và quần chúng nhân dân tham gia giám sát công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương, việc vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy; giúp đỡ, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn; hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức rà soát số người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy.

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện rà soát theo dõi di biến động, lập danh sách quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy của địa phương, quản lý người nghiện ma túy, ra quyết định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; Lập hồ sơ đề nghị xem xét đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền về chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy, tích cực vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện; tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

- Hằng năm, bố trí nguồn ngân sách hợp lý (từ nguồn chi đảm bảo an sinh xã hội) để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động động viên, hỗ trợ người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

14. Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực hiện có, phân khu đối tượng, đề xuất phương án đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập; tổ chức tiếp nhận đầy đủ số người bị đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Đề án.

- Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện và ban hành quy trình cai nghiện, nội quy, quy chế quản lý người nghiện tại Cơ sở theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ để nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng.

- Tham mưu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma tuý và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý gửi Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để thẩm tra trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.

- Tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản và nguồn kinh phí hoạt động được cấp; chủ động phối hợp, liên kết với các Cơ sở giáo dục, Cơ sở nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để người nghiện được học văn hóa, học nghề và lao động trị liệu theo quy định.

II. Hiệu quả Đề án

1. Hiệu quả kinh tế

 Xét ở góc độ người nghiện, chi phí tài chính của người nghiện ở ngoài cộng đồng phải bỏ ra khoảng 146 triệu đồng/năm để sử dụng ma túy và ăn, ở, sinh hoạt hằng ngày, trong khi điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy chỉ phải chi trả tối đa khoảng 5 triệu đồng/năm, sẽ tiết kiệm được gần 140 triệu đồng. Xét ở góc độ xã hội, chi phí Nhà nước hỗ trợ và người nghiện phải chi trả cho một người nghiện khi cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở mỗi năm khoảng 48 triệu đồng, tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Như vậy, việc thu hút đối tượng tự nguyện vào cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh mang lại hiệu quả cao về mặt tài chính, xét ở cả góc độ người nghiện ma túy và toàn xã hội.

Về góc độ kinh tế, khi người nghiện ma túy ở ngoài xã hội, gia đình, cộng đồng và chính quyền nơi người nghiện sinh sống phải chịu thêm chi phí quản lý người nghiện, chi phí bù đắp khắc phục những hệ lụy tiêu cực từ người nghiện gây ra thì thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn rất nhiều so với cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

Về các chi phí tăng thêm mà ngân sách Nhà nước bỏ ra để thực hiện Đề án rất thấp, chủ yếu là các chi phí mang tính chất chi thường xuyên như: Sửa chữa bảo dưỡng cơ sở vật chất đã được đầu tư xuống cấp do thời gian để phát huy công năng sử dụng, chi phí mua sắm trang thiết bị tối thiểu còn thiếu theo quy định, nên tổng chi phí mà xã hội bỏ ra tính trên một người nghiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở tăng không đáng kể, trong khi Đề án được triển khai sẽ khai thác đầy đủ công suất cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy đã đầu tư nhưng chưa sử dụng, giảm thiểu lãng phí tài sản Nhà nước.

Như vậy, việc thu hút toàn bộ số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý nhưng chưa được quản lý tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy, Cơ sở giam giữ hoặc chưa đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vào cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy mang lại hiệu quả kinh tế cao.

2. Hiệu quả xã hội

Việc giảm số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng đưa vào quản lý tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đồng nghĩa với giảm thiểu các nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội do tệ nạn ma túy gây ra, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế.

Kết luận, việc xây dựng Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030 để triển khai thực hiện là rất cần thiết và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội để phát triển kinh tế của địa phương.

3. Người hưởng lợi của Đề án

- Bản thân và gia đình người nghiện ma túy.

- Cộng đồng và xã hội nơi người nghiện ma túy sinh sống.

III. Danh mục các phụ lục, biểu kèm theo

1. Phụ lục 1. Thực trạng công tác cai nghiện của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh phúc

1.1. Biểu số 1 phụ lục 1. Hiện trạng cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

1.2. Biểu số 2 phụ lục 1. Tổng hợp danh mục trang thiết bị và phương tiện còn thiếu của Cơ sở cai nghiện ma túy so với quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

1.3. Biểu số 3 phụ lục 1. Số người cai nghiện vào Cơ sở cai nghiện ma túy giai đoạn 2016-2021.

1.4. Biểu số 4 phụ lục 1. Kết quả khảo sát người chấp hành xong thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Phụ lục 2. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc

2.1. Biểu số 1 phụ lục 2. Kết quả hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện theo Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Phụ lục 3. Nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

3.1. Biểu số 1A phụ lục 3. Biểu tổng hợp kết quả khảo sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng

3.2. Biểu số 1B phụ lục 3. Biểu tổng hợp kết quả khảo sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng.

3.3. Biểu 2A phụ lục 3. Biểu tổng hợp kết quả điều tra khảo sát đối tượng cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

3.4. Biểu 2B phụ lục 3. Biểu tổng hợp kết quả điều tra khảo sát đối tượng cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Phụ lục 4. Dự kiến kinh phí cải tạo các hạng mục công trình đã xuống cấp của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

5. Phụ lục 5. Dự kiến kinh phí mua sắm trang thiết bị tối thiểu còn thiếu./.

 

PHỤ LỤC I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

1. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị

a) Cơ sở vật chất

Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh được giao tổng diện tích là gần 13 ha (có thể đáp ứng cho khoảng 1.300 đối tượng theo quy định hiện hành)[17], được chia làm 2 khu. Trong đó:

- Khu đầu tư ban đầu (khu cũ), diện tích là 9,162 ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2002 với tổng diện tích phòng ở cho đối tượng là 1.854 m2 (có thể đáp ứng số lượng tiếp nhận đối tượng tối đa khoảng 300 người theo quy định hiện hành)[18], gồm các hạng mục công trình: Nhà điều hành; nhà ở học viên, nhà ở cán bộ trực; hội trường học viên; nhà ăn, nhà bếp phục vụ cán bộ, học viên; khu phục vụ cán bộ, học viên; nhà tổ chức thăm gặp; xưởng dạy nghề và một số công trình phụ trợ khác.

- Khu mở rộng, diện tích là 3,77 ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 với tổng diện tích phòng ở cho đối tượng là 2.432 m2 (có thể đáp ứng số lượng tiếp nhận đối tượng tối đa 400 người theo quy định hiện hành), gồm các hạng mục công trình: Nhà ở học viên; nhà ở cán bộ trực; nhà quản lý lao động sản xuất; nhà ăn, nhà bếp.

Các công trình trên được đầu tư xây dựng từ những năm 2002 (khu cũ) và năm 2009 (khu mở rộng) nên một số hạng mục công trình (tường, mái nhà, điện, nước,... ) đã bị hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được; một số phòng ở đối tượng đầu tư theo tiêu chuẩn cũ đã lỗi thời, không đáp ứng được theo quy định hiện hành, khó khăn cho việc thực hiện phân khu cho học viên và hoạt động cai nghiện ma túy tại Cơ sở (chăm sóc, điều trị, lao động trị liệu và các hoạt động khác phục vụ người nghiện ma túy).

Do vậy cần cải tạo, sửa chữa: Mái nhà điều hành, nhà N4 (diện tích 210 m2), nhà y tế (278,4 m2); khu mở rộng cần cải tạo, sửa chữa toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất với diện tích 6.281 m2 bao gồm: Nhà quản lý sản xuất, nhà ở tập thể cho cán bộ ở xa và trực ca đêm, nhà thăm gặp - tiếp tế, nhà kho lương thực nhu yếu phẩm, quần áo, gara xe đạp, xe máy, nhà bếp ăn học viên, nhà ở học viên.

(Chi tiết tại biểu số 1 phụ lục 1 kèm theo)

b) Trang thiết bị

Hệ thống trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay do quá trình sử dụng lâu dài nên nhiều trang thiết bị đã hỏng hóc, không còn phù hợp với quy định điều trị cai nghiện ma túy hiện nay.

Mặt khác, nhiều trang thiết bị còn thiếu so với quy định tại phụ lục I, Điều 7, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, bao gồm: Trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện quy trình cai nghiện; trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của người cai nghiện; trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ, quản lý người cai nghiện; trang thiết bị dùng chung của Cơ sở cai nghiện ma túy.

 (Chi tiết tại biểu số 2 phụ lục 1 kèm theo).

2. Về cơ cấu, tổ chức bộ máy và nhân lực:

- Tổ chức bộ máy, gồm: Ban Giám đốc và 04 Phòng chuyên môn:

+ Phòng Hành chính - Tổng hợp.

+ Phòng Quản lý học viên.

+ Phòng Khám điều trị, Tư vấn và Phục hồi sức khỏe.

+ Phòng Giáo dục, Dạy nghề và Lao động trị liệu.

- Về nhân lực: Tổng số cán bộ, nhân viên hiện có: 50 người, trong đó: Viên chức 35 người; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (nay là Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) 13 người; Hợp đồng do Cơ sở tự cân đối trả lương 02 người. Theo quy định tại Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBBXH thì đối với Cơ sở cai nghiện ma túy có từ 100 đến dưới 500 học viên thì 01 cán bộ quản lý 07 học viên bắt buộc và 09 học viên tự nguyện (không bao gồm Ban Giám đốc). Tính đến thời điểm 30/6/2022, Cơ sở có 193 học viên (học viên tự nguyện là 14 người, học viên bắt buộc là 179 người), để quản lý số học viên này cần 27 viên chức và 04 viên chức trong Ban Giám đốc (tổng số là 31 viên chức), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải có ít nhất 8 viên chức làm việc theo quy định tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP nhưng đến nay chưa đáp ứng được về điều kiện nhân sự đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy. Như vậy, tổng số nhân lực cần 39 viên chức, nhưng đến nay Cơ sở vẫn thiếu 04 viên chức để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, áp lực công việc đối với cán bộ tại Cơ sở rất cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội cũng rất lớn, thực tế tại Cơ sở đã có nhiều trường hợp cán bộ bị phơi nhiễm HIV khi ngăn chặn các hành vi vi phạm của học viên, phải điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV của tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), dẫn đến tình trạng số cán bộ nghỉ việc, bỏ việc nhiều (chỉ tính từ năm 2016 đến nay, đã có gần 40 cán bộ nghỉ việc, bỏ việc hoặc xin chuyển công tác khác), làm cho công tác quản lý, điều trị, chăm sóc, giáo dục... đối với học viên gặp nhiều khó khăn.

3. Về cơ chế tài chính

Hiện tại kinh phí hoạt động của Cơ sở từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ để chi trả cho viên chức, người lao động và người cai nghiện ma túy nhằm duy trì các hoạt động tối thiểu của công tác cai nghiện ma túy; nguồn đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện chỉ đủ phục vụ chính cho người cai nghiện (ăn, ở, sinh hoạt ...). Vì vậy, cơ chế tài chính hiện nay rất khó để nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở.

4. Kết quả hoạt động cai nghiện ma túy

Giai đoạn 2016 - 2021, Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tiếp nhận cai nghiện ma túy mới cho 908 lượt người nghiện ma túy (trong đó, đối tượng bắt buộc là 770 người chiếm 85%; đối tượng tự nguyện là 138 người chiếm 15%), mỗi năm tiếp nhận mới trung bình khoảng 150 người/năm, với lưu lượng thường xuyên duy trì khoảng trên 200 người.

 (Chi tiết tại biểu số 3 phụ lục 1 kèm theo).

Ngoài ra, Cơ sở thực hiện tiếp nhận người nghiện ma túy chưa xác định được nơi cư trú đưa vào lưu trú tạm thời để cơ quan chức năng xác minh lập hồ sơ là 40 đối tượng (Năm 2016 không có; Năm 2017: 06 đối tượng; Năm 2018: 16 đối tượng; Năm 2019: 06 đối tượng; Năm 2020: 06 đối tượng; Năm 2021: 06 đối tượng). Thời gian lưu trú ngắn nhất 14 ngày; thời gian lưu trú dài nhất 45 ngày.

Qua công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy đã góp phần làm giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy, giảm gánh nặng kinh tế, tâm lý cho bản thân và gia đình người nghiện, góp phần giảm lây nhiễm HIV và các tác hại khác do sử dụng ma túy tại cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.

5. Hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Qua khảo sát thông tin 768 người nghiện ma tuý sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý trở về cộng đồng từ năm 2016-2021, có 614 người thu thập được thông tin về tình trạng nghiện và 154 người không có thông tin (do chuyển đi nơi khác, đi tù,...), có 642 người thu thập được thông tin về tình trạng việc làm và 126 người không có thông tin (do chuyển đi nơi khác, đi tù,...). Kết quả như sau:

- Về tình trạng nghiện: Trong 614 người thu thập được thông tin có 165 người cai nghiện ma túy thành công (chiếm 26,87% tổng số người có thông tin) 449 người còn nghiện (chiếm 73,13% tổng số người có thông tin).

- Tình trạng việc làm: Trong 642 người thu thập được thông tin có 333 người sau cai nghiện ma túy tìm kiếm được việc làm (chiếm 51,87%), số người chưa tìm kiếm được việc làm hoặc không có việc làm là 309 người (chiếm 48,13%). Như vậy, sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý đa phần người cai nghiện ma túy đều tìm kiếm được việc làm.

 (Chi tiết tại biểu số 4 phụ lục 1 kèm theo)

Qua kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người cai nghiện ma túy thành công sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện tại Cơ sở trở về cộng đồng đạt kết quả khả quan. Mặt khác, trong Cơ sở đã chuẩn bị công tác tái hoà nhập cộng đồng như: Công tác thông tin, tư vấn, phổ biến thị trường lao động, tư vấn giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề được Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện hiệu quả, giúp người nghiện ma túy sau khi cai nghiện có việc làm sẽ giảm các nguy cơ tái nghiện, ổn định cuộc sống.

 

Biểu số 1 phụ lục 1

HIỆN TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

Hạng mục công trình

Diện tích
(m2)

Hiện trạng

Tình trạng sử dụng

Nhu cầu cải tạo sửa chữa

Ghi chú

I

Khu cũ

5.532,8

 

 

 

 

1

Nhà điều hành 3 tầng

786,3

 Mái tầng 3 gỉ sét, thấm dột

Đang sử dụng

Sửa chữa mái

Xây dựng năm 2002 và được cải tạo sửa chữa năm 2021

2

Nhà ở cán bộ

661,4

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Đang sử dụng

 

 

Nhà ở cán bộ 1 và 2

238

Nhà đang sửa chữa

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

Nhà xưởng học nghề cải tạo thành nhà ở cán bộ

423,4

Đã cải tạo năm 2021

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

3

Nhà bếp, nhà ăn cán bộ

174,2

Nhà đang sửa chữa

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

4

Nhà xưởng

540

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

5

 Nhà tiếp công dân

77,2

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

6

Nhà thăm gặp

55,6

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2001

7

Hội trường học viên

507,9

Nhà đang sửa chữa

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

8

Nhà bếp ăn phục vụ học viên

361

Nhà đang sửa chữa

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

9

Nhà ở cán bộ trực gác, quản lý học viên và nhà ở học viên gồm:

2.369,4

 

 

 

Trong đó: Nhà ở cán bộ trực gác, quản lý học viên là 515,4 m2 và nhà ở học viên 1.854 m2

Nhà N1, N2, N3

654,4

Cải tạo sửa chữa năm 2017

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

Nhà N8

278

Cải tạo sửa chữa năm 2017

Chưa sử dụng diện

Đang để nghị cải tạo sửa chữa

Xây dựng năm 2002

Nhà N4

210

Tường bong tróc, rêu, mốc; cửa sổ, cửa đi bị mối mọt, mục rỗ; mái tôn nhiều tấm bị ô xy hóa, gây thủng, dột; Lớp gạch nền, bậc tam cấp bị vỡ, hư hỏng. Hệ thống cửa, thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nước bị hư hỏng.

Đang sử dụng

Cần cải tạo sửa chữa

Xây dựng năm 2002 và được cải tạo sửa chữa năm 2010

Nhà N5

201

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

Nhà N6, N7

726

Nhà đang sửa chữa

Đang sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

Nhà 05 cũ

300

Cải tạo sửa chữa năm 2021

Chưa sử dụng

 

Xây dựng năm 2002

10

Nhà y tế

278,4

 Hệ thống mái tôn, xà gồ đã bị hư hỏng mục nát gây thấm dột trên mái; Hệ thống chống sét đã hư hỏng, gỉ sét; Tường trong và ngoài nhà bong tróc, gạch nền, bậc tam cấp bị vỡ, bong tróc. Hệ thống cửa đi, cửa sổ, thiết bị vệ sinh, hệ thống điện bị hư hỏng.

Đang sử dụng

Cần cải tạo sửa chữa

Xây dựng năm 2002

11

Tường rào phân khu, sân đường nội bộ,

 

Hệ thống tường rào hiện trạng đã bị hư hỏng, bong tróc, nghiêng lún; Hệ thống sân gạch hiện trạng đã bị hư hỏng hỏng, trồi lún; Hệ thống rãnh thoát nước mặt hiện trạng đã bị hư hỏng, gãy vỡ, không có lối thoát cho nước thải;

Đang sử dụng

Đập đi xây mới

Xây dựng năm 2002

12

Hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, cấp thoát nước.

 

Chưa có bể Phòng cháy, chữa cháy để phục vụ bên trong khu tường 4m;

- Chưa có hệ thống dây cấp nước, bình chữa cháy, vòi phun chữa cháy, hệ thống trụ cứu hoả lâu ngày đã bị oxy hoá, không đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy

Hệ thống cấp điện nguồn đã được lắp đặt từ năm 2002, đã bị hư hỏng đấu nối tạm bợ. Hệ thống đường ống nước qua nhiều năm sử dụng, hư hỏng, rò nước nhiều dẫn đến lãng phí nước, không cấp đủ nước sinh hoạt cho cán bộ và học viên;

- Hệ thống xử lý nước thải, cống rãnh khu y tế bị hư hỏng nặng, thường xuyên gây ứ đọng mất vệ sinh.

Đang sử dụng

Đầu tư mới

 

II

Khu mở rộng

6.281

 

 

 

 

1

Nhà quản lý sản xuất

997

Gạch lát nền bị hỏng hóc, xuống cấp; tường bong tróc, rêu, mốc; Cửa sổ, cửa đi bị mối mọt; Mái tôn nhiều tấm bị ô xy hóa theo thời gian, sênô bị thấm dột; hệ thống cấp điện hỏng hóc, chập cháy; hệ thống cấp thoát nước khu vệ sinh xuống cấp.

Đang sử dụng

Cần cải tạo, sửa chữa

Xây dựng năm 2009

2

Nhà ở tập thể cho cán bộ ở xa và trực ca đêm

760

Đang sử dụng

3

Nhà thăm gặp - tiếp tế

180

Đang sử dụng

4

Nhà kho lương thực nhu yếu phẩm, quần áo.

650

Đang sử dụng

5

Gara xe đạp, xe máy

120

Đang sử dụng

6

Nhà bếp ăn học viên

1.142

Chưa sử dụng

7

Nhà ở học viên

2.432

Chưa sử dụng

 

Biểu số 2 phụ lục 1

TỔNG HỢP DANH MỤC DỰ KIẾN TRANG THIẾT BỊ VÀ PHƯƠNG TIỆN CÒN THIẾU CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY SO VỚI QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 116/2021/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

Tên trang thiết bị

Đơn vị

Số lượng tối thiểu quy định tại NĐ 116

Số lượng hiện có tại Cơ sở

Số lượng cần bổ sung

A

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH CAI NGHIỆN

 

 

 

 

I

Trang thiết bị thực hiện các hoạt động tiếp nhận, phân loại người cai nghiện

 

 

 

 

1

Máy vi tính + Máy in

Bộ

2

1

2

2

Ti vi

Cái

1

0

1

3

Máy bộ đàm

Bộ

1

0

1

4

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

 0

2

II

Trang thiết bị y tế thực hiện các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

Phòng

 

 

 

1

Máy xông mũi họng

Cái

1

0

1

2

Bộ đặt nội khí quản

Bộ

1

0

2

3

Vòi rửa mắt khẩn cấp

Cái

1

 0

1

4

Ghế đẩu quay

Cái

10

 0

12

5

Các bộ nẹp chân, tay

Bộ

5

2

 5

6

Xoong luộc dụng cụ

Cái

1

 0

1

III

Trang thiết bị thực hiện hoạt động giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách

 

 

 

 

 

Giáo dục, tư vấn

 

 

 

 

4

Đèn bàn

Cái

1

0

1

5

Máy trợ giảng

Cái

1

 0

1

7

Tủ sách

Cái

1

0

1

8

Bàn, ghế

Bộ

2

0

2

 

Thiết bị phục hồi sức khỏe

 

 

 

 

1

Xe đạp tập

Cái

1

0

6

2

Thảm và bộ cầu lông

Bộ

1

 0

6

3

Dụng cụ thể thao khác

Cái

 

0

12

IV

Trang thiết bị thực hiện hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Phòng

 

 

 

1

Ghế băng

Cái

5

 0

5

2

Ti vi

Cái

1

0

1

3

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

 0

2

4

Điều hòa nhiệt độ

Cái

1

 0

1

5

Máy lọc nước

Chiếc

1

0

 1

B

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO SINH HOẠT CỦA NGƯỜI CAI NGHIỆN

 

 

 

 

I

Trang thiết bị phục vụ phòng ở của người cai nghiện

Phòng

 

 

 

1

Tủ nhiều ngăn

Cái

2

 0

2

2

Giường tầng sắt

Cái

Theo quy mô cơ sở

45

300

3

Giường đơn sắt

Cái

Theo quy mô cơ sở

 400

 200

4

Bình đun nước nóng

Cái

1

0

1

5

Tủ cá nhân

chiếc

1

 0

1

6

Camera an ninh giám sát

Bộ

1

0

1

7

Hệ thống phát thanh nội bộ

Bộ

1

0

1

II

Trang thiết bị phục vụ phòng ăn tập thể

 

 

 

 

1

Hệ thống chụp hút mùi inox

Cái

1

 0

5

2

Bếp hầm đôi Inox

Cái

1

 0

5

3

Bếp gas

Cái

1

0

8

4

Bàn ra đồ ăn inox

Cái

1

0

5

5

Bàn sơ chế cắt, chặt, băm

Cái

1

0

5

6

Thùng rác inox

Cái

5

0

45

7

Giá inox để gia vị, chai lọ

Cái

1

0

15

8

Đèn diệt côn trùng

Chiếc

1

 0

6

9

Bếp chiên nhúng

Chiếc

1

 0

5

10

Chậu rửa inox công nghiệp

Cái

1

0

5

11

Tủ nấu cơm Gas và điện

Cái

1

0

2

12

Nồi nấu canh công nghiệp điện

Cái

1

 0

5

13

Máy mài dao tự động

Cái

1

 0

5

14

Máy thái thịt tự động

Cái

1

 0

5

15

Máy xay thịt tự động

Cái

1

 0

5

16

Lò vi sóng

Cái

1

 0

5

17

Tủ mát bảo quản đồ ăn thừa

Cái

1

 0

1

18

Xe đẩy đồ ăn inox

Cái

1

0

1

19

Xe thu dọn đồ ăn

Cái

1

 0

6

20

Quạt hơi nước công nghiệp

Cái

1

 0

6

21

Hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời

Cái

1

 0

 1

22

Máy lọc nước

Chiếc

1

0

1

23

Cây lọc nước nóng lạnh

Cái

1

 0

 1

24

Bàn, ghế phòng ăn

Bộ

Theo quy mô cơ sở

 75

 300

C

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO VIỆC BẢO VỆ, QUẢN LÝ NGƯỜI CAI NGHIỆN

 

 

 

 

1

Camera giám sát ngày và đêm (Theo dõi toàn cơ sở cai nghiện)

Hệ thống

1

0

1

2

Tháp đèn di động

Cái

1

 0

10

3

Máy dò kim loại cầm tay

Cái

1

 0

10

5

Ống nhòm ngày và đêm

Cái

1

 0

10

6

Áo khoác gile quân cảnh

Bộ

1

 0

100

8

Thiết bị báo động (còi, đèn chớp, nút bấm)

Bộ

1

 0

5

9

Thiết bị, công cụ hỗ trợ (Theo quy định của ngành Công an)

Bộ

1

 0

1

D

TRANG THIẾT BỊ DÙNG CHUNG CỦA CƠ SỞ

 

 

 

 

1

Máy phát điện dưới 50 KVA

Cái

1

0

1

2

Loa phóng thanh cầm tay

Cái

1

 0

5

3

Máy bộ đàm

Bộ

1

0

 1

4

Bàn làm việc

Cái

Theo quy mô cơ sở

25

 15

5

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

0

 5

6

Ghế

Cái

Theo quy mô cơ sở

34

30

7

Bếp điện

Cái

1

 0

9

8

Lò sưởi điện

Cái

1

 0

15

9

Máy sấy công nghiệp

Chiếc

1

0

5

10

Máy giặt công nghiệp

Chiếc

1

0

5

11

Xe đẩy đồ vải inox

Cái

1

 0

5

 

Biểu số 3 phụ lục 1

SỐ NGƯỜI CAI NGHIỆN VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

ĐVT: người

TT

Huyện, thành phố

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng

BB

TN

BB

TN

BB

TN

BB

TN

BB

TN

BB

TN

BB

Tỷ lệ
(%)

TN

Tỷ lệ
(%)

Cộng

1

Vĩnh Yên

19

02

26

02

17

01

19

02

19

05

20

01

120

90

13

10

133

2

Phúc Yên

21

0

23

02

18

04

20

0

27

01

15

03

124

93

10

7

134

3

Lập Thạch

12

01

14

01

12

03

11

08

11

06

09

02

69

77

21

23

90

4

Sông Lô

11

01

13

01

08

0

13

01

08

01

11

0

64

94

4

6

68

5

Vĩnh Tường

24

03

12

03

14

01

15

09

16

09

16

07

97

75

32

25

129

6

Yên Lạc

12

01

13

02

15

0

13

02

13

05

14

02

80

87

12

13

92

7

Tam Dương

18

01

08

01

11

03

14

02

09

06

14

03

74

82

16

18

90

8

Tam Đảo

10

01

13

01

09

02

10

02

10

02

16

01

68

88

9

12

77

9

Bình Xuyên

13

01

10

0

15

0

11

0

13

01

12

02

74

95

4

5

78

10

Số học viên tự nguyện tỉnh ngoài

 

03

 

03

 

04

 

05

 

02

 

0

0

0

17

100

17

Tổng

140

14

132

16

119

18

126

31

126

38

127

21

770

85

138

15

908

 

Biểu số 4 phụ lục 1

KẾT QUẢ KHẢO SÁT NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG THỜI GIAN CAI NGHIỆN TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN TUÝ TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

Huyện/thành phố

Tổng số người đã chấp hành xong thời gian cai nghiện tại Cơ sở giai đoạn 2016 - 2021

Tình trạng việc làm

Tình trạng nghiện ma túy

Số người có thông tin về tình trạng việc làm (người)

Có việc làm

Không có việc làm

không xác định được

Số người có thông tin về tình trạng nghiện ma túy (người)

Còn nghiện

Đã cai nghiện thành công

Không xác định được

Số lần tái nghiện

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

1

Vĩnh Yên

112

95

70

73.68

25

26.32

17

15

85

74

87.06

11

12.94

27

24

117

2

Tam Dương

94

87

41

47.13

46

52.87

7

7

79

72

91.14

7

8.86

15

16

87

3

Yên Lạc

67

63

29

46.03

34

53.97

4

6

60

53

88.33

7

11.67

7

10

87

4

Vĩnh Tường

100

83

43

51.81

40

48.19

17

17

73

61

83.56

12

16.44

27

27

97

5

Bình Xuyên

69

60

34

56.67

26

43.33

9

13

60

46

76.67

14

23.33

9

13

54

6

Phúc Yên

115

78

44

56.41

34

43.59

37

32

78

19

24.36

59

75.64

37

32

21

7

Tam Đảo

70

60

24

40.00

36

60.00

10

14

58

37

63.79

21

36.21

12

17

34

8

Sông Lô

69

54

25

46.30

29

53.70

15

22

59

49

83.05

10

16.95

10

14

71

9

Lập Thạch

72

62

23

37.10

39

62.90

10

14

62

38

61.29

24

38.71

10

14

81

Tổng số

768

642

333

51.87

309

48.13

126

16

614

449

73.13

165

26.87

154

20

 

 

PHỤ LỤC 2

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39/2019/NQ-HĐND NGÀY 15/7/2019 CỦA HĐND TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

1. Công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện

Sau khi Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh được ban hành, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 09/9/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh quy định mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như in tờ gấp, in sách mỏng cấp phát đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền trên Bản tin Phòng, chống tệ nạn xã hội, đăng tải trên cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh, treo băng zôn, tổ chức hội nghị tuyên truyền đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Tổ chức lồng ghép 8 Hội nghị tuyên truyền cho 1.900 người tham gia; Treo 54 Băng zôn; In, cấp phát 23.000 sách mỏng tới các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh…Phổ biến đến cán bộ, viên chức, người lao động thông qua các hội nghị, họp giao ban định kỳ, họp cơ quan, sinh hoạt chi bộ. Tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại Hội trường cho 116 lượt viên chức, người lao động và hơn 500 lượt học viên cai nghiện chữa trị tại Cơ sở; 01 Hội nghị họp gia đình học viên cuối năm 2019. Ngoài ra, hằng tháng Cơ sở xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến qua hình thức giảng bài trên lớp, hệ thống loa truyền thanh; đưa tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của Sở Lao động - TB&XH; tuyên truyền, phổ biến tới thân nhân gia đình học viên về chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở…

3. Kết quả hỗ trợ tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc

Từ tháng 9/2019, thực hiện Nghị quyết 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Học viên cai nghiện ma túy tự nguyện được Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% và 85% chi phí tối thiểu (tùy từng nhóm đối tượng), bao gồm các chi phí: tiền ăn, tiền đồ dùng sinh hoạt cá nhân, tiền xét nghiệm và tiền thuốc cai nghiện. 15% chi phí còn lại do gia đình học viên đóng góp.

Năm 2019: Đã hỗ trợ cho 10 đối tượng với số tiền là 66,8 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 100% cho 01 đối tượng với số tiền 9,55 triệu đồng, hỗ trợ 85% cho 9 đối tượng với số tiền là 57,25 triệu đồng.

Năm 2020: Đã hỗ trợ cho 38 đối tượng với số tiền là 182,5 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 100% cho 03 đối tượng với số tiền 28,55 triệu đồng, hỗ trợ 85% cho 35 đối tượng với số tiền là 153,95 triệu đồng.

Năm 2021: Đã hỗ trợ cho 21 đối tượng với số tiền là 179,5 triệu đồng, trong đó không có đối tượng được hỗ trợ 100%.

(Các khoản chi phí phục vụ công tác cai nghiện tự nguyện trên chưa bao gồm chi phí nhân lực quản lý học viên)

4. Hiệu quả Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND

Số lượng đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện trước khi ban hành Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2018 là 48 người, trong đó năm 2016 là 14 người, năm 2017 là 16 người, năm 2018 là 18 người.

Kể từ khi Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu lực (ngày 01/8/2019), Cơ sở đã tiếp nhận điều trị cai nghiện ma túy cho 86 đối tượng tự nguyện, trong đó: năm 2019 là 10 người (tính theo số đối tượng được hỗ trợ), năm 2020 là 38 người, năm 2021 là 21 người và 9 tháng đầu năm 2022 là 17 người, bình quân mỗi năm khoảng 22 đối tượng.

Như vậy, qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND đến nay được thực hiện có hiệu quả, đã nâng số người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện so với trước khi ban hành Nghị quyết. Chỉ tính số lượng đối tượng tự nguyện giai đoạn từ khi Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 8/2019-2021 (69 người) so với số lượng đối tượng giai đoạn 2016-2018 (48 người) tăng lên là 21 người (tương ứng với tăng khoảng 43%).

Tuy nhiên, cơ chế tài chính của Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện, không có cơ chế chi tiền thuê nhân lực để quản lý đối tượng cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy nên cần có cơ chế tài chính thuê nhân lực để thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.

(Chi tiết tại biểu số 1 phụ lục 2 kèm theo)

 

Biểu số 1 phụ lục 2

KẾT QUẢ HỖ TRỢ ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 39/2019/NQ-HĐND NGÀY 15/7/2019 CỦA HĐND TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Năm

Số lượt học viên cai nghiện tự nguyện

Tổng chi phí

Tổng

Ngân sách Nhà nước chi trả

Gia đình học viên đóng góp

Hỗ trợ 85%

Hỗ trợ 100%

Cộng

Hỗ trợ 85%

Hỗ trợ 100%

Cộng

1

2019

09

01

10

94,8

57,25

9,55

66,8

28

2

2020

35

03

38

289,7

153,95

28,55

182,5

107,2

3

2021

21

0

21

237,8

179,5

0

179,5

58,3

Cộng

65

4

69

622,3

390,7

38,1

428,8

193,5

 

PHỤ LỤC 3

NHU CẦU CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

Qua khảo sát thông tin liên quan đến nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện ở 540 người nghiện, thân nhân người nghiện tại 54 xã, phường, thị trấn (trong đó có 294 người nghiện) theo phương án chọn mẫu và 210 người cai nghiện ma túy đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy theo phương án khảo sát toàn bộ (100%) có 52,5% ý kiến trả lời có nhu cầu cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, tính trên tổng số 1.820 người nghiện có hồ sơ quản lý thì số người nghiện có nhu cầu cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy là 735 người. Kết quả khảo sát đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và Cơ sở như sau:

1. Kết quả khảo sát đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Tại các xã, phường, thị trấn khảo sát 540 người, trong đó số người đã cai nghiện từ 01 lần là: 375 người (chiếm 69,44%); số người đã cai nghiện từ 02 lần trở lên là 165 người (chiếm 30,56%).

- Hiệu quả cai nghiện: Có 458/540 người trả lời câu hỏi, trong đó có 277 người (chiếm 60,48%) đánh giá cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy hiệu quả hơn.

- Về chế độ hỗ trợ cho người nghiện cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy (theo NQ 39/2019/NQ-HĐND): Có 373 người (chiếm71,6% số người trả lời) đã biết.

(Chi tiết tại biểu số 1A phụ lục3 kèm theo)

- Kết quả đánh giá về chất lượng phục vụ: Khoảng gần 92% số người được hỏi nhận xét chất lượng phục vụ tại Cơ sở cai nghiện ma túy là tốt và bình thường.

- Nhu cầu cai nghiện tự nguyện: Có 526/540 người trả lời câu hỏi, trong đó 276 người (chiếm 52,5%) có nhu cầu cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Trong số 276 người có nhu cầu cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn là 215 người (chiếm 77,9%).

 (Chi tiết tại biểu số 1B phụ lục 3 kèm theo)

2. Kết quả khảo sát đối tượng cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy khảo sát 210 người cai nghiện, trong đó có 145 người cai nghiện 01 lần và 65 người đã từng cai nghiện từ 02 lần trở lên.

- Hiệu quả cai nghiện: Có 130 người (chiếm 61,9%) đánh giá cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy hiệu quả hơn.

- Kết quả đánh giá về chất lượng phục vụ: Khoảng gần 93% số người được hỏi nhận xét chất lượng phục vụ tại Cơ sở cai nghiện ma túy là tốt và bình thường.

(Chi tiết tại biểu số 2A phụ lục 3 kèm theo)

- Về lý do không đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy: Có 99 ý kiến (chiếm 47,1%) cho là do không có ý chí, quyết tâm; 52 ý kiến (chiếm 24,8%) là do điều kiện kinh tế (không biết chế độ hỗ trợ hoặc do hoàn cảnh gia đình không có tiền để đóng góp phần kinh phí không được hỗ trợ); 15 ý kiến (chiếm 7,1%) do chất lượng phục vụ; 44 ý kiến (chiếm 21%) cho rằng cả 03 lý do trên.

(Chi tiết tại biểu số 2B phụ lục 3 kèm theo)

3. Đánh giá chung

Qua thực tế khảo sát cho thấy, nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện của các đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý ngoài cộng đồng tại Cơ sở cai nghiện ma túy là không cao. Nguyên nhân của vấn đề này là do người nghiện còn thiếu quyết tâm; công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện còn nhiều hạn chế, đó là những rào cản đối với nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện.

Theo quy định tại Điều 28 Luật phòng, chống ma túy thì biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó, biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Tuy nhiên công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo kết quả khảo sát trên là không hiệu quả. Vì vậy, cần tuyên truyền vận động người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.

 

Biểu số 1A phụ lục 3

BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT NGƯỜI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

Huyện/
thành phố

Tổng số người được khảo sát

Trong đó số người nghiện được trực tiếp khảo sát

Số năm sử dụng MT

Số lần đã cai nghiện

Hình thức cai nghiện

Hiệu quả của hình thức cai nghiện

Biết về chế độ đối với người cai nghiện tự nguyện

1

2 đến 5

>5

Lần 1

Lần 2 (người)

Lần 3 (người)

Từ 2 lần trở lên

Bắt buộc

Tự nguyện tại gđ,cđ

Tự nguyện tại CSCN

Tổng số người trả lời câu hỏi

Tự nguyện tại gđ,cđ

Tự nguyện tại CSCN

Tổng số người hỏi (người)

Biết

Không

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

1

Vĩnh Yên

62

40

15

22

24

43

69.35

26

15

41

66.13

39

20

15

59

24

40.68

35

59.32

65

44

67.7

21

32.3

2

Tam Dương

60

31

3

23

24

50

83.33

14

2

16

26.67

45

16

4

60

15

25

45

75

60

47

78.3

13

21.7

3

Yên lạc

60

30

11

21

28

38

63.33

10

7

17

28.33

35

9

6

16

6

37.5

10

62.5

51

37

72.5

14

27.5

4

Vĩnh Tường

61

31

1

14

16

25

40.98

15

2

17

27.87

29

2

0

40

4

10

36

90

61

28

45.9

33

54.1

5

Bình Xuyên

57

32

2

20

35

46

80.7

6

3

9

15.79

21

29

3

48

32

66.67

16

33.33

57

34

59.6

23

40.4

6

Phúc Yên

60

31

5

22

33

31

51.67

19

21

40

66.67

24

22

14

60

28

46.67

32

53.33

60

55

91.7

5

8.3

7

Tam Đảo

60

30

30

22

6

59

98.33

2

2

4

6.667

19

20

19

55

15

27.27

40

72.73

56

43

76.8

13

23.2

8

Lập Thạch

60

31

14

30

16

57

95

7

1

8

13.33

13

28

15

60

37

61.67

23

38.33

51

41

80.4

10

19.6

9

Sông Lô

60

38

3

32

25

26

43.33

6

7

13

21.67

43

3

13

60

20

33.33

40

66.67

60

44

73.3

16

26.7

Tổng số

540

294

84

206

207

375

69.44

105

60

165

30.56

268

149

89

458

181

39.52

277

60.48

521

373

71.6

148

28.4

 

Biểu số 1B phụ lục 3

BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT NGƯỜI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

Huyện/
thành phố

Tổng số người được khảo sát

Trong đó số người nghiện được trực tiếp khảo sát

Về chất lượng phục vụ tại Cơ sở cai nghiện

Nguyện vọng cai nghiện tự nguyện tại CSCNMT

Nguyện vọng sử dụng các dịch vụ tốt hơn

Quy trình cai nghiện

Thái độ phục vụ

Cơ sở vật chất

Tổng số người trả lời (người)

Không

Tổng số người trả lời (người)

Không

 

Tốt

Bình thường

Tốt và bình thường

Chưa tốt

Tốt

Bình thường

Tốt và bình thường

Chưa tốt

Tốt

Bình thường

Chưa tốt

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

1

Vĩnh Yên

62

40

16

40

56

90

3

25

34

59

95

0

17

43

1

62

29

46.8

33

53.2

31

23

74.2

8

25.8

2

Tam Dương

60

31

23

34

57

95

3

36

21

57

95

3

22

36

2

60

31

51.7

29

48.3

34

25

73.5

9

26.5

3

Yên lạc

60

30

32

13

45

75

0

28

16

44

73

3

22

25

0

48

24

50

24

50.0

28

27

96.4

1

3.6

4

Vĩnh Tường

61

31

30

30

60

98

0

26

34

60

98

0

19

41

0

61

26

42.6

35

57.4

31

29

93.5

2

6.5

5

Bình Xuyên

57

32

19

22

41

72

0

18

23

41

72

0

15

26

0

57

19

33.3

38

66.7

22

11

50.0

11

50.0

6

Phúc Yên

60

31

46

14

60

100

0

34

26

60

100

0

29

31

0

60

50

83.3

10

16.7

29

24

82.8

5

17.2

7

Tam Đảo

60

30

39

19

58

97

0

41

15

56

93

0

27

24

0

58

35

60.3

23

39.7

35

28

80.0

7

20.0

8

Lập Thạch

60

31

44

15

59

98

1

38

20

58

97

2

38

20

2

60

32

53.3

28

46.7

32

20

62.5

12

37.5

9

Sông Lô

60

38

46

14

60

100

0

41

19

60

100

0

29

26

5

60

30

50

30

50.0

34

28

82.4

6

17.6

Tổng số

540

294

295

201

496

92

7

287

208

495

92

8

218

272

10

526

276

52.5

250

47.5

276

215

77.9

61

22.1

 

Biểu số 2A phụ lục 3

BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA KHẢO SÁT ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

HV được khảo sát

Số lượng

Số năm sử dụng MT

Số lần cai nghiện MT

Hiệu quả của hình thức cai nghiện

Chất lượng phục vụ

1

2 đến 5

>5

0

1 lần

2 lần

3 lần trở lên

Tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

Tự nguyện tại CSCN

Chất lượng phục vụ

Cơ sở vật chất

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Tốt

Bình thường

Tốt và bình thường

Chưa tốt

Tốt

Bình thường

Chưa tốt

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

1

Tự nguyên

12

3

4

5

0

4

7

1

6

50

6

50

2

10

12

100

0

2

9

1

2

Bắt buộc

198

67

86

45

0

141

43

14

74

37.374

124

62.626

102

81

183

92

15

82

93

23

Cộng

210

70

90

50

0

145

50

15

80

38.095

130

61.905

104

91

195

93

15

84

102

24

 

Biểu số 2B phụ lục 3

BIỂU TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA KHẢO SÁT ĐỐI TƯỢNG CAI NGHIỆN TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

TT

HV được khảo sát

Số lượng

Hình thức cai nghiện

Biết về chế độ đối với người cai nghiện tự nguyện

Lý do đi/không đi cai tự nguyện

Bắt buộc

Tự nguyện tại gđ,cđ

Tự nguyện tại CSCN

Biết

Không biết

Quyết tâm của bản thân

Được hỗ trợ kinh phí/Kinh tế gđ

Chất lượng phục vụ của CSCN

Cả 03 lý do

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

1

Tự nguyên

12

3

0

9

9

3

6

50.0

0

0

0

0.0

6

50.0

2

Bắt buộc

198

146

28

24

86

112

93

47.0

52

26.3

15

7.6

38

19.2

Cộng

210

149

28

33

95

115

99

47.1

52

25

15

7.1

44

21.0

 

PHỤ LỤC 4

KHÁI TOÁN KINH PHÍ DỰ KIẾN CẢI TẠO CÁC HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ XUỐNG CẤP CỦA CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Địa điểm

Hạng mục

Kinh phí dự kiến

1

Khu cũ Cơ sở cai nghiện ma túy

Cải tạo, sửa chữa khu y tế, nhà ở học viên N4, N5; hệ thống sân đường, tường rào và các hạng mục phụ trợ.

17,765

2

Toàn bộ Cơ sở

Cải tạo, sửa chữa sân vườn, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, khu vui chơi và đường tuần tra bao quanh toàn bộ Cơ sở

11,309

3

Khu mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy

Cải tạo sửa chữa khu mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy (Sửa chữa hệ thống nền, tường, cửa, mái)

12,562

Tổng kinh phí

 

41,636

Số tiền bằng chữ: Bốn mươi mốt tỷ, sáu trăm ba mươi sáu triệu đồng.

 

PHỤ LỤC 5

DỰ TOÁN KINH PHÍ DỰ KIẾN MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ TỐI THIỂU CÒN THIẾU
(Kèm theo Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Tên trang thiết bị

Đơn vị

Số lượng tối thiểu quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP

Số lượng hiện có tại Cơ sở

Số lượng cần bổ sung

Đơn giá

Thành tiền

A

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH CAI NGHIỆN

 

 

 

 

 

461,8

 

I

Trang thiết bị thực hiện các hoạt động tiếp nhận, phân loại người cai nghiện

 

 

 

 

 

 

 

1

Máy vi tính + Máy in

Bộ

2

1

2

12

24

 

2

Ti vi

Cái

1

0

1

7,5

7,5

 

3

Máy bộ đàm

Bộ

1

0

1

2,5

2,5

 

4

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

 0

2

8

16

 

II

Trang thiết bị y tế thực hiện các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

 

 

 

 

 

 

 

1

Máy xông mũi họng

Cái

1

0

1

4,5

4,5

 

2

Bộ đặt nội khí quản

Bộ

1

0

2

1,5

3

 

3

Vòi rửa mắt khẩn cấp

Cái

1

 0

1

5

5

 

4

Ghế đẩu quay

Cái

10

 0

12

0,65

7,8

 

5

Các bộ nẹp chân, tay

Bộ

5

2

 5

0,5

2,5

 

6

Xoong luộc dụng cụ

Cái

1

 0

1

2,5

2,5

 

III

Trang thiết bị thực hiện hoạt động giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo dục, tư vấn

 

 

 

 

 

 

 

1

Đèn bàn

Cái

1

0

1

0,5

0,5

 

2

Máy trợ giảng

Cái

1

 0

1

2

2

 

3

Tủ sách

Cái

1

0

1

4

4

 

4

Bàn, ghế

Bộ

2

0

2

10,5

21

 

 

Thiết bị phục hồi sức khỏe

 

 

 

 

 

 

 

5

Xe đạp tập

Cái

1

0

6

13,5

81

 

6

Thảm và bộ cầu lông

Bộ

1

 0

6

30

180

 

7

Dụng cụ thể thao khác

Cái

 

0

12

3

36

 

IV

Trang thiết bị thực hiện hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Phòng

 

 

 

 

 

 

1

Ghế băng

Cái

5

 0

5

4,3

21,5

 

2

Ti vi

Cái

1

0

1

7,5

7,5

 

3

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

 0

2

3

6

 

4

Điều hòa nhiệt độ

Cái

1

 0

1

18

18

 

5

Máy lọc nước

Chiếc

1

0

 1

9

9

 

B

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO SINH HOẠT CỦA NGƯỜI CAI NGHIỆN

 

 

 

 

 

2.335,1

 

I

Trang thiết bị phục vụ phòng ở của người cai nghiện

Phòng

 

 

 

 

 

 

1

Tủ nhiều ngăn

Cái

2

 0

2

4,2

8,4

 

2

Giường tầng sắt

Cái

Theo quy mô cơ sở

45

300

3

900

 

3

Giường đơn sắt

Cái

Theo quy mô cơ sở

 400

 200

1,5

300

 

4

Bình đun nước nóng

Cái

1

0

1

2

2

 

5

Tủ cá nhân

chiếc

1

 0

1

2,7

2,7

 

6

Hệ thống phát thanh nội bộ

Bộ

1

0

1

250

250

 

II

Trang thiết bị phục vụ phòng ăn tập thể

 

 

 

 

 

 

 

1

Hệ thống chụp hút mùi inox

Cái

1

 0

5

10

50

 

2

Bếp hầm đôi Inox

Cái

1

 0

5

10

50

 

3

Bếp gas

Cái

1

0

8

5

40

 

4

Bàn ra đồ ăn inox

Cái

1

0

5

6

30

 

5

Bàn sơ chế cắt, chặt, băm

Cái

1

0

5

6

30

 

6

Thùng rác inox

Cái

5

0

45

0,5

22,5

 

7

Giá inox để gia vị, chai lọ

Cái

1

0

15

1,5

22,5

 

8

Đèn diệt côn trùng

Chiếc

1

 0

6

3

18

 

9

Bếp chiên nhúng

Chiếc

1

 0

5

3

15

 

10

Chậu rửa inox công nghiệp

Cái

1

0

5

10

50

 

11

Tủ nấu cơm Gas và điện

Cái

1

0

2

45

90

 

12

Nồi nấu canh công nghiệp điện

Cái

1

 0

5

7

35

 

13

Máy mài dao tự động

Cái

1

 0

5

2

10

 

14

Máy thái thịt tự động

Cái

1

 0

5

3

15

 

15

Máy xay thịt tự động

Cái

1

 0

5

5

25

 

16

Lò vi sóng

Cái

1

 0

5

5

25

 

17

Tủ mát bảo quản đồ ăn thừa

Cái

1

 0

1

45

45

 

18

Xe đẩy đồ ăn inox

Cái

1

0

1

3

3

 

19

Xe thu dọn đồ ăn

Cái

1

 0

6

3

18

 

20

Quạt hơi nước công nghiệp

Cái

1

 0

6

15

90

 

21

Hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời

Cái

1

 0

 1

20

20

 

22

Máy lọc nước

Chiếc

1

0

1

9

9

 

23

Cây lọc nước nóng lạnh

Cái

1

 0

 1

9

9

 

24

Bàn, ghế phòng ăn

Bộ

Theo quy mô cơ sở

 75

 300

0,5

150

 

C

TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO VIỆC BẢO VỆ, QUẢN LÝ NGƯỜI CAI NGHIỆN

 

 

 

 

 

3.215

 

1

Camera giám sát ngày và đêm (Theo dõi toàn cơ sở cai nghiện)

Hệ thống

1

0

1

3.000

3.000

 

2

Tháp đèn di động

Cái

1

 0

5

12

60

 

3

Máy dò kim loại cầm tay

Cái

1

 0

10

2

20

 

5

Ống nhòm ngày và đêm

Cái

1

 0

10

3

30

 

6

Áo khoác gile quân cảnh

Bộ

1

 0

100

0,55

55

 

8

Thiết bị báo động (còi, đèn chớp, nút bấm)

Bộ

1

 0

5

7

35

 

9

Thiết bị, công cụ hỗ trợ (Theo quy định của ngành Công an)

Bộ

1

 0

1

15

15

 

D

TRANG THIẾT BỊ DÙNG CHUNG CỦA CƠ SỞ

 

 

 

 

 

2.352

 

1

Máy phát điện dưới 50 KVA

Cái

1

0

1

55

55

 

2

Loa phóng thanh cầm tay

Cái

1

 0

5

2,5

12,5

 

3

Máy bộ đàm

Bộ

1

0

 1

2,5

2,5

 

4

Bàn làm việc

Cái

Theo quy mô cơ sở

25

 15

5

75

 

5

Giá sắt để hồ sơ

Cái

1

0

 5

8

40

 

6

Ghế

Cái

Theo quy mô cơ sở

34

30

1

30

 

7

Bếp điện

Cái

1

 0

9

3

27

 

8

Lò sưởi điện

Cái

1

 0

15

5

75

 

9

Máy sấy công nghiệp

Chiếc

1

0

2

400

800

 

10

Máy giặt công nghiệp

Chiếc

1

0

3

400

1.200

 

11

Xe đẩy đồ vải inox

Cái

1

 0

5

7

35

 

Cộng

 

 

 

 

 

8.364

 

Số tiền bằng chữ: Tám tỷ, ba trăm sáu mươi tư triệu đồng.



[1] Quan điểm chỉ đạo Chỉ thị số 36 - CT/TW: Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội.

[2] Theo Luật xử lý vi phạm hành chính “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.

[3] Điều 32, Điều 33 Luật Phòng, chống ma tuý 2021 quy định: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:(1) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; (2) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; (3) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;(4) Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện;

 

[4] Khoản 1 Điều 85 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định tránh nhiệm của UBND cấp tỉnh bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự cho các cơ sở cai nghiện công lập.

[5]Báo cáo số 193/BC-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022.

[6] Báo cáo số 271/BC-UBND ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và báo cáo Kết quả công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Sở Lao động - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc..

[7] Tính theo tỷ lệ quy định tại điểm b, khoản 2, điều 6, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ: diện tích phòng ở bình quân 06 m2/đối tượng; đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 08 m2/đối tượng

[8] Theo quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì danh mục, phương tiện tối thiểu của cơ sở cai nghiện ma túy công lập gồm 191 trang, thiết bị. Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy đã được đầu tư 120 trang, thiết bị, còn thiếu 71 trang, thiết bị.

[9] Theo quy định tại Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBBXH thì đối với Cơ sở cai nghiện ma túy có từ 100 đến dưới 500 học viên thì 01 cán bộ quản lý 07 học viên bắt buộc và 09 học viên tự nguyện (không bao gồm Ban Giám đốc).

[10] Theo quy định tại khoản 3, điều 12 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, tối thiểu phải có 7-9 người thực hiện.

[11] Theo Nghị định 221, Nghị định 136 và Luật xử lí vi phạm hành chính cũ thì người nghiện trước khi bị bắt buộc đưa vào cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh phải được giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong thời gian giáo dục nếu bị phát hiện sử sụng trái phép chất ma túy thì mới làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính phức tạp phải qua nhiều đầu mối.

[12] Trong 3 năm 2016-2018 (trước khi ban hành Nghị quyết 39) số người cai nghiện tự nguyện là 48 người; 2019-2021 (sau khi ban hành Nghị quyết 39) số người cai nghiện tự nguyện là 69 người, tăng 43%

[13] (1) Khu lưu trú tạm thời đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc.(2) Khu cai nghiện ma túy bắt buộc;(3) Khu cai nghiện ma túy tự nguyện; (4) Khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (5) Khu cai nghiện cho người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (6) Khu cai nghiện cho người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của Cơ sở cai nghiện ma túy. Trong các khu trên, bố trí khu riêng cho nam giới và khu riêng cho nữ giới. Người có sự khác nhau giữa thực thể và giới tính ghi trong hồ sơ, lý lịch được quản lý tại phòng riêng trong khu vực theo giới tính biểu hiện trên thực thể học viên.

[14] Cơ cấu tổ chức dự kiến gồm: Ban Giám đốc, 04 phòng chuyên môn và 06 khu.

[15] Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được giao 35 viên chức và 13 lao động hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ

[16] Định mức chi cho đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc là 23,303 triệu đồng/năm, đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện là 10,924 triệu đồng/6 tháng.

[17] Tính theo tỷ lệ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ: diện tích đất tự nhiên cho 01 đối tượng: 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi

[18] Điểm b khoản 2, Điều 6, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định diện tích phòng ở bình quân 06 m2/đối tượng; đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 08 m2/đối tượng.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản