Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2022 thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2022 thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: | 14/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc | Người ký: | Lê Duy Thành |
Ngày ban hành: | 20/05/2022 | Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
Số hiệu: | 14/CT-UBND |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký: | Lê Duy Thành |
Ngày ban hành: | 20/05/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Đã biết |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Vĩnh Phúc, ngày 20 tháng 5 năm 2022 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã triển khai, thực hiện nghiêm túc; tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý; việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương còn hình thức, chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em rất hạn chế; một số địa phương không thực hiện chế độ thông tin báo cáo vụ việc tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra trên địa bàn để kịp thời có biện pháp chỉ đạo khắc phục; kinh phí bố trí cho hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về phía gia đình còn buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình; bản thân trẻ em thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu và tự cứu đuối nước...
Để bảo đảm môi trường sống an toàn, kịp thời ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em…. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
1. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh
1.1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, các chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh về Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Văn bản số 2339/UBND-VX4 ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước; Thông báo Kết luận số 84/TB-UBND ngày 29/04/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tại Hội nghị triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 2797/UBND-VX4 ngày 03/05/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện Công điện 398/CĐ-TTg ngày 02/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình, trong chỉ đạo điều hành, cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
1.3. Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước.
1.4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, điện giật, rơi, ngã từ nhà cao tầng đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
1.5. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em.
2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình… trong việc phòng, chống đuối nước trẻ em theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh; báo cáo UBND tỉnh theo quy định
Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên , UBND huyện, thành phố tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, chi tiết, sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cả trên 3 phương thức: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, tài liệu, ấn phẩm...), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, tuyên tuyên truyền thông qua nhà trường, cơ quan, lớp học và các tổ chức chính trị. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và nâng cao được nhận thức, hiểu biết của người dân trong cộng đồng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.
Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho trẻ em. Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất có thể phục vụ cho việc tập huấn, dạy bơi cho các em.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ sở theo định kỳ và đột xuất; tổ chức các cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tuyệt đối nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý.
2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các nhà trường tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trước khi nghỉ hè năm học 2022. Định kỳ hằng quý mời các chuyên gia, các cơ quan chức năng đến nói chuyện, hướng dẫn, đảm bảo 100% học sinh đến trường được tuyên truyền về kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước đối với trẻ em.
Gắn trách nhiệm với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm trong việc hướng dẫn và quản lý học sinh trong thời gian học tập tại nhà trường; tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và các em học sinh về các nguy cơ, các phương pháp phòng tránh tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt mô hình “Trường học an toàn”, “Mùa hè an toàn”, phòng, chống đuối nước trẻ em. Phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra đuối nước trẻ em và tổ chức cảnh báo kịp thời.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em. Nghiên cứu, ban hành tài liệu tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em để sử dụng thống nhất trong hệ thống các trường học. Phân bổ tiết học ngoại khóa về nội dung phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trong các nhà trường và có tổ chức kiểm tra, đánh giá nhận thức của học sinh.
Tăng cường công tác chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hàng năm và triển khai thường xuyên, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.
2.3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….và tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân trong tỉnh (trong đó có trẻ em). Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, bể bơi… giảm giá vé cho trẻ em trong dịp hè.
Khẩn trương đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai ngay Chương trình bơi an toàn cho trẻ em do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo Quyết định 3246/QĐ-BVHTTDL ngày 14/12/2021 phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 (triển khai trước mùa hè năm 2022, nhất là các địa bàn xảy ra nhiều tai nạn đuối nước trẻ em).
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định an toàn tại các bể bơi; không cấp phép hoạt động đối với những bể bơi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn bơi. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.
2.4. Sở Xây dựng
Rà soát việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn trong xây dựng.
2.5. Sở Giao thông vận tải
Tham mưu chỉ đạo xây dựng chương trình văn minh, văn hóa giao thông và các chương trình an toàn giao thông khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối tại các cấp trường trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ tổ chức tuyên truyền đến 100% các điểm trường, lớp học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về an toàn giao thông.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa cho người dân và trẻ em. Nhân rộng các mô hình an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em, mô hình "Cổng trường an toàn giao thông"
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra giao thông đường bộ, đường thủy để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy.
Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn và giáo dục kỹ năng tham gia giao thông đảm bảo an toàn tuyệt đối giao thông đối với người dân (đặc biệt là các trẻ em tại các địa phương).
2.6. Sở Y tế
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn đuối nước. Tổ chức các chương trình hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu đối với các cơ sở y tế cơ sở và cộng đồng dân cư để đảm bảo kịp thời sơ cứu, cấp cứu khi có trường hợp đuối nước xảy ra tại các địa phương; nâng cao kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ chuyên trách ở các tuyến huyện, xã. Triển khai thực hiện tốt mô hình “làng xã an toàn” trong phòng , chống tai nạn đuối nước trẻ em.
2.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương rà soát các công trình chứa nước, sông, ao, hồ, các khu vực nước sâu nguy hiểm, các công trình thủy lợi thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em để gia cố, cải tạo, lắp đặt rào chắn và các biển cảnh báo nguy hiểm; chủ động phòng ngừa đuối nước cho trẻ em.
Triển khai, áp dụng các biện pháp an toàn tại các hồ đập, sông suối, hồ thủy lợi phục vụ tới tiêu … đảm bảo an toàn cho người dân (đặc biệt là trẻ em) để phòng ngừa tai nạn đuối nước có thể xảy ra; tổ chức lồng ghép công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong phòng, chống thiên tai, bão lũ.
2.8. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo việc tổ chức rà soát, kiểm tra các mỏ đất, mỏ cát, khoáng sản... khai thác xong nhưng không hoàn trả lại mặt bằng dẫn đến việc tạo thành các ao, hồ, hố sâu nguy hiểm khi mùa mưa đến, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân (đặc biệt là trẻ em).
2.9. Sở Tài chính
Bố trí đảm bảo đủ kinh phí cho các chương trình phòng, chống đuối nước đối với trẻ em; chịu trách nhiệm về việc cắt giảm kinh phí gây ra các hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động phòng chống đuối nước đối với trẻ em.
Thẩm định và tham mưu phân bổ kinh phí ngay từ đầu năm theo khả năng cân đối ngân sách cùng thời điểm lập dự toán kinh phí hàng năm của các đơn vị để phục vụ cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.
2.10. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương rà soát các dự án đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu cho thanh thiếu nhi về sinh hoạt trong dịp hè hàng năm trên địa bàn dân cư.
2.11. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền cảnh báo về tình hình đuối nước trẻ em; tuyên truyền cho người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa bão; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, các thông điệp truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; cảnh báo những khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em.
Tổ chức tuyên truyền hàng ngày, hàng giờ trên tất cả các phương tiện, các mạng xã hội (facebook, zalo … và các trang mạng xã hội khác) các ứng dụng công cộng … để đông đảo người dân (đặc biệt là trẻ em) được biết và phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra.
Phối hợp với Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tại các báo, kênh truyền hình, website của cơ quan, đơn vị … để tuyên truyền, hướng dẫn người dân (đặc biệt là học sinh và trẻ em) về các giải pháp, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
2.12. Công an tỉnh
Phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, phòng ngừa đuối nước trẻ em; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; phối hợp quản lý các bến đò ngang, bến đò tự phát, phương tiện thủy nội địa nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy và đuối nước trong đó có đuối nước trẻ em. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại trong các vụ đuối nước nói chung và đối nước trẻ em nói riêng.
3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể
3.1. Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh
Xây dựng và phát động phong trào về phòng chống đuối nước tại tất cả các thôn, xã, các tụ điểm dân cư … nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Phát hiện các địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em và phối hợp với chính quyền các địa phương kịp thời triển khai giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em; đẩy mạnh triển khai các hoạt động của phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
3.2. Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương duy trì tổ chức Chương trình tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội cho 100% học sinh trung học cơ sở, học sinh tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, trẻ em và cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em vào hoạt động của Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, hướng dẫn thanh thiếu nhi vui chơi giải trí an toàn; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dạy, học và thi bơi cho trẻ em.
Cắm biển cảnh báo cho 100% các địa chỉ nguy hiểm, địa bàn, hồ đập, sông ngòi, ao, đầm … có nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
3.3. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước cho con em tại gia đình, cộng đồng. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền cho 100% các cấp và tổ chức hội về các chương trình, hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội tại các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
3.4. Hội Cựu Chiến binh tỉnh
Phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp tổ chức huấn luyện, tập bơi cho thanh niên; thiếu niên và vận động nhân dân tham gia hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em; xây dựng mô hình điểm “Cựu chiến binh với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phòng chống đuối nước”; rà soát, tổng hợp và cắm biển cảnh báo tại các ao, hồ, đập, vùng nước nguy hiểm trên địa bàn.
Phối hợp với các địa phương, đoàn thể, trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em khi vui chơi, nhắc nhở trẻ em không tắm ở những nơi có nguy cơ đuối nước cao như: Ao, hồ, sông, suối, … với phương châm “phòng” là chính, các Chi hội Cựu chiến binh đẩy mạnh tuyên truyền tới gia đình các hội viên vận động con cháu mình không tắm, bơi, chơi ở những nơi nguy hiểm.
Thống kê, rà soát các địa bàn dân cư trong tỉnh để tổng hợp danh sách các ao, hồ, hố nước sâu, bãi tắm, vùng nước…nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ tai nạn đuối nước.
Triển khai mô hình Chi hội Cựu chiến binh cơ sở, tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tích cực tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức huấn luyện kỹ năng cứu đuối cho các hội viên Cựu chiến binh.
3.5. Hội Nông dân tỉnh
Chỉ đạo rà soát, xử lý ngay các hố ga, các khu ao hồ, hố nước sâu nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh. Thời hạn: xong trước ngày 30/5/2022.
Phối hợp với các ngành chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động hội viên, nông dân, đặc biệt là các gia đình có con ở độ tuổi dễ bị tai nạn đuối nước tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; đưa nội dung phòng, chống tai nạn đuối nước vào chương trình tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng.
4. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
Tập trung triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn mà có nguyên nhân chủ quan từ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của cơ quan chức năng hoặc để xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương mà không có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Chịu trách nhiệm tuyệt đối về người đứng đầu nếu lơ là, chủ quan, không rà soát dẫn đến tồn tại các nguy cơ, tai nạn đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn quản lý.
Tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương trên các phương thức (đặc biệt tập trung trong mùa hè và kỳ nghỉ hè của các em học sinh, sinh viên): Tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, các phim tài liệu, nội dung sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp tổ dân phố .v.v.
Chỉ đạo tăng cường thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống; kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước; kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội... cho trẻ em trên địa bàn.
Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động các gia đình tại địa phương thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tổ chức đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em.
Kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, cụ thể như làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực nguy cơ xảy ra đuối nước… ; phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích và các nguy cơ mất an toàn khác cho trẻ em tại địa bàn và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm “Môi trường sống an toàn” cho trẻ em.
Chỉ đạo các ngành chức năng cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức việc rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em.
Nghiên cứu đưa chỉ tiêu giảm số trẻ em bị đuối nước trên địa bàn gắn với nhiệm vụ người đứng đầu địa phương cấp huyện, xã; là chỉ tiêu tính điểm thi đua hằng năm của đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, cơ quan, đơn vị, trường học quản lý trẻ em phải chịu trách nhiệm khi để xảy tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước.
Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban điều hành cấp huyện, xã; tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra cấp xã trong việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Quá trình kiểm tra cần chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nội dung cần khắc phục của địa phương bằng văn bản và theo dõi kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế sau kiểm tra. Có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em; phê bình, xử lý kỷ luật nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm, buông lỏng, thiếu trách nhiệm để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em.
Bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương.
Trường hợp xảy ra các vụ việc trẻ em bị đuối nước trên địa bàn phải chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguyên nhân; xử lý trách nhiệm liên quan; có biện pháp cảnh báo kịp thời để người dân, gia đình và trẻ em có ý thức phòng tránh; báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ nêu trên có trách nhiệm xây dựng và gửi báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện Chỉ thị này (qua Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung và báo cáo UBND tỉnh. Thời hạn: Chậm nhất ngày 25/11 hằng năm.
Báo cáo đột xuất các vụ việc trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước: UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện báo cáo nhanh với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh để báo cáo trực tiếp hoặc qua điện thoại đến Lãnh đạo UBND tỉnh ngay sau khi sự việc xảy ra và báo cáo bằng văn bản trong vòng 03 ngày kể từ ngày xảy ra vụ việc tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải chủ trì, cùng với Lãnh đạo các sở ngành, đơn vị (Tài chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố …) phải có mặt tại nơi xảy ra đuối nước trẻ em ngay sau khi vụ việc tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh để cùng khắc phục hậu quả và bàn, thống nhất giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em phù hợp trong thời gian tiếp theo.
Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Căn cứ Chỉ thị này các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên địa bàn; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cần nghiên cứu ban hành ngay văn bản chi tiết để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em đuối nước đến mức thấp nhất; đưa nội dung phòng, chống đuối nước vào chỉ tiêu thi đua đánh giá phân loại chính quyền và bình xét khen thưởng hàng năm.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Sở Nội vụ khẩn trương bổ sung nội dung và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện thanh tra theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
(Không có nội dung)
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
-
Ban hành: {{m.News_Dates_Date}} Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}} Tình trạng: {{m.TinhTrang}} Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}} Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}Tình trạng: {{m.TinhTrang}}Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...
Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây