Xin hỏi theo quy định hiện nay những trường hợp nào sẽ thôi làm hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở? - Khả Vy (Vĩnh Long)
Trường hợp thôi làm hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Tiêu chuẩn hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở theo Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 thì người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
Trường hợp thôi làm hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở theo khoản 1 Điều 11 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 gồm:
- Theo nguyện vọng của hòa giải viên;
- Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại mục 1;
- Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.
Quy định về bầu, công nhận hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở theo Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 như sau:
- Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.
- Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:
+ Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;
+ Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.
- Kết quả bầu hòa giải viên:
+ Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;
+ Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;
+ Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;
+ Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.
Quyền của hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở theo Điều 9 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 như sau:
- Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.
- Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.
- Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.
- Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.
- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.
- Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |