Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến và phát triển, kèm theo đó là vấn đề hình ảnh cá nhân bị sử dụng tràn lan. Vậy sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được phép có phải bồi thường?
Sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được phép có phải bồi thường? (Ảnh minh họa)
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định định nghĩa cụ thể thế nào là quyền hình ảnh. Ngay cả trong Điều 32 BLDS 2015 nêu trên quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh cũng chỉ quy định chung chung “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình” mà không chỉ ra cụ thể quyền nhân thân đối với hình ảnh là gì. Tuy nhiên, thông qua quy định tại Điều 32 BLDS thì quyền hình ảnh được hiểu là quyền của cá nhân, gắn liền với cá nhân trong việc sử dụng, định đoạt hình ảnh của mình. Đây là quyền nhân thân của cá nhân và được pháp luật bảo vệ.
Việc sử dụng hình ảnh phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác nhằm thực hiện mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh được sử dụng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp việc sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Những trường hợp cụ thể như sau:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Trong trường hợp hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái quy định pháp luật thì theo quy định tại Điều 32 BLDS, người có hình ảnh bị sử dụng trái pháp luật sẽ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu hình ảnh của cá nhân bị sử dụng trái quy định pháp luật gây ra các thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người có nghĩa vụ bồi thường phải bồi thường theo các khoản kể trên và thêm một khoản tiền bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, nếu người có hình ảnh bị sử dụng trái phép gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần theo quy định của BLDS trừ trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |