Những trường hợp chấm dứt quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự

Xin cho tôi hỏi những trường hợp nào thì bị chấm dứt quyền sở hữu theo quy định của pháp luật? - Xuân Uyên (Lâm Đồng)

Những trường hợp chấm dứt quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

Theo Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.

- Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.

- Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.

- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.

- Tài sản bị trưng mua.

- Tài sản bị tịch thu.

- Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.

- Trường hợp khác do luật quy định.

2. Chấm dứt quyền sở hữu do chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác

Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.

(Điều 238 Bộ luật Dân sự năm 2015)

3. Chấm dứt quyền sở hữu do từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

(Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015)

4. Chấm dứt quyền sở hữu do tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác

Tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định tại các điều từ Điều 228 đến Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt.

Khi quyền sở hữu của người chiếm hữu, người được lợi về tài sản đã được xác lập theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc quy định khác của luật có liên quan thì chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị chiếm hữu.

(Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2015)

5. Chấm dứt quyền sở hữu do xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu

- Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác.

- Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật.

- Quyền sở hữu đối với tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu chấm dứt tại thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người nhận tài sản đó.

- Việc xử lý quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

(Điều 241 Bộ luật Dân sự năm 2015)

6. Chấm dứt quyền sở hữu do tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy

Khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt.

(Điều 242 Bộ luật Dân sự năm 2015)

7. Chấm dứt quyền sở hữu do tài sản bị trưng mua

Trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.

(Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2015)

8. Chấm dứt quyền sở hữu do tài sản bị tịch thu

Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.

(Điều 244 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

4235 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;