Khi NLĐ làm việc tại một cơ quan, tổ chức thì đương nhiên kinh phí công đoàn sẽ được đóng tại chính cơ quan, tổ chức đó. Nhưng nếu NLĐ làm việc tại hai nơi thì kinh phí công đoàn đóng ở đâu?
- 05 quyền lợi của NLĐ khi bị DN đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật từ 2021
- Doanh nghiệp có bị phạt khi báo tăng/giảm lao động muộn?
NLĐ làm việc tại hai nơi, kinh phí công đoàn đóng ở đâu? (Ảnh minh họa)
1. Kinh phí công đoàn là gì?
Kinh phí công đoàn là khoản tiền tài trợ cho hoạt động đoàn ở các cấp; được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hoặc chưa có tổ chức công đoàn cơ sở đóng. Theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 thì mức kinh phí công đoàn hiện nay phải đóng là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
Theo Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn thì kinh phí công đoàn sẽ được phân phối đến công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên như sau:
- Đối với cơ quan, tổ chức có công đoàn cơ sở:
+ Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và được sử dụng 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
+ Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
+ Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn nộp lên công đoàn cấp trên tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
+Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng có trách nhiệm cấp cho công đoàn cơ sở (đơn vị nộp kinh phí công đoàn) trong vòng 05 ngày làm việc.
- Đối với cơ quan, tổ chức không có công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động đoàn sẽ trả lại cho công đoàn cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức công đoàn.
Như vậy, kinh phí công đoàn là một nguồn thu quan trọng, và sẽ được phân phối đến công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên để tổ chức các hoạt động đoàn ở các cấp. Các hoạt động này được quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn 2012:
-
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
-
Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
-
Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
-
…
-
Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
-
Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
-
Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp.
Những hoạt động này vừa giúp phát triển công đoàn lại vừa giúp mang lại lợi ích cho NLĐ. Do đó, kinh phí công đoàn là số tiền cố định theo luật định mà các cơ quan, tổ chức phải chi trả.
2. NLĐ nếu làm hai nơi thì sẽ đóng kinh phí công đoàn tại nơi nào?
Như đã phân tích ở trên, kinh phí công đoàn là khoản tiền mà công ty sẽ phải trích ra 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ, chứ không phải là tiền lương đóng BHXH. Do đó, cho dù NLĐ làm ở 02 hay 03 công ty đi chăng nữa thì các công ty này cũng sẽ đều phải đóng khoản tiền này vì đây là nguồn thu để chăm lo cho quyền lợi của NLĐ tại doanh nghiệp, dù NLĐ làm việc tại nhiều nơi nhưng quyền và lợi ích của họ tại mỗi nơi cũng sẽ được pháp luật về công đoàn bảo vệ.
Phương Thanh
- Từ khóa:
- Luật Công đoàn 2012
- Phí công đoàn